Ngôn Ngữ Cơ Thể - Body Language

Chương 6: Điệu bộ bàn tay và ngón cái

 

Bức họa “Napoleon trong phòng làm việc” của họa sĩ Jacques-Louis David, năm 1812, vẽ nhà lãnh đạo người Pháp trong tư thế nổi tiếng của mình – thật ra ông ta bị loét dạ dày hay đang vui vẻ?

Bàn tay của con người có 27 xương nhỏ, bao gồm 8 xương hình đá cuội ở cổ tay gắn chặt với nhau bằng một mạng lưới dây chằng, và hàng chục cơ nhỏ làm cử động các khớp xương. Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng giữa bàn tay và bộ não có nhiều sợi dây thần kinh liên kết hơn với các bộ phận khác của cơ thể. Chính vì vậy mà khi thực hiện những điệu bộ và tư thế bằng bàn tay, chúng ta hiểu thấu trạng thái cảm xúc của mình hơn. Bên cạnh đó, vì bàn tay thường được đặt phía trước cơ thể nên chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy những dấu hiệu của chúng. Đa số mọi người đều thường xuyên sử dụng một vài tư thế tay mang đậm dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn, nhắc đến cái tên “Napoleon”, mọi người sẽ nghĩ đến một người đàn ông luôn giấu kín bàn tay trong áo ghi-lê với ngón tay cái chĩa lên. Rồi sau đó, có thể mọi người sẽ tranh nhau đưa ra những giả thuyết hay những chuyện khôi hài khiếm nhã về việc tại sao Napoleon lại để tay như thế. Chẳng hạn: ông ta bị loét dạ dày; ông ta đang lên dây cho đồng hồ đeo tay; ông ta bị bệnh ngoài da; vào thời đại của ông ta, việc đút tay vào túi quần là bất lịch sự; ông ta bị bệnh ung thư vú; một bàn tay của ông ta bị dị dạng; ông ta cất túi bột thơm trong áo ghi-lê để thỉnh thoảng lấy ra ngửi; các họa sĩ không thích vẽ bàn tay… Nhưng thật ra câu chuyện là như thế này. Vào năm 1738, rất lâu trước khi Napoleon chào đời, François Nivelon đã xuất bản cuốn A Book of Genteel Behaviour (Cuốn sách về cách cư xử lịch sự). Sách đã mô tả tư thế này như sau: (…bàn tay giấu vào trong là tư thế quen thuộc của những người đàn ông có giáo dục, gan dạ, ôn hòa và khiêm tốn). Khi Napoleon nhìn thấy bức họa vẽ mình, ông đã nói với người họa sĩ: “Anh David thân mến, anh rất hiểu tôi.” Vì vậy, đây chỉ là điệu bộ thể hiện địa vị.

Các sách sử có ghi Napoleon không thường xuyên thực hiện điệu bộ này. Thật ra, ông đã không ngồi làm mẫu với bàn tay và ngón cãi chĩa lên mà là người họa sĩ đã nhớ lại nó và vẽ thêm vào. Nhưng sự nổi tiếng của điệu bộ này cho thấy họa sĩ Jacques-Louis David đã cố ý tạo ra ấn tượng về quyền lực thông qua tư thế của bàn tay và ngón cái.

Napoleon cao 1m64 nhưng những ai nhìn thấy bức họa này cũng đều nghĩ ông ta cao trên 1m85.

Cách nói bằng tay

Theo thông lệ từ hàng ngàn năm nay, địa vị xã hội của một người sẽ quyết định thứ tự ưu tiên chiếm lĩnh diễn đàn của họ khi phát biểu. Quyền lực của bạn càng cao thì càng có nhiều người buộc phải giữ im lặng khi bạn nói. Chẳng hạn, trong lịch sử La Mã, người ở địa vị thấp có thể bị hành quyết vì tội ngắt lời Julius Caesar. Ngày nay, hầu hết mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bất cứ ai cũng có thể đưa ra ý kiến cá nhân. Ở Anh, Úc và Mỹ, thậm chí bạn còn được phép ngắt lời Tổng thống hoặc Thủ tướng khi muốn phát biểu suy nghĩ của mình. Bạn cũng có thể vỗ tay chầm chậm một cách hợm hĩnh, giống như sự việc đã xảy ra với Thủ tướng Tony Blair vào năm 2003 trong một cuộc thảo luận về khủng hoảng Irag được tường thuật trên TV. Ở nhiều nước, bàn tay giữ vai trò làm “dấu chấm câu” để điều chỉnh trình tự nói trong một cuộc trò chuyện. Điệu bộ giơ bàn tay lên được vay mượn từ người Ý và người Pháp. Họ là những người sử dụng “ngôn ngữ bằng tay” thường xuyên nhất. Còn ở Anh, điều này hiếm thấy hơn bởi vì vẫy tay khi nói chuyện thể hiện tác phong không đúng mực hoặc tồi tệ.

