Người thất chí

Chương 4

    Chúa nhựt, nhằm phiên Trinh nghỉ nên chàng ở nhà.

Buổi chiều chàng thấy Phụng đang nằm trên ghế bố mà coi sách, sợ nói chuyện rồi làm cho bạn lo ra, nên chàng đi lại bàn viết mà ngồi. Thấy có hai tờ nhựt trình “Tân Đợi” để trên bàn, chàng mới mở ra mà xem. Chàng chăm chỉ mà đọc, đọc tờ trước rồi lật tới tờ sau nữa. Chàng đọc một hồi rất lâu rồi day lại hỏi Phụng:

-         Báo “Tân Đợi” có đăng hai bài: một bài đề tựa “Nhơn đức nghĩa là ngu dại” với một bài đề tựa “Ông Trời không công bình”, phải của toa đặt hay không?

-         Tại sao mà hỏi như vậy?

-         Hai bài ấy có ký tên “Linh-Phụng” thì là toa chớ ai.

-         Phải. Hai bài ấy của mỏa.

-         Trời ôi! Thuở nay toa tôn-trọng nền phong-hóa lung lắm, mà sao bây giờ toa luận như vậy, lại còn đăng báo cho công-chúng xem?

-         Tâm-hồn của mỏa đã đổi rồi. Mỏa quyết đánh đổ nền phong hóa hủ bại của tổ tiên mình để lại, tồi gây một nền phong-hóa mới có đủ tánh-chất hùng-dũng cương-quyết tấn-thủ, đặng giúp cho đồng-bào mau tấn-hóa cho kịp dân-tộc khác.

Trinh ngó Phụng trân-trân rồi lắc đầu mà than:

-         Chứng bịnh đa-cảm của toa đã lậm trong máu, trong xương rồi, không thể nào trị được!

-         Không! Mỏa có đa-cảm nữa đâu. Mỏa nghe lời toa, mỏa tập tánh thiệt hành, nên mỏa mới viết bài luận như vậy chớ.

-         Không phải vậy, toa hiểu lầm, toa đi lạc. Tại cái óc của toa đa-cảm, lại đa-cảm thái quá nên toa mới luận như vậy, chớ có phải thiệt hành đâu. Để mỏa cắt nghĩa cho toa nghe. Người có trí ý thiệt hành, thì gặp cảnh thiên-hạ vui không biết vui, thấy thiên-hạ buồn không biết buồn, thấy thói tàn-ác không biết giận, gặp người cùng khổ không biết thương, nghĩa là hễ người mà có cái óc thiệt hành thì coi cuộc đời như một hí-trường, dầu vui, dầu buồn, dầu sướng, dầu cực đều là cảnh tạm hết thảy, không cần phải lưu tâm làm chi, cứ lo kiếm phương-pháp mà tránh sự buồn, sự cực, đặng hường sự vui, sự sướng.

-         Người như vậy là người chán đời chớ có phải thiệt hành đâu.

-         Toa muốn kêu là người gì cũng được. Nhưng mà theo ý chí của toa thì toa không phải thuộc về hạng người ấy. Toa nói toa đã bỏ cái thói đa-cảm, toa có bỏ đâu. Toa còn cảm nhiều thêm nữa chớ. Trước kia toa tôn-trọng phong-hóa, toa mê-mẩn thành-kiến, mà toa thấy cuộc đời trái ngược với chỗ toa sùng-bái nên toa sanh phiền-não trong lòng. Vì phiền-não thái quá toa chịu không được, nên sau nầy toa hồi-tâm trở lại toa oán những phong-hóa, ghét những thành-kiến ấy, mà toa lại oán ghét thái quá, cũng như hồi toa sùng-bái đó vậy, cái thái-độ của toa dường ấy há không phải là thái-độ của người đa-cảm hay sao?

Phụng nằm lặng thinh không cãi nữa.

Trinh nói tiếp: “Cái trí ý đa-cảm của toa nó khiến cho toa phải phạm tôi “thái quá” luôn luôn, trước kia buồn-rầu thái quá, sau nầy tức giận thái quá. Toa vẫn biết, dầu việc gì cũng vậy, hễ thái quá thì không tốt. Hôm trước mỏa thấy toa buồn, mỏa khuyên toa đừng thèm buồn. Tại sao bây giờ toa lại đổi ý mà oán trời giận người như vậy? Toa cầm bút mà công kích nền đạo-đức, toa cho người làm nhơn-đức là ngu dại, toa có tư-tưởng như vậy thì toa cách mạng tới trăm phần trăm rồi còn gì! Toa có suy nghĩ chỗ đó hay không?”

