Người giàu có nhất thành Babylon

Phần 8: Người may mắn nhất ở Babylon

Sharru Nada, ông hoàng thương lái, đang ngồi oai vệ trên lưng con lạc đà dẫn đầu đoàn lữ hành trở về Babylon sau một chuyến buôn dài ngày. Ông là người rất thích những bộ áo quần sang trọng, quý phái được may từ các loại vải tốt nhất. Ông cũng rất thích cưỡi những con ngựa đẹp, khỏe mạnh thuần chủng Ả Rập.

Ông Sharru Nada đã khá cao tuổi, nhưng vẫn tỏ ra tinh nhạy và luôn vui vẻ, hòa nhã với mọi người. Nhưng nhìn vào ông lúc này, những người thân cận đều cảm nhận được ông đang có nỗi lo lắng nào đó trong lòng.

Cuộc hành trình từ Damacus thật dài ngày với rất nhiều gian truân trong sa mạc đã không làm ông băn khoăn. Những bộ lạc dữ tợn người Ả Rập rình rập cướp bóc các đoàn lữ hành giàu có cũng chẳng làm ông sợ, bởi ông đã có một đoàn kỵ binh đông đảo hộ tống.

Chỉ đối với chàng trẻ tuổi đang đi sát cạnh mà ông đã đưa về từ Damacus, là làm ông lo nghĩ. Anh ta chính là Hadan Gula, cháu của một đối tác làm ăn của ông, có tên là Arad Gula và cũng là người mà ông mang ơn suốt đời. Giờ đây, ông muốn đền đáp lại một phần công ơn của Arad Gula bằng cách dạy dỗ Hadan Gula nên người và trở thành một thương gia giỏi. Nhưng có lẽ, công việc mà ông dự định thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhìn cách ăn mặc diêm dúa và những trang sức rườm rà trên người Hadan, Sharru Nada thầm nghĩ: “Nét mặt rắn rỏi của cậu ta không khác gì ông Arad Gula ngày trước, nhưng quan trọng là ý chí, sự kiên nhẫn, chịu khó của một thương gia dường như không hề có trong con người anh ta. Dạy anh ta làm việc đã khó, nhưng làm thế nào để uốn nắn tư tưởng, điều chỉnh những thói quen ăn chơi, tiêu xài phung phí của anh ta lại càng khó hơn. Mình phải làm sao để giúp cậu ta khôi phục sự nghiệp kinh doanh của gia đình, vốn đã bị cha của cậu ta làm cho suy sụp?”.

Bỗng nhiên, Hadan Gula lên tiếng, cắt ngang dòng suy nghĩ của ông Sharru:

-Tại sao ông luôn phải làm việc cực nhọc, gian khổ cùng với đoàn lữ hành như thế?

Có bao giờ ông dành thời gian để tận hưởng những thú vui cuộc sống không? Sharru Nada mỉm cười không trả lời mà hỏi ngược lại Hadan Gula:

– Hưởng thụ cuộc sống ư? Cháu sẽ tận hưởng cuộc sống như thế nào nếu cháu ở vào địa vị của ta?

– Nếu cháu giàu có như ông, cháu sẽ sống theo cách của một ông hoàng. Cháu sẽ không bao giờ cưỡi lạc đà băng qua sa mạc nóng bỏng và làm việc gian khổ, cực nhọc. Cháu sẽ thoải mái tiêu xài những đồng tiền của mình. Cháu sẽ mặc những bộ quần áo sang trọng và đeo những trang sức quý báu nhất. Đó chính là một cuộc sống đáng sống – một cuộc sống mà cháu hằng mong ước.

Ông Sharru Nada bật cười rồi buột miệng nói:

– Ông nội của cháu không bao giờ làm như vậy. Thật sự cháu không muốn làm việc một chút nào sao?

– Việc làm chỉ dành cho những kẻ nô lệ thôi! – Hadan Gula đáp không cần nghĩ ngợi.

Câu nói của chàng trai trẻ càng khiến ông Sharru thấy rõ những lo lắng của mình là có cơ sở. Ông trầm tư suy nghĩ, mặc cho con lạc đà sải bước xuống bờ dốc thoai thoải. Xuống đến cuối dốc, ông dừng con vật lại và chỉ tay về phía trước:

– Xem kìa, đằng kia là thung lũng. Hãy nhìn ra xa một chút, cháu sẽ nhìn thấy lờ mờ những bức tường thành của Babylon. Một chấm trắng nho nhỏ nổi bật kia là ngôi tháp của Đền Chuông đấy. Nếu tinh mắt, cháu có thể nhìn thấy làn khói bốc lên từ ngọn lửa vĩnh cửu ở trên đỉnh nóc của nó.

– Babylon đấy thật sao ông? Đã từ lâu rồi cháu luôn ao ước được nhìn thấy vương quốc giàu có này. Babylon là nơi mà ông nội cháu ngày xưa đã bắt đầu sự nghiệp. Ước gì ông nội còn sống. Nếu còn ông thì chúng cháu sẽ không gặp phải cảnh khổ cực như ngày hôm nay.

– Tại sao cháu lại ước ông nội cháu còn sống, khi ông ấy đã hoàn thành trách nhiệm của mình trên cõi đời này? Cháu và cha cháu vẫn có thể làm tốt công việc của ông nội cháu mà.

– Than ôi! Cháu và cha cháu không có tài làm ra vàng như ông nội của cháu. Và vì vậy mà đã làm tiêu tán hết gia sản của ông nội cháu để lại.

Sharru Nada không đáp mà điều khiển con lạc đà tiếp tục hướng đến thung lũng. Phía sau lưng ông, đoàn lữ hành lại tiến bước một cách chậm chạp trong đám bụi đỏ mịt mù. Một lúc sau, họ đã đi ngang qua những trang trại của nông dân Babylon.

Ông Sharru Nada bỗng chú ý đến ba ông lão đang cày ruộng bên vệ đường. Một cảnh tượng thật quen thuộc và cũng thật buồn cười! Một ông lão cầm cán cày, nhưng bàn tay của ông ấy đang run rẩy nên cái cày cũng lắc lư theo. Hai người còn lại đang hì hục điều khiển hai con bò, nhưng có vẻ những trận roi không thấm thía gì với lớp da dày của chúng, nên mấy con bò vẫn không nhúc nhích được bao nhiêu. Sau một lúc, cả ba ông đều dừng lại và thở dốc.

