Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm

Chương 4: Giá Trị Của Sự Chịu Đựng

Vào những tháng cuối cùng của năm 1944, sau gần một thập niên chiến tranh, mọi thứ đều chống lại nước Nhật. Nền kinh tế của họ điêu đứng, quân đội rải rác khắp một nửa vùng đất châu Á và phần lãnh thổ mà họ giành được qua chiến dịch Thái Bình Dương giờ đây sụp đổ như quân cờ domino trước thế lực của nước Mỹ. Thất bại dường như là có thể dự đoán được.

Vào ngày 26 tháng 12 năm 1944, thiếu úy Hiroo Onoda[28] của Lục quân Đế quốc Nhật bản đã được điều động tới một hòn đảo nhỏ ở Lubang, Philippine. Nhiệm vụ của ông là làm chậm chân quân đội Mỹ hết sức có thể, đứng lên và chiến đấu bằng mọi giá, và không bao giờ đầu hàng. Cả ông lẫn người chỉ huy của mình đều biết rằng đây thực chất là một nhiệm vụ tử vì đạo.

Vào tháng 2 năm 1945, quân đội Mỹ đổ bộ tới Lubang và đóng quân trên hòn đảo với một lực lượng dày đặc. Trong vài ngày, hầu như tất cả lính Nhật đều đầu hàng hoặc bị tiêu diệt, nhưng Onoda và ba người của ông vẫn trốn trong rừng. Từ đó, họ bắt đầu một chiến dịch chiến tranh du kích chống lại quân đội Mỹ và người dân địa phương, tấn công con đường cung cấp lương thực và hàng hóa thiết yếu, tập kích những người lính đơn độc, và quấy rối quân đội Mỹ bằng bất cứ cách nào mà họ có thể thực hiện.

Tháng 8 năm đó, vào sau nửa năm, nước Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki. Nước Nhật đầu hàng, và cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử loài người cũng đi đến hồi kết.

Tuy nhiên, hàng ngàn lĩnh Nhật vẫn rải rác trên những hòn đảo nhỏ thuộc Thái Bình Dương, và hầu hết trong số đó, cũng như Onoda, đều lẩn trốn trong rừng sâu, không hay biết rằng chiến tranh đã kết thúc. Những người không tuân theo thế sự tiếp tục chiến đấu và cướp bóc như họ vẫn làm trước đấy. Đây đúng là một vấn đề lớn đối với việc tái kiến thiết lại Đông Á sau chiến tranh, và các chính phủ đồng ý rằng cần phải làm một điều gì đó.

Quân đội Mỹ, liên hợp với chính phủ Nhật Bản, đã rải hàng ngàn tờ rơi khắp khu vực Thái Bình Dương, thông báo rằng chiến tranh đã kết thúc và đã đến lúc để mọi người trở về nhà. Onoda và đồng đội của ông, đã tìm thấy và đọc những tờ rơi ấy, nhưng không giống như những người khác, Onoda cho rằng chúng là giả, đó là một cái bẫy do quân đội Mỹ bày ra để khiến những người lính du kích lộ diện. Onoda đốt hết những tờ rơi ấy, và ông cùng các đồng đội của mình tiếp tẩn lẩn trốn và chiến đấu.

Năm năm trôi qua. Chiến dịch rải tờ rơi đã dừng lại, và các đội quân Hoa Kỳ đã quay về nhà từ lâu. Người dân địa phương trên đảo Lubang cố gắng quay trở về với cuộc sống thường nhật của công việc đồng áng và đánh bắt cá. Còn Hiroo Onoda và những đồng đội vui tính của mình, vẫn tiếp tục nã súng vào những người nông dân, ăn trộm nông sản của họ, ăn trộm đồ dùng sinh hoạt của họ, và giết hại những người dân bản xứ đi quá sâu vào trong rừng già. Chính phủ Philippine lại tiếp tục in các tờ rơi mới và rải chúng khắp khu rừng. Hãy lộ diện, họ nói. Chiến tranh đã kết thúc rồi. Các người đã thua rồi.

Nhưng lần này nữa, chúng cũng bị bỏ qua.

Vào năm1952, chính phủ Nhật thực hiện một nỗ lực cuối cùng để lôi kéo những người lính đang lẩn trốn còn sót lại ra khỏi Thái Bình Dương. Lần này, thư và ảnh từ gia đình của những người lính bị mất tích được thả xuống bằng máy bay, cùng với cả thư tay của chính Nhật hoàng. Một lần nữa, Onoda từ chối tin rằng thông tin này là thật. Một lần nữa, ông lại cho rằng đây là một cạm bẫy của quân đội Hoa Kỳ. Một lần nữa, ông và các đồng đội lại đứng lên và tiếp tục chiến đấu.

Thêm một vài năm nữa trôi qua và người dân Philippine, quá mệt mỏi với việc cứ bị khủng bố, cuối cùng cũng tự vũ trang và bắt đầu bắn trả. Vào năm 1959, một người đồng đội của Onoda đã đầu hàng, và một người khác bị tiêu diệt. Rồi một thập kỷ sau đó, người đồng đội cuối cùng của Onoda, tên là Kozuka, cũng bị giết chết trong một cuộc đấu súng với cảnh sát địa phương trong khi đang đốt ruộng lúa của người dân – vẫn tiến hành chiến tranh chống lại người dân dịa phương sau khi Thế chiến II đã kết thúc được một phần tư thế kỷ!

Onoda, lúc này đã dành hơn nửa đời mình trong rừng rậm Lubang, giờ chỉ còn lại một mình.

Năm 1972, tin tức về cái chết của Kozuka đã lan đến nước Nhật và làm dấy lên một cơn náo động. Người Nhật cho rằng những người lính cuối cùng của cuộc chiến đã trở về nhà từ nhiều năm trước. Truyền thông Nhật bắt đầu đặt ra câu hỏi: nếu như Kozuka vẫn còn ở lại Lubang cho tới tận năm 1972, vậy thì bản thân Onoda, người Nhật chống đối cuối cùng từ Thế chiến II, có lẽ vẫn còn sống. Năm ấy, cả chính phủ Nhật lẫn Philippine đều gửi đội tìm kiếm để tìm viên thiếu úy bí ẩn, giờ vừa là nhân vật huyền thoại, vừa là người hùng, vừa là một bóng ma.

Họ không tìm thấy gì hết.

Nhiều tháng trôi qua, câu chuyện về viên thiếu úy Onoda biến đổi thành một kiểu thần thoại thành thị ở Nhật Bản – vị anh hùng chiến tranh nghe có vẻ quá điên khi thực sự tồn tại. Rất nhiều người lãng mạn hóa ông. Những người khác phê phán ông. Những người còn lại thì cho rằng ông là sản phẩm của trí tưởng tượng, được tạo ra bởi những người vẫn muốn tin vào một nước Nhật đã biến mất từ lâu.

Vào khoảng thời gian này có một chàng trai trẻ tên Norio Suzuki[29] lần đầu tiên nghe đến Onoda. Suzuki là một người thích phiêu lưu mạo hiểm, một nhà thám hiểm, và có một chút híp-pi. Sinh ra sau khi chiến tranh kết thúc, anh bỏ học và dành bốn năm đi bụi khắp châu Á, Trung Đông, và châu Phi, nằm ngủ trên ghế đá công viên, trong xe của người lạ, trong buồng giam nhà tù, và dưới những vì sao. Anh làm việc không lương ở trang trại để đổi lấy thức ăn, và hiến máu để đổi lấy chỗ ở. Anh là một linh hồn tự do, và có thể là điên điên chút đỉnh.

Vào năm 1972, Suzuki muốn có một cuộc phiêu lưu mới. Anh vừa trở về Nhật Bản sau các cuộc phiêu lưu và nhận thấy các quy tắc văn hóa nghiêm khắc và hệ thống cấp bậc xã hội thật ngột ngạt. Anh ghét trường học. Anh không thể duy trì một công việc. Anh muốn quay trở lại với những con đường, quay trở lại với chính mình.

