NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 10

Docsach24.com

uán “Mèo đen” là một trong rất nhiều quán bar nhếch nhác mới mở ở hai bên đường Catinat, chúng cùng giống nhau ở một điểm là rất đông, ồn ào và tối như bưng. Trong quán chỉ có một sàn nhảy nhỏ và một quầy bar hình móng ngựa khá lớn. Trên tường phía sau quầy bar là một chiếc gương lớn còn phía trên chiếc gương là dòng chữ cắt bằng giấy màu: “Chúc mừng năm mới”. Phía trên dòng chữ ấy là một tấm bảng ghép bằng những ống đèn nê-ông tạo thành dòng chữ đủ màu: “Bia lạnh - Gái bốc lửa”. Ở cuối căn phòng, ngay gần lối vào nhà vệ sinh là cánh cửa có treo một tấm biển viết nghệch ngoạc: “Tonsil Parlor”. Từ cánh cửa này sẽ nối với mấy căn phòng được dùng là nơi ở của các nữ tiếp viên đồng thời cũng là nơi để các cô gái làng chơi tạm thời giải tỏa nhu cầu sinh lý của đám lính Mỹ vừa ở chiến trường về. Ngay trước cánh cửa ấy là một cây thông Nô-en bằng nhựa trên đỉnh có gắn một thiên thần nhỏ được làm bằng giấy bạc màu vàng.

Cuối buổi chiều hôm mùng một tết, D. Marnin lại cùng đi uống rượu với Claudio và hai cô bạn gái của anh ta mà một trong hai người anh ta vẫn gọi là “Hedy Lamarr” vì cô có mái tóc và đôi môi giống như nữ diễn viên nổi tiếng này còn người kia là một cô gái khá xinh đẹp tên là Ruby Ky. Trong khi hai người đàn ông ngồi nhâm nhi ly rượu cô-nhắc thì hai người phụ nữ chỉ uống trà đá pha nhạt giả làm rượu Whiskey. Bài hát “White Christmas” vọng ra the thé từ chiếc loa để ở góc phòng, Hedy Lamarr gõ chân theo nhịp và ngâm nga hát theo giọng của ca sĩ Bing Crosby. Thi thoảng cô nàng lại giả bộ vô tình đụng nhẹ vào đùi Claudio làm cho anh này cứ ngả dần về phía cô ta mà bỡn cợt.

Ruby Ky ngồi ngả người ra sau ghế một cách ủ ê. D. Marnin cũng không thấy hứng khởi gì hơn Ruby, anh như quá mệt mỏi vì đã uống đủ các loại rượu kể từ bữa tiệc trước Giáng sinh ở Đại sứ quán Anh. Chính vì vậy, anh ngồi đấy với ánh mắt vô hồn nhìn vào ly rượu của mình còn tâm trí anh thì chỉ nghĩ đến những hình ảnh dịu dàng nhất của Lily.

- Này ông bạn, tôi không thích phàn nàn đâu -Claudio nói với anh - nhưng hôm nay là ngày đầu năm, thời gian này chỉ dành cho tiêu khiển và nhậu nhẹt thôi đấy.

- Mùa lễ hội đã làm tôi phát ốm rồi đấy - anh trả lời - Kể từ Giáng sinh tới nay, chúng tôi đã làm quá nhiều việc và chơi bời cũng quá nhiều rồi.

Nói rồi anh cầm ly rượu lên và chỉ uống một ngụm nhỏ.

- Thôi đi, thôi đi,... không phải ngày nào ông cũng có thể ngủ được với gái còn trinh đâu.

- Tại sao lại là chuyện đó chứ?

- Đúng là ông bạn này... - Caudio nói rất thật lòng -Nếu ông thích những cô bé còn trinh nguyên, tôi có thể giúp ông toại nguyện.

