Nhà Tài Phiệt Cuối Cùng

Chương V

Docsach24.com
ôi tới Wylie vào một buổi sáng sớm khi nhận được điện thoại của anh ta. Tôi cảm thấy trong người khoan khoái, mới mẻ. Tôi chọn mặc một bộ đồ kỵ mã, để làm bộ như mình đã ra đi phi ngựa từ lúc mới sớm tinh sương. Tôi nói với Wylie:

- Hôm nay mà bắt gặp xe của Stahr ở đâu là tôi lăn vào bánh xe chận lại.

Wylie hỏi:

- Cô có biết xe đó thuộc loại gì không? Đó là một thiếc xe tốt nhứt Mort Fleisbacker đã bán cho Stahr, Đừng làm vậy tội cho chiếc xe lắm.

- Anh mà biết gì tâm trạng kẻ đang yêu. Anh đã có vợ giấu ở chỗ khác rồi, tôi biết thừa.

- Đó là chuyện đã qua, không nên nhắc tới. Nhưng cô nắm con tẩy lớn quá, hỏi làm sao tôi không ham cho được? Có bao giờ cô tự hỏi nếu không phải con gái của tỷ phú Brady, thì thử hỏi liệu có được mấy người để ý tới cô?

Thực ra trong thâm tâm không bao giờ tôi có tư tưởng ỷ vào cái thế mạnh gia đình giàu có của mình để tìm chồng. Có người thường cho thế là khôn: bạn dựa vào thế lực gia đình để có quyền lựa một người chồng theo ý muốn. Ngược lại, người nào lấy được bạn cũng là có phước lắm, vì họ đã lấy được một số tiền lớn như thể trúng lô độc đắc vậy. Vấn đề thiệt là đơn giản.

Nhưng khi xe bắt đầu chạy về hướng Laurel Canyon ý nghĩ của tôi bắt đầu xoay chuyển. Tôi với tay mở ra-dô trên xe, bản nhạc “Rộn ràng trong tim ta” vang lên. Tôi cảm thấy không thể nào tin ở những tính toán như trên của thiên hạ. Tuy không có nhan sắc nguyệt thẹn, hoa nhường, nhưng bộ mã tôi cũng thuộc loại khá đấy chứ. Tôi biết mặt mình hơi tròn quá, nước da không được hồng hào lắm, xem tựa như người “yêu” quá nhiều. Nhưng bù lại tôi có cặp giò thiệt đẹp và ngực cũng không cần mặc xú chiêng. Tuy không được no tròn lắm, nhưng hạng người cỡ Wylie thì còn đòi hỏi gì hơn nữa? Tôi hỏi anh ta:

- Anh nghĩ gì khi thấy tôi tới vào lúc sáng sớm như thế này?

- Đối với một người làm ăn bận rộn ở Hollywood này, cô tới họ sớm như vậy là khôn lắm. Vì lúc đó, cô là người đầu tiên trong ngày họ được gặp. Lần sau cô có thể tới vào lúc bốn giờ sáng.

- Đúng vậy. Sau một đêm ngủ một vì ban ngày phải gặp gỡ quá nhiều người, tuy có những người trông không tệ lắm. Tôi sẽ tới giờ đó để vặn nút cho óc họ bắt đầu làm việc trở lại.

- Tôi thấy hơi ớn. Có vẻ ồn ào quá.

- Anh kêu tôi tới có chuyện gì đây? Đừng đi quá trớn nghe.

- Tôi yêu cô, và yêu tiền của cô. Nhưng tôi yêu cô hơn. Hy vọng rằng Ba cô sẽ nâng tôi lên hàng phụ tá giám đốc.

- Cuối năm nay tôi sẽ lấy một sinh viên học giỏi con nhà giàu ở Southampton và sẽ về sinh sống ở đó.

Tôi đổi đài để tìm nghe bản nhạc Đi hay bản Mất là hai bản hát thịnh hành nhất trong năm. Âm nhạc lúc nào cũng có tác dụng làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn. Hồi còn nhỏ không lúc nào tôi thấy những cơn buồn như thế này. Hồi đó luôn luôn có nhiều bản nhạc rất hay khiến tôi say mê như bản “Trời xanh” qua tiếng hát của Goodman, hay bản “Ngày xong” với giọng ca của Whiteman. Ngoài ra còn rất nhiều ban nhạc khác. Nhưng bây giờ thì chẳng cần kén chọn, tôi thích bất cứ bản nhạc nào, ngoại trừ cái bài lẩm cẩm “Hỡi cô gái nhỏ, hãy chăm chỉ một ngày” mà thỉnh thoảng Ba tôi thường hát lên.

Hai bản “Mất” và “Đi” nghe buồn quá, không hợp với lúc vui vẻ này. Tôi vặn đài khác và bắt được bản “Yêu người Yêu cảnh”. Đây chính là bài tủ của tôi. Xe đi lên đồi, tôi nhìn lại phía sau, không khí trong vắt, bầu trời sáng sủa, tôi có thể nhìn rõ lá cây trên đỉnh ngọn Sunset cách đó ba kí lô mét. Không khí trong lành buổi sáng đã khiến người tôi cảm thấy lâng lâng, khoan khoái. Tôi cất tiếng hát theo: “Xinh xinh cảnh sắc... nao nao lòng em”. Wylie hỏi:

- Bộ cô sắp hát cho ông Stahr nghe đấy hẳn? Chừng nào hát thì nhớ thêm dùm tôi một câu “Wylie rất xứng đáng lên chức phụ tá giám đốc” nhé.

- Không bao giờ, bài hát riêng sẽ chỉ có tôi và Stahr thưởng thức. Stahr sẽ nhìn tôi và nhủ thầm: “Ồ, chưa bao giờ thấy con nhỏ xinh như hôm nay”.

Wylie thản nhiên:

- Hồi này thiên hạ không nựng nhau bằng những câu như thế. Kiểu đó xưa rồi.

Rồi chàng sẽ tiếp: “Bé Cecilia của anh”, giống như đêm hôm động đất chàng đã nói với tôi: “Em đã thành đàn bà hồi nào mà anh không nhận ra kìa”.

- Cô khỏi cần làm mấy trò con nít đó. Cứ đứng yên cũng ăn tiền rồi.

- Dĩ nhiên tôi sẽ đứng đó. Chàng sẽ tới ôm hôn tôi, làm như thế chàng là một đứa bé không cần để ý tới...

Wylie thở dài:

- Đó đúng là đoạn đối thoại tôi đang viết và phải nộp cho ông ta ngày mai.

- Rồi chàng sẽ ngồi xuống, hai tay ôm mặt nói: “Anh không bao giờ nghĩ tới bé như thế này”.

- Thôi, đủ rồi, đừng làm mất thì giờ thêm. Sáng nay tôi còn phải đi làm.

- Rồi chàng sẽ tiếp: đã từ lâu anh ao ước được như thế này.

Wylie làm bộ rùng mình:

- Hãy đi thẳng vào việc cho rồi. Hút lấy máu của hắn, máu của tên tài phiệt. Nếu phải truyền lại máu đó vào người, tôi thấy cũng ớn quá.

- Rồi chàng sẽ lên tiếng...

Wylie cắt ngang câu nói:

- Biết rồi. Thôi im đi cho tôi nhờ. Điều tôi cần biết là cô sẽ trả lời hắn ta như thế nào?

- Rồi sẽ có một người nào đó từ ngoài bước vào hỏi chàng...

- Và cô vội vàng nhảy xuống khỏi cái giường tuyển lựa tài tử của hắn, mặc vội quần áo vào.

- Anh muốn tôi xuống xe đi về không đây?

Chúng tôi đang ở khu đồi Beverly với những hàng thông xanh cao đem từ đảo Hawaii về trông thật thơ mộng. Hollywood thực là một thành phố phân chia giai cấp rõ rệt hơn đâu hết. Cứ nhìn vào từng khu gia cư là biết thành phần nào ở đó. Đây là khu sang trọng của các viên giám đốc. Các chuyên viên kỹ thuật thì ở những khu nhà trệt phía xa xa. Khu biệt thự này trông thật là thơ mộng, không thua bất cứ thắng cảnh nào ở Mỹ quốc.

Tiếng hát từ ra-dô vọng ra: “Ai hỏi em về chữ yêu đương... Mỗi chân tình là mỗi chân tình”.

Tim tôi rộn ràng. Lửa tình dậy dâng trong khóe mắt. Mặc dầu không hoàn toàn tự tin sẽ thành công, tôi cũng vẫn muốn chạy thẳng tới ôm hôn chàng, làm như thế chàng đã một lần đi qua đời tôi. Hay tôi sẽ không dám làm thế, tôi chỉ đứng đó và lí nhí một lời chào hỏi ngắn ngủi không diễn tả nổi ý muốn của mình.

Nhưng trái với dự đoán của tôi, chàng chỉ đứng yên sẽ mỉm cười nhìn tôi. Trông chàng không có vẻ gì là bối rối. Chàng thản nhiên một cách gần như lạnh lùng, hai tay vẫn để trong túi quần.

Tôi hỏi Wylie:

- Tối nay anh đi bum với tôi không.

- Bum nào?

- Bọn soạn giả mở đàng nhà lão Đại sứ.

Wylie có vẻ suy nghĩ một lát rồi trả lời:

- Có lẽ không đi cùng được. Tôi tới trễ, vì còn mắc coi chiếu thử một phim ở rạp Glendale.

Ôi! Mộng và thực thường khác nhau lắm vậy thay! Vậy thì tôi lại sống trong mộng: Chàng không đứng nhìn tôi nữa, mà đi lại bàn, ngồi xuống ghế. Tôi tiến lại, áp đầu trên mặt bàn giấy cạnh điện thoại và ngước mắt nhìn chàng. Cặp mắt đen láy của chàng âu yếm nhìn lại tôi, nhưng chàng không có một cử động nào khác. Đối với đàn ông thỉnh thoảng cũng có những lúc họ coi đàn bà không ra gì cả. Tất cả mọi cố gắng khiêu khích của tôi chỉ khiến chàng nói được một câu:

- Cecilia, sao cháu không lấy chồng cho rồi?

Rất có thể chàng sắp sửa đề cập tới thằng cha Robby nào đó và bắt đầu nói những câu mai mối. Tôi hỏi chàng:

- Người con gái phải làm gì để người mình yêu chú ý tới mình?

- Thì cứ nói thẳng với người đó là mình yêu họ.

- Hay là cháu làm bộ xua đuổi người ta.

- Có thể. - Chàng vừa nói vừa mỉm cười.

