Mùa lá rụng trong vườn

Chương 15

Mùa hè ấy là một mùa hè nóng nực, bức bối nhất mà Luận đã từng sống. Nhiệt độ không khí ngoài trời có ngày lên tới bốn mươi độ, cái độ kỉ lục. Và bây giờ, khi cái mùa hè nóng nực, bức bối ghê gớm ấy đang chậm chạp qua đi, mỗi ngày nhiệt độ tụt xuống một chút và buổi tối đã thoáng hơi sương thu, kí ức Luận vẫn nhức nhối vì nổi cộm hình ảnh hàng dãy thùng rỗng không xếp hàng dài dằng dặc chờ đến lần hứng nước ở các vòi nước công cộng. Mùa hè trở nên hữu hình với cái ấn tượng người ngồi la liệt trên hè phố suốt đêm, trong đêm vắng tiếng người nói chuyện lao xao từ đầu phố vọng lại, khiến Luận có cảm giác thành phố trở nên vô cùng chật chội và bức bí đến ngạt thở.

Mùa hè ấy thật đáng ghi những dòng đậm nét vào Bút kí gia đình vì các sự kiện đã xảy ra. Ông Bằng vẫn nằm điều trị ở bệnh viện và đã liệt nửa người; vợ Cừ vẫn sống với tâm trạng của kẻ đứng chơ vơ bên lề đường hắt hủi. Mùa hè ấy Luận phải làm một việc bất đắc dĩ. Đến một cơ sở sản xuất để phản ánh, điều tra với tư cách một phóng viên, việc ấy Luận đã quá quen. Nhưng, đến để đề nghị giải quyết một việc thuộc nội bộ gia đình thì mới có một lần vì chuyện thằng Cừ hồi nào. Phượng tán thành thái độ có trách nhiệm của Luận về việc Lý, yêu cầu Luận giục Đông đến xí nghiệp Lý hỏi han trao đổi tình hình Lý. Luận hoà giải với ông anh, đặt vấn đề thẳng thắn với ông. Nhưng ông anh lại ngần ngừ, rồi gãi đầu gãi tai ầm ừ: "Ừ, kể cũng được… Nhưng chuyện này cũng có cái khó của nó. Với lại đây là chuyện gia đình… ". Một ngày qua. Một tuần qua lần khân, ậm ờ, rồi bỏ bẵng, Luận nghĩ về tấn thảm kịch của thằng Cừ, lại nhớ chuyện đồn đại rất đáng sợ về một cô y sĩ nào đó bỏ chồng lấy gã chuyên gia Thuỵ Điển, như nhớ tới những lời cảnh tỉnh, đành phải một mình đến thẳng xí nghiệp bà chị dâu, gặp Đảng uỷ, Giám đốc, Công đoàn, kể lại tình hình vợ chồng Đông - Lý, những diễn biến gần đây và yêu cầu đừng để Lý đi công tác xa, vì theo anh, một mối nguy hiểm đã lấp ló hiện ra có thể dẫn đến những tai hại không lường, sau chuyến đi Sài Gòn vừa rồi của Lý.

Thật sự là thiện ý, là trong sáng, nhưng Luận vẫn chuẩn bị đón nhận sự trả thù của Lý. Người phụ nữ này đáo để và giàu tự ái lắm. Nhưng, hình như không có việc gì xảy ra, ngoài việc một hôm Phượng hỏi anh: không hiểu sao bà trưởng phòng lại nói chuyện với các cô nhân viên trong phòng rằng không thể tin cô Phượng được. Đồng thời, bà ta lại tiếp tục xét nét quá quắt đối với mỗi cử chỉ, hành vi, lời nói của Phượng. Bà đã nhận được thư vu cáo của Lý? Hay là vì Phượng đã gặp gỡ ông

giám đốc, thông cảm với ông về việc hoãn trừ nợ ông cho đến tháng tới, và được nghe ông nói rằng: “Cô cứ trừ khoản nợ ấy đi cho tôi thanh thoả. Khổ quá! Bà ấy lo hộ tôi làm gì!"

Chuyện có vẻ êm ngay cả trong gia đình. Trừ một đêm nghe thấy tiếng ầm ầm ở buồng vợ chồng Đông - Lý, sáng sau thấy mặt Đông nằng nặng. Vợ Cừ ỏn thót: “Chị Phượng ạ, anh Đông anh ấy quát to lắm. Hình như anh ấy tát chị Lý. Em đứng ở dưới vườn lúc đó, em nghe thấy cả tiếng xô đẩy đồ đạc kia! Nhưng tịnh không nghe thấy tiếng chị Lý nói!”

Rồi yên tĩnh. Yên tĩnh bắt đầu từ Lý.

Yên tĩnh như những đêm cuối hạ đầu thu ở khu vườn cây bắt đầu đứng lá. Đêm sao đã nhạt. Bóng tối nhoè vì hơi sương đã đậm. Con mèo đen leo lên cây có lúc làm gãy một cành cây khô, nhánh cây rơi xuống đất, gieo một tiếng động ngắn ngủi, hiền hiền. Đông dọn sang buồng ông Bằng, nói là để trông nom buồng cha. Thỉnh thoảng Đông lại vặn máy hát. Đĩa cũ, kim mòn, tiếng nhạc thả ra rè rè:

Vườn khuya thanh vắng, hoa đứng im, rải bóng mờ.

Trời đêm xao xuyến…

Ngập ngừng mùa thu đến.

Đã thôi cái nắng chói lọi, gắt gay. Mỗi sáng đi làm Lý mặc áo sơ mi dài tay nhuộm pin đèn hồi đánh Mỹ. Chị dịu lại như được ướp sương thu. Chị làm lành trở lại với Phượng và vợ Cừ rất nhanh, rất dễ. Một hôm đi làm về, chị xách cái làn xộc thẳng vào buồng Phượng, réo rắt rất hồn nhiên:

- Phượng ơi, kinh khủng quá! Con mụ vợ lão Thứ trưởng ấy mà, bị tụi con nó đánh, xé tan cả quần áo ra. Lão nhân tình thì bị khu phố họ triệu ra trụ sở, lập biên bản. Hoá ra hai đứa canh ti buôn kim cương, đô la cậu ạ! Thế có tởm không?