Ở Ý, trình tự nói chuyện rất đơn giản. Người giơ tay lên sẽ có quyền nói, còn người nghe sẽ bỏ tay xuống hoặc để tay sau lưng. Vì thế, thủ thuật cần làm nếu bạn muốn nói chen vào là hãy cố giơ tay lên cao. Bạn cũng có thể thực hiện điều này bằng cách ngoảnh mặt đi, sau đó giơ tay lên, hay gạt cánh tay của người kia xuống trong khi giơ tay của mình lên. Nhiều người cho rằng khi nói chuyện, người Ý rất thân thiện hoặc thân mật bởi vì họ chạm vào nhau liên tục, nhưng thật ra thì ai cũng đang cố ngăn bàn tay của người khác để giành phần nói.

Trong chương này, chúng tôi sẽ xem xét một số điệu bộ của bàn tay và ngón cái phổ biến nhất.

Nếu nói tay của người Ý ra sau lưng, anh ta sẽ không thể nói được.

Một mặt, ta thấy…

Việc quan sát cách một người tóm lược hai luồng ý kiến trong cuộc thảo luận có thể tiết lộ cho chúng ta biết họ đang thiên về bên nào. Thông thường, họ sẽ giữ một lòng bàn tay hướng lên và trình bày ý kiến thứ nhất, sau đó, đưa ra ý kiến đối lập bằng bàn tay bên kia. Những người thuận tay phải sẽ trình bày ý kiến yêu thích của họ bằng tay phải, còn những người thuận tay trái thì thường sử dụng tay trái khi nói về ý kiến yêu thích của mình.

Mặt khác, điệu bộ bằng tay giúp ta nhớ lại

Điệu bộ bằng tay thu hút sự chú ý, tăng hiệu quả giao tiếp và giúp mỗi cá nhân ghi nhớ nhiều thông tin hơn. Tại trường Đại học Manchester ở Anh, Geoffrey Beatie và Nina McLoghlin đã tiến hành một cuộc nghiên cứu. Trong đó, các tình nguyện viên được cho nghe những câu chuyện có vai chính là các nhân vật hoạt hình như: Thỏ Roger, Bánh nướng Tweetie và Mèo Sylvester. Người dẫn truyện khi kể cho một số khán giả đã thêm vào các điệu bộ bằng tay như cử động lên xuống thật nhanh để diễn tả các động tác chạy, chuyển động như làn sóng để mô phỏng một cái máy sấy tóc và dang rộng cánh tay để diễn tả một ca sĩ opera béo tròn. Mười phút sau, người ta tiến hành kiểm tra khả năng nhớ truyện của tất cả các tình nguyện viên. Kết quả, những người được nghe kèm điệu bộ bằng tay nhớ được các chi tiết trong câu chuyện nhiều hơn khoảng 30% so với những người khác. Điều này chứng tỏ điệu bộ bằng tay có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng nhớ lại của chúng ta.

Trong chương này, chúng ta sẽ phân tích 15 trong số các điệu bộ bằng tay phổ biến nhất mà rất có thể bạn nhìn thấy mỗi ngày và thảo luận xem chúng ta nên làm gì với chúng.

Xoa lòng bàn tay vào với nhau

Mới đây, có một người bạn đã ghé thăm nhà chúng tôi để bàn về chuyến đi chơi trượt tuyết trong kỳ nghỉ sắp tới. Trong lúc nói chuyện, cô ấy ngồi dựa vào ghế, miệng cười toe toét, xoa nhanh lòng bàn tay lại với nhau và thốt lên: “Tôi nôn quá!” Điệu bộ này tiết lộ rằng cô ấy đang mong đợi chuyến đi thành công mỹ mãn.

