Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc

IV. Tô Tần - 1 -

Tô Tần là một nhân vật có tính truyền kỳ trong lịch sử thời Chiến Quốc.

Theo sách "Sử ký" phần "Tô Tần liệt truyện" chép, thì Tô Tần cùng với Trương Nghị từng giữ nhiệm vụ Tướng quốc của sáu nước. Cả hai đều là "tung hoành gia”. Họ chủ trương "hợp tung" để đối phó với nước Tần mạnh mẽ thời bấy giờ, làm cho quân Tần không dám dòm ngó Hàm Cốc Quan suốt mười lăm năm. Nhưng, rốt cuộc do các đại phu của nước Tề tranh giành sự sủng ái của nhà vua, nên đã dẫn tới Tô Tần bị giết chết tại nước Tề.

Trên đây chính là hình tượng Tô Tần trong tâm khảm của mọi người. Hình tượng đó chủ yếu bắt nguồn từ sách “Sử ký" của Tư Mã Thiên. Nhưng, trên thực tế hình tượng đó so với sự thật lịch sử có chỗ khác nhau ít nhiều.

Tháng mười hai năm 1973 đã khai quật được một bộ sách lụa (bạch thư) tại ngôi mộ người nhà Hán ở Mã Vương Đôi tại Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam. Sách này gồm có tất cả hai mươi bảy chương. Người có trách nhiệm chỉnh lý mệnh danh sách này là "Chiến Quốc tung hoành gia thư" (gọi tắt là sách lụa).

Trong bộ sách này có tất cả mười tám chương ghi chép về sự tích của Tô Tần, và có khoảng 60% nội dung không hề thấy ghi chép trong những bộ sách "Sử ký", “Chiến quốc sách" thuộc ấn bản hiện nay. Việc khai quật được bộ “sách lụa" nói trên, đã vén lên màn bí mật về Tô Tần suốt hai nghìn năm qua. Nó cũng giúp cho các học giả có thể hình dung lại các sự tích về Tô Tần. Chúng tôi dựa vào tư liệu này, để tái hiện chân diện mục của nhà tung hoành cổ đại này trong lịch sử, để quý vị độc giả tham khảo.

1. Đâm Vào Đùi Để Khổ Học

Tô Tần là người thôn Thừa Thiên, thuộc Lạc Dương (nay là thành phố Lạc Dương, tỉnh Hồ Nam) thuộc lãnh thổ của Đông Châu. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân bình thường. Tô Tần có tất cả năm anh em, ông là con út nên lấy tự là Quý Tử. Các anh của ông gồm có Tô Đại, Tô Lệ, Tô Bích, Tô Cốc, đều là nhưng nhà mưu lược về thuật “tung hoành” nổi tiếng một thời.

Năm sinh đích xác của Tô Tần cho đến nay không có tư liệu nào để tham khảo. Theo sách "Sử ký" phần “Yên thế gia” chép thì: "(Văn Công) năm thứ hai mươi tám (334 trước công nguyên), Tô Tần mới bắt đầu yết kiến”. Dựa theo "Sách lụa" thì sự ghi chép này là sai lầm. Theo chương thứ hai mươi trong "Sách lụa” thì: Tề tấn công Ngụy, Vi Ông Thị nước Sở đánh bại Tần tại Khuất Cái”, lại nói: “Chừng đó Tô tần mới đến". Như vậy, rõ ràng lúc đó Tô Tần vừa mới bước chân vào vũ đài chính trị, và đó là những lời du thuyết của ông đối với Trần Chẫm. Nếu căn cứ vào câu "Tần bại Khuất Cái" vào năm 32, và nếu đặt giả thiết Tô Tần là thanh niên lần đầu tiên xuất hiện trong vũ đài chính trị khoảng hai mươi tuổi, thì có thể đoán được năm sinh của ông là khoảng trước sau năm 332.

Lúc bấy giờ, chính là giai đoạn giữa của thời Chiến Quốc, các nước đang tranh giành đất đai giữa nhau một cách quyết liệt. Cho nên, có rất nhiều kẻ sĩ đi du thuyết về thuật tung hoành với các chư hầu. Họ dùng ba tấc lưỡi để tìm phú quý công danh, và trở thành các bậc khanh tướng áo trắng, có uy quyền rất to, tiếng tăm vang dội. Đối với những người này, Tô Tần tỏ ra rất ngưỡng mộ. Hơn nữa, ngay từ nhỏ ông đã chịu ảnh hưởng của các người anh, nên lập chí đi theo con đường này. Ông đơn thân độc mã tìm tới nước Tề, và xin vào học với một bậc đại sư về thuật tưng hoành là Quỷ Cốc tiên sinh, để học tập về môn này.

Sau khi học xong, Tô Tần trước sau đến du thuyết tại các nước như Châu, Tần, Triệu v.v... nhưng đều không được trọng dụng, nên đành phải quay về nhà và cảm thấy rất thẹn. Sau khi về tới nhà, vợ và chị dâu của Tô Tần đều xem khinh ông, chê cười ông là người không lo làm ăn chính đáng như làm nghề nông, nghề thương. Họ cho rằng với tài năng của Tô Tần, mà muốn đi bon chen tìm công danh thì có khác nào như chuyện nằm mộng.

Tô Tần nghe qua, chẳng những không buồn nản, mà trái lại, suốt ngày đóng cửa phẫn chí lo việc học hành. Ông ngày đêm nghiên cứu học hỏi các chương sách như "Âm phù”, “Sủy Tình", "Ma ý" v.v... để tìm hiểu phương pháp thuyết phục các vị vua chúa. Ông học đến nửa đêm thường ngủ gật, nên đã “dùng dùi đâm vào đùi, máu chảy tới bàn chân" (chương một trong Tân Sách). Tinh thần khắc khổ học hỏi đó, được người đời sau liên tục truyền tụng. Việc Tô Tần dùng dùi nhọn đâm vào đùi để học, cũng giống như chuyện Tôn Kính treo tóc mình lên xà nhà để chống ngủ gật, đều được đưa Vào Sách Tam Tự Kinh, và được xem là tấm gương phẫn chí để học hỏi. Tất nhiên, mục đích đâm dùi vào đùi để lo học của Tô Tần, chính là muốn mưu cầu công danh phú quý. Nhưng ý chí tiến thủ và tinh thần phẫn chí học tập của ông vẫn là việc mà ngày nay cũng nên đề xướng.

Quả nhiên, sự đời không bao giờ phụ lòng người có chí. Chỉ một năm sau, trình độ học vấn của Tô Tần đã thật vượt bậc, thuật thăm dò tìm hiểu của ông cũng được đề cao không ít. Tô Tần lại bắt đầu đi du thuyết các nước. Lúc bấy giờ, hai nước Tề và Tần là hai nước khá cường thịnh và đều nuôi tham vọng tiêu diệt sáu nước để thống nhất thiên hạ. Trong khi đó, các nước yếu thì hoặc công khai hoặc ngấm ngầm đấu tranh với nhau, rất dễ bị nước mạnh lần lượt tiêu diệt từng nước một. Tô Tần cực lực chủ trương “hợp tung”, tức liên hiệp những nước yếu lại, để chống những nước mạnh. Do vậy, ông trước tiên đến nước Yên, là một nước nhược tiểu nhất thời bấy giờ.