Mùi Hương

Chương 21

Nó muốn đi ngay xuống miền nam để học ở đó những kỹ thuật mới như ông già đã nói. Nhưng đâu có thể được. Nó chỉ là một đứa học nghề có nghĩa là chẳng là cái thớ gì cả. Nghiêm khắc mà nói, Baldini giải thích sau khi nỗi mừng rỡ ban đầu vì Grenouille sống lại qua đi, nghiêm khắc mà nói thì nó còn kém cả sự chẳng ra cái thớ gì, vì một đứa học việc đúng đắn phải có được gốc gác chính thức đàng hoàng, họ hàng cùng giai tầng xã hội và một giao kèo học nghề mà cả ba thứ đó nó đều không có. Tuy vậy Baldini vẫn muốn giúp nó một ngày kia có được chứng chỉ thợ lành nghề chỉ vì đã cân nhắc cái năng khiếu không dễ có của Grenouille, phẩm hạnh tốt của nó trong tương lai và vì lòng tốt không bờ bến của ông, một điều mà nó không bao giờ có thể phủ nhận, dù rằng lòng tốt ấy thường đem hại đến cho ông.

Dĩ nhiên cần khá lâu, ngót ba năm, để hoàn thành lời hứa của sự hảo tâm này. Trong thời gian ấy có Grenouille trợ giúp, Baldini đã thực hiện được giấc mộng vói cao của ông. Ông thành lập một xí nghiệp ở Faubourg Saint-Antoine, những nước hoa độc đáo của ông được ưa chuộng trong hoàng cung, và ông nhận được đặc quyền của hoàng gia. Nước hoa hảo hạng của ông bán tận sang Petersburg, tới Palermo, tới cả Kopenhagen. Thậm chí một thứ đặc biết có mùi xạ hương rất được ưa chuộng ở Konstaninopel (Istanbul ngày nay) dù họ thừa nước hoa, như Chúa biết đấy. Trong những cửa hàng sang trọng của London cũng thơm nức nước hoa của Baldini như ở trong hoàng cung Parma, trong cung điện ở Warsaw cũng không khác lâu đài của bá tước Von und zur Lippe-Detmold.

Sau khi tưởng đã cam phận sống nốt tuổi già nghèo túng ở Messina, Baldini dứt khoát trở thành nhà chế nước hoa lớn nhất Châu Âu và là một trong những công dân giàu có nhất Paris vào năm ông bảy mươi tuổi.

Đầu năm 1756, lúc này ông đã tậu thêm ngôi nhà bên cạnh trên Pont au Change, chỉ để làm chỗ ở thôi vì ngôi nhà cũ ngập tới tận nóc, không phải nói ngoa, với hương liệu và đồ gia vị, ông ngỏ ý với Grenouille rằng sẵn lòng trả tự do cho gã, tất nhiên chỉ với ba điêu kiện: thứ nhất, trong tương lai gã không chế tất cả nước hoa gã đã chế dưới mái nhà của Baldini, và cũng không đưa công thức cho ai khác; thứ hai là gã phải đi khỏi Paris và sẽ không trở lại khi Baldini còn sống và thứ ba là gã phải tuyệt đối giữ kín hai điều kiện trên. Gã phải thề trước các vị thánh, trước vong linh khốn khổ của mẹ gã và trên danh dự của chính gã.

Grenouille thề ngay dù rằng chẳng hề có danh dự, cũng như chẳng tin vào thánh hay vong linh khốn khổ của mẹ gã. Gã sẵn sàng thề mọi thứ, chấp nhận mọi điều kiện, vì gã muốn có được cái chứng chỉ thợ lành nghề khôi hài để có thể sống kín đáo, đi lại không bị trở ngại và tìm được chỗ làm. Những chuyện khác gã chẳng màng tới. Những điều kiện kia nào có nghĩa gì! Không được trở lại Paris ư? Gã cần gì Paris chứ! Gã biết Paris tới tận ngóc ngách hôi hám cuối cùng, dẫu đi đâu gã cũng đều có Paris trong người từ nhiều năm rồi. Không được chế những nước hoa độc đáo của Baldini, không được trao công thức cho người khác ư? Làm như gã không thể sáng tạo ra hàng nghìn thứ khác tốt bằng và tốt hơn nếu gã muốn! Nhưng gã đâu có muốn? Gã đâu định cạnh tranh với Baldini hay với bất kỳ một nhà chế nước hoa trưởng giả nào. Gã đâu có ý định làm giàu với nghệ thuật của gã ngay cả chỉ để sống cũng thế, khi gã có thể làm cách khác. Gã muốn bộc lộ cái gã tàng trữ trong lòng mà gã cho rằng tuyệt vời hơn tất cả những gì ngoại giới cống hiến, gã không muốn gì khác hơn thế cả. Cho nên điều kiện của Baldini đối với gã không phải là điều kiện.

Gã ra đi vào mùa xuân, một sáng sớm tháng năm. Gã nhận được của Baldini một túi đeo lưng nhỏ, một cái áo thứ nhì, hai đôi tất, một khúc dồi to, một cái chăn thô và hai mươi lăm quan. Baldini nói thế là quá nhiều so với những gì ông có bổn phận cung cấp, nhất là Grenouille không trả tí tiền học nào cho sự đào tạo chu đáo mà gã hưởng. Ông chỉ buộc phải cho gã hai quan tiền đi đường, thế thôi. Nhưng mà ông không thể chối bỏ lòng tốt của mình cũng như tình cảm sâu đậm chất chứa trong trái tim ông trong suốt bao năm dành cho thằng Jean-Baptiste Grenouille giỏi giang. Ông chúc gã nhiều may mắn trong cuộc hành trình và một lần nữa nghiêm khắc cảnh cáo gã đừng quên lời thề. Rồi ông đưa gã tới cổng dành cho người làm, nơi xưa kia ông đã gặp gã, để cho gã đi.

Ông không đưa tay cho gã bắt, cái tình cảm chưa đủ sâu đậm đến thế. Ông chưa bao giờ bắt tay gã. Ông luôn luôn tránh đụng chạm đến gã do một thứ ghê tởm mù quáng như thể có nguy cơ gã làm ông lây bệnh, làm ông ô uế. Ông chỉ nói gọn lỏn adieu[1], Grenouille gật đầu rồi khom người lại, ra đi. Đường phố không một bóng người.

Chú thích:

[1] Vĩnh biệt (tiếng Pháp)