Với Suzuki, câu chuyện huyền thoại về Hiroo Onoda đến với anh như là một câu trả lời cho những vấn đề của anh. Đó là một cuộc phiêu lưu mới rất xứng đáng để anh theo đuổi. Suzuki tin rằng anh sẽ là người tìm thấy Onoda. Đúng là, các đội tìm kiếm được phái đi bởi chính phủ Nhật, Philippine, và Mỹ đều không thể tìm thấy Onoda; các lực lượng cảnh sát địa phương đã bới tung cả khu rừng trong gần ba mươi năm mà vẫn chẳng thu được kết quả gì; hàng ngàn tờ rơi đã đến được nơi cần đến mà không có lấy một phản hồi – nhưng mà mịe nó chứ, cái thằng cha vô công rồi nghề, kẻ du thủ du thực bỏ học này sẽ là người duy nhất tìm được ông lính già.

Không được trang bị và không được đào tạo về trinh sát hay chiến thuật chiến đấu, Suzuki tới Lubang và bắt đầu lang thang khắp khu rừng nguyên sinh. Chiến lược của anh là: kêu tên của Onoda thật lớn và nói với ông rằng Nhật hoàng rất lo lắng cho ông.

Anh tìm được Onoda sau bốn ngày.

Suzuki ở trong rừng với Onoda một thời gian. Tại thời điểm đó, Onoda đã sống đơn độc hơn một năm trời, và một khi được tìm thấy bởi Suzuki ông đón chào tình bạn và khao khát được biết về những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài từ một người Nhật mà ông có thể tin tưởng. Hai người đàn ông ấy kiểu như đã trở thành bạn bè.

Suzuki hỏi Onoda rằng tại sao ông lại ở lại và tiếp tục chiến đấu. Onoda trả lời rằng rất đơn giản: ông đã được giao nhiệm vụ “không bao giờ đầu hàng,” nên ông ở lại. Trong gần ba mươi năm, ông chỉ đơn giản là tuân theo một mệnh lệnh. Rồi sau đó Onoda hỏi Suzuki rằng tại sao một “chú bé lang thang” như anh lại tới đây tìm ông. Suzuki nói rằng anh rời khỏi nước Nhật để tìm kiếm ba thứ: “Thiếu úy Onoda, một con gấu mèo, và người tuyết[30], theo đúng thứ tự ấy.”

Hai người đàn ông đã được đưa tới với nhau dưới tình thế gây tò mò nhất: hai nhà phiêu lưu có thiện ý theo đuổi những phiên bản lỗi của vinh quang, giống như là Don Quixote[31] và Sancho Panza[32] trong đời thực của nước Nhật, cùng mắc kẹt trong khu rừng rậm ẩm ướt của Philippine, đều mường tượng mình là những vị anh hùng, dù cho cả hai đều cô độc và không có gì trong tay, không làm được gì cả. Onoda khi ấy đã dành phần lớn đời mình cho một cuộc chiến không tồn tại. Suzuki cũng bỏ bê cuộc đời mình. Đã tìm được Hiroo Onoda và con gấu mèo, anh chết vài năm sau đó trên dãy núi Himalaya, khi vẫn đang tìm kiếm bóng dáng của người tuyết.

Con người ta vẫn thường chọn dâng hiến phần lớn cuộc đời mình cho những lý do dường như là vô dụng hay không có tính xây dựng. Bề ngoài, những lý do ấy không mang ý nghĩa gì hết cả. Thật khó tưởng tượng ra được việc Onoda làm thế nào để có thể hạnh phúc được trên hòn đảo ấy trong suốt ba mươi năm – sống nhờ vào những con côn trùng và loài gặm nhấm, ngủ trên đất bẩn, sát hại người dân địa phương hết thập kỷ này sang thập kỷ khác. Hay tại sao Suzuki lại thực hiện chuyến đi vất vả để rồi tử nạn, không tiền bạc, không bạn hữu, và không có một mục đích nào khác hơn là lần theo dấu viết của con người tuyết không có thật.

Vâng, về sau này, Onoda nói rằng ông không hối hận về điều gì hết cả. Ông tuyên bố rằng ông tự hào về sự lựa chọn của mình và quãng thời gian ông ở lại Lubang. Ông nói rằng đó là một vinh dự khi được cống hiến một phần đáng kể cuộc đời ông để phục vụ một đế chế không tồn tại. Suzuki, nếu như còn sống, có lẽ cũng sẽ phát biểu những điều tương tự: rằng anh đã làm đúng những gì mà anh cần phải làm, rằng anh không hối hận chút nào.

Những người đàn ông này đều lựa chọn điều mà họ mong muốn được chịu đựng. Hiroo Onoda lựa chọn chịu đựng vì lòng trung thành đối với một đế chế đã mất. Suzuki lựa chọn chịu đựng vì những cuộc phiêu lưu, dù cho có khờ dại đến đâu. Đối với cả hai người đàn ông, sự chịu đựng của họ đều mang ý nghĩa nhất định; nó thỏa mãn một lý do vĩ đại nào đó. Và bởi vì nó có ý nghĩa nào đó, họ mới có thể chịu đựng nó, hoặc có lẽ còn tận hưởng nó nữa.

Nếu như sự chịu đựng là không thể tránh khỏi, nếu như những vấn đề trong cuộc đời chúng ta là không thể tránh được, vậy thì câu hỏi mà ta nên đặt ra không phải là “Làm sao tôi có thể ngừng sự chịu đựng này lại?” mà là “Tại sao tôi lại chịu đựng –  mục đích gì?”

Hiroo Onoda quay trở lại Nhật vào năm 1974 và trở thành người nổi tiếng tại quê hương mình. Ông di chuyển như con thoi giữa các cuộc phỏng vấn trên TV tới đài phát thanh; các chính trị gia hô hào được bắt tay ông; ông xuất bản một cuốn sách và còn được chính phủ trao cho một số tiền lớn.

Nhưng những gì ông tìm thấy khi trở về Nhật Bản lại làm ông khiếp đảm: một nền văn hóa bảo vệ người tiêu dùng, tư bản chủ nghĩa, sự giả tạo làm mất hết tất cả truyền thống danh dự và hy sinh mà thế hệ ông đã được truyền dạy và nuôi dưỡng.

Onoda cố gắng sử dụng sự nổi tiếng đột ngột của mình để ca tụng các giá trị của nước Nhật cũ, nhưng ông bị ngó lơ trong cái xã hội mới này. Ông bị xem như là một vật trưng bày hơn là một nhà tư tưởng văn hóa nghiêm túc – một người Nhật Bản xuất hiện từ chiếc hộp đựng những kỷ vật của một thời kỳ lịch sử để cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng, giống như một di vật trong viện bảo tàng.

Và điều đáng mỉa mai trong những sự mỉa mai, Onoda còn thấy chán nản hơn nhiều so với quãng thời gian ông còn ở lại trong rừng già. Ít nhất thì khi ở trong rừng, cuộc đời ông cũng tồn tại vì một điều gì đó; có ý nghĩa nào đó. Điều ấy khiến sự đau khổ của ông có thể chịu đựng được, mà thậm chí còn có một chút ít đáng ước ao. Nhưng khi trở về Nhật, trong cái đất nước ngớ ngẩn mà ông thấy toàn là những thanh niên lập dị chống lại quy ước xã hội và những người phụ nữ phóng đãng trong những bộ đồ của phương Tây, ông phải đối mặt với sự thật không thể lảng tránh: rằng sự tranh đấu của ông không có nghĩa lý gì hết cả. Đất nước Nhật Bản mà ông từng sống và chiến đấu vì đã không còn tồn tại nữa. Và gánh nặng của sự nhận thức này đã xuyên thủng ông theo cái cách mà không một viên đạn nào làm được. Bởi vì sự chịu đựng của ông không còn mang một nghĩa lý gì, nó bỗng nhiên được nhận ra và thật đúng: ba mươi năm bị phí hoài.