Biểu thị niềm hy vọng lạc quan

Xoa lòng bàn tay lại với nhau là một cách biểu lộ niềm hy vọng lạc quan. Người tung súc sắc giữa hai lòng bàn tay như một dấu hiệu mong đợi chiến thắng. Người dẫn chương trình (MC) thường xoa lòng bàn tay lại với nhau và nói với khán giả: “Chúng ta mong muốn được nghe người kế tiếp phát biểu”. Nhân viên bán hàng bước vào văn phòng của giám đốc kinh doanh với vẻ rất phấn khởi, xoa lòng bàn tay lại với nhau rồi hồ hởi nói: “Chúng ta vừa nhận được một đơn đặt hàng lớn!” Tuy nhiên, nếu một nhân viên phục vụ đi đến bàn của bàn vào cuối bữa ăn, xoa lòng bàn tay lại với nhau và hỏi: “Ông cần gì nữa không, thưa ông?” thì hành động ấy hàm ý là anh ta đang mong chờ nhận được một món tiền boa hậu hĩnh.

Tốc độ xoa tay của một người báo hiệu cho chúng ta biết họ đang nghĩ ai sẽ là người được lợi. Ví dụ, bạn muốn mua một ngôi nhà nên tìm đến dịch vụ nhà đất. Sau khi nghe bạn mô tả ngôi nhà muốn mua, nhân viên nhà đất xoa nhanh lòng bàn tay và nói: “Tôi có đúng ngôi nhà đó cho ông!” Động tác này của nhân viên nhà đất ra hiệu anh ra hy vọng kết quả mua bán có lợi cho bạn. Nhưng nếu anh ta làm điệu bộ này chầm chậm trong lúc nói thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Cái vẻ lén lút, xảo quyệt của anh ta sẽ khiến bạn có cảm giác người này là người được lợi chứ không phải bạn!

Tốc độ xoa tay báo hiệu ai sẽ là người được lợi theo suy nghĩ của người làm điệu bộ.

Các nhân viên bán hàng thường được huấn luyện cách sử dụng điệu bộ xoa lòng bàn tay thật nhanh để tránh gieo tâm lý ngờ vực khi mô tả sản phẩm hay dịch vụ với khách hàng tiềm năng. Trường hợp người mua hàng xoa nhanh lòng bàn tay lại với nhau và nói: “Hãy cho chúng tôi xem anh có thứ gì!” thì điều đó có nghĩa là họ đang mong đợi được xem một món hàng tốt và có khả năng sẽ mua nó.

“Tôi có món hàng lý tưởng cho ông!”

Tuy nhiên, điệu bộ này cũng phải được xem xét trong ngữ cảnh xuất hiện. Một người xoa mạnh hai lòng bàn tay lại với nhau khi đang đứng đợi ở trạm xe bus vào một ngày lạnh giá thì chưa chắc anh ta đang mong xe bus đến mà có thể chỉ là vì tay anh ta đang tê cóng.

Xoa ngón cái và ngón tay

Điệu bộ này tượng trưng cho cử chỉ xoa một đồng xu giữa ngón cái và các đầu ngón tay với hàm ý mong có tiền. Nó được sử dụng khi người bán dạo ngoài phố nói: “Tôi có thể bớt cho ông 40%” hoặc lúc ai đó hỏi vay tiền một người bạn: “Cậu có thể cho tớ 50 bảng được không?”

“Chúng ta có thể kiếm tiền từ việc này!”

Những người chuyên giao dịch với khách hàng nên tránh sử dụng điệu bộ này bởi vì nó gợi các liên tưởng tiêu cực về tiền bạc.

Hai bàn tay siết chặt vào nhau

Điệu bộ này thể hiện sự tự tin vì một số người thường mỉm cười khi sử dụng nó. Chúng tôi đã có dịp quan sát một nhà đàm phán kể lại cuộc thương lượng mà ông ta vừa bỏ lỡ. Lúc đi sâu vào câu chuyện, không những 2 bàn tay của ông ta siết chặt mà những ngón tay của ông ta cũng bắt đầu trắng bệch, trông như thể chúng bắt dính vào nhau vậy. Điệu bộ này thể hiện thái độ ức chế, căng thẳng hoặc tiêu cực. Đây cũng là điệu bộ mà Nữ hoàng Elizabeth thích dùng trong các chuyến viếng thăm của hoàng gia hay trong những lần xuất hiện trước công chúng. Vào những dịp ấy, tay của bà thường được đặt lên đùi.

