Ngôn Ngữ Cơ Thể - Body Language

Chương 5: Những khác về biệt văn hoá

Người Anh, người Đức hoặc người Mỹ giải thích điệu bộ này như thế nào?

Hãy hình dung bạn đang xem xét tỉ mỉ một ngôi nhà và có khả năng bạn sẽ mua nó. Bạn mở cửa phòng tắm và nhìn thấy một phụ nữ trần truồng đang ngồi trong bồn tắm. Bạn nghĩ người phụ nữ bị bạn làm cho kinh ngạc đó sẽ phản ứng ra sao? Phụ nữ Anh, Mỹ sẽ lấy một tay che ngực, còn tay kia che cơ quan sinh dục trong khi phụ nữ Thụy Điển chỉ che cơ quan sinh dục, phụ nữ Hồi giáo sẽ che mặt, phụ nữ Sumatra sẽ che đầu gối, và phụ nữ Samoa chỉ che rốn!

Lúc đó chúng tôi đang ăn bánh pizza

Lúc viết chương này, chúng tôi đang ở thành phố Venice, Ý để tham dự một hội thảo nói về những khác biệt trong văn hóa. Nếu như chưa từng đến Ý, chắc hẳn chúng tôi sẽ vô cùng kinh ngạc với những gì được trải nghiệm tại đây, Trong tất cả các nền văn hóa, mọi người đi bộ trên vỉa hè cùng với phía đường lái xe. Điều này có nghĩa nếu bạn là người Anh, Úc, Nam Phi hoặc New Zealand, bạn sẽ lái xe và đi bộ phía bên trái. Nhưng nếu làm như vậy ở Ý thì bạn sẽ liên tục bị người Ý đụng vào khi đi bộ trên vỉa hè. Đó là vì khi thấy họ đến gần, bạn sẽ né sang phía bên trái của bạn trong lúc họ lại bước về phía bên phải của họ. Ở nước ngoài, đeo kính râm là nguyên nhân số một gây ra va chạm trên vỉa hè giữa các khách bộ hành đến từ những nền văn hóa khác nhau, bởi không ai nhìn thấy mắt người kia để biết họ định đi lối nào. Nhưng đây lại là một cách hay để làm quen với những người nước ngoài mà bạn chưa biết.

Bạn hẳn cũng kinh ngạc không kém khi bắt tay chào tạm biệt một người Ý vì bạn sẽ nhận một cái hôn ở mỗi bên má.

Khi tôi ra về, người đàn ông Ý hôn cả hai bên má của tôi. Lúc đó tôi đang buộc dây giày.
WOODY ALLEN

Khi bạn nói chuyện với người Ý bản địa, dường như họ lấn vào không gian của bạn, liên tục vồ vập, nói át tiếng bạn như thể đang la hét đầy tức giận về mọi chuyện. Nhưng những đặc điểm này là một phần trong quan hệ giao tiếp thân thiện thường ngày của họ. Không phải mọi điều đều có cùng ý nghĩa ở mọi nền văn hóa.

Làm một bài kiểm tra về văn hóa

Bạn biết gì về những khác biệt văn hóa trong ngôn ngữ cơ thể? Hãy thử giơ bàn tay thuận lên để biểu thị số 5. Giờ gì đổi thành số 2. Nếu bạn là người Anglo-Saxon, 96% khả năng bạn sẽ giơ ngón giữa và ngón trỏ lên. Nếu bạn là người châu Âu, 94% khả năng bạn sẽ giơ ngón cái và ngón trỏ lên. Người châu Âu bắt đầu đếm số 1 bằng ngón cái, số 2 bằng ngón trỏ, số 3 bằng ngón giữa, .v.v. Còn người Anglo-Saxon đếm số 1 bằng ngón trỏ, số 2 bằng ngón giữa và cuối cùng mới đếm số 5 bằng ngón cái.

Bây giờ hãy nhìn những dấu hiệu bằng tay sau đây và thử xem với mỗi dấu hiệu bạn có thể xác định được bao nhiêu nghĩa. Cho một điểm đối với câu trả lời đúng và trừ đi một điểm với câu trả lời sai. Đáp án sẽ được liệt kê ở cuối trang này.

A. Châu Âu và Bắc Mỹ: OK

Vùng Địa Trung Hải, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ: một khiếu trên cơ thể người (ví dụ như miệng), xâm phạm tình dục, người đồng tính nam.
Tunisia, Pháp, Bỉ: số 0, vô dụng.

Nhật Bản: tiền, đồng xu.

B. Các nước phương Tây: số 1, Xin lỗi! (để gợi sự chú ý), có Chúa làm chứng, Không! (đối với trẻ con).
C. Anh, Úc, New Zealand, Malta: Đồ chó chết!

Mỹ: Số 2.

Đức: chiến thắng.

Pháp: hòa bình.

La Mã cổ: Julius Ceasar gọi 5 cốc bia.

D. Châu Âu: số 3.

Các nước theo đạo Cơ Đốc: Tạ ơn Chúa!

E. Châu Âu: số 2.

Anh, Úc, New Zealand: số 1.