Và vì thế, vào năm 1980, Onoda thu thập đồ đạc và chuyển tới Brazil, ông ở lại đó cho tới khi từ giã cõi đời.

 

Củ Hành Tự Nhận Thức

Việc tự nhận biết bản thân cũng giống như một củ hành. Có nhiều lớp trong đó, và bạn càng bóc tách chúng ra, bạn càng khóc lóc dữ dội vào những thời điểm không thích hợp.

Cứ xem như lớp vỏ đầu tiên của củ hành tự nhận thức là sự hiểu biết đơn giản về cảm xúc của một người. “Đây là khi tôi cảm thấy hạnh phúc.” “Điều này khiến tôi cảm thấy buồn.” “Nó mang lại cho tôi hi vọng.”

Không may là, rất nhiều người dở tệ ngay từ cấp độ cơ bản này của quá trình tự nhận thức. Tôi biết thế bởi vì tôi cũng là một trong số đó. Vợ tôi và tôi đôi khi có những cuộc nói chuyện vui vui kiểu như thế này:

CÔ ẤY: Sao thế anh?

TÔI: Chẳng sao cả. Không có gì.

         CÔ ẤY: Không, có chuyện gì đấy rồi. Anh kể em nghe xem nào.

TÔI: Anh vẫn ổn mà. Thật đấy.

CÔ ẤY: Anh có chắc không đấy? Anh trông có vẻ khó chịu lắm.

TÔI, với tiếng cười hơi lạ thường. Thật á? Không, anh không sao cả, nghiêm túc đấy.

//Rồi ba mươi phút sau đó . . . //

TÔI: . . . Vì thế mà anh mới điên tiết lên chứ! Lão ấy cứ làm như anh là không khí không bằng.

Chúng ta đều có những điểm mù trong cảm xúc. Thường là với những cảm xúc mà ta từng được dạy rằng việc bộc lộ chúng ra là không đúng. Sẽ phải mất hàng năm trời luyện tập và nỗ lực mới có thể xác định được những điểm mù ấy trong chúng ta và rồi sau đó bộc lộ những cảm xúc này ra một cách thích đáng. Nhưng nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng, và xứng đáng với nỗ lực của chúng ta.

Lớp vỏ thứ hai của củ hành tự nhận thức là khả năng đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta lại cảm thấy như vậy trong những xúc cảm cụ thể.

Những câu hỏi tại sao này là rất khó và cần đến hàng tháng hay thậm chí nhiều năm mới có thể tìm được câu trả lời phù hợp và chính xác. Hầu như mọi người đều cần phải tới những nơi kiểu như trị liệu tâm lý mới được nghe đến câu hỏi này lần đầu tiên trong đời. Những câu hỏi kiểu ấy quan trọng bởi vì chúng làm sáng tỏ những gì mà chúng ta xem là thành công hay thất bại. Tại sao bạn lại cảm thấy tức giận? Liệu đó có phải là vì bạn thất bại trong việc đạt một mục tiêu nào đó? Tại sao bạn lại cảm tháy lờ phờ và tẻ ngắt? Liệu đó có phải vì bạn cảm thấy mình chưa đủ tốt?

Lớp vỏ đặt câu hỏi này giúp cho ta hiểu được gốc rễ của những cảm xúc đang chôn vùi ta. Một khi ta hiểu được gốc rễ nguyên nhân, chúng ta có thể làm điều gì đó để thay đổi nó.

Nhưng còn một việc nữa, đó là lớp vỏ sâu nhất của hành trình tự nhận thức. Và cái này thì chỉ toàn là khóc với lóc thôi. Lớp vỏ thứ ba là những giá trị của bản thân ta: Tại sao tôi lại xem đây là thành công/thất bại? Làm thế nào mà tôi lựa chọn được cách đánh giá bản thân mình? Tôi đánh giá chính mình và cả những người xung quanh dựa trên tiêu chí nào

Ở cấp này, luôn cần phải đặt ra câu hỏi và không ngừng nỗ lực, rất rất khó để đạt đến. Nhưng nó lại là phần quan trọng nhất, bởi vì chân giá trị của ta quyết định nguồn gốc các vấn đề mà ta gặp phải, và những vấn đề này lại quyết định chất lượng sống của ta.

Các giá trị ấy nằm sau mọi điều ta làm hay việc ta là ai. Nếu như những gì ta coi trọng là không được ủng hộ, nếu như những gì mà ta xem là thành công/thất bại lại là một sự lựa chọn tồi, thì rồi mọi thứ dựa trên những giá trị ấy – các suy nghĩ, các cảm xúc, các cảm nhận thường ngày – tất cả sẽ là vô nghĩa. Mọi điều mà ta nghĩ và cảm nhận về một tình huống đều liên quan tới việc ta đánh giá nó như thế nào.

Mọi người đều hoảng sợ trước việc trả lời một cách chính xác cho câu hỏi vì sao, và điều này ngăn cản họ trước việc tiến tới sự nhận thức sâu sắc hơn về những chân giá trị của chính mình. Đúng là, họ có thể nói rằng họ đánh giá cao sự thành thật và một người bạn chân thành, nhưng rồi họ quay mặt đi và nói dối về bạn đằng sau lưng bạn để khiến bản thân họ cảm thấy khá hơn. Người ta có thể nhận thức được rằng họ cảm thấy cô đơn. Nhưng khi họ tự hỏi mình rằng tại sao họ cảm thấy cô đơn, họ lại có khuynh hướng đưa ra lời giải thích mang tính đổ lỗi cho những người khác – mọi người thật xấu tính, hay không có ai hay ho hoặc đủ thông minh để hiểu được họ – và do đó họ càng rời xa vấn đề của mình hơn thay vì tìm kiếm một lời giải cho nó.

Với nhiều người đây đã được xem như là tự nhận thức bản thân. Và, nếu như mà họ có thể đào sâu hơn và nhìn vào những giá trị ẩn sâu bên trong họ, họ sẽ thấy được rằng những phân tích ban đầu của mình dựa trên việc trốn tránh trách nhiệm khỏi những vấn đề của chính họ, hơn là xác định đích xác những vấn đề ấy. Họ sẽ thấy được rằng những quyết định mà họ đưa ra dựa trên việc theo đuổi những sự hưng phấn, thường không mang lại niềm hạnh phúc thật sự.

Hầu như các bậc thầy về tự hoàn thiện bản thân đều bỏ qua cấp sâu hơn của việc tự nhận thức này. Họ đón nhận những người đang đau khổ bởi vì muốn trở nên giàu có, và rồi các bậc thầy đưa ra mọi thể loại lời khuyên về việc làm thế nào để kiếm được nhiều tiền hơn, trong khi toàn bỏ qua những câu hỏi quan trọng dựa trên hệ chân giá trị: Tại sao họ lại cảm thấy cần phải giàu có trước hết? Họ lựa chọn tiêu chí nào để đánh giá sự thành công/thất bại của mình? Liệu đó có thể không phải là một giá trị cụ thể mà dẫn đến cảm giác thiếu hạnh phúc của họ, chứ không phải là vì đến giờ họ vẫn chưa tậu được con xe Bentley?

Rất nhiều những lời khuyên nổi trôi ngoài kia đều được đưa ra dựa trên một cấp độ cạn cợt của việc đơn giản cố gắng khiến mọi người cảm thấy tốt đẹp hơn trong một thời gian ngắn, trong khi những vấn đề dài hạn vẫn không được xử lý. Nhận thức và cảm giác của con người có thể thay đổi, nhưng những giá trị sâu xa, và thước đo tạo nên những giá trị ấy, thì bất biến. Đấy không phải là một sự tiến bộ thực sự. Chỉ là một cách khác để kiếm được thêm nhiều hơn những cơn hưng phấn mà thôi.