 

 

Hai bàn tay siết chặt vào nhau ở tư thế đưa lên cao tiết lộ sự thất vọng của người làm điệu bộ này, cho dù người đó đang mỉm cười

Cuộc nghiên cứu về tư thế tay siết chặt vào nhau được thực hiện bởi các chuyên gia đàm phán Nierenberg và Calero cũng cho thấy, đây là điệu bộ bộc lộ tâm lý thất vọng khi nó được dùng trong bàn đàm phán. Nó cho biết người thực hiện đang kìm nén thái độ tiêu cực hoặc tâm trạng lo lắng khi họ ngờ rằng mình không thuyết phục được đối phương hoặc đã đàm phán thất bại.

Điệu bộ hai bàn tay siết chặt vào nhau có 3 tư thế chủ yếu: Hai bàn tay siết chặt vào nhau đặt trước mặt, hai bàn tay siết chặt vào nhau đặt lên đùi, và hai bàn tay siết chặt vào nhau đặt trước bụng khi đứng.

Hai bàn tay siết chặt vào nhau đặt dưới thấp

    

Hai bàn tay siết chặt vào nhau đặt ở giữa 

Chúng tôi đã khám phá ra mối tương quan giữa độ cao đặt hai bàn tay và mức độ thất vọng của người thực hiện điệu bộ đó. Bạn sẽ khó thương lượng với một người đặt hai bàn tay ở vị trí cao hoặc ở giữa hơn là lúc họ đặt tay ở dưới thấp. Và cũng như với

tất cả các điệu bộ tiêu cực khác, bạn cần mở các ngón tay đan vào nhau của họ ra bằng cách đưa cho họ 1 ly nước hoặc nhờ họ cầm thứ gì đó. Nếu không, họ sẽ vẫn giữ thái độ tiêu cực giống như lúc họ khoanh tay.

Chắp tay hình tháp chuông

Chúng tôi đã nhấn mạnh từ đầu sách rằng các điệu bộ thường được thực hiện theo cụm, giống như những từ ngữ trong một câu, và chúng phải được giải thích theo ngữ cảnh. Tuy vậy, động tác chắp tay hình tháp chuông lại là một ngoại lệ vì nó thường xuất hiện độc lập. Khi đó, các đầu ngón tay của hai bàn tay ấn nhẹ vào nhau, tạo thành hình tháp chuông nhà thờ. Ngoài ra, chúng còn được đẩy tới đẩy lui giống như một con nhện đang đu lên đu xuống trên chiếc gương soi.

Chúng tôi đã phát hiện điệu bộ này thường xuất hiện khi cấp trên gặp cấp dưới. Đây là điệu bộ bộc lộ thái độ tự tin, chắc chắn. Cấp trên thường sử dụng điệu bộ này khi chỉ dẫn hoặc khuyên bảo cấp dưới, và nó được các nhân viên kế toán, luật sư hay giám đốc đặc biệt ưa dùng. Những người cảm thấy tự tin, có địa vị cao cũng rất thích thực hiện điệu bộ này để thể hiện thái độ tự tin của họ.

Tự tin là mình có câu trả lời đúng

Đôi khi, những người sử dụng điệu bộ chắp tay hình tháp chuông lại biến nó thành điệu bộ cầu nguyện để ra vẻ thánh thiện. Thông thường bạn nên tránh điệu bộ này khi muốn thuyết phục hay tạo lòng tin với người khác, vì có lúc điệu bộ này được hiểu là sự tự mãn và ngạo mạn.

 

Tổng thống Chrac và Gerry Adams đôi khi làm ra vẻ thánh thiện.

Ngược lại, nếu bạn muốn tạo dáng vẻ tự tin và chắc chắn thì tư thế chắp tay hình tháp chuông sẽ có ích cho bạn đấy.

Dùng điệu bộ chắp tay hình tháp chuông để thắng trận cờ

Hãy hình dung bạn đang chơi cờ và đến lượt bạn đi. Sau khi di chuyển bàn tay trên bàn cờ, bạn đặt ngón tay trên 1 quân cờ. Điều này cho thấy bạn có ý định đi quân cờ ấy. Lúc đó, bạn để ý thấy đối thủ của bạn ngồi lùi lại và làm điệu bộ chắp tay hình tháp chuông. Đối thủ của bạn đã vô tình tiết lộ cho bạn biết, họ cảm thấy tự tin về nước cờ của bạn. Vì vậy, chiến thuật hay nhất là bạn đừng đi quân này. Thay vào đó, bạn chạm vào quân cờ khác. Nếu nhận thấy đối thủ của bạn làm điệu bộ siết chặt bàn tay vào nhau hoặc giữ tư thế khoanh tay thì đây là nước cờ nên đi vì điệu bộ của họ đã cho biết rằng họ không thích nước cờ bạn đang tính.