Cách đây bốn mươi năm, Sharru Nada đã từng ganh tỵ với những con người này! Ông ước gì mình được thay thế chỗ của họ! Nhưng sau bốn mươi năm, địa vị của ông và họ thật khác hẳn. Ba người này vẫn cặm cụi, lam lũ trên mảnh đất của mình. Còn ông, ông hãnh diện quay đầu nhìn lại đoàn lữ hành, những con lạc đà và những con lừa to, khỏe đang chở đầy hàng hóa trở về Babylon. Tất cả số tài sản này là của ông và nó chỉ là một phần nhỏ trong số gia sản hiện ông đang có được.

Ông chỉ tay về phía ba ông lão đang cày ruộng và nói với Hadan Gula:

– Họ vẫn cày trên cánh đồng này suốt bốn mươi năm qua.

– Vậy sao! – Hadan Gula ngạc nhiên – Tại sao ông cho rằng, họ chính là những con người của bốn mươi năm về trước mà không phải là người khác?

– Ta đã từng biết họ cách đây bốn mươi năm. – Sharru Nada đáp lại.

Những hình ảnh của quá khứ bỗng hiện lên trong tâm trí Sharru Nada. Quá khứ của ông là một chuỗi ngày làm lụng vất vả và khổ cực. Nhưng cũng nhờ đó mà ông đã học được nhiều bài học quý giá để có được những thành quả như ngày hôm nay. Rồi ông nhớ đến gương mặt nhân hậu củaArad Gula, người đã cứu vớt cuộc đời của ông trong những ngày khốn khổ đó. Đến đây, sự do dự trong ông khi nhận lấy trách nhiệm rèn luyện Hadan Gula bỗng biến mất. Ông quyết tâm giúp đỡ Hadan Gula, nhưng lại không biết làm thế nào để khiến chàng trai lười lao động và quen tiêu hoang này tâm phục. Ông thừa khả năng giúp cho những người quyết tâm làm việc siêng năng, tự lập và có ý chí tiến thủ trở nên giàu có; nhưng đối với chàng trai này, muốn tác động để làm thay đổi cách suy nghĩ của anh ta đã là một điều hết sức khó khăn.

Bỗng một kế hoạch vụt hiện ra trong suy nghĩ của ông. Nhưng vốn là người thận trọng, ông cần cân nhắc, xem xét mọi khả năng có thể xảy ra trước khi thực hiện nó. Trong một xã hội vốn xem trọng nguồn gốc danh giá và uy tín con người, nếu ông thổ lộ những bí mật thân thế của ông và ông Arad Gula cho chàng trai này nghe, thì sự thể sẽ thế nào? Có xảy ra điều gì tồi tệ không? Nhưng nếu ông không đặt niềm tin ở Hadan Gula, thì ngược lại, có lẽ ông cũng không bao giờ có được sự tin tưởng của cậu ta, và ông sẽ không bao giờ cải huấn anh chàng này được. Suy nghĩ một lúc, ông quyết định vượt qua sự e ngại và cất giọng nhẹ nhàng:

– Cháu có thích nghe ta kể chuyện ông nội đáng kính của cháu và ta đã hợp tác làm ăn như thế nào không?

– Đó chính là điều mà từ lâu cháu rất muốn biết đấy ạ! Biết đâu cháu có thể học hỏi và trở nên giàu có như ông của cháu. – Hadan Gula thành thật trả lời.

Sharru Nada gật đầu và nói tiếp:

– Lúc gặp những người cày ruộng này, ông không lớn hơn cháu bây giờ đâu. Ông nhớ rất rõ, ông và nhiều người khác đang bị xiềng xích và đi đến gần đám ruộng mà họ đang cày. Megiddo, người đang bị xiềng kế ông, đã chế giễu họ:

– Hãy nhìn cái thứ lười nhác kia xem! Kẻ cầm cày thì không cố gắng để cày cho sâu. Cònkẻ lùa bò thì cũng chẳng giữ cho bò đi đúng hàng. Chắc họ nghĩ rằng, mùa màng có thể bội thu mà không cần phải cày cấy tốt!

– Ông bảo lúc đó ông đang bị xích à? – Hadan Gula ngạc nhiên hỏi.

– Ừ, mọi người bị tròng vào cổ những khoen đồng rất to và dưới chân bị xích lại với nhau bằng một sợi dây xích dài nặng trịch. Kế Megiddo là Zabado, kẻ ăn trộm cừu. Ông biết anh ta từ hồi còn ở Harroun. Ở cuối hàng là một người mà các ông gọi làTên cướp biển. Bởi vì, anh ta không chịu cho biết tên của mình. Bọn ông đoán anh ta là một thủy thủ. Bởi vì, trên ngực của anh ta có xăm hình con rắn biển khá lớn.

– Ông cũng bị xiềng xích giống như một kẻ nô lệ sao? – Hadan Gula lại càng thắc mắc.

– Vậy ông nội của cháu không hề cho cháu biết, ông đã từng là một nô lệ sao?

– Ông cháu vẫn thường nói về ông, nhưng không bao giờ hé lộ điều này.

– Ông của cháu là người không làm ta thất vọng bao giờ. Ta hoàn toàn đặt niềm tin của mình vào ông ấy. Ngay cả cháu cũng vậy, ta có thể đặt niềm tin vào cháu chứ? – Sharru Nada nhìn thẳng vào mắt của Hadan Gula.

– Ông có thể tin tưởng tuyệt đối vào cháu. Nhưng cháu vẫn không hiểu nổi tại sao ông lại trở thành một kẻ nô lệ?

Sharru Nada nhún vai trả lời:

– Bất cứ ai cũng có thể bị biến thành nô lệ. Trong một cuộc ẩu đả, anh ruột của ông đã giết chết người bạn của mình. Cha của ông đã gán ông để lấy một số tiền để chuộc anh ấy khỏi bị tử hình. Và rồi cha của ông sau đó không có cách nào kiếm đủ tiền để chuộc lại ông. Cuối cùng thì người chủ đã bán ông cho một kẻ buôn nô lệ.

– Thật bất công quá! – Hadan Gula kêu lên phẫn nộ. – Nhưng hãy nói cho cháu biết làm thế nào ông lại được tự do?

– Rồi cháu sẽ biết thôi, nhưng chưa phải ngay bây giờ, cứ để ông tiếptục câu chuyện đã. Lúc nghe Megiddo nói như vậy, những người nông dân đó cũng chế nhạo lại các ông. Một người trong bọn họ giở cái nón rách của mình ra rồi cúi gập người xuống thật sâu vừa chào, vừa la to:

– Vương quốc Babylon xin chào mừng các ngài, những vị khách quý của đức vua. Quốc vương đang mở yến tiệc trên hoàng thành, với món bánh mì bùn và xúp hành cho các vị đấy!

