NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 9

Docsach24.com

au khi mời D. Marnin vào trong nhà, cô vội vàng đi xuống dưới nhà sau và để anh một mình trong căn phòng được bài trí lộn xộn. Hai chiếc bóng đèn treo cao trên trần bị che khuất bởi mấy bức tranh bằng giấy màu hồng nhạt nên khung cảnh ở đây giống như ở trong phòng của một khách sạn rẻ tiền. Anh bước đến bên chiếc tủ lạnh mà không thể kìm nén được trí tò mò của mình nên anh mở cánh tủ ra và nhìn thấy bên trong chỉ có ba chai Coca Cola.

Đúng lúc ấy, anh nghe có tiếng động nhỏ rồi quay đầu lại và bắt gặp Lily đang bước vào trên tay bê một chiếc khay đựng một chai Remy Martin và hai chiếc ly nhỏ. Anh đóng cửa tủ lại rồi quay trở lại ngồi xuống ghế trường kỷ.

- Để một chiếc tủ lạnh ở phòng khách như vậy chỉ là chạy theo mốt thôi phải không? Sao em không tống khứ nó đi cho rồi? Sao em không dám thay đổi tất cả những gì mà em cảm thấy không thích?

Lily đưa cho anh một ly rượu rồi ngồi xuống đầu bên kia chiếc ghế và nghiêng người về phía anh một cách rất thân thiện.

- Bởi vì - Cô nói chậm rãi - nếu như em thay đổi một chút gì đó trong căn phòng này nó sẽ tạo cho em cảm giác là em sẽ vĩnh viễn chấp nhận nó. Chừng nào em còn sống ở đây với đúng những trật tự mà nó vốn thế thì tự em sẽ luôn cảm nhận thấy rằng tất cả chỉ là tạm thời. Rồi cái tình cảnh này cũng phải đến hồi kết.

- Thế nhưng tại sao em không...?

- Tại sao anh không ngừng hỏi em những câu hỏi “Tại sao” như vậy có được không? - cô chặn lời anh một cách bực bội - Đừng, đừng bao giờ anh làm như thế nữa nhé.

- Làm cái gì cơ?

- Hãy nói chuyện gì đó để em có thể cảm thấy thoải mái đi anh. - Cô thì thầm một cách nhẹ nhàng hơn - Anh sẽ kể còn em thử làm một người tra hỏi thật nhẫn tâm đấy. Đầu tiên là, anh lớn lên ở đâu?

- Ở New York, anh đã sống ở đấy với... bố anh.

Nói rồi, D. Marnin uống một ngụm rượu cô-nhắc.

- Anh có anh chị em gái gì không?

- Anh là con một.

- Vậy thì buồn lắm nhỉ...? - Cô hỏi tiếp - Thế còn mẹ anh?

- Bố mẹ anh chia tay nhau rồi.

- Ly dị sao? Chuyện đó không bao giờ được phép xảy ra ở đây đâu. Người ta không được phép li dị.

- Ngày anh còn nhỏ những chuyện ly dị cũng không phải nhiều lắm mà có khi phải gọi là cực hiếm nữa là đằng khác. Anh chẳng gặp người bạn nào phải sống với bố hoặc mẹ đã ly dị giống như anh cả. Anh đã luôn phải sợ hãi với điều đó và không bao giờ anh dám thừa nhận nó với ai cả kể cả những người bạn thân nhất.

- Vậy thì buồn lắm nhỉ.

D. Marnin bắt đầu cảm thấy không thoải mái khi nói về quá khứ của mình. Anh muốn đưa câu chuyện theo chiều hướng ngược lại anh muốn cô nói nhiều hơn về quá khứ của mình.

- Thế em đi học ở Hà Nội hay ở Paris? - Anh hỏi.

- Em học Trường Nữ sinh Đồng Khánh ở Huế, giống như chị Trần Lệ Xuân, người mà các anh vẫn quen gọi là Đệ nhất phu nhân ấy. Đấy là một trường dành cho con em các gia đình Công giáo nên kỷ luật ở đây rất nghiêm khắc. Mặc dù cũng có các lớp con trai nhưng trên thực tế chẳng bao giờ con gái và con trai trong trường được tiếp xúc với nhau hết. Ông Diệm cũng học ở trường ấy đấy - nói đến đây cô cười giễu cợt - có lẽ chính vì thế cho nên em và ông ấy cũng có điểm chung đấy.

- Lúc ở Hà Nội gia đình em là nghề gì?

