Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Chương 23

Hễ đi trong những dãy hành lang công cộng của Tòa án, tôi còn cảm thấy gần như tự do và thoải mái, nhưng khi được dẫn qua những cửa thấp lè tè, những cầu thang bí mật, những hành lang nội bộ, những dãy hành lang dài, kín mít, ngột ngạt, chỉ dành cho người kết án và người bị kết án thì mọi quyết định cương quyết của tôi biến đi đâu hết.

Viên chấp pháp luôn luôn kèm tôi. Còn ông linh mục thì đã bỏ đi hẹn hai tiếng nữa sẽ trở lại. Ông ta còn có việc của mình.

Người ta dẫn tôi đến phòng chánh quản đốc trại giam. Viên chấp pháp muốn giao tôi tận tay cho ông chánh quản.

Đây là một sự trao đổi. Ông chánh quản đã yêu cầu hắn đợi một lát đồng thời báo cho hắn biết sẽ có vật săn để trao lại, tiện xe trạm trở về sẽ áp giải đến tận Bicêtre. Chắc chắn tên tội phạm kết án hôm nay sẽ được ngủ luôn trong xà lim ở đó, trên bó rơm mà tôi chưa kịp dùng.

– Tốt! - Viên chấp pháp trả lời ông chánh quản. - Tôi sẽ đợi một lát, chúng ta sẽ lập hai biên bản một lúc, mọi việc sẽ ổn thỏa thôi.

Trong khi chờ đợi, người ta để tôi ở lại trong một căn phòng nhỏ liền kề phòng ông chánh quản đốc. Ở đó, người ta để tôi lại một mình nhưng cửa đã khóa rất kỹ.

Tôi không biết, tôi nghĩ đến cái gì, cũng không biết tôi ở đây được bao nhiêu lâu rồi. Một tiếng cười phá lên rất to bên tai tôi làm tôi bừng tỉnh.

Tôi ngước mắt lên rùng mình. Tôi không còn ở một mình trong buồng. Có một người đàn ông khoảng năm mươi nhăm tuổi, người tầm thước, nhiều nếp nhăn, lưng còng, tóc bắt đầu hoa râm, chân tay béo lùn, có cái nhìn mờ ám trong đôi mắt xám xịt, cái cười cay đắng trên khuôn mặt bẩn thỉu, quần áo rách rưới, cởi trần, không ai muốn nhìn.

Hình như người ta đã mở cửa đẩy hắn vào đây rồi khép cửa lại lúc nào tôi không để ý. Giá mà cái chết cũng có thể đến như thế.

Tôi và hắn chằm chằm nhìn nhau trong mấy giây đồng hồ. Hắn kéo dài cái cười giống như tiếng ran. Còn tôi, nửa ngạc nhiên, nửa khiếp sợ. Cuối cùng tôi nói với hắn:

– Anh là ai?

– Hỏi gì mà lạ, một friauche (tiếng lóng có nghĩa là tử tù).

– Một friauche? Nghĩa là gì nhỉ?

Thắc mắc của tôi làm hắn vui lên gấp bội. Hắn lại cười phá lên và trả lời:

– Điều đó có nghĩa là nhà tù sẽ cho cái đầu tớ vào sọt trong sáu tuần lễ nữa cũng như sẽ xử lý cái đầu của đằng ấy trong sáu giờ nữa. Ha! Ha! Bây giờ thì đằng ấy đã hiểu rồi chứ?

Quả thật tôi tái xanh tái xám, tóc dựng ngược. Đó là một tên tội phạm khác đã thành án vào hôm nay, ở Bicêtre người ta đang đợi hắn đến, người kế tiếp của tôi.

Hắn tiếp tục:

– Đằng ấy muốn gì nữa. Đây là câu chuyện của tớ. Bố tớ là một tử tù. Rất tiếc là đao phủ đã chặt đầu ông ta khi giá treo cổ dựng lên vì ân huệ của Chúa. Lên sáu tuổi tớ không còn cha mẹ. Mùa hè tớ đi lang thang bên vệ đường để xin bố thí. Người ta vất qua cửa xe trạm cho tớ vài đồng xu.

Mùa đông tớ đi chân đất, vừa lội trong bùn vừa hà hơi vào ngón tay đỏ lên vì cóng. Người ta nhìn thấy cặp đùi của tớ qua chiếc quần quá mỏng. Lên chín tuổi, tớ bắt đầu dùng đến hai bàn tay (tiếng lóng), thỉnh thoảng tớ móc túi, hay xoáy một cái áo măng tô. Lên mười, tớ là một tên ăn cắp thiện nghệ. Tớ làm quen với nhiều người. Mười bảy tuổi tớ trở thành tên ăn cắp có hạng. Tớ làm chìa khóa giả xông vào một cửa hàng để xoáy đồ. Đến tuổi trưởng thành rồi tớ bị án khổ sai. Cuộc sống trong tù khổ sai khá vất vả: ngủ trên ván, uống nước lã, ăn bánh mì đen.