Vợ Cừ đang ngồi nhặt rau, ngẩng lên láu táu bắt chuyện:

- Em đi gánh nước, thấy công an họ khám một nhà ở gần phố, lấy ra cả một bao tải tiền.

- Cho chúng nó chết! - Lý nghiến răng. - Thật là ăn thịt bò mà lo ngay ngáy chưa! Cô Cừ thấy có phải không? Cứ rau muống mà ngáy o o như chị em mình mà sướng!

Rồi sực nhớ, giọng Lý hạ xuống, vuốt dài mềm như mây:

- À, cô Cừ này, để tôi hỏi cho một chỗ làm. Cấp dưỡng có được không? Lúc đầu cứ thế đã, cô ạ. Khổ! Nghĩ người lại nghĩ đến mình. Cam lòng chua xót nhạt tình bơ vơ là thế! Cô nấu canh rau đay à? Này, cho xóc cua mà nấu cho trẻ mỏ nó ăn. Cua giờ cũng ba hào một ông đấy!

Lý sà xuống cạnh vợ Cừ, tanh tách nhặt rau. Vợ Cừ thật thà khen Lý mặc áo nào cũng đẹp. Lý giới thiệu cái áo nhuộm nguỵ trang thời đánh Mỹ mặc đẩy xe bánh đi bán dưới mưa bom bão đạn: “Tớ còn lên gác thượng tiếp đạn cho cao xạ đấy! Nam giới có ông nhát bỏ mẹ. Máy bay nó xay lúa ù ù quanh Hà Nội, cứ chúi đầu vào gầm cầu thang, cấm có dám ló mặt ra!" Ba người cười khanh khách. Tưởng như trước đó giữa họ chưa hề xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Với Luận, sự trở lại quan hệ bình thường có khó hơn. Luận là đàn ông, lại vốn là kẻ hay khinh ngạo sự tầm thường, xấu xa. Cuộc va chạm như vậy thật là một xúc phạm quá nặng nề. Cứ nghĩ: rồi đây khó mà có thể còn nhìn được mặt nhau nữa kia. Nhưng chính Luận đã tự giải thoát mình, kể từ sau lúc trò chuyện với ông Tổng biên tập. Sau cùng là lòng tốt của anh xưa nay bao giờ cũng chế ngự được những thói xấu vặt vãnh ở mình. Hơn nữa, anh vẫn giữ được niềm tin ở bà chị dâu. Cái áo nhuộm màu pin đèn như chứng chỉ của sự hồi tâm, Lý vẫn gây được cảm mến ở anh.

Một chiều, Luận đi công tác về, thấy ba người phụ nữ lúi húi ở vườn rau, vừa xới đất vừa trò chuyện rất vui vẻ. Anh đi tới thì bà chị dâu ngẩng ngay lên, mặt tươi roi rói, bắt chuyện với anh một cách hết sức tự nhiên và thân thiết đến bất ngờ:

- Chú Luận hồi này trông có da có thịt ra dáng rồi đấy. Phượng, mày bồi dưỡng cho ông ấy, hả? Này, thế nào năm nay chú cũng được tăng lương, lên chức đây, chú Luận à!

Luận cười mặn mà:

- Sao chị biết, chị Lý?

- Tôi trông chú có lộc tôi biết chứ! Đúng không nào?

- Bà này chắc mới học lỏm được cách xem tướng số rồi.

- Bất biết! Tôi hỏi chú: có đúng là sắp được lên chức không? Trả lời đi!

- Đúng. Nhưng, có gì là quan trọng!

- Không quan trọng! - Lý chống cuốc, đứng thẳng lên. - Y xì như ông anh trai. Không quan trọng! Thế thì tại sao tổ chức người ta không bạ ai cũng đề bạt bừa đi. Nói thật nhé, từ ông cụ tới mấy anh em trai nhà ông ấy, sống cứ như trên mây. Cái lí ở đâu lại khinh rẻ tiền bạc, vật chất, coi thường chức vụ nhỉ?

- Giỏi! Giỏi! Bà này lí luận nghe cũng được đấy. - Luận gật gật đầu.

Lý đắc chí:

- Nghe được quá đi chứ! Này, ông Đông nhà ông cũng thua tôi chứ tưởng. Này Phượng này, ông Đông tâm ngẩm tầm ngầm mà văn hay ra phết. Dạo này ông ấy chăm viết thư cho thằng Dư lắm. Viết xong lại đưa tớ xem. Tớ bảo: “Tả cảnh, kể chuyện hay thế này, giá đi làm báo, làm nhà văn, có khi chức tước, bổng lộc còn khá hơn đấy!” Ông ấy vặn: “Trung tá rồi, còn đòi gì nữa!" Tớ đốp luôn: “Tôi mà có trình độ, có quá trình như ông, tôi phải… đại tá!”

- Ha ha… - Phượng, vợ Cừ bật cười vui vẻ.

Luận cười rũ:

- Bây giờ chị chỉ huy cả ông trung tá thì mặc nhiên kém nhất chị cũng là đại tá rồi còn gì!

Khu vườn rau nho nhỏ ran ran những chuyện đời linh tinh, kéo con người lại gần nhau. Phượng khen Lý mát tay trồng cây nào tốt cây ấy. Lý khuyên vợ Cừ trong khi đợi việc, hãy nuôi lợn. Nuôi lợn thu nhập một tháng bình quân ba trăm. Khối người nhờ nuôi lợn mà có xe đạp, có đài, có nhà. Nuôi lợn đi. Lý sẽ mua hộ bột cá cho. Lý thành thật: "Cô khổ, tôi yên lòng sao? Chị em với nhau, không thương nhau thì thương ai?" Chuyển sang chuyện ông Bằng, bà Chí, Lý chép miệng: Bà Chí cũng thật tội nghiệp. Một đời nhân hậu, một đời thiệt thòi. Hai cụ làm bạn tuổi già cũng hợp cảnh hợp tình. Rồi tới chuyện thằng Cần sắp đi học ở nước ngoài về. Lý hùng hổ: "Nó muốn lấy vợ, tôi sẽ giới thiệu cho nó một em hết ý!"

