Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết

Chương 16

Tại các trung tâm tuyển mộ quân dự bị, việc hối lộ đang bước vào thời kỳ nở rộ và lần đầu tiên trong đời công chức của mình, tôi được xếp hạng "ưu tú" vì chuyện ăn hối lộ tôi đã dụng công nghiên cứu tất cả những quy định rắc rối của ngành và do đó đã trở thành một tay thư ký rất hiệu năng, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Từ vốn kiến thức đặc biệt đó, tôi đã "sáng chế" ra một hệ thống con thoi cho các khách hàng của mình. Khi họ hoàn tất sáu tháng nghĩa vụ tích cực và trở về đơn vị của tôi, tôi có cách "phù phép" để đưa họ vào danh sách chỉ bị gọi trong trường hợp chiến tranh.

Không phải trình điện hàng tuần, không phải dự những khoá huấn luyện hè hàng năm. Thế là "giá biểu dịch vụ" của tôi tăng lên, ngoài ra còn thêm mối lợi khác nữa: khi tôi "hoán vị" họ sang danh sách kia, tôi lại dôi ra chỉ tiêu để đưa vào biên chế những con mồi mới tự nguyện hiến tiền để làm lính kiểng, lính ma, nhất cữ lưỡng tiện. Đúng là khi con người ta gặp thời ăn nên làm ra, thì hình như có cái lực huyền bí nào đó giúp con người ta trở nên thông minh sáng dạ, tính việc đâu ra đấy, phơi phới như điều gặp gió?

Một buổi sáng nọ tôi giở tờ Daily News và ngay trên trang đầu đập vào mắt tôi là tấm hình lớn của ba chàng trai trẻ có duyên nợ với tôi. Tôi giật thót người.

Hai trong ba chàng trai là những cậu trai tôi vừa mới đưa vào danh sách đăng ký nhập ngũ ngày hôm trước. Mỗi em đều nộp phong bì với bốn tờ trăm thẳng băng, tim tôi nhảy loạn mấy nhịp và tôi cảm thấy hơi chới với, chuyện này có thể là cái gì khác hơn ngoài một bài phanh phui toàn bộ vụ ăn không sạch của tôi? "Hệ thống con thoi" tinh vi của tôi đã bị bể mánh?

Tôi có đọc bài báo, chàng trai đứng giữa là con của vị chính trị gia tên tuổi nhất bang New York. Bài báo hoan nghênh cuộc tòng quân đầy tình cảm ái quốc của chàng con trai yêu quý của ngài chính trị gia kia, thế thôi.

Tuy vậy bức hình đăng báo làm tôi phát hoảng, tôi bị ám ảnh về việc tôi phải đi tù, bỏ Vallie với lũ nhóc bơ vơ. Tất nhiên tôi biết rằng bố mẹ nàng sẽ chăm sóc cho con cháu, nhưng tôi sẽ không có ở đó. Tôi sẽ mất gia đình mình, thế nhưng khi tôi đến văn phòng và thổ lộ với Frank, anh ta cười lớn và lại nghĩ là chuyện hay; hai trong số những khách hàng của tôi lại được lên trang nhất của tờ Daily News, chuyện ngộ ghê? Anh cắt bức ảnh đó ra và dán lên tấm bảng nội san của đơn vị quân dự bị. Đó là một trò đùa ý nhị trong nội bộ chúng tôi. Viên thiếu tá nghĩ rằng dán tấm hình đó lên có tác dụng làm tăng tinh thần của đơn vị!

Một khi đã nhận ra rằng nỗi hoảng sợ kia chẳng qua là do thần hồn nát thần tính chứ thật ra là chả có gì mà phải teo vòi, tôi trấn tĩnh tinh thần trở lại. Giống như Frank, tôi bắt đầu tin rằng chuyện làm ăn "lăng quăng" của mình có thể còn dài dài đến một tương lai vô tận. Và rất có thể là như thế, trừ lúc xảy ra khủng hoảng Berlin khiến Tổng thống Kennedy quyết định ra lệnh động viên hàng trăm ngàn quân trừ bị, một biến cố rất không may.

