Người Đàn Bà Và Người Đàn Ông Có Chiếc Lồng Chim

Cha Con

CHA CON

 

 

Lão Bất đi đi lại lại, hai tay chắp sau đít ra chiều sốt ruột. Bà Cần vợ lão đang chổng mông dưới bếp thổi lửa đun nồi cám để kịp cho lợn ăn trước khi ra đồng. Ngoài ngõ tiếng người lao xao, cái xóm Quyết Thắng đang cựa mình thức dậy. Thằng Đời, con lão, lên huyện họp chả hiểu tình hình ra sao mà từ hôm qua đến giờ chưa về. Cả đêm lão chưa hề chợp mắt. Ngọn đèn dầu nơi đầu chõng bị ánh ban mai làm cho bạc phếch. Cũng không hiểu nó còn sáng hay đã tắt từ lúc nào.

 

Mấy chục năm trước, khi còn trai tráng lão cũng từng đi đây đi đó. Nói là đi thôi, với đôi chân trần thì liệu đi được bao xa. Không như bây giờ bọn trẻ một bước là lên xe, xuống xe. Cái thời của lão chỉ có xe hai cẳng là tiện nhất. Không lo hỏng hóc, mất trộm. Thi thoảng chỉ cần thả vài hột muối vào cái chậu nước âm ấm rồi cho chân vào ngâm là lại ngon lành, đâu ra đấy. Đời lão nhiều phen lên voi, xuống chó. Có những lúc tưởng không vượt qua được, rồi cùng với thời gian mọi cái cứ lặng lẽ trôi vào quá khứ. Trong làng, trong xóm, người mà lão nể phục nhất chính là bà Cần, mẹ thằng Đời. Ngày gặp lão, bà trông tươi tắn như một bông hoa. Thứ hoa mọc trên đồi chứ không ẻo lả như thứ bây giờ người ta ngắt cắm trong lọ. Bao thanh niên vè vè xung quanh tán tỉnh mà bà chả ưng ai. Cho đến giờ lão cũng không hiểu bà chấm lão vì lẽ gì.

 

Tình yêu lạ lắm. Nó có lý lẽ riêng của nó. Trong tình yêu không có chỗ cho những lý lẽ thông thường. Nói là tình yêu cho nó hợp thời, hiện đại, chứ lão và bà Cần ngày ấy chỉ biết mê nhau tìm đến với nhau. Rồi trao thân, gửi phận dắt nhau về sống chung dưới một mái nhà chứ cần biết quái gì đến tình yêu. Một mớ lý luận suông chỉ dành cho kẻ chuyên đi lừa bịp.

 

Ngày ấy bà Cần đang làm đội trưởng nữ dân quân thôn Hiệp Lực bên cạnh con sông quanh năm nửa trong, nửa đục, vì mê lão mà mắc tội hủ hoá bị mang ra kiểm thảo. Trong cuộc họp kiểm thảo người ta đấu tố, lăng mạ bà bằng đủ loại ngôn từ. Những từ mà chỉ nghĩ đến chứ chưa cần phun ra từ mồm các đồng chí của bà cũng làm người ta đỏ mặt, xấu hổ. Chửi chán, sỉ nhục chán không hiệu quả, họ xoay sang phỉnh nịnh hòng biết xem ai là thủ phạm của cái thai trong bụng bà. Bà lặng im như ngậm hột thóc. Thái độ phớt lờ, thi gan của bà như trêu tức họ. Dù thế nào thì thế, bà quyết không khai ra lão. Lão rất nể phục và thương bà. Có lúc lão không nhịn được, định phun ra lão là thủ phạm. Nhưng rồi cuối cùng lão cũng kìm được. Lão không can đảm như bà, lão sợ mất cái chức phó bí thư chi bộ. Bây giờ nghĩ lại thấy vẫn còn xấu hổ cho sự hèn yếu của mình. Vì cái chức bé như hạt mè chả có chút giá trị gì mà làm cho lão đánh rơi mất tình người. Lão chỉ bo bo lo giữ sợ mất đi thể diện. Giờ thì lão biết, nó chỉ là cái sĩ diện hão huyền.

 

Rồi người ta cũng nghe bà lên tiếng. Tiếng nói xuất phát từ sâu thẳm lòng mình, pha chút uất nghẹn:

 

- Tôi tưởng cái ấy là của tôi thì tôi được phép dùng, chứ nếu nó là của Đảng sao tổ chức không cử người đến giữ.