- Nhưng đố chú biết hiện bây giờ người đó có ở đây không?...

Chàng trả lời một cách bất ngờ:

- Chú muốn cưới cháu quá. Nhiều lúc chú cảm thấy cô đơn kinh khủng. Nhưng chú già quá rồi, không còn làm ăn gì được.

Tôi đi vòng qua bàn, tới đứng sát bên cạnh chàng:

- Anh sẽ làm ăn với em.

Chàng nhìn tôi với đầy vẻ ngạc nhiên. Đây chính là lần đầu chàng được biết rằng tôi đã muốn đến độ kinh khủng rồi.

Chàng có vẻ khổ sở:

- Không được đâu cháu. Đối với chú ngoài điện ảnh ra không còn gì đáng kể cả... Ý chú muốn nói là chú không còn thì giờ đâu để...

- Anh không thể yêu em được sao?

Một lần nữa, câu trả lời của chàng lại đi ra ngoài sự tưởng tượng của tôi:

- Chú cháu mình biết nhau từ lâu, nhưng thực không bao giờ chú nghĩ tới chuyện này. Chú nghe người ta nói cháu và Wylie sắp sửa cưới nhau mà?

- Và anh không có phản ứng gì hết?

- Có chứ. Chú sắp nói chuyên đó với cháu. Hãy chờ vài năm cho hắn nguội đã.

Câu chuyện ngưng ngang ở đây khi cô Doolan từ ngoài đi vào với bảng ghi chú trên tay. Sự thực xảy ra đúng như trong giấc mơ tôi đã thấy. Duy có điều khác là chính Stahr đã ấn một nút chuông bí mật để kêu cô ta vào.

Thế rồi tôi chợt tỉnh giấc mơ. Không thấy Stahr đâu, nhưng chỉ có một tấm hình của chàng tôi đang cầm trong tay. Đôi mắt trong hình đăm đăm nhìn tôi, một cái nhìn tế nhị thông cảm, rồi bỗng dưng tối sầm lại dưới hàng lông mày rậm như chất chứa hàng ngàn kế hoạch, cạm bẫy.

Gương mặt đó hình như không bao giờ để lộ ra những cơn thịnh nộ, giận dỗi thường tình, mà chỉ có sự yên lặng tự tin sâu xa, hình như đang xếp đặt những toan tính trong trận chiến lâu dài của chính mình bày ra. Khuôn mặt chàng thiệt bô trai, bô hơn tất cả những hình tài tử. Hình của chàng chính là tấm ảnh quý nhất đối với tôi, và từng được tôi cất giữ kín đáo trong hộc tủ cá nhân có khóa tại trường.

Đó là chuyện tôi đã kể cho Wylie nghe. Và khi một người con gái nói chuyện với một người đàn ông về một người đàn ông khác: đó chính là lúc họ đang yêu.

*

Tôi nhận ra nàng từ lúc Stahr chưa tới. Nàng không hẳn là một người đẹp, vì thực ra ở Hollywood này không nhan sắc cá nhân nào có thể nổi bật lên trên sắc đẹp nhà nghề của những nữ minh tinh. Tuy nhiên nước da trắng hồng hào đặc biệt của nàng hình như tỏa ra một sức hấp dẫn, khiến người ta phải nhìn lại nàng lần nữa và tự hỏi: “Con nhỏ nào lạ vậy kìa?”

Nàng ngồi ở một bàn khuất sau cây cột lớn. Gần đó hình dáng của một nữ minh tinh đã về chiều sắp hết thời tự nhiên trở nên bối cảnh khiến cho nàng nổi bật lên. Cô minh tinh nửa mùa này thỉnh thoảng lại lăng xăng nhảy với một vài kép cù lần, mặt cứ nghệt ra như mặt bù nhìn coi dưa. Nhìn cử chỉ lăng xăng của cô ta, tự nhiên tôi nhớ đến những lần đầu tiên đi dự dạ hội với Má. Bà đã bắt tôi đi liền mấy bản với một thanh niên, để được nổi bật giữa vùng ánh sáng của đèn rọi. Cô minh tinh nửa mùa bắt chuyện với dăm ba người nào đó, và tôi cũng bị lôi cuốn vào câu chuyện của nhóm bè bạn xung quanh nên hết còn chú ý tới cô ta.

Trong sự nhận xét của tôi và Wylie, tất cả mọi người trong buổi dạ hội này hình như đều tới đây với mục đích tìm kiếm một cái gì. Wylie nói nhỏ vào tai tôi:

- Cô mà cứ giữ mãi cái điệu bộ đăm chiêu thì chỉ tổ cho thiên hạ ghét. Ở chỗ này, muốn giữ tư cách, muốn tỏ ra tự trọng, không gì hơn là cứ làm ra bộ vui tươi, cười cười, nói nói giống như những nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingway ấy. Bề ngoài xơn xớt nói cười, nhưng trong bụng nhiều khi họ đang ghét nhau cay đắng và đang nghĩ cách hạ nhau đấy.

Nhận xét của Wylie có lẽ đúng. Kể từ những năm 1933 trở đi, người giàu càng ngày càng trở nên cô độc, họ chỉ có thể cảm thấy hạnh phúc khi ở một mình.

Tôi đã nhìn thấy Stahr bước lên những bậc thềm, rồi đứng lại ở bậc chót, hai tay đút trong túi quần, mắt dớn dác nhìn xung quanh. Lúc này đã khá khuya, những ngọn đèn hình như có vẻ lu dần, mặc đầu lúc nào nó cũng vẫn thế. Sàn nhảy đã vắng người, ngoại trừ một gã lưng đeo tấm bảng quảng cáo đang múa may, quay cuồng. Những năm trước đây thì vào giờ này của một cuộc dạ hội, thường có nhiều kẻ say sưa ăn nói lảm nhảm. Nhưng bây giờ thói quen đó không còn. Cô minh tinh nửa mùa hình như đang nhìn qua vai anh kép của cô ta để tìm những kẻ say sưa đó. Tôi nhìn theo lúc cô ta đi trở lại chỗ ngồi, và...

... tôi ngạc nhiên bất chợt thấy Stahr đang nói chuyện với nàng, với người con gái có nước da đặc biệt đó. Họ mỉm cười, nhìn nhau âu yếm như đang sống trong một thế giới mới.

*

Trước đó mấy phút, lúc đang đứng ở bậc thềm chót ngoài cửa, Stahr quả thực không nghĩ tới chuyện có thể gặp nàng ở đây. Xem cuốn phim chiếu ra mắt hồi tối đã làm chàng thất vọng, sau đó Stahr đã gây với Borwitz ngay trước cửa rạp và bây giờ chàng đang cảm thấy hối hận. Chàng đã tiến lại chỗ nhóm bạn của Brady đang ngồi, vì chợt thấy Kathleen ở đó. Nàng ngồi giữa chiếc bàn dài trải khăn trắng muốt.

Cảnh vật xung quanh hình như thay đổi hẳn khi chàng tiến lại gần nàng. Mọi người đều dạt ra xung quanh, ở bàn chỉ còn lại một mình nàng và chiếc bàn như thể dài thêm ra mãi để biến thành một thiên tòa cho nàng ngự trị. Hai người nhìn nhau và mỉm cười với nhau. Chiếc bàn nàng đang ngồi như chợt biến đi nơi khác: nàng và Stahr nhẹ dìu nhau trong điệu luân vũ. Khi ôm sát nàng vào người, Stahr cảm thấy như mắt chàng hoa lên, thân hình nàng chợt trở nên mờ ảo. Thường thường cái sọ của người đàn bà nhắc nhở cho người đàn ông ý thức về sự hiện hữu của họ. Nhưng đối với nàng, Stahr không cảm thấy điều đó. Họ say sưa dìu nhau trong tiếng nhạc. Họ đưa nhau qua tấm gương, đi sang một phòng nhảy khác, ở đó có những bộ mặt khá, nhưng họ cũng chẳng thèm chú ý tới. Stahr thì thầm bên tai nàng:

- Sao em không cho anh biết tên?

- Kathleen.

- Kathleen. - Chàng nhắc lại.

- Chắc anh đang nghĩ đến số điện thoại của em. Em phải nói ngay là em không có điện thoại.

- Sao em không tới phim trường thăm anh?

- Không được anh à. Nhất định không thể được.

- Lý do? Em đã có chồng?

- Chưa.

- Em còn độc thân?

- Không hẳn. Nhưng có thể như thế.

- Em có đi với hắn ở đây không?

- Không. Sao anh tò mò thế?

Nói xong nàng chợt cười lớn. Nhưng rồi nàng có cảm tưởng Stahr đã đi sâu vào đời nàng, không cần đếm xỉa đến những chuyện xảy ra xung quanh. Mắt nàng như một biển tình, mời gọi Stahr lặn ngụp trong đó. Hình như chính nàng đã nhận ra điều đó, nên vội vã bảo Stahr với giọng sợ sệt:

- Thôi đi anh. Em đã hứa nhảy bản này với người khác.

- Anh không muốn để vuột em. Tại sao chúng mình không đi ăn với nhau?

- Không được, anh à.

Giọng nàng trở nên rung động, nhẹ nhàng, khiến cho người nghe biết ngay rằng điều nàng bảo không được chính là được. Cánh cửa tuy đã khép lại, nhưng vẫn còn hở một khe đủ để cho bạn lách vào, nhưng phải làm cho nhanh.

- Thôi anh à. - Nàng nói lớn và sau đó nàng chợt buông vai Stahr, ngừng nhảy, đứng im nhìn chàng mỉm cười.

- Gần anh, em thấy như muốn nghẹt thở.

Nàng xoay người, vén đuôi áo, bước trở qua phòng bên.

Stahr đi theo tới lúc nàng trở về chỗ ngồi ở bàn cũ. Trước khi rời nhau, nàng còn nói:

- Cảm ơn nhiều, chúc anh ngon giấc đêm nay.

Sau đó nàng đi nhanh như người chạy trốn.