Nói xong, bọn họ cùng bò lăn ra cười.

Anh chàng cướp biển nổi khùng lên và chửi bới họ thẳng thừng. Ông thì không hiểu gì cả nên hỏi anh ta:

– Những kẻ đó muốn nói gì khi bảo nhà vua đang chờ chúng ta trên các tường thành?

– Nó có nghĩa là chúng ta sẽ phải vào đó để vác gạch, khiêng đất đá cho tới khi gãy xương sống mới thôi. Nhưng có lẽ anh sẽ chết vì những trận đòn của họ trước khi chết vì gãy sống lưng đấy. Nhưng tôi thì họ không đánh được đâu. Vì nếu họ đánh tôi, tôi sẽ giết họ!

Megiddo bỗng nói:

-Tôi không tin các ông chủ muốn đánh chết những nô lệ làm việc siêng năng và cần mẫn.Ai mà chẳng thích những người nô lệ chăm chỉ và làm nhiều việc cho họ.

– Làm việc nhiều để được cái gì, hả Megiddo? – Zabado chen vào. – Cuối cùng thì anh cũng bị đánh gãy xương thôi.

– Anh đừng nói như thế chứ Zabado! – Megiddo cãi lại. – Trong một ngày, nếu anh cày được một công đất, thì anh là một nô lệ làm được việc, và bất cứ ông chủ nào cũng sẽ nhận biết điều đó. Nhưng nếu anh chỉ cày được nửa công đất thôi, thì đấy có nghĩa là anh đang né tránh công việc.Tôi thì không né tránh công việc.Tôi thích làm việc và muốn được làm việc siêng năng. Bởi vì, công việc là người bạn tốt nhất mà tôi từng biết. Nó sẽ mang lại cho tôi nhiều thứ tôi cần như trang trại, gia súc, mùa màng…

– Ối chà! Những thứ ấy bây giờ ở đâu cả rồi, anh Megiddo? – Zabado giễu cợt. – Tôi cứ tưởng tốt nhất là có được mọi thứ mà không cần phải làm lụng gì cả chứ! Hãy nhìn Zabado này,nếu chúng ta bị bán vào đấy để làm những công việc nặng nhọc như xây tường thành kia, thì tôi sẽ đi lấy nước hay làm một việc dễ dàng nào đó. Cột sống của tôi sẽ không bị gãy. Trong khi anh là người ham làm việc, anh sẽ bị gãy xương sống do phải khuân vác gạch đấy!

Đêm ấy, ông lo lắng quá nên không thể nào chợp mắt được. Trong khi những người khác đã ngủ say, ông vẫn trăn trở khiến sợi dây xích ở dưới chân kêu loảng xoảng, làm cho Godoso chú ý.Anh ta là một trong những kẻ cướp nổi tiếng tàn bạo ở Ả Rập, thường cắt cổ nạn nhân của mình sau khi cướp bóc. Anh ta từng bị bắt và bị bán làm nô lệ vài lần nên có rất nhiều kinh nghiệm. Ông bèn thì thầm hỏi anh ta:

– Anh hãy làm ơn nói cho tôi biết đi, anh Godoso! Khi chúng ta tới Babylon, liệu chúng ta có bị bán vào trong những bức tường thành kia không?

– Tại sao mày muốn biết điều đó? -Anh ta gầm gừ hỏi lại.

– Hay là anh cũng không biết? – Ông nài nỉ. – Tôi đang còn trẻ. Tôi muốn sống. Tôi không muốn làm việc ở đó và bị đánh chết. Tôi có cơ hội gặp được một ông chủ tốt không? Lúc này, anh ta dịu giọng đáp lại:

– Theo tôi được biết, giống như mọi lần, trước hết chúng ta bị mang ra chợ mua bán nô lệ. Ở đấy, khi có người đến mua, cậu hãy nói với họ rằng cậu là một người chăm chỉ, chịu khó và siêng năng làm việc. Cậu phải tìm cách để họ muốn mua mình. Nếu không, cậu sẽ bị bán vào làm nô lệ xây tường thành. Đó là một công việc rất nặng nhọc và không có đường sống sót để trở về đâu!

Anh ta nói xong và nhắm mắt ngủ. Còn ông, nằm dài trên cát, ông nhìn lên những vì sao trên trời và nghĩ ngợi về số phận phía trước của mình. Ông nhớ lại lời Megiddo đã nói về công việc và tự hỏi không biết vì sao anh ta cho rằng công việc chính là người bạn tốt nhất của anh ta. Ông chưa hiểu rõ, nhưng ông tin vào những gì Megiddo đã nói. Có lẽ, đây là lối thoát duy nhất của ông trong tình cảnh này.

Khi Megiddo thức giấc, ông liền thì thầm những tin mới cho anh ta nghe. Một tia hy vọng bắt đầu nhen nhóm khi bọn ông đến gần thành Babylon. Đến xế chiều, ông đã đến gần bức tường thành đồ sộ đang xây dở dang và nhìn những dòng người, giống như những đàn kiến đen đang nối nhau trên các bậc thang nghiêng nghiêng bám dọc vách tường. Khi đến nơi, ông kinh ngạc khi thấy hàng ngàn người đang làm việc; một số người đào đất dưới đường hào, những người khác đang trộn bùn để đóng thành gạch; còn số đông nhất thì đang khuân những giỏ gạch nặng trĩu và leo lên những bậc thang để chuyển gạch tới nơi đang xây.

Ngoài ra, ông còn thấy bọn quản nô chửi bới và dùng cây roi quất thẳng tay vào những tấm lưng trần trơ xương của đoàn người khổ sai, nếu họ bước đi chậm chạp hoặc không giữ được hàng. Những nô lệ không còn bước nổi hoặc vì đuối sức mà vấp chân ngã xuống, sẽ lập tức hứng chịu ngay một trận mưa roi tàn nhẫn. Nếu không gượng đứng dậy được nữa thì lập tức họ bị xô qua một bên và nằm bẹp ngay tại đó, hoặc bị kéo đến khu vực dành cho những người đang nằm hấp hối, trên con đường dẫn tới những nấm mồ chôn cất qua loa. Chứng kiến cảnh tượng ghê rợn đó, ông hoảng hốt rùng mình. Điều này quả thật đang chờ đợi ông, nếu như không có ai mua ông ở chợ nô lệ.