Kho quân nhu trở nên một nhà thương điên khi tin tức loan truyền là các đơn vị trừ bị sắp được gọi vào quân đội để thi hành nghĩa vụ tích cực. Những kẻ né tránh chuyện này và đã trả tiền để được đăng ký vào chương trình sáu tháng nhốn nháo cả lên. Điều làm cho người ta đau nhất, cay cú nhất đó là họ, những chàng trai thuộc thành phần ưu tú nhất của quốc gia, những luật sư tài ba, những chuyên gia thị trường chứng khoán, những tài năng trong lĩnh vực quảng cáo thế mà họ lại bị qua mặt và chơi xỏ bởi "kẻ ngốc nghếch nhất trong tất cả các loài thụ tạo" đó là quân đội Mỹ! Họ đã bị đánh lừa bởi chương trình sáu tháng, phải tốn công sức, tiền của và sau đó cứ yên chí lớn, chẳng hề lưu ý đến cái sự cố nho nhỏ có thể xảy ra. Rằng họ có thể bị gọi đi thi hành nghĩa vụ tích cực và phải tái ngũ lên đường tòng chinh ra miền hoả tuyến, đánh đấm nhau ra trò cho đến khi nai vạt móng, chó lè lưỡi, máu đổ đầu rơi thực sự chớ chẳng chơi? Thế là những kẻ tinh ranh của chốn thị thành lại đi ăn quả lừa của mấy anh ngố nhà quê! Bản thân tôi cũng chẳng thích thú gì chuyện này mặc dầu tôi vẫn tự chúc tụng mình đã không bao giờ trở nên một thành viên của quân dự bị, vì nỗi cám dỗ được lãnh một lúc hai đầu lương. Tuy nhiên chuyện làm ăn của tôi thì ôi thôi rồi nồi xôi! Đâu còn nữa cái thời hàng tháng đều đều đút vào túi cái khoản ngoại bổng một ngàn đô-la miễn thuế! Và tôi còn phải gấp gáp dọn về nhà mới ở Long Island. Còn điều này nữa: tôi chưa bao giờ nhận thức rằng điều này có thể đưa đến tai hoạ mà tôi đã thấy trước từ lâu. Tôi quá bận rộn thực hiện đống giấy tờ khổng lồ liên quan đến việc đưa các đơn vị của tôi chính thức vào nghĩa vụ tích cực.

Có những thứ tiếp liệu và đồng phục cần được trưng dụng và mọi thứ lệnh huấn luyện cần được đưa ra, và rồi còn có cuộc chạy tán loạn để thoát ra khỏi lệnh tái ngũ.

Ai cũng biết quân đội có những điều lệnh và những quy định đối với những trường hợp nguy cấp, những kẻ nằm trong chương trình dự bị trong ba hoặc bốn năm qua và sắp sửa hết thời hạn nghĩa vụ quân sự càng đặc biệt sửng sốt. Trong những năm đó sự nghiệp của họ đã phát triển họ đã lập gia đình có con cái, họ đã qua mặt được lãnh chúa quân sự của Mỹ, và rồi tất cả trở thành ảo mộng!

Nhưng hãy nhớ rằng đây là những con người thông minh ưu tú nhất của nước Mỹ, những người khổng lồ trong tương lai về các lĩnh vực kinh doanh, tư pháp hay truyền thông, họ đâu dễ dàng đầu hàng số mệnh. Một anh chàng trẻ phụ tá cho ông bố trên thị trường hối đoái Wall Street cho cô vợ vào viện tâm thần rồi đưa vào hồ sơ trường hợp xin miễn giảm, hoãn dịch vì lý do gia cảnh khó khăn trên cơ sở là, thưa quý anh, vợ em bỗng dưng bị suy nhược thần kinh nên nó đâm ra khùng điên ba trợn, vậy kính xin quý anh xét duyệt cho em được tạm hoãn thi hành quân dịch để em ở nhà chăm sóc vợ cho trọn đạo tao khang, cho tròn nghĩa đá vàng!

Tôi gửi hồ sơ đó đi, được bổ túc với các chứng từ chính thức từ các bác sĩ và bệnh viện nhưng không ăn thua. Washington đã từng nhận được hàng ngàn hàng vạn trường hợp xin miễn giảm kiểu đó và đã công bố quan điểm dứt khoát là không ai được xuất ngũ vì lý do gia cảnh khó khăn. Một thư phản hồi nói rằng anh chồng tội nghiệp kia sẽ được tái ngũ vào nhiệm vụ tích cực và hội đồng Hồng thập tự sẽ xác minh khiếu nại của anh ta.