Stahr cũng quay trở về chỗ dành riêng cho chàng. Tại đây chàng gặp đủ những bộ mặt làm ăn thuộc đủ mọi giới: tư bản, kỹ nghệ, quý phái. Họ đang hăng hái nói về chuyện ngựa. Trong đó Marc là người nói hăng nhất. Stahr nghĩ thầm, xưa kia đã có thời dân Do Thái thờ thần Ngựa. Lúc đó chắc dân Cô-zắc ngồi trên lưng ngựa, và người Do Thái đứng dưới nên ngày nay họ thường coi ngựa là tiêu biểu cho sự thịnh vượng, giàu có, quyền thế. Stahr ngồi yên, làm bộ chăm chú nghe và đôi khi gật đầu nếu có người hỏi tới ý kiến của chàng. Nhưng mắt Stahr luôn luôn kín đáo theo dõi chiếc bàn khuất sau cây cột lớn. Nếu không có tình cảm sâu đậm, mãnh liệt nảy nở giữa chàng và nàng, thì Stahr vẫn nghi ngờ đây là một cuộc âm mưu của bàn tay nào đó để đưa chàng vào cái bẫy mỹ nhân kế. Chính sự lẩn trốn của nàng đã đánh tan mọi nghi ngờ của chàng. Và giờ đây, một lần nữa, nàng lại đang tìm cách thoát khỏi tay chàng. Nhìn cử chỉ của những người ngồi ở bàn nàng, Stahr biết họ đang từ biệt chia tay nhau. Nàng cũng vừa đứng lên, rời khỏi bàn.

Wylie đùa một cách ranh mãnh:

- Rồi, thế là nàng Cám ra đi. Hoàng tử có muốn đi tìm nàng thì cứ việc đem chiếc hài đã lượm được tới tiệm giày Rê-gơ ở số 812, Đại lộ Phía Nam là tìm ra tung tích của nàng ngay.

Stahr đi theo nàng dọc theo hành lang ra tới cửa, tại đây một mệnh phụ trọng tuổi đứng trên bục cao xung quanh căng giấy để chào quan khách. Stahr thì thầm bên tai nàng:

- Em giận anh nên bỏ về hay sao?

- Đâu có, đằng nào rồi em cũng phải về chứ, ở mãi đây sao?

Sau đó nàng đổi sang giọng mỉa mai:

- Nhảy với anh mà họ bàn tán, làm như em vừa được nhảy với một ông Hoàng không bằng. Một người yêu cầu được vẽ ảnh em, và một người khác muốn được gặp em ngày mai.

- Anh cũng muốn được gặp em ngày mai. Nhưng có điều khác là anh muốn hơn họ rất nhiều.

Nàng nói với giọng hơi mệt mỏi:

- Bộ anh nhất định như thế sao? Em đã chán đất Anh vì ở đó đàn ông cứ nhất định làm theo ý muốn riêng của họ. Em cứ tưởng rằng ở đây có phần khác. Bây giờ chắc anh đã thông cảm tại sao em không thể chiều ý anh?

- Thường thì như vậy. Nhưng trong trường hợp nay, anh đã cảm thấy điên mất rồi, anh không còn là người bình thường nữa. Bằng bất cứ giá nào, anh cũng phải gặp lại em và nói chuyện với em, mong em hiểu cho lòng anh.

Nàng có vẻ lưỡng lự:

- Anh mà điên sao được, anh không thể làm như vậy. Nhưng anh nhất định muốn gặp em để làm gì?

- Để làm gì? Chính anh cũng không biết nữa.

- Vậy để em nói nhé, anh muốn chiếm em, muốn đưa em nhốt trong nhà mộng của anh.

Stahr trả lời sau một giây ngẫm nghĩ:

- Anh đã quên được em... cho tới khi anh bước qua cánh cửa này.

- Có thể đầu óc anh muốn quên em. Nhưng ngay từ hôm đầu chúng mình gặp nhau, em đã chắc chắn anh không thể nào quên được em...

Nàng chợt im lặng. Gần đó một người đàn ông và một người đàn bà tham dự dạ tiệc đang nói những lời chia tay nhau: “Anh cho gởi lời hỏi thăm chị với các cháu nhé. Nói dùm tôi nhớ chị ấy ghê lắm đó”. Người đàn ông trả lời: “Chị cũng cho tôi gởi lời thăm anh ấy và các cháu nhé”. Những câu nói như thế Stahr không thể nào thốt lên được. Đi gần tới chỗ thang máy chàng mới nghĩ được câu nói:

- Có thể em đã nói đúng.

- Ồ, anh nhận có thế sao?

- Anh không nhận gì cả. Nhưng đó chính là chuyện do em tạo ra... bằng cách đi đứng, cử chỉ, lời nói của em trong lúc này, khiến anh không thể nào quên em.

Chàng cảm thấy nàng đã có vẻ mềm lòng và đặt nhiều hy vọng:

- Ngày mai Chủ nhật, thường thì anh cũng bận lắm. Nhưng nếu em muốn đi chơi đâu hay gặp ai ở Hollywood này, anh sẽ đưa em đi.

Thang máy đã ngừng và cánh cửa mở ra, nhưng nàng không vào và nói với Stahr:

- Sao anh khiêm nhượng thế. Lúc nào cũng chỉ thấy anh nói tới chuyện đưa em đi chơi và thăm phim trường. Thế có bao giờ anh cảm thấy cô đơn không?

- Ngày mai anh sẽ cảm thấy cô đơn nhiều nhất.

- Ôi, thiệt là tội nghiệp cho anh! Tội nghiệp cho con người hùng, con người có biết bao minh tinh quỳ dưới chân, nhưng anh lại đi chọn em!

Chàng mỉm cười. Chàng để cho minh được tự do đón nhận sự sung sướng do những lời nói của nàng đem lại. Thang máy đã trở lên lại. Nàng bấm nút cho thang ngừng và bảo Stahr:

- Em là một người đàn bà yếu đuối. Nếu em nhận lời gặp anh ngày mai thì rồi ra, liệu anh có để cho em sống yên thân không? Không, chắc là không. Anh sẽ đưa em vào những cơn lốc phiêu lưu dữ nhiều lành ít. Không, đa tạ tấm thạnh tình của anh, nhưng em nói: không thể được.

Nàng bước vào thang máy. Stahr bước theo, rồi họ mỉm cười nhìn nhau. Hai người đi xuống tầng lầu ba. Họ nhìn xuống dưới nhà thấy một đám đông hiếu kỳ lố nhố chờ coi mặt các tài tử, đang bị cảnh sát chận lại. Kathleen sẽ rùng mình, nói với Stahr:

- Em thấy ớn quá. Hồi nãy đi lên đây, em thấy hình như đám đông đó nhìn em một cách tức giận vì em không phải là một tài tử nổi tiếng.

- Để anh sẽ đưa em xuống lối riêng, không gặp họ.

Stahr dẫn nàng đi quanh co một hồi qua những cửa tiệm, cuối cùng họ ra tới chỗ đậu xe với không khí mát lạnh của buổi tối. Cả hai đều cảm thấy người nhẹ nhõm, rũ sạch không khí ồn ào, mỏi mệt của buổi dạ hội. Stahr chỉ cho nàng một dãy nhà trệt ở phía bên kia con đường:

- Hồi xưa có nhiều tài tử sống ở khu này.

- Thế bây giờ thì sao?

- Bây giờ phim trường dọn ra vùng quê và họ cũng đi theo. Tuy nhiên, mỗi khi trở lại đây anh vẫn thấy thích thú.

Có một điều không nói cho nàng biết là xưa kia, vợ chàng, Minna, cũng ở một căn nhà phía bên kia đường cùng với mẹ nàng. Bất chợt Kathleen hỏi chàng:

- Năm nay anh bao nhiêu rồi?

- Anh cũng không nhớ đến tuổi tác của minh, hình như ba mươi lăm thì phải.

- Hồi nãy em nghe người ta nói với nhau trong bữa tiệc là anh sắp thôi hoạt động.

- Anh sẽ thôi khi nào sáu chục tuổi. - Chàng gằn giọng - Sao, ngày mai em có đi với anh không?

- Anh đón em ở đâu?

Chàng suy nghĩ và thấy không thể tìm ra một nơi hẹn nào thích hợp. Một nhà hàng, một dạ tiệc, một hồ tắm, tại nhà một người bạn. Tất cả đều không có vẻ thích hợp với nàng. Stahr đoán thầm có thể nàng là em hay con gái của một nhân vật tai mắt nào đó nên không muốn xuất đầu lộ diện ở những nơi công cộng. Cuối cùng chàng đưa ý kiến ngày mai cứ đến đón nàng rồi sẽ quyết định sau xem nên đi đâu. Nàng trả lời:

- Khỏi, mai anh cứ đón em ở ngay chỗ này được rồi.

Chàng gật đầu và chỉ lên mái hiên chỗ hai người đang đứng.

Chàng mở cửa xe cho nàng ngồi vào sau tay lái. Đó là một chiếc xe cũ nếu mua lại ở tiệm thì chỉ độ tám chục đô. Stahr đứng nhìn theo xe nàng từ từ lăn bánh. Ở phía cổng bin-đinh có tiếng hoan hô khi một tài tử xuất hiện. Stahr lưỡng lự không biết có nên chường mặt ra hay không.

*

Sau đây là đoạn do chính Cecilia kể. Vào khoảng ba giờ sáng Stahr mới trở lại và mời tôi nhảy một bản. Chàng hỏi, như thể vừa mới trông thấy tôi:

- Sao, vui chớ Cecilia? Chú mắc bàn chuyện với một người khách lâu quá.

Chàng có vẻ giấu diếm một cách thận trọng câu chuyện chàng đi với Kathleen. Chính thái độ đó cũng là một điều bí mạt tôi không hiểu nổi. Stahr nói tiếp với một vẻ rất ngây thơ:

- Chú phải lái xe đưa ông ta đi một vòng. Phố xá nhiều chỗ thay đổi quá mà mình chẳng để ý tới gì cả.

- Vậy sao chú?

- Đúng vậy, có nhiều con đường thay đổi hoàn toàn đến nỗi chú không nhận ra được nữa. Nhiều chỗ trông tựa như một thành phố mới mọc lên.

Ngừng một lát rồi chàng lại tiếp:

- Thực chú cũng không biết nó đã thay đổi tới độ nào.

Tôi hỏi liều:

- Người khách vừa rồi chú nói chuyện là ai vậy?

Chàng trả lời hàm hồ:

- Ồ, một ông bạn cũ. Một người chú quen biết từ lâu lắm.

Trong lúc Stahr vắng mặt ở buổi dạ hội, tôi đã sai Wylie đi làm một cuộc điều tra cấp tốc xem nàng là ai. Anh ta đã tới hỏi thăm tin tức một nữ minh tinh về chiều. Cô này sốt sắng mời anh ta ngồi và nói năng lăng xăng, nhưng cô ta cũng không biết nàng là ai. Có thể nàng là bạn của một người bạn của một người nào đó. Có khi ngay cả người đã dẫn nàng tới đây cũng không biết gì về nàng.