Mỹ, Anh: Phục vụ ơi!

Nhật: dấu hiệu sỉ nhục.

F. Các nước phương Tây: số 4.

Nhật: dấu hiệu sỉ nhục.

G. Các nước phương Tây: số 5.

Ở khắp mọi nơi: Dừng lại!

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ: Cút xéo!

H. Địa Trung Hải: dương vật nhỏ.

Bali: tệ.

Nhật: phụ nữ.

Nam Mỹ: gầy.

Pháp: không lừa được tôi đâu!

I. Địa Trung Hải: Anh đang bị cắm sừng đấy!

Malta và Ý: bảo vệ chống lại cái nhìn hại người (khi chỉ thẳng).

Nam Mỹ: bảo vệ khỏi vận xấu (khi xoay tròn).

Mỹ: biểu tượng của trường Đại học Texas, đội bóng Longhorn của Texas.

J. Hy Lạp: Cút xéo!

Phương Tây: số 2.

K. La mã cổ: Đồ chó chết!

Mỹ: Mẹ mày, đồ khốn!

L. Châu Âu: số 1.

Úc: Mẹ mày! (ngón cái thẳng lên)

Nhiều nơi: đi nhờ xe (không mất tiền), tốt, OK.

Hy Lạp: Đồ chó chết! (giúi về phía trước).

Nhật: Đàn ông, số 3.

M. Hawaii: “Thoải mái đi nào”.

Hà Lan: Anh có muốn uống gì không?

N. Mỹ: Anh yêu em.

O. Phương Tây: Số 10, tôi đầu hàng.

Hy Lạp: Đồ chó chết – 2 lần.

Nhiều nơi: Tôi nói thật đấy.

Số điểm của bạn

Trên 30 điểm: Bạn là người đi lại và hiểu biết nhiều, tính tình phóng khoáng, rất hòa đồng với mọi người bất kể họ ở nước nào. Mọi người rất thích bạn!
15-30 điểm: Bạn cơ bản nhận thức được bằng cách cư xử của mỗi người rất khác nhau. Nếu tập luyện chăm chỉ, bạn có thể cải thiện vốn hiểu biết hiện nay của bạn.

15 điểm hoặc ít hơn: Bạn cho là mọi người nghĩ giống bạn. Người ta không nên cấp hộ chiếu cho bạn hoặc thậm chí không cho phép bạn rời khỏi nhà. Bạn hầu như không có khái niệm rằng những người còn lại trên thế giới này khác với bạn, thậm chí bạn nghĩ thời gian cũng như các mùa trên khắp thế giới đều giống nhau. Có thể bạn là người Mỹ!

Tại sao chúng ta đều trở thành người Mỹ?

Do ảnh hưởng sâu rộng của truyền hình và phim ảnh Mỹ nên thế hệ trẻ ở tất cả các nền văn hóa đang hấp thu một dạng ngôn ngữ cơ thể na ná như ngôn ngữ cơ thể của Bắc Mỹ. Chẳng hạn, người Úc ở độ tuổi 60 sẽ coi điệu bộ đưa hai ngón tay lên của người Anh là sự xúc phạm, trong khi thanh thiếu niên Úc lại biểu hiện điệu bộ đó là số 2 và coi điệu bộ chĩa ngón giữa lên của người Mỹ mới chính là một hình thức xúc phạm. Đa số các quốc gia ngày nay nhìn nhận điệu bộ vòng tròn (điệu bộ A) có nghĩa là “OK”, cho dù đó không phải là cách biểu hiện truyền thống theo văn hóa của họ. Hiện nay, trẻ em ở mọi quốc gia có tivi đều đội mũ chơi bóng chày ngược ra phía sau và la hét: “Hasta la vista, baby” cho dù chúng không biết tiếng Tây Ban Nha!

Truyền hình Mỹ là lý do chủ yếu khiến những khác biệt trong ngôn ngữ cơ thế trong mỗi nền văn hóa đang dần phai nhạt.

Trong tiếng Anh, từ “toilet” cũng đang biến mất bởi vì người Bắc Mỹ, vốn những là người đi khai phá và đốn củi, rất sợ phát ngôn từ này. Người Bắc Mỹ xin đi nhờ “bathroom” có nghĩa là nhà tắm. Còn nếu xin đi nhờ “restroom”, họ sẽ được đưa đến nơi có ghế ngồi thư giãn. Ở Anh, “powder room” gồm có gương soi và chậu rửa mặt, “little girls’ room” thì chỉ có trong nhà trẻ, còn “comfort stations” lại được bố trí trên các xa lộ. Trong trường hợp yêu cầu “wash up” ở Bắc Mỹ, người ta sẽ vui vẻ dẫn bạn đến nhà bếp, đưa cho một chiếc khăn lau khô bát đĩa và mời bạn rửa chúng.[*]

[ Tất cả các từ tiếng Anh trong đoạn này đều liên quan đến cách nói lịch sự của người Mỹ khi họ muốn đi vệ sinh.(ND)]