Luận vui hoà hợp. Thiện cảm đằm thắm với bà chị dâu lại trở lại với anh. Nhưng khi thấy bà chị dâu tươi đẹp đang sống phóng khoáng, ồn ã, nay sáng sáng khoác cái áo nhuộm pin đèn đi làm, thu mình trong một đời sống khuôn khổ, giản dị, anh lại thấy ái ngại thế nào. Lý hình như đang cố khép mình lại. Lý không giống Phượng. Phượng sống như thế vì bản chất của Phượng là vậy.

Một đêm khuya, ngồi đan cạnh chồng, Phượng bỗng nói:

- Anh Luận ạ, lúc chị Lý dựng chuyện vu khống em, em thấy xấu hổ cho chị ấy quá. Em nghĩ: thôi thế là chẳng còn chị em gì với nhau nữa đâu. Nhưng thấy chị ấy nghĩ lại thì em quên hết, em mừng quá, em lại thương chị ấy.

Luận gật đầu:

- Anh tin ở tác dụng của công luận, ở sự giáo dục của cơ quan, đoàn thể, tin ở chính chị ấy nữa. Với lại em đã thấy mặt gã Trưởng phòng Vật tư ở xí nghiệp chị ấy chưa? Xấu xí, gian ngoan kinh hồn. Bà Lý nhà ta đẹp như hoàng hậu, lại thông minh sắc sảo. Lãnh đạo xí nghiệp họ khen bà ấy hết lời đấy, em ạ.

- À, nói chuyện hoàng hậu em lại sực nhớ! Chị Lý hôm qua cũng kể cho em nghe chuyện cô y sĩ lấy gã Thuỵ Điển đúng như anh kể. Chị ấy bảo: cô y sĩ ấy là bạn chị. Hồi Tết đi xem bói, người ta bảo cô ta sẽ là hoàng hậu. Chị ấy kể chuyện ấy mà giọng cứ như không mới sợ chứ anh.

Nghe giọng Phượng, Luận hiểu vợ anh vẫn bị ám ảnh vì độ ghê tởm của câu chuyện và chị đang phấp phỏng một mối lo, do liên tưởng xa gần, Luận vội nói:

- Ai thì cũng phải lựa chọn, em ạ. Ta cũng vậy. Có điều ta thì dứt khoát vì bản chất của ta là vậy. Chị Lý thì có gì đó hơi bấp bênh, nhưng, anh tin chị ấy biết đâu là giới hạn.

Hai vợ chồng tiếp tục bàn về Lý và mừng lo thấp thỏm. Nhưng, một hôm cả hai đều giật mình lo sợ vì một tin vợ Cừ đưa ra: Đông dọn lên ở tại buồng ông Bằng, nói là để trông nom buồng ông cụ, nhưng thật ra là để cách li Lý; hai người sau lần xô xát, Đông tát Lý, vẫn chia rẽ ngấm ngầm và bây giờ họ sống li thân nhau.

Luận bần thần mấy ngày liền về tin này. Cô vợ Cừ xem ra cũng là người thóc mách, hay để ý vặt và cũng lắm lời. Thực hư chuyện này là thế nào? Nếu thật thế thì nguy hiểm quá. Đông từ sai lầm này bước sang sai lầm khác. Đông bỏ mặc Lý trong lúc chị đang rất cần sự nâng đỡ, khích lệ.

Hai người bảo nhau theo dõi thật sát mọi biểu hiện của vợ chồng Đông - Lý, cái trung tâm chi phối bầu không khí gia đình. Họ nhận ra, sau một thời gian như là hoàn lương, có lẽ là do xí nghiệp chị kiểm điểm phê bình chị gắt gao, Lý lại như thời tiết đầu thu, bắt đầu rơi vào một trạng thái ngả nghiêng bất định. Có ngày, liền hai buổi chị vào bệnh viện thăm ông Bằng, về, ứa nước mắt kể: ông cụ gầy quá, cô đơn quá. Nhưng, hôm sau chị lại ngồi xoen xoét rủa xả bà Chí một cách hết sức nhẫn tâm. Rồi một hôm Lý hiện ra với áo, quần, mũ, giọng điệu, vẻ mặt y như hôm ở Sài Gòn về. Có bữa chị chửi gã Trưởng phòng Vật tư như tên vô lại đểu cáng nhất thế gian. Lại có khi khen gã hết lời, như gã là một kẻ thao lược tài tình trong công cuộc làm ăn sinh lợi và sành điệu ăn chơi.

Một hôm Luận đang cùng Phượng hái rau muống, bỗng thấy Lý thở một hơi dài buồn thỉu:

- Khổ, thân phận đàn bà chúng mình! Mênh mông mặt nước cánh bèo. Tránh sao cho khỏi sớm chiều đầy vơi.

Phượng chưa kịp hỏi, Lý đã tiếp:

- Nhưng… đàn ông như ông Đông nghĩ cũng tội! Lẽ ra ông ấy nên lấy một bà ở nhà quê, một bà thật tốt, một bà Chủ nhiệm hợp tác xã, một bà Chủ tịch xã chẳng hạn.

Rồi Lý lại hay vắng nhà và mỗi lần trở về lại nhóng nhánh từ ánh mắt đến khoé môi. Để rồi, hôm sau đã lại xam xám cái áo nhuộm pin đèn, sùm sụp cái nón, xách cái cặp lồng cơm, lặng lẽ đi làm.

Một trưa, từ xí nghiệp, đạp xe về, xô vào buồng vợ chồng Luận - Phượng, Lý lăn ạch ra giường, đập chân đập tay ầm ĩ:

- Cho tao hớp nước chúng mày ơi, rồi tao báo một tin rất hay. Chết! Đầu thu gì mà oi quá! Trời này đứa nào chửa non thì đứa ấy chết.

Luận bưng cốc nước tới, vui vẻ:

- Cứ tưởng chị bị con chó dại nhà ông thợ mộc cắn.

Lý giật cốc nước, uống ừng ực, hết cốc nước, vứt cốc ra giường, ật ngửa ra, cười một tiếng ngắn khoan khoái:

- Luận này, nghĩ lại mới biết hồi ấy mình… ngu!

- Sao lại ngu?

- Ngu vì khóc tùm lum, vì chẳng hiểu số mệnh là cái khỉ khô gì cả. Hôm rồi lão tử vi của tớ, bảo tớ: khéo dư nước mắt quá. Chết sao được. Năm ấy là năm vượng của cô mình đấy!