- Không nhanh vậy chứ, - D. Marnin cười ngạc nhiên - Tôi không có ý đó đâu

Claudio nhún vai:

- Chính tôi cũng chưa bao giờ thử nhưng nghe thấy bảo nó mùi mẫm lắm. Một lần nào đó tôi cũng sẽ thử cho biết. Thì mỗi người có sở thích riêng phải không nào? Mấy tay Ba Tàu - họ rất sính gái còn trinh đấy. Càng trẻ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tôi có mấy tay bạn hàng có thói quen là không bao giờ chấp nhận những em quá mười hai tuổi đâu.

- Bạn hàng là thế nào?

- À,... chiến tranh luôn đem lại cho người ta cơ hội kinh doanh hái ra tiền. Thế thì tại sao lại không thử làm lấy vài phi vụ chứ?

- Nhưng phi vụ gì cơ?

- Thì cái gì mà chẳng được. Chính nhờ sự giàu có của nước Mỹ nên ở đây mọi việc đâu có kém cỏi gì chứ.

D. Marnin cau mày hỏi tiếp:

- Tôi vẫn chưa hiểu.

- Thế này nhé - Claudio diễn giải từ tốn - Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cần rất nhiều vốn đầu tư, thế nhưng chiến sự liên miên cho nên không nhà đầu tư nước ngoài nào muốn bỏ tiền vào đây bởi vì họ đều hiểu rằng làm như thế là quá mạo hiểm. Chính vì vậy hy vọng duy nhất sẽ được đặt vào tay các hội đồng buôn bán ở địa phương - chẳng hạn như các thương gia Hoa kiều, những người mà tôi đang duy trì được mối quan hệ khá thân mật.

Bỗng nhiên Ruby Ky bật khóc tức tưởi, hai dòng lệ chảy dài trên má cô.

- Ruby - D. Marnin ân cần hỏi - Làm sao lại nhiều nước mắt thế người đẹp?

- Em buồn quá. - cô trả lời.

Claudio lắc đầu ngán ngẩm:

- Cô ta là một người đàn bà vô vọng. Cô ta lúc nào cũng chỉ khóc với lóc.

- Ruby ấy à, cái gì cô ấy cũng quan tâm - Hedy Lamarr hưởng ứng nhiệt tình - mà hơi một tí thì cô ấy lại sụt sùi.

- Bài hát này, - Ruby nức nở - Nó làm em buồn quá đi mất.

- Bài hát này sao? - D. Marnin dỏng tai lên nghe thì nhận ra ca sỹ Tony Bennet vừa hát đến câu: “Tôi đã bỏ lại em ở San Francisco mất rồi”

- Nhưng Ruby ơi, - Anh rất ngạc nhiên hỏi cô gái - Cô đã bao giờ tới San Francisco chưa?

- Chưa - Ruby trả lời - Em chưa bao giờ tới đó cả. Hedy Lamarr tiếp tục động viên, an ủi Ruby.

- Em chẳng hơi đâu mà khóc lóc kiểu vậy - Cô nói - Thôi quên mẹ nó đi cho rồi.

D. Marnin ngắm nhìn hai người đàn bà và thầm nghĩ đấy có thể là một trong vô vàn những bí ẩn của người phương Đông. Anh quay lại tiếp tục câu chuyện với Claudio.

- Nhưng Chính quyền Mỹ phải làm gì để cải thiện tình hình này chứ? - anh hỏi - mà anh đang nói đến đâu rồi nhỉ?

- Tôi đang nói đến đoạn làm thế nào để trở thành một triệu phú tham gia cái Chương trình hỗ trợ hoạt động nhập khẩu CIP chó chết ấy. Bây giờ chỉ cần tôi tham gia vào cái chương trình CIP này thêm hai năm nữa thì chắc chắn tôi sẽ có một cuộc sống vương giả thôi rồi. Cả năm đứa em gái tôi cũng thế, ấy là chưa kể đến mẹ tôi và thậm chí cả anh nữa ông bạn thân mến của tôi ạ. Anh cũng sẽ trở nên giàu có nếu như anh đồng ý tham gia vào việc làm ăn nhiều lợi nhuận đến hoang đường này.