Hầu như ở mọi nơi, những vấn đề cơ bản về văn hóa đều giống nhau

Như đã thảo luận ở Chương 3, các biểu hiện trên khuôn mặt và nụ cười có cùng ý nghĩa ở khắp nơi. Giáo sư Paul Ekman ở trường Đại học California, San Fransisco, đã đưa cho những người thuộc 21 nền văn hóa khác nhau xem các bức ảnh biểu lộ trạng thái vui vẻ, tức giận, sợ hãi, đau khổ, ghê tởm và kinh ngạc. Ông phát hiện ra rằng trong mọi trường hợp, hầu hết mọi người ở 21 nền văn hóa đều nhất trí những biểu lộ niềm vui sướng, đau khổ và ghê tởm. Đa số mọi người ở 20 nền văn hóa nhất trí về biểu hiện kinh ngạc, 19 nền văn hóa nhất trí về biểu lộ sợ hãi, và 18 nền văn hóa nhất trí về những biểu hiện tức giận. Duy chỉ có một sự khác biệt đáng kể về văn hóa là người Nhật đã miêu tả bức ảnh “sợ hãi” là “ngạc nhiên”!

Giáo sư Ekman cũng đến New Guinea để nghiên cứu nền văn hóa South Fore cùng với người Dani ở phía Tây Irian, nhãng nơi vốn bị cô lập khỏi các nền văn hóa khác trên thế giới và cũng ghi nhận được kết quả tương tự, ngoại trừ một chi tiết là những nền văn hóa này cũng giống những nền văn hóa Nhật, không thể phân biệt “sợ hãi” với “ngạc nhiên”!

Ông cũng quay lại cảnh những người thổ dân thể hiện các cảm xúc đã nêu trên khuôn mặt rồi cho người Mỹ xem. Kết quả, những người Mỹ nhận biết chính xác tất cả các biểu hiện. Điều này chứng tỏ ý nghĩa của nụ cười và nét mặt đều giống nhau ở tất cả các nền văn hóa.

Tiến sĩ Linda Camras thuộc trường Đại học DePaul, Chicago đã chứng minh được rằng các biểu hiện trên gương mặt của con người là bẩm sinh. Bà đã ghi lại các biểu cảm trên khuôn mặt của nhiều trẻ em người Mỹ và Nhật bằng cách ứng dụng Hệ thống ghi mã biểu cảm nét mặt (Oster & Rosenstein, 1991). Hệ thống này cho phép các nhà nghiên cứu ghi lại, chia tách và phân loại những biểu hiện trên gương mặt trẻ em. Và Linda Camras đã phát hiện trẻ em Nhật và trẻ em Mỹ đề biểu hiện cảm xúc giống nhau.

Từ đầu sách cho đến trang này, chúng tôi tập trung phân tích ngôn ngữ phổ biến ở hầu hết các vùng trên thế giới. Về cơ bản, những khác biệt lớn nhất về văn hóa nằm ở việc xâm phạm không gian của người nói, sự tiếp xúc bằng mắt, tần suất chạm tay hay cử chỉ xúc phạm. Khu vực có các dấu hiệu đậm tính địa phương là các tiểu vương quốc Ả-rập, một số nước châu Á và Nhật Bản. Tìm hiểu sự khác biệt về văn hóa là vấn đề không thể thâu tóm trong một chương, vì thế ở đây chúng tôi tập trung vào những điều cơ bản mà rất có thể bạn sẽ gặp khi ra nước ngoài.

Nếu một người đàn ông Saudi

nắm tay một người đàn ông

khác ở nơi công cộng thì đó là

dấu hiệu của sự tôn trọng lẫn

nhau. Nhưng ở Úc, Texas hoặc

Liverpool, Anh thì đừng làm thế!

Sự khác biệt trong cách chào hỏi

Khác biệt trong cách bắt tay có thể dẫn đến những tình huống khôi hài, lúng túng khi gặp gỡ. Các đồng nghiệp người Anh, Úc, New Zealand, Đức và Mỹ thường bắt tay khi gặp mặt hay chia tay. Hầu hết những người châu Âu bắt tay nhau nhiều lần trong ngày, một số người Pháp thậm chí bắt tay đến 30 phút trong một ngày. Trong các nền văn hóa Ấn độ, châu Á và Ả-rập, người ta có thể vẫn cầm tay nhau sau khi đã ngừng bắt. Người Đức hoặc người Pháp lắc tay lên xuống thật mạnh 1-2 cái, sau đó cầm tay một lúc. Trong khi đó, người Anh lắc tay lên xuống 3-5 cái, còn người Mỹ là 5-7 cái. Quan sát những kiểu bắt tay này tại các hội nghị quốc tế rất thú vị, nhất là khi chứng kiến các đại biểu tỏ ra kinh ngạc như thế nào trước sự khác biệt về số lần lắc tay. Đối với người Mỹ, cái lắc tay lên xuống 1 lần của người Đức trông có vẻ xa cách. Còn đối với người Đức thì cách người Mỹ lắc tay liên hồi cứ như thể họ đang bơm cho một cái nệm hơi căng phồng lên vậy.

