Nghệ Thuật Sống Tự Tin

Chương 6: Tăng Cường Sức Mạnh

Nghĩ về bản thân như là một người tự chủ, chứ

không phải là một nạn nhân, và sẵn sàng

nhận lãnh trách nhiệm về số phận của mình.

- Bryan Robinson

Bạn là người tự chủ hay là nạn nhân của cuộc đời?

Harriet nằm trên giường bệnh và than phiền về bệnh tình của mình. Cô rên rỉ: “Tôi chẳng còn làm được gì nữa rồi. Chồng tôi đã khiến tôi phải lo lắng đến mức phải vào viện vì chứng nghiện rượu của anh ấy. Tôi đã suy sụp đến mức chẳng thể tự giúp mình được nữa. Chồng tôi đã khiến tôi thấy mình thật vô dụng. Nếu không vì anh ấy, tôi đã chẳng ở trong tình trạng tệ hại và phải vào viện như thế này!”.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng Harriet chính là một nạn nhân của hoàn cảnh sống. Những người như Harriet có khuynh hướng sống như một nạn nhân, hay theo các nhà tâm lý học thì cô thuộc tuýp người bị chi phối bởi ngoại cảnh (externalizers). Nói một cách đơn giản, những người này thường nghĩ về bản thân như những con tốt vô dụng trong ván cờ số phận, bị định đoạt bởi những yếu tố nằm bên ngoài bản thân họ. Kết quả là họ né tránh trách nhiệm của mình, phó thác cuộc đời cho hoàn cảnh và đầu hàng số phận. Hầu như họ luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh về những khó khăn họ gặp phải. Tuýp người này tin rằng họ bị kết tội oan, rằng những nỗ lực của họ chẳng bao giờ được ghi nhận bởi mọi thứ không bao giờ diễn ra suôn sẻ và mọi người luôn keo kiệt với họ một cách vô cớ.

Nhiều nghiên cứu gợi ra vấn đề rằng rất nhiều người đã phát triển một ảo giác khi họ lớn lên, còn gọi là “sự bất lực được tích lũy”: Dù họ có làm gì chăng nữa thì số phận của họ cũng nằm ngoài tầm tay họ. Những người này có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc sống thay vì được nó tiếp thêm sức mạnh. Nhưng tin tốt lành là nếu bạn là người thường bị ngoại cảnh chi phối thì bí quyết “Tăng cường sức mạnh” có thể giúp bạn tiếp cận được với cái phần tự chủ trong con người mình.

Người tự chủ là người được cái tôi tự tin dẫn dắt và họ tin tưởng rằng cuộc sống của họ xuất phát từ chính nội tâm của họ. Họ hoàn toàn làm chủ số phận của mình và chịu trách nhiệm về mọi điều xảy đến với bản thân. Họ tin tưởng rằng chính hành động của họ sẽ quyết định tính chất tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống. Những người này tin tưởng rằng nếu họ đã mắc sai lầm thì họ cũng có thể sửa chữa nó cũng như có thể thay đổi ngày mai bằng những gì họ làm trong hôm nay. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy những người tự cho rằng mình đang ở vị thế “tác động” chứ không phải “chịu tác động” sẽ có khuynh hướng sống lạc quan hơn, phản ứng tích cực hơn trước mọi hoàn cảnh. Nói cách khác, họ chủ động đón nhận số phận của mình và tận dụng triệt để nó chứ không cam chịu đơn thuần.

Các nhà nghiên cứu cho biết những người tự chủ luôn thành công trong sự nghiệp hơn những người tự coi mình là nạn nhân. Ví dụ, những kẻ hay phàn nàn trong công việc có xu hướng bỏ việc cao hơn người bình thường. Văn phòng trở thành bãi đáp cho những kẻ hay càu nhàu, những kẻ luôn đấu tranh với sự bất hạnh trong nội tâm của mình, sống tiêu cực, thiếu tự tin và luôn cảm thấy mình vô dụng. Họ không muốn chịu trách nhiệm; cứ khư khư ôm lấy những khó khăn, trông chờ ai đó sẽ giúp họ giải quyết vấn đề thay vì tự mình tìm ra giải pháp sáng tạo. Căn bệnh than vãn kinh niên của họ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc, lôi kéo thêm những người tiêu cực khác, tạo thành một câu lạc bộ “Than phiền”, đầu độc tinh thần làm việc và hủy hoại năng suất lao động. Họ không leo lên những nấc thang thăng tiến trong công ty như các nhân viên tự tin, hòa đồng - những người luôn nhìn thấy mặt tích cực, có tinh thần làm việc nhóm, có óc sáng tạo và luôn tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp thay vì mãi nghĩ về khó khăn.