Việc thành thật tự vấn thực là khó khăn. Nó đòi hỏi bạn phải tự hỏi mình những câu hỏi đơn giản thật không dễ chịu gì khi trả lời. Thực tế, theo như kinh nghiệm của tôi, câu trả lời càng không mấy dễ chịu, thì nó lại càng đúng.

Hãy dành ra một phút và suy nghĩ về điều đang thật sự dày vò bạn. Giờ thì bạn hãy tự hỏi mình xem tại sao nó lại dày vò bạn đến vậy. Rất có khả năng câu trả lời sẽ liên quan tới một dạng thất bại nào đó. Sau đó hãy đón nhận thất bại này và hỏi tại sao nó lại có vẻ “đúng” đối với bạn. Nếu như thất bại không thực sự là thất bại thì sao? Nếu như bạn đã tìm sai hướng thì sao?

Một ví dụ về cuộc sống của tôi gần đây:

“Tôi thấy bực bội vì ông anh trai không thèm nhắn tin hay gửi email cho tôi.”

Tại sao?

“Bởi vì có vẻ như lão éo thèm quan tâm tới tôi gì hết cả.”

Tại sao điều này lại có vẻ đúng?

“Bởi vì nếu như lão ấy muốn có một mối quan hệ tốt đẹp với tôi, thì đáng lý ra lão phải chịu khó bỏ ra mười giây mỗi ngày để tương tác với tôi chứ.”

Tại sao việc thiếu xây dựng quan hệ của ông anh trai với bạn lại có cảm giác như một sai lầm?

“Bởi vì chúng tôi là anh em; chúng tôi nên có một mối quan hệ tốt đẹp!”

Có hai việc được đem ra mổ xẻ ở đây: một giá trị mà tôi trân trọng, và một thước đo mà tôi sử dụng để tiến tới giá trị đó. Giá trị của tôi là: anh em thì nên thân thiết với nhau. Thước đo của tôi: giữ liên lạc thông qua điện thoại hoặc email – đấy là cách mà tôi đánh giá sự thành công của mình khi là một thằng em trai. Bằng cách nắm lấy thước đo này, tôi khiến bản thân mình cảm thấy như một kẻ thất bại, mà thường làm u ám hết cả buổi sáng ngày thứ 7 của tôi.

Chúng ta còn có thể đào sâu hơn nữa, bằng việc lặp lại quá trình này:

Tại sao anh em lại cần phải thân thiết với nhau?

“Bởi vì họ là một gia đình, và người trong nhà thì phải thân thiết với nhau!”

Tại sao điều này lại đúng?

“Bởi vì gia đình bạn có ý nghĩa với bạn hơn bất kỳ điều gì khác!”

Tại sao điều này lại đúng?

“Bởi vì thân thiết với người nhà thì mới là ‘bình thường’ và ‘lành mạnh,’ và tôi không có được điều đó.”

Qua cuộc đối thoại này tôi thấy rõ ràng về giá trị sâu xa của mình – có một mối quan hệ tốt đẹp với ông anh trai tôi – nhưng mà tôi vẫn chịu vật vã với cái thước đo. Tôi đặt cho nó một cái tên khác, “sự thân thiết,” nhưng thước đo thì không thực sự thay đổi: tôi vẫn phán xét mình như là một thằng em trai dựa trên việc liên lạc thường xuyên – và so sánh bản thân, sử dụng thước đo ấy, để phán xét những người khác mà tôi quen biết. Mọi người khác (hay có vẻ như thế) đều có mối quan hệ thân thiết với người nhà của họ, còn tôi thì không. Vậy thì chắc chắn là tôi có vấn đề gì rồi.

Nhưng nếu như tôi đã chọn sai thước đo cho bản thân và cho cuộc đời mình thì sao? Liệu tôi có bỏ qua điều đúng đắn nào đó hay không? Ôi, có lẽ là tôi cũng chẳng cần phải thân với ông anh mình cho lắm đâu để có được cái mối quan hệ mà tôi trân trọng ấy. Có lẽ là chỉ cần có được sự tôn trọng lẫn nhau (mà vẫn luôn thế) là đủ rồi. Có lẽ là những thước đo này mới là sự đánh giá chính xác cho tình cảm anh em ruột già hơn là việc chúng tôi nhắn cho nhau bao nhiêu cái tin mỗi ngày.

Điều này có ý nghĩa thật rõ ràng; tôi thấy thật là đúng. Nhưng tôi vẫn điên tiết bỏ mịe khi tôi với ông anh không thân thiết được với nhau. Và chẳng có cách thức tích cực nào cải thiện nó hết cả. Chẳng có cách thức bí mật nào để ca tụng tôi qua cái nhận thức ấy hết. Đôi khi anh em ruột – ngay cả khi anh em mà thực sự yêu thương nhau – không thân thiết với nhau, và như thế cũng không sao hết cả. Lúc ban đầu thì cũng khó chấp nhận, nhưng mà rồi cũng ổn thỏa cẩ thôi. Điều thật sự đúng đắn một cách khách quan về tình thế của bạn không quan trọng bằng việc bạn nhìn nhận tình huống ấy như thế nào, bạn lựa việc đánh giá và gắn cho nó những giá trị nào. Các vấn đề có thể là không tránh được, nhưng ý nghĩa của những vấn đề ấy thì không. Ta cần phải kiểm soát việc các vấn đề của ta có nghĩa là gì dựa trên việc ta lựa chọn cách suy nghĩ nào về chúng, về những chuẩn tắc mà ta lựa chọn để đánh giá chúng.

 

Vấn Đề Của Ngôi Sao Nhạc Rock

Chúng ta chỉ là lũ khỉ hình người. Chúng ta nghĩ rằng mình thật là sành điệu với cái lò nướng bánh mỳ và đôi giày thiết kế, nhưng thực ra chúng ta chỉ là một lũ thú linh trưởng được trang điểm mà thói.

Vào năm 1983, một tay guitar trẻ tuổi tài năng bị đá khỏi ban nhạc của mình theo cách thức tệ hại nhất. Ban nhạc vừa mới ký kết được hợp đồng thu âm, và họ chuẩn bị thu âm album đầu tay của mình. Nhưng chỉ vài ngày trước khi tiến hành, ban nhạc chỉ cho anh chàng chơi guitar cánh cửa ra – không báo trước, không bàn bạc, không buổi tiệc chia tay hoành tráng; họ nói chung là đánh thức anh chàng dậy vào một buổi sáng đẹp trời nọ và nhét vào tay anh ta tấm vé xe khách trở về quê nhà.

Khi ngồi trên xe buýt trở về Los Angeles từ New York, tay guitar cứ liên tục tự hỏi: Tại sao chuyện này lại xảy ra? Tui đã làm gì sai cơ chứ? Giờ thì tui biết làm cái gì đây? Hợp đồng thu âm đâu có rơi từ trên trời xuống, đặc biệt là với những ban nhạc metal mới thành lập cơ chứ. Chẳng lẽ anh bạn của chúng ta đã lỡ mất cơ hội duy nhất trong đời?