 

Chỉ một câu đó thôi, bà không thèm nói thêm lời nào. Bà bị mất chức, bị kỷ luật. Và đời bà xuống dốc từ đấy. Bao nhiêu năm chung sống chưa bao giờ bà kêu ca, phàn nàn về chuyện này. Bà không hối tiếc.

 

 

* * *

 

Thằng Đời vừa chân ướt, chân ráo về đến nhà đã sục ngay vào bếp hỏi mẹ thầy đâu. Bà xua tay lắc đầu chỉ lên nhà trên:

 

- Từ hôm qua đến giờ thầy anh không ngủ, ngồi ở chõng ngoài đầu hè rít thuốc lào sòng sọc cả đêm.

 

Lão Bất ngồi im như pho tượng trong chùa, se điếu chống cằm nhìn chăm chăm vào ngọn đèn dầu trước mặt. Lão không dám thở mạnh như sợ hơi thở làm tắt mất ngọn đèn leo lét.

 

- Thưa thầy, con đã về.

 

Lão chỉ khẽ hừ một tiếng, không thèm nhìn nó, thò tay lấy chiếc lông gà cắm vào nõ xoắn mấy vòng, thụt lên, thụt xuống rồi rút ra dắt vào cạnh bát. Đặt se điếu vào lỗ thổi cho nước trong điếu dâng lên ngang miệng nõ. Bập bập vài cái theo thói quen rồi khẽ đưa người ra phía trước tỳ ngực lên se điếu, với tay lấy gói thuốc lào bọc trong lá chuối khô vê vê nhét vào nõ. Lão chậm rãi nâng se điếu đưa vào miệng, lấy đóm khum tay châm lửa từ chiếc đèn dầu. Khói từ miệng lão phả ra hai bên mép theo từng nhịp bập ngắn rồi lão rít mạnh một hơi dài, tiếng rít vang lên trong bát nghe đanh sắc. Đường gân hai bên cổ nổi lên thẳng đơ. Nhả se điếu ra, lão ngửa cổ phả khói lên trần. Cục yết hầu nơi cổ nhọn hoắt chạy lên chạy xuống như thoi dệt, mắt lờ đờ ra chiều mãn nguyện. Trông lão lúc này cũng chẳng khác thằng phê thuốc là mấy.

 

- Anh về rồi à, tình hình xin chỉ thị cấp trên của anh ra sao?

 

- Thầy phải giữ thể diện cho con, đừng khới mào đi kiện cáo lung tung. Chả gì con cũng là trưởng thôn. Thầy cứ thế con nói còn ai nghe. Cấp trên hơi một tý là nhè đầu con mà gõ.

 

- Anh tưởng chức trưởng thôn của anh mà báu lắm à? Khối đứa đỗ đại học còn thất nghiệp đầy ra đấy mà có đứa nào thèm ôm cái cái chức tá hơm như anh cho rặm bụng. Có đứa nào dám nói láo với thầy mẹ như anh. Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng, mới đỗ 10 mà đã ti toe.

 

- Thầy nhìn lại mình đi, con làm gì sai nào. Con không học lên được cũng tại khuyết điểm trong quá khứ của thầy mẹ. Mà suy cho cùng con làm trưởng thôn cũng vẻ vang cho cả dòng họ. Thử hỏi chức trưởng thôn mà rơi vào tay nhà khác thì liệu nhà mình có được yên ổn mà làm ăn không?! Bảo vệ chính quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ của mỗi công dân. Đằng này chỉ vì quyền lợi của một nhúm dân đen, không đếm xỉa gì đến lợi ích lâu dài thầy xúi bẩy bà con đi kiện. Huyện ra chỉ thị rồi. Phải làm nghiêm để giữ kỷ cương phép nước. Họ sẽ làm mạnh tay. Thầy mà bị bắt thì mười thằng con cũng không xin được cho thầy.

 

- Gớm mới nứt mắt ra đã đòi trứng khôn hơn vịt. Anh nói cứ như các anh cái gì cũng đúng còn chúng tôi là những kẻ phạm pháp. Anh nói xem, thằng nào, con nào ra lệnh bắt chúng tôi bỏ tù?!

 

- Thầy không thể cậy già cả mà cạnh khoé cán bộ. Nếu không gọi là ông, bà thì ít ra cũng là anh cán bộ, chị cán bộ... Ngay như hồi xưa thầy mẹ chả một thưa, hai bẩm là gì...

