NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 2

Docsach24.com

gày 7 tháng 10 năm 1962 là ngày đầu tiên D. Marnin được tham gia giúp đỡ hai vợ chồng ông Đại sứ tổ chức một buổi dạ tiệc long trọng tại khu chung cư của Đại sứ quán. Bữa tiệc được tổ chức để đón tiếp Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương (CINCPAC), Đô đốc Bill McGrath, người đang thực hiện chuyến viếng thăm định kỳ tới Sài Gòn.

Giống như tất cả các nhân viên khác cùng làm việc trong Đại sứ quán, D. Marnin phải đến sớm hơn các quan khách hai mươi phút. Anh mặc bộ lễ phục kiểu Haspel có kẻ sọc mà anh đã mua được tại một cửa hàng của hãng Swartz’s trong chuyến công du ngắn ngày tới Baltimor vài ngày trước. Ngay tại phòng giải lao anh đã gặp cô Kỳ trong bộ áo dài màu xanh duyên dáng và e lệ.

- Chào ngài D. Marnin - Kỳ nhìn anh rồi hỏi một cách rất lịch sự - Tôi hy vọng rằng anh đã cảm thấy khỏe trở lại sau một chuyến đi dài như vậy.

- Vâng, cám ơn chị. Tôi thấy tốt hơn rồi - D. Marnin hơi ngập ngừng - Nói thật chứ tôi cảm thấy hơi bối rối một chút.

- Ồ không cần phải vậy đâu - Cô ta đáp lại một cách rất nghiêm túc - Tôi sẽ giới thiệu tất cả các vị khách cho anh. Con anh chỉ cần tìm cho mình cái gì mà uống nhé.

Sau đó cô ta để cho D. Marnin đi đến dẫy bàn dài có trải khăn trắng muốt còn anh cũng nói với người phục vụ đưa cho một ly nước giải khát có ga hiệu Seven-up. Mọi người đều đứng ở phía đầu cầu thang tán gẫu với nhau trong lúc chờ đợi những vị khách đáng kính chuẩn bị có mặt. Buổi dạ tiệc được tổ chức trong một ngôi nhà khang trang rộng rãi theo phong cách Đông Dương rất hài hòa với trần nhà rất cao; mái ngói rất rộng, các cửa sổ cũng rất cao và cửa nào cũng có mái che. Trong nhà đồ đạc được bài trí khá đơn giản với một vài đồ dùng đan bằng song mây, một vài chậu cây cảnh, mấy giỏ hoa đung đưa dưới những chiếc quạt trần đang quay loang loáng. Trong phòng đại sảnh cũng không khác biệt nhiều lắm ngoại trừ nền nhà được ghép bằng gỗ và được phủ bằng một lớp thảm kiểu phương Đông, còn đồ đạc ở đây thì có một số thứ được khảm trai.

Nhìn qua vai của cô Kỳ, D. Marnin thấy gần chục người bồi bàn mặc áo chẽn màu trắng, quần Tây màu đen đang bê những khay lớn đựng đầy những chiếc ly chạy tới chạy lui khắp các dẫy bàn. Phần lớn các nhân viên của Đại sứ quán đều tản ra thành từng nhóm nhỏ để tán gẫu. Cùng lúc đó, hai vợ chồng ông Đại sứ từ cửa bên bước thẳng vào phòng khách. Họ tiến tới chào hỏi tất cả các quan chức trong Đại sứ quán cũng như các bà vợ đi cùng rồi họ cũng bước tới phía D. Marnin và cô Kỳ.

Ông Đại sứ với mái tóc muối tiêu, dáng đi đĩnh đạc và bộ đồ bằng vải lanh được cắt may cẩn thận nên nhìn bề ngoài ông thật giống với một khuôn mẫu điển hình của các nhà ngoại giao. Đại sứ phu nhân Patti Lou Corning lại là một mẫu người khác hoàn toàn. Trước đây, D. Marnin chưa từng được gặp bà ta mà anh chỉ nghe qua lời kể của Phil Combs, rằng bà ta giống như “quả hồ đào đang bị lão hóa”. Chính vì thế anh không hoàn toàn bị bất ngờ khi thấy bà ta cố tình nhét cái thân hình mập ú của mình vào trong bộ đầm đại tiệc màu hồng và mái tóc nhuộm được uốn tỉa một cách quá trẻ trung so với khuôn mặt.