Phụng trợn con mắt và đứng dậy mà đáp:

-         Bây giờ mỏa cách mạng tới ngàn phần trăm, chớ không phải trăm phần trăm mà thôi đâu. Đời kỳ cục quá, mà còn mê-mẩn phong-hóa, còn sùng bái trời phật làm chi nữa!

-         Ồ!

-         Mỏa nói cho toa biết, từ rày sắp lên mỏa quyết đánh đổ phong-hóa, xé nát thành-kiến của xã-hội mình hết thảy. Toa nghĩ coi, cha mỏa hồi trước làm quan, vì say mê cái phong-hóa mà sách vở khen là cao-thượng, nên gìn lòng chánh-trực, giữ chí thanh-liêm, đến ngày nay trời phật ban thưởng những gì đâu? Ban thưởng sự nghèo khổ cho vợ con, nghèo khổ rồi thiên-hạ khinh khi bỉ bạc. Còn nhiều người khác họ không thèm thanh-liêm chánh-trực mà trời phật nào có phạt họ, lại ban thưởng cho vợ con họ hưởng phú quí vinh hoa, được thiên-hạ kính trọng, kiêng nể. Cuộc đời như vậy, mà còn say mê phong-hóa, còn tin tưởng trời phật nữa làm gì. Để thủng thẳng rồi toa sẽ thấy, chẳng những là mỏa nghị-luận trên mặt báo mà thôi, có lẽ rồi đây mỏa còn thí thân của mỏa mà lật ngược xã-hội nữa cho mà coi.

-         Bịnh đa-cảm của toa ngày nay biến chứng đến thế nầy biết dùng phương thuốc gì mà cứu chữa cho được! Tuy vậy mà mỏa cũng phải là hạnh-phước, còn nghèo khổ chẳng phải là tai nạn.

-         Toa hay khoe với mỏa rằng toa là người có cái óc thủ cựu, chớ nào phải có cái óc thiệt hành.

-         Để mỏa nói cho hết ý, rồi toa sẽ cãi. Người thanh liêm nhơn đức thì làm sao giàu được. Tuy vậy mà bình sanh mình đi đường ngay, mình làm việc phải, thì trí mình được bình tĩnh vui vẻ, đó là một phần thưởng quí vô giá, vườn ruộng bạc tiền không thế sánh kịp. Còn người tham-lam tàn-bạo thì tự nhiên được giàu, nhưng mà lên xe xuống ngựa chớ trong lòng không an, bởi vì chặt đầu lột da người ta mà lấy của, đã phải sợ luật người, mà cũng phải sợ luật trời nữa.

-         Ô! Bây giờ toa nói nghe đạo đức quá! Hết thiệt hành rồi! Mỏa chẳng thèm biết luật người mà cũng chẳng tin luật trời. Có lẽ mỏa sắp lập luật riêng cho mỏa đặng mỏa tuân theo đó mà ở đời mới được.

Hai người cãi với nhau tới đó, kế thấy có một chiếc xe hơi ngừng ngay cửa, rồi có mộn người đàn-ông mở cửa xe bước xuống. Người ấy râu cá chốt, bịt khăn đen, mặc áo dài, mang giày tây, đứng ngó số nhà rồi xâm-xâm đi vô. Chừng vô tới cửa người ấy thấy Phụng với Trinh, thì cuối đầu chào và hỏi: “Xin lỗi ông, không biết phải cậu Phụng ở đây hay không?”

Phụng không biết người khách đó là ai, song nghe hỏi tên mình thì đứng dậy mà đáp:

-         Ông muốn hỏi cậu Phụng nào?

-         Cậu Phụng là con bà Phủ ở dưới Cần-thơ.

-         Tôi đây. Xin ông cho tôi biết coi ông là ai mà hỏi tôi.

Người ấy cười rồi bước vô nhà kéo ghế mà ngồi như nhà của mình, không đợi chủ nhà mời. Phụng bất-bình trong lòng, nên châu mày đứng ngó, không thèm hỏi nữa.

Người ấy lấy thuốc đốt một điếu mà hút rồi mới nói: “Tôi là Ban-Biện Tịnh dưới Cần-thơ. Tôi có dịp đi Sài-gòn tôi muốn biết cậu, nên hôm qua tôi hỏi thăm bà Phủ coi cậu ở đường nào đặng lại ghé mà thăm cậu. Nhờ có bà Phủ chỉ nên tôi mới biết mà lại đây”.

Nãy giờ đàm-luận với Trinh, trí của Phụng đương xao-xuyến không an, bây giờ nghe khách xưng là Ban-Biện Tịnh, thì sự giận phấn-khởi trong óc như giông như bão, nên Phụng đáp: “Ông là Ban-Biện Tịnh hay là Ban-Biện Động cũng vậy, tôi không quen không biết ông, tôi có cần ông đến thăm tôi làm chi đâu”.