Về việc chào hỏi nhau bằng cách hôn lên má, người Scandinavia rất vui nếu được hôn 1 cái, nhưng phần lớn người Pháp lại thích hôn 2 cái hơn. Trong khi đó, người Hà Lan, Bỉ và Ả-rập thì thích hôn những 3 cái. Người Úc, New Zealand và Mỹ luôn bối rối về kiểu hôn cọ mũi khi chào hỏi nên họ lóng ngóng hôn vội 1 cái. Còn người Anh thì hoặc là tránh né cái hôn bằng cách đứng lùi lại hoặc sẽ làm bạn ngạc nhiên bởi 2 cái hôn kiểu châu Âu. Trong cuốn sách A view from the Summit (Nhìn từ đỉnh núi), Edmund Hillary thuật lại rằng đi đến đỉnh Everest, ông quay về phía SherpaTenzing Norgay (Người dẫn đường cho Edmund Hillary) và bắt tay chúc mừng theo đúng kiểu Anh. Nhưng Norgay lại nhảy chồm lên phía trước và ôm hôn ông – kiểu chúc mừng truyền thống của người Tây Tạng.

Khi hai người ở hai nền văn hóa khác nhau gặp nhau

Khi người Ý nói chuyện, họ vung tay lên cao để giành phần nói. Cái chạm tay thân mật của họ không có gì khác hơn ngoài việc ngăn người nghe giơ tay lên và phát biểu ý kiến. Để ngắt lời họ, bạn phải nắm lấy tay họ đang vung giữa không trung và kéo chúng xuống. Nếu đem họ ra làm chuẩn thì người Đức và người Anh trông như thể bị liệt khi nói chuyện. Những người này cứ như bị mất hồn bởi họ hiếm khi có cơ hội mở lời khi chuyện trò với người Ý hay người Pháp. Mặt khác, khi nói chuyện, người Pháp dùng cẳng tay và bàn tay để diễn tả, người Ý dùng cả cánh tay lẫn cơ thể trong khi người Anh và người Đức đứng bất động.

Trong thương mại quốc tế, trang phục lịch sự, những lời giới thiệu hoa mỹ và một đề xuất hay đều có thể bị hủy hoại chỉ trong chớp mắt bởi một điệu bộ nhỏ nhất, tưởng chừng như vô hại! Cuộc nghiên cứu của chúng tôi ở 42 nước cho thấy người Bắc Mỹ là người ít nhạy cảm nhất về văn hóa, người Anh đứng vị trí thứ hai. Cứ nhìn vào con số 86% người Bắc Mỹ không có hộ chiếu, chúng ta có thể kết luận họ là những người có hiểu biết kém nhất về các quy ước của ngôn ngữ cơ thể quốc tế. Ngay cả George W Bush khi trở thành Tổng thống Mỹ cũng phải xin cấp hộ chiếu để công du nước ngoài. Người Anh tuy đi đây đi đó nhiều nhưng vẫn thích người khác dùng các dấu hiệu cơ thể kiểu Anh, nói tiếng Anh, ăn cá tẩm bột và khoai tây chiên. Đa số các nền văn hóa nước ngoài không mong đợi bạn biết đến tiếng họ nhưng họ sẽ cực kỳ thán phục nếu bạn chịu bỏ thời gian học và sử dụng các quy ước ngôn ngữ cơ thể bản địa. Điều này thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với nền văn hóa của họ.

Điệu bộ môi trên cứng đờ của người Anh

Điệu bộ môi trên cứng đờ liên quan đến việc mím môi nhằm hạn chế các biểu hiện của nét mặt và để lộ cảm xúc càng ít càng tốt. Người Anh dùng cách này để tạo ấn tượng là đang hoàn toàn làm chủ mọi xúc cảm. Khi Hoàng tế Phillip[là phu quân của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Trong tiếng Anh thì Prince có thể là hoàng tử hoặc hoàng hậu, vì vậy ta vẫn thường thấy báo giới viết là Prince Phillip], Thái tử Charles, Hoàng tử Harry và William tiễn đưa linh cữu Công nương Diana vào năm 1997, họ cũng thực hiện điệu bộ này. Nhiều người trên thế giới, không phải người

Anh, đã cho là họ dửng dưng trước cái chết của Công nương Diana.

Vua Henry VIII cũng nổi tiếng với điệu bộ mím môi. Miệng ông vốn đã nhỏ và khi mím môi để chụp ảnh, miệng ông trông càng bé hơn. Thói quen này đã dẫn đến việc miệng nhỏ được xem là dấu hiệu uy quyền ở Anh vào thế kỷ 16. Ngày nay, người Anh còn sử dụng điệu bộ mím môi khi họ cảm thấy đang bị những người ở địa vị thấp hơn để dọa dẫm. Và điệu bộ này thường đi kèm với vài cái chớp mắt liên tiếp.

Vua Henry

với cái miệng nhỏ đã biến điệu bộ này trở

thành một dấu hiệu của giới thượng lưu. Ngày nay, người Mỹ và người Anh vẫn còn dùng nó.