Godoso đã nói đúng. Đêm đó tất cả bọn ông bị nhốt vào một chỗ và sáng hôm sau, người chủ nô lệ mang cả bọn ra chợ bán. Ởđây,một sốngười hoảng sợ, bị kích động nên đã xô đẩy nhau và gây náo loạn. Bọn quản nô không ngại ngần giáng những trận roi xuống đầu của họ. Trong tình cảnh đó, ngược lại với mọi người, Megiddo và ông đang nôn nóng chờ đợi cơ hội chứng tỏ năng lực làm việc của mình với những người đến mua nô lệ.

Bọn ông cũng rất lo lắng cho kẻ cướp biển. Anh ta là người phản kháng mạnh mẽ nhất. Vì vậy, bọn quản nô đã đánh anh ấy rất dã man, đến nỗi phải ngất đi trước khi lôi anh ta giao cho đội lính đi mua nô lệ của nhà vua.

Megiddo linh cảm rồi đây rất khó có cơ hội gặp lại nhau, nên lợi dụng lúc không ai chú ý, anh ấy vội vàng thì thầm với ông những điều quan trọng:

– Có một số người vốn ghét làm việc. Họ xem công việc như kẻ thù. Nhưng với chúng ta, tốt nhất là hãy xem công việc như một người bạn tốt.Anh hãy cố gắng yêu thích công việc và đừng bao giờ né tránh những việc nặng nhọc. Để được một ngôi nhà khang trang, một cuộc sống ấm no, thì ta không thể không làm việc. Anh hãy hứa với tôi là nếu được một ông chủ mua, anh hãy cố gắng làm việc thật chăm chỉ cho ông ta. Nếu ông ta không đánh giá đúng năng lực của anh, thì anh cũng đừng nên nản lòng. Luôn nhớ rằng, cần phải làm việc, cứ làm việc sao cho tốt và làm hết khả năng của mình. Điều đó không những sẽ mang lại cho anh một cuộc sống no đủ, mà anh còn có thể nhờ đó mà chuộc lại cuộc đời tự do của mình đấy.

Megiddo ngừng nói khi nhìn thấy một người đàn ông vạm vỡ đến hỏi có người nào biết làm việc đồng áng không. Megiddo tiến đến và hỏi về công việc trang trại, mùa màng của ông ta, rồi sau đó thuyết phục ông ta rằng, mình là một người rất thành thạo công việc đồng áng. Sau cuộc thương lượng ráo riết, người đàn ông đó đã bỏ ra một túi tiền nặng trịch để mua Megiddo. Rất nhanh sau đó, Megiddo đi theo và mất hút cùng với ông chủ mới của mình.

Một số người khác cũng đã được bán đi trong buổi sáng hôm đó. Vào buổi trưa, Godoso tiết lộ với ông, người buôn nô lệ đó không lưu lại ở đây quá hai đêm. Có thể vào cuối buổi chiều, số nô lệ còn lại sẽ bị bán cho người mua nô lệ của nhà vua. Nghe vậy, ông thật sự rất thất vọng. Đúng lúc đó, một người đàn ông khá mập mạp thả bộ đến và cất tiếng hỏi có ai đã từng là thợ làm bánh mì không?

Ông liền bước tới gần ông ta và nói:

– Tại sao một người thợ làm bánh kỳ cựu như ông lại cần một người thợ làm bánh khác? Ông vẫn có thể dạy cho một người nào đó như tôi chẳng hạn cách làm bánh mà? Hãy nhìn vào tôi này! Tôi còn trẻ tuổi, khỏe mạnh và lại ham thích làm việc. Hãy cho tôi một cơ hội để làm hết sức mình và mang lại nhiều tiền bạc cho ông.

Ông ấy có ấn tượng ngay với thái độ đầy thiện chí của ông và bắt đầu thương lượng với người buôn nô lệ. Gã ấy vốn khônghề chú ý tới ông từ khi mang ôngtới đây,nhưng bây giờ thì huênh hoang khoác lác nói về những khả năng, sức lực và tài cán của ông để đòi tiền cao hơn. Ông cảm thấy mình giống như một con bò trong cuộc thương lượng đó. Cuối cùng, cuộc thương lượng cũng kết thúc. Ông ra đi cùng với người chủ mới của mình và tự an ủi rằng, dù sao mình cũng đã gặp may.

Chỗ ở mới của ông khá tốt. Ông Nana-naid, chủ mới của ông, đã dạy cho ông cách giã lúa mì trong cối đá, rồi đến cách đốt lửa trong lò và cách nghiền hạt mè cho thật nhỏ để làm bánh mật ong. Ông được cho ngủ trong kho cất giữ ngũ cốc. Bà Swasti, người nô lệ làm quản gia cho ông Nana–naid, luôn cho ông ăn uống đầy đủ vì ông vẫn thường giúp bà ấy làm những công việc nặng nhọc.

Đây chính là cơ hội mà ông từngmong muốn để làm việcchăm chỉ,và để tỏ ra xứng đáng với ông chủ của mình. Ông hy vọng công việc sẽ giúp ông có điều kiện chuộc lại sự tự do của mình trong tương lai.

Quả thật, ông Nana-naid rất vui khi thấy ông có thiện chí học hỏi. Sau cùng, khi ông đã thành thạo công việc nướng bánh, ông ấy đã dạy cho ông biết cách làm bánh mật ong. Chẳng bao lâu sau, ông đã hoàn toàn thạo nghề làm bánh. Thế là ông Nana-naid không cần phải nhúng tay vào bất cứ việc gì trong lò bánh, vì mọi việc đã có ông làm hết. Tuy nhiên, bà Swasti lắc đầu bảo nhỏ với ông rằng: “Nhàncưvi bất thiện”, bà lo rằngông chủ quá rảnh rang sẽ là điều không hay, vì bà đã từng thấy rất nhiều người như thế.

Nhưng ông không quan tâm đến những lời bà Swasti nói. Ông nghĩ đã tới lúc mình cần nghĩ cách làm thế nào để có thể kiếm ra tiền và chuộc lại sự tự do cho mình. Thông thường công việc ở lò bánh kết thúc vào buổi trưa, nên ông nghĩ ông Nana-naid chắc hẳn sẽ đồng ý cho ông làm bánh đi bán vào buổi chiều. Bởi vì, công việc này cũng sẽ mang lại cho ông ấy một số tiền.

Thế là ông trình bày ý định của mình với ông Nana-naid:

– Thưa ông! Nếu tôi tận dụng những buổi chiều rảnh rỗi để làm bánh và đi bán kiếm thêm tiền cho ông, thì ông có sẵn lòng chia cho tôi một ít để tôi mua sắm những món đồ cần thiết cho cuộc sống của mình không?