Chắc là Hội Hồng thập tự đã làm việc tốt bởi vì một tháng sau khi đơn vị của anh chồng được đưa đến pháo đài Lee bang Virginia thì cô vợ với bệnh suy nhược thần kinh kia, bước vào văn phòng của tôi xin những chứng từ cần thiết để đi thăm chồng ở trung tâm huấn luyện. Cô nàng tươi như hoa và rõ ràng khoẻ như vâm, khoẻ đến nỗi cô nàng không thể tiếp tục đóng trò yếu đuối bệnh hoạn được để có thể nằm vạ nơi dưỡng đường, hoặc có thể các bác sĩ cũng không muốn đi quá xa trong việc tiếp tay cho cái màn kịch bệnh tưởng ấm ở kia nữa.

***

Ông Hiller đến thăm tôi về cậu con Jeremy của ông, tôi bảo ông là tôi chẳng thể làm được gì, song ông cứ nài nỉ mãi, khiến cuối cùng tôi phải cười xoà mà nói đùa rằng nếu như cậu con ông là một kẻ đồng tính luyến ái, thì có khả năng cậu ta được xuất ngũ khỏi quân dự bị và cũng không bị gọi thi hành nghĩa vụ tích cực. Có một khoảng lặng dài ở đầu kia của điện thoại rồi ông cám ơn tôi và gác máy. Thế rồi hai ngày sau Jeremy Hiller đến và nộp đủ các giấy tờ cần thiết để xin xuất ngũ trên cơ sở cậu ta đồng tính luyến ái, tôi bảo cậu ta rằng chuyện đó sẽ dính mãi trong hồ sơ lý lịch của cậu ta đấy, rằng về sau sẽ có một lúc nào đó trong đời cậu ta có thể phải hối tiếc vì mang một lý lịch chính thức như vậy, tôi có thể thấy cậu ta tỏ ra miễn cưỡng và rồi cuối cùng cậu ta nói:

- Bố tôi nói rằng thế vẫn tốt hơn là bị giết trong cuộc chiến tranh.

Tôi gửi giấy tờ đi chúng bị trả về, không có trường hợp nào được chấp thuận, Hiller phải tái ngũ, một hội đồng trưng binh sẽ đánh giá trường hợp của cậu ta, lại thêm một cú trợt huớt!

Tôi ngạc nhiên là Eli Hemsi lại không gọi cho tôi. Paul, cậu con ông ta cũng không hề chường mặt ở kho quân khu từ khi các thông báo tái ngũ để thi hành nghĩa vụ quân sự được gửi đi, nhưng bí mật đó được vén màn khi tôi nhận được những giấy tờ qua đường bưu điện từ một bác sĩ nổi tiếng với các quyển sách về tâm lý trị liệu, những giấy tờ này chứng nhận rằng Paul Hemsi đã nhận nhiều lần trị liệu sốc thuộc diện vì tổn thương thần kinh, liên tục trong ba tháng qua và không thể được gọi tái ngũ để thi hành nghĩa vụ tích cực. Vì điều đó sẽ là một tai hoạ cho sức khoẻ của anh ta, tôi nhìn lên điều luật rất nghiêm của quân đội. Chắc chắn là ông Hemsi đã tìm được con đường xuất ngũ. Hẳn là ông xin ý kiến tư vấn từ những người cao cấp hơn tôi. Tôi gửi hồ sơ đó đến Govemors Island. Và cuối cùng chúng quay về nhưng lần này với những lệnh đặc biệt cho Paul Hemsi xuất ngũ khỏi quân đội Hoa Kỳ. Tôi thắc mắc không biết Hemsi bố phải tốn hết bao nhiêu để chơi được tuyệt chiêu này hẳn là không dưới bốn năm chục ngàn đô-la.

Tôi cố gắng giúp đỡ tất cả những ai cứu xét cho xuất ngũ vì hoàn cảnh khó khăn. Tôi làm thế nào cho chắc rằng hồ sơ đến được Govemors Islland và gọi đường dây đặc biệt để kiểm tra, nói cách khác tôi rất có tinh thần hợp tác với tất cả khả năng của mình, đối với mọi khách hàng của tôi, nhưng Frank Alcore thì trái lại.