Ban-Biện Tịnh chưng-hửng, song không lộ sắc giận, miệng chúm-chiếm cười và nói:

-         Chưa biết nhau thì rồi đây tư-nhiên phải biết chớ gì. Xin cậu ngồi đặng tôi nói chuyện riêng với cậu một chút.

-         Ông vô nhà tôi. Tôi không mời mà ông tự-tiện ông ngồi đại. Bây giờ ông trở lại ông mời tôi ngồi, ông làm như ông là chủ nhà. Ông có biết thái-độ như vậy đó là thái-độ của người thất-giáo vô lễ hay không?

-         Anh em mà cậu bắt chặt bắt lỏng làm chi. Thôi, tôi có vô-lễ thì tôi xin cậu tha lỗi.

Ban-Biện Tịnh day qua hỏi Trinh: “Còn ông đây là ai xin cho tôi biết”. Trinh cười và đáp: “Tôi là anh em bạn của M. Phụng.” Phụng nói tiếp: “Ông nói trễ quá! Người đó là chủ căn nhà nầy, đủ quyền mời ông đi ra khỏi nhà ông biết chưa?”

Bang-Biện Tịnh đứng dậy cúi đầu chào Trinh và nói: “Tôi không biết, xin ông tha lỗi.”

Trinh khoát tay biểu ngồi rồi day qua khuyên Phụng: “Toa chẳng nên nóng nảy. Toa phải nhớ dầu thể nào ông Bang-Biện đây cũng là khách của mình. Thôi, để tôi bước ra ngoài cho hai ông nói chuyện.”

Trinh muốn đi ra đường, mà vừa bước qua khỏi cửa thì hồi tâm, nên đứng lại ngoài hàng ba, chống tay trên lan can ngó mông mà chơi.

Bang-Biện Tịnh thấy Phụng đi lại ghế bố mà nằm, tỏ dấu khinh-bỉ mình, bây giờ ông mới phiền nên ông nói:

-         Tôi với cậu thuở nay chưa biết nhau. Vì nay tôi có việc riêng, nên tôi muốn kiếm cậu đặng nói chuyện. Mà việc tôi muốn tỏ với cậu đây, tuy có ích cho tôi, song tôi tưởng cũng có ích cho cậu nhiều. Tôi chẳng hiểu vì cớ nào vừa thấy mặt tôi thì cậu làm giận làm hờn, nãy giờ cậu nói nhiều lời đắng cay, cậu làm cho tôi buồn quá.

-         Tôi chẳng biết chuyện gì nói với ông, mà tôi cũng không cần ông nói chuyện có ích cho tôi làm chi.

-         Xin cậu đừng có nói vậy. Trước khi đến đây tôi có hỏi ý bà Phủ. Bà Phủ bằng lòng, nên tôi mới dám tới chớ. Bà Phủ nói việc tôi muốn kết tóc trăm năm với cô ba thì bà đã có gởi thơ mà hỏi ý cậu; bà đợi hổm nay mà không thấy cậu trả lời. Sẵn tôi có dịp đi Sài-gòn, bà biểu tôi ghé thăm cậu và hỏi coi việc tôi tính đo có hiệp ý cậu hay không, xin cậu viết thơ trả lời mau mau cho bà biết.

-         Việc nhà của tôi, không cho ai được phép để lỗ mũi vào. Mà việc tôi bàn tính với má tôi, tôi cũng không cần cậy ai làm trung-gian. Nếu tôi phải viết thơ cho má tôi, thì tôi tư-do mà liệu định ngày giờ, ông khỏi nhọc công nhắc nhở. Còn nếu tôi muốn nói chuyện với má tôi, thì tôi cũng tự do mà bày tỏ, ông chẳng được phép hỏi thăm ý tứ của tôi về sự ấy.

-         Nếu sự ấy không can-hệ đến tôi, thì tôi có hỏi làm chi. Tôi muốn biết ý cậu, là vì tôi tưởng dịp ấy thành sớm chừng nào càng tốt chừng nấy. Theo lời bà Phủ nói với tôi thì việc thành hay là bất thành đều tại nới cậu. Nếu cậu chịu, thì bà Phủ với cô ba chịu. Vậy tôi xin cậu vui lòng ưng thuận, đặng cho cô ba có chỗ nương dựa, khỏi phải làm bánh mà bán, coi thân hèn hạ quá.

-         Làm bánh mà bán sao ông lại cho là hèn hạ? Vậy chớ phải chặt đầu lột da người ta mà làm giàu thì mới cao sang hả?

-         Tôi không muốn cãi với cậu … Thôi, tôi xin cậu cho tôi biết coi cậu có bằng lòng để cho bà Phủ gả cô ba cho tôi hay không?