Tư thế chắp tay hình tháp chuông có 2 kiểu chủ yếu. Thứ nhất là kiểu chắp tay hình tháp chuông tay đặt phía trên, thường được người làm điệu bộ thực hiện trong lúc phát biểu ý kiến hoặc nói chuyện. Kiểu thứ hai là chắp tay hình tháp chuông hay đặt phía dưới, thường được sử dụng khi người làm điệu bộ đang lắng nghe nhiều hơn nói.

Kiểu chắp tay hình tháp chuông tay đặt phía dưới

Phụ nữ thường hay dùng tư thế thứ hai. Khi một người làm điệu bộ chắp tay hình tháp chuông theo kiểu thứ nhất, đầu hơi ngả về phía sau thì họ sẽ trông có vẻ tự mãn hoặc ngạo mạn.

Mặc dù là dấu hiệu tích cực nhưng điệu bộ chắp tay hình tháp chuông có thể được sử dụng trong chuỗi điệu bộ tích cực lẫn tiêu cực, dễ gây nhầm lẫn. Ví dụ, khi đang trình bày một ý tưởng với ai đó, bạn thấy người nghe sử dụng nhiều điệu bộ tích cực như lòng bàn tay mở ra, cúi người về phía trước, ngẩng đầu lên, gật gù đầu, v.v. Đến cuối buổi thuyết trình, họ bắt đầu chắp tay hình tháp chuông.

Nếu người nghe thực hiện điệu bộ này sau một loạt điệu bộ tích cực khác vào thời điểm bạn trình bày hướng giải quyết vấn đề của họ thì rất có thể, bạn đang nhận được một tín hiệu thuận lợi “cứ việc đề xuất đơn đặt hàng đi”. Ngược lại, nếu điệu bộ này đi theo sau 1 loạt điệu bộ tiêu cực như khoanh tay, bắt chéo chân, nhìn đi chỗ khác, tay chống cằm… thì có khả năng, người nghe sẽ nói “không” hoặc sẽ tống bạn đi cho khuất mắt. Trong cả 2 trường hợp vừa nêu, điệu bộ chắp tay hình tháp chuông đều biểu lộ sự tự tin, nhưng một kiểu mang đến kết quả tích cực còn kiểu kia mang đến kết quả tiêu cực. Những điệu bộ xảy ra trước điệu bộ chắp tay hình tháp chuông là yếu tố then chốt để dự đoán kết quả.

Tóm tắt

Bàn tay của bạn luôn ở phía trước, tiết lộ cảm xúc và thái độ của bạn. Nhiều điệu bộ ngôn ngữ cơ thể rất khó học, nhưng các điệu bộ bằng tay có thể được luyện tập và thực hành đến một mức độ mà bạn có thể kiểm soát tương đối tốt vị trí đặt tay cũng như động tác của chúng. Khi học được cách hiểu điệu bộ bằng tay, bạn sẽ tự tin hơn, thành công hơn và thắng nhiều trận cờ hơn.

Kiểu gương mặt tì trên tay

Đây là điệu bộ tích cực thường được sử dụng trong thời gian đôi lứa tìm hiểu nhau. Phụ nữ và cả những người đàn ông đồng tính đều dùng điệu bộ này, chủ yếu để thu hút sự chú ý của đàn ông. Họ sẽ đan các ngón tay vào nhau, tì cằm lên tay và để lộ gương mặt của mình cho người đàn ông chiêm ngưỡng.

Kiểu gương mặt tì lên tay – để lộ gương mặt cho người đàn ông chiêm ngưỡng

Nếu bạn định sử dụng chiêu nịnh nọt – dù chân thật hay giả tạo – thì điệu bộ này mở đường cho chiêu thức đó.

