Mùa lá rụng trong vườn

Chương 16

Ông Bằng mở mắt. Như lần trước, ông lại thấy những gương mặt thân thiết không nỡ xa rời, dù chỉ trong chốc lát.

Một đời người gắng gỏi, dùng nghị lực để chống chọi với mọi biến động, giờ đây, trên giường bệnh ông vẫn sống với thói quen và tinh thần ấy. Ông gắng giữ mình cho tỉnh táo. Tuổi năm mươi sự sống tính bằng năm. Tuổi sáu mươi, tính tháng. Và bảy mươi, ngày là đơn vị đo tính sự sống. Huống hồ bây giờ bệnh ông đang trầm trọng. Ông đổ bệnh vì tuổi già, vì không chịu nổi nỗi đau trước việc thằng Cừ bỏ nước ra đi. May thay, Cần trở về. Từ ngày Cần về, ngày hai buổi các con đều đặn vào thăm ông - ông lấy lại được dần dần sự bình tĩnh trong tâm hồn, nhờ sự ân cần, trìu mến của các con.

Chao ôi! Các con, đó là hình hài, máu huyết ông, là chính cuộc sống phân thân của ông. Mấy tuần trước, sau ngày các cụ tổ hưu đến, bà Chí một mình đến thăm ông. Bà lang phúc hậu đã có lúc tạo lập với ông một quan hệ tình cảm thân thiết, bóc cam cho ông ăn, hỏi ông có nhận được bà không. Ông gật đầu và đưa tay nắm tay bà, mắt lờ ngờ, môi lập bập thầm thì mà như là buột miệng: "Mình đi chợ về đấy à?"

Bà Chí tuột tay, để rơi con dao xuống đất. Thì ra ông nhìn bà Chí, lại ngỡ là bà vợ quá cố của mình. Thì ra cái tình cái nghĩa vợ chồng dẫu có cách lìa đôi ngả vẫn cứ ngàn năm sắt vàng. Ông nhớ lại toàn bộ chi tiết cuộc sống chung của vợ chồng ông. Ông nhớ cái buổi đầu tiên ông gặp bà, ông là một cậu học trò, tan học, đi xe điện về làng, bà là một thôn nữ đang gánh gánh rau muống từ ruộng lên. Gặp nhau bất ngờ, bà cúi xuống thèn lẹn, lí nhí chào, rồi cắm đầu gánh gánh rau chạy. Ông nhớ ngày bà ốm, rụng hết tóc, ông ngồi cạnh giường bà, đọc cho bà nghe cuốn truyện nôm "Tống Trân - Cúc Hoa", mắt bà ướt nhoèn nước mắt.

Chao ôi! Sự bền vững của các mối quan hệ tình cảm gia đình là tự nhiên, vốn có. Chồng quý vợ. Cha yêu con. Cái tình đương nhiên ấy cũng ngàn năm tồn tại, vĩnh hằng tồn tại, như tình yêu đất nước, giống nòi vậy. Vì trên thế gian này người thì có hàng tỉ, nhưng mỗi người chỉ thuộc về một dân tộc, một quốc gia và sinh ra, lớn lên từ một gia đình duy nhất mà thôi.

Nhìn Đông, Luận, Cần vây quanh giường, ông Bằng có cảm giác rõ rệt nhất về niềm hạnh phúc gia đình. Vắng mặt Tường, nhưng ông vẫn nhớ như in Tường đứa con cả, điềm đạm, nghiêm túc, chỉn chu nhất. Ông nhìn Đông, nhớ rõ Đông ngay từ nhỏ đã là đứa hảo tâm, lành hiền, bị bạn bè gọi là Đông tồ, thiên tư không rõ, Luận có lẽ là đứa con thông minh nhất, đi học tuần nào cũng được bon point (điểm tốt - tiếng Pháp), tư duy khúc chiết, tâm hồn sáng sủa, trong khi Cần lại có thiên hướng thực hành. Khi đuôi mắt ông khép lại, ép ra hai giọt nước mắt, ông nhớ tới thằng Cừ. Thằng Cừ, chính nó đã gây ra cơn kịch phát bệnh tật của ông. Thằng Cừ, cái gai đâm lòng ông. Con dại cái mang. Mang suốt đời. Nghĩa là phải chịu, phải nhận. Cũng như bà vợ ông, nói tới nó bao giờ cũng chép miệng và thốt ra một câu thở than cửa miệng này: "Thôi thì nó gánh tất cả cái xấu xa của mọi người".

Luận như hiểu tâm tình cha, hơi cúi xuống:

- Ba đừng nghĩ ngợi nữa, ba ạ.

Ông Bằng gật đầu.

Đông cắn môi. Đông còn đang bị choáng vì cuộc va chạm vừa rồi với Lý. Mặt Đông hằm hằm khi Luận nhắc tới Cừ. Đông nhếch mép:

- Cũng chẳng có gì phải buồn, ba ạ. Hình như mỗi gia đình phải có nhiệm vụ cung cấp cho xã hội một hai đứa khốn nạn, ba ạ. Không thì xã hội tốt quá!