- Này em yêu - ông Đại sứ nói vói vợ bằng một giọng rất từ tốn - Đây là D. Marnin Marnin, trợ lý mới của anh. Cậu ta vừa từ Mỹ sang.

Bà ta tỏ ý đồng tình với chồng rồi nhìn D. Marnin mà nói với một giọng rất ngọt ngào:

- Hay quá, anh nhất định sẽ phải gặp con bé Amanda nhà tôi khi nào nó nghỉ hè - vừa nói dứt lời bà ta với tay cầm lấy thật nhanh một ly rượu Martini từ trên chiếc khay của người hầu bàn đang đi ngang qua.

- Tôi rất lấy làm vinh dự thưa bà - D. Marnin tỏ vẻ hào hứng

- Đây là cương vị đầu tiên của anh có đúng không? - Bà ta hỏi tiếp.

- Vâng thưa bà Corning.

- À há nhưng mà anh cũng không nên lo lắng quá làm gì. Ở cái xứ sở này Rose luôn biết hết tất thảy mọi người.

- Thôi em - Ông Đại sứ kéo tay vợ rất mạnh rồi nói luôn - Anh tin là ngài Đô đốc đang đến rồi đấy.

- Tiếp tục đi chàng trai - Patti Lou nháy mắt với D. Marnin rồi dúi vào tay anh chiếc ly không.

Vì quá bất ngờ nên D. Marnin không biết làm gì hơn là nhìn xuống chiếc ly không trên tay mình trong khi hai vợ chồng ngài Đại sứ tiến vể phía cửa trước. Thoáng liếc qua không thấy ai để ý đến mình, D. Marnin để luôn chiếc ly không vào trong chậu cây cọ gần đấy rồi vội vã bước theo cô Kỳ nhập vào đoàn lễ tân đang đứng chờ ở đầu cầu thang. Từ vị trí này anh có thể nhìn thấy toàn bộ ban quân nhạc cũng như phái đoàn đang bước vào.

Dẫn đầu đoàn thượng khách là Đô đốc McGrath cùng hai trợ lý mặc quân phục Hải quân màu trắng, tiếp sau đó là tướng Donnelly và tướng Parker cùng đoàn tùy tùng mặc quân phục màu xanh. Phái đoàn quân sự Việt Nam Cộng Hòa gồm một loạt các tướng lĩnh cao cấp mặc lễ phục với đầy đủ mề đay, gù hiệu,... như: Trần Văn Đôn, Trần Trà Bích, Trần Văn Minh, Dương Vãn Minh, Lê Văn Kim. Đoàn quan khách lần lượt xuống xe và đi thẳng vào phòng khách sau khi đi ngang qua đoàn đại diện của Đại sứ quán dẫn đầu là cô Kỳ kế đến là Marnin, Đại sứ phu nhân và đến trước mặt ngài Đại sứ Corning. Ngay khi ngài Đô đốc vừa đi qua D. Marnin cũng nhận ra rằng mọi việc đâu đã vào đấy. Ngài Đô đốc quay ra hỏi bà Đại sứ:

- Bà Corning, tôi hy vọng rằng bà đã được biết tướng Trần Văn Đôn chứ?

- Ồ vâng dĩ nhiên là tôi đã biết rồi ông bạn ạ. - Bà Đại sứ vừa trả lời vừa tranh thủ cầm tiếp một ly rượu Martini khác rồi bước về phía tướng Đôn rồi đưa tay phải ra nói:

- Ông Đôn thân mến, tôi rất vui mừng khi được gặp ông trong một buổi tối nhiều ý nghĩa như thế này. Ông đang làm được những điều thật kỳ diệu không chỉ cho những người dân ở đất nước ông mà cho toàn bộ Thế giới tự do của chúng ta. Chồng tôi vẫn luôn nói nhiều về ông và đánh giá rất cao những gì mà ông đang làm đấy.