Nhưng vào lúc bánh xe cán đất L.A., tay guitar đã vượt qua cơn than thân trách phận và lập lời thề sẽ lập một ban nhạc mới. Anh chàng quyết định rằng ban nhạc mới của mình sẽ thành công đến mức ban nhạc cũ của anh sẽ phải hối hận suốt đời vì cái quyết định dấm dớ kia của bọn họ. Anh sẽ nổi tiếng đến mức người ta sẽ còn nhìn thấy anh trên TV, nghe anh hát trên dài phát thanh, nhìn thấy anh trên những tấm poster được giăng khắp các phố phường và xuất hiện trên trang bìa những tờ tạp chí trong nhiều chục năm nữa. Bọn kia sẽ ngồi gặm bánh mỳ ở một xó xỉnh nào đấy, chất lên thùng xe mấy cái nhạc cụ tả tơi lởm vãi của chúng, béo như lợn với mấy mụ vợ xấu xí, còn anh thì sẽ tỏa sáng trên một sân vận động đông nghẹt khán giả và được TV tường thuật trực tiếp buổi biểu diễn. Anh sẽ tắm bằng những giọt nước mắt của cái lũ phản bội kia, mỗi một giọt nước mắt của chúng sẽ được hứng bằng một tờ tiền $100 mới coóng thơm tho.

Và tay guitar của chúng ta cứ thế mà làm việc như thể bị một con quỷ âm nhạc ám thân vậy. Anh chàng dành nhiều tháng trời để chiêu mộ các nhạc công hay nhất mà anh tìm được – hay hơn nhiều so với bọn bạn cũ. Anh viết mấy chục ca khúc và luyện tập chăm chỉ như mấy cha mộ đạo hay tụng kinh gõ mõ. Cơn giận điên của anh đã truyền năng lượng cho tham vọng của anh; trả thù trở thành thi hứng cho anh. Trong vòng vài năm, ban nhạc của anh đã ký được hợp đồng thu âm, và chỉ một năm sau đó, sản phẩm thu âm đầu tiên của họ đạt được giải đĩa vàng.

Tay guitar ấy tên là Dave Mustaine, và ban nhạc mới của ông là ban nhạc heavy-metal huyền thoại Megadeth[33]. Megadeth bán được trên 25 triệu album và lưu diễn vòng quanh thế giới. Ngày nay, Mustaine được xem là một trong những nhạc sĩ xuất sắc và có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử dòng nhạc heavy-metal.

Bất hạnh ở chỗ, ông ấy bị cho ra rìa bởi Metallica, ban nhạc bán được tới 180 triệu album trên toàn thế giới. Rất nhiều người cho rằng Metallica là một trong những ban nhạc rock hay nhất mọi thời đại.

Và bởi vì thế, trong một buổi phỏng vấn thân mật hiếm hoi vào năm 2003, một Mustaine ngấn lệ đã thừa nhận rằng ông không thể làm gì khác mà vẫn cho mình là kẻ thất bại. Mặc cho tất cả những gì đã đạt được, trong lòng mình ông vẫn luôn là thằng cha bị Metallica tống cổ đuổi đi.

Chúng ta chỉ là lũ khỉ hình người. Chúng ta nghĩ rằng mình thật là sành điệu với cái lò nướng bánh mỳ và đôi giày thiết kế, nhưng thực ra chúng ta chỉ là một lũ thú linh trưởng được trang điểm mà thôi. Và bởi vì ta là loài vượn người, ta đánh giá bản thân mình bằng cách so sánh với người khác và ganh đua với nhau vì cái địa vị một cách bản năng. Câu hỏi không phải là liệu ta có đánh giá mình thông qua những người khác hay không; mà, câu hỏi ở đây là ta dựa vào tiêu chí nào để đánh giá chính mình?

Dave Mustaine, dù ông có nhận ra được điều này hay không, đã lựa chọn đánh giá bản thân thông qua việc liệu ông có thành công và nổi tiếng hơn Metallica hay không. Cái trải nghiệm bị đuổi khỏi ban nhạc cũ gây tổn thương đến mức ông đã xây dựng thước đo về bản thân và sự nghiệp âm nhạc của mình dựa trên việc “thành công liên quan tới Metallica.”

Dù phải hứng chịu sự kiện khủng khiếp trong đời mình và làm điều gì đó để thoát khỏi nó một cách tích cực, như là việc Mustaine làm với Megadeth, chọn lựa của ông trong việc dựa vào thành công của Metallica để làm thước đo cho cuộc đời mình khiến ông vẫn phải chịu tổn thương mấy chục năm sau này. Bất chấp tiền bạc và fan hâm mộ và sự tán tụng, ông vẫn cảm thấy mình là kẻ thất bại.

Giờ thì, bạn và tôi có thể nhìn vào câu chuyện của Dave Mustaine mà cười khoái trá. Đây này, anh chàng triệu đô, với hàng ngàn người hâm mộ, có một sự nghiệp được làm điều mà anh ta mê nhất, và vẫn là anh chàng rơm rớm nước mắt vì mấy thằng bạn ngôi sao nhạc rock từ hai mươi năm trước nổi tiếng hơn mình.

Đó là bởi vì bạn và tôi có hệ chân giá trị khác với của Mustaine, và chúng ta cân đong mình theo những thước đo khác nhau. Thước đo của ta có thể là “Tôi không muốn làm công cho thằng sếp mà tôi ghét,” hay “Tôi muốn kiếm đủ tiền để cho con mình học ở một ngôi trường tốt,” hay “Tôi sẽ thật hạnh phúc nếu không phải thức dậy dưới gầm cầu.” Và bởi vì những thước đo như vậy, mà Mustaine mới trở nên thành công và vĩ đại một cách khó tin. Nhưng theo những thước đo của bản thân ông, “Trở nên nổi tiếng và thành công hơn cả Metallica,” thì ông thất bại.

Các giá trị của ta quyết định thước đo bản thân và những người khác. Giá trị của Onoda là lòng trung thành với hoàng gia Nhật Bản chính là điều đã giúp ông ở lại Lubang trong suốt ba mươi năm. Nhưng cùng giá trị ấy đã khiến ông đau khổ khi quay trở về nước Nhật. Thước đo của Mustaine là hoàn hảo hơn Metallica đã giúp ông xây dựng một sự nghiệp âm nhạc thành công rực rỡ. Nhưng cùng thước đo ấy về sau này đã hành hạ ông cho dù ông có thành công ra sao.

Nếu như bạn muốn thay đổi cách mình nhìn nhận vấn đề, bạn cần phải thay đổi những thứ mà bạn trân trọng và/hay cách mà bạn đánh giá thất bại/thành công.

Thêm một ví dụ nữa, ta hãy nhìn vào một nhạc sĩ khác cũng bị sa thải bởi một ban nhạc khác. Câu chuyện của ông cũng tường đồng với Dave Mustaine, chẳng qua là nó xảy ra trước đó hai thập kỷ mà thôi

Vào năm 1962 và cả thế giới xôn xao về sự xuất hiện của một ban nhạc đến từ Liverpool, nước Anh. Ban nhạc này có kiểu tóc rất hài và còn có cái tên hài hơn cả, nhưng nhạc của họ thì toẹt vời ông mặt trời, và ngành công nghiệp thu âm cuối cùng cũng chú ý tới họ.

Các thành viên gồm có John, ca sĩ chính và người sáng tác ca khúc; Paul, anh chàng chơi bass có bộ mặt măng non đầy mơ mộng; George, tay guitar chính bất trị. Và tiếp theo là tay trống.

Anh được xem là gã ngon trai nhất đám – bọn con gái cứ phát cuồng cả lên vì anh, và gương mặt anh bắt đầu xuất hiện trên các tờ tạp chí đầu tiên. Anh cũng là người chuyên nghiệp nhất trong nhóm. Anh không chơi ma túy. Anh có một người bạn gái lâu năm. Mà thậm chí còn có những người thắt cà vạt mặc com-lê cho rằng anh nên là bộ mặt đại diện cho ban nhạc, chứ không phải là John hay là Paul.

Tên của anh là Pete Best. Và vào năm 1962, sau khi ký kết hợp đồng thu âm đầu tiên, ba thành viên khác của Beatles[34] âm thầm họp nhau lại và đề nghị người quản lý của họ, Brian Epstein, sa thải anh. Epstein khổ sở với cái quyết định ấy. Ông thích Pete, nên ông cứ trì hoãn nó, hi vọng rằng ba người kia sẽ thay đổi quyết định.