Frank đã được gọi tái ngũ, cùng với đơn vị của mình, để thi hành nghĩa vụ tích cực và anh nghĩ việc lên đường chinh chiến khi non sông réo gọi là điểm danh dự của kẻ làm trai, anh không hề viện ra hoàn cảnh khó khăn để mưu cầu việc miễn hoãn quân dịch mặc dầu với cha mẹ già, và gánh nặng thê nhi, anh có đủ lý do để đề xuất việc đó. Anh khó có cảm tình với bất kỳ ai trong đơn vị mình tìm cách tránh né việc tái ngũ một năm, với tư cách trưởng phòng hành chánh của tiểu đoàn, vừa với tính cách một viên chức dân sự, vừa là thượng sĩ thường vụ tiểu doàn.

Anh cố tình bỏ quên mọi yêu cầu miễn hoãn vì lý do khó khăn, anh gay gắt đối với mọi yêu cầu loại đó trong mức độ quyền lực của mình, không ai trong đám người của anh tránh tré được lệnh tái ngũ để thi hành nghĩa vụ tích cực, ngay cả những người có cơ sở chính đáng, và rất nhiều những anh chàng bị anh làm lơ lại chính là những người đã chi cho anh khá nhiều đô-la để được đăng ký vào chương trình sáu tháng. Lúc Frank và các đơn vị của anh rời kho quân nhu để lên đường rời pháo đài Lee, có biết bao chàng cay cú nguyền rủa.

Tôi biết bị chế giễu về việc không dính vào chương trình quân dự bị rằng chắc là tôi phải biết có điềm gì đó, nhưng lời đồn đó có kèm ý nể nang, tôi đã là kẻ duy nhất trong ban quân nhu không bị cám dỗ bởi giữa hai đầu lương và sự vắng bóng của nguy cơ tiềm ẩn trong đó; dù cho tỷ lệ đó là một ngàn ăn một về việc bị gọi thi hành nghĩa vụ tích cực, tôi vẫn chống lại mọi cám dỗ, hoặc tôi có khả năng nhìn vào tương lai? Điều mỉa mai là có cả đống cựu binh đệ nhỉ thế chiến bị "dính chấu và họ không thể tin điều đó, cay thật? Chỉ duy có Frank Alcore là không lấy làm điều "mình đã hưởng nhiều khoản ngoại bổng" giờ đây phải trả giá. Anh cười:

- Merlyn, mình đã luôn nghĩ cậu là thằng khờ nhưng giờ đây cậu đã khôn ra nhiều đấy.

Vào cuối tháng đó khi mọi người lên đường, tôi mua cho Frank một món quà, đó là một đồng hồ đeo tay với đủ thứ linh tinh trên đó: ba người lái, hai cửa sổ, kim la bàn ngày tháng bảo đảm chống va chạm. Tôi tốn cho món quà mất hai trăm đô-la nhưng không tiếc vì tôi thật sự mến Frank, và tôi đoán rằng mình cũng cảm thấy hơi có tội vì trong khi anh ấy phải ra đi còn mình vẫn bình chân như vại, anh cảm động với món quà và ôm tôi trìu mến:

- Lúc nào lỡ gặp vận bĩ, anh có thể đem cầm nó kiếm tí tiền còm cũng được, - tôi nói đùa và hai chúng tôi cùng cười.

Hai tháng kế tiếp sau đó, kho quân nhu trống vắng lạ lùng một nửa số đơn vị đã thi hành nghĩa vụ tích cực trong chương trình tái ngũ, chương trình sáu tháng kể như tiêu chẳng còn là món bở để kiếm chác nữa, tôi được hưởng nhàn vì không còn vụ phe phẩy nào nữa, chẳng có việc gì khác để làm thế là tôi lao vào quyển tiểu thuyết của mình, cả trong giờ hành chánh.

Còn thiếu tá chỉ huy trưởng thường ra ngoài rong chơi, trung sĩ thường vụ cũng bắt chước theo. Vắng Frank, tôi thấy đơn độc trong phần lớn thời gian ở văn phòng. Vào một trong những ngày đó một chàng trẻ bước vào và ngồi trước bàn giấy của tôi tôi hỏi cậu ta:

- Tôi có thể giúp được gì cho cậu?

