MƯA MÙA HẠ

Chương 8

Đúng là có một người nước ngoài muốn học thêm tiếng Pháp. Người này mới biết võ vẽ, cần được bổ túc bằng hội thoại và được nghe giảng cặn kẽ để nắm cho được một cách chính xác thứ ngôn ngữ trong sáng và vô cùng tinh tế này của nhân loại.

 Đó là một người đàn ông rất khó đoán tuổi và đoán quốc tịch. Tóc đen, xoăn như người châu Phi, da trắng mắt xanh, kiều người Bắc Âu và cái đầu tròn của người Xla-vơ. Khuôn mặt thì trẻ, nhưng giọng nói và điệu bộ, cử chỉ lại già dặn, từng trải. Ông ta gợi hình ảnh một sự lại căng, lắp ghép. Cả tính tình cũng vậy: hay nói nhưng không phải loại ba hoa: tò mò như con trẻ, nhưng tinh ý khôn ngoan, vẻ vô tư lự giấu giếm sự khôn khéo, biết kiềm chế và tự chủ. Ông ta là chuyên gia, làm hợp đồng cho một công ty nước ngoài đa quốc gia hiện đang xây cất một công trình lớn ở thành phố này.

 Dừng chiếc xe máy thấp lùn, bánh nhỏ, kiểu lạ mắt ở ngõ 401, khoá lại, người nọ bước vào cái sân nhỏ khi nắng vừa hé và nhuộm ửng mái ngói căn nhà gác hai tầng của gia đình ông Nhuần. Đã quen lối, đáng lẽ phải bước thẳng tới nhà ông giáo Cần thì người nọ dừng lại. Lúc ấy, ông Nhuần đang kênh cao một bên chiếc xích lô già nua cũ kỹ để tra dầu mỡ vào trục xe, và bà mẹ đẻ ra ông Nhuần, chín mươi tuổi, lưng còng gập như cái dấu â, đang lẫm chẫm đang bê một nồi nước từ giếng về bếp; bà lão vẫn ham việc.

 Người nước ngoài cười, đầu gật gật, giơ bàn tay lên như chào ông Nhuần khi ông này quay lại. Rồi ông ta chậm rãi đi đến căn buồng ông giáo Cần.

°

 Lúc ấy, ông giáo Cần đã dậy từ lâu, chỉnh tề trong bộ com lê xám nhạt đang ngồi chờ người học trò nước ngoài. Hoa, cây cảnh đã tưới tắm. Hương nến đã thắp trên bàn thờ. Và cà phê do người nước ngoài gửi từ lần học trước đang lặng lẽ buông rơi từng giọt đen đặc, khẽ âm vang trong cái cốc pha lê dày đặt trên bàn trà.

 Ông giáo Cần nhận dạy tiếng Pháp cho người ngoại quốc nọ, sau khi đã xin ý kiến chính quyền thành phố. Ông muốn làm việc. Cái thiên hướng muốn hoạt động là của bất cứ ai, huống hồ ông không phải là kẻ ưa dưỡng nhàn, huống hồ ông là con người có tri thức, loại người ngoài hoạt động bình thường như mọi người, còn có một đời sống bên trong luôn luôn muốn được tỏ bày – tỏ bày bằng công việc. Tựu trung, ông vẫn là con người sẵn có lòng hăng hái nhập cuộc, nhưng do uỷ mị và ít từng trải nên dao động hoang mang mỗi khi gặp điều bất như ý. Và những ngày đang sống đây trên thực tế chỉ là cuộc giằng co giữa hai con người trong ông, để sử dụng cho được cái vốn tri thức, cái chất xám là vốn tự có ở trong ông. Cuộc giằng co chưa ngã ngũ.

 Một buổi sáng trở dậy, ông giáo Cần không còn được, dù là ít phút, những cảm giác sáng tươi về chùm hoa phượng và thơ Rông-sa nữa. Ông đang ở giữa các đối cực. ở giữa nỗi buồn về thân phận, niềm nhớ tiếc, hoài niệm, điều buồn phiền về số mệnh và lòng mong muốn được dâng hiến, những ý tưởng đẹp nhen nhóm từ Nam, từ những lá thư của Trọng gửi về.