- Họ vốn là các thương gia... có thể nói là khá thành đạt. Họ có mối quan hệ rất gần vói các thương gia người Pháp. Thế nhưng ba em lại không quan tâm nhiều lắm đến kinh doanh mà chủ yếu mẹ em mới là người điều hành việc kinh doanh của cả nhà. - Cô lại mỉm cười một cách khôi hài - Ba em vốn là con út trong gia đình, chính vì thế cả nhà đã tạo rất nhiều điều kiện cho ông ấy. Sau đấy ông ấy làm việc cho Chính phủ toàn quyền rồi thì trở thành một nhà ngoại giao. Thế còn bố anh thì sao? Ông ấy làm nghề gì?

D. Marnin chưa vội trả lời trong giây lát. Anh đang nhớ tới quan điểm của nhà văn R. Kipling cho rằng, lý do đầu tiên khiến một người đàn ông quan tâm đến một người đàn bà chính là khi hai người nói truyện với nhau về cuộc sống riêng tư của họ mà người đàn bà không ngáp vặt. Chính vì thế nên anh nghĩ rằng anh đã bắt đầu thích cô. Anh chậm rãi uống tiếp một ngụm rượu mạnh nữa rồi mới làm cái điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ anh từng làm. Anh nhìn thẳng vào cô, nói một cách rất chân thành giống như một người lớn tuổi đang nói cho một đứa bé nghe vậy.

- Bố anh, - Anh nói một cách hết sức chậm rãi - là một người nhập cư. Mẹ anh cũng nhập cư từ Nga sang Mỹ. Khi tới nước Mỹ họ đều không biết tiếng Anh. Việc duy nhất mà bố anh có thể làm là trở thành một “thợ máy” trong một nhà máy may mặc ở ngoại ô New York. Thực tế thì ông ấy chỉ cọc cạch đạp một cái máy khâu trong một phân xưởng rất nhỏ. Đấy là một công việc hết sức buồn tẻ mà ông ấy chưa bao giờ thích, nhưng ông ấy cũng đã làm nó trong 47 năm liên tục.

- Thế còn mẹ anh?

- Mẹ anh, - D. Marnin trầm tư trong giây lát rồi đột ngột nói tiếp - Thần kinh bà ấy có vấn đề nên bố anh phải nuôi dạy anh.

Không gian như chùng hẳn xuống, cả hai đều im lặng, cô đứng dậy cầm chai rót thêm vào ly rượu của anh.

- Vậy ở Montreal là thế nào? Anh chẳng nói với em là.

- Đúng thế, chị gái của bố anh và chồng bác ấy sống ở đó. Họ có một cửa hàng bán bánh ngọt nho nhỏ. Anh đã sống với họ hơn một năm sau khi bố mẹ anh ly dị.

- Lúc bấy giờ anh bao nhiêu tuổi rồi?

- Mười ba. Sau đó anh trở về sống với bố anh. Anh sống chung trong một căn phòng thuê của một gia đình ở Flatbush - tới lúc này chính D. Marnin cũng không tin rằng anh đang kể cho người khác mà lại là một người đàn bà tất cả những gì có thể coi như bí ẩn lớn nhất trong cuộc sống riêng tư của anh.

- Sau giờ làm việc anh thường gặp ông ấy. Hai bố con cùng nhau ăn tối ở Automa.

- Gì cơ? giống như là trong các phòng trưng bày của người Nhật Bản ấy à?

- Không đó là những bữa ăn thật sự. Mình có thể tự chon những món ăn mà mình thích và bỏ những đồng tiền xu vào trong một lỗ nhỏ rồi mình có thể mở cánh cửa và lấy thức ăn mà mình đã chọn ra.

- Nó nghe có vẻ hay đấy nhỉ.

- Chán chết đi được, nhưng với bọn trẻ con thì nó rất thú vị. Bây giờ những thứ ấy bị lỗi thời rồi. Ngày đó anh vẫn nghĩ rằng nó thật kinh tởm. Mình chỉ có thể lấy một cái bánh dứa hấp và một cốc sữa nhỏ trong khi phải bỏ vào đấy đúng một hào.

- Ăn như vậy thì thấm gì.