Tôi và Stahr tiếp tục nhảy trong âm thanh thánh thót của bản nhạc I’m on a see saw. Nhảy lúc này thực là thoải mái. Sàn nhảy trống trơn và tôi cũng như Stahr đều cảm thấy cô đơn lạ, cô đơn hơn lúc nàng còn có mặt nơi đây. Người con gái đó ra đi hình như mang theo cả buổi tối của chúng tôi đi theo nàng, bỏ lại căn phòng trống trải, vô tri này. Giờ đây kể như không còn gì nữa hết. Tôi đang nhảy với một người đầu óc để tận đâu và người đó nói với tôi toàn những chuyện bâng quơ vô vị.

*

Trưa hôm sau họ gặp nhau, và điều lạ là tự nhiên cả hai cùng cảm thấy xa lạ, lạnh nhạt như thể họ mới quen nhau ở một xứ khác. Nàng trông không còn phải là cô gái mà chàng đã ôm trong tay ở cuộc khiêu vũ tối qua nữa. Hôm nay nàng đội chiếc nón hai màu xanh hồng có thắt nơ. Nàng đang đi ở khu đất trống bên kia, và chợt ngừng lại nhìn kiếm Stahr. Chàng bận bộ đồ màu nâu, thắt cà vạt đen. Chàng cảm thấy có vẻ ngượng nghịu, không được thoải mái như lúc mặc đồ làm việc thường. Nàng thấy Stahr trông không giống lúc mặc đồ dạ hội tối qua. Gương mặt, tiếng nói của chàng cũng không giống lần đầu tiên gặp nàng trong bóng tối trước cửa nhà.

Nhưng Stahr đã nhận ra nàng, chàng không thể nào lầm khuôn mặt rạng rỡ của nàng đặc biệt giống khuôn mặt Minna, và cả màu tóc nhạt gợn sóng cũng thế. Chàng muốn ôm nhẹ nàng trong một cử chỉ quen thuộc, và chỉ một thoáng nhận xét chàng đã có thể biết được từ cổ cho tới xương sống của nàng cũng như quần áo nàng đang mặc trong người. Nàng nói nhỏ như thể thì thầm bên tai Stahr:

- Bộ anh đứng chờ ở đây suốt đêm hôm qua sao?

- Anh chưa hề nhúc nhích từ hôm qua tới giờ!

Một lần nữa, cả hai lại thấy lúng túng, chẳng biết đưa nhau đi đâu bây giờ. Nàng đưa ý kiến:

- Em muốn đi uống trà. Anh xem có nơi nào người ta không nhận ra chúng mình không?

- Em cứ làm như chúng ta là những người mang tai, mang tiếng phải lẩn tránh vậy.

- Chớ còn gì nữa. - Nàng vừa nói vừa cười.

- Vậy thì ra bãi biển. Có lần anh ra đó và bị những con hải cẩu đuổi muốn chết.

- Rồi hải cẩu pha trà được không chớ?

- Biết đâu. Chúng đã được huấn luyện. Nhưng không chắc chúng làm nổi, có điều chắc là chúng không nói bép xép. Mà việc quái gì em cứ phải lẩn trốn vậy?

Sau một lát suy nghĩ, nàng trả lời nhỏ nhẹ.

- Có thể em lo cho tương lai. Nhưng biết đâu đó chỉ là một chuyện lo lắng không đâu.

Lúc Stahr bắt đầu cho xe chạy, nàng chỉ chiếc xe cũ kỹ của mình hỏi chàng:

- Xe để đây liệu có an toàn không anh?

- Không chắc. Hồi nãy anh thấy mấy tên lạ mặt râu quai nón rình rập gần đây.

Kathleen nhìn chàng, vẻ lo lắng:

- Thiệt không anh?

Stahr mỉm cười. Nàng nói tiếp:

- Lúc nào em cũng tin anh. Em thấy anh rất vui vẻ tế nhị, vậy mà sao có nhiều người lại sợ anh?

Nàng chợt nhận thấy những nét lo lắng, mỏi mệt trên gương mặt chàng:

- Công việc anh vất vả lắm sao? Có thiệt Chúa nhật nào anh cũng làm việc không?

- Không. Hồi xưa, lúc anh có nhà cửa đàng hoàng mỗi Chủ nhật có bạn bè tới thăm chơi thì anh thường chơi ten-nít và tắm với họ. Đã lâu lắm anh không đi bơi lại.

- Tại sao vậy? Bơi tốt lắm, bây giờ ai cũng đi bơi hết.

- Bỏ lâu không bơi, hình như bây giờ anh thấy chân nhỏ lại. Hồi nhỏ anh chơi thể thao nhiều và thỉnh thoảng chơi banh ở ngay bãi biển này. Sân chơi banh của anh ở đây đã bị một cơn bão cuốn đi mất tiêu từ hồi nào.

- Người anh cũng có vẻ dân xì-po lắm đấy chứ.

Chàng lắc đầu:

- Không phải. Bây giờ anh chỉ còn biết vui với công việc. Việc làm của anh rất dễ bị say mê.

- Anh thích nghề điện ảnh này từ lâu lắm rồi sao?

- Không, hồi xưa anh chỉ muốn trở thành một người trưởng phòng kế toán. Đó là người biết mọi chuyện, cái gì để ở chỗ nào.

Nàng mỉm cười:

- Bây giờ thì anh đã làm hơn thế nhiều.

- Em lầm. Hiện giờ anh cũng vẫn là một người trưởng phòng kế toán. Nếu trời có ban cho anh một cái tài gì, thì đây chính là tài của anh. Là một người trưởng phòng kế toán, nên anh có thể biết bất cứ vật gì ở chỗ nào mà mọi người không biết. Em cũng nên tập lấy thói quen để biết tại sao cái đó lại như thế, nó ở chỗ nào, chỗ của nó có phải ở đó không? Khi anh biết được như thế, thì họ bắt đầu giao công việc cho anh. Công việc càng nhiều thì càng trở nên cầu kỳ, và có nhiều cái phải nhớ. Chẳng bao lâu anh đã có một xâu chìa khóa để tìm bất cứ vật gì ở đâu. Xâu chìa khóa đó, nếu anh phải trả lại cho họ, họ sẽ không biết chìa nào dùng để mở khóa nào.

Xe ngừng lại ở đèn đỏ. Một em bé bán báo vừa chạy vừa la lớn: “Chú chuột Míc ki đã bị giết. Randoff khai chiến với nước Tàu”. Nàng bảo Stahr:

- Mua tờ báo anh.

Lúc xe bắt đầu chạy lại, nàng nắn vành nón lên và dùng hai bàn tay xoa mặt. Thấy Stahr để ý nhìn, nàng mỉm cười.

Stahr nhận thấy ở nàng một sự tỉnh táo và bình tĩnh. Đó là những đức tính cần thiết nhất trong giai đoạn này. Ở California này hiện nay đang có một không khí chán nản, mỏi mệt lan tràn khắp nơi. Hàng ngày người ta thấy có những thiếu niên nam nữ đầu óc rã rời lang thang đây đó vô mục đích. Không bù lại có nhiều người ở miền Đông đang phải chiến đấu với thời tiết một cách tuyệt vọng, vậy mà họ vẫn giữ vững tinh thần. Chính Stahr cũng nhận thấy những nỗ lực cầm cự để giữ vững tinh thần lúc này tự nhiên trở nên khó khăn, và chàng cũng không hiểu lý do tại đâu. Nhưng chàng biết chắc rằng ở những nơi khác, nghị lực và sức phấn đấu lại đang dâng lên một cách mãnh liệt.

Bây giờ họ đã cảm thấy thân mật. Nàng không có một hành động thừa thãi nào. Mọi cử chỉ của nàng đều có mục đích bảo vệ và làm gia tăng sắc đẹp của mình, phô bày sắc đẹp đó ra khỏi những chỗ bị che giấu bằng cách này hay cách khác. Chàng ngắm nghía, nhận xét nàng giống như lúc thu hình vậy. Stahr nhận thấy nàng rất tự nhiên, không có vẻ gì cố ý, gò bó. Dáng điệu nàng rất khoan thai, không có gì bối rối. Trong kho ngôn từ riêng của chàng, Stahr cho rằng người nàng tiềm ẩn sự cân bằng, tế nhị và cân đối, nàng rất ngoan.

Xe chạy tới Santa Monica, nơi đây có những dãy nhà của tài tử ở chơ vơ ngoài hòn đảo nhỏ Coney. Chàng quẹo xe chạy xuống sườn đồi dốc giữa mặt biển và trời xanh bao la trải rộng. Xe chạy dọc theo bãi biển, gần tới bãi tắm với những lượn cát vàng khi rộng, khi hẹp. Chàng chỉ tay về phía trước:

- Ở tuốt mé biển đàng kia, anh mới xây một biệt thự, anh cũng chưa biết để làm gì nữa.

- Để cho em.

- Rất có thể.

- Em nghĩ nếu anh xây cho em một biệt thự lớn trước khi anh nhìn thấy mặt em thì mới thực là điều tuyệt.

- Biệt thự này không lớn lắm đâu, và cũng chưa xong mái nữa. Anh không biết em thích kiểu mái như thế nào.

- Chúng mình không cần làm mái. Họ nói ở đây không bao giờ mưa mà anh...

Nàng chợt ngưng ngang câu nói như thể sợ nhớ tới một chuyện gì.

Nàng tiếp:

- Em nhớ tới một chuyện đã qua.

- Sao? Một căn nhà không mái khác à?

- Vâng. Một căn nhà không mái khác.

- Ở đó có vui không?

- Không. Đã lâu lắm. Em ở đó với một người, anh ta cố giữ em. Em muốn bỏ đi. Cuối cùng anh ta giữ không nổi, và em thoát.

Chàng lắng nghe những lời nói của nàng, cân nhắc từng câu nhưng không phê phán. Nét mặt nàng không có gì thay đổi dưới vành nón rộng xanh hồng. Có lẽ năm nay nàng chừng hai mươi lăm. Ở tuổi này nếu nàng chưa yêu hoặc chưa được yêu thì thật uổng.

Nàng bảo Stahr:

- Nếu chúng mình chung sống với nhau, chúng mình sẽ phải có con. Nhưng anh chưa thể có con chừng nào nhà còn chưa có mái.