Cậu ta hỏi lại tôi, có nhớ cậu ta không? Có một cách mơ hồ, cậu ta xưng tên Muray Nadelson.

- Ông đã lo cho tôi như một ân huệ. Vợ tôi bị ung thư…

Thế rồi tôi nhớ lại cảnh ấy. Chuyện này xảy ra gần hai năm trước.

Một trong những khách hàng của tôi đã thu xếp cho tôi gặp Muray Nadelson. Ba người chúng tôi cùng đi ăn trưa với nhau. Khách hàng quen của tôi là một tay môi giới chứng khoán lanh lợi, sắc sảo tên là Buddy Stove. Một tay chào hàng siêu hạng. Và anh ta đã thuyết minh vấn đề cho tôi. Vợ của Murray Nadelson bị bệnh ung thư. Việc chữa trị rất tốn kém và Murray không thể cáng đáng chi phí, nếu như ở trong quân dự bị. Với lại cậu ta cũng sợ chết khiếp nếu phải thi hành nghĩa vụ quân sự năm và đi đánh nhau ở nước ngoài. Tôi hỏi tại sao cậu ta không làm đơn xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh khó khăn, căn cứ trên sức khoẻ của người vợ. Cậu ta đã thử chuyện đó nhưng đơn đã bị bác.

Chuyện ấy nghe không ổn, nhưng tôi làm lơ. Buddy Stove giải thích rằng một trong những hấp dẫn nhất của chương trình nghĩa vụ quân sự sáu tháng đó là người ta được thi hành nghĩa vụ quân sự ngay tại Mỹ và Murray Nadelson có thể đem vợ theo sống ở gần căn cứ huấn luyện của mình. Sau sáu tháng đó, người ta cũng muốn làm sao cho cậu ta được chuyển về nhóm kiểm soát để cậu ta không phải trình diện hàng tuần. Thực sự cậu ta cần ở gần vợ càng nhiều càng tốt.

Tôi gật đầu. OK, tôi có thể làm chuyện này. Thế rồi Buddy Stove ném quả bóng lõm ra. Anh ta muốn mọi chuyện này đều miễn phí. Nghĩa là tôi làm công quả thôi! Để đức cho các con anh mà? Tại vì thằng bạn Murray của em nghèo lắm, chẳng có được một xu dính túi.

Trong lúc đó Murray không thể nhìn vào mắt tôi. Cậu ta cứ cúi đầu. Tôi thoáng có ý nghĩ có thể là một chuyện vờ vịt nhưng rồi tôi không thể tưởng tượng là có người nào lại đi nói vợ mình bị ung thư để chỉ khỏi phải trả một mối tiền nhỏ. Và rồi tôi có một ảo tưởng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu lỡ như có một ngày toàn bộ vụ việc này đổ bể và báo chí đăng rùm beng lên là tôi đã buộc một anh chàng phải trả hối lộ để lo cho anh ta, trong khi vợ anh ta bị ung thư. Có lẽ tôi sẽ trở nên kẻ để tiện nhất trên đời, ngay cả dưới mắt tôi. Thế là tôi nói:

- Được rồi, tôi giúp anh.

Và nói với Murray là tôi hy vọng bệnh tình của vợ anh sẽ thuyên giảm. Đến đó kết thúc bữa ăn trưa.

Tôi hơi bực bội một tí. Tôi đã có chủ trương là sẽ đăng ký cho bất kỳ ai vào chương trình sáu tháng nếu người đó nói là mình không thể trả tiền. Điều đó đã xảy ra nhiều lần rồi. Tôi sẵn sàng làm công quả khoản đó. Nhưng việc chuyển sang việc kiểm soát và tránh né được năm năm nghĩa vụ trù bị là một cú làm ăn đáng giá. Đây là lần đầu tôi được yêu cầu ban phát điều đó miễn phí.

Bản thân Buddy Stove từng phải trả năm trăm đô-la cho ơn huệ đặc biệt đó, chưa kể hai trăm đô-la lúc đăng ký đầu quân. Dù sao tôi cũng làm cho mọi việc cần thiết được thực hiện êm ái và hiệu quả. Murray Nadelson sẽ thi hành nghĩa vụ trong sáu tháng, rồi tôi hoán đổi cậu ta sang nhóm kiểm soát, nơi đó cậu ta chỉ là một cái tên trên bảng phân công.