- Lúc bấy giờ anh thường xuyên phải ăn linh tinh nhiều thứ khác. Năm mười ba tuổi mà anh cao hơn sáu phút (khoảng hơn 1,7m). Chính vì thế anh ăn rất khỏe. Nhưng anh vẫn không muốn ăn với bố anh. Mỗi khi hai bố con ngồi đó, ông ấy thường chỉ vào những đứa trẻ khác đang ngồi ăn với người lớn và bảo rằng: “Con hãy nhìn vào cái cậu bé kia kìa, nhìn cậu ta đang tôn trọng bố cậu ấy làm sao”. Anh chỉ vùng vằng trả lời: “Làm thế quái nào mà bố chắc chắn rằng thằng ấy đang nói chuyện với bố nó chứ” hoặc là “chắc gì ông ấy đã phải là bố nó”. Thật lòng mà nói anh chưa bao giờ đối xử với ông ấy một cách đúng mực.

- Cái độ tuổi đó luôn có nhiều biểu hiện tâm lý phức tạp. Con gái em cũng thế. Nó thì rất đáng yêu nhưng nó cũng chưa bao giờ đối xử tử tế vói em hết.

D. Marnin thật sự bất ngờ, chẳng lẽ cô ấy đã có một đứa con gái ở độ tuổi thiếu niên rồi hay sao? Dường như phát hiện ra phản ứng này trên khuôn mặt của anh, cô vội giải thích:

- Em lấy chồng khi em tròn mười bảy và gần mười tháng sau chúng em có đứa con đầu tiên.

Vậy là bây giờ cô ấy cũng chỉ khoảng ba mươi hoặc ba mốt là cùng. Nhưng thế thì sao chứ?

- Em rất tò mò muốn biết một điều này nữa? - cô nói - Anh chẳng bảo với em rằng anh đã từng theo học Đại học Princeton rồi sao?

Anh gật đầu khẳng định và cô nói tiếp.

- Nhưng học ở trường đó là rất tốn kém có đúng không? vậy thì bố anh làm sao có thể chi trả cho anh theo học ở đó?

- Ông ấy không thể làm được. Bố anh chưa bao giờ kiếm được lấy hơn một ngìn đô-la một năm chứ chưa nói gì đến việc khác. Ông ấy chưa bao giờ có lấy một chiếc xe hơi, chưa bao giờ có một cái máy giặt. Hai bố con cũng chẳng có điện thoại và anh cũng không thể có học bổng để theo học ở đấy. Anh luôn phải nghỉ học cho nên học lực của anh bị ảnh hưởng rất nhiều. Anh cũng không thể thay đổi được khả năng của mình cho tới tận năm cuối bậc Trung học. Hải quân Mỹ bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo các sỹ quan phục phụ cho quân đội. Để tham gia vào chương trình này, người đăng ký phải trả lời rất nhiều câu hỏi theo kiểu trắc nghiệm. Nếu bạn đủ điểm, người ta sẽ gửi bạn vào một trường nào đó theo chế độ học bổng toàn phần. Sau khi tốt nghiệp bạn sẽ phải có nghĩa vụ phục vụ trong lực lượng Hải quân ít nhất 5 năm. Đó sẽ là quãng thời gian hết sức vất vả. Thế nhưng với anh điều khó nhất là lựa chọn giữa trường Cao đẳng của Bang hay là nhận học bổng nhờ thành tích chơi bóng rổ để đi học ở trường thể thao ở West Virginia. Vì thế cuối cùng anh cũng chọn trường này.

Cô vẫn trầm ngâm suy nghĩ, trong khi hai người cùng uống từng ngụm nhỏ. Rồi cô nói:

- Em đang rất quan tâm đến những gì anh đang nói, bởi vì em đang nghĩ cách giúp đỡ hai đứa con gái em. Em muốn chúng được học hành tử tế. Không giống như em. Đã đến lúc em phải bắt đầu kế hoạch chuẩn bị tương lai cho chúng nó. Con bé lớn nhà em học rất tốt. Chẳng mấy mà nó sẽ học hết trường Lyce’e vì vậy em nhất định phải cho nó học ở một trường Đại học có uy tín, có thể là ở bên Pháp hoặc ở bên Mỹ. Thật ra điều này là rất khó với một quả phụ... với nguồn tài chính... - giọng nói của cô lạc hẳn đi trong tiếng thở dài.

- Nhưng Lily - D. Marnin hỏi tiếp luôn - Có điều anh vẫn chưa hiểu hết. Với vị trí của em, cái cách mà em đang sống... chắc chắn là em phải có nhiều nguồn tài chính.

- Chính em cũng nghĩ như vậy đấy. Nhưng thực tế thì em không có những thứ đó.

- Nhưng chồng em vẫn có những mối quan hệ.