Chắp tay sau lưng

Công tước Edinburgh và một số thành viên nam khác trong Hoàng gia Anh được ghi nhận là có thói quen đi ngẩng đầu lên, cằm đưa ra và hai bàn tay chắp ra sau lưng. Điệu bộ này rất đỗi quen thuộc đối với các nhà lãnh đạo, các thành viên của hoàng gia, viên cảnh sát tuần tra khu vực, hiệu trưởng đi quanh sân trường, sĩ quan quân đội cấp cao và bất kỳ ai đang nắm quyền hành.

Đây là điệu bộ thể hiện sức mạnh, sự tự tin và quyền lực. Người làm điệu bộ này để lộ những chỗ yếu như bụng, tim, hạ bộ và cổ họng một cách vô thức cho thấy họ không sợ sệt điều gì. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu bạn thực hiện tư thế này khi gặp tình huống căng thẳng, như bị các phóng viên phỏng vấn hay đang đứng đợi ngoài phòng khám nha sĩ thì theo quy luật nhân quả, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và thậm chí thấy có quyền uy.

Điệu bộ tư tin về sức mạnh của mình nhìn từ đằng sau và đằng trước

Khi làm việc với các nhân viên trong ngành bảo vệ pháp luật, chúng tôi nhận thấy rằng những nhân viên không đeo vũ khí thường xuyên sử dụng tư thế chắp tay sau lưng và nhón lên nhón xuống để làm cho mình cao thêm. Còn các nhân viên được trang bị vũ khí thì ít sử dụng điệu bộ này mà hay để tay dọc hai bên người hoặc đút ngón cái vào trong thắt lưng. Vũ khí đã mang lại đầy đủ quyền lực cho họ nên điệu bộ chắp tay sau lưng để phô bày quyền lực không còn cần thiết nữa.

Điệu bộ bàn tay này nắm lấy cổ tay kia

Khác với cảm xúc của điệu bộ hai lòng bàn tay nắm lại đặt ở sau lưng, điệu bộ bàn tay này nắm lấy cổ tay kia bộc lộ sự thất vọng và cố gắng tự chủ. Bàn tay này nắm chặt lấy cổ tay hoặc cánh tay kia ở phía sau lưng như thể cố ngăn cánh tay kia vuột ra.

Bàn tay này nắm lấy cánh tay kia càng cao thì người đó càng thất vọng hoặc tức giận. Người trong hình minh họa bên dưới đang cố gắng tự chủ nhiều hơn so với người trong hình ở trên, bởi bàn tay người này đang nắm lấy bắp tay, chứ không dừng ở cổ tay. Điệu bộ này xuất phát từ thành ngữ: “Get a good grip on yourself”. (Tự chủ).

Điệu bộ nắm lấy bắp tay

Điệu bộ nắm lấy cổ tay và cánh tay đặt sau lưng thường xuất hiện khi các đương sự đứng đối mặt nhau bên ngoài phòng xử án, nhân viên bán hàng đứng ở quầy giao dịch hoặc khi bệnh nhân đợi bác sĩ. Điệu bộ này là nỗ lực nhằm che đậy sự lo lắng hoặc cố kềm chế bản thân. Nếu bạn bắt gặp mình đang ở trong tư thế này, hãy đổi sang điệu bộ nắm hai lòng bàn tay lại với nhau đặt ở sau lưng, bạn sẽ cảm thấy sự tự tin và tự chủ hơn.

Để lộ ngón cái

Như đã đề cập trước đó, ngón tay cái biểu thị sự vượt trội. Theo thuật xem hướng tay, ngón cái tượng trưng cho sức mạnh của tính cách và bản ngã. Ngoài ra, các dấu hiệu ngôn ngữ cơ thể có liên quan đến ngón cái đều hàm ý thái độ tự coi mình là quan trọng. Đây là ngón được dùng để biểu thị sự thống trị, tính quyết đoán hoặc đôi khi là thái độ hung hăng. Điệu bộ bằng ngón cái là điệu bộ thứ cấp và thường nằm trong

cụm điệu bộ nào đó. Việc để lộ ngón tay là dấu hiệu tích cực hay tư thế tiêu biểu cho người “điềm tĩnh” nhằm chứng tỏ ưu thế. Đàn ông sử dụng điệu bộ nhô ngón cái ra khi đang ở gần người phụ nữ hấp dẫn anh ta. Những người ăn vẫn chỉnh tề cũng thường để lộ ngón cái. Hiếm khi người có địa vị thấp như những kẻ lang thang lại làm điệu bộ này.