Nhổm dậy, quệt nước xớt ở mép, Lý tiếp, giọng quăng quắc:

- Hai cậu không tin tử vi, số mệnh hả? Tuỳ! Còn tớ, tớ hoàn toàn tin rồi đấy. Nói ngay cái đợt đi Sài Gòn vừa rồi. Bói bài tây hai mốt quân. Bốc bốn lần đều gặp con chín rô. Quái, sao lại thế? Kệ! Cứ đi! Thế mà hoá ra… thiêng! Hỏng ăn một quả mất năm ngàn bạc!

Không hề giấu giếm hành động buôn bán phi pháp bấy lâu của mình, Lý tông tốc kể ra vài dẫn chứng nữa để chứng tỏ sự hiệu nghiệm của khoa bói toán, món tử vi, rồi trợn mắt:

- Còn điều này… không phải gần đây mình với ông Đông mới hay có mâu thuẫn với nhau đâu. Từ lâu rồi cứ cảm thấy ở gần nhau là vương vướng, khó chịu thế nào ấy. Nó là do cái gì? Do hai đứa mệnh khác nhau. Mình mệnh Kim, ông Đông mệnh Mộc, Kim Mộc xung khắc nhau.

Bà này đi thêm một bước vào một cái cạm bẫy nguy hiểm nữa rồi, Luận nghĩ, kêu thảng thốt:

- Thôi, thôi bà ơi, bà dẹp hộ cái tiệm tử vi, tướng số chuyên gây chuyện tan cửa nát nhà thiên hạ đi cho!

Lý phùng má, mắt lá răm nguýt một hơi dài vút:

- Được! Thế còn chuyện con y sĩ lấy thằng Tây, đám cưới mười lăm gánh gà?

- Sao?

- Nó là bạn tôi, có lần tôi kể rồi đấy. Nó mệnh Thuỷ. Mà lại Thiên hà Thuỷ, nghĩa là cực kì. Đầu năm nay, lão thầy tử vi khác, lại một lần nữa đoán nó sẽ làm hoàng hậu. Ai cũng bảo thằng cha này mê lú, hươu vượn. Lấy chồng nhà giáo, hai con, nghèo rớt mồng tơi, cơm ăn không đủ nói gì hoàng hậu. Giờ thì mới ngả ngửa ra. Nó nhảy một phát lên ngai hoàng hậu, đã thấy chưa?

- Hoàng hậu?

- Chứ còn gì? Hỏi rằng cả thành phố này ai đã giàu bằng nó. Vợ vua xưa mà bằng nó à? Mỗi tháng cho chồng cũ ba nghìn. Sắm cho hai con hai cái một linh ba… Lại còn cô dì, chú bác…

Không kìm nén được, Luận đấm xuống thành giường gào to:

- Hoàng hậu gì nó! Nó là con điếm! Nói một cách khác, nó chọn con đường làm điếm. Tử vi, tướng số là cái để trang trí, biện hộ cho sự nhuốc nhơ của nó! Kì thực là chính nó chọn lựa, nó quyết định thân phận nó chứ. Dù có thế nào cũng không thể bênh vực hay ca ngợi một hành động như thế được. Chuyện ấy, với rất nhiều người chúng ta là nỗi nhục. Chị cũng nên hiểu như thế. May mà dân tộc ta, tuyệt đại đa số lại có một nền tảng văn hiến vững vàng và cao đẹp.

Hình như Lý có bị chạm nọc. Có lẽ vì cái giọng quá thống thiết và cái dụng ý hướng dẫn chị quá lộ liễu của Luận. Nhưng, chị lờ đi vì bí. Nhảy xuống giường rút từ túi áo ra một tờ giấy gấp tư, Lý vung tay thét:

- Thôi, miễn đấu hót! Tin mới toanh đây. Một bức điện tôi mới nhận được. Ngày kia, thằng Cần về nước. Tôi đã thuê một chiếc xe con để gia đình ta đi đón chú ấy. Nào, chuẩn bị đi.

Hôm ấy, với Phượng, là một ngày có cảm giác thu rõ rệt nhất.

*

Khi mọi người đã lên chiếc Vônga màu kem sữa Lý thuê để ra sân bay, Luận mới nhận ra: trên xe, ngoài anh lái nhỏ con đeo ria con kiến, còn một nhân vật mới lạ nữa. Một cô gái. Cô ngồi ở băng ghế thứ ba. Vốn đã cao hơi quá khổ, lại ngồi ở hàng ghế được tôn cao hơn hai hàng ghế trước, nên cô cứ phải gù gù cái lưng. Cô có khuôn mặt dài, hơi choắt, trông vừa non dại vừa từng trải. Lý giới thiệu ngay khi Luận vừa quay lại: đó là cô em kết nghĩa của Lý. Và ghé tai Luận, Lý thì thầm:

- Con ông cốp đấy. Trẻ thế mà sắp tốt nghiệp đại học Ngoại thương rồi đấy.

Luận đoán ngay được ý định của bà chị dâu. Chính vì vậy mà anh đâm ra giữ kẽ. Vồn vã, cô bé lại có ấn tượng là anh vụ lợi, cố tình vun vén cho thằng em mình. Mà chuyện đã biết thế nào!

Trên xe, không khí bỗng tẻ nhạt, gượng gạo.

Đông ngồi trên ghế cạnh tay lái, tay cầm díp sacgiơ đạn, tay lần mần tìm râu cằm. Mặt Đông vẫn ù ì nhưng không còn cái sắc diện vô tư như trước. Không một giao cảm với Lý, rõ ràng là Đông có mặt ở chuyến đi đón này là vì trách nhiệm, chứ không phải vì hứng thú.

Sốt sắng với công việc đón Cần và được biểu hiện rõ rệt nhất là Lý. Chị bỏ tiền thuê xe, tổ chức cho mọi người đi đón. Và xe vừa chạy chị đã yêu cầu lái xe rẽ vào một hiệu phở để mọi người điểm tâm. Một người chị dâu lo toan việc của em chồng như thế, vào lúc này, đâu có nhiều.