- Thú thực là tôi vẫn chưa hiểu là anh đang nói về cái gì hết.

- Tôi đang kể cho anh về chương trình CIP, một chương trình được khởi động một cách khá thành công dựa vào sự giàu có của Chính phủ Mỹ. Ở đây chương trình CIP vẫn được hiểu, được hoàn thiện và được điều hành bởi chính Đại sứ quán Mỹ của các anh - nhưng không phải theo cái nghĩa là giúp Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (GVN) giành chiến thắng trước những người Cộng sản mà là để giúp cho tôi trở nên trưởng thành hơn, được tôn trọng hơn và có phẩm cách lớn hơn.

- Anh đang nói tới cái quái gì vậy? Tôi chẳng hiểu gì hết.

- Chính nhờ có chương trình CIP của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam mà cứ mỗi đô-la tôi đầu tư vào xứ sở này tôi lại thu được sáu đô-la tiền lãi. Nếu tôi có thể tiếp tục cuộc chơi như vậy thì sau mỗi tháng từ một đô-la ban đầu tôi đã có thể kiếm được 72 đô-la tiền lãi - vậy là lãi xuất ở đây đã lên đến 7.200%. Cũng không tồi lắm phải không nào? Bí quyết ở đây chính là chỗ phải làm thế nào để khiến cho tiền đầu tư của mình liên tục quay vòng và không cho nó dừng lại lấy một lần.

Nói tới đây Claudio dừng lại và đưa tay lên vẽ thành một vòng tròn trước mặt Marnin.

- Nếu tạo hóa đã ấn định rằng sự thiếu hụt hàng hóa trên thị trường đương nhiên sẽ sinh ra lạm phát và điều này có thể sẽ khiến cho nền kinh tế bị sụp đổ. Chính vì thế, cái thứ mà GVN đang rất cần, Chính phủ Mỹ cũng đang rất cần đó chính là hoạt động đầu tư từ nước ngoài hay ít ra cũng là một số vốn nhất định để từ đây họ có thể chi trả cho vùng này hay cho vùng khác. Giống như những gì mà đồng bào của ông đã học được từ giai đoạn sau Thế chiến lần thứ hai và giống như những gì mà Kế hoạch Marshall đã làm được, ở xứ sở này người ta cần phải có đủ hàng hóa để đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng và kiềm chế nạn lạm phát. Thế nhưng tình hình chiến sự càng xấu đi bao nhiêu thì GVN càng không thể thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài bấy nhiêu. Hy vọng duy nhất của họ vào lúc này chính là trông chờ vào sự đầu tư của cộng đồng các doanh nghiệp địa phương - và đấy cũng chính ỉà ỉý do vì sao nhũng người bạn của tôi, những Hoa kiều chỉ muốn nhổ toẹt vào cái Chính phủ này, đặc biệt là sau khi ông Diệm cho quân tàn sát họ hồi năm ngoái. Tại sao họ lại phải cứu giúp ông ấy trong khi ông ấy vừa mới đái vào đầu họ? Tất cả những ông trùm tư bản này đều có thể chuyển tiền đầu tư của họ sang Hồng Kông để hưởng mức lãi xuất 25% có bảo đảm. Họ cũng có thể chuyển vốn đầu tư sang Băng Cốc để lấy lãi xuất gần 80%, nhưng thực ra những việc như thế là quá mạo hiểm. Vào lúc này, chẳng sự mạo hiểm nào có thể so sánh được với đầu tư vốn của mình vào Việt Nam. Mặt khác, ở đây họ cũng đang vớ được lợi lộc béo bở kia mà. Chính vì thế họ vẫn đang đầu tư rất lớn và dĩ nhiên là tiếp tục thu lời rất lớn. Vậy nhưng tất cả mới chỉ là những đồng tiền của nước sở tại. Cái mà họ cần nhất vào lúc này chính là những tờ xanh, những đồng đô-la có giá trị. Đó lại chính là lý do khiến cho tôi làm ăn cùng với họ. Tôi có cái vỏ bọc ngoại giao lý tưởng. Tôi có thể mang bất cứ cái gì tôi muốn đến đất nước này cũng như ra khỏi đất nước này. Điều cuối cùng mà Chính phủ nước này không muốn chính là những rắc rối đối với một quốc gia thân thiện. Tỷ giá hối đoái chính thức là 35 ăn 1. Tỷ giá hối đoái trên thị trường là 70 ăn 1. Tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen là 110 ăn 1. Và tỷ giá mà tôi đặt ra là 150 ăn 1. Và cũng chính là nhờ vào Chương trình CIP ấy mà tôi có thể quay vòng những đồng đô-la của mình.