Nhiều tháng sau, ba ngày trước khi buổi thu âm đầu tiên bắt đầu, Epstein cuối cùng cũng gọi Best lên văn phòng. Tại đó, người quản lý thông báo một cách không hề khách sáo rằng anh hãy đi đi và tìm lấy một ban nhạc khác. Ông không đưa ra bất kỳ lý do nào, không lời giải thích, không lời an ủi – chỉ nói rằng mấy tay kia muốn anh rời khỏi ban nhạc, nên, ờ, chúc may mắn.

Như là một sự thay thế, ban nhạc thu nhận gã lập dị có tên Ringo Starr. Ringo già hơn và có cái mũi to tướng, nhìn rất nhộn. Ringo đồng ý cắt cùng kiểu tóc với John, Paul, và George, và khăng khăng viết mấy bài hát về lũ bạch tuộc[35] với cả tàu ngầm[36]. Mấy thằng cha còn lại bảo, Ừ, mịe nó chứ, sao lại không nhể?

Trong vòng sáu tháng sau khi Best bị sa thải, cơn sốt Beatle đã diễn ra, biến John, Paul, George, và Pete Ringo thành bốn trong số những gương mặt nổi tiếng nhất quả đất.

Trong khi ấy, Best, có thể hiểu được, vì sao lại rơi vào cơn trầm cảm trầm trọng và dành rất nhiều thời gian để làm cái việc mà bất kỳ một người Anh nào cũng làm nếu họ có lý do: uống rượu.

Phần còn lại của thập niên 60 không có gì tốt đẹp với Pete Best hết. Vào năm 1965, ông bị kiện hai lần bởi Beatles vì tội phỉ báng, và tất cả các dự án âm nhạc của ông đều thất bại thảm hại. Vào năm 1968, ông đã cố tự tử, và chỉ dừng lại vì sự can gián của mẹ ông. Cuộc đời ông rất nát.

Best không có cùng câu chuyện vãn hồi giống như của Dave Mustaine. Ông không bao giờ trở thành siêu sao nổi tiếng toàn cầu hay kiếm được hàng triệu đô la. Nhưng, theo nhiều cách, Best lại có được nhiều thứ tốt đẹp hơn so với Mustaine. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1994, Best thổ lộ, “Tôi hạnh phúc hơn so với thời còn ở Beatles.”

Cái quái gì đây?

Best giải thích rằng việc ông bị Beatles sa thải đã giúp ông gặp được vợ mình. Và sau đó cuộc hôn nhân của ông dẫn tới việc có những đứa con. Ông trân trọng sự thay đổi ấy. Ông bắt đầu nhìn nhận cuộc đời mình khác đi. Danh vọng và thành công cũng rất tuyệt, chắc chắn rồi – nhưng ông quyết định rằng thứ mà ông đang có còn quan trọng hơn nữa: một gia đình lớn và đầy ắp yêu thương, một cuộc hôn nhân ổn định, một cuộc sống giản dị. Ông vẫn còn tiếp tục chơi trống, lưu diễn khắp châu Âu và thu âm album trong những năm 2000. Vậy ông đã thực sự mất đi thứ gì? Chỉ là rất nhiều sự chú ý và sự bợ đỡ, trong khi những gì ông có được có ý nghĩa hơn rất nhiều.

Những câu chuyện này gợi ý rằng một số giá trị và thước đo tốt hơn so với những cái khác. Một số dẫn tới những vấn đề tốt đẹp mà có thể giải quyết được một cách dễ dàng và thường xuyên. Một số khác dẫn tới những vấn đề tồi tệ mà không thể giải quyết được một cách dễ dàng và thường xuyên.

Những Giá Trị Vớ Vẩn

Có rất nhiều giá trị thông thường gây ra những vấn đề thật sự cho mọi người – những vấn đề khó có thể giải quyết. Nên ta hãy điểm qua chúng:

  1. Niềm vui thú. Niềm vui thú thì không chê vào đâu được, nhưng đó là một giá trị dở tệ để ưu tiên trong cuộc đời bạn. Bạn cứ hỏi bất kỳ kẻ nghiện ma túy nào mà xem việc anh ta theo đuổi cái khoái lạc ấy dẫn đến điều gì? Hãy thử hỏi bất kỳ một người ngoại tình nào làm tan vỡ gia đình mình và mất đi quyền chăm sóc con cái xem liệu niềm vui thú ấy có khiến cho cô ấy thấy hạnh phúc hay không? Hỏi một người đàn ông suýt chết vì chế độ ăn uống vô độ xem liệu niềm vui thú có giúp anh ta giải quyết các vấn đề của mình chăng?

Vui thú là vị thần bị nguyền rủa. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tập trung nguồn năng lượng của mình vào những thú vui giả tạo cuối cùng sẽ lo lắng nhiều hơn, bất ổn nhiều hơn về mặt cảm xúc, và chán nản hơn. Niềm vui thú là hình thức giả tạo nhất của sự mãn nguyện về cuộc sống và do đó là dễ dàng để đạt được và cũng dễ dàng bị đánh mất nhất.

Và, niềm vui thú là thứ được marketing đến chúng ta, 24/7. Là thứ mà chúng ta bị ám ảnh. Đó là thứ mà ta sử dụng để làm bản thân mình sao lãng và tê liệt. Nhưng mà niềm vui thú, dù thực sự cần thiết trong đời sống (ở một mức độ nhất định), không phải, tự thân nó, là đủ.

Niềm vui thú không phải là cội nguồn của hạnh phúc; thay vì thế, nó là kết quả. Nếu bạn thực hiện đúng những điều khác (các giá trị và thước đo), thì niềm vui thú sẽ đến với bạn như là hệ quả tự nhiên nhất.

  1. Thành công về mặt vật chất. Nhiều người đánh giá sự hữu dụng của bản thân dựa vào việc họ kiếm được bao nhiêu tiền hay họ lái loại ô tô gì hoặc liệu cỏ trong vườn nhà họ có xanh tươi hơn so với của nhà hàng xóm hay không.

Nghiên cứu cho thấy khi một người đã có thể tự cung cấp cho mình những nhu cầu vật chất cơ bản (thức ăn, chốn ngủ, và những thứ tương tự như vậy), sự tương quan giữa hạnh phúc và thành công nhanh chóng tiến tới con số không. Cho nên nếu như bạn đang chịu đói và sống trên đường phố ngay giữa lòng đất nước Ấn Độ, việc có thêm mười ngàn đô la một năm sẽ tác động rất lớn tới hạnh phúc của bạn. Nhưng nếu như bạn đang chiễm chệ trong thế giới trung lưu của một đất nước phát triển, thì dù có thêm mười ngàn đô đi chăng nữa cũng chẳng ảnh hưởng gì cho lắm – có nghĩa là bạn sống chết làm thêm giờ và hi sinh những ngày nghỉ cuối tuần chẳng vì cái gì hết cả.

Một vấn đề khác nữa đối với việc đánh giá quá cao những thành công về mặt vật chất là sự nguy hiểm khi ưu tiên nó trên những giá trị khác, chẳng hạn như sự chân thành, không bạo lực, và lòng trắc ẩn. Khi mọi người đánh giá bản thân họ không phải qua các hành vi của mình, mà dựa vào địa vị xã hội mà họ có thể đạt được, thì họ không chỉ có nông cạn thôi đâu, họ có thể còn là kẻ khốn nạn nữa.

  1. Lúc nào cũng đúng. Bộ não của ta là những cỗ máy không hiệu quả. Chúng ta thường đưa ra những giả định nghèo nàn, đánh giá sai các khả năng, nhớ nhầm các sự kiện, tin tưởng vào những định kiến mang tính tiềm thức, và ra quyết định dựa trên những cảm xúc bộc phát. Là con người, chúng ta thường rất hay sai lầm, cho nên nếu như thước đo của bạn về thành công trong cuộc sống là luôn đúng đắn – ô rằng thì là bạn sẽ khá vất đấy trong việc cố gắng hợp lý hóa tất cả những thứ vớ vẩn quanh mình.