Khi các quản lý quyết định xem có nên thăng chức cho một nhân viên nào đó hay không, họ thường cân nhắc xem thái độ làm việc cũng như những kỹ năng chuyên môn của người đó. Những người hay than vãn thường thiếu tự tin, dẫn đến tình trạng đồng nghiệp và quản lý của họ cũng không còn tin tưởng vào họ. Những nhân viên tự biến mình thành nạn nhân thường ít có cơ hội được trọng dụng và phải gánh chịu thất bại trong sự nghiệp, ngay cả khi họ thật sự có năng lực. Họ không có khả năng suy nghĩ một cách lạc quan, không biết hợp tác với mọi người, không có trí sáng tạo và không tập trung vào tìm kiếm những giải pháp tích cực. Nguyên nhân của tình trạng này là do những phần xem mình là nạn nhân trong con người họ đã che mất đi cái tôi tự tin của họ, khiến họ cảm thấy mình thật sự là nạn nhân của hoàn cảnh sống.

Katherine, nhân viên của một công ty máy tính nổi tiếng, phàn nàn với sếp của cô rằng nhân viên mới khiến cô cảm thấy “căng thẳng” bởi vì cô này nói nhiều quá. Bất chấp thực tế rằng Katherine là người hay ca thán, sếp của cô đã chiều ý cô, chuyển người đồng nghiệp “nói quá nhiều” kia sang nơi khác. Hai tuần sau, Katherine lại ca cẩm rằng người đồng nghiệp mới đến làm cho cô “phát điên lên” vì cô này quá bừa bộn. Lại một lần nữa người sếp nghe theo yêu cầu của cô, chuyển “người bừa bộn” ấy sang nơi khác. Sau thêm hai lần càu nhàu và chuyển chỗ nữa thì sếp của Katherine nhận ra gốc rễ của vấn đề nằm ở chính Katherine, chứ không phải do bốn người đồng nghiệp với cô. Katherine đã đổ lỗi cho người khác về cảm xúc của mình; cô từ chối dàn xếp các vấn đề của mình theo cách xây dựng và nhờ người khác giải quyết chúng.

Vị giám đốc, người luôn sẵn sàng chiều lòng Katherine, đã vô tình để cho cái phần xem mình là nạn nhân trong cô chiếm vị thế chủ đạo.

Các câu nói sau là những lời kết luận phổ biến của những người đã sống dưới sự dẫn dắt của cái phần xem mình là nạn nhân:

• Anh đã hủy hoại đời tôi.

• Anh ta làm tôi phát điên lên.

• Tôi có thể đã làm tốt hơn nếu anh không làm phiền tôi như thế.

• Anh đang làm tôi điên tiết lên đấy.

• Mọi người luôn ruồng rẫy tôi.

• Cô ấy quá keo kiệt với tôi.

• Anh đã không say xỉn nếu em đừng chì chiết anh.

• Tại anh thúc hối tôi nên tôi mới phạm sai lầm như thế đấy.

• Đấy không phải lỗi của tôi.

• Tôi chẳng thể cưỡng lại được.

• Anh đã khiến tôi rơi vào tình cảnh tệ hại này.

• Tôi ăn uống quá độ là do cách đối xử bất công của cha mẹ tôi với tôi.

• Con người tôi là vậy.

• Nếu không có anh, tôi đã chẳng rơi vào hoàn cảnh khó khăn này.

• Giờ thì hãy nhìn xem anh đã làm gì nào!

• Nếu anh chịu thay đổi một tí thì mọi sự đã ổn thỏa rồi.

• Công việc này đang hủy hoại cuộc đời tôi.