- Tôi vẫn không hiểu là làm thế nào mà anh quen với Chương trình CIP vậy?

- Chương trình CIP đang vận hành một cách hết sức hoàn hảo. Anh sẽ không thể tìm cho tôi một đất nước nào khác đang trong thời kỳ chiến tranh mà nền kinh tế lại phát triển trơn tru như đất nước này đâu. Tất cả điều đó có được là nhờ vào những thiên tài của các anh đang ngồi ở Washington mà tính toán rằng nếu các anh cung cấp cho Nam Việt Nam đủ các loại hàng hóa mà thị trường đang cần thì nền kinh tế ở đây sẽ tự biết cách để lo cho nó. Nguyên lý thị trường tự do lại một lần nữa giành chiến thắng. Và nếu như anh có thể giữ chân những nhà đầu tư ở địa phương làm ăn tại đất nước này thì điều đó có nghĩa là anh đã ngăn cản được họ tuồn vốn sang Hồng Kông, sang Băng Cốc, sang Singapore hay thậm chí sang tận Thụy Sỹ nữa.

Kết quả cho thấy là vào sáng thứ Hai khi họ đã thỏa thuận được về các giấy phép nhập khẩu ở Bộ Tài chính, nếu tôi chuyển cho ông bạn Hùng quý giá của tôi, ngưòi chịu trách nhiệm phân bổ những giấy phép này 150 đồng nội tệ theo tỷ giá mà tôi quy đổi từ 1 đô-la, thì anh ta sẽ rất vui lòng đưa cho tôi một giấy phép nhập khẩu đã ấn định tỷ giá hối đoái là 35 ăn 1 cho một mặt hàng ngoại quốc nào đó có giá trị 04 đô-la để bán ra thị trường địa phương. Và nếu như sau đó những thứ hàng hóa này có bị dìm xuống sông Sài Gòn thì thật ra tôi cũng chẳng quan tâm. Với tôi điều quan trọng nhất là lấy được giấy phép nhập khẩu, một thứ mà ở đây vẫn có thể mua, bán, trao đổi như các loại hàng hóa khác. Nó sẽ giúp tôi có được nhiều nhất là 04 đô-la cộng với 02 đô-la mà tôi đã đổi được từ trước đó vậy là tôi đã có được 06 đô-la tiền lời từ 01 đô-la tôi bỏ ra lúc đầu. Vậy đấy, nếu như tôi cứ tiếp tục quay vòng đồng đô-la của tôi trong một tháng liền thì tôi sẽ thu về là 72 đô-la tiền lãi từ 01 đô-la tiền gốc. Như vậy lãi xuất mà tôi kiếm được sẽ không phải là 7.200% thì là gì chứ. Đó, đó chính là cách mà người ta đang kiếm tiền ở xứ sở này đấy.

- Thế tại sao tất cả mọi người đều không làm được như vậy?