- Đúng vậy, anh ấy có thế thật. Chuyện hôn nhân kiểu Việt Nam cũng là một cái gì đó rất kỳ lạ. Người vợ luôn có nghĩa vụ phải nuôi dạy bọn trẻ và quán xuyến việc nội trợ. Người phụ nữ phải có trách nhiệm phải quản lý tất cả các khoản chi tiêu trong gia đình, nhưng lại không được biết chút nào về việc trong nhà có bao nhiêu tiền. Chúng em đã sống với nhau khá ổn... em chưa từng phải lo lắng. Nhưng khi anh ấy bị giết thì mọi chuyện đã khác, em biết rằng chúng em chẳng có lấy một xu và chúng em chẳng có cái gì hết và chúng em đang nợ tất cả mọi người. Tất cả những gì mà em đã nghĩ là của chúng em thì đều thuộc về những người đang sở hữu ngôi nhà này.

- Họ là ai vậy?

- Nếu anh muốn biết họ là ai thì anh hãy hỏi ông bạn Claudio quý hóa của anh ấy.

- Sao lại là Claudio?

Cô trở nên do dự một cách bí hiểm và hoa hoa bàn tay ra trước ngực rồi đột nhiên cô dùng nó chỉ vào mình và lướt nhẹ qua cổ họng một cách mềm mại.

- Vâng, anh ấy là một... cộng sự của họ đấy.

Anh nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn của cô, chăm chú nhìn vào lòng bàn tay trắng bệch rồi nhẹ nhàng nâng nó lên sát mặt mình và đặt vào đấy một nụ hôn nồng nàn. Chiếc đồng hồ đặt đâu đó trên tầng hai gióng lên hai tiếng chuông lạc lõng. Cô vội rụt tay lại và đứng lên ngượng ngùng.

- Em xin lỗi - cô nói - Muộn quá rồi. Em phải nói lời chia tay thôi. Sáng mai em phải đi từ rất sớm.

- Đi ư? - anh bàng hoàng gạn hỏi - đi đâu cơ?

- Em và hai đứa nhỏ sẽ phải đi Hồng Kông vài ngày.

Cô tiến nhanh ra phía cửa còn anh thì lẽo đẽo chạy sau.

- Thế khi nào em quay về?

- Vào ngày mùng sáu tháng một.

- Đến tận ngày mùng sáu kia ư?

- Anh có thể đến đón em hôm đó được không?

- Vào ngày mùng sáu sao?

- Đúng vậy. Sao lại không chứ?

- Em e là không thể được.

- Thế ngày mùng bảy vậy?

Cô lắc đầu trả lời

- Tại sao anh không gọi điện cho em nhỉ?

- Không - anh trả lời dứt khoát - anh muốn chúng mình hẹn trước ngay từ bây giờ cơ. Thế ngày mùng tám có được không? Lily, anh vẫn sẽ mặc cả cho đến lúc nào em đồng ý mới thôi đấy.

- Mùng tám sao... hôm đó là Chủ nhật - Cô suy nghĩ trong giây lát rồi gật đầu - Thôi được. Vậy là hôm đó em sẽ gặp anh.

- Tuyệt quá. Anh sẽ đến đây đón em nhé.

- Không, không - Cô vội gạt đi ngay - không phải ở đây đâu, ở trước cửa khách sạn Continental vào buổi trưa.

Cô mở cửa ra. Anh đặt tay mình lên hông cô và cúi xuống cố tình hôn lên môi cô. Ngón tay anh khẽ chạm vào làn da mềm mại ở trên sườn cô bị hở ra giữa tà áo dài. Anh thấy toàn thân cô run bắn lên. Cô vội ngoảnh mặt đi né tránh rất nhanh khiến cho anh chỉ có thể hôn lên mái tóc, mùi hương hoa nhài trong mái tóc ấy càng khiến cho anh tỉnh táo hơn.

- Anh phải về đi - Cô sợ hãi thốt lên.

- Anh sẽ làm tất cả những gì em muốn. - Anh nói - nhưng anh sẽ không thể hứa một điều gì cho tương lai đâu.

Anh bước ra khỏi cửa rồi quay đầu lại ngắm nhìn cô một lần nữa.

- Đúng là do số phận... anh mới được quen với em.

- Anh lắc đầu như không tin vào những gì mình đang nghĩ - Đúng là một sự tình cờ hết sức thú vị.

- Không có gì gọi là tình cờ đâu anh - Cô trả lời rất nghiêm nghị.