Những kết luận này phản ánh việc cái tôi tự tin của chúng ta dễ dàng bị những phần xem mình là nạn nhân trong con người ta ép buộc phải tin tưởng rằng các khó khăn của ta và giải pháp cho các khó khăn ấy nằm ngoài bản thân ta, khiến ta luôn đầu hàng trong mọi tình huống. Chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác vì những thất bại của mình cũng như sự khốn khổ theo sau những thất bại ấy. Việc đổ lỗi cho người khác sẽ che lấp đi cái tôi tự tin của ta, ngăn cản ta nhận ra rằng mình có thể hành động để thay đổi cuộc đời theo hướng tốt hơn; và thế là sự tự tin sẽ vụt khỏi tay ta.

Eleanor Roosevel(1) đã từng nói rằng: “Nếu không có sự ưng thuận của bạn thì chẳng ai có thể làm bạn cảm thấy mình thấp kém”. Đó là sự thật. Chẳng ai có thể khiến bạn hoài nghi, giận dữ, căng thẳng hay bất cứ điều gì, trừ phi bạn đồng ý để họ làm vậy. Bất luận chuyện gì đã xảy đến với ta chăng nữa nhưng nếu khi được cái tôi tự tin của mình dẫn dắt, ta sẽ có khả năng ứng đối trước vấn đề đó. Bí quyết “Tăng cường sức mạnh” nhắc nhở ta rằng không phải ngoại cảnh cướp đi sự tự tin của ta, mà chính những phần xem mình là nạn nhân trong con người ta đã che khuất đi sức mạnh của ta.

Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ về mình như những nạn nhân. Thất bại, tuyệt vọng và bi quan trở thành nếp sống của họ. Về cơ bản, việc tự biến mình thành nạn nhân và sự tự thán đã trở thành thói quen trong tư duy và ứng xử. Tình trạng này dẫn đến việc họ cố gắng tìm kiếm thủ phạm một cách vô thức. Họ tìm kiếm những người tự chủ để giúp họ thoát khỏi trách nhiệm; họ bị cuốn hút vào những người tự tin mà trước đây đã bị họ buộc tội là thủ phạm khiến đời họ bất hạnh.

Bí quyết “Tăng cường sức mạnh” cho rằng yếu tố quyết định việc ta trở thành người tự tin hay tự ti không nằm ở cuộc sống mà ở chính mức độ lòng tự tin trong ta. Chúng ta được ban cho cuộc sống và ta có quyền kiến tạo nên những trải nghiệm của mình trong cuộc sống ấy. Nếu ta cho rằng mình là nạn nhân vô dụng luôn bị cuộc sống đẩy đưa thì ta sẽ khổ sở thật sự. Nhưng nếu ta nhìn mọi việc qua con mắt của cái tôi tự tin và thấy được những ảo giác trong cuộc sống thì ta sẽ được tăng cường sức mạnh để biến khó khăn thành cơ hội học hỏi và tạo ra trải nghiệm tích cực từ chính những trải nghiệm tiêu cực.

Một khi ta còn đổ lỗi cho những tác nhân bên ngoài về số phận của mình, ta sẽ mãi là nạn nhân và tự làm mất đi sức mạnh của mình. Nhưng khi ta đã phân tách bản thân khỏi những ảo tưởng và nhận lấy trách nhiệm về suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình, ta sẽ tự tăng cường sức mạnh đồng thời cải thiện cuộc sống của bản thân một cách đáng kể. Bí quyết ở đây là đừng hỏi: “Cuộc sống đối xử với tôi như thế nào?”, mà hãy hỏi “Tôi đã đối xử với cuộc sống ra sao?”. Ngoài ra, hãy tự vấn mình thêm một câu hỏi khác không kém phần quan trọng: “Ai đang giữ vị trí chủ đạo trong thế giới nội tâm của tôi khi cuộc đời đang làm phần việc của nó? Đó là cái tôi tự tin, hay là phần tự xem mình là nạn nhân đang cần sự thấu hiểu và tình yêu thương của tôi?”.

Bạn ứng phó với những biến cố lớn trong đời như thế nào?