– Chia chứ, chia chứ! – Ông Nana-naid nói ngay. – Đây quả thật là một ý kiến rất hay. Mày cứ bán với giá hai xu một cái. Một nửa số tiền thu được tao sẽ dùng để trả tiền bột mì, mật ong và củi lửa. Số còn lại ta sẽ chia đôi.

Ông rất vui sướng về tính tình rộng rãi của ông Nana-naid và yên tâm thực hiện kế hoạch của mình. Thế là một phần tư của số tiền kiếm được trong một ngày đi bán bánh sẽ là của ông. Đêm đó, ông thức rất khuya để làm một cái khay bánh đi bán dạo. Ông Nana-naid cho ông một cái áo cũ và ông nhờ bà Swasti vá lại những chỗ rách rồi đem giặt giũ sạch sẽ, để chiều mai mặc vào mà đi bán bánh.

Chiều hôm sau, ông đội một khay bánh mật ong lớn trông rất ngon lành và được bày rất bắt mắt đi dọc theo các con phố, cất tiếng rao hàng luôn miệng. Đầu tiên, chẳng thấy ai chú ý đến cả, ông cảm thấy thất vọng nhưng vẫn cố gắng tiếp tục rao bán. Vào xế chiều, mọi người bắt đầu đói bụng nên mua rất nhiều. Chẳng mấy chốc, cả khay bánh đã bán hết.

Ông Nana-naid rất hài lòng với kết quả công việc của ông và vui vẻ trích ra cho ông một phần tư số tiền như đã thỏa thuận trước đó. Ông hết sức mừng rỡ, vì từ đây ông đã có những đồng tiền riêng của mình. Megiddo quả thật rất có lý khi bảo rằng, ông chủ sẽ đánh giá đúng mức kết quả công việc của những người nô lệ. Đêm ấy ông không ngủ được. Một mặt, ông rất phấn khởi trước sự thành công ngoài sự mong đợi. Mặt khác, ông mải tính toán xem nếu với kết quả như thế thì một năm sau ông sẽ kiếm được bao nhiêu tiền và cần bao nhiêu năm ông mới chuộc được sự tự do của mình.

Sau đó, hàng ngày ông tiếp tục mang khay bánh đi bán, chẳng bao lâu ông đã có một số khách hàng quen thuộc. Và một trong những người khách đó không ai khác hơn chính là ông nội của cháu, ôngArad Gula. Lúc đó, ông cháu là một nhà buôn thảm, thường mang hàng hóa chất đầy trên lưng một con lừa đi khắp thành phố cùng với một người nô lệ da đen đi theo để dắt lừa và khiêng thảm. Mỗi ngày ông Arad đều mua hai cái bánh, một cho mình và một cho người nô lệ, đồng thời hay nán lại trò chuyện với ông trong lúc ăn bánh.

Một hôm, ông nội của cháu đã nói với ông một câu mà có lẽ suốt đời ông không bao giờ quên được. Ông ấy nói:

– Tôi rất thích bánh của cậu, nhưng tôi còn thích hơn cách bán hàng rất dễ mến của cậu. Nếu cậu vẫn luôn vận dụng cách thức này thì nó có thể giúp cậu đạt được nhiều thành công hơn đấy.

Cháu có hiểu được không Hadan Gula? Những lời nói như thế rất có ý nghĩa đối với một chàng trai nô lệ, sống đơn độc giữa một vương quốc xa lạ và rộng lớn lúc bấy giờ. Nó đem lại sức mạnh, niềm tin mãnh liệt để ông có thể phấn đấu nhằm thoát khỏi thân phận hẩm hiu của mình.

Ngày tháng cứ thế trôi qua, số tiền ông tích lũy được ngày càng nhiều. Công việc đã chứng tỏ nó là người bạn tốt nhất của ông. Tuy nhiên, trong lúc ông rất hạnh phúc, thì bà Swasti lại thấp thỏm lo lắng: “Tôi chỉ sợ ông chủ lại vướng vào những trò đỏ đen thôi!”. Bà ấy thường nói với ông như vậy.

Cho đến một ngày, ông hết sức vui mừng gặp lại Megiddo trên đường phố. Anh ấy đang dắt ba con lừa chất đầy rau quả đi ra chợ.

– Hiện nay tôi rất khấm khá! -Anh ta bảo. – Ông chủ của tôi đánh giá đúng năng lực của tôi, nên đã cho tôi làm quản lý. Nhìn đây này, ông ấy đã tin cậy giao công việc mang hàng ra chợ bán cho tôi. Công việc đã giúp tôi gượng dậy sau những nghịch cảnh của cuộc đời. Một ngày nào đó, nó sẽ giúp tôi chuộc lại sự tự do của mình, rồi tôi cũng sẽ có một trang trại riêng, bầy gia súc riêng…

Ông và Megiddo trò chuyện rất lâu rồi chia tay. Anh ta vẫn không quên nhắc nhở ông hãy chăm chỉ làm việc. Megiddo đúng là một người bạn khôn ngoan và tốt bụng đối với ông.

Cuộc sống của ông vẫn cứ thế trôi qua, nhưng dường như càng ngày ông Nana-naid càng sốt ruột trông đợi ông đi bán về. Ông ta chờ ông về để chia tiền. Ngoài ra, ông ấy còn hối thúc ông phải đi đến nhiều nơi để bán hàng và kiếm nhiều tiền hơn.

Do vậy, ông bắt đầu đi ra phía ngoài thành để mời những tên cai quản nô lệ mua bánh. Thật lòng, ông không thích tiếp xúc với những kẻ thô lỗ và tàn bạo này, nhưng ông cũng nhận thấy họ là những khách hàng lớn, thường mua một lúc nhiều bánh chứ không chỉ một vài cái như những người khác. Một ngày nọ, ông bất ngờ gặp lại Zabado trong đám người nô lệ đang sắp hàng chờ lấy gạch trên thành. Trông anh ta rất đáng thương, người còm cõi, xác xơ, lưng hằn đầy những lằn roi của bọn cai. Ông cảm thấy thật xót xa nên chìa cho anh ta một cái bánh. Zabado vội vàng nhét ngay vào miệng, ngốn ngấu như một con vật đói khát lâu ngày.Thoáng thấy vẻ thèm thuồng trong đôi mắt của anh ta, ông cảm thấy lo sợ nên đã bỏ chạy trước khi Zabado vồ lấy khay bánh.

– Tại sao cậu phải làm việc vất vả như thế?

Một hôm,Arad Gula đã hỏi ông như thế. Đây cũng là câu hỏi mà cháu vừa mới hỏi ta, đúng không? Ông trả lời như tất cả những gì mà Megiddo đã nói với ông trước đó và hãnh diện đưa cho ôngArad Gula xem cái túi tiền nặng trĩu luôn ở bên thắt lưng, đồng thời giải thích rằng ông đang dành dụm tiền để chuộc lại sự tự do của mình.