Chú thích: Hoàng đế Philip là phu quân của Nữ hoàn Anh Elizabeth II. Trong tiếng anh thì Prince có thể là hoàng tử hoặc hoàng thân, vì vậy ta vẫn thường thấy báo giới viết là Prince Philip. (ND)

Người Nhật

Có một nơi mà hành động bắt tay, hôn và ôm hôn không trở thành thông lệ, đó là nước Nhật. Người Nhật quan niệm những đụng chạm cơ thể kể trên không đúng phép lịch sự. Thay vào đó, họ cúi chào nhau trong lần gặp gỡ đầu tiên, người có địa vị cao nhất thì cúi chào ít nhất, còn người có địa vị thấp nhất thì cúi chào nhiều hơn. Cũng trong lần gặp gỡ này, người Nhật sẽ trao đổi danh thiếp với nhau để mỗi người có thể đánh giá được địa vị của người kia và sau đó cúi chào cho thích hợp.

Khi ở Nhật, hãy đảm bảo rằng giày của bạn sạch bong và tươm tất vì mỗi lần cúi chào, người Nhật nhìn vào giày của bạn.

Khi người Nhật lắng nghe người khác nói, họ có những nụ cười, cái gật đầu và những câu chữ lịch sự mà ta sẽ không thể tìm thấy trong các ngôn ngữ khác. Họ có ý

khuyến khích bạn tiếp tục câu chuyện nhưng điều này thường bị người phương Tây và người châu Âu hiểu nhầm là họ đồng ý. Gật đầu là một dấu hiệu rất phổ biến thay cho “yes” nhưng đối với người Bulgari, điệu bộ này có nghĩa là “no”, còn đối với người Nhật, nó chỉ thuần túy thể hiện phép lịch sự. Nếu bạn nói điều gì đó mà người Nhật không tán đồng, anh ta vẫn sẽ nói “yes” – hoặc Hai trong tiếng Nhật – để bạn tiếp tục. Từ “yes” của người Nhật thường có nghĩa là “Yes, I heard you”, chứ không phải “Yes, I agree”. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi một người Nhật rằng: “You don’t agree, do you?”, người đó sẽ gật đầu và trả lời “Yes”. Mặc dù anh ta có thể anh ta không đồng ý. Trong ngữ cảnh tiếng Nhật, câu trả lời này có nghĩa “Yes, you are correct. I don’t agree.”[cần lưu ý trong trường hợp này, người Việt cũng có khuynh hướng trả lời giống người Nhật nên thường gây hiểu lầm cho những người thuộc nền văn hóa Anh Mỹ].

Người Nhật cũng khá sĩ diện nên họ đã phát triển cả một hệ thống quy ước để hướng câu chuyện không lâm vào thế khó xử. Vì vậy, bạn hãy tránh nói “Không” hoặc tránh đặt những câu hỏi mà câu trả lời có thể là “không”. Thay vì đáp “không” thẳng thừng, người Nhật sẽ bỏ lửng “Chuyện đó khó lắm.” còn khi họ nói “Chúng tôi sẽ cố gắng xem xét vấn đề này.” Thì điều đó có nghĩa “Thôi, hãy quên nó đi và về nhà cho được việc.”

Hỉ mũi – “Anh là đồ con lợn dơ bẩn, đáng kinh tởm!”

Người châu Âu và người phương Tây hỉ mũi vào khăn tay hoặc khăn giấy, trong khi người châu Á hay người Nhật là khạc nhổ hay khịt mũi. Bên họ kinh sợ cái hành
vi mà họ cho là “đánh kinh tởm” của bên kia. Sự khác biệt căn bản về văn hóa này là hậu quả trực tiếp của việc lây lan bệnh lao trong nhiều thế kỷ qua. Ở châu Âu, bệnh lao đã có thời là căn bệnh thế kỷ như bệnh AIDS ngày nay – căn bệnh gần như vô phương cứu chữa, vì thế lúc đó chính phủ đã hướng dẫn mọi người hỉ mũi vào khăn để tránh phát tán bệnh. Đó là lý do tại sao người phương Tây phản ứng rất mạnh đối với hành vi khạc nhổ vì việc này có thể lây truyền bệnh lao ra khắp nơi. Mọi người cũng quan ngại viễn cảnh người khạc nhổ có thể truyền bệnh AIDS cho người khác!