 Tệ nhất là trạng thái dang dở trong tinh thần. Ngồi chờ người nước ngoài đến học, khứu giác man mác mùi cà phê thơm sực toả khắp gian buồng, ngước nhìn ảnh người vợ thân yêu, ông Cần thấy lòng dạ nao nao, rất khó chịu.

 “ Ta nhận việc này, đúng hay sai? Trời, mình chẳng hiểu mình nữa. Khó quá! Sống thế nào lúc này, vào tuổi này?”

 Ông nghĩ, buồn lửng lơ và bàn tay phải, theo thói quen lại sờ sờ vào bụng, phía trên lá gan, và tự hỏi: liệu mình có bị u độc không?

°

 - Chào giáo sư! Giáo sư tha lỗi cho tôi, tôi đã đến chậm.

 Người đàn ông nước ngoài khom lưng như chui qua cái cửa, bước vào, mặt đỏ gay gắt vì oi nực.

 - Tôi đến chậm. Hà hà...

 Người đàn ông nhắc lại, thở phà phà, rũ rũ cái cổ áo, rồi theo lời mời của ông giáo, gật đầu cảm ơn rất lịch sự và tự nhiên, ngồi xuống cái ghế đối diện với ông giáo. Bây giờ mấy đứa con nhà ông Nhuần đã kéo đến, che kín cả khuôn cửa ra vào. Lần trước, chúng cũng kéo đến, cười đùa ầm ĩ, ông Nhuần quát: “ Hư quá bọn này! Có để ông ấy làm việc với bác Cần không!” Thành ra hôm nay chúng chỉ đứng im và ngắm người nọ, hiếu kỳ và trân trọng như ngắm một đồ vật lạ.

 - Tôi đã chờ ông ba mươi phút - Ông giáo ngước mắt kính sáng vằng vặc, nhưng nhã nhặn, vui vẻ – Có một lần, Đôt-tôi-ép-xki đến một cuộc họp chậm. Người ta hỏi, văn hào đáp: có những lúc người ta phải sống cho ra sống và điều đó quan trọng hơn việc đến chậm.

 Người nước ngoài bừng nở một nụ cười thích thú và chưa kịp ngạc nhiên, ông giáo đã tiếp:

 - Nhưng nhà tư bản Cơ-rúp lại nói: Bí quyết của kinh doanh là biết sử dụng chính xác, có lợi từng giây một trong một phút.

 - Ha ha...

 Lần cười này, người đàn ông nọ không giấu nổi vẻ kinh ngạc. Ông giáo vừa hóm hỉnh thanh minh hộ, vừa trách cứ nhẹ nhàng việc sai giờ của ông ta. Câu chuyện mở đầu thật tự nhiên. Giai điệu của bản nhạc đã có. Ông học trò bắt đầu vào cuộc hội thoại, và lạ thay, có lẽ là do âm hưởng của khúc mở đầu mà ông bỗng trở nên linh hoạt, cũng lây nhiễm ngay cái lối nói văn hoa, hàm chứa triết lý của ông thầy.

 - Thưa giáo sư! Tôi đến chậm! Nhưng vào đến cái sân nhỏ ở ngõ này lại dừng lại ít phút để ngắm bà lão còng tội nghiệp bê nồi nước. Và tự hỏi: Con cháu bà cụ đâu?

 - Ông hãy hỏi chính ông câu hỏi ấy, giả dụ có một người nhìn thấy mẹ ông đang làm việc nội trợ?

 - Chúng tôi, con cái của bà mẹ đều đi làm xa. Nhưng bà mẹ tôi sống rất dư thừa, sung sướng với tiện nghi vô cùng đầy đủ.

 - Ông có chắc mẹ ông không làm việc gì không?