 

Lão đưa mắt nhìn dường như không còn nhận ra nó là con của mình. Nó nói cũng có lý đúng. Nhưng việc này lũ cán bộ nhân danh lợi ích quốc gia để cướp đất của dân xà xẻo, tư túi đã sai, không những thế nó lại bênh bọn họ chằm chặp. Phải chăng nó ngu đến độ không biết, hay biết nhưng sợ không dám nói. Mà suy cho cùng nó sợ gì chứ. Mất chức? Khai trừ ra khỏi Đảng? Thì cùng lắm là lại làm anh phó thường dân, cùng lắm là bị kỷ luật như vợ lão, sao nào. Hay nó cũng muốn kiếm chác từ chuyện này để rồi vào hùa với nhau bịt mồm dân chúng.... Lão không hiểu.

 

 

* * *

 

Con giun xéo mãi cũng quằn. Dân Quyết Thắng đang sôi sục. Không khí trong thôn như cái nồi hơi, có thể nổ bất cứ lúc nào. Lão Bất bị bắt đúng như tiên liệu của thằng con. Cái chức vụ cao nhất lão từng giữ là bí thư chi bộ thôn và thành tích phấn đấu mấy chục năm đi theo Đảng cũng chả giúp ích gì cho lão. Đối với dân, lão là người tử tế. Đối với chính quyền lão là cái gai cần phải loại bỏ. Mấy anh trong lực lượng phản ứng nhanh chẳng ngại ngần gì khi phạt què chân lão. Khốn nạn thân lão, ngoài tám mươi còn bị hành hung, bị vướng vào vòng lao lý. Mà cũng tại lão. Sao không coi trọng cái thân của mình như lão từng coi trọng trong quá khứ để yên phận tuổi già?! Sao không tiên liệu được cơ sự sẽ ra nông nỗi này?!

 

Thằng Đời ân hận lắm. Nó nghĩ chỉ cần dọa già là lão và đám dân đen sẽ từ bỏ ý định. Nhưng nó đã đánh giá sai tình hình. Qua vụ này nó thấy uy tín của cán bộ trong lòng dân chúng là bằng 0. Dân bây giờ khác, vẫn ngu, vẫn cố chấp nhưng ngu kiểu khác. Họ biết phân tích đánh giá hành vi của cán bộ. Chỉ một chuyện làm sai của cán bộ thì ngay ngày hôm sau đã um ti, cả huyện, cả tỉnh, thậm chí cả nước biết. Có muốn ém nhẹm cũng không ém nhẹm được. Trong thâm tâm nó thù ghét cánh nhà báo. Thù ghét lây sang cả mạng xã hội Facebook. Nếu có quyền, nó sẽ cấm dân chúng sử dụng mạng xã hội. Nó chính là thứ giúp dân chúng lu loa, bôi xấu chính quyền... Lợi ít, hại nhiều. Dân càng có chữ, càng hiểu biết pháp luật thì càng khó lãnh đạo. Cứ nhìn lại lịch sử khắc biết. Có bao giờ dân cứng đầu, cứng cổ như bây giờ.

 

Do sức ép của dư luận về chuyện lão Bất ngoài tám mươi bị bắt và bị đánh què chân. Trên không thể làm ngơ được đã cử cán bộ xuống điều đình với dân. Cuộc thương thảo diễn ra suôn sẻ. Một mảnh giấy viết tay có chữ ký của cán bộ và đại diện dân chúng được đưa ra như một đảm bảo. Dân chúng vô tư, hể hả vì thành công của mình. Họ lại một lần nữa ngây thơ tin vào lời hứa. Nếu họ đủ tỉnh táo và thông minh để đọc kỹ những gì ghi trên mảnh giấy thì hay biết mấy. Chuyện này đã không xảy ra.

 

Đi liền với câu nói: "cán bộ sai thì cán bộ sẽ xin lỗi dân, dân sai thì sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật". Lão Bất được đưa vào viện để chữa chạy. Thằng Đời và một vài cán bộ thôn khác bị buộc thôi chức. Một vài luật sư bị bắt sau vụ này vì tội viết hộ dân đơn khiếu nại kêu oan. Còn gì nữa, có trời mới biết.

 

Thằng Đời vào viện thăm thầy nó với bộ mặt thiểu não:

 

- Thầy đã thấy sướng chưa? Bây giờ đi đâu cũng nghe dân chửi "Đời đúng là chó má!" Mà Đời là cái chó gì? Tại thầy cả.

 

Bà Cần rơm rớm nước mắt. Cũng như xưa, bà lẳng lặng lấy cái khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán của chồng mà chẳng nói câu nào. Lão Bất im lặng, cũng không hiểu lão đang nghĩ gì. Cặp mắt của lão nhìn như thôi miên lên cái trần quét sơn trắng toát... đầy siêu thực...

 

 

Hè 2017.