– Khi được tự do, cậu sẽ làm gì? – Ông của cháu hỏi ông.

– Tôi đang có ý định sẽ trở thành một thương gia.

– Theo tôi thì chắc chắn sau này, cậu sẽ là một thương gia thành đạt, giàu có.

Ông của cháu nói tiếp:

– Chắc cậu không biết, hiện giờ chính tôi cũng là một nô lệ. Tuy nhiên, tôi đang hợp tác làm ăn cùng với ông chủ của mình nên có điều kiện tốt hơn để kiếm ra nhiều tiền.

– Xin ông đừng nói nữa! – Hadan Gula chen vào – Cháu không muốn ông bêu xấu ông của cháu bằng những lời dối trá như thế. Ông cháu không hề là một nô lệ! Đôi mắt của Hadan Gula lộ vẻ tức giận. Sharru Nada vẫn giữ giọng nói điềm tĩnh:

– Ông rất kính phục ông của cháu. Bởi vì, ông ấy đã vượt qua được số phận nô lệ và trở thành một người công dân gương mẫu nhất ở vùng Damacus. Cháu là cháu nội của ông Arad Gula, nhưng cháu có kế thừa được những đức tính ưu việt của ông cháu không? Cháu có đủ bản lĩnh để đối diện với sự thật hay chỉ muốn sống trong những suy nghĩ ảo tưởng và giả dối mà thôi?

Hadan Gula ngồi thẳng người trên lưng con lạc đà và xúc động đáp lại:

– Mọi người đều rất yêu mến ông nội của cháu. Ông ấy đã làm rất nhiều việc thiện. Khi nạn đói xảy ra, ông đã mua ngũ cốc từ Ai Cập chở về Damacus để phân phát cho dân chúng và nhờ vậy mà không có ai chết đói cả. Thế mà bây giờ ông lại bảo, ông cháu là một kẻ nô lệ khốn khổ ở Babylon!

– Sự thật ông Arad Gula là một nô lệ khi còn ở Babylon. Thời gian này, ông ấy rất vất vả. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực phi thường, Arad Gula đã trở thành một con người được mọi người ở Damacus kính trọng và ngưỡng mộ.

Nghe giọng trầm tĩnh của Sharru Nada, Hadan Gula im lặng, nhưng không hẳnlà đã tin vào điều ông vừa nói. Sharru Nada kể tiếp:

– Sau khi đã cho biết mình là một nô lệ, ôngArad Gula nói rằng ông đang lo lắng về cuộc sống tự do sắp tới của mình. Ông ấy đã có đủ tiền để chuộc lại sự tự do, nhưng ông đang bối rối. Bởi vì đã từ lâu,Arad Gula chỉ làm ăn cùng với ông chủ của mình, bây giờ nếu tách riêng ra, ông ấy cảm thấy lo sợ và không đủ tự tin.

Ông phản đối sự do dự của ông cháu:

– Ông không nên lệ thuộc vào ông chủ của ông mãi như thế. Ông hãy lấy lại tình cảm và suy nghĩ của một con người tự do, đồng thời hãy hành động như một con người tự do và đạt được sự thành công giống như thế! Hãy quyết định theo những điều mà ông cảm thấy thích nhất và phải cố gắng thực hiện. Điều này sẽ giúp ông đạt được nhiều mục tiêu cao hơn!

ÔngArad Gula rất vui sướng khi nghe lời khuyến khích của ông và nói rằng ông ấy cảm thấy xấu hổ về sự hèn kém trong những lời nói vừa rồi của mình. Ông nội của cháu đã nói với ông ngay lúc đó rằng, ông ấy sẽ nhanh chóng chuộc lại tự do và trở thành một người kinh doanh độc lập.

Một ngày nọ, cũng trong một lần đi bán bánh ở bên ngoài thành, ông rất ngạc nhiên khi thấy rất đông người đang đổ dồn về một khu đất trống, như chờ đợi một điều gì sắp diễn ra ở đó. Ông níu một người lại hỏi, người đó đáp:

– Anh chẳng hay gì sao? Một nô lệ đã giết chết một người lính của nhà vua và bỏ trốn. Nhưng họ đã bắt được tên nô lệ ấy và hôm nay sẽ đem hắn ra hành hình bằng cách quất roi cho đến chết. Nhà vua cũng có mặt ở đấy!

Đám đông vây kín nơi hành hình. Ông sợ nếu đến gần thì khay bánh mật sẽ bị lật đổ nên trèo lên bức tường thành đang xây dang dở để nhìn xuống. Ông đã thấy vua Nebuchadnezzar ngồi trên cỗ xe ngựa lộng lẫy đến xem hành hình. Quả là ông chưa bao giờ biết được sự giàu sang thật sự cho đến khi nhìn thấy tận mắt nhà vua Nebuchadnezzar đội cái mũ dát vàng, mặc chiếc áo nhung gấm sang trọng và ngay cả rèm của chiếc xe ngựa cũng bằng loại vải màu vàng quý hiếm.

Ông không nhìn được cảnh họ đánh đập người nô lệ, mặc dù ông nghe rất rõ tiếng kêu thét thảm thiết của người đó. Ông thắc mắc không hiểu tại sao một ông hoàng quý phái, sang trọng như thế lại đành lòng nhìn cảnh trừng phạt thảm khốc ấy, và đùa cợt vui vẻ cùng với những người khác. Họ xem những hành động vô nhân đạo này là hình phạt đích đáng dành cho những người nô lệ dám nổi loạn chống lại nhà vua.

Sau khi người nô lệ ấy chết, xác được treo ngược lên một cây sào để cho mọi người đều nhìn thấy. Chờ khi đám đông tản bớt, ông mới tiến đến gần. Bê bết máu và bùn đất, trên ngực của người nô lệ khốn khổ ấy vẫn còn hình xăm con rắn biển mà ông đã từng biết. Ông bàng hoàng nhận ra đó chính là Kẻ cướp biển ngày trước.