Khi ấy người ta vẫn hiểu rằng ngài Đại sứ Augustus Corning còn có một trọng trách nào đó cao cả hơn nhiều lần so với cái chức vụ Đại sứ thông thường. Ông ta giống như một vị đại diện toàn quyền cho nước Mỹ, một người ở trên rất nhiều người ở đất nước nhỏ bé này. Ông ta gần như đang nắm giữ vận mệnh của cả một thể chế chính trị cũng như cả số phận của Nam Việt Nam. Chính vì thế, tướng Đôn không còn biết làm gì hơn là chỉ đứng thẳng người và lắng nghe như muốn nuốt lấy từng lời của Đại sứ phu nhân.

- Rất cám ơn bà thưa Đại sứ phu nhân, tôi tin rằng thể nào bà cũng đã biết tướng Dương Văn Minh rồi chứ.

- Tôi chỉ có thể nói là tôi đã biết rồi ông Đôn ạ. -Patti Lou vừa trả lời vừa quay sang chào Robert E. Lee.

Tướng Dương Văn Minh là một người cao lớn lầm lỳ còn được gọi là Minh Lớn để phân biệt với tướng Minh Nhỏ hay Trần Văn Minh. Thế nhưng D. Marnin cũng hơi giật mình khi thấy Đại sứ phu nhân bước tới trước mặt ông ta và nói:

- Tướng quân thân mến, tôi hy vọng rằng một ngày nào đó ngài có thể cho tôi một chút vinh hạnh tới thăm vườn phong lan của ngài được không? Tôi nghe nói ngài đã sưu tầm được hầu hết các loại hoa lan quý hiếm nhất ở đất nước này.

Tướng Minh Lớn như muốn vồ ngay lấy cơ hội này, ông ta nắm chặt tay Patti Lou và khuôn mặt bày tỏ sự xúc động lẫn lộn với một chút ngượng ngập và vui mừng.

- Vâng thưa bà, đối với tôi điều đó luôn là một vinh hạnh lớn lao.

Cùng lúc đó, D. Marnin như bị hút mất hồn bởi sự xuất hiện của một thiếu phụ người Việt Nam trong bộ áo dài bằng lụa màu trắng. Khi cô đi ngang qua trước mặt, D. Marnin nhận ra rằng cô đã búi gọn mái tóc tuyệt đẹp của mình ra đằng sau và không giống tất cả các quý bà có mặt tại đây cô không hề đeo thêm bất kỳ một chiếc vòng cổ nào.

- Quý phu nhân Đỗ Bá Xằng - Cô Kỳ chìa tay giới thiệu cho D. Marnin.

Người thiếu phụ vẫn không hề mỉm cười mà chỉ đưa tay ra bắt tay D. Marnin một cách rất lịch sự. D. Marnin vừa nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn ấm áp thì anh cũng nhận ra đồ trang điểm duy nhất của nàng là một chiếc nhẫn cưới.

- Enchanté - Nàng khẽ nói và họ đưa mắt nhìn nhau trong chốc lát. Ngay khi đó, D. Marnin cũng vội đưa tay nàng cho Đại sứ phu nhân - người đang tỏ ra rất sốt sắng trong việc tiếp chuyện với người phụ nữ này.

- Cô Kỳ này, người phụ nữ kia là ai thế? - D. Marnin vội hỏi.

- Bà ta là vợ của tướng Đỗ Bá Xằng, người đã hy sinh một cách anh dũng trong một trận chiến hồi năm ngoái.

Anh quay trở lại đưa mắt tìm nhưng người thiếu phụ ấy đã biến vào trong đám đông nên anh không thể nhìn thấy. Hình như anh thấy một ai đó đang vỗ lên vai mình và tiếng cô Kỳ nhắc khéo.

- Ông Willis Mandelbrot của tờ Thời báo New York.

D. Marnin vội nhận ra đứng trước mặt mình là người bạn cũ, một người cao lớn mặc áo khoác bằng vải lanh với một cặp kính cận trễ xuống mũi.

- D. Marnin, ôi ông bạn của tôi - Anh ta reo lên và nắm tay anh lắc thật mạnh - Tôi đã nghe tin là ông sang đây.

- Còn anh thì thế nào rồi hả Billy? - D. Marnin cũng không giấu được vẻ vui mừng.

