Ngày Cuối Cùng Của Một Tử Tù

Chương 5

Vừa đến nơi, người ta vội vàng cùm tay tôi lại. Người ta tăng gấp bội các biện pháp đề phòng: không một con dao, không một dĩa cho tôi khi ăn. Một loại túi vải buồm - áo trói người điên - bọc kín cánh tay tôi. Người ta có trách nhiệm phải giữ cho tôi sống đến ngày lên đoạn đầu đài. Tôi đã xin chống án. Chỉ còn sáu hay bảy tuần nữa cho một vụ việc tốn kém này, cần phải để tôi sống bình an vô sự đặng đi tới quảng trường Grève.

Những ngày đầu người ta đối xử với tôi dịu dàng đến ghê người. Thái độ vì nể của viên cai ngục đối với tôi như ngửi thấy mùi máy chém. May thay, chỉ sau vài ngày, thói quen lại nổi dậy chiếm ưu thế. Họ lẫn lộn tôi với các phạm nhân khác, áp dụng một thái độ tàn bạo chung cho tất cả và không còn sự phân biệt đối xử với tôi là phải có xử sự lễ phép khác thường để tên đao phủ luôn luôn xuất hiện trước mắt tôi. Đây không phải là sự cải thiện cuối cùng.

Tuổi trẻ của tôi, thái độ ngoan ngoãn quy phục của tôi, sự ân cần của cha tuyên uý trong nhà tù, và nhất là vài lời bằng tiếng La tinh tôi nói với người gác cổng mà anh ta không hiểu đã khiến tôi được hưởng một buổi dạo chơi mỗi tuần cùng với những phạm nhân khác và trút bỏ được áo trói người điên làm tôi như bị liệt. Sau nhiều lần do dự người ta cũng cho tôi một ít mực, giấy, bút và một chiếc đèn đêm.

Chủ nhật nào cũng vậy, sau lễ misa, người ta thả tôi đi lại trong sân nhà tù trong giờ giải lao. Ở đó tôi trò chuyện với các phạm nhân. Phải như thế. Họ là những người tử tế, những người khốn khổ. Họ kể cho tôi nghe về những thủ đoạn của họ, có lẽ để gây khiếp đảm, nhưng tôi biết là họ chỉ khoác lác. Họ dạy tôi tiếng lóng mà họ gọi là đòi hỏi cái đe có hai đầu nhọn rouscailler bigorne.

Đây là một thứ ngôn ngữ ghép vào ngôn ngữ chung như một khối u gớm ghiếc, một chiếc mụn cóc ngoài da. Đôi khi tiếng lóng có một năng lực đặc biệt, một cái đẹp rùng rợn như “máu đổ trên đường” thì gọi là “nho ép ở ngã ba đường”, bị treo cổ thì gọi là “kết hôn với bà góa” làm như thể cái dây thòng lọng của giá treo cổ là góa phụ của tất cả những kẻ bị buộc tội treo cổ. Cái đầu kẻ trộm có hai tên, sorbonne[2] - khi nó lý luận và bày ra tội ác, trouche[3] là cái sọ hay cái thủ, khi nó bị đao phủ cắt cổ.

Đôi khi với tinh thần hài hước dân dã, người ta gọi cái lưỡi là mụ đàn bà nói điêu, cái gùi của người đi lượm vải rách, sắt vụn hay giấy vụn là cachemire d’osier - casơmia là một thứ vải dệt bằng lông dê rất quý ở Ấn Độ, còn osier là cây liễu gió, thứ nguyên liệu đan giỏ, gùi, v.v…

Rồi từng lúc lại có những từ rất lạ tai, bí ẩn, xấu xa, bẩn thỉu không biết từ đâu đến như taule là tiếng lóng chỉ nhà tù, trong khi taule có thể hiểu là nhà ở khách sạn. Sự chết là hình nón cône, nơi hành hình gọi là placarde có nghĩa là quảng trường, là chỗ ngồi hay chỗ làm béo bở. Người ta có thể nói tiếng lóng xấu xa như loài cóc nhái, loài nhện. Khi nghe nói thứ tiếng này, tôi cảm thấy một cái gì đó dơ bẩn, bụi bặm, như thể một đống giẻ mà người ta giũ trước mặt anh.

Ít nhất, tôi cũng thấy thích những con người ấy. Chỉ có họ mới làm tôi thú vị. Các cai ngục, người đeo chìa khóa phòng giam - tôi đâu có giận họ - trò chuyện, cười nói về tôi, nói trước mặt tôi như nói về một đồ vật.