“Có lẽ đó chính là điều may mắn nhất mà tôi có được!” - Jack đã nói như vậy về tai nạn xe mô-tô khiến anh trở thành người tàn phế. Tai nạn đó đã thay đổi cuộc đời anh và giúp anh trưởng thành hơn. Khả năng nhìn thấy điều tích cực giữa những mất mát to lớn của Jack cũng là điều mà nhiều người khác đã làm được.

Diễn viên hài Richard Belzer đã từng cho rằng: “Căn bệnh ung thư tựa như là một cú đánh trời giáng vào mặt ta. Ta vừa mất hết can đảm, lại vừa trở nên cao thượng nhờ nó”.Trong cuốn sách “Love, Medicine and Miracles” (Tình yêu, liều thuốc và những phép mầu), tác giả Bernie Siegel đã kể câu chuyện của một cậu bé bảy tuổi bị ung thư. Cậu đã nhìn nhận bản thân là người tự chủ chứ không phải là nạn nhân của căn bệnh quái ác: “Nếu Thượng đế muốn cháu trở thành vận động viên bóng rổ thì hẳn Người đã cho cháu chiều cao hai mét. Nhưng thay vào đó, Người cho cháu căn bệnh ung thư để cháu trở thành bác sĩ và giúp đỡ người khác”.

Cậu bé có mơ ước trở thành một vận động viên bóng rổ này đã biến căn bệnh ung thư trở thành hành động của tình yêu. Điều này đã hỗ trợ cậu vượt qua bệnh tật và mang đến cho chúng ta thông điệp rằng ta có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn, bất kể hoàn cảnh sống của ta có ra sao chăng nữa.

Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với thử thách của cuộc sống, với một số người thì đó chỉ là những thử thách nhỏ, nhưng một số khác lại là những thử thách đầy cam go. Điều quan trọng là cách ta đối phó với chúng ra sao. Biến trở ngại thành cơ hội sẽ giúp chúng ta từ bỏ cuộc sống thụ động cam chịu để trở thành người năng động tích cực. Một người mạnh mẽ (được cái tôi tự tin dẫn dắt) thì luôn cố gắng học hỏi những bài học của cuộc sống; trong khi một nạn nhân (được bản ngã chỉ đạo) lại chịu đựng những nỗi đau trong đời.

Trong cuốn sách “When Things Fall Apart” (Khi mọi thứ vỡ vụn), ni sư Pema đã đề cập đến điều mà tôi đã nêu trong cuốn sách này - rằng đôi khi may mắn lại đến với ta dưới dạng thức của những bất hạnh:

“Những cảm xúc như thất vọng, lúng túng, bực tức, oán hờn, giận dữ, ghen ghét và sợ hãi không phải là những điều xấu bởi chúng là dấu hiệu cho thấy ta đã kìm nén chúng trong lòng. Chúng dạy ta biết ngẩng cao đầu và tiến về phía trước khi ta có chiều hướng suy sụp và lùi lại phía sau. Chúng giống như những người đưa thư - cho ta biết rõ mình đang bị mắc kẹt ở đâu. Khoảnh khắc này chính là người thầy hoàn hảo và thật may mắn cho ta khi nó luôn bên cạnh ta trong mọi hoàn cảnh.”

Nhiều người bình thường đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ những biến cố lớn họ vượt qua trong đời. Những người cai rượu đã thành công kể lại rằng việc bỏ được rượu đã trở thành phúc lành tuyệt vời nhất bởi nó mang đến cho họ một cuộc sống mới hoàn toàn tỉnh táo. Nhiều khách hàng của tôi khẳng định rằng những mối quan hệ thân mật tan vỡ thường khiến họ cảm thấy vô cùng đau đớn trong giai đoạn đầu, nhưng rồi sau đó họ lại có được những mối quan hệ khác lành mạnh hơn và ý nghĩa hơn.

Một số nhân vật nổi tiếng đã vượt qua được những thử thách của cuộc sống bằng cách tìm ra ý nghĩa và được tiếp thêm sức mạnh từ chúng. Christopher Reeve(2) đã giành được danh hiệu “Siêu nhân” không chỉ trên màn ảnh mà còn ở ngoài đời thực. Sau một cú ngã ngựa, Reeve bị chấn thương cột sống và liệt từ phần cổ trở xuống. Nhưng anh đã làm rung động hàng triệu người bởi lòng dũng cảm và sự lạc quan của mình. Khi quyết định tập trung vào nguồn sáng nội tâm thay vì vào sự tàn tật của mình, anh đã khiến mọi người khâm phục. Anh đã sống một cuộc đời đủ đầy, luôn coi mình là người may mắn khi có được một gia đình hạnh phúc và nhiều bạn bè thân thiết. Anh đã nỗ lực để thực hiện những việc mà mình còn có thể tham gia như tiếp tục đóng phim, làm đạo diễn đồng thời trở thành sứ giả cho những nghiên cứu về tủy sống.