Quả thật, xem cung cách Lý thúc giục mọi người ăn nhanh để kịp tới sân bay trước 12 giờ, thấy cái vẻ quán xuyến chu đáo, tận tình của bà chị dâu, cảm mến trân trọng lại dâng lên trong lòng Luận. Anh nhớ cái Tết vừa rồi, những thiện cảm của anh, sự phát hiện ra tính cách phong phú, đặc sắc, đầy giới tính của chị. Anh nhớ đến những lời khen của xí nghiệp Lý với Lý khi anh tới đó để phản ánh tình hình vợ chồng Đông - Lý hôm nào: "Chị ấy là con dao pha của chúng tôi đấy. Thật tình từ ngày chị ấy sang phòng Vật tư, xí nghiệp chúng tôi đỡ lo hẳn đi khâu nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị". Ông giám đốc nói vậy. Bằng trực giác, Luận thấy ông thành thật và công bằng. Lý rất đáng được ngợi khen, và về cơ bản, chị không phải là người xấu. Nhưng, khẳng định vậy trong Luận lại trỗi dậy một tình cảm mới lạ: Luận thấy tiêng tiếc thế nào. Phải, giá như… Nhưng, có nên giả định như vậy không, khi tất cả dường như đã an bài vào một trật tự ổn định. Bàn luận câu chuyện với một điều kiện giả tưởng, là Đông có bản lĩnh hơn, trách nhiệm hơn, Lý biết giới hạn mình trong cái ngưỡng xã hội quy định, biết tuyển chọn, thanh lọc bản thân mình, thì chỉ có ý nghĩa là đáp ứng một nhu cầu tình cảm, một ao ước mà thôi.

Người gây sôi động trong xe là Lý. Chị chia kẹo cho mọi người, lại châm thuốc lá cho anh lái, khiến anh lái phởn, buông một câu lẳng lơ và kệch cỡm hết mức: "Gớm, thuốc ná thơm hẳn nên! Giá cứ được niên tục thế này nhỉ". Và Lý thích chí, sằng sặc cười.

Lập tức trong Luận lại diễn ra một chuỗi khâu tư duy phân tích, như anh đã từng phân tích hành vi đánh máy ngoài giờ - trong giờ của ông thường trực cơ quan, như anh đã phân giải tính cách ông anh trai và bà chị dâu anh vừa rồi. Cái cười sằng sặc - sự quá mức, đã phá vỡ tính hợp lí, chấp nhận được của hành động. Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không phân biệt nổi ranh giới thì kẻ đó còn ở trong trạng thái bản năng.

- Ồ nhỉ, cô Phượng đâu? Sao cô ấy không đi, chú Luận?

Sực nhớ, Lý quay sang Luận, Luận xuýt xoa:

- Đấy, vội quá, chưa thông báo kịp cho chị và anh Đông. Đêm qua cùng lúc nhận được thư và điện của chị Hoài. Chị ấy điện: “Cho tất cả vợ con chú Cừ về tôi ngay". Mừng quá, hai chị em tíu tít chuẩn bị, sáng nay kéo nhau ra bến ôtô từ lúc ba giờ sáng.

Đông quay lại, hỏi một câu rất thừa:

- Cả hai thằng nhóc cũng đi à?

Không ai đáp lời Đông, Lý thở nhè nhẹ:

- Thôi, thế cũng là xong. Này, chú Luận, cô ta cũng mỏng mày hay hạt, không đến nỗi nào, thế mà đớn quá. Đàn bà đâu có cái ngữ ấy. Phải như tôi, tôi kiếm hai cái thúng ra chợ đi buôn rau, tôi ra ga gồng thuê gánh mướn. Chứ tôi chẳng thèm ăn chực của ai một bữa. Rồi tôi cũng nuôi con tôi bằng sào bằng gậy như ai, chứ tôi chẳng chịu lép.

- Thực ra Phượng không muốn để cô ấy như thế. Vả lại, còn là vấn đề danh dự.

- Danh dự! Danh dự thì lên thẳng toà áo đỏ áo đen mà kiện chứ. Nói thật, đời này lắm anh sĩ không phải lối. Động một tí là lên án vật chất. Không có vật chất thì sống bằng cái gì? Là người, phải biết làm ra tiền, phải biết sinh lợi, biết làm kinh tế chứ!

"Đáo để, hay và cũng có cái hợp lí!" Luận nhìn Lý nghĩ, không nói. Từ ghế trên, Đông lại ngoái xuống:

- Về chỗ bà Hoài thì ổn rồi. Nhưng còn công ăn việc làm? Điện vắn tắt thế, biết thế nào!

Luận nhận ra cái bĩu môi của Lý ngay sau khi Đông dứt lời. Phải như mọi khi thì chị đã mắng cho Đông mấy câu. Sao Đông có vẻ bàng quan và ngốc nghếch đến thế. Còn lần này, sau cái bĩu môi, Lý quay đi, chép miệng:

- Dẫu sao thì ở nông thôn cũng dễ sống hơn.

Luận nhìn ra cửa xe:

- Chắc chắn là giải quyết được công ăn việc làm thì chị ấy mới điện thế chứ! Ai chứ chị Hoài thì có thể hoàn toàn tin cậy được.

- Thế tôi thì chú có tin cậy hoàn toàn không?

Đột ngột, hết sức đột ngột, Lý hơi nhổm lên và Luận bị bất ngờ vì câu hỏi của bà chị dâu đến nỗi ngớ ra đến mấy giây, không sao đáp lại được. Tại sao bà ấy lại đưa ra một câu hỏi hết sức phức tạp và ý nhị như vậy vào lúc này? Đùa bỡn hay ngớ ngẩn! Thật lòng muốn biết giá trị mình hay định trêu chọc người khác? Nhưng kìa, mắt Lý nao nao ngóng đợi và lo lắng chân thật, rất chân thật.

- Về khả năng làm ăn, tính toán, - Luận đáp, cân nhắc. - và nhiều mặt khác, chị hơn hẳn Phượng và nhiều người khác. Nhưng mà này, chị định bắt mọi người bỏ phiếu tín nhiệm đấy, hả?

- Đâu có!

- Chị nên nhớ là, người được một trăm phần trăm phiếu bầu, chưa chắc đã hay hơn anh được bảy mươi phần trăm đâu nhé.

Câu chuyện bị Luận dẫn dắt vào một địa hạt rắc rối so với hiểu biết của Lý và may thay đã tạo điều kiện cho chị bỏ cuộc một cách thật tự nhiên.

Lý nhìn ra ngoài kính xe.