Đúng vậy. Bây giờ chàng đã biết ít nhiều về đời nàng. Không còn như tối hôm qua nữa, lúc đó họ chỉ nói những chuyện bâng quơ. Đúng như trong sách vở đã dạy: “Chúng ta không biết gì về con gái hết. Chúng ta không cần biết nhiều. Nhưng chúng ta phải biết một ít”. Lai lịch của nàng giờ đây đã lờ mờ hiện ra, dù sao thì cũng rõ rệt hơn lúc chàng mới thấy nàng trên đầu pho tượng thần Siva, bồng bềnh giữa dòng nước lụt chan hòa ánh trăng.

Họ tới một nhà hàng vắng khách vì nhiều xe bị cấm vào khu này ngày Chủ nhật. Từ trên xe bước xuống, một con hải cẩu chạy lại kêu lên nho nhỏ như nhận ra Stahr. Chủ của nó kể chuyện rằng chú hải cẩu này khi đi xe nhất định không bao giờ chịu ngồi ở băng sau, mà cứ đòi ngồi trên trốc đầu xe hoặc phía sau xe. Rõ ràng là loài người đang làm nô lệ cho loài hải cẩu mà không nhận ra.

Kathleen nói:

- Em muốn đi coi ngôi nhà mới của anh. Em không đi uống trà nữa đâu.

Nàng uống một chai Coca rồi họ lại lên xe tiếp tục đi khoảng mười lăm cây số nữa dưới ánh nắng gay gắt. Xe chạy xuống một vùng đất thấp ở bờ biển và đây chính là nơi đang xây cất căn nhà của Stahr.

Những đợt sóng thi nhau đánh vào các ghềnh đá, nước bắn lên tung tỏa cả chỗ xe đậu. Máy trộn hồ, gỗ, đá còn để ngổn ngang cả, trông giống như một vết thương trong bức tranh vẽ cảnh bờ biển. Hai người đi dọc theo hàng rào cao bao bọc xung quanh ngôi nhà.

Nàng nhìn những ngọn đồi cằn cỗi ở phía sau, và có vẻ thất vọng vì ánh nắng chói chang, gay gắt. Stahr nhìn theo nàng và lên tiếng:

- Em đừng tìm kiếm những cái mà ở đây không có. Em cứ tưởng tượng như mình đang đứng trước một quả cầu có vẽ bản đồ. Hồi còn nhỏ anh luôn ao ước có một quả cầu như thế.

- Để anh có cảm tưởng rằng trái đất đang quay phải không? - Nàng hỏi Stahr sau một phút suy nghĩ.

Stahr gật đầu:

- Đúng. Và lúc nào cũng có cảm tưởng chỗ mình đang đứng sắp trở thành ban đêm hoặc ban ngày.

Hai người đi dưới những giàn cây còn bắc xung quanh tường. Phòng khách chính đã được trang bị đầy đủ với cả những kệ sách xung quanh, màn ảnh và giá đặt máy chiếu phim. Cửa phía sau phòng khách trông ra khu đất vừa mới được trồng cỏ. Ở đó nàng lấy làm ngạc nhiên thấy có kê hai bàn pinh-pông và nhiều chiếc ghế bọc da. Stahr giải thích:

- Tuần trước anh có tổ chức một bữa cơm trưa ở đây, mặc dầu nhà chưa làm xong. Cỏ với mấy thứ đồ đó mới được đưa tới cả.

- Cỏ thiệt hả anh. - Nàng vừa hỏi vừa cười.

- Thiệt chứ.

Phía xa khỏi bồn cỏ là địa điểm đang đào để làm hồ tắm, hiện thời thì các loại chim biển tới ngự trị, chúng bay túa lên khi thấy hai người tới. Nàng hỏi:

- Anh tính sống ở đây một mình, không bóng dáng đàn bà thiệt sao?

- Có thể. Anh là người ưa phát họa chương trình, nhưng hiện thời thì chưa có dự tính gì. Có lẽ đây là nơi thích hợp để đọc chuyện phim. Còn ngoài ra, phim trường mới thiệt là nhà anh.

- Em nghe nói những người làm ăn thường sống như vậy.

Stahr chợt nhận thấy giọng nói của nàng có vẻ lên mặt dạy đời:

- Người ta sanh ra mỗi người đều có số mệnh khác nhau. Nhiều người cứ bảo anh phải làm gì kẻo rồi ít nữa sẽ trơ trọi một mình trong tuổi già khi không thể làm việc được nữa. Nhưng anh nghĩ vấn đề đâu có đơn giản như vậy.

Một trận gió nổi lên. Họ cảm thấy đã tới lúc nên quay trở về. Vô tình, Stahr móc chìa khóa xe ở túi quần ra cầm quay quay trong tay. Chợt hai người người nghe tiếng chuông điện thoại vang lên từ đâu đó. Không phải ở trong nhà mà có lẽ từ ngoài sân cỏ. Hai người chạy ra vườn, nhớn nhác tìm kiếm giống như hai đứa trẻ chơi trò ẩn núp. Cuối cùng họ tìm thấy máy điện thoại ở trong một cái hộc nhỏ, gắn sâu vào tường cạnh sân ten-nít. Tiếng chuông reo đứt đoạn tự nhiên gây cho họ một cảm giác ngờ vực. Stahr tỏ vẻ lưỡng lự:

- Hay là kệ cho nó reo, đừng trả lời.

- Em không làm vậy trừ khi em biết người ở đầu dây bên kia là ai.

- Một là điện thoại của người khác, hai là họ đoán bậy mình ở đây. - Nói xong Stahr nhắc máy lên.

- Alô... Từ xa gọi tới, vâng, ở đâu? Vâng, tôi là Stahr đang nghe đây.

Nét mặt Stahr thay đổi một cách rõ rệt. Chàng có vẻ xúc động lắm. Đã lâu lắm, hàng chục năm nay, bây giờ mới có một lần chàng để lộ cảm xúc ra ngoài mặt như vậy và nàng là người may mắn được trông thấy. Không phải Stahr không muốn để lộ cảm xúc của mình, nhưng chàng thấy những lúc như thế có vẻ trẻ con quá. Chàng quay ra nói vội với nàng:

- Tổng thống.

- Ông chủ công ty của anh hay sao?

- Không. Tổng thống Hoa Kỳ.

Thấy nàng đang để ý nhận xét mình, Stahr cố làm ra vẻ tự nhiên, coi thường, nhưng giọng nói của chàng vẫn hơi run:

- Được rồi, tôi sẽ giữ máy chờ đây.

Sau khi trả lời trong điện thoại, chàng quay ra nói với nàng:

- Trước đây anh đã có nói chuyện với ông ta.

Nàng chăm chú theo dõi. Stahr mỉm cười và nháy mắt với nàng để tỏ ra trong lúc quan trọng bận rộn nhất chàng cũng vẫn không quên nàng.

Stahr nói vào máy:

- Alô!

Chàng lắng nghe một lát, rồi lại lên tiếng:

- Alô!

Chàng hơi nhăn mặt, nhưng vẫn nói với giọng lịch sự:

- Xin Ngài vui lòng nói lớn một chút.

Sau đó Stahr hỏi nhanh:

- Ai? Sao?

Nàng nhận rõ những nét bực tức hiện ra trên mặt chàng, Stahr lên tiếng:

- Tôi không muốn nói với hắn. Không!

Rồi chàng quay qua nói với nàng:

- Chuyện quái đảng ngoài sức tưởng tượng, một người rừng muốn nói chuyện với anh.

Stahr nghe người ở đầu dây kia giải thích một hồi, rồi chàng nhắc lại:

- Thôi đi, Lew à. Ai mà biết nói gì với người rừng bây giờ?

Chàng dùng ngón tay làm hiệu, ngoắc Kathleen lại gần, để ống nghe vào gần tai cho nàng nghe thấy những tiếng thở hổn hển và gầm gừ. Người ở đầu dây bên kia lên tiếng:

- Stahr à, đây là người rừng thiệt chớ không phải giả đâu. Hắn giống hệt với người rừng mà ông McKinley đã tìm ra vậy đó. Ông Horace Wiekersham hiện có mặt ở đây và ông ta có cả cuốn phim của người rừng của McKinley để mình nhận xét...

Stahr có vẻ sốt ruột:

- Hồi xưa mình cũng đã cho một con đười ươi đóng phim và... Gilbert đã bị nó cắn mất một mảng thịt... Thôi, được rồi, anh để cho hắn nói thử coi.

Sau đó Stahr lấy giọng chậm rãi như khi nói với một đứa trẻ:

- Alô, ông người rừng có nghe tôi nói không?

Chàng biến đổi sắc mặt và quay qua nói với Kathleen:

- Nó nói “Alô” em ạ.

- Anh thử hỏi tên là gì xem nó nói sao.

- Alô, người rừng! Trời đất quỷ thần, gì vậy? Anh có biết tên anh là gì không?... Hình như nó không biết... Này, Lew đấy à? Thôi đi nhá, chúng ta không sản xuất loại phim Kinh-Kong đâu. Không, trong phim Đười ươi tóc dài mình cũng không cần đến người rừng... Không. Không có nói gì đến vần đề đười ươi hay người rừng trong đó cả... đó chỉ là đặt cái tựa vậy mà... Đười ươi ở đây là tên đặt cho một nhà trinh thám đó. Ừ,... ừ. Thôi, cúp nghe.

Stahr đã bực bội với Lew, vì lúc trước chàng lầm tưởng đó là điện thoại Tổng thống kêu tới. Nghĩ lại thái độ và cử chỉ của mình Stahr cảm thấy ngượng với Kathleen.

Nhưng ngược lại, tuy ái ngại cho chàng, nhưng nhờ đó nàng cảm thấy mến Stahr hơn và tỏ vẻ vui thích vì chuyện người rừng vừa rồi.

*

Hai người ra về lúc xế trưa. Họ lái xe dọc theo bờ biển với mặt trời đuổi theo ở phía sau. Nhìn lại bóng dáng căn nhà xa xa, họ cảm thấy nó có vẻ dễ thương hơn trước. Ngôi nhà hình như đã được sưởi ấm nhờ cuộc thăm viếng vừa rồi. Ánh nắng gay gắt trở nên dễ chịu hơn, khi họ biết rằng mình không nhất thiết bị giam hãm ở đây như trường hợp những người bị cô lập trên cung trăng. Từ một khúc quanh ở bờ biển, hai người nhìn về phía chân trời ở đàng sau ngôi nhà chưa có hình thù nào nhất định. Những áng mây màu hồng khiến căn nhà thân mật lạ lùng với một tương lai đầy hứa hẹn.