Tớ sống vất vả điêu đứng chẳng để làm gì cả. Bị đánh đòn bằng gậy rồi đem phơi nắng. Tóc bị cắt trọc, mặc dù trước đó tóc tớ màu hạt dẻ rất đẹp. Cần gì. Tớ hết thời rồi. Mười lăm năm như thế. Tớ đã ba mươi hai tuổi rồi. Một buổi sáng đẹp trời người ta đưa cho tớ một tờ giấy và 66 phrăng và tớ bị án mười lăm năm khổ sai, lao động mười sáu tiếng một ngày, ba mươi ngày một tháng và mười hai tháng một năm. Đó là bình đẳng.

Tớ muốn là một người trung thực với 66 phrăng, tớ có những tình cảm đẹp trong bộ quần áo rách rưới như là trong chiếc áo nhà dòng của thầy tu. Nhưng trên giấy tờ tùy thân bị quỷ ám của tớ người ta ghi tù khổ sai được trả tự do. Đi đến đâu tớ cũng phải đưa cho người ta coi tờ giấy đó và cứ tám ngày một tớ phải đến trình diện ông xã trưởng nơi người ta bắt tớ định cư. Thật là một thư giới thiệu tệ hại! Một tên tù khổ sai mà!

Tớ làm mọi người phải sợ hãi. Trẻ con trông thấy tớ đều sợ phát khiếp và bỏ chạy cả. Đến đâu người ta cũng đóng cửa đối với tớ. Không ai muốn giao công việc cho tớ. Tớ phải sống với 66 phrăng. Nhưng rồi tớ vẫn phải sống. Tớ xin đi làm, chỉ yêu cầu trả công 15 xu mỗi ngày rồi mười xu, năm xu cũng phải làm. Làm sao đây? Một hôm đói quá tớ lấy khuỷu tay đập vỡ cửa kính một hiệu bánh mỳ. Tớ thó bánh rồi người chủ cửa hiệu tóm được tớ. Tớ chưa kịp ăn bánh của ông ta nhưng phải lao động khổ sai chung thân với ba chữ nung đỏ trên vai.

Tớ sẽ chỉ cho cậu thấy nếu cậu muốn. Người ta gọi đó là tái phạm. Tớ bị giải đến nhà tù khổ sai ở Toulon. Lần này người ta chua thêm trên giấy tờ là khổ sai chung thân. Tớ phải tìm cách vượt ngục. Muốn trốn phải khoét thủng ba bức tường, chặt đứt hai xiềng ở chân. Và tớ kiếm được một cái đinh. Người ta bắn đại bác báo động vì coi chúng tớ là tù khổ sai được mặc áo đỏ giống như Hồng y giáo chủ La Mã, khi chúng tớ thoát khỏi trại và người ta bắn đại bác khi chúng tớ bỏ trốn. Thuốc đạn đại bác trùm lên bộ lông của những con chim sẻ.

Lần này không có giấy tờ tùy thân màu vàng, tiền cũng không có. Tớ gặp những bạn bè cũ cũng đã hết thời hoặc đã cắt dây (hoàn lương). Người đứng đầu bọn họ đề nghị tớ trà trộn vào trong bọn và người ta sẽ hạ thủ hết bọn họ trên đường đi. Tớ nhận lời giết người để sống, khi thì một xe ngựa chở khách khi thì một xe trạm, khi một lái bò đi ngựa! Tiền bị cướp hết, còn súc vật kéo hay xe thì bỏ mặc đấy. Chúng tớ chôn nạn nhân ở gốc cây, chú ý không để thò chân ra rồi người ta nhảy múa trên mặt huyệt để chứng tỏ không phải là đất mới xáo lên. Tớ chóng già là vì thế.

Nằm trong bụi, ngủ đêm dưới màn trời sao, chui lủi từ khu rừng này sang khu rừng khác nhưng ít nhất cũng là được tự do. Song mọi việc rồi cũng phải có hồi kết, nhất là với một cuộc sống lang bạt như thế! Một đêm tệ hại, bọn hiến binh đã tóm cổ chúng tôi. Đồng bọn chạy thoát nhưng tớ già đời nhất lại sa vào nanh vuốt của chúng. Người ta áp giải tớ đến đây. Tớ đã qua hết các nấc thang trừ một cái. Đã từng ăn cắp một chiếc khăn mùi soa hay giết người, từ nay là tất cả đối với tớ. Lại còn tái phạm nữa. Chỉ còn sang tay tên đao phủ nữa là xong. Vụ việc của tớ chỉ ít hôm đã xử xong.