Ngoại thành chớm thu huy hoàng hoà sắc xanh, vàng.

Cỏ mượt đậm ven đê. Lứa con gái đứng cây. Vòm trời thanh tao, nhẹ nhõm. Và nắng có dáng hình mong manh, vừa đủ hong khô không khí. Mặt trời vàng nhoè ở phía sau xe, nhiều lúc như đùa giỡn, chiếu một vệt dài qua kính sau, qua cô gái, tới cái cặp tóc nhôm sáng trắng của Lý.

- Chú Luận này, thế đơn và thư chú viết đi kiện về chuyện vợ con Cừ đến đâu rồi?

Lý không ngồi yên được, lại bắt chuyện. Luận đáp:

- Chưa có kết quả, chị ạ.

- Khó lắm đấy. Công cốc thôi, chú ơi.

- Khó cũng phải theo đến cùng.

- Biết là không được thì theo đuổi làm gì?

- Cứ làm đúng lương tâm, dẫu trong hoàn cảnh nào, chị Lý ạ. Ví như đắp cái đập chặn sông Đà. Nước chảy băng băng. Đá đổ xuống. Một hòn. Một trăm hòn. Một ngàn hòn. Cứ trôi. Nhưng rồi… một hòn đứng lại. Thế là cái đập sẽ đứng chân, nổi lên.

Câu chuyện lại bị Luận kéo vào lĩnh vực triết luận, Lý quay ngang quay ngửa, kêu nắng quá. Luận quay lại sau, thấy cô gái vẫn ngồi im trong vệt nắng chiếu từ đuôi xe lên.

- Cô bị nắng rồi. Lên chỗ tôi, tôi ngồi xuống ghế ấy cho.

Luận leo qua lưng ghế. Ngồi xuống, anh thấy Lý quay lại, mặt ngập trong nắng. Bỗng nhiên, lòng anh se lại. Chưa bao giờ anh nhìn thấy mặt bà chị dâu bị soi tỏ, phơi bày trong nắng sáng gần cận đến như thế. Cái nắng thoáng hơi hanh hao làm se khô làn da, Lý đã mất đi cái tuyết nhuỵ, cái men sinh lực thường thấy ở những phụ nữ còn độ tuổi trẻ trung. Đuôi mắt chị lộ những nếp nhăn chân chim. Cả làn môi không son cũng đã phảng phất lớp vảy da khô khô. Cái nốt ruồi ở cằm gây ra ấn tượng thô thiển cho khuôn mặt. Và ở đám tóc mai buột ra khỏi chiếc cặp nhôm của Lý, mắt Luận bỗng thấy vương vướng vì một sợi tóc bạc trắng. Luận nén một hơi thở. Lý đã đầy đủ dấu hiệu của thời kì luống tuổi rồi!

"Khổ, sao cứ cựa quậy, vùng vẫy cả khi có thể sống yên ổn. Bản chất con người là thế chăng? Ừ, thì xa rời đạo lí thì biến thành quỷ sa tăng ngay. Nhưng, chị ấy thật ra đã có gì đáng gọi là vô luân? Nếu có sai lầm nặng hơn thì cũng dễ hiểu thôi. Ít tư duy, sống bằng bản năng, trực cảm, giờ đây cũng không ân hận áy náy như ông thường trực đánh máy trong giờ hành chính từng áy náy. Nhưng, khuôn mặt đã khô khô, heo héo kia nói lên cái gì đó thật tội nghiệp, đáng để mọi người xót thương. Người phụ nữ này đã sống đau khổ, vất vả nhiều hơn là sung sướng trong quãng đời vừa qua”.

Mặt hướng ra ngoài cửa xe mà không nhìn thấy gì, Luận mải mê biện hộ cho bà chị dâu của mình.

Xa thành phố, đường thưa xe, vắng người.

Đã nhìn thấy biển báo: sắp tới sân bay Quốc tế.

Bỗng Luận quay vào. Lý vừa ôm cô gái, cười rúc rích.

- Có chuyện gì mà vui thế, chị Lý?

Cô gái bưng miệng. Lý lắc đầu, cười nhệch:

- Con bé này nó tưởng máy bay hạ cánh. Hoá ra ông Đông ông ấy ngáy.

Quả thật, Đông đã ngửa cổ, đầu gối lên thành ghế, nhắm mắt ngủ, điềm nhiên ngáy từ lúc nào. Tiếng ngáy dội vào Luận, đưa nỗi nghi ngại vừa xao lãng trở lại tâm trí anh.

*

Họ nhận ngay ra Cần, từ trong phòng kiểm soát của Công an và Hải quan sân bay. Năm năm trời, Cần cao vọt lên, hơn cả Luận, nhưng giống hệt Luận ở khuôn mặt xương xương, kiên nghị và đôi mắt sâu chứa chan tình cảm. Hai cẳng tay dài nghêu xách hai cái vali, Cần là người khách đầu tiên của chuyến máy bay ra cửa. Và đặt phịch hai cái vali xuống đất, anh như vồ lấy mọi người:

- Anh Đông, chị Lý, anh Luận! Ba đâu? Chị Phượng đâu? Vợ anh Cừ và hai đứa trẻ đâu?

Những câu hỏi dồn dập bị ngắt quãng giữa chừng vì Lý giới thiệu cô em kết nghĩa với Cần.

- Cảm ơn cô nhé! - Cần bắt tay cô gái, quay lại Đông. - Trời, em cứ tưởng thế nào cũng gặp ba ở sân bay cơ đấy.

Đông chậm rãi:

- Ba bị mệt mấy tháng nay.

- Sao chị Phượng viết thư cho em không thấy nói.

Luận cười:

- Cậu về, chắc ba sẽ khỏi.

Lý ngó vào phòng kiểm soát, rồi quay lại:

- Đồ đạc cậu còn những gì nữa, để ở đâu, để chị mang.

- Em chỉ có hai cái vali này thôi. Còn hai cái xe đạp và mấy thứ lặt vặt em gửi hàng chậm, ba ngày nữa sẽ về.

Lý thở hắt ra.

- Chị thuê riêng một chiếc xe đi đón cậu, mất những sáu trăm đồng cơ đấy.

"Công bố giá tiền thuê xe lúc này, bà ấy đã phá vỡ một vẻ đẹp thật sự”. Luận nghĩ, tiêng tiếc.

