Người thất chí

Chương 9

    Trong bến xe lửa người ta rải-rác tựu lại, đầu kia bọn cu-ly[1] chờ xe mà vác đồ, chòm-nhom nói dóc nghe inh-ỏi, phía nọ đám người chực rước bà con đi lên đi xuống nghểu-nghến.

Nghe tiếng súp-lê thổi vang phía chợ Đũi, ai nấy đều chong mắt mà ngó chừng, trên mặt mọi người đều lộ vẻ hân-hoan. Ông chủ nhà gare thủng thẳng đi ra bến xe, mắt đeo kiếng, mặt hòa-huỡn; tay có cầm một gói giấy nhỏ, ông cứ cúi mặt mà đi, không để ý đến ai hết.

Xe lửa chậm chậm đi tới rồi ngừng, đầu máy phun khói lên một lằn đen thui, bị gió đưa tỏa ra một vùng mù mịt rồi tản mất. Mỗi toa xe hành khách tuôn ra hai bên leo xuống, kẻ dắt con, người ôm gói bương-bả mà đi.

Trinh mặc y-phục gọn gàng trên xe nhảy xuống, miệng chúm chím cười, thấy ông chủ nhà gare bèn xâm xâm đi lại, dở kết chào ông. Ông đưa cái gói giấy ông cầm cho Trinh và nói: “Hồi nãy có một thầy đem gói nầy đưa cho tôi mà cậy tôi giao lại cho ông”.

Trinh tạ ơn, bắt tay ông chủ nhà gare rồi thủng-thẳng đi vô gare. Chàng mở cái gói ra thì có một cái chìa khóa, ấy là chìa khóa cửa nhà chàng, tưởng Phụng mắc đi đâu đó, sợ chàng về không có chìa khóa mà vô, nên đem lại nhà gare mà gởi, bởi vậy chàng không nghi-ngại chi hết.

Chàng bỏ chìa khóa vô túi rồi đi bộ mà về. Mở cửa bước vô chàng thấy trên bàn giữa có một tờ giấy đề mấy chữ lớn như vầy: Coi thơ để trong hộc tủ bàn viết, phía bên tay mặt.

Bây giờ Trinh có hơi nghi chút đỉnh, nên liền đi lại bàn viết kéo hộc tủ bên tay mặt ra thì thấy có một phong thơ ngoài bao đề tên họ chức nghiệp của chàng rõ-ràng, mà phong thơ ấy lại buộc díng với một cái gói lớn bao bằng giấy nhựt trình. Chàng ôm cái gói ra mà để trên bàn viết, lấy dao nhỏ trong túi cắt mối dây rồi rút phong thơ. Chàng mở bức thơ thấy tuồng chữ của Phụng viết, muốn biết liền coi Phụng nói chuyện gì, nên kéo ghế ngồi đọc thơ như vầy:

“Hỡi bạn yêu-mến ơi!

Tôi viết bức thơ nầy mà từ biệt bạn. Tôi phải từ biệt bạn là vì tôi không đáng làm bằng-hữu với bạn nữa, mà cũng không đáng làm con người chung lộn với xã-hội nữa.

Tôi tỏ thiệt với bạn, tôi giết bà Lợi chết đó, giết bà đặng lấy tiền. Thiệt chẳng phải tôi cố tâm giết bà, tôi chỉ muốn lấy tiền của bà mà thôi. Đêm đó tôi leo nhà bếp vô cạy cửa nhà trên rồi tính ôm cái rương sắt của bà mà đi. Bị động, bà giựt mình thức dậy, tôi sợ bà la lên rồi sự trôm của tôi sẽ hỏng mà lại còn bị bắt, nên tôi phải nhét mền vào họng bà và trói tay bà lại. Chừng lấy được cái rương rồi, tôi muốn mở bà ra, mà còn sợ nỗi bà la lên tôi chạy không khỏi, hoặc bà biết mặt tôi bà tố-cáo tôi phải bị tù tội, nên tôi phải nhẫn-tâm bỏ đi luôn. Lâu quá bà ngộp hơi bà mới chết. Tôi đem cái rương sắt về nhà, tôi cạy gạch dưới nhà bếp chôn. Thấy việc đã êm rồi đêm hôm qua tôi mới móc cái rương lên, mở ra mà coi thì được 18 ngàn đồng bạc. Tôi chia số ấy ra làm hai, phân nửa tôi đã cho cô Tâm là người vì nghèo, cha đau nên phải làm đĩ, mà tôi đã chỉ cho bạn hôm nọ ngoài nhà hàng Trung-Hoa đó, còn phân nửa thì tôi gói mà đính theo bức thơ nầy đây.

Bạn ôi! Tôi là một thằng ăn trôm, một thằng sát nhân, không đáng xin ai thương yêu nữa hết, lẽ thì tôi phải có can-đảm chường mặt ra mà thú tội đặng cho pháp-luật trừng-trị, hoặc đày, hoặc chém mới phải. Tôi khiếp-nhược không dám ra thú tội, ấy là vì tôi thương mẹ, thương em của tôi quá, tôi lại thương cha con cô Tâm nữa. Nếu tôi thú tội, thì số bạc 18 ngàn nhà nghèo không hưởng được, mà tôi bị tội thì mẹ tôi với em tôi sẽ bị nhục-nhã buồn-rầu, mà vong hồn của cha tôi dưới cửu-tuyền cũng còn nhơ-nhuốc nữa.