Hôm sau, ông tình cờ gặp lại ông của cháu thì thấy ông ấy đã hoàn toàn thay đổi. Ông ấy chào ông rất nhiệt tình:

– Người nô lệ mà cậu biết trước đây giờ đã là một người tự do rồi. Quả thật, khi đã được tự do, tôi nhận thấy cuộc sống tốt đẹp hơn rất nhiều. Bà vợ của tôi vô cùng sung sướng. Bà ấy là người tự do và là cháu gái ông chủ trước đây của tôi. Chúng tôi quyết định sẽ chuyển nhà đến một nơi khác để làm ăn sinh sống. Và ở đó sẽ không có ai biết được tôi đã từng là một người nô lệ. Như thế, con cháu của chúng tôi sau này cũng không bị ai khinh miệt về những bất hạnh của cha ông chúng. Hiện nay tôi đã rất thông thạo việc buôn bán, nhất định tôi sẽ cố gắng làm việc để kiếm nhiều tiền. Bởi vì, tôi cần phải chăm lo cho gia đình và con cái của tôi sau này.

Nghe ông cháu nói vậy, ông rất vui mừng và tràn đầy hy vọng. Bởi vì, một mặt nào đó, chính ông đã góp phần khích lệ, động viên Arad Gula, cũng như ông ấy đã nhiều lần động viên, khích lệ ông. Mặt khác, ông nhìn thấy tương lai của mình rồi sẽ tương tự như cuộc sống củaArad Gula lúc bấy giờ.

Một buổi chiều nọ, bà Swasti hốt hoảng tìm ông và cho biết:

– Ông chủ lâm vào cảnh khủng hoảng rồi. Tôi rất lo lắng. Đã vài tháng nay, ông ấy luôn thua tiền ở sòng bài. Ông chủ không còn tiền để mua ngũ cốc và mật ong, cũng không có tiền để trả nợ người cho vay tiền. Họ đang đến đòi nợ ông ấy đấy.

-Tại sao bà lại lo lắng đến những chuyện điên rồ của ông ấy chứ. Chúng ta đâu phải là người bảo trợ cho ông ấy! – Ông đáp một cách không suy nghĩ.

– Đồ ngốc nghếch, anh chẳng hiểu gì hết. Đối với người cho vay, ông ấy lấy anh để làm vật chứng vay tiền đấy. Theo luật, ông ấy có thể bán anh như một món hàng để lấy tiền trả nợ. Tôi không biết phải làm sao nữa! Trước đây, ông ta là một ông chủ tốt. Còn bây giờ, sao ông ấy lại ham mê cờ bạc đến thế chứ!

Những lo lắng của bà Swasti là đúng. Sáng hôm sau, ông đang nướng bánh thì người cho vay tiền và một người đàn ông tên gọi là Sasi bước vào. Người này nhìn khắp người ông và ra lệnh cho ông phải đi theo. Người cho vay tiền cũng không chờ gặp ông Nana-naid mà chỉ bảo với bà Swasti nhắn lại với ông chủ là ông ta đã đến và bắt ông đi.Thế là chỉ với tấm áo khoác trên lưng và cái túi chứa những đồng tiền quý giá được buộc an toàn ở thắt lưng, cuộc sống của ông bước sang một trang mới. Nhưng lần này, những gì chờ ông phía trước – may mắn hay rủi ro, bất trắc – ông hoàn toàn không thể đoán được.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau ông mơ hồ nhận ra những điều tồi tệ sắp xảy đến với mình. Sasi là một gã bặm trợn và thô lỗ. Hắn nói toạc ra rằng:

– Tao không thích công việc mày đang làm. Ông chủ của tao cũng không thích. Nhà vua bảo với ông chủ đi xây dựng một con kênh lớn, nên sai tao đi mua thêm các nô lệ để về làm cho nhanh. Hừ! Với sức người có hạn, thì ai có thể làm nhanh công việc khó nhọc này chứ?

Nghe những thông tin này, ông thật sự bị sốc và hiểu rằng mình vừa bị đánh bật ra khỏi những niềm hy vọng, những mơ ước ấp ủ bấy lâu và tiếp tục bị ném vào những trận bão tố của cuộc đời.

Cháu hãy tưởng tượng bọn ông phải làm việc trên một vùng đất nứt nẻ, khô cằn như sa mạc, khôngcó một bóng cây,chỉ toàn là những bụi cây thấp lè tè và mặt trời nắng như đổ lửa xuống. Cổ họng của bọn ông khát cháy nhưng vẫn không thể nào uống nước được, bởi nước uống lúc nào cũng nóng như vừa mới đun sôi vậy. Rồi cháu hãy hình dung ra từng đoàn người bước xuống những hố đất sâu, xúc đầy một giỏ đất rồi vác lên vai, trèo lên thành hố trơn trượt để đến đắp vào bờ kênh. Người này tiếp nối người kia cặm cụi làm việc như những con kiến, từ hừng sáng cho tới khi tối mịt. Ngoài ra, thức ăn được cho vào những cái máng lộ thiên và để mọi người tự ăn lấy như một bầy lợn. Tối đến, thay vì có lều lán hay ổ rơm để nằm nghỉ, bọn ông chỉ nằm trơ trụi trên mặt đất, mặc cho gió cát và cái lạnh hành hạ thân xác. Đó là tình cảnh mà ông đã phải sống trong những ngày tháng ấy. Ông chôn túi tiền của mình ở một nơi được đánh dấu rất cẩn thận và ngày đêm thấp thỏm không biết liệu còn có ngày mình đào nó lên hay không.

Thời gian đầu, ông làm việc rất hăng hái. Nhưng sau đó, thời gian kéo dài, ông cảm thấy tinh thần, sức lực của mình giảm sút. Những cơn sốt bắt đầu xâm chiếm thể xác rời rã của ông. Ông không ăn được nhiều, chỉ nuốt được một ít để cầm hơi qua ngày. Còn về đêm, bệnh tật và gió lạnh không ngừng hành hạ khiến ông không thể ngủ được.

Trong tình trạng khốn khổ đó, ông ước gì mình có thể thực hiện theo kế hoạch của Zabado để cho thể xác được thảnh thơi đôi chút. Nhưng rồi nhớ lại lần gặp Zabado thê thảm trên tường thành ngày trước, ông biết là kế hoạch đó không thể được.

Ông nghĩ về Kẻ cướp biển với tất cả những nỗi đắng cay của anh ta, và ước mình có sức mạnh để tiêu diệt sự tàn bạo. Nhưng cái xác không hồn của anh ta nhắc ông nhớ đến một kết quả thảm hại.

Rồi ông nhớ lại lần cuối cùng ông gặp Megiddo. Đôi bàn tay của anh ta đã chai sạn nhiều do phải làm lụng vất vả, nhưng anh ta vẫn luôn vui vẻ, hạnh phúc, chứng tỏ kế hoạch của Megiddo là kế hoạch tốt nhất.