Điệu bộ thọc tay vào áo ghi-lê

Những người để lộ ngón cái cũng thường hay nhón lên nhón xuống bằng ngón chân cái để trông có vẻ cao hơn.

Ngón cái thò ra khỏi túi áo khoác

Điệu bộ ngón cái thò ra khỏi túi áo khoác thường được sử dụng ở những người nhận thức được rằng họ có địa vị cao hơn người khác. Đây là một trong những điệu bộ quen thuộc của Thái tử Charles, tiết lộ thái độ tự chủ của ông vào những lúc làm điệu bộ này. Tại sở làm, sếp sẽ đi khắp văn phòng với điệu bộ tương tự. Tuy nhiên, không một nhân viên cấp dưới nào dám sử dụng điệu bộ này trước mặt sếp.

Thái tử Charles dùng điệu bộ ngón cái thò ra khỏi túi áo khoác

Việc để lộ ngón cái tiết lộ sự thật khi lời nói của một người nào đó mâu thuẫn với điệu bộ của họ. Ví dụ, một vị luật sư quay sang bồi thẩm đoàn và nói với giọng thật chậm rãi, nhỏ nhẹ: “Thưa các vị, theo thiển ý của tôi…”; trong khi ấy, ông lại để lộ ngón cái và nghiêng đầu ra phía sau tỏ vẻ “coi thường” họ.

Tư thế này có thể làm cho bồi thẩm đoàn cảm thấy vị luật sư này không thành thật hay đang vênh váo. Nếu muốn tỏ vẻ khiêm nhường, ông ta nên mở áo khoác ra, bước tới gần bồi thầm đoàn rồi mở lòng bàn tay và cúi người về phía trước để có thể trông nhỏ bé hơn.

Luật sư nọ nói với vẻ tự mãn: “Anh có vẻ là một người thông minh, trung thực”.

Nhân chứng đáp: “Tôi xin gửi lại lời khen đó cho ông. Tôi đã tuyên thệ trước tòa rồi”.

Đôi khi người nào đó thò ngón cái ra khỏi túi quần sau (hình dưới) như thể cố che giấu thái độ kẻ cả. Phụ nữ hiếm khi sử dụng những điệu bộ này mãi cho đến thập niên 60 của thế kỷ XX, khi nữ giới bắt đầu mặc quần tây và đảm nhiệm nhiều vai trò trong xã hội.

Để lộ ngón cái thể hiện thái độ tự tin, có quyền hành

Điệu bộ khoanh tay trước ngực, ngón cái chĩa lên là một cụm điệu bộ khác của kiểu để lộ ngón cái mà chúng ta thường gặp. Đây là dấu hiệu kép, bộc lộ thái độ phòng thủ hoặc tiêu cực (khoanh tay) cộng với thái độ trịch trượng (để lộ ngón cái). Người dùng cụm điệu bộ này thường ra hiệu bằng ngón cái khi nói chuyện và đứng nhón lên nhón xuống.

Ngón tay cái cũng có thể được dùng làm dấu hiệu nhạo báng hoặc tỏ ý không

 

tôn trọng khi nó chỉ vào người khác. Chẳng hạn, khi người chồng chồm về phía một người bạn, chỉ ngón tay cái vào vợ mình và nói: “Cô ta luôn càu nhàu” thì đó cũng là lúc anh ta châm ngòi cho cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng. trong trường hợp này, ngón cái ngọ nguậy của anh ta được dùng như một ám hiệu nhằm nhạo báng vợ. Do vậy,

hành động chỉ ngón cái khiến hầu hết phụ nữ khó chịu, đặc biệt khi đàn

ông là người thực hiện. Mặc dù không thường xuyên nhưng đôi khi, phụ nữ cũng dùng điệu bộ chỉ ngón cái để chỉ vào người họ không thích.

Tóm tắt

Từ hàng ngàn năm nay, ngón cái đã được sử dụng làm dấu hiệu để thể hiện sức mạnh và quyền lực. Vào thời La Mã, ngón cái hướng lên hay chúc xuống quyết định sự sống hay cái chết của một đấu sĩ. Tuy không được huấn luyện nhưng người ta vẫn có thể giải mã các dấu hiệu của ngón cái theo trực giác cũng như hiểu được ý nghĩa của chúng. Bây giờ thì bạn không chỉ giải mã được các dấu hiệu bằng ngón cái mà còn phải tự tập cách sử dụng chúng.