Luận giật mình đứng dậy, chằm chằm nhìn Đông. Sao Đông bỗng dưng cay độc thế? Sao lại nói như vậy với cha lúc này?

- Ba! Ba! - Cần vội gọi vì thấy ông Bằng nhắm mắt.

Nghe tiếng Cần, hai con mắt cộm khô rồm rộp của ông Bằng khó nhọc nứt ra một kẽ sáng, rồi to dần.

- Ba! Ba có nhận ra con không?

Ông Bằng chớp chớp mắt:

Luận quay lại với Phượng:

- Phượng à, hôm nay lúc nào ông tỉnh, em đọc cho ông nghe lá thư của thằng Cừ. Như thế có lẽ sẽ tốt hơn em à.

*

Hôm nay, ông Bằng tỉnh dậy muộn. Ông cảm thấy ngay có sự khác thường trong cơ thể. Cả đến những sợi tóc trên đầu, ông cũng cảm thấy chúng khô xác, nhẹ tênh. Và những ngón tay, ngón chân thì tê tê, buồn buồn như thể có kiến bò. Mở mắt, ông thấy như có đàn muỗi bay trước mặt. Lát sau, đàn muỗi tan, lại thấy vương vướng một làn sương khói, thấp thoáng những bóng hình quái dị.

Thất thập nhi sở dục tòng tâm bất du cụ. Bảy mươi tuổi muốn làm gì thì cứ làm cũng không ra ngoài khuôn khổ, cũng không còn nhầm lẫn nữa. Đó là câu thầy giáo ông bút kí kỉ niệm cho ông hôm đến chúc Tết thầy, ngày mồng ba Tết năm rồi. Ông nghĩ, lại nhắm mắt.

Lát sau, nghe thấy một tiếng gọi thân thiết và hốt hoảng, ông vội mở mắt và nhận ra Phượng đang ghé xuống.

Ông tỉnh hẳn.

Mặt Phượng trái xoan, từng nét dịu dàng và hai con mắt Phượng đẫm một nỗi thương yêu, lo lắng chân thành. Đã xảy ra một điều gì đó vô cùng huyền diệu trong ông, y như lúc chiều qua, Phượng đọc lá thư của Cừ cho ông nghe. Gương mặt Phượng đang toả xuống ông một làn sáng dịu dàng, gây cho ông một cảm giác yên tĩnh, hợp lí và hài hoà. Ông thật sự mới quen thân với gương mặt này từ ít lâu nay thôi. Nhưng tuổi bảy mươi không còn nhầm lẫn nữa đâu. Gương mặt Phượng đoan trang, đôn hậu, đầy vẻ nhẫn nại cao quý. Trong một cảm giác không rõ ràng, ông thấy có lúc gương mặt Phượng hao hao giống gương mặt chị Hoài. Lúc ấy, ông cảm thấy thật hạnh phúc, vì lại thấy tin yêu, vì gặp lại cái gì đó hết sức quý báu và thân mật. Hỗn loạn, hư hỏng chỉ là chốc lát, thiểu số. Con người không xấu đi. Con người vẫn đẹp, đẹp mãi, đẹp hơn lên.

- Con đấy à, Phượng?

Ông Bằng rưng rưng. Phượng cúi xuống thấp hơn, nghèn nghẹn:

- Ông, ông… ông thấy người thế nào ạ?

- Con vất vả quá… Con gánh chịu…

Quỳ xuống cạnh giường ông, Phượng ngàn ngạt:

- Ông ạ. Chị Hoài mới gửi thư lên.

- A…

- Ông ạ, vợ Cừ đã vào làm ở hợp tác xã dệt thảm của chị Hoài. Bà con ở đó rất thương, chia cho ba mẹ con cô ấy một gian nhà. Nghe tin ông mệt, chị Hoài lo lắm. Chị bảo thu xếp xong việc, chị lên ngay.

Nước mắt lọt ra hai giọt lớn ở đuôi mắt. Ông Bằng khóc. Khóc vì giọng Phượng nghe thương quá. Khóc vì sung sướng, vì thế gian còn nhiều người tốt quá, vì linh cảm thấy sắp phải xa lìa mọi người.

- Ông, ông… ông có nghe con nói không?

- À… thế thằng Quân anh, Quân em thế nào, con?

- Hai đứa ngoan hơn hồi ở trên này, ông ạ.

Phượng lắp bắp, run rẩy. Ông Bằng lại cố mở mắt và ông trách mình sao lại không tiếp tục thu nhận khuôn mặt từ mẫu kia vào kí ức, thời gian còn ít lắm rồi.

Nhưng mở mắt lần này, ông nhận ra quanh mình còn ba bốn gương mặt nữa. Sát trái ông là một khuôn mặt trông ngờ ngợ như đã gặp ở đâu. Sắc sảo, thông minh, khôn ngoan, nhưng thiếu cái đầm ấm, khiêm nhường của phụ nữ.

- Ông có nhận ra con không? Con là Lý đây. Con mang trứng, chuối, cam cho ông, ông ạ.