 Ông giáo ngừng một lát. Đã động đến tâm sự của chính ông. Và thấy như mình đang được dịp tự bộc lộ, giọng ông hơi cao lên:

 - Ông chưa hiểu con người, ông học trò thân mến ạ. Na-pô-lê-ông đã chết ở hòn đảo Xanh Ê-len. Đó là một hòn đảo khí hậu tuyệt vời nhất ở Địa Trung Hải. Bị đầy ra đó, nhưng ông ta vẫn đủ bộ sậu tuỳ tùng với đủ các thú vui tiêu khiển. Ông ta chỉ có việc chơi bời, giải trí, đi săn. Nhưng sự rỗi rãi, vô tích sự trước ý chí là đồng hành của cái chết.

 - Nhưng, tôi đến chậm còn là vì sự ách tắc giao thông của thành phố, thưa giáo sư.

 - Đổ lỗi cho khách quan, đó là điều dễ dàng - Ông Cần mỉm cười – Nhưng, đó là một thực tế, tôi công nhận.

 - Một thực tế tiêu biểu cho đất nước của giáo sư.

 - Ông diễn đạt lại cho rõ ràng hơn đi, ông học trò.

 - Thưa giáo sư - Người đàn ông cụ cựa, ngập ngừng - Đất nước giáo sư trộn lẫn nhiều yếu tố quá. Cùng một lúc, trên cùng một mặt đường vận hành cả chiếc xe Von-ga hiện đại lẫn chiếc xích lô cổ lỗ và cái xe bò nhà quê. Chính là cái nọ đã cản trở cái kia.

 - Rất dễ hiểu thôi. Chúng tôi cũng không muốn như thế. Nhưng tất cả đều phải có thời gian, ông học trò ạ.

 - Bên cạnh cái tuyệt đẹp lại là cái cực xấu.

 - Tất nhiên!

 - Bên cạnh người anh hùng, thưa giáo sư - Người nước ngoài gân cổ, mắt ánh lên nỗi căm phẫn rất đột ngột – Cho phép tôi nói thẳng, là thằng ăn cắp.

 - Điều đó không phải là phát hiện mới mẻ - Ông Cần ngả người, nhìn những giọt cà phê bụ dần dưới đáy phin. Ông hiểu ông học trò của ông muốn nói gì rồi. Thanh thản và điềm đạm, ông tiếp – Có lẽ ông muốn nói về một thói xấu đang hoành hành.

 - Vâng! Ăn cắp! Đó là một thói tệ không thể tồn tại được trong một xã hội văn minh. Giáo sư thử tưởng tượng xem, từ những linh kiện điện tử quý giá nhất tới chiếc búa sắt thô sơ - Ông học trò nhún vai, xoè hai tay làm một cử chỉ bay bốc lên trời, trong khi khuôn mặt rung lên một cơn co giật.

 Cử chỉ và thái độ tức giận của ông học trò làm ông Cần bật cười. Chính ông cũng lạ về tiếng cười của ông. Thì ra những gì thuộc về ông thì không bao giờ mất đi được. Ông vẫn là ông giáo sáng trí, thông minh và làm chủ được hiểu biết, ý thức được mình như ngày nào đã xa.

 Xẻ cà phê vào hai tách, ông giáo Cần đẩy một tách đến trước mặt người nước ngoài.

 - Đó là một bi kịch - Ông giáo nói, khoan thai – Vở bi kịch của lao động dưới thời tư bản còn tiếp tục để lại dư vang tới tận hôm nay. Lao động bị tha hoá, tạo lên một tâm lý trốn tránh lao động và hưởng thụ lao động của kẻ khác.

 Câu giải thích không thoả mãn người nước ngoài. Tì hai tay trên bàn, nửa người ông ta như xô về phía ông Cần, và giọng chợt bừng bừng như có hơi lửa:

 - Tôi không thể đồng ý với giáo sư được. Nước chúng tôi là nước tư bản, giáo sư chưa được tới thật đáng tiếc, nhưng ở đó...