Chính vì nghĩ như thế nên ông đã cố gắng làm việc. Nhưng tại sao công việc lại không mang đến niềm vui và hạnh phúc cho ông như đã mang lại cho Megiddo? Tại sao cuộc đời của ông luôn gặp những chuyện không may như thế, mặc dù ông đã nỗ lực rất nhiều? Những câu hỏi đó cứ trở đi trở lại trong đầu khiến ông không thể nào ngủ được. Có vẻ như cuộc sống của ông đã đi vào bế tắc.

Vài hôm sau, bỗng nhiên Sasi sai người đến gọi ông và bảo rằng, ông chủ cũ của ông cho gọi ông trở về Babylon. Ông vô cùng mừng rỡ và bí mật đi đào túi tiền quý giá của mình, cuộn nó vào trong mảnh áo choàng rách trước khi lên đường.

Qua phút mừng rỡ ban đầu, mặc dù được ngồi trên lưng lạc đà trở về nhà ông Nana-naid, ông vẫn không sao thoát khỏi lo lắng. Tại sao ông lại được gọi về Babylon? Phải chăng ông sắp đón nhận những trận cuồng phong mới của cuộc đời? Ông đã làm những gì để bị trừng phạt nhiều như thế? Ông còn gặp những bất hạnh nào nữa không?

Khi con lạc đà chở ông tiến thẳng vào sân nhà của ông Nana-naid, ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy ôngArad Gula đang đợi ở đấy. Ông ấy giúp ông leo xuống rồi ôm chầm lấy ông giống như một người em ruột thịt đã xa cách lâu ngày vậy.

Khi hai người cùng bước vào nhà, ông cố ý bước theo chân ông Arad Gula giống như người nô lệ đi theo sau người chủ của mình, nhưng ông ấy không chịu. Ông Arad đặt tay lên vai ông và nói:

– Tôi đã cho người đi tìm cậu khắp nơi. Khi tôi hoàn toàn thất vọng thì gặp được bà Swasti. Bà ấy chỉ tôi tới chỗ người cho vay tiền và nhờ ông ta đưa tôi đến nhà người chủ đang sở hữu cậu. Tôi phải trả một giá rất cao cho sự tự do của cậu, nhưng cậu hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Tôi rất cám ơn cậu về triết lý sống và nghệ thuật bán hàng mà cậu đã từng nói với tôi. Nó đã giúp tôi có được sự thành công như hôm nay đấy.

– Triết lý đó là của Megiddo, chứ không phải của tôi đâu. – Ông bối rối nói với ông Arad.

– Của Megiddo và của cậu nữa. Xin cám ơn cả hai người, chúng ta hãy tới Damacus, tôi rất muốn mời cậu hợp tác làm ăn với tôi. Vì ngay bây giờ, cậu là một con người tự do!

Nói xong, ôngArad rút mảnh đất sét từ trong cái áo choàng ra, trên đó có khắc rõ số tiền chuộc ông, rồi nâng lên khỏi đầu và ném mạnh xuống.Thẻ đất sét vỡ thành trăm mảnh. Ông Arad còn giẫm đạp lên những mãnh vụn đó cho đến khi chúng biến thành bụi.

Ông vô cùng xúc động và không cầm được nước mắt. Ông không bao giờ quên thời khắc đó! Ông của cháu chính là ân nhân, là người mà ông kính trọng suốt đời.

Cháu thấy đấy, chính trong thời kỳ bi đát nhất của cuộc đời, công việc vẫn luôn chứng tỏ là người bạn tốt nhất của ông. Lòng ham thích làm việc đã giúp ông thoát khỏi kiếp nô lệ. Chính nó cũng giúp ông tạo được ấn tượng tốt đối với ông nội của cháu, khiến ông ấy chọn ông là người hợp tác làm ăn sau này.

Hadan Gula hỏi xen vào:

– Bí quyết để kiếm ra nhiều tiền của ông nội cháu là gì hở ông?

– Bí quyết đó là ham thích làm việc! – Sharru Nada đáp rõ từng tiếng. – Và chính bí quyết này đã đem lại cho ông ấy nhiều phần thưởng xứng đáng.

– Cháu bắt đầu hiểu ra rồi. – Hadan Gula cất giọng chân thành. – Công việc đã giúp ông cháu gặp gỡ với nhiều bạn bè. Họ cũng là những người mến mộ tài năng và sự thành công của ông cháu. Công việc cũng tạo ra nhiều của cải giá trị, tạo điều kiện cho ông cháu làm những công việc có ích cho xã hội và được mọi người kính trọng. Vậy mà trước kia cháu vẫn thường cho rằng, công việc chỉ dành cho những người nô lệ.

– Cuộc sống đem lại nhiều thú vị cho con người. – Sharru Nada nhận định. – Mỗi người đều có một vị trí riêng, và công việc hẳn nhiên không chỉ dành cho người nô lệ.

Nếu ông không làm việc, ông sẽ không tìm được niềm vui trong cuộc sống. Ông cũng không kết thân được với nhiều người khôn ngoan. Ông cũng không rèn luyện được những đức tính tốt như kiên nhẫn, cần cù và chịu khó. Và tất nhiên, cuộc sống của ông sẽ không bao giờ được như ngày hôm nay.

Sharru Nada và Hadan Gula ngồi trên lưng lạc đà đi dưới bóng râm của những bức tường cao vút, dẫn đến những cánh cổng bằng đồng đồ sộ của vương quốc Babylon. Khi họ tiến vào cổng, những người lính gác cổng liền giậm mạnh gót chân và kính cẩn chào Sharru Nada, một công dân danh dự của vương quốc.

– Cháu luôn mong muốn được trở thành một người giống như ông nội của cháu. Hadan Gula quả quyết với Sharru Nada. – Trước kia, cháu đã không nhận thức đúng về con người của ông cháu. Nhờ ông, giờ đây cháu đã hiểu và càng ngưỡng mộ, yêu mến ông cháu nhiều hơn. Cháu nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trả hết ơn của ông khi ông kể cho cháu nghe bí quyết thành công của ông cháu và hết lòng giúp đỡ cháu. Từ hôm nay trở đi, cháu sẽ vận dụng bí quyết đó để bắt đầu công việc buôn bán như ông của cháu đã làm trước đây. Nó thích hợp với hoàn cảnh thực tế của cháu hiện giờ hơn là những món đồ trang sức và bộ áo quần lòe loẹt này.

Nói xong, Hadan Gula lần lượt lột những khoen tai, rồi những chiếc nhẫn trên các ngón tay ra và ném mạnh về phía sau. Mạnh mẽ và cương quyết, chàng thúc lạc đà sải bước theo con người uy nghiêm dẫn đầu đoàn lữ hành ấy.