"À, Lý!" Ông Bằng nghĩ mờ ảo. Đầu ông nghiêng về bên trái. Ở đó còn một gương mặt xa lạ: một cô bé tóc ngắn đứng sát cạnh Cần. Cô bé mấp máy môi chào ông.

- Ba ạ, đây là Vân, bạn con từ thời con học lớp 10.

- Dạ thưa bác, cháu đến kính thăm bác ạ.

Từ đôi môi xinh xắn của cô bé thoát ra những tiếng nói dịu ấm, rất ngoan. Còn trẻ lắm. Nhưng, cặp mắt của cô bé thật nghiêm và nét mặt, nét cằm toát lên vẻ cương nghị, đoan chính bất ngờ.

Ông Bằng gật đầu, yếu ớt:

- Các con khoẻ cả chứ?

Lý nhanh nhảu:

- Con bóc cam ông ăn ạ.

Cần ghé ngồi xuống cạnh giường cha:

- Ba ơi, con được phân công lên Công trường thuỷ điện Sông Đà rồi, ba ạ. Con là kĩ sư điện khí hoá, thành ra…

- Để ông nghỉ, chú Cần.

Phượng nhắc Cần, kéo tay cô bé Vân ra cửa.

- Chị Phượng. - Vân nhìn Phượng, e lệ. - Anh Cần nói chuyện với em về chị nhiều lắm, hôm nay em mới được gặp chị.

- Em làm ở đâu?

- Em làm thợ ở xí nghiệp Nhuộm - Giặt - Là, chị ạ.

Phượng cầm bàn tay cô bé, nhấc lên. Cô bé cười. Bàn tay nhỏ, đẹp, am ám thuốc nhuộm.

Bỗng có tiếng Cần gọi. Phượng cùng Vân chạy vào. Lý vừa đi đâu. Cần nói: Ông cụ muốn thay quần áo. Phượng kêu hoảng hốt:

- Chú và cô Vân về gọi anh Đông, anh Luận ngay đi.

Cô bé níu tay Phượng:

- Anh Cần về đi. Em ở đây với chị!

Đã đến những phút cuối cùng của một cuộc đời dài dặc nhưng là gắng gỏi của ông Bằng!

*

Khi Đông, Luận hấp tấp tới thì cơn tai biến kịch phát của căn bệnh ở ông Bằng đã xuất hiện. Ông đau nhói vùng ngực trái, tay chân đã hoàn toàn liệt và hơi thở chỉ còn thoi thóp, rất khó nhọc.

Bác sĩ tới, nghe tim ông, cho biết nhịp tim đã rối loạn, chắc chỉ còn có thể kéo dài sự sống vài phút nữa.

Trong vài phút còn lại cuối cùng đó, lạ thay, ông Bằng mở choàng mắt. Ông nhớ tới bà Chí, thấy ân hận vì mình đã có một sơ suất trong đối xử với ân nhân chữa bệnh, với người đã định giao kết tâm tình lúc tuổi già.

Nghe tiếng các con gọi, ông mới nhìn họ.

Bỗng nhiên, ông thấy thương các con và tin yêu các con quá. Các con, mỗi con một vẻ, nhưng vẫn chung cội nguồn với ông. Lòng vị tha, tình thương, cái cốt cách cao ngạo về phẩm giá con người, tinh thần trách nhiệm… tất cả phải trụ lại bền vững trước mọi thử thách, bão dông.

Luận quỳ xuống cạnh giường cha, cầm cuốn Bút kí gia đình ở đầu giường cha lên, nghẹn ngào:

- Ba… Ba có dặn gì chúng con không ạ?

- Các con ở lại… yêu thương nhau và mọi người. Thằng Cừ, lá rụng về cội, thương xót vong linh nó. Cho ba xin lỗi bà Chí.

Giọng ông ngắc ngứ, đứt quãng. Bỗng Cần thét:

- Ba!

Phượng nắm tay ông Bằng. Mắt ông già đầy vẻ tiếc nuối lưu luyến nhưng yên ả. Ông từ từ nhắm mắt.

Nước mắt ròng ròng, Luận đứng dậy, giở cuốn “Bút kí gia đình" để ghi ngày, giờ ông cụ đi. Anh nhận ra trang cuối cuốn sách có kẹp lá thư sám hối của thằng Cừ và có chúc thư của ông cụ.

Chúc thư viết:

Ba mong các con yêu thương nhau, lấy cái chính ngăn cái tà, theo gương ông cha gìn giữ và bồi bổ tinh hoa, truyền thống dân tộc, phục vụ nhân dân và Tổ quốc.

Ba mẹ có số tiền tiết kiệm là 3000 đồng. Ba giao số tiền này cho Phượng vì nghĩ rằng với Phượng, con sẽ sử dụng số tiền này có ích nhất.

Vĩnh biệt!

Lý ở đâu mới vào, đến cạnh Luận ghé mắt đọc chúc thư, rồi ngồi xuống chân giường ông Bằng, im lặng giữa những tiếng nức nở của mọi người.