Kiểu hỉ mũi hiện nay là kết quả của dịch lao phổi trong quá khứ. Chú thích: Cần lưu ý rằng trong trường hợp này, người Việt cũng

có khuynh hướng trả lời giống người Nhật nên thường gây hiểu lầm cho những người thuộc nền văn hóa Anh – Mỹ (ND)
Nếu như bệnh lao cũng đã xảy ra ở các nước phương Đông thì người phương Đông cũng sẽ có hành vi hỉ mũi vào khăn hệt như người phương Tây vậy. Người Nhật kinh sợ khi thấy ai đó lấy khăn tay ra hỉ mũi, rồi lại nhét chiếc khăn ấy vào túi quần, vào ví hoặc vắt lên tay áo! Người Nhật cũng khó chấp nhận phong tục của người Anh là đàn ông để khăn tay trong túi trên cùng của chiếc áo vét. Dưới mắt họ thì điều này chẳng khác nào việc thản nhiên treo lơ lửng một cuộc giấy vệ sinh trước túi áo để sẵn sàng khi hữu sự vậy. Người châu Á cho rằng – mà điều này quả là đúng – khạc nhổ ra ngoài dẫu sao cũng vệ sinh hơn khạc nhổ vào khăn, nhưng người phương Tây thì lại cho đó là một thói quen đáng kinh tởm! Điều này giải thích tại sao các cuộc họp bàn công việc giữa người phương Tây và người châu Á có nguy cơ thất bại trong trường hợp tất cả mọi người bị cảm lạnh. Vì thế, bạn đừng khó chịu khi thấy một người châu

Á khạc nhổ hay khịt mũi cũng như đừng bao giờ hỉ mũi vào khăn trước mặt một người Nhật.
Ba điệu bộ phổ biến nhất trong tất cả các nền văn hóa

Chúng ta hãy xem xét những lời giải thích và ý nghĩa văn hóa của ba điệu bộ bằng tay thường gặp: điệu bộ vòng tròn, điệu bộ ngón tay cái chĩa lên và dấu hiệu hình chữ V.

1. Điệu bộ vòng tròn

Đây là điệu bộ rất được ưa thích ở Mỹ vào đầu thế kỷ 19. Vào thời kỳ này, các tờ báo bắt đầu chuộng kiểu viết tắt các chữ cái đầu ở các cụm từ thông dụng. Có nhiều ý kiến khác nhau về ý nghĩa của chữ “OK”. Một số người tin rằng đó là dạng viết tắt của “all correct” (hoàn toàn đúng) nhưng thường bị viết sai thành “oll korrect”, còn những người khác lại cho rằng đó là từ phản nghĩa của “knock-out” KO (đánh gục).

Điệu bộ vòng tròn mang nghĩa

“OK” đối với người phương Tây,

“tiền” đối với người Nhật, “số 0” đối với người Pháp và là cử chỉ xúc phạm đối với người Thổ Nhĩ Kỳ hay người

Brazil.

Một giả thiết rất phổ biến khác cho rằng OK là từ viết tắt của “Old Kinderhook”, nơi sinh của một vị Tổng thống Mỹ ở thế kỷ 19. Vị Tổng thống này đã lấy các chữ cái đầu trong tên quê hương mình để làm khẩu hiệu vận động. Rõ ràng là bản thân vòng tròn tượng trưng cho mẫu tự “O” trong dấu hiệu “OK”. Ý nghĩa của “OK” trở nên phổ biến trong cộng đồng các nước nói tiếng Anh rồi nhanh chóng lan truyền khắp mọi nơi nhờ truyền hình và phim ảnh Mỹ. Tuy nhiên, dấu hiệu này có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau ở một số nơi. Chẳng hạn, ở Pháp và Bỉ, nó có nghĩa là “Zero” (số 0) hoặc “nothing”. Vào buổi tối nọ tại một nhà hàng Pháp, anh nhân viên phục vụ dẫn chúng tôi đến bàn và hỏi: “Is the table OK?” Khi thấy chúng tôi ra dấu OK, anh ta đáp: “À, nếu quý vị không thích ngồi ở đây, chúng tôi sẽ tìm một bàn khác…” Anh nhân viên phục vụ đã hiểu dấu hiệu OK có nghĩa là “Zero” hay “worthless” (vô dụng). Nói cách khác, anh ta nghĩ chúng tôi có ý không thích ngồi ở bàn đó.

Dùng điệu bộ OK để khen một người Pháp nấu ăn rất tuyệt thì có thể họ sẽ tống cổ bạn ra khỏi nhà đấy.

Ở Nhật, điệu bộ “OK” có nghĩa là “money”. Nếu bạn kinh doanh ở Nhật và làm dấu hiệu này với ý “Được/Đồng ý/Tốt”, người Nhật có thể nghĩ là bạn đang yêu cầu họ hối lộ.
Ở một số nước Địa Trung Hải, đây là dấu hiệu biểu hiện một khiếu trên cơ thể, thường được dùng để ám chỉ những người đàn ông đồng tính. Do vậy, nếu bạn thực hiện nó với một người đàn ông Hy Lạp, có thể họ sẽ nghĩ bạn đang ám chỉ bạn hoặc họ là người đồng tính. Trong khi đó, người Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng bạn gọi anh ta là “kẻ ngốc” (arsehole). Còn ở các nước Ả-rập thì hiếm khi người ta sử dụng điệu bộ này vì nó bị coi là dấu hiệu đe dọa hoặc tục tĩu.