- Thế hai anh biết nhau rồi sao? - Cô Kỳ nhìn hai người và hỏi.

- Billy và tôi là bạn học từ hồi ở Princeton - D. Marnin nhanh nhẹn trả lời.

- Chúng tôi cùng học khóa 57 đấy - Billy nói với Kỳ - Ngày đó tôi thường xuyên hạ anh này rất đậm trên sân quần vợt. Ha ha... đùa vậy thôi chứ anh Dave chơi hay lắm, anh ấy là đội trưởng đội quần vợt của chúng tôi. Anh ấy còn thường xuyên bày cho chúng tôi cách chơi nữa ấy chứ.

Nói xong, anh quay lại với D. Marnin lắc nhẹ cánh tay anh và hỏi luôn:

- Mà này thế quái nào mà ông phi như tên bắn đến thẳng cái nơi dễ chết nhất như cái thành phố này thế?

- Thì tôi đến đây để chơi quần vợt mà - D. Marnin trả lời một cách vô tư.

- Này, tuyệt lắm, chúng ta sẽ có dịp trao đổi với nhau nhé. Ông biết đấy tôi đang làm việc cho tờ Times.

- Tôi cũng đã nghe rồi. Tôi thấy người ta bảo ông còn làm cho mấy vị trong Bộ Ngoại giao khó chịu lắm đúng không?

- Ừ đúng đấy. Ông cũng nghe cả chuyện đó nữa cơ à? - Mandebrot tỏ vẻ rất hào hứng.

D. Marnin cảm thấy như cái gì đó khẽ thổi vào tai mình nên anh vội quay sang phía Patti Lou đứng ngay cạnh.

- Này chàng trai, hãy tránh xa cái ông bạn này ra - Bà ta ra lệnh bằng một giọng khô khốc - Hãy để cho anh ta đi chỗ khác đi.

Nhìn qua vai của Mandelbrot, D. Marnin thấy cả đoàn khách đang tiến tới đầu cầu thang nên anh trả lời ngay

- Vâng thưa bà.

- Mỗi người đều có một cách sống riêng cho mình - Mandelbrot cười gằn rồi nói tiếp - Thôi hẹn gặp nhau sau nhé. Tôi sẽ gọi cho ông.

Chìa thẳng tay ra trước mặt Đại sứ phu nhân, Mandelbrot nói với một giọng rất dễ nghe:

- Xin chào bà Corning. Tôi rất vui khi được gặp lại bà.

Patti Lou nở nụ cười độ lượng với một vẻ rất nhà nghề và trả lời:

- Tôi ước là tôi có được cái vinh dự như vậy thưa ông Mandlbrot.

Tất cả những gì vừa mới diễn ra có hơn bốn mươi phút nhưng bản thân D. Marnin cảm thấy như nó đã kéo dài đến vài tiếng đồng hồ. Khi đoàn đại diện đã tản ra các dẫy bàn thì cũng là lúc anh nối gót Đại sứ Corning và ngài Tư lệnh Thái Bình Dương tới chào đón các phái đoàn ngoại giao khác cũng được mời.

Đại sứ Ba Lan, ông Casimir Berrman là người được đặc biệt chú ý, bởi vì Ba Lan cùng với Ấn Độ, Canada đang là thành viên của Ủy ban giám sát quốc tế (ICC) được thành lập sau Hội nghị Geneva và ông này vừa kết thúc chuyến thăm theo định kỳ đên Hà Nội được vài ngày. Ông Corning rất ngưỡng mộ Đại sứ Berman và tìm thấy ở ông này nguồn thông tin hết sức có giá trị. Ông Corning giới thiệu Tư lệnh McGrath với Đại sứ Berman và chào hỏi ông này rất niềm nở:

- Xin chào ngài Casimir. Tình hình ở Hà Nội dạo này thế nào? Ngài có cảm nhận được gì không thưa ngài?

Đại sứ Berman là một người rắn giỏi vói tác phong chắc chắn trả lời một cách rất vô tư bằng tiếng Anh nhưng có giọng đặc chất Ba Lan:

- Tôi nhận thấy một điều rằng đã đến lúc hòa bình phải được đem đến cho miền đất không mấy may mắn này.