-         Tôi tưởng ông nên đi nhà thương Biên-hòa mà dưỡng bịnh, chớ không nên tính cưới vợ bé mà kiếm con trai, bởi vì ông có bịnh mà ông muốn sanh con, thì con ông nó sẽ nhiễm bịnh của ông lưu truyền, rồi nó cũng như ông vậy nữa thì càng hại cho xã-hội, cho gia đình, chớ có ích chi.

-         Cậu cho tôi điên phải hôn?

-         Tôi không phải lương-y, nên tôi không dám đoán quyết song nghe ông nói chuyện, tôi phải nghi chút đỉnh.

-         Tôi sợ cậu điên, chớ không phải tôi đâu. Cậu nghĩ lại mà coi, cô ba là con quan. Tôi đây cũng là một viên quan cai-trị trong tổng. Cô ba ưng làm vợ tôi, thì xứng đáng quá, có hèn chỗ nào đâu. Huống chi tôi là người giàu có lớn, ưng làm vợ tôi thì sung sướng trọn đời, bây giờ tôi cất nhà cho mà ở, ngày sau nếu tôi thấy ở với tôi có tình có nghĩa, thì tôi sẽ mua ruộng, mua đất, tôi cho đứng bộ nữa. Tôi chẳng cần phải khoe-khoang, mà cậu cũng biết tôi là người có chức phận, có tiền nhiều, tôi muốn cưới con nhà ai lại không được, thiên hạ họ giành nhau mà ưng tôi làm cho tôi bối-rối không biết phải chọn ai, phải bỏ ai. Nếu tôi muốn cưới cô ba, ấy là vì tôi thấy cô ba là con nhà trâm anh, mà ngày nay suy sụp tôi thương, nền tôi tính kết tình và làm nghĩa luôn một lượt, đặng tôi cứu vớt giúp đỡ giùm cho gia-đình cậu. Tôi làm như vậy lẽ thì cậu phải cám ơn tôi, chớ sao cậu nói tôi điên. Cậu phải suy nghĩ lại. Tôi điên mới có lợi cho nhà cậu, chớ nếu tôi tỉnh thì không có ích chi hết.

-         Tôi xin ông về cho mau. Ông ngồi cắt nghĩa dong-dài, tôi nghe tôi nhức đầu mà lại nổi chướng, rồi sợ sanh chuyện không tốt.

-         Tôi nói như vậy không phải hay sao, mà cậu đuổi tôi? Tôi sợ cậu chê tôi, rồi sau ăn-năn. Cậu xét lại mà coi, bà Phủ nghèo không có sự-sản chi hết, con nhà giàu sang họ kiếm chỗ giàu có họ cưới, họ có chịu cưới cô ba đâu. Nếu bà Phủ không gả cô ba cho tôi, thì tôi chắc không gả cho ai hơn tôi được,

Phụng nổi giận nên vùng đứng dậy trợn mắt la lớn: “Chú không được phép khinh khi mẹ tôi, khinh khi em tôi. Chú phải ra khỏi nhà cho mau. Nếu chú còn nói thêm một tiếng nữa, thì tôi sẽ nắm cổ mà đẩy chú ra ngoài cửa. A lê, đi cho mau!”

Trinh ở ngoài lật đật bước vô đứng ngay trước mặt Phụng.

Bang-Biện Tịnh thủng thẳng đứng dậy và ra cửa và nói: “Tôi nói việc phải quấy, lợi hại cho mà nghe, lại nói tôi khinh khi! … Thiệt lạ đời quá! Thôi chào hai ông”.

Bang-Biện Tịnh bước ra đường. Phụng trợn mắt ngó theo mà nói: “Đồ khốn nạn!”

-         Toa nóng nảy quá!

-         Không nóng sao được! Nó khinh rẻ người ta quá, ai chịu cho nổi.

-         Nãy giờ mỏa đứng ngoài, mỏa lóng tai nghe hai người cãi với nhau không sót một lời. Những câu của thầy Bang-Biện nói đều hạp với nhơn tình hiện thời, chớ nào phải khinh rẻ toa đâu. Tại toa có trí ý đa cảm, toa đương giận đời, nên những câu chuyện thiệt hành không hợp với lỗ tai của toa chớ. Mỏa nói cho toa biết, thầy Bang-biện Tịnh đó là một vị đại-biểu đệ nhứt của phái thiệt hành đa toa.

-         Mỏa là người thù số một của phái ấy.

-         Mỏa sợ toa đi lạc đường …

-         Mặc kệ.

-         Tự ý toa … Thôi, tối rồi, thay đồ đặng đi ra nhà hàng ăn cơm.