Xe chạy qua bãi tắm Malibu, hai người cảm thấy họ đang đi trở về gần với xã hội văn minh hơn khi nhìn những chiếc thuyền đánh cá, những dãy xe hơi đậu ngổn ngang trên các sườn đồi gần bãi biển, trông chẳng khác nào những con kiếng đang bò. Mặt biển nhấp nhô hàng ngàng chiếc đầu đen rải rác khắp nơi.

Càng ngày những vật dụng của khách tắm biển càng hiện ra nhiều hơn. Nào là dù, nệm, khăn lông, giỏ quần áo, lò nấu ăn... Thôi thì đủ thứ xiềng xích con người tạm thời tháo bỏ ngổn ngang trên bãi cát. Người ta tới đây lặn hụp, nhúng chân, tay vào những bồn nước thiên nhiên của trái đất này, những mong gọt bỏ được phần nào đớn đau cuộc thế. Riêng Stahr, đã từ lâu chàng cảm thấy biển không còn phải của mình, và chàng cũng quên không còn biết xử dụng làm sao nữa.

Stahr cho xe chạy vào một con đường quẹo lên sườn đồi, bỏ lại lũ người ngổn ngang ở bãi biển. Từ đây bắt đầu là ngoại ô thành phò. Chàng ngừng xe đổ thêm xăng. Đứng tựa vào sườn xe, Stahr có vẻ hơi bồn chồn:

- Chúng ta đi kiếm cơm ăn thôi chứ?

- Cứ việc theo chương trình của anh.

- Không, chiều nay anh chẳng có việc gì làm và cũng không biết đi đâu.

Chàng nói vậy và biết rằng nàng cũng không hơn gì mình. Quả nhiên nàng đồng ý ngay:

- Anh có muốn ăn cơm trong tiệm tạp hóa phía bên kia đường không?

- Em thích vậy sao?

- Em thích như vậy, vì trong đó có một vẻ thâm u, lạ lùng đặc biệt.

Họ đưa nhau vào tiệm tạp hóa có bán đồ ăn, ngồi lên hai chiếc đôn cao ở một quầy ăn trong góc tiệm, kêu thức ăn. Hai người ăn ngon lành trong bầu không khí thân mật, và kể từ giờ phút này họ cảm thấy sợ sự cô đơn. Họ cùng ngửi thấy đủ thứ mùi vị của các thứ hàng trong tiệm, và nhận thấy ở cô bồi bàn hình như có một không khí bí mật bao quanh với bộ tóc nhuộm đen đã bạc màu. Lúc họ đứng lên thì trong dĩa của mỗi người chỉ còn sót lại có vài lát khoai chiên.

Bên ngoài trời đã bắt đầu tối. Lúc này có mỉm cười chắc chàng cũng chả trông thấy được. Nàng lên tiếng:

- Cảm ơn anh nhiều, hôm nay em được hưởng một cuộc đi chơi thiệt là vui.

Gần tới nhà nàng, xe bắt đầu lên dốc, tiếng động cơ kêu lớn hơn, ánh sáng của những căn nhà trệt bắt đầu hiện ra. Màu sắc và âm thanh đó như báo cho hai người biết đã tới lúc chia tay, cuộc vui hầu tàn. Stahr bật đèn xe và cảm thấy hơi đau ở bao tử. Bỗng nhiên chàng buột miệng:

- Hay chúng ta đi ra bãi nữa đi.

Nàng nói nhanh như thể đã đoán trước được ý định của chàng:

- Thôi anh à. Em sẽ viết cho anh một lá thơ để nói rõ hơn về trường hợp của em. Anh làm việc vất vả quá, cần nghỉ ngơi đôi chút, và nên lập gia đình trở lại. Dù sao cảm tình của em đối với anh vẫn nguyên vẹn như hôm nay.

Chàng phản đối:

- Thôi, anh xin em, đừng nói những chuyện đó. Hôm nay chúng ta hãy sống trọn vẹn cho nhau và chỉ biết có hai đứa mình. Anh muốn được gần em để nói về chuyện của chúng mình nhiều hơn.

Nhưng nếu muốn được gần nhau nữa thì nhất định chàng phải vào phòng của nàng, vì xe đã gần tới trước cửa nhà và nàng đang lắc đầu lia lịa.

- Em có việc phải đi bây giờ. Em đã quên không nói cho anh hay trước.

- Anh biết em không đi đâu hết. Nhưng thôi, chả sao.

Chàng đi theo nàng tới trước bậc cửa, đứng ngay ở chỗ vết chân mà chàng đã đứng trong đêm trước, trong khi nàng mò tay trong ví tìm chìa khóa cửa.

- Thấy chưa em?

- Đây rồi.

Nàng đã bước vào trong nhưng còn đứng lại ở cửa nhìn lại chàng. Nàng nghiêng hẳn đầu ra ngoài, ngó bên phải, bên trái cố nhìn rõ mặt chàng trong đêm tối. Thình lình chàng nắm lấy bàn tay nàng kéo lên miệng đặt vào đó một cái hôn. Rồi chàng ôm lấy vai nàng và kéo vào đêm tối. Cằm chàng rà nhẹ trên má nàng. Nàng sẽ kêu “Ơ”, nhưng rồi nàng nhắm mắt lại, để mặc cho những cảm giác diễn tiến. Bàn tay nàng nắm chặt chiếc chìa khóa đang cầm. Nàng lại kêu lên se sẽ: “Ơ”, rồi đột nhiên khoảng cách đêm tối giữa chàng và nàng tự nhiên biến mất. Nàng cảm thấy mình vừa hòa tan vào một thế giới khác.

Lúc hai người đã rời nhau, nàng sẽ lắc đầu không phải để phủ nhận cảm giác vừa qua, nhưng hình như nàng lấy làm ngạc nhiên. Tình cảm của nàng luôn luôn như vậy, sự việc xảy ra là do chính hành động của nàng tạo nên, nhưng rồi nàng lại muốn lìa xa tình cảm đó: một việc làm còn nặng nề và khó khăn hơn gắp bội. Nàng không thể trách chàng, vì người đàn ông bao giờ cũng đầy thèm muốn, và chính nàng đã bằng lòng. Nàng đã chỉ chiều theo ý của chàng, tuy nhiên nàng cảm thấy mình không có quyền dự phần vào sự thèm muốn đó. Lần này nàng đã thất bại, nhưng sau này liệu sẽ còn bao nhiêu lần thất bại khác nữa. Nếu bây giờ nàng đi vào đóng cửa lại cũng chưa hẳn là một sự chiến thắng. Nhưng đó chỉ là một sự trở về với con số không nàng không có gì hết.

Nàng nói sẽ:

- Em thiệt không muốn có chuyện như vậy. Em không bao giờ có ý như thế.

- Cho anh vào chứ?

- Í, không, không anh à!

- Vậy thì ra xe, chúng ta đi nữa.

Nàng cảm thấy như người sắp chết đuối vớt được phao. Nàng đồng ý ngay, nàng muốn chạy trốn khỏi nơi đây, và có cảm tưởng sự trốn chạy này là giai đoạn chót của cuộc phiêu lưu. Nàng lờ mờ cảm thấy như thế, và muốn đi ngay như tội nhân rời khỏi phim trường. Lúc xe bắt đầu chạy, hai người cảm thấy những cơn gió mát vuốt ve bên má và dần dần trở nên tỉnh táo. Bây giờ nàng đã phân biệt được đen, trắng rõ ràng. Nàng lên tiếng trước:

- Em muốn trở lại căn nhà ngoài bãi biển.

- Tới đó sao?

- Vâng. Lúc này em chỉ muốn ngồi trên xe đi đâu cũng được.

*

Lúc hai người trở lại bãi tắm Santa Monica bầu trời đã tối sẫm, một cơn mưa nhẹ hạt kéo tới. Stahr ngừng xe bên đường, kéo mui lên và bảo Kathleen: “Bây giờ thì nhà có mái rồi em nhé”.

Hai cây gạt nước quay đều đều như chiếc đồng hồ quả lắc. Nhiều xe ướt đẫm lũ lượt từ bãi biển chạy ngược trở về thành phố. Đi một quãng nữa, chàng lọt vào vùng sương mù. Không còn trông thấy lề đường đâu nữa. Đèn pha của những chiếc xe ngược chiều trông như thể những ngọn đèn để yên một chỗ, cho tới khi chúng lóe sáng lên vụt qua xe mình mới hết.

Hai người cảm thấy nhẹ nhõm. Hình như họ đã trút bớt gánh nặng lại phía sau. Vài cơn gió lạnh lọt qua khe kính vào trong xe mát rượi. Kathleen âm thầm bỏ nón ra để ở băng sau và chậm rãi làm gọn lại mái tóc. Stahr chăm chú theo dõi cử chỉ của nàng và khi bắt gặp, nàng chỉ mỉm cười.

Nhà hàng có con hải cẩu tinh khôn chỉ còn lờ mờ một ít ánh sáng ở phía trước. Stahr quay bớt kính xuống, ngó ra ngoài để nhìn đường. Một lúc sau, xe ra khỏi vùng sương mù, con đường dẫn tới ngôi nhà chàng hiện ra rõ dưới ánh trăng nhạt. Ngoài mặt biển vẫn còn những chấm sáng.

Trời tối, căn nhà trông như có vẻ nhỏ lại. Ánh đèn mờ mờ ở cổng hiện ra. Hai người lom khom đi qua những chướng ngại gỗ, đá ngổn ngang vào tới trong nhà. Họ vào căn phòng độc nhất vừa làm xong hãy còn đầy mùi mạt cưa, gỗ mới khắp nơi. Stahr ôm nàng trong tay, mặt hai người gần kề và họ nhìn thấy rõ hai con mắt của nhau trong bóng tối lờ mờ. Nàng chợt nói sẽ:

- Chờ một chút nữa anh.

Tại sao nàng lại cần một phút chờ đợi như thế? Để nàng suy nghĩ lại những việc đã qua và hoàn cảnh hiện tại. Suy nghĩ để làm gì nàng cũng không biết, nhưng chắc chắn một phút đó không thể khiến nàng đủ sức ngừng lại ở đây được. Chiếc áo mưa của Stahr đã tụt xuống sàn nhà, và nàng thấy chàng hơi run run.

Ngay lúc đó nàng cảm thấy cánh tay chàng đang ôm nàng nới lỏng ra. Nàng vội vàng nói những lời khuyến khích và kéo ghì đầu chàng xuống ngực mình, hai đầu gối nàng sẽ chuyển động để trút bỏ một cái gì đó, nàng vẫn đứng, một tay ôm chàng và đá vật đó ra gần chiếc áo mưa. Lúc này Stahr không còn run nữa, chàng ôm nàng, rồi họ cùng quỳ xuống và lăn lộn trên chiếc áo mưa.