- Ông bạn Hùng của tôi và nhiều tay Mafia kinh tế người Việt khác nữa không phải là những thằng ngu đâu. Tất cả họ đều đã từng được đào tạo ở Đại học California rồi đấy. Họ cũng hiểu rằng phải luôn luôn tồn tại một giới hạn nhất định cho tiến trình này. Họ điều tiết quá trình hoạt động của nó thông qua việc ấn hành vừa đủ các giấy phép nhập khẩu cho tương xứng với nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường và giữ cho nó luôn ở thế cân bằng. Đấy cũng chính là lý do khiến cho thời gian qua anh chỉ có thể mua một số lượng vừa phải sữa đặc có đường hay rượu Scotch. Thế nhưng, nếu như anh thật sự đang đầu tư vào đất nước này và anh cần phải nhập khẩu nguyên vật liệu để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ấy, cho một nhà máy hay bất cứ cái gì anh đang sở hữu ở đây, thì anh sẽ không gặp bất kỳ sự giới hạn nào. Anh có thể mang tới bất kỳ cái gì anh muốn. Và điều này đã khiến cho tôi trở thành người Quảng đông hay người Khách gia duy nhất nói tiếng Guantemala trong lịch sử thế giới, và cũng chính vì thế mà cả cộng đồng Hoa kiều ở đây rất ngại phải chuyển tiền của họ sang đầu tư ở Hồng Kông. Bây giờ tôi đã là chủ sở hữu, hoặc ít nhất là có một bình phong hoặc là một đối tác của ba nhà máy chế biến lúa gạo, hai phân xưởng dệt may; một dây truyền xử lý quế, hồi; một lò giết mổ; một nhà tắm hơi và cả một nhà máy làm đường trắng nữa. Vậy là tất cả những thứ ấy trong cái nền kinh tế quá nóng này đang giúp tôi kiếm tiền. Không chỉ có thế, chúng tôi còn trải tiền ra khắp nơi để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất khác. Mọi người đều có lợi cả. Ông Hùng ở Bộ tài chính, các quan chức chính quyền cấp tỉnh nơi những nhà máy, công xưởng của chúng tôi đang mọc lên, các vị thị trưởng các thành phố, Tư lệnh các Sư đoàn quân Chính phủ đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các thành phố ấy, - và lẽ đương nhiên là cả ông Bộ trưởng Ngoại giao của tôi ở Guatemala nữa, người thường xuyên nhận được phần hoa hồng hàng tháng nhưng vẫn tỏ ra thế là chưa đủ và hơi tí thì dọa là sẽ chuyển tôi tới đại diện ở một nơi ít màu mỡ hơn như ở Oslo chẳng hạn. Chính vì thế ai mà chẳng muốn có miếng bánh CIP kia chứ. D. Marnin ạ, anh chàng tội nghiệp của tôi, anh đang phụng sự cho một đất nước thật là vĩ đại đấy.

Từ chiếc loa quân dụng phát ra bài hát “You talk too much”, một bài đang được xếp hạng top-ten ở Sài Gòn từ mấy tuần nay.

- Tại anh đấy - Hedy Lamarr hờn dỗi nhắc nhở Claudio - Anh nói quá nhiều rồi đấy. Đêm hôm qua anh là số một. Đến hôm nay anh là số mười rồi.

Vừa làm ra vẻ giận dỗi, cô gái bật mạnh mấy đầu ngón tay và nói tiếp:

- Số mười trăm, số mười ngàn...

Đúng lúc ấy một viên Hạ sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đi ngang qua và nghĩ rằng cô gái đang vẫy hắn nên xen vào:

- Này em bé, - Hắn ta gọi rất nhiệt tình - Em có thể ra kia để chúc mừng năm mới một người vừa từ Sư đoàn “Anh cả đỏ” một chầu vui vẻ trẻ trung không em?

Hedy Lamarr vằn mắt nhìn hắn một cách xấc xược:

- Cái mặt mày thật chó chết, biến đi đằng khác cho chị nhờ.

Tên lính tiến thẳng tới như muốn vồ ngay lấy cô gái nhưng không hiểu sao hắn lại đột ngột khự lại.

- Thưa quý ông, - Claudio đứng dậy và nói - Cho phép chúng tôi ra khỏi đây.