- Ngài biết đấy, chẳng có ai mong muốn hòa bình hơn chúng tôi hết - Đại sứ Corning trả lời một cách rất tử tế.

- Đúng như ngài nói đấy. Phía bên kia họ đã sẵn sàng cho đàm phán rồi.

- Dĩ nhiên rồi, họ phải sẵn sàng đàm phán mà -Corning nói tiếp - Họ đang thua trong cuộc chiến này.

Ông Berman như muốn chồm lên nhưng ông vẫn cố từ tốn đáp lại:

- Chỉ một năm trước đây thôi ngài đã chẳng nói với tôi rằng tình bất ổn đang được cải thiện một cách đáng kể đó sao và rằng ngài sẽ không thể đàm phán khi đang trong thế yếu. Bây giờ tôi chỉ có thể nói với ngài rằng ngài không thể đàm phán với Hà Nội bởi vì các đồng minh trung thành của ngài ở miền Nam Việt Nam không hiểu được rằng lúc ngài đàm phán với Hà Nội thì cũng chính là lúc các ngài giành chiến thắng trong cuộc chiến này.

- Chúng tôi đang chiến thắng ông Casimir ạ. Có hai điều sẽ xảy ra trong năm nay. Chúng tôi đã trang bị các máy bay trực thăng để Quân đội Việt Nam Cộng hòa (ARVN) tăng thêm khả năng cơ động và Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (GVN) cũng đã bổ sung thêm chương trình bình định chiến lược. Chúng tôi đang tiêu diệt tận gốc mọi mầm mống nổi loạn. Điều này có đúng không ngài Đô đốc?

- Đúng như vậy đấy - Đô đốc McGrath trả lời.

- Để chấm dứt tình trạng nổi dậy các ngài phải tháo gỡ vấn đề từ những nguyên nhân sâu xa hơn thế rất nhiều.

- Nhưng chúng tôi vẫn đang ngăn chặn được các cuộc nổi dậy đó thôi, ngài Casimir - Corning phản bác lại - Chúng tôi đã đạt được mục đích rồi và chúng tôi đang chiến thắng trong cuộc chiến này.

- Điều mà người Mỹ các ngài không hiểu đó chính là thời gian thuộc về phía bên kia chứ không phải là của các ngài.

- Ông nhầm rồi, ông có thể nói với những người bạn ông ở Moscow rằng cam kết của chúng tôi ở đây là toàn diện. Có quá nhiều thứ đang bị lệ thuộc vào mảnh đất này trong đó bao gồm cả tình hình ở Đức và Đông u. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng tôi còn ở lại đây đến bao giờ cũng được. Và ông cũng đừng quên nói với những người bạn của ông ở Hà Nội như vậy nhé.

Ồng Berman chỉ thẳng ngón tay vào ngài Corning mà đáp lại một cách rất cương quyết:

- Ông Gus, chính các ông mới là người đang phạm sai lầm mà đấy lại là một sai lầm thảm thương nữa chứ. Nghe này, tôi là một người Ba Lan, một người Cộng sản Ba Lan. Tôi biết rất rõ những nhà lãnh đạo ở Hà Nội. Họ là những người không thể đùa được đâu. Hãy thương lượng với họ trong khi các ông còn có thể. Và tôi cũng nói thẳng vói ông rằng ông hãy tin tôi đi, đây là một cuộc chiến không thể chiến thắng được.

D. Marnin đặc biệt chú ý tới thái độ ngày càng bị bắt bí nhưng nhất định không chịu thoái lui của ngài Đại sứ trong cuộc tranh luận này và rồi anh cũng hiểu rằng cuộc đối thoại đã vượt quá những giới hạn của một buổi dạ tiệc.

- Tôi cho rằng đó chỉ là những chuyện nhảm nhí của Cộng sản thôi - Đô đốc McGrath nói nhỏ với Corning.

- Vấn đề ở đây là cả ông Diệm và ông Nhu đã sẵn sàng đối thoại chưa. Chính điều đó đang làm tôi đau đầu đấy - giọng của ngài Đại sứ chìm hẳn xuống.