Những Huyền Thoại

Lối Phê Bình Câm Và Mù

Lối phê bình câm và mù

CÁC nhà phê bình (văn học hoặc sân khấu) thường dùng hai lập luận khá đặc biệt. Lập luận thứ nhất là bất ngờ tuyên bố khó nói về đối tượng phê bình ấy lắm, vì thế phê bình cũng vô ích. Lập luận thứ hai lâu lâu theo chu kỳ lại thấy xuất hiện, là tự nhận mình ngu ngốc quá, thô thiển quá nên không hiểu được một tác phẩm có tiếng là triết lý sâu xa: một bài viết của Henri Lefebvre* về Kierkegaard* đã khiến những nhà phê bình ưu tú nhất của chúng ta (và tôi không nói về những nhà phê bình công khai tuyên bố là ngu ngốc) giả bộ la toáng lên là ngu đần (mà mục đích rõ ràng là để hạ uy tín Lefebvre bằng cách gạt ông ta vào loại lý trí thuần tuý nực cười).

Vậy tại sao giới phê bình lâu lâu theo chu kỳ lại tuyên bố về sự bất lực hoặc ngu dốt của họ? Chắc chắn không phải vì khiêm tốn: chẳng gì thoải mái hơn khi người nào đó thú nhận mình không hiểu gì về chủ nghĩa hiện sinh, chẳng gì mỉa mai hơn và cũng tự tin hơn khi một người khác ngượng ngùng thú thật mình không có may mắn được khai tâm triết lý về Cái Phi thường; và chẳng gì quyết đoán hơn một người nữa biện hộ là khó nói về thi pháp.

Mọi điều ấy thực ra nói lên rằng người ta khá tự tin vào trí tuệ của mình khiến cho việc thú nhận mình không hiểu chẳng qua là do tác giả thiếu trong sáng chứ không phải đầu óc của chính mình thiếu trong sáng: người ta làm bộ ngớ ngẩn, là để công chúng la ó nhiều hơn, và thế là lôi cuốn họ một cách có lợi từ chỗ cùng bất lực như nhau đến chỗ cùng trí tuệ như nhau. Đó là thao tác quen thuộc của các phòng khách Verdurin: “Tôi đây mà nghề nghiệp đòi hỏi phải thông minh, tôi chẳng hiểu gì về cái đó cả; thế mà các bạn, các bạn cũng chẳng hiểu gì về cái đó; vậy có nghĩa là các bạn cũng thông minh như tôi.”

Bộ mặt thật của những tuyên bố mình thiếu hiểu biết theo thời vụ ấy, chính là huyền hoại ngu dân xưa cũ cho rằng tư tưởng là độc hại nếu nó chưa được kiểm tra bằng “lương tri” và “tình cảm”; Tri thức, đó là cái ác, cả hai cùng mọc trên một cái cây: sự hiểu biết chỉ được phép với điều kiện lâu lâu theo chu kỳ lại tuyên bố các mục đích của nó là hão huyền và quyền lực của nó là có giới hạn (về chủ đề này xem thêm các ý kiến của ông Graham Greene* về các nhà tâm lý học và các nhà tâm thần học); sự hiểu biết lý tưởng chỉ có thể là kiểu thao thao nhẹ nhàng, là nghệ thuật sử dụng ngôn từ để chứng tỏ tâm hồn đồng cảm thoáng qua. Tuy nhiên cặp song đôi lãng mạn của trái tim và đầu óc chỉ có thực trong tranh ảnh có nguồn gốc duy trì chủ nghĩa lờ mờ, trong các triết lý pha màu thuốc phiện, các triết lý ấy cuối cùng bao giờ cũng góp phần củng cố các chế độ cứng rắn, ở đấy người ta tống khứ các nhà trí thức bằng cách đẩy họ đến chỗ quan tâm một chút tới xúc cảm và tới điều khó nói. Thực ra, mọi dè dặt về hiểu biết là một thái độ khủng bố. Làm công việc phê bình mà tuyên bố rằng chẳng hiểu gì về chủ nghĩa hiện sinh hoặc chủ nghĩa Marx (bởi vì đặc biệt người ta cố tình thú nhận là không hiểu hai triết học ấy), tức là nâng cái mù hoặc cái câm của mình lên thành quy tắc nhận thức phổ quát, là vứt bỏ khỏi thế giới chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa hiện sinh: “Tôi không hiểu, vậy các anh là đồ ngốc.”

Nhưng nếu người ta sợ hãi hoặc khinh bỉ các cơ sở triết học của một tác phẩm đến thế, và nếu người ta la toáng lên đòi quyền chẳng hiểu gì về nó và chẳng nói gì về nó, thì tại sao người ta lại làm phê bình? Hiểu và làm sáng tỏ, dẫu sao đó vẫn là nghề nghiệp của các vị. Các vị hiển nhiên có thể phán xét triết lý nhân danh lương tri; điều đáng buồn là nếu “lương tri” và “tình cảm” chẳng hiểu gì về triết lý, thì triết lý lại hiểu rất rõ những thứ đó. Các vị không giải thích các triết gia, nhưng các triết gia lại giải thích các vị. Các vị không muốn hiểu bài viết của nhà mác-xít Lefebvre, nhưng các vị cứ yên trí rằng nhà mác-xít Lefebvre hoàn toàn hiểu rất rõ sự không hiểu biết của các vị, và nhất là (bởi vì tôi tin là các vị xảo quyệt chứ không phải là chẳng hiểu biết gì) lời thú nhận “vô hại” ngọt ngào mà các vị đưa ra.