 - Tôi đã từng học ở Pa-ri.

 - Tôi biết – Người đàn ông nheo nheo mắt, láu lỉnh và dạn dĩ – ở nước chúng tôi, ôtô không phải khoá. Xe đạp để ngay bên vỉa hè. ở nước chúng tôi...

 Cúi xuống xúc đường từ cái thấu thuỷ tinh thả vào tách của mình, khuấy nhè nhẹ, ông Cần không ngẩng lên, nhưng như chẹn ngang câu nói nọ:

 - Không có ăn cắp vặt?

 - Đúng như thế!

 Ngẩng đầu lên, một ánh cười giễu cợt thoáng hiện qua bên mép ông giáo. Người nước ngoài nhận ngay ra vẻ lịch lãm đó, mặt ông ta bỗng bì bì như hoá chai.

 - Chúng tôi không có ăn cắp - Ông học trò cả quyết.

 - Không có ăn cắp vặt thôi - Ông giáo nói như cải chính – Cứ cho là như thế. Nhưng, ông có tin rằng những điền chủ, tỉ phú, triệu phú sống và giầu có bằng chính sức lao động của họ không?

 Lần này người học trò lớn tuổi ngả người ra sau ghế. Người đối thoại, người thày dạy ông ta đã giữ vị trí ông thày từ phút đầu tiên, không hề tỏ ra nao núng khi bị trò dồn đẩy, hơn nữa lại còn đối đáp với trò bằng một thứ ngôn ngữ giao tiếp hết sức chính xác, bóng bẩy, một lối phô diễn uyển chuyển, đầy những phép ẩn dụ và kiểu nói tu từ.

 - Khà khà... – Người đàn ông cười gượng gạo.- Thôi, xin giáo sư cho phép buổi học không đi sang các địa hạt chính trị, chính trị ta dành cho các nhà lãnh đạo. Chúng ta nói những chuyện bình dị hơn – Người nước ngoài nhấc tách cà phê, nhấp một hụm to – Thưa giáo sư, giáo sư có cảm tưởng gì về loại cà phê Mu-tu này?

 Hà một hơi thú vị, ông giáo nhấc tách cà phê, tâm trí thư giãn, như vừa hoàn thành một công việc đạt kết quả mỹ mãn.

 Khuôn trong lòng tách sứ trắng bong một làn nước nâu đen, sánh lạnh. Toả vào khứu giác ông giáo một làn hương thơm bùi, thanh khiết. Thứ cà phê thượng hảo hạng, gói trong giấy bạc, trên có khoảng chân không để giữ hương vị lâu, nhấp vào còn dư vị hậu, lưu luyến mãi ở cổ họng. Cùng với khói thuốc lá gu Pháp, lúc này, căn buồng hẹp dậy lên mùi thơm nhè nhẹ dịu hiền.

 Chà! Lâu lắm rồi ông Cần mới được thưởng thức thứ cà phê ngon như thế, hút điếu thuốc lá thơm thú vị như thế! Tuy là trí thức Tây học, và có trong mình cái hào hoa, coi nhẹ chuyện cơm áo của kẻ sĩ, nhưng phút này, ông vẫn thấy đê mê như lạc vào một thế giới xa lạ. Nhất là khi người đàn ông kia sử dụng tiếng Pháp khó nhọc nhưng đã cố gắng chuyển câu chuyện sang đề tài khác, ông ta bỗng trở lên dào dạt, sôi nổi khác thường. Ông ta kể về đất nước thanh bình và cái gia đình nhỏ có một bà mẹ và bốn anh em của mình. Bà mẹ ông sống một mình trong một ngôi biệt thự xinh đẹp ở ngoại ô thủ đô, chỉ liên lạc với các con bằng thư từ, điện tín, trong khi bốn anh em ông, bốn kỹ sư đi khắp thế giới, làm việc cho các công ty quốc tế. Riêng ông ta, không vợ con, đã hưởng thụ hầu như tất cả của ngon vật lạ trên thế gian. Mùa hè năm ngoái, nghỉ ở In-đô-nê-xi-a. Năm kia, du lịch ở Thái Lan và sắp tới sẽ đi chơi mười ngày ở Hồng Kông. Đó thật là một cuộc sống thần tiên, đầy ánh sáng văn hoá và niềm vui. Ôi, những câu chuyện đời sống, chuyện chơi vui, ăn uống, may mặc, du lịch, yêu đương, cà phê, thuốc lá, bia rượu. Chuyện đời đó thôi, hào hứng thú vị xiết bao!

