Nghệ thuật quyến rũ

Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng “xuất quỷ nhập thần”

Vào đầu những năm thập niên 1980, những thành viên của xã hội thượng lưu La Mã bắt đầu bàn tán về một ký giả trẻ đột nhiên xuất hiện, một người tên Gabriele D’Annunzio nào đó. Điều này thật sự rất kỳ lạ vì hoàng tộc Ý thường tỏ vẻ khinh thường nhất đối với những ai không thuộc giới quý tộc của họ và tất nhiên gồm cả một phóng viên báo chí gần như hạ đẳng như anh ta. Thật sự những người đàn ông quý tộc đã bắt đầu chú ý đến D’Annunzio. Anh chẳng có tiền và mối quan hệ xã hội cũng không rộng rãi, xuất thân từ một gia đình trung lưu gia giáo. Ngoài ra, đối với họ, anh ta hết sức xấu xí với thân hình lùn tịt và chắc nịch, làn da sẫm màu trông bẩn bẩn và đôi mắt lồi. Đàn ông cho rằng anh ta quá xấu, không có nét gì hấp dẫn vì thế họ mặc sức để cho anh ta lân la với vợ con của mình bởi họ tin chắc rằng vợ và con gái của họ sẽ an toàn trước gã đàn ông xấu xí này. Họ vui vẻ buông thả cho kẻ chuyên khơi nguồn cho những câu chuyện tầm phào này vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Không, không phải là đàn ông bàn tán về D’Annunzio mà chính là vợ của họ.

Được chính chồng của mình giới thiệu với D’ Annunzio, những nữ công tước và hầu tước cảm thấy chính họ đang chơi trò tiêu khiển với chính gã đàn ông trông có vẻ kỳ lạ này. Tuy nhiên, khi chỉ có một mình anh ta với họ, thái độ của anh ta sẽ thay đổi ngay lập tức. Chỉ trong chốc lát, những quý bà này sẽ bị mê hoặc. Đầu tiên, anh ta sẽ nói những lời ngọt ngào nhất mà họ từng nghe – mỗi từ được thốt ra êm ái và từ tốn, bằng nhịp điệu lưu loát và du dương. Một phụ nữ nào đó đã ví giọng nói anh ta như tiếng chuông nhà thờ ngân vang từ xa. Nhũng phụ nữ khác lại cho rằng giọng nói của anh ta có khả năng “thôi miên”. Những lời anh ta thốt ra cũng rất thú vị – từ láy, cụm từ bóng bẩy, hình ảnh thi vị và cách anh ta khen sẽ làm mủi lòng bao người phụ nữ. D’ Annunzio rất lão luyện về nghệ thuật khen ngợi. Dường như anh ta nắm bắt được nhược điểm của mỗi người phụ nữ: Anh ta sẽ gọi người phụ nữ này là nữ thần thiên nhiên, có khi lại gọi một người khác là nghệ sĩ trang điểm độc nhất vô nhị, đôi lúc lại ca ngợi một phụ nữ khác là lãng mạn tựa như một nhân vật bước ra từ trong tiểu thuyết. Trái tim của người phụ nữ sẽ rung động, xao xuyến mỗi khi anh ta bày tỏ về sự tác động của người đó lên anh ta. Mọi lời nói của anh ta đều khơi gợi, ám chỉ bóng gió đến dục vọng hoặc tình cảm lãng mạn. Và rồi đêm đó, người phụ nữ sẽ thao thức, trầm tư suy nghĩ về những lời anh ta nói, đặc biệt họ ít khi nào nhớ lại anh ta đã nói cái gì bởi vì anh ta chẳng bao giờ nói cái gì cụ thể cả, họ chỉ nhớ lại cảm giác mà anh ta đã dấy lên trong lòng cô ta. Vào ngày tiếp theo đó, cô ta sẽ nhận được một bài thơ mà dường như đã được viết một cách đặc biệt để chỉ dành riêng cho cô. (Trên thực tế, anh ta đã viết hàng tá bài thơ tương tự cho bất kỳ người phụ nữ nào mà anh ta muốn biến thành nạn nhân của mình)

Vài năm sau khi D’ Annuzio bắt đầu làm nghề phóng viên xã hội, anh ta đã kết hôn với con gái của gia đình công tước Gallese. Thời gian ngắn sau đó, được sự ủng hộ vững vàng của các quý bà thuộc tầng lớp thượng lưu, anh ta bắt đầu xuất bản tiểu thuyết và tuyển tập thơ. Số lượng về những cuộc chinh phục của anh ta thật đáng kể và chất lượng – không chỉ những hầu tước phu nhân ngả dưới chân anh ta mà còn có cả những nghệ sĩ có tên tuổi như nữ diễn viên Eleanor Duse, người giúp anh ta trở thành một nhà soạn kịch được kính trọng và nhân vật nổi danh trong giới văn chương. Vũ công Isadora Duncan, một người cũng thực sự say mê anh ta, đã giải bày về ma lực của anh ta: “Có lẽ người tình xuất sắc nhất của thời đại chúng ta là Gabriele D’Annunzio. Mặc dù trông anh ta nhỏ bé, hói và xấu xí nhưng khi anh ta nói chuyện với một người phụ nữ mà anh ta thích, khuôn mặt anh ta rạng rỡ và tươi tắn, vì thế anh ta bỗng nhiên trở thành nam thần Apollo… Ấn tượng của anh ta đối với phụ nữ thì rất sâu sắc. Người phụ nữ đang nói chuyện với anh ta bỗng nhiên sẽ cảm thấy rằng tâm hồn và thể xác của mình trở nên thanh thoát, bay bổng”.

Thế Chiến thứ nhất nổ ra, D’Annunzio đã gia nhập quân ngũ ở tuổi 52. Mặc dù không có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng anh ta lại nung nấu niềm khao khát cháy bỏng, đầy kịch tính là được thể hiện lòng dũng cảm của mình. Anh ta biết cách lèo lái và chỉ huy những nhiệm vụ nguy hiểm nhưng hiệu quả cao. Chiến tranh kết thúc, anh ta trở thành vị anh hùng được tặng thưởng nhiều huân chương nhất ở nước Ý. Những chiến công vang dội đã làm cho anh ta trở thành hình tượng quốc gia được yêu thích, và sau chiến tranh, những đám đông dân chúng thường tụ tập bên ngoài bất cứ khách sạn nào mà anh ta ở. Từ trên ban công nhìn xuống, anh ta đàm luận vấn đề chính trị với họ, mắng nhiếc xỉ vả lại chính phủ Ý lâm thời. Một nhân chứng cho một trong những buổi diễn thuyết của anh ta là nhà văn người Mỹ – Walter Starkie, ban đầu đã cảm thấy vô cùng thất vọng bởi diện mạo bên ngoài của D’Annunzio danh tiếng lẫy lừng; anh ta lùn tịt và trông có vẻ kệch cỡm. “Tuy nhiên, dần dần tôi bắt đầu bị thu hút bởi giọng nói của anh ta đang thấm sâu vào nhận thức của tôi… Giọng nói từ tốn, cử chỉ đúng mực… Anh ta lợi dụng cảm xúc của đám đông công chúng y như một nghệ sĩ vĩ cầm tối cao dựa vào cây đàn Stradivarius. Đôi mắt của hàng ngàn người đang dán chặt vào anh ta y như thể họ đang bị anh ta thôi miên vậy”. Thêm vào đó, anh ta đã thu hút quần chúng nhân dân bằng chính âm thanh của giọng nói và ý nghĩa thi vị của lời nói. Tranh cãi rằng nước Ý hiện đại nên khôi phục lại sự huy hoàng của đế chế La Mã, D’Annuzio sẽ hô to khẩu hiệu cho dân chúng nghe và lập lại hoặc sẽ đặt ra những câu hỏi chất đầy bức xúc cho họ trả lời. Anh ta tâng bốc quần chúng nhân dân, khiến cho họ thấy rằng họ là một phần của vở kịch nào đó. Mọi thứ đều mờ ảo và đầy khơi gợi bóng gió.

Vấn đề của lúc bấy giờ là quyền sở hữu thành phố Fiume, nằm bên kia biên giới thuộc địa phận của nước láng giềng Yugoslavia. Nhiều người dân Ý tin rằng vì nước Ý đã ủng hộ các nước đồng minh trong cuộc chiến gần đây nên nước Ý xứng đáng nhận phần thưởng là được sát nhập thành phố Fiume. Với danh hiệu “anh hùng chiến tranh” nên anh ta rất được quân đội sẵn sàng ủng hộ, D’Annuzio đã chiến thắng được mục đích này, cho dù chính phủ có bất cứ hành động phản đối nào. Vào tháng 9 năm 1919, cùng với những binh lính tập hợp quanh mình, D’Annunzio đã khởi binh tiến vào thành phố Fiume. Khi một vị tướng Ý chặn anh ta dọc đường và đe dọa sẽ bắn anh ta, D’Annunzio đã cởi áo khoác cho thấy những tấm huy chương của mình và nói bằng giọng đầy lôi cuốn, “Nếu anh phải giết tôi thì trước hết hãy bắn vào cái này”. Vị tướng đứng sững sờ, sau đó ông bật khóc. Và rồi ông ta đã gia nhập vào đội quân của D’Annuzio.

Khi D’Annunzio tiến quân vào đến thành phố Fiume, anh ta đã được nồng nhiệt chào đón như một anh hùng giải phóng. Ngày hôm sau, anh ta được tuyên bố là người lãnh đạo nhà nước độc lập Fiume. Chẳng bao lâu sau, anh ta lại đứng từ ban công đọc diễn thuyết, và từ trên cao nhìn xuống quãng trường chính, hàng nghìn người đang say mê nghe anh ta nói. Anh ta bắt đầu ngợi ca và tiến hành hàng loạt các nghi thức quay về thời hoàng kim của đế chế La Mã. Người dân thành Fiume bắt đầu bắt chước anh ta, đặc biệt là những kỳ công về tình ái; và rồi thành phố trở thành một nhà thổ khổng lồ. Sự yêu mến mà mọi người dành cho anh ta nhiều đến mức mà Chính phủ Ý sợ anh ta sẽ đem quân chinh phạt thành Rome. Tình thế vào thời điểm đó đã bắt buộc D’Annunzio quyết định thực hiện điều đó. Nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại đa số lực lượng quân đội, anh ta thật sự đã thành công; D’Annunzio đã có thể đánh bại Mussolini dễ dàng và thay đổi chặng đường lịch sử của mình. (Anh ta không phải là kẻ theo chủ nghĩa phát xít, mà là người theo chủ nghĩa xã hội hoa mỹ). Anh ta quyết định ở lại thành Fiume, tuy nhiên, anh chỉ cai trị được 16 tháng trước khi Chính phủ Ý đánh bom đánh đuổi anh ta ra khỏi thành phố.

Quyến rũ là một quá trình tâm lý vượt quá giới hạn về giới tính, trừ một vài phạm vi quan trọng nơi mỗi giới tính bộc lộ nhược điểm của mình. Điểm yếu của nam giới thường nằm ở thị giác. Mỹ Nhân Ngư tạo ra vẻ bề ngoài rực rỡ để có thể quyến rũ được vô số gã đàn ông. Còn đối với phụ nữ, điểm yếu nằm ở chỗ ngôn ngữ và lời nói. Simone – một nữ diễn viên Pháp thời bấy giờ và cũng là một trong những nạn nhân của D’Annunzio đã viết rằng, “Ai có thể giải thích được ma lực của anh ta là nhờ sức mạnh ngôn ngữ diệu kỳ và tài hùng biện đặc biệt của anh ta chính là nhờ âm sắc du dương của giọng nói? Vì cũng là đàn bà nên tôi dễ xiêu lòng trước lời nói, bị mê muội bởi lời nói và mong muốn được chinh phục bởi lời nói”.

Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng rất lộn xộn trong việc sử dụng ngôn ngữ cũng như rất bừa bãi trong các mối quan hệ với phụ nữ. Anh chọn lựa những lời nói có khả năng khơi gợi, ám chỉ bóng gió, thôi miên, gây hưng phấn và gây khoái cảm. Lời nói của Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng cũng y như sự trang điểm hình thức bên ngoài của Mỹ Nhân Ngư: Nó chính là một loại thuốc mê, một loại ma lực khơi dậy nhục dục con người. Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng sử dụng ngôn ngữ rất điêu luyện bởi vì lời nói anh ta cố ý thốt ra không phải là để giao tiếp hay truyền đạt thông tin mà là để thuyết phục, tâng bốc, xáo trộn cảm xúc y như con rắn trong tác phẩm “Khu vườn Địa Đàng” đã dùng những lời nói để dẫn Eve chìm vào trong sự mê muội.

D’Annunzio là ví dụ điển hình bộc lộ sự kết hợp giữa Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng đa tình chuyên quyến rũ phụ nữ và Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng chính trị gia chuyên chinh phục công chúng. Cả hai loại người này đều phụ thuộc vào ngôn ngữ. Hãy mô phỏng theo Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng và bạn sẽ phát hiện ra rằng việc sử dụng lời nói như là một chất độc tinh vi sẽ có công dụng vô kể. Hãy nhớ rằng: Chính hình thức lời nói mới là vấn đề, chứ không phải nội dung. Bạn càng ít chú ý đến nội dung mình nói cái gì bao nhiêu và càng tập trung đến việc lời nói của mình khiến họ cảm thấy thế nào hơn thì hiệu quả quyến rũ của bạn càng cao. Hãy nêm nếm cho lời nói của mình hương vị cao quý, tâm linh, mang tính văn chương để gợi lên những khao khát trong lòng những nạn nhân vô thức.

Vậy năng lực gì đã khiến Don Juan có thể quyến rũ được người khác? Đó chính là sự thèm khát, năng lượng của những ham muốn nhục dục? Anh ta khao khát tất cả những tố chất nữ tính trong mỗi người đàn bà. Sự phản ứng lại với cảm xúc mãnh liệt này đã tô điểm và phát huy chính những ai được người khác khao khát. Họ cảm thấy thẹn thùng với khuôn mặt đỏ bừng khi được anh ta khen ngợi. Vì ngọn lửa của anh chàng nồng nhiệt này cùng với vẻ rực rỡ, hào hoa đầy sức quyến rũ có thể làm tỏa sáng tất cả những ai đứng xung quanh anh ta, kể cả những người đàn bà có mối quan hệ ngắn ngủi thoáng qua với anh ta. Chính vì vậy, Don Juan luôn làm tôn thêm vẻ đẹp của mọi cô gái bằng cảm xúc cực kỳ sâu sắc.

Soren Kierregaard.