Sự thật là, những người nhìn nhận giá trị bản thân dựa trên việc luôn luôn đúng về tất cả mọi thứ sẽ ngăn trở bản thân họ trong việc học hỏi từ những lỗi lầm. Họ thiếu mất cái khả năng có được cách nhìn nhận mới và biết cảm thông với những người khác. Họ khép mình trước những thông tin mới mẻ và quan trọng.

Tốt nhất là cứ giả sử rằng bạn là kẻ dốt nát và không hiểu biết gì nhiều. Điều này sẽ ngăn bạn gắn bó với những thứ mê tín hay những hiểu biết nghèo nàn và ngăn trở bạn trong việc luôn luôn học hỏi và tiến bộ.

  1. Luôn duy trì sự tích cực. Rồi còn có cả những người đánh giá cuộc đời mình bằng khả năng tỏ ra lạc quan, ô kìa, trước gần như tất cả mọi thứ. Mất việc ư? Tuyệt! Đây là cơ hội để khám phá niềm đam mê của bạn. Thằng chồng bạn ăn vụng với đứa em gái của bạn à? Cũng tốt, ít nhất thì bạn cũng hiểu ra vị trí của mình ở đâu trong lòng những người xung quanh mình. Con trẻ chết vì ung thư vòm họng? Ít nhất thì bạn cũng không phải trả tiền học đại học cho bé nữa!

Trong khi câu nói “luôn hướng về mặt tích cực của cuộc sống” là hoàn toàn chính xác, thì sự thật là, đôi khi đời rất dở, và điều lành mạnh nhất mà bạn có thể làm là thừa nhận điều đó.

Chối bỏ những cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến việc phải nếm trải những cảm xúc tiêu cực nghiêm trọng và dai dẳng hơn và có thể còn bị rối loạn cảm xúc nữa. Luôn tích cực cũng là một dạng lẩn tránh, chứ không phải là một giải pháp phù hợp cho các vấn đề cuộc sống – những vấn đề mà, nếu như bạn lựa chọn đúng các giá trị và thước đo, thì sẽ tiếp sức và thúc đẩy bạn.

Rất đơn giản, thật đấy: sự việc chuyển xấu, mọi người làm ta bực mình, tai nạn xảy ra. Những điều ấy khiến ta thấy mình như c*t. Và như thế cũng chẳng sao hết. Các cảm xúc tiêu cực là yếu tố cần thiết cho sự lành mạnh về tinh thần. Việc chối bỏ sự tiêu cực làm các vấn đề tiếp tục tồn tại chứ không hề giải quyết chúng.

Mẹo nhỏ xử lý cảm xúc tiêu cực nằm ở chỗ 1) bộc lộ chúng ở mức độ được xã hội chấp nhận và theo một thái độ lành mạnh và 2) bộc lộ chúng theo cách đồng điệu với các giá trị của bạn. Ví dụ đơn giản như: Một trong những giá trị của tôi là không bạo lực. Do đó, khi tôi phát điên với ai đó. Tôi sẽ thể hiện sự tức giận ấy, nhưng tôi cũng thể hiện quan điểm rằng tôi sẽ không giộng nắm đấm vào mặt họ. Một ý tưởng cấp tiến, tôi biết chứ. Nhưng tức giận không phải là vấn đề. Tức giận là điều rất bình thường. Tức giận là một phần của cuộc sống. Tức giận có lẽ còn khá lành mạnh trong một vài tình huống. (Hãy nhớ rằng, cảm xúc chỉ là sự phản hồi.)

Thấy không, việc đấm vào mặt người khác mới là vấn đề cơ. Chứ không phải là sự tức giận. Sự tức giận chỉ là thông điệp cho nắm đấm của tôi vào cái mẹt bạn. Cứ việc mà đổ lỗi cho nắm đấm của tôi ấy (hoặc là cái mặt bạn thì cũng ok).

Khi mà ta ép buộc mình phải lạc quan trong mọi thời điểm, chúng ta đang chối bỏ sự tồn tại của các vấn đề trong cuộc sống chúng ta. Và khi ta chối bỏ các vấn đề, ta đánh cắp chính mình khỏi cơ hội được giải quyết chúng và tiến tới hạnh phúc. Các vấn đề mang tới sự cảm nhận về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc sống. Do đó né tránh các vấn đề của chúng ta sẽ dẫn tới sự vô nghĩa (dù có mang lại niềm vui thích) về sự tồn tại của ta.

Về lâu dài, hoàn thành một cuộc thi chạy marathon khiến cho ta hạnh phúc hơn việc ăn một cái bánh ngọt sô cô la. Nuôi nấng một đứa trẻ khiến ta thấy hạnh phúc hơn việc phá đảo một trò chơi điện tử. Bắt đầu một hoạt động kinh doanh nhỏ với bạn bè trong khi phải vật lộn để duy trì nó sẽ khiến ta hạnh phúc hơn việc mua một chiếc máy vi tính mới. Những hoạt động ấy đều đau đầu, cam go, và thường không mấy vui vẻ. Chúng cũng đòi hỏi phải đối diện với hết vấn đề này đến vấn đề khác. Nhưng mà chúng cũng là một trong những khoảnh khắc có ý nghĩa và một trong những việc vui vẻ nhất mà ta sẽ thực hiện. Chúng gắn liền với đau đớn, vật lộn, và ngay cả giận dữ và thất vọng – nhưng khi ta hoàn thành được chúng, ta sẽ nhìn lại vào một ngày nào đó và kể lại cho lũ con cháu nhà mình về những việc ấy với đôi mắt rơm rớm nước.

Như Freud[37] đã từng nói, “Một ngày nào đó, khi hồi tưởng lại quá khứ, những năm tháng cực nhọc sẽ là những năm tháng tươi đẹp nhất của đời bạn.”

Đây là lý do vì sao mà những giá trị này – niềm vui thích, sự thành công về mặt vật chất, lúc nào cũng đúng, lạc quan – là những lý tưởng tồi tệ cho cuộc sống của một người. Những thời khắc tuyệt diệu nhất trong cuộc đời một con người không phải là sự vui thú, không phải là thành công, không phải là biết tuốt, và cũng không phải là tinh thần lạc quan.

Vấn đề là ta hãy bám trụ vào những giá trị và thước đo tốt đẹp, và niềm vui thú và thành công sẽ đến như là kết quả của nó. Đó là những tác dụng phụ của các giá trị tốt đẹp. Chứ nếu chỉ có những thứ ấy không, thì chúng chỉ là liều thuốc gây nghiện đầy trống rỗng mà thôi.

Xác Định Giá Trị Tốt Và Giá Trị Xấu

Các giá trị tốt là 1) mang tính thực tế, 2) có tính xây dựng xã hội, và 3) ngay lập tức và có thể kiểm soát.

Các giá trị xấu là 1) mê tín, 2) phá hoại xã hội, và 3) không cấp bách hoặc khó kiểm soát.

Chân thành là một giá trị tốt bởi vì nó là thứ mà bạn có thể hoàn toàn kiểm soát được, nó phản ánh thực tế, và nó mang lại lợi ích cho những người khác (ngay cả việc đôi khi không mấy dễ chịu). Sự nổi tiếng, ngược lại, là một giá trị xấu. Nếu đó là giá trị của bạn, và nếu như thước đo của bạn là trở thành anh chàng/cô nàng đình đám nhất trong buổi khiêu vũ, thì nhiều điều xảy ra sẽ nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn: bạn không biết có ai khác sẽ tới dự sự kiện ấy, và có thể bạn còn không biết đến một nửa số người tham gia. Thứ hai là, giá trị/thước đo này không được xây dựng dựa trên thực tế: bạn có thể cảm thấy mình nổi bật hay không nổi bật, trong khi thực ra bạn làm quái gì có manh mối nào về vệc người ta thực sự nghĩ gì về bạn. (Ghi chú ngoài lề: Như một quy luật, những người mà sợ hãi trước việc người khác nghĩ gì về họ đều thực sự sợ hãi tất cả những thứ nhảm nhí mà họ nghĩ về chính mình vì đó là sự phản xạ của chúng.)