Đã suy-sụp sa-ngã đến thế nầy, tôi chẳng dám mong bạn thương tôi nữa. Tôi chỉ xin bạn biết giùm một điều nầy : ngày nay tôi mà trở nên một đứa sát-nhân đây, ấy là tại tôi có cái tánh đa-sầu đa-cảm thái-quá, thấy nhà nghèo, mẹ với em bị người ta khinh-rẻ, thì đau lòng tức trí chịu không được, thấy cảnh thảm-khổ của người khác lại động lòng rồi thù-oán xã-hội, nên tôi mới phạm tội đại-ác như vậy đó.

Thôi, tôi phạm tội, dầu tôi không dám chường mặt mà xin pháp-luật trừng-trị, song tôi cũng phải định cách thế nào mà đền bồi xã-hội cái tội ác đã mang. Cách thế ấy tôi đã quyết-định rồi. Tôi không tự-tử, bởi vì nếu chết thì làm sao mà chuộc tội ác của mình ở trên thế-gian nầy được.

Tôi cũng không tu, bởi vì làm ác rồi đi tu, ấy là muốn trốn lánh cho khỏi đền tội. Tôi không chết, mà cũng không tu. Tôi sẽ sống, song sống với cảnh đời không được hưởng vật gì của xã-hội hết thảy, sống mà không được phép gần người mình yêu, sống mà phải chịu buồn thảm cực khổ, nghĩa là sống đặng đền tội cho xã-hội, chớ không phải sống đặng chung vui với xã-hội.

Trọn đêm hồi hôm, tôi ngồi viết thơ mà từ biệt mẹ và em tôi, mà viết rồi tôi nghĩ lại gởi không tiện, bởi vì mẹ với em tôi tuy thương tôi, song không hiểu thấu tâm chí của tôi được, bởi vậy viết rồi tôi xé hết.

Bạn là người biết rõ lòng dạ tánh tình của tôi ; vậy nên tôi viết bức thơ nầy mà yêu cầu bạn nghĩ chút tình bằng hữu, nhận lời tôi xin trong mấy khoản dưới đây :

1)               Liệu phương thế mà giao gói bạc đính theo thơ nầy đây lại cho em tôi, đặng nó để dành mà nuôi mẹ tôi ;

2)               Thế cho tôi mà bảo bọc giùm mẹ với em tôi, ráng khuyên giải đừng để cho mẹ với em tôi vì tôi mà buồn rầu thái quá ;

3)               Giấu biệt cái tội ác của tôi, đừng cho mẹ với em tôi biết; nếu có hỏi thì nói dối rằng tôi đã đi bên Tây hay là bên Tàu, kiếm công việc làm ăn, chừng nào khá tôi sẽ trở về .

Tôi mong nhờ bạn làm y theo mấy lời tôi xin đó.

Trước khi từ biệt bạn, tôi còn phải tỏ cho bạn biết một việc nữa: cái rương sắt đựng bạc của bà Lợi, tôi còn chôn dưới nhà bếp, chỗ tôi có cạy hai tấm gạch lên đó. Vì sợ người ta nghi nên tôi không dám đem xa mà bỏ. Vậy ngày nào bạn muốn dời đi chỗ khác, thì trước khi dọn nhà, bạn phải lập thế lấy cái rương ấy lên mà bỏ cho biệt tích, chẳng nên để cho người khác lại ở họ thấy rồi bể chuyện mà phải nhọc lòng bạn.

Bạn không dè chuyện gì hết, mà bây giờ bạn cũng như người đồng lõa với tôi, nghĩ tới chỗ đó thiệt tôi ăn năn hết sức. Việc đã lỡ rồi, xin bạn nghĩ tình mà dung thứ cho người làm quấy mà đã biết tôi nên lo chuộc tội.

Thôi, tôi bắt tay từ biệt bạn và xin bạn tội nghiệp giùm chớ đừng có khinh thị ”.

Linh Phụng

Trinh đọc hết bức thơ rồi, tuy sớm mai trời mát-mẻ mà chàng đổ mồ hôi ướt áo. Chàng xếp thơ lại mà cầm chặt cứng trong tay, rồi đứng dậy đi tới đi lui châu mày suy nghĩ.

Chẳng hiểu chàng nhứt định thế nào mà đi một lát rồi chàng trở lại bàn viết ngồi mở gói bạc ra đếm. Đếm xong rồi chàng gói lại lấy dây cột chặt-chịa và đem vô buồng mở rương bỏ vô mà cất, còn bức thơ thì chàng mởi bóp phơi đút vô cất kỹ lưỡng. Chàng xuống nhà bếp đứng ngó những gạch lót dưới đất, rồi trở lên thay đồ nằm gác tay qua trán, mắt nhắm lim dim.

Phụng đi đâu?

Phải làm sao mà cứu Phụng?

Ấy là hai câu hỏi Trinh đương lập đi lập lại trong trí.

 

[1] (tiếng Pháp/Anh couli/cooly:) phu khuân vác