Còn giờ đây. Murray Nadelson là cái quái gì mà đến ngồi trước bàn giấy của tôi? Tôi bắt tay cậu ta và chờ đợi.

- Tôi vừa nhận được cú điện thoại của Buddy Stove, - Murray nói. - Anh ấy bị gọi tái ngũ từ nhóm kiểm soát. Họ sẽ đưa anh ấy đi thi hành nghĩa vụ quân sự tích cực.

- Thật rủi cho Buddy, - tôi nói.

Giọng tôi không có vẻ đồng cảm cho lắm. Tôi không muốn Buddy nghĩ rằng tôi sẽ giúp đỡ. Nhưng Murray Nadelson đang nhìn thẳng vào mắt tôi như thể cậu ta đang "lên gân" để nói một điều gì mà cậu ta thấy khó nói. Vì thế tôi dựa ngửa ra nghế ngồi và nói:

- Tôi không thể làm gì cho anh ta đâu!

Nadelson lắc đầu cách quả quyết:

- Anh ấy biết điều đó.

Cậu ta ngưng một lát.

- Ông biết là tôi chưa bao giờ đền ơn ông một cách xứng đáng đối với tất cả những gì ông đã làm cho tôi. Ông là người duy nhất đã giúp dỡ tôi mà không đòi gì. Tôi muốn nói là tôi không bao giờ quên những gì ông đã làm cho tôi. Đó là lí do tại sao tôi đến đây hôm nay. Có lẽ tôi có thể giúp ông.

Bây giờ đến lượt tôi bối rối. Tôi không muốn cậu ta đưa tiền cho tôi vào lúc đã quá trễ như thế này. Chuyện gì đã qua là đã qua. Và tôi thích ý tưởng có một vài thiện nghiệp trong đời mình mà chỉ cần riêng mình biết.

- Quên chuyện đó đi, - tôi nói.

Tôi vẫn còn cảnh giác. Tôi không muốn hỏi vợ cậu ta có khá hơn không, tôi không bao giờ tin chuyện đó. Và tôi cảm thấy bất an khi cậu ta cảm thấy biết ơn đến thế về cảm tình của tôi khi mọi chuyện chỉ là giao tế nhân sự

- Buddy bảo tôi đến gặp ông, - Nadelson nói. - Anh ấy muốn cảnh báo cho ông là nhân viên FBI đang có mặt rất đông ở Fort Lee, đang thẩm vấn nhiều binh sĩ trong các đơn vị của ông. Về chuyện chi tiền để đăng lính ấy mà. Họ đặt những câu hỏi về ông và về Frank Alcore. Và ông bạn Alcore của ông hình như đang gặp rắc rối to. Khoảng hai mươi người đã đưa ra bằng chứng là họ đã "nộp cống" cho ông ấy. Buddy nói sẽ có một phiên khoáng đại hội thẩm ở New York để luận tội ông ấy trong vài tháng nữa. Ông ấy không biết về phần ông thì thế nào, anh ta muốn tôi lưu ý ông nên thận trọng trong lời nói cũng như trong việc làm. Và nếu như ông cần một luật sư anh ấy sẽ tìm cho ông.

Trong một lúc, hầu như tôi không thấy được cả cậu ta. Cả thế giới đột ngột tối sầm lại, tôi cảm thấy choáng váng đến xây xẩm cả mặt mày, gần phát buồn nôn. Chiếc ghế của tôi hình như lao tới trước. Tôi thấy những ảo tưởng về nỗi bất hạnh nhảy múa trước mắt: mình bị tù tội, Vallie kinh hoàng, cha nàng giận dữ, anh Artie xấu hổ và thất vọng về tôi. Chẳng phải là cuộc bông đùa vui vẻ nữa mà là sự vi phạm luật lệ xã hội và phải trả giá.

- Lạy Chúa! - tôi nói. - Làm thế nào mà họ đánh hơi ra chuyện này? Từ hồi có lệnh gọi tái ngũ, đâu có ai làm gì nữa. Cái gì làm họ theo dấu?

Nadelson dường như thấy có lỗi đối với những đồng đội đã đưa hối lộ