Mọi người ra khỏi nhà ga. Cần chui vào xe đầu tiên:

- Chị Lý thuê xe làm gì. Để em đi ôtô buýt của nhà ga có đỡ tốn không?

- Cậu học đâu cái thói bủn xỉn rởm thế. - Lý nguýt cậu em chồng.

Luận nghĩ: "Câu này được. Thêm cái nguýt rất có tình. Nhưng từ rởm là của bọn con buôn".

- Em sốt ruột lắm rồi. - Cần rũ rũ cái cổ áo rộng. - Lên máy bay, chỉ muốn vèo một cái tới nhà. Thôi, chạy giúp đi, anh lái ơi.

- Cậu này lạ nhỉ. Để xem có cái gì mua ăn cho đỡ đói đã nào. Năm năm xa cách còn chịu được nữa là…

"Một câu nói rất hay, rất Việt Nam". Luận nghĩ.

Đông ngồi bình thản ở ghế trên. Cô em kết nghĩa của Lý chạy đi đâu, trở về xe với một nón đầy dưa chuột, ngồi vào giữa Lý và Cần. Lý liến thoắng. Cần nhận dưa chuột cô gái mời, chưa ăn, quay lại băng ghế sau, đột ngột:

- Anh Luận này, em định tháng sau cưới vợ đấy! Anh Đông, chị Lý thấy thế nào?

"A, cái thằng khôn! Nó hiểu dụng ý của bà Lý. Nó biết vai trò định đóng của cô gái tội nghiệp nọ. Nó dứt khoát ngay để dễ quan hệ về sau. Nó khác mình. Phải mình, mình cũng cứ ngọt nhạt vài câu với cô bé. Lớp trẻ bây giờ thẳng thắn hơn, hay ít tế nhị hơn?"

Luận lại sa vào mạng lưới kiến giải tâm lí. Từ ghế trên, Đông ngoái lại với Cần:

- Cậu phải xin ý kiến ba và bàn bạc với các anh chị trong nhà đã chứ.

Riêng Lý không nói một câu. Mặt chị sa sầm ngay tức khắc.

*

Một nét tính cách nổi bật nữa của Lý chứng tỏ người phụ nữ này thật phong phú: chị rất ưa thích quyền hành. Thèm muốn sai khiến người khác là khoái cảm đã hằn vết trong tâm hồn chị. Đặc điểm này đồng thời là mặt tốt và mặt xấu trong tính nết chị. Chị thích đảm trách, dám đứng mũi chịu sào. Luôn tự coi mình hơn người, chị khinh thường người khác và muốn mọi người phải tuân phục mình.

Điều đó giải thích được một phần lí do Đông vẫn tồn tại và thích hợp với chị trong thời gian qua. Đông thụ động, ỷ lại hoàn toàn vào chị. Chị thoả mãn vì được quyền chi phối Đông. Chị nổi cơn tự ái ngay lập tức, một khi quyền lực của chị, vốn được chị đồng hoá với bản thân, bị phủ nhận. Tất nhiên, còn vì những lí do khác nữa nhưng việc chị lạnh nhạt và hay khích bác vợ Cừ, cũng một phần là do vợ Cừ đã vượt mặt chị, không chịu nhờ cậy, lệ thuộc vào chị.

Cũng như khi ý định se duyên cho em chồng bị gián tiếp bác bỏ, chị nổi cơn uất ức ngấm ngầm và sa vào các suy luận thiển cận, và các đầu mối bất mãn thời gian qua đã tạm bị lãng quên, lại bật lên với một sức công phá khác thường.

Xuống xe, Luận đã thấy bà chị dâu trở thành một con người khác hẳn lúc ra đi.

*

Và bây giờ.

Sau năm ngày đi công tác xa trở về, Lý lại càng khác nữa. Bước vào cổng nhà đã thấy mặt chị đỏ bừng hơi men, đầy vẻ nanh nọc.

Lý vừa hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quan trọng của xí nghiệp. Cái máy ép nhập từ nước ngoài về nằm ở cảng Hải Phòng đã sáu tháng nay. Càng để lâu càng khó tìm. Và những thủ tục phiền hà trong việc quản lí, giao nhận đã khiến cho xí nghiệp mất hết hi vọng có thể nhận được nó. Trưởng phòng Vật tư đích thân đi lại giao dịch gần chục lần mà chưa có kết quả. Lần này, giám đốc mời chị đảm nhiệm. Người phụ nữ này có một khiếu năng giao thiệp và tài xét đoán tuyệt vời. Chỉ ba ngày sau, vượt qua các hàng rào thủ tục, chị đã lôi ra được cái máy từ dưới một quả núi lộn xộn những hàng hoá, vật tư khác ở một góc hẹp của bãi hàng. Đúng năm ngày, cái máy to lù lù đã đứng ở trước cửa xí nghiệp trước sự thán phục thật sự của mọi người. Thưởng 1.000 đồng! Giám đốc xí nghiệp tuyên bố, kí lệnh.

Chao ôi! Chị ngây ngất vì vinh quang, lòng tràn ngập cái cảm giác mình là nhân vật trội nhất, tài năng nhất, có quyền hành cao nhất ở lúc này. Lúc này, nhiều trục trặc, lắm khập khễnh, lúc này cần sự xuất hiện của những kẻ khôn ngoan, giỏi xoay chuyển, nhạy tính toán và có gan làm. Một tháng trời ở Sài Gòn vừa rồi đã khẳng định những khả năng xuất sắc của Lý ở mặt này. Chị đã xông pha, đã khôn khéo gạt đi hàng núi khó khăn trong việc mua bán, vận chuyển hàng trăm tấn sắt thép, cao su, kếp, hoá chất quý, đem lại cho xí nghiệp hàng chục nghìn tiền lời. Chị đáng được mọi người, kể từ ông giám đốc, kính nể trọng vọng. Chính cái thái độ khiêu khích của chị hôm từ Sài Gòn về là bắt nguồn ở cả đây nữa: chị mê man kiêu căng và ý thức mãnh liệt về vai trò của mình.

Bây giờ Lý cũng đang ở trong tâm trạng đầy kích động đó. Chị và gã Trưởng phòng vừa từ một quán ăn đặc sản ra. Chiều thu mát, rượu vẫn còn giần giật trong mạch máu, chị ngùn ngụt những ý nghĩ liều lĩnh, bất cần đời.