 Người nước ngoài đặt tách cà phê xuống, khoan khoái liếm mép:

 - Ồ! Cà phê ngon tuyệt! Ai cũng phải thấy ngon chứ, thưa giáo sư. Ai cũng là con người trước khi là một thành viên dân tộc, giai cấp, xã hội.

 - Ông nhầm! Gạt tàn thuốc, ông Cần múm mím môi nhìn ông học trò – ở cái câu sau cùng ấy. Còn cà phê, ngon lắm. Tuy vậy, đã là con người thì phải hiểu: không thể đòi hỏi cái gì mà xã hội không thể kiếm đâu ra được. Sống, vui chơi, ăn uống, may mặc, du lịch, yêu đương... chuyện đời, ông nói đúng, nhưng ông lại chưa hiểu; nó rất đời, vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào đời, ông học trò ạ.

 Câu nói sau cùng của ông hình như không ăn nhập vào câu chuyện. Chính ông cũng cảm thấy có phần như thế. Thoáng trong mắt một giây ngơ ngác, nhưng, ông liền sập mi mắt, lắc nhè nhẹ mái đầu đã bạc mảng tóc ở gáy và hai thái dương. Ông nhận ra mình rồi. Ông đã nhìn thấy chân dung mình qua cuộc đối thoại thầy trò với người đàn ông kia. à, ra ông là vậy. Có lầm lạc. Có bối rối. Nhưng chưa suy đồi thảm hại. Và nhất là còn cái cốt lõi rắn chắc. Giấy rách còn lề; còn cái lề giữ được. Sau bao ngày chìm trong buồn nản, tưởng ông đã mòn mỏi, rã rời và cằn cỗi đi. Vậy mà không, trong ông vẫn là một cốt cách, một bản ngã, có lúc nó lặng chìm đi, nhưng khi đối mặt với cái gì đối lập, định phủ định nó, thì nó bật lên, tự bật lên một sức mạnh đề kháng, cứng cáp hiên ngang. Hiên ngang như những con đê chống lại bốn mươi tám tỉ khối nước, ông chợt nhớ tới một câu trong thư của con trai và ông bỗng thấy gần gũi với Trọng xiết bao!

 Ông hơi nhổm dậy, phấn chấn hẳn lên. Lòng tự trọng, niềm kiêu hãnh của ông sẽ biến thành lòng tự ái ngay lập tức, nếu như gã học trò kia lại tiếp tục khoe khoang đời sống vật chất xa hoa của ông ta và một bộ phận trí thức bên các nước ông ta để lung lạc ông, để dè bỉu miệt thị đất nước ông, dân tộc ông.

 May thay, người nước ngoài đã biết kiềm chế. Ông ta liếc ra cửa và hình như thoáng thấy bóng Loan ở ngoài sân.

 - Thưa giáo sư, tôi có một nhược điểm - Ông học trò cười láu lỉnh – yêu đàn bà đẹp.

 Ông Cần cười theo:

 - Điểm này thì có thể... ai cũng vậy!

 - Vậy ta hãy nói chuyện về đàn bà.

 - Với tư cách họ là nửa phần nhân loại?

 - Ô, không – Người nước ngoài nhìn lên tấm ảnh bà vợ ông giáo, nhăn nhăn trán – Với tư cách họ là phái đẹp. ờ, người đàn bà đẹp. Thế nào là người đàn bà đẹp? Ai là người đàn bà đẹp nhất thế giới?