Một vài ví dụ về giá trị tốt đẹp, lành mạnh là: chân thành, đổi mới, nhạy cảm, đứng lên vì ai đó, tự trọng, ham hiểu biết, khoan dung, khiêm tốn, sáng tạo.

Một số ví dụ về giá trị xấu, thiếu lành mạnh: đạt ưu thế thông qua sự thao túng hay bạo lực, quan hệ lang chạ bừa bãi, lúc nào cũng cảm thấy tốt đẹp, luôn trở thành tâm điểm chú ý, không phải ở một mình, được yêu thích bởi tất cả mọi người, trở nên giàu có vì giàu có, hiến tế những con vật bé nhỏ vì một vị thần ngoại giáo nào đó.

Bạn sẽ thấy rằng những giá trị tốt đẹp, lành mạnh đều có thể đạt được từ bên trong chúng ta. Những thứ như sự sáng tạo hay khiêm tốn có thể được thực hiện ngay lúc này. Bạn chỉ việc định hướng tâm trí mình theo một cách nhất định để thử nghiệm nó. Những giá trị này là cấp bách và có thể kiểm soát được và gắn kết bạn với thế giới hơn cả mong đợi của bạn.

Những giá trị xấu thường phụ thuộc vào những sự kiện bên ngoài – bay trên chiếc phi cơ riêng, được nghe rằng bạn luôn đúng vào mọi lúc, làm chủ một ngôi nhà ở Bahamas[38], ăn món bánh ngọt cannoli[39] trong khi được ba em vũ nữ thoát y phục vụ. Các giá trị xấu đôi khi cũng mang tới niềm vui và lạc thú, nằm bên ngoài tầm kiểm soát của bạn và thường đòi hỏi tính không xây dựng xã hội hay những ý nghĩa mê tín mới có thể đạt được.

Các giá trị đều liên quan tới sự ưu tiên. Mọi người đều khoái một chiếc bánh cannoli ngon lành hay một ngôi nhà ở quần đảo Bahamas. Câu hỏi đặt ra là những ưu tiên của bạn. Bạn ưu tiên cho những giá trị nào so với những thứ khác, và do đó sẽ ảnh hưởng tới quyết định mà bạn đưa ra so với những điều khác?

Giá trị lớn nhất của Hiroo Onoda là tuyệt đối trung thành và phục vụ hoàng gia Nhật Bản. Giá trị này, trong trường hợp bạn không tự mình kết luận được khi đọc về ông, bốc mùi còn hơn cả mấy cục sushi thiu. Nó dẫn đến những vấn đề cực nghiêm trọng đối với Hiroo – có thể kể ra là, ông bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang nơi ông sống nhờ vào lũ sâu bọ và côn trùng trong ba mươi năm. Ôi, và ông ấy còn sát hại cả những người dân địa phương vô tội nữa chứ. Vì thế mặc dù ông Hiroo tự nhìn nhận mình là một người thành công, và mặc dù ông ấy đã sống đúng với những thước đo của mình, tôi cho rằng tất cả chúng ta đều có thể đồng ý rằng cuộc đời ông cũng tệ – không ai trong chúng ta sẵn lòng đổi vai cho ông nếu có cơ hội, chứ đừng nói đến việc ta sẽ thực hiện những việc ông làm.

Dave Mustaine đạt được thành công và danh vọng lớn và vẫn cảm thấy thất bại. Đó là bởi vì ông đã lựa chọn một giá trị vớ vẩn dựa trên sự so sánh tùy tiện với thành công của những người khác. Giá trị này đã mang đến cho ông những vấn đề tồi tệ như, “Tôi cần phải bán được 150 triệu bản thu âm; rồi sau đó mọi thứ sẽ thật tuyệt,” và “Chuyến lưu diễn tới của tôi chẳng cần gì ngoài một cái sân vận động” — những vấn đề mà ông cho rằng ông cần phải giải quyết thì mới hạnh phúc được. Chẳng có gì ngạc nhiên khi mà ông không có được điều đấy.

Ngược lại, Pete Best đã thay đổi bất ngờ. Dù có tuyệt vọng và quẫn trí vì bị đuổi khỏi ban nhạc Beatles, khi ông nhiều tuổi hơn ông học cách tái ưu tiên cho những điều ông quan tâm và đã có thể đánh giá cuộc được mình theo một ánh sáng mới. Bởi vì thế, Best trở thành một người đàn ông hạnh phúc và khỏe mạnh, với một cuộc sống dễ chịu và gia đình hạnh phúc – những điều mà, mỉa mai thay, cả bốn thành viên của ban nhạc Beatles phải mất hàng thập kỷ vật lộn để đạt tới hay duy trì.

Khi ta có những giá trị tồi tệ — đó là, những tiêu chuẩn tồi tệ mà chúng ta tự đặt ra cho chính mình và cả những người khác — về bản chất là chúng ta đã quan tâm tới những điều vô nghĩa, những điều khiến cuộc đời ta trở nên tệ hại hơn. Nhưng mà khi ta lựa chọn những giá trị tốt đẹp hơn, chúng ta có thể chuyển hướng những việc ta quan tâm sang những thứ tốt hơn – sang những thứ có ý nghĩa hơn, những việc có thể cải thiện tình trạng sức khỏe hay kinh tế của ta và khiến ta được hạnh phúc, vui vẻ, và thành công như là tác dụng phụ.

Điều này, nói ngắn gọn, chính là “sự cải thiện bản thân”: ưu tiên cho những giá trị tốt hơn, lựa chọn những thứ tốt hơn để mà bận tâm tới. Bởi vì khi mà bạn bận tâm tới những thứ tốt hơn, bạn sẽ có những vấn đề tốt hơn. Và khi bạn đối diện với những vấn đề tốt hơn, bạn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Phần còn lại của cuốn sách sẽ nói về năm giá trị phản trực giác mà tôi tin rằng có lợi ích lớn nhất nếu như ta theo đuổi. Tất cả đều tuân theo “luật giật lùi” mà ta đã nói đến trước đây, rằng chúng là “tiêu cực.” Tất cả đều yêu cầu việc đối diện sâu hơn với những vấn đề thay vì lảng tránh chúng thông qua những biện pháp tạm thời. Năm giá trị này đều trái với thói thường và không mấy dễ chịu. Nhưng, với tôi, chúng là bước ngoặt cuộc đời.

Đầu tiên là, mà ta sẽ thấy được trong chương kế tiếp, hình thức cực đoan của trách nhiệm: lãnh trách nhiệm cho bất kỳ điều gì xảy ra trong đời bạn, dù lỗi có thuộc về ai. Thứ hai là sự không chắc chắn: nhận thức sự dốt nát của bạn và bồi dưỡng việc thường xuyên đặt nghi vấn cho lòng tin của bạn. Tiếp đến là sai phạm: sự sẵn sàng khám phá những thiếu sót và lỗi lầm của bạn để có thể cải thiện chúng. Thứ tư là sự từ chối: khả năng để nghe và cả nói từ không, do đó xác định rõ ràng điều bạn sẽ và sẽ không chấp nhận trong đời mình. Và giá trị cuối cùng là sự lặng nhìn cái chết của chính mình, có lẽ là điều duy nhất có thể giúp ta duy trì những giá trị còn lại của mình dưới cái nhìn đúng đắn.