Trong trạng thái tinh thần như vậy, Lý lên gác, sầm sập đi thẳng vào buồng ông Bằng, nơi Đông ở - họ vẫn sống li thân.

Trong buồng, Đông mặc may ô, quần đùi đang ngủ. Chị nhận thấy ở giữa buồng, một chiếc quạt nhựa trắng nhãn hiệu orbita do Liên Xô sản xuất đang mải miết quay và hiểu ngay việc gì đã xảy ra trong mấy ngày chị đi vắng. Số hàng gửi tàu chậm của Cần đã về. Nghe tiếng động, Đông nhổm dậy, uể oải dụi mắt, hơi có vẻ bị bất ngờ:

- Nghe cô Phượng nói, cô đi một tuần mới về.

- Thích thì về, ai cấm được. Cái quạt chết tiệt này thằng Cần nó trả công cho đấy, hả?

Đồng lừ đừ, hiền lành:

- Nó nói: em đi học về, chẳng có gì, biếu anh chị cái quạt…

- Quý quá!

- Nó đang băn khoăn về khoản tiền thuê ôtô… Nó nói, nó sẽ kiếm cách trả lại…

- Tốt quá! Ai chê tiền mà phải ướm!

Đông ra sau cánh cửa, mặc quần dài, chép miệng:

- Thôi thì cũng là một chút kỉ niệm. Vả lại mình có thiếu thốn gì.

- Tôi đi ăn trộm, ăn cắp được, hả?

- Không phải thế. - Đông nhún nhường. - Nhiều đứa em mình chúng còn nghèo…

- Hừ, lo cò trắng đứng nắng giữa trời. Nó cho ai những gì?

Đông ngồi xuống giường, mặt đần đần. Thật sự là Đông muốn hoà giải với Lý. Sống một mình trong cảnh li thân ít hôm nay, Đông thấy buồn. Anh nghĩ: nên chiều Lý, và nếu cần thì xin lỗi Lý về cái tát nóng nảy hôm nọ, là mọi việc sẽ trở lại bình thường. Có tuổi cả rồi, càng nên nhân nhượng và tốt nhất là bỏ qua, lờ đi, như xưa nay vẫn xử sự. Đời có gì phức tạp lắm đâu. Nghĩ vậy nên thấy Lý căn vặn, Đông hơi ngẩng lên, chậm rãi:

- Nó cho vợ chồng Luận cái xe đạp sport. Nó biếu ông cái đài quay đĩa, nhưng ông không nhận. Còn chị Hoài, vợ con Cừ, mỗi người được một cái áo len. Lương sinh viên, dành dụm mua quà thế cũng là nhiều rồi!

Nói câu cuối cùng, thật sự Đông muốn kêu gọi lương tri, sự biết điều của Lý. Nhưng hiệu quả của thiện ý đó lại hoàn toàn trái ngược. Lý thấy mình bị khinh miệt. Còn hơn thế nữa. Khó có thể nói Lý đang bị những tình cảm gì chi phối vào lúc này. Lòng tham lam ngạo ngược. Thói đố kị ganh ghét kiểu đàn bà. Cảm giác bị xúc phạm. Nỗi ấm ức vì những điều bất như ý trong quan hệ với Đông… Tất cả cùng lúc bật lên, hoà trộn vào nhau, tạo nên một cơn phẫn khích có độ sâu cay khác thường.

Chị nhìn Đông mắt lạnh như thép, rồi bước ra cửa sổ:

- Này, hỏi nó cho ra nhẽ đi: có phải nó định cưới vợ rồi dắt díu nhau về cái nhà này không? Cả con Phượng nữa, mẹ nó, con nó, cả mụ khọm Chí nữa… Có phải các người định kéo nhau tùng đảng về đây không?

Lại cái giọng điệu tàn nhẫn ác độc và Lý lại vi phạm điều Đông đã giao hẹn: không được xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng giữa ông Bằng và bà Chí. Đông gầm một tiếng nhỏ trong cổ họng. Lành dễ cục, trong phút chốc, Đông bệch bạc cả mặt mày. Giống như lúc nắm cổ áo Luận. Giống như khi nghe điều nọ tiếng kia về Lý hôm rồi, anh đã tát Lý.

Hình như đã dự đoán được cơn giận bất thần của Đông và hình như Lý chỉ chờ có vậy. Chị quay ngay lại khi Đông vừa dứt tiếng gầm, đủng đỉnh đi ra cửa và nhếch mép cười nhạt:

- Đừng có giở thói vũ phu, cục súc ra với tôi! Tôi chỉ nhịn anh một lần duy nhất đó thôi đấy, anh nhớ cho. Hừ, thật là lạ! Thế nào mà tôi lại là vợ ông được nhỉ?

Đông run đến từng ngón tay. Lại một lần nữa, Lý công khai phơi bày độ sâu tận cùng của bất mãn. Anh cay đắng và bất lực quá. Thô bạo, vô ích. Mà dịu dàng cũng chẳng có ý nghĩa gì nữa rồi.

Như được thể, đã định đi ra, Lý quay lại:

- Còn điều này nữa, tôi phải nói ngay, kẻo sau lại trách. Ông cụ có nằm xuống thì liệu mà bảo ban nhau thu xếp, chứ đừng có gào: bà dâu trưởng đâu? Tiền tôi kiếm được không phải là để cung phụng cho các người! Xin nhớ cho!

Lý đã vượt qua mọi sự lường trước của Đông. Nhưng Đông đã ở vào tình huống dễ bộc lộ thái độ hơn. Anh cảm thấy đây không còn là quan hệ giữa hai vợ chồng, cay đắng mà phải ngậm tăm nữa. Đây là tình người bị chà đạp tàn tệ khiến lương tri phải nổi giận.

Đông vụt đứng dậy, ngay lúc ấy, gào lên hai câu mà sau này nghĩ lại vừa thấy đúng, vừa thấy không nên: "Cút ngay đi! Đồ nhẫn tâm!” Bởi vì, Lý nghe Đông rủa vậy, lại hếch mép và bĩu môi ngạo mạn: "Ông nhớ kĩ câu ông vừa chửi tôi nhé. Kẻo sau lại trách tôi".