 - ý ông?

 - Thật khó xác định! Jắc-Ky, vợ goá của tổng thống Ken-nơ-đi? ồ, không toàn mỹ! Các ngôi sao màn bạc Châu Âu? Các tài tử Đài Loan? Những mỹ nhân thời xưa? Tây Thái Hậu, Đắc Kỷ, người đàn bà cuối cùng của nhà Thương? ý giáo sư? La Meileure femme du monde? (°) 

 - Cái đẹp không thể là cái xa lạ!

 - ồ. Một ý nghĩ mới mẻ. Xin giáo sư nói rõ trường hợp giáo sư. Ai là người đàn bà đẹp nhất?

 Nghiêng vai, hai mắt kính ngước lên tấm ảnh bà vợ già của mình, ông giáo Cần khẽ khàng và rưng rưng:

 - Đó! Đó là người phụ nữ đẹp nhất, đối với tôi, của tôi!

 Vừa nói ông vừa như bị hút vào tấm ảnh, buổi sáng nay vẫn như bao thuở, bà vẫn hiển hiện một gương mặt, một tâm tình tươi vui, hồn hậu và âu yếm nhìn ông. Phải đến một phút sau, ông giáo mới quay lại và nhận ra người học trò nước người của mình đang há hốc miệng vừa kinh ngạc, vừa khó chịu.

 - Tôi không muốn nói người đàn bà đáng quý! – Người nước ngoài làu bàu vì cảm thấy mình bị lỡm cợt trong một trò chơi chữ nghĩa oái oăm.

 Ông Cần ngả người ra thành ghế, châm thuốc, và trong làn khói thuốc toả lờ mờ những vòng lượn chông chênh, giọng ông đằm lại, mỗi âm tiết như một nốt nhạc được tuyển lựa kỹ càng và âm vang:

 - Ông không hiểu ư, ông học trò thân mến của tôi? Với tôi, không có ai đẹp bằng bà vợ già của tôi cả. Không có mái tóc nào đẹp bằng mái tóc bạc của bà vợ tôi. Ông khó hiểu ư? Vâng, mái tóc bạc ấy, làn da nhăn nheo ấy, đối với tôi, giờ đây vẫn còn gây bao xúc động! Năm tháng chỉ làm đằm thắm thêm tình cảm của tôi với người vợ của tôi thôi. Ông không tin ư? ồ, lúc nãy ông nói về con người và ông đã nhầm. Tôi là con người nói chung, đồng thời là tôi, ông giáo Cần, thuộc về dân tộc tôi, đất nước tôi, không tách rời được. Chúng tôi, lúc trẻ có tình vợ chồng, lúc già lại thêm nghĩa phu thê. Nghĩa, trong tiếng Pháp không có từ này. Chúng tôi có tình bạn, tình cha con, tình mẫu tử, tình hàng xóm... Chúng tôi còn có nghĩa bạn bè,nghĩa phụ tử, nghĩa lân bang; xưa kia còn có nghĩa vua tôi. Vì nghĩa, người ta có thể xả thân. Nghĩa là kết tinh năm tháng của tình; về mặt nào đó, còn sâu sắc hơn tình.

 Đôi mắt kính lại một lần nữa ngước lên ban thờ người vợ thân yêu, giọng ông không cao hơn, nhưng càng như tha thiết hơn:

 - Có lẽ ông lấy làm lạ về cái bàn thờ của tôi, của dân tộc tôi, ông học trò à! Tôi không chê lối sống của các ông. Mỗi dân tộc đều đáng quý và có quyền sống theo cách sống của mình. Chúng tôi cũng vậy. Nhìn cái bàn thờ kia ông đừng nghĩ đó là mê tín. Có những giá trị thiêng liêng đáng tôn thờ lắm chứ. Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, các anh hùng liệt sĩ, các ông tổ nghề. Đó không phải là tôn giáo, cũng không phải là học thuyết. Đó là ân nghĩa, là lòng sùng kính. Cái đó mạnh lắm, bền vững lắm. Bền vững như Đế thiên, Đế thích, như Kim tự tháp, ông ạ.