Vào những năm 50 của thế kỷ 20, trước khi trở thành Tổng thống, Richard Nixon đã đến thăm châu Mỹ La-tinh trong một chuyến đi đầy thiện chí nhằm cố gắng cải thiện mối quan hệ căng thẳng với người dân nơi đây. Lúc bước ra khỏi máy bay, Nixon ra dấu hiệu “OK” với đám đông đang đứng đợi và vô cùng sửng sốt khi họ bắt đầu la ó lẫn huýt sáo phản đối. Ông đã không biết rằng theo quy ước ngôn ngữ cơ thể của người bản xứ, dấu hiệu “OK” được hiểu là “You’re all a bunch of arsehole.”

Nếu bạn đi du lịch nước ngoài, nguyên tắc an toàn nhất là luôn luôn nhờ người dân địa phương chỉ cho bạn các dấu hiệu xúc phạm để tránh gặp phải những tình huống khó xử.

2. Điệu bộ ngón tay cái chĩa lên

Ở những nơi chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa Anh như Úc, Mỹ, Nam phi, Singapore và New Zealand, điệu bộ ngón tay cái chĩa lên có 3 nghĩa: vẫy xe đi nhờ, dấu hiệu “OK”, và khi ngón cái chĩa thẳng thì nó trở thành dấu hiệu xúc phạm, mang nghĩa “Up yours” (Đồ chó chết) hoặc “Sit on this” (mẹ mày). Ở một số nước, ví dụ như Hy Lạp, ngón cái giúi về phía trước có nghĩa là “Get stuffed” (Biến đi/xéo đi)!

Đừng bao giờ ra dấu đi nhờ xe ở Hy Lạp.

Như chúng tôi trình bày, khi người châu Âu đếm từ 1 đến 5, họ dùng điệu bộ ngón tay cái chĩa lên với nghĩa là “số 1”, ngón trỏ là “số 2”, trong khi đó, hầu hết những người nói tiếng Anh đếm “số 1” bằng ngón trỏ và “số 2” bằng ngón giữa. Trong trường hợp này, điệu bộ ngón tay cái chĩa lên sẽ tượng trưng cho “số 5”.

Điệu bộ này có thể có

nghĩa là “Tốt”, “Số 1”

hoặc “Đồ chó chết” tùy

mỗi nơi.

Trên bàn tay, ngón cái là ngón có đa tác vụ. Nó được dùng làm dấu hiệu thể hiện sức mạnh, người ta có thể nhìn thấy nó nhô ra từ trong túi quần, áo ghi-lê hay trên ve áo. Ngoài ra, khi kết hợp với các điệu bộ khác, ngón tay cái cũng được sử dụng để thể hiện quyền lực, thượng cấp hoặc trong trường hợp ai đó cố “khống chế” (get sb under one’s thumb) chúng ta. Trong thành ngữ này, người ta nhắc tới ngón tay cái vì sức mạnh tự nhiên của nó.

3. Dấu hiệu hình chữ V

Dấu hiệu này rất thông dụng ở Úc, New Zealand và Anh, mang ý nghĩa là đồ chó chết! Winston Churchill rất thích thực hiện dấu hiệu “chữ V tượng trưng cho chiến thắng” với lòng bàn tay hướng ra ngoài trong Thế chiến thứ hai. Trong khi đó, lòng bàn tay hướng vào trong bị hiểu là dấu hiệu xúc phạm.

Dấu hiệu này có nghĩa là “số 2” đối với

người Mỹ, “chiến thắng” đối với người

Đức và là “Đồ chó chết” đối với người

Anh.

Nguồn gốc của dấu hiệu hình chữ V phát xuất từ việc các cung thủ người Anh sử dụng hai ngón tay này để bắn tên vào thời xa xưa. Khi một cung thủ thiện xạ bị bắt, sẽ là một sự sỉ nhục tột cùng nếu thay vì bị hành quyết, anh ta bị chặt mất hai ngón tay này. Do vậy, dấu hiệu dùng 2 ngón tay tạo thành hình chữ V nhanh chóng được người Anh sử dụng để khiêu chiến vì nó chứng tỏ với kẻ thù rằng: “Ta vẫn còn ngón tay bắn tên đây!”

Tuy nhiên, ở một số nước châu Âu, dấu hiệu hình chữ V với lòng bàn tay hướng vào trong vẫn mang nghĩa “chiến thắng”. Vì vậy, việc một người Anh dùng dấu hiệu này để thóa mạ người Đức là “Đồ chó chết” có thể làm cho người Đức nghĩ rằng mình là người thắng cuộc! Còn tại một số nước châu Âu khác, dấu hiệu này có nghĩa là số 2, do vậy, nếu một nhân viên pha chế rượu người châu Âu bị xúc phạm thì có khả năng, anh ta sẽ đưa cho người Anh, Mỹ hoặc Úc hai cốc bia.

Chạm tay hay không chạm tay?