*

Sau đó họ cùng nằm im lặng, không ai nói gì. Chàng cảm thấy tự nhiên thương mến nàng vô tả, và ôm ghì nàng thật chặt đến nỗi một chiếc nút áo bị đứt bung ra. Tiềng kêu của chiếc nút áo bị đứt đưa họ trở về với thực tại. Chàng nắm tay nàng:

- Để anh đỡ em dậy.

- Không. Kệ em.

Nàng nằm trong đêm tối với đầu óc vơ vẩn, mơ hồ, tưởng rằng chàng là một kẻ xuất sắc không bao giờ thấm mệt, nhưng sau cùng rồi nàng cũng để cho chàng dìu lên... Khi nàng trở lại, căn phòng đã được bật sáng bởi một bóng đèn duy nhất giấu trong tường. Chàng nói:

- Đây là hệ thống ánh sáng một bóng đèn. Anh tắt đi nhé.

- Không, em thích để vậy, em muốn nhìn rõ anh.

Hai người ngồi trên một băng ghế dài gần cửa sổ với đế giày của mỗi người chạm vào nhau. Nàng lên tiếng:

- Trông anh có vẻ suy tư.

- Em cũng vậy.

- Anh lấy làm lạ lắm sao?

- Chuyện gì?

- Chuyện chúng mình vừa rồi. Có bao giờ anh nghĩ hay muốn rằng mình là một, nhưng rồi cuối cùng vẫn là hai.

- Anh thấy mình rất gần gũi nhau.

- Em cũng vậy.

- Cám ơn em.

- Cám ơn anh.

Rồi cả hai cùng cườí.

- Có phải đêm rồi anh cũng muốn vậy không?

- Anh không rõ lắm.

- Em không biết tới bao giờ đàn ông mới thoát được chuyện đó. Có lúc thì họ dửng dưng. Có lúc thì làm như chết đến nơi nếu không có chuyện đó.

Đó là một cái vòng lẩn quẩn và chàng cảm thấy mến nàng hơn vì những nhận xét tế nhị của nàng. Đuổi bắt để nhận diện lại quá khứ chính là điều sở thích say mê của chàng.

Nàng lên tiếng nối theo ý tưởng của chàng:

- Em ở tệ với Edna quá.

- Nàng là ai?

- Đó chính là người mà anh đã lầm với em. Anh đã điện thoại cho cô ta. Cô ta ở bên kia đường, trước cửa nhà em. Bây giờ thì chị ấy dọn đi Sancta rồi.

- Bộ cô ta làm đó hay sao mà dọn tới khu đó?

- Cũng gần như vậy.

- Kỳ thiệt.

- Chị ấy có đời sống bình thường y như những người khác. Em đâu có biết chị ấy làm nghề đó. Mãi tới lúc dọn đi chị ấy mới cho em hay.

Chàng thấy nàng rùng mình và vội vàng lấy chiếc áo măng-tô khoác lên vai nàng, rồi mở tủ lôi ra một đống nệm và gối. Có cả một hộp nến trong tủ. Chàng thắp nến để chung quanh và cắm lò sưởi điện.

- Tại sao Edna lại có vẻ sợ anh?

- Vì anh là một ông chủ hãng. Chắc nàng hay bạn của nàng đã từng gặp những chuyện ghê gớm với mấy ông chủ hãng như anh. Tội nghiệp!

- Tại sao em lại quen nàng ta?

- Cô ấy sang nhà em chơi. Chắc cô ta tưởng rằng em cũng thuộc loại lang bang. Cô ta cố làm quen với em, lâu rồi hai đứa thành bạn với nhau.

Nàng đứng lên để chàng trải nệm lên chiếc băng:

- Em vô dụng quá. Còn gì sửa soạn nữa không anh?

- Có gì đâu, em cứ ngồi yên đi cho ấm một chút.

Stahr quàng tay ôm ngang lưng nàng. Họ ngồi im lặng một lát rồi nàng tên tiếng:

- Edna đã cho em biết vì sao lúc đầu anh đi kiếm em.

- Cô ta nói gì với em?

- Cô ấy bảo tại vì em giống Minna. Có nhiều người cũng đã từng nói với em như vậy.

Chàng nghiêng người khỏi nàng và gật đầu. Nàng cầm bàn tay chàng để lên má nàng:

- Có phải em giống nàng ở chỗ này không, đây nữa phải không?

- Đúng. Thiệt là kỳ lạ, em trông giống nàng còn hơn cả chính hình ảnh của nàng trên màn ảnh nữa.

Nàng đứng lên, nói sang chuyện khác và làm một cử động như thể nàng vừa cảm thấy sợ sệt điều gì. Nàng tiến tới mở tủ, đứng lúi húi một lát và khi quay ra nàng mặc một chiếc yếm làm bếp nhỏ. Nàng nhìn quanh phòng một lát và phê bình:

- Chúng mình mới dọn tới, dĩ nhiên nó phải bừa bộn.

Rồi nàng mở cửa đi ra hành lang, đem vào hai chiếc ghế, lấy khăn lau khô. Chàng chăm chú theo dõi từng cử chỉ của nàng và sợ rằng thình lình nàng có thể tan biến đi mất. Chàng đã nhìn nhiều thiếu nữ trong các phim trắc nghiệm tuyển chọn tài tử, và thấy rằng sắc đẹp của họ mỗi lúc một biến mất đi lần lần, và cuối cùng chỉ còn là những cử động nghèo nàn giống rhư một pho tượng biết đi với cử chỉ máy móc của một hình nhân múa rối làm bằng giấy. Ở Kathleen, chàng nhận thấy những nét mềm mại tự nhiên, nhưng sự mềm mại đó lại hầu như một ảo giác rất dễ dàng tan biến. Nàng lên tiếng khiến tư tưởng Stahr bị cắt ngang:

- Hết mưa rồi anh à. Hôm em mới tới, trời mưa một trận kinh khủng, tiếng nước đổ xuống nghe như tiếng vó câu của hàng ngàn con ngựa đang chạy.

Chàng cười:

- Rồi em sẽ thấy thích những trận mưa như thế, nhất là khi em có ý định ở lại đây. Sao, em có tính ở lại không? Bây giờ nói cho anh nghe được chưa, gì mà có vẻ bí mật quá?

Nàng lắc đầu:

- Chưa phải lúc, mà cũng không có gì đáng nói.

- Không thì lại đây với anh vậy.

Nàng đi lại đứng gần chàng. Stahr cọ má vào chiếc yếm làm bếp của nàng và cảm thấy những sợi vải mềm mại.

- Anh không được khỏe lắm.

- Khỏe về chuyện này hả?

Nàng nói nhanh:

- Không phải vậy. Ý em muốn nói là anh làm việc nhiều quá.

- Đừng giở giọng mẹ con.

- Thôi, em hổng thèm nói nữa. Vậy anh muốn em làm gì bây giờ?

Stahr nghĩ thầm: anh muốn em là một cô gái chịu chơi. Nhiều lúc chàng chỉ muốn cho cuộc đời trở nên tan vỡ hết. Nếu quả thực là chàng sắp chết như lời của hai ông bác sĩ đã nói, thì trước khi chết một thời gian chàng muốn rằng mình không phải là ông Stahr tỷ phú, giàu có nữa. Nhưng chàng muốn trở thành một thanh niên thuộc loại nghèo mà ham, lang thang theo đuổi những mối tình tuyệt vọng, những bóng dáng giai nhân, nhưng không có gì để tặng cho người đẹp cả. Phải, chàng đã chán cảnh giàu có, và chỉ muốn trở thành một thiếu niên vô danh đi lang thang trên đường phố tối.

Kathleen sẽ lên tiếng:

- Anh cởi dùm em cái yếm làm bếp ra với.

- À.

- Liệu còn ai đi ngoài bãi không anh. Em muốn đem nến ra cắm ở bên ngoài.

- Thôi, đừng em.

*

Nàng nằm nghiêng người trên mặt nệm trắng nhìn chàng:

- Em có cảm tưởng như mình là thần Vệ Nữ.

- Tại sao em nghĩ vậy?

- Anh thử nhìn em coi, không giống là gì?

- Ừ, em cho là giống thì nó giống.

- Có nhiều lúc em cảm thấy thiệt sung sướng, và thấy anh thiệt dễ thương.

- Em có vẻ biết nhiều chuyện.

- Anh nói sao em không hiểu.

- Qua cử chỉ và ngôn ngữ của em, anh thấy em là người hiểu biết nhiều.

- Nếu nói về học vấn thì chưa bao giờ em đặt chân tới trường Đại học. Nhưng người đàn ông mà em đã có nói với anh, hắn có ý định giáo dục em. Hắn bắt em đọc đủ mọi loại sách, kể cả các sách về triết học và hội họa. Em nghĩ rằng có lẽ hắn giữ em ở lại là vì muốn giáo dục em.

- Em đã đọc những tác giả nào?

- Em chẳng nhớ quái gì. Bây giờ thì em quên hết và sau này chắc chả bao giờ em gặp ai như hắn nữa.

Suhr có vẻ cảm động:

- Em nên cố nhớ, không được quên, vì học vấn là điều đáng quý.

- Em đâu còn phải là học sinh.

- Em có thể nhớ để dạy lại cho con cái sau này.

- Thiệt sao?

- Đúng vậy. Vì còn nhỏ không được học, nên bây giờ muốn biết điều gì anh cứ phải chạy đi hỏi lung tung. Anh hay hỏi những nhà văn, nhà thơ say sưa, vì họ không bao giờ tiếc lời nói cả.

- Được, em sẽ cố nhớ để dạy cho con. Nhưng nhiều lắm, làm sao nhớ hết. Mình càng học càng thấy nhiều chuyện khác chưa biết. Đúng là càng học càng thấy dốt. Nếu hắn mà không điên điên, khùng khùng thì có lẽ hắn cũng làm được nhiều việc lắm.

- À, vâng, em đã yêu với tất cả sự bồng bột.

Nàng mơ màng nhìn qua cửa sổ và tiếp:

- Này anh, ngoài bãi có ánh đèn, chúng ta thử ra xem.

Chàng nhảy vội xuống đất:

- Hả, có lẽ cá găm xuất hiện.

- Cái gì anh?

- Hồi chiều anh thấy các báo có loan tin tối nay cá găm xuất hiện mà.