 Cảm thấy vẫn có thể nói tiếp, nhưng như vậy là bất nhã và làm mất đi tính chất của buổi học, ông giáo Cần dừng lời.

 Người nước ngoài gật đầu miễn cưỡng:

 - Tôi hiểu, thưa giáo sư kính mến. Đất nước giáo sư có một nền văn hoá đẹp, một quá khứ huy hoàng.

 - Ông có đọc lịch sử nước tôi?

 - Dạ, thưa có.

 - Vậy còn hiện tại ở đất nước chúng tôi?

 - Thật là đầy khó khăn!

 Ông Cần cười, cái cười điềm tĩnh, tự chủ.

 - Thật là đầy khó khăn! - Ông nhắc lại lời người học trò, hơi cúi xuống – Nhưng cũng như luận đề chúng ta vừa trao đổi. Cái đẹp mà xa lạ thì vô nghĩa, với tôi, đất nước còn đang nghèo nàn này, có thể lúc này là nghèo nàn nhất thế giới đấy nếu tính theo thu nhập đầu người, nhưng tôi nhắc lại, với tôi, đất nước này không gì sánh được. Tôi không đổi nó lấy bất cứ một cái gì. Bởi vì đất nước này là nhân nghĩa, là ân tình của tôi. Ông có biết câu ca dao này không: “ Con không chê cha mẹ khó. Chó không chê chủ nhà nghèo...”

 Ông Cần ngừng lại. Mắt kính ông bỗng dưng như có hơi nước ám và ông thấy cánh mũi bỗng cay cay. Ông khóc vì xúc động. Tràn vào ông tất cả những tình yêu, nỗi nhớ, và cả nỗi đắng cay, chua xót của những ngày qua.

 Chính lúc ấy, mái ngói nhà ông bỗng lộp độp tiếng mưa rơi. Ngẩng lên, nhìn ra cửa, ông giáo nhận ra hạt mưa đã đan dầy cả khoảng sân.

 - Mưa to đấy, ông ạ - Giọng ông nghèn nghẹn – Mưa to, rồi úng, rồi ngập lụt. Khó khăn! Khó khăn lắm! Nhưng đó chỉ là một khía cạnh giản đơn, ai cũng thấy được. Còn khía khác khó thấy hơn, vì nó kỳ diệu. Tôi muốn kể ông nghe khía cạnh ấy bằng câu chuyện huyền thoại Sơn Tinh-Thuỷ Tinh của dân tộc chúng tôi. Ông có nghe và hiểu hết lời tôi nói không?

 Mưa đổ rào rào như ném đá sỏi một đợt nữa trên mái ngói.

 Giọng ông giáo Cần trầm xuống thăm thẳm. Mưa xối xả mỗi lúc một to. Ngoài ngõ có tiếng chân người chạy thình thịch. Bụi nước bay mờ mịt ngoài sân, căn buồng nhỏ bỗng tối mờ. Rồi tiếng sét nổ vỡ thình lình từng dây dài, kéo ngang qua thành phố và bầu trời đen sầm nhoang nhoáng những tia chớp sáng loé.

 Trong tiếng mưa đổ như thác và tiếng sấm sét ầm ào, lát sau bỗng vang lên tiếng gào của ông Nhuần tổ trưởng dân phố:

 - Bớ bà con! Ai có sức thì ra tập hợp, lên ô tô đi hộ đê nhé! Nước sông lên to lắm rồi!

 Tiếng ông Nhuần bị vuốt dài, nhoè mờ trong tiếng mưa, nghe rờn rợn. Người nước ngoài rùng mình.

 Ông giáo Cần yêu cầu dừng buổi học ở đây. Ông tìm cái áo mưa, khoác vào, và đi ra ngoài! Ông nghĩ là ông sẽ đến với Trọng, ông như tìm được thế quân bình của mình.