Người Đàn Bà Và Người Đàn Ông Có Chiếc Lồng Chim

Tả Ý

Sau mười năm chu du thiên hạ học hỏi và thu lượm kiến thức, đã đến lúc tôi phải về nhà. Tôi ra đi một mình, không hề ngoái lại lấy một lần. Lúc đi chỉ có một, lúc về tôi đã có gia đình riêng gồm bốn người. Tôi, vợ tôi và hai đứa con, một trai, một gái. Khi biết tôi có ý định hồi hương có người bảo: "Ở nhà đói kém, người ta chạy đi còn không được, cả gia đình ông đang ở đây, về làm gì!" "Tôi cũng chưa biết về sẽ làm gì, nhưng cái sự nó phải thế. Chỉ có điều không phải vì yêu nước đâu nhé!"

 

Việc đầu tiên là tôi đi thăm lại những người quen cũ. Mười năm, thời gian nói là ngắn cũng ngắn, nói là dài cũng dài, mọi thứ thay đổi. Người quen của tôi đã không còn ở chỗ tôi tìm đến. Tần ngần đứng trước khu tập thể nhà báo 96 Hàng Trống, chợt thấy một người từ trong ra tôi hỏi:

 

- Làm ơn cho tôi hỏi, anh T đi đâu mà tôi bấm chuông mãi...

 

- Anh là thế nào với anh T?

 

- Tôi là bạn, muốn lại thăm anh ấy.

 

Người nọ nhìn tôi từ đầu đến chân đầy cảnh giác, lắc đầu quầy quậy, đi vụt qua, ném ra đằng sau cái giọng đầy bực dọc:

 

- Chó chết, thế mà cũng đòi là bạn, thấy sang bắt quàng làm họ, người ta chuyển nhà đi được năm sáu năm mà không biết còn đến hỏi...

 

- ?!

 

* * *

 

Duy nhất có một người vẫn còn ở chỗ cũ, khu tập thể Giảng Võ.

 

- Minh đấy à, vào đi, cũng lâu rồi đấy nhỉ?!

 

- Vâng, mười năm. Cũng gần ngang với Đoạn trường tân thanh.

 

Bà vợ của giáo sư Đình Quang dẫn tôi vào phòng khách.

 

- Chờ tý, anh Đình Quang ra ngay.

 

Giáo sư Đình Quang so với lúc tôi rời Hà Nội hầu như không thay đổi gì. Chuyện trò được một lúc thì nhà lại có khách. Tôi định chào ra về thì Giáo sư bảo:

 

- Không sao, cậu ấy là học trò của mình ấy mà.

 

Học trò của giáo sư nhìn tôi đầy nghi hoặc. Có lẽ anh ta đang cố đoán xem tại sao tôi lại có mặt ở đây. Lúc giáo sư vào nhà trong anh nhìn như xoáy vào tôi:

 

- Ông có việc cần nhờ vả thầy tôi à?

 

Tôi đoán trước là anh sẽ hỏi như vậy, mỉm cười nói:

 

- Tôi chỉ đến thăm gia đình giáo sư thôi, không nhờ vả gì, anh cứ yên tâm.

 

- Thấy nói ông mới ở nước ngoài về, tôi đoán ông tới nhờ vả xin việc.

 

- Anh nghi ngờ có lý lắm, chỉ có điều tôi không có ý ấy.

 

- Thế cái gói gì trong tay ông kia?

 

Tôi hơi bực vì bị người lạ tra khảo:

 

- Đây, anh cứ mở ra xem có thứ anh cần biết không!

 

Chợt như thấy hơ lố bịch anh ta bảo:

 

- Không cần, tự ông mở ra thì hơn!

 

Tôi cứ tưởng anh ta nói không cần, hoá ra vẫn muốn biết bên trong là gì...

 

- Vậy thì chờ tý, giáo sư ra chúng ta cùng xem...

 

Tôi rút tập ảnh chụp tranh tôi mới lấy ở cửa hàng ảnh trước lúc đến thăm giáo sư để lên bàn. Giáo sư Đình Quang xem rất kỹ, từng cái, xem đi xem lại. Đột nhiên ông ngẩng lên cười nói với tôi:

 

- Khá lắm, có phong cách lắm. Người ta thì tả cảnh, tả vật còn cậu thì tả ý.

 

Thú thật đến bây giờ, khi giáo sư không còn nữa, tôi vẫn băn khoăn về chữ "tả ý" của ông.

 

- Mình mượn một tý, chờ mình một lát nhé!

 

Ông vừa nói vừa cầm tập ảnh của tôi đi sang phòng bên cạnh.

 

- Này, hoá ra ông đến nhờ thầy tôi nhận xét tranh của ông à? Được thầy khen như vậy không có nhiều người đâu. - Giọng anh ta hoà hoãn đi nhiều.

 

- Rất tiếc phải nói là anh vẫn nhầm. Tôi cũng không có ý ấy.

 

- Sao?!

 

- Chả sao cả, sự thật là vậy.

 

- Ông cũng cao đạo lắm, không thèm xin giáo sư chỉ giáo cơ đấy.

 

- Không dám, sự thật chỉ là thăm hỏi thôi mà.

 

- Thế ông đã học được gì, nói xem nào! - Giọng anh ta có vẻ như thách đố, tôi bèn nở một nụ cười thương hại:

 

- Tôi chỉ học được có mỗi một điều: tôi không biết gì hết.

 

- Hả?!

 

- Và tôi mới biết một điều khác, anh đang cầm bó đuốc trên tay mà suốt ngày chạy vạy xin lửa. Kể ra cũng buồn, người ta ngồi trên đống thuốc mà chết bệnh, đứng trên núi vàng mà chết đói!

 

Giáo sư Đình Quang đã quay lại, cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Chỉ vào cậu học trò ông bảo:

 

- Làm quen nhau rồi hả, cậu này cũng được lắm đấy!

 

- Dạ, vâng, đã làm quen.

 

- Mình xem lại và suy nghĩ kỹ rồi, nghệ thuật không nằm ra ngoài mấy phạm trù ấy đâu. Tranh của cậu thiên về tả ý.

 

Tả ý ư? Thì ra tôi vẫn chưa biết, chưa hiểu mình lắm. Có lẽ thế!!!

 

Sau rằm tháng Giêng năm Bính Thân 2016.