Tùy thuộc vào mỗi nền văn hóa mà ai đó có cảm thấy bực mình vì bị người khác chạm vào người khi trò chuyện hay không. Chẳng hạn, người Pháp và người Ý thích đụng chạm liên tục khi nói chuyện, trong khi người Anh không hề muốn bị đụng chạm bất cứ lúc nào, trừ phi họ đang thi đấu trước hàng ngàn cổ động viên trong sân vận động. Những vận động viên ở Anh, Úc, New Zealand bắt chước kiểu ôm thân mật của những người chơi thể thao ở Nam Mỹ và châu Âu lục địa. Họ luôn ôm hôn nhau sau khi ghi bàn và tiếp tục cử chỉ thân mật này trong phòng thay đồ. Nhưng khi rời

khỏi sân thì người Úc, Anh hay New Zealand lại trở về cách xử sự cố hữu: “Đừng chạm vào người tôi đấy nhé”.

Người Anh chỉ chạm vào nhau trong nhà thi đấu, khi có người ghi điểm hoặc ghi bàn, sau đó họ còn ôm hôn và sờ soạng rất kỳ quặc. Nhưng hãy thử chạm vào họ trong quán rượu mà xem, bạn sẽ thấy chuyện gì xảy ra.
Tiến sĩ Ken Cooper cũng nghiên cứu tần suất chạm vào người ở nhiều nước và đã ghi nhận được kết quả về số lần chạm nhau trong một giờ như sau: Puerto Rico 180 lần, Paris 110 lần, Florida 2 lần và London không có lần va chạm nào.

Sau đây là bảng kê những nơi chấp nhận hoặc không chấp nhận việc chạm vào người mà chúng tôi đã đúc kết từ nhiều cuộc nghiên cứu cũng như kinh nghiệm của bản thân:
Không chạm Có chạm

Đức Ấn Độ
Nhật Thổ Nhĩ Kỳ
Anh Pháp
Mỹ & Canada Ý
Úc Hy Lạp
New Zealand Tây Ban Nha
Estonia Trung Đông
Bồ Đào Nha Một số nước châu Á
Bắc Âu Nga
Scandinavia

Xúc phạm nền văn hóa khác như thế nào?

Người Mỹ thường đứng đầu trong việc vô tình xúc phạm các nền văn hóa khác. Như đã nói, hầu hết người Mỹ không có hộ chiếu và họ tin là cả thế giới chẳng những nghĩ giống họ mà còn muốn được như họ. Đây là bức ảnh chụp Tổng thống George W Bush đang thực hiện điệu bộ đặc trưng của đội bóng Longhorn, Texas mà ông ủng hộ. Ngón trỏ và ngón út tượng trưng cho sừng bò và phần lớn người dân Mỹ đều nhận ra điệu bộ của môn bóng bầu dục này.

Người ta có thể bỏ tù bạn nếu sử dụng động tác cổ vũ cho môn bóng bầu dục Mỹ ở Ý

Ở Ý, điệu bộ này bị gọi là “Cuckold” (anh chồng bị cắm sừng) và được dùng để cho một người đàn ông biết rằng vợ anh ta đang ngủ với những người đàn ông khác. Vào năm 1985, năm người Mỹ bị bắt giữ ở Rome khi họ đang hân hoan nhảy múa và dùng điệu bộ này bên ngoài Tòa thánh Vatican sau khi nghe tin về một trận thắng quan trọng của đội bóng Longhorn ở tận bên Mỹ. Rõ ràng, Đức Giáo hoàng không hề đánh giá cao điệu bộ đó!

TÓM TẮT

Người ta giao dịch làm ăn với những người làm họ cảm thấy thoải mái và điều này sẽ tạo ra mối quan hệ chân thành, lịch sự giữa đôi bên. Khi ra nước ngoài, hãy chú ý hạn chế sử dụng ngôn ngữ cơ thể của bạn cho đến khi bạn có cơ hội quan sát người dân bản xứ. Một cách đơn giản để học và hiểu những khác biệt về văn hóa của ngôn ngữ cơ thể là thu băng nhiều bộ phim nước ngoài và xem lại mà không mở tiếng, cũng đừng đọc phụ đề. Hãy cố nắm bắt những gì đang xảy ra, sau đó xem lại lần nữa và đọc lại phụ đề để kiểm tra độ chính xác.

Nếu bạn không biết làm thế nào cho đúng phép lịch sự ở nền văn hóa khác thì hãy nhờ người dân địa phương chỉ cho bạn cách làm điều đó.
Hiểu sai ý nghĩa văn hóa của các điệu bộ có thể gây ra những hậu quả tai hại. Vì vậy, chúng ta cũng nên luôn xem xét lai lịch của một người nào đó trước khi vội đi đến kết luận về ý nghĩa của ngôn ngữ cơ thể và những điệu bộ mà họ đang sử dụng.

Nếu bạn thường xuyên đi du lịch nước ngoài, chúng tôi khuyên bạn nên đọc

cuốn sách của Roger Axtell Gestures: Do’s and Taboos of Body Language Around the World (Điệu bộ: Những điều nên làm và những điều cấm kỵ trong ngôn ngữ cơ thể trên toàn thế giới). (John Willey & Sons). Trong cuốn sách này, Axtell đã xác định hơn 70.000 dấu hiệu cơ thể và phong tục khác nhau trên khắp thế giới, đồng thời hướng dẫn bạn cách giao dịch kinh doanh ở hầu hết các nền văn hóa.