Lạy Chúa, tớ bắt đầu già đi và trở thành vô dụng. Cha tớ đã cưới bà góa (tiếng lóng, nghĩa là lên máy chém). Đến lượt tớ cũng sẽ kết thúc cuộc đời bằng cái máy chém. Thế đấy anh bạn ạ.

Tôi nghe chuyện hắn kể như một thằng ngốc không biết gì hết. Hắn lại bắt đầu cười to hơn lúc bắt đầu kể chuyện và muốn cầm tay tôi. Tôi lùi lại, khiếp đảm.

Hắn lại nói:

– Bồ này! Trông đằng ấy không có dáng gì là can đảm. Không nên tỏ ra nhát gan trước cái chết như thế. Đằng ấy thấy không? Phải trải qua một thời điểm khó khăn ở pháp trường La Grève. Nhưng thời điểm ấy qua đi rất nhanh. Tớ muốn có mặt ở đấy để chỉ cho đằng ấy biết cái lưỡi dao chém nó sập xuống như thế nào. Trời đất! Tớ không muốn chống án nên người ta muốn chặt đầu tớ hôm nay cùng với đằng ấy. Cùng một ông linh mục ấy sẽ rửa tội cho hai đứa mình luôn thể. Hy vọng cuối cùng của đằng ấy đối với tớ cũng thế thôi. Đằng ấy có thấy tớ là người tử tế không? Nói đi anh bạn, muốn có tình bạn không?

Hắn còn tiến lên một bước sán lại gần tôi nhưng tôi xua tay ẩy ra và nói:

– Cám ơn.

– Ủa, cái anh này, có vẻ quan dạng quá đấy.

Tôi ngắt lời hắn:

– Anh bạn! Tôi cần tĩnh tâm một lát. Hãy để tôi được yên.

Lời nói nghiêm trang của tôi khiến hắn trở nên tư lự. Hắn động đậy cái đầu xám như hói rồi lấy móng tay gãi vào cái ngực lông lá sau chiếc áo sơ mi để hở. Hắn thầm thì giữa hai hàm răng:

– Tôi hiểu. Về việc ấy ông linh mục phải…

Rồi sau một phút im lặng hắn lại nói gần như nhút nhát:

– Này! Anh coi bộ quan dạng lắm, anh có chiếc áo rơ-đanh-gốt chẳng còn giúp gì anh được bao nhiêu. Nhà tù sẽ lột của anh đấy, chi bằng anh cho tôi đi. Tôi sẽ bán lấy tiền mua thuốc hút.

Tôi cởi chiếc rơ-đanh-gốt trao cho hắn. Hắn vỗ tay vui mừng như trẻ con. Rồi thấy tôi chỉ còn chiếc sơ mi trên người lại run bần bật,hắn nói:

– Anh bạn lạnh đấy! Mặc cái áo này vào, trời mưa anh sẽ không bị ướt. Vả lại cũng cần ăn mặc đàng hoàng lúc lên xe ra pháp trường chứ!

Vừa nói hắn vừa cởi chiếc áo len thô màu xám đang mặc rồi để lên cánh tay tôi. Tôi không đáp, cứ để mặc cho hắn làm gì thì làm. Lúc đó tôi đang dựa người vào tường, tôi không thể biết con người đó ảnh hưởng đến tôi như thế nào. Còn hắn bắt đầu ngắm nghía chiếc rơ-đanh-gốt tôi vừa đưa cho hắn và mỗi lúc lại xuýt xoa vui vẻ.

– Các túi còn mới nguyên, cổ chưa sờn. Mình sẽ có ít nhất mười lăm phrăng đây! Hạnh phúc biết bao! Đủ thuốc hút trong sáu tuần nữa trong khi chờ phúc thẩm.

Cửa phòng bật mở. Người ta đến tìm cả hai người chúng tôi. Tôi sẽ đi theo đến Tòa để được biết ngày giờ thi hành án. Còn hắn sẽ được giải đi Bicêtre. Hắn vừa cười vừa đi giữa tốp lính và nói:

– Này đừng nhầm lẫn nhé. Tôi và ông kia vừa đổi áo cho nhau đấy. Đừng nhầm tôi với ông kia. Quái thật! Không phải chạy chọt gì mà bây giờ có cái để mua thuốc lá hút!