Nói rồi, anh thong thả rút một xấp tiền đưa cho người chủ quán bị chột mắt có tên là Minh vừa tiến lại. Anh ta dùng khủy tay giữ chặt hai cô gái ở hai bên rồi hỏi D. Marnin rất thân tình:

- Thế nào? ông muốn chơi với em nào đây?

- Ồ xin lỗi tôi phải ghé qua văn phòng để kiểm tra xem có bức điện khẩn nào không đã.

- Chúa ơi - Claudio thốt lên thất vọng - Tôi nghĩ là tôi phải về nhà mất rồi. Đêm nay tôi sẽ bị kẹp giữa hai ngưòi đẹp đây như miếng thịt trong cái bánh xăng-wich vậy. Hasta Luego, chico.

Như cảm thấy được tính chất nghiêm trọng của trò bịp bợm mà Claudio đã mô tả, sáng ngày hôm sau, D. Marnin đã tới gặp trực tiếp Curly Bird Giám đốc Cơ quan viện trợ của Mỹ tại Nam Việt Nam đồng thời là người điều hành mọi hoạt động của Chương trình hỗ trợ nhập khẩu CIP, một quan chức mẫu mực với cái đầu hói, cái tẩu thuốc luôn nằm trên môi và một bản ghi nhớ sẵn sàng ghi chép lại toàn bộ những gì D. Marnin muốn kể lại. Lúc đầu, khi mới hay là D. Marnin muốn gặp mình, ông Bird đã tưởng rằng có một vấn đề gì đó rất cần thiết mà bên Đại sứ quán muốn ông ta phải giải quyết dứt điểm ngay lập tức. Nhưng sau khi khám phá ra rằng ông Đại sứ không hề liên quan gì tới vấn đề này, ông ta lặng lẽ hút một hơi thuốc thật sâu và nở một nụ cười thật rạng rỡ. Cuối cùng ông ta cũng đặt tờ ghi nhớ xuống dưới bàn, lắc đầu và nói:

- Không có sự thay đổi nào ở đây hết anh bạn ạ. Ở những quán bar thì người ta vẫn nói lung tung vậy thôi. Tôi đã từng gặp rất nhiều những anh chàng Mỹ la-tinh như vậy rồi. Tôi đã từng làm việc hơn chục năm ở Trung Mỹ. Và lần nào cũng vậy, khi người ta muốn khoe mẽ đôi chút để mê hoặc người khác ở cái ổ gái điếm nhơ nhuốc như thế thì tốt nhất là đừng tin vào những gì mà người ta nói. Vậy cho nên là... sao nhỉ?... nó không phải việc của chúng tôi. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đổ tiền vào đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam thì đây vẫn còn là những bến cảng an toàn. Chương trình CIP vẫn đang tiếp tục vận hành theo đúng những trình tự mà nó được hoạch định trước. Mọi việc kinh doanh của địa phương này vẫn đang diễn ra theo cái cách riêng của họ nên không cần phải được xem xét lại và ở nước Mỹ chúng ta không thể phản đối cách làm ấy. Ở đây ai mà chẳng có một chút không thật thà. Đó chỉ là lối sống của phương Đông thôi mà.

D. Marnin sững sờ đưa mắt nhìn ông Bird và cố gắng không dám tin vào những gì mà anh vừa nghe thấy. Sau đó anh vội đứng dậy, cầm lấy bản ghi nhớ từ trên bàn của ngài Giám đốc gập vội nó làm ba rồi đút ngay vào trong túi áo trước ngực.

- Nếu vậy thì - anh nói - tôi nghĩ là ngài không cần tờ giấy này đúng không.

Ông Bird bỏ tẩu thuốc ra khỏi miệng và gật đầu đồng ý.

D. Marnin không trình bày vấn đề thêm một chút nào nữa. Thông điệp của ngài Giám đốc thật rõ như ban ngày: “Chào mừng con trai, con đã đến với Châu Á”.