Những người tự chủ luôn tìm kiếm ý nghĩa từ những nỗi khổ đau và khó khăn của mình. Họ thực hiện việc này bằng cách chuyển quan điểm của mình về những thử thách của cuộc sống thành những bài học quý giá để phát triển tâm hồn dưới sự chỉ đạo của cái tôi tự tin. Rosa Parks(3) đã làm nên lịch sử bằng cách từ chối nhường chỗ ngồi của mình trên xe buýt cho một người da trắng và trở thành người tiên phong của phong trào đấu tranh xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc. Mahatma Gandhi(4) và Martin Luther King(5) đã sử dụng những biện pháp phi bạo lực nhưng cứng rắn nhằm đấu tranh cho nạn phân biệt chủng tộc. Candace Lightner, người có con gái bị cán chết trong một vụ tai nạn ô tô do một tên say rượu gây ra, đã khởi xướng hội MADD (Mothers Against Drunk Driving), tức hội “Những người mẹ chống lại nạn lái xe khi say rượu” và tác động để chính phủ ban hành những đạo luật nghiêm khắc hơn với những tài xế say rượu. Dù bị khiếm thị lẫn khiếm thính từ khi còn rất bé nhưng Helen Keller đã vượt qua sự tàn tật của mình để trở thành một trong những tấm gương sáng của thời đại chúng ta. Triết lý sống của cô đã phản ánh ý nghĩa mà cô tìm thấy được từ biến cố đời mình: “Cuộc đời này, hoặc là một chuyến phiêu lưu táo bạo, hoặc chẳng là gì cả”.

Hàng thế kỷ nay, các nhà thần học, các triết gia và các nhà lãnh đạo tâm linh đã khẳng định rằng nghịch cảnh có thể làm giàu thêm cuộc sống của chúng ta nếu ta cho nó cơ hội để làm điều đó. Những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời sẽ giúp ta mạnh mẽ hơn, mang đến ý nghĩa mới cho cuộc sống của ta, đưa ta tiến sâu hơn vào thế giới tâm linh của mình đồng thời gần gũi hơn với chính mình và với những người xung quanh.

Chỉ vài năm gần đây, các triết lý về tâm linh này mới được giới khoa học kiểm chứng. Các nhà tâm lý học đã phỏng vấn những người sống sót sau những thương tổn nặng nề như bị cưỡng hiếp, nhiễm HIV, ung thư, chiến tranh, thảm họa tự nhiên, tai nạn, mất mát người thân và bị mất việc. Rất nhiều người đã trưởng thành thật sự khi đấu tranh chống lại lá bài số phận. Các nhà tâm lý học đã ghi nhận rằng những người này có khả năng nhìn nhận cuộc đời theo hướng mới và trải nghiệm sự trưởng thành tích cực qua gian khổ. Họ đã nhận ra sức mạnh của bản thân đồng thời có mối quan hệ mật thiết hơn với những người xung quanh. Ngoài ra, họ còn cảm thấy cảm kích sâu sắc hơn với cuộc sống cũng như mở lòng hơn đối với những vấn đề tâm linh và tôn giáo. Nói cách khác, những người sống sót này cảm thấy mình đang sống một cuộc đời mới, được dẫn dắt bởi cái tôi tự tin.