Chàng chạy vội ra ngoài xe. Nàng nghe tiếng mở cửa xe và sau đó chàng trở vào với tờ báo trên tay:

- Mười giờ mười sáu phút. Tức là còn năm phút nữa.

- Nguyệt thực hay là gì vậy anh?

- Không, giờ cá xuất hiện ở bãi. Em bỏ giày, vớ ra đi với anh.

Ngoài bãi bầu trời trong xanh dưới trăng sáng. Thủy triều bắt đầu dâng. Hàng đàn cá găm đông đảo chờ sẵn ngoài khơi. Đúng mười giờ mười sáu phút, chúng theo nước dâng, tràn vào bãi biển phơi mình trắng xóa trên bãi cát, bơi lượn xung quanh chân người. Chúng bơi từng hai con, ba con một hay có khi từng đàn cả chục con. Một người da đen hăm hở nhặt từng con bỏ vào hai chiếc sọt lớn. Anh ta lượm mỏi tay, chẳng mấy lúc đã đầy sọt. Anh ta cười với Stahr:

- Giá có vài sọt nữa cũng chứa không hết.

- Cá này anh đem đi bán ở đâu?

- Đem lên Malibu. Nhưng hình như những người làm điện ảnh không thích ăn cá mấy.

- Đi xa quá như vậy mà bán được bao nhiêu tiền, có bỏ công không?

- Nhân tiện tôi đi chơi luôn và mua mấy tờ báo về đọc. Tuy sống bằng cá, nhưng tôi chỉ có một cái thú là đọc báo.

Những lượn sóng bắt đầu vỗ vào bãi và kéo theo cá ra khơi, để lại bãi cát vàng trơ trọi như trước. Anh da đen hỏi Stahr:

- Ông làm gì?

- Điện ảnh.

- Ồ, tôi chưa bước chân vào rạp chiếu bóng bao giờ.

- Tại sao vậy?

- Tôi thấy nó chẳng ích lợi gì. Tôi cấm luôn cả mấy đứa nhỏ không cho đi coi xi-nê bao giờ.

Stahr nhìn anh ta, và Kathleen nhìn Stahr. Nàng nói:

- Cũng có phim hay chớ.

Một đợt sóng mạnh chạy vào bờ, nước bắn lên tung tóe khiến anh ta không nghe được câu nói của nàng. Nàng muốn thay đổi quan niệm của anh ta đối với điện ảnh, nên nhắc lại lần nữa, nhưng anh ta tỏ vẻ lãnh đạm. Stahr hỏi:

- Những người da đen khác có thích điện ảnh không?

- Họ chả hiểu những cuốn phim đó muốn nói cái gì. Mỗi tuần mỗi đổi phim khác, chẳng có một vấn đề gì nhất định, chắc chắn.

Có lẽ chỉ có những cá găm trắng phau kia là chắc chắn nhất. Đã nửa tiếng rồi, chúng vẫn còn tiếp tục tiến vào từ ngoài khơi. Gã da đen gánh hai thúng cá đầy lên khỏi bãi, tiến vào đường cái, không hề biết rằng quan niệm của anh ta có thể khiến kỹ nghệ điện ảnh phải lung lay.

Stahr và Kathleen cũng trở về. Nàng nghĩ không biết làm sao cho bớt lạnh. Gió lúc này đã thổi mạnh. Từng đợt sóng thi nhau đập vào bờ, bột trắng bắn tung tóe. Nàng lên tiếng:

- Tội nghiệp mấy anh cột nhà cháy, mấy ảnh chả biết điện ảnh là cái gì cả.

- Đừng trách họ. Họ có loại điện ảnh riêng của họ.

Về tới phòng, Kathleen đi giày vớ vào ngồi trước lò sưởi:

- Em cảm thấy thích California hơn. Có lẽ tính em hơi lang bang, không được nết na lắm.

- Không hẳn như vậy.

- Anh biết không như vậy?

- Gần em anh thấy vui.

Nàng thở dài một tiếng sẽ và đứng lên, rất sẽ nên Stahr không nghe thấy.

- Anh không thể để mất em. Dầu em nghĩ thế nào về anh. Nhưng chắc em cũng đã thấy tình anh đối với em như thế nào rồi...

Chàng ngừng lại một lát, hình như không chắc chẳn lắm về lời nói của mình:

- Em là người đàn bà đẹp say đắm, mà không biết đã từ bao giờ anh chưa từng gặp. Anh không thể không nhìn em suốt ngày. Đôi mắt em khiến cho cả thế giới này khi nhìn thấy phải thở dài...

Nàng vừa cười vừa kêu lớn:

- Thôi anh đi, cho em xin! Anh làm em về nhà có lẽ phải đứng trước gương soi cả tuần lễ xem thử mắt mình như thế nào. Đối với một cô gái ở nước Anh thì em kể là có hàm răng khá.

- Răng em rất đẹp.

- Nhưng so với các cô minh tinh điện ảnh ở Hollywood này thì em chưa đáng xách dép cho họ....

- Em không được nói vậy. Nhận xét của anh rất chính chắn.

Nàng đứng lặng thinh, nhìn mình, rồi nhìn chàng, rồi lại nhìn mình. Hình như nàng muốn nói điều gì nhưng lại thôi không nói nữa. Cuối cùng nàng thốt nhanh:

- Thôi, đi anh!

*

Họ lái xe trở lại con đường cũ. Ngày hôm nay như thể là bốn lần họ đi qua con đường này, và mỗi lần đều cảm thấy mình là một con người khác. Vui buồn, háo hức, tò mò, thèm muốn, tất cả hình như đã lùi vào quá khứ. Bây giờ là lúc trở về với con người thực của chính mình, với tất cả tương lai, dĩ vãng của mình và công việc ngày mai bày ra trước mắt. Chàng bảo nàng ngồi sát lại phía mình. Nàng làm theo, nhưng cũng không cảm thấy gần nhau hơn. Sự thân mật trước đây mấy tiếng đồng hồ không còn để lại dư âm gì cả. Mấy lần chàng đã định lên tiếng mời nàng về nhà ngủ với mình, nhưng lại thôi, vì sợ nàng biết mình là con người quá cô đơn. Lúc xe bắt đầu lên dốc chạy về hướng nhà nàng, Kathleen đưa tay lại phía sau rờ tìm một vật gì đó ở nệm xe.

- Em kiếm gì vậy?

- Có lẽ nó rớt ra ngoài rồi. - Nàng vừa trả lời vừa mò tìm trong xắc tay.

- Mà cái gì vậy em?

- Một bao thơ.

- Quan trọng không?

- Không.

Lúc tới nhà, Stahr bật đèn trong xe, và nàng lật cả nệm xe lên kiếm cũng không thấy. Nàng bảo Stahr:

- Thôi, không sao đâu anh. Chắc rớt ra ngoài xe mắt rồi. À, địa chỉ thực sự hiện tại của anh bây giờ là chỗ nào?

- Bel-air. Không có số nhà.

- Bel-air là ở đâu?

- Một khu đang mở mang gần Santa Monica. Nhưng mà em cứ kiếm anh ở phim trường tiện hơn.

- Vâng, được rồi. Thôi, em về, cảm ơn ông Stahr nhiều.

Chàng nhắc lại, một cách ngạc nhiên:

- Ông Stahr?

- Cám ơn anh, chúc anh ngon giấc đêm nay. Vậy được chưa?

Chàng cảm thấy như bị đẩy xa khỏi nàng thêm chút nữa.

- Tùy em.

Stahr cảm thấy không chịu được không khí ngăn cách giữa hai người. Chàng nhái theo điệu bộ nàng hay làm, nghiêng đầu bên này, bên kia nhìn nàng và nói không thành tiếng: “Em biết chuyện gì sẽ tới với anh không?” Nàng thở dài và để chàng ôm mình trong vòng tay, và trong giây lát cảm thấy mình hoàn toàn thuộc về chàng. Trước khi tình thế thay đổi, Stahr thì thầm lời tạm biệt bên tai nàng và quay trở ra xe.

Lái xe vòng trở xuống đồi, Stahr cảm thấy một bản họp tấu lạ lùng, mãnh liệt, chỗ sai, chỗ đúng nổi lên trong lòng lần đầu tiên. Chủ đề có lẽ đã hiện ra, nhưng nhạc sĩ mới bắt tay sáng tác nên chưa nhận thấy ngay. Hòa tấu khúc trong lòng chàng có thể lẫn lộn với tiếng còi xe đủ loại trên mặt lộ kia. Cũng có lúc lại thâm trầm như tiếng trống đổ đều trong đêm trăng. Chàng lắng nghe thứ âm nhạc vừa mới bắt đầu nổi lên đó, thứ nhạc chàng cảm thấy thích nhưng không hiểu nổi.

Bên cạnh những âm thanh là hình ảnh người da đen với hai thúng cá trắng phau cũng hiện lên. Có thể giờ này anh ta đang ngồi ở nhà đợi Stahr, hay chờ chàng trong phim trường. Anh ta đã bảo cấm không cho con cái đi xem chiếu bóng. Thực là một thành kiến sai lầm cần phải gột bỏ bằng cách này hay cách khác. Một phim, hai phim, nhiều phim, một thập niên điện ảnh sẽ phải phá bỏ được thành kiến đó. Từ lúc nghe anh ta nói, Stahr đã quyết định loại bỏ bốn phim trong chương trình sản xuất, trong đó có một cuốn vừa bắt đầu tbực hiện tuần này. Đó là những cuốn phim khó hiểu. Stahr suy nghĩ lại những lời nói của anh da đen và thấy chúng vô giá trị. Chàng lấy lại một phim trước đây đã quăng trả cho bọn chó sói Brady, Marcus và đồng bọn để tính chuyện khác. Quyết định làm lại cuốn phim này là vì người da đen.

Stahr vừa lái xe về tới nhà là đèn trước cửa đã bật sáng, và người Phi Luật Tân giúp việc cho chàng tới đem xe vào ga ra. Trong thư phòng, Stahr thấy tờ giấy ghi một dọc tên những người đã gọi điện thoại tới:

“La Borwitz

Marcus

Harlow

Reinmund

Reinmund

Fairbanks

Brady

Colman

Skouras

Fleishacker,” vân vân...

Người giúp việc Phi Luật Tân đem vào cho chàng một bao thơ:

- Thưa cậu cháu thấy nó rớt ra ngoài xe.

- Cảm ơn bác, tôi đang kiếm từ nãy tới giờ.

- Thưa, tối nay cậu có coi phim không ạ?

- Không, cảm ơn bác, bác cứ việc đi ngủ đi.