Tất cả chúng ta đều có thể học hỏi từ các nhà khoa học, tâm linh học và những người sống sót sau các biến cố lớn. Một cựu chiến binh bị mất cánh tay trong chiến tranh Iraq đã dùng sự thấu cảm và tình thương yêu của mình để khuyên nhủ những người cũng bị tàn tật do cuộc chiến. Một bệnh nhân HIV đã tình nguyện dùng thời gian còn lại của mình để gây quỹ hỗ trợ cho các nghiên cứu về căn bệnh này và hỗ trợ những bệnh nhân khác. Một phụ nữ bị lạm dụng tình dục từ nhỏ đã viết một cuốn sách về quá trình hồi phục của mình để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Có lẽ khi chứng kiến nỗ lực và những đau khổ của người khác, ta sẽ biết trân trọng hơn cuộc sống của mình. Khi nghịch cảnh cuộc đời ập đến với bạn (chắc chắn sẽ xảy ra vào lúc nào đấy), bạn sẽ nhắc nhở bản thân nên tìm kiếm ý nghĩa, sức mạnh và sự trưởng thành từ cách bạn ứng phó với thử thách cam go ấy.

Những biến cố lớn xảy ra trong đời không phải là những sự lựa chọn, mà chính cách bạn xử lý chúng mới là sự lựa chọn. Bạn có thể lấy “những biến cố nhỏ” - những thử thách mà bạn gặp trong cuộc sống hằng ngày - và thay đổi chúng theo hướng có lợi cho mình. Việc tìm thấy cái được từ trong cái mất sẽ giúp bạn sống tự tin hơn.

Ứng dụng bí quyết “Tăng cường sức mạnh”

Bí quyết “Tăng cường sức mạnh” sẽ đặt những thử thách của cuộc sống dưới góc nhìn tích cực hơn, sáng sủa hơn. Nó giúp bạn tiếp cận những khó khăn từ góc độ của người tự chủ để bạn có thể hành động một cách tích cực. Nó cho phép bạn thay đổi những cái nhãn mà bạn thường dán lên các tình huống sao cho thông điệp mới có thể sản sinh ra những cảm xúc và hành động tích cực hơn. Việc thực hành những bài tập này sẽ giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Tách mình khỏi phần nạn nhân

Hầu hết chúng ta đều có những phần xem mình là nạn nhân và chúng xuất hiện vào nhiều thời điểm. Bài tập này sẽ giúp bạn tạo ra khoảng cách với chúng và tăng cường sức mạnh cho bạn. Dù ngày mai cuộc sống có khiến bạn tổn thương thì thay vì oằn mình cùng những phần ấy, bạn có thể nghĩ về chúng như một phần trong con người mình chứ không phải là tất cả. Hãy hít một hơi thật sâu và lùi lại phía sau để tránh bị nhấn chìm cùng chúng. Khi bạn đã nhìn thấy và tách mình ra khỏi những phần đó, hãy cố gắng an ủi chúng. Nếu bạn cảm nhận mình đang có một trong tám chữ “C”, thì hãy làm bạn với cái phần xem mình là nạn nhân ấy bằng cách tìm hiểu và thiết lập một mối quan hệ với nó từ trong nội tâm. Đôi khi, chỉ cần tách mình ra khỏi nó cũng đủ giúp bạn giữ vững được cái tôi tự tin của mình.

Bài tập về biến cố

Tình huống: Hãy nghĩ về một thời kỳ nào đấy mà bạn cảm thấy mình thật vô dụng hoặc là nạn nhân của cuộc sống. Hãy mô tả tình huống ấy một cách khách quan, đừng thể hiện suy nghĩ hay tình cảm của mình về nó.








Những phản ứng từ phần xem mình là nạn nhân: Hãy mô tả suy nghĩ, cảm xúc và hành động của phần xem mình là nạn nhân trong con người bạn. Nếu sự phán xét hay xấu hổ xuất hiện, hãy hỏi chúng xem liệu chúng có thể sẵn lòng bước sang một bên vào lúc này hay không. Cuối cùng, hãy để sự hiếu kỳ viết ra những lời mô tả trên.








Tăng cường sức mạnh: Hãy nhìn nhận những phản ứng trên từ góc độ cái tôi tự tin của bạn - theo cách mà nguồn sức mạnh trong bạn được tăng cường từ những bài học mà bạn lãnh hội được hoặc theo cách mà bạn nhận ra ý nghĩa của những ý nghĩ và cảm xúc thấy mình vô dụng. Điều này sẽ cho phép bạn nghĩ về bản thân như một người tự chủ chứ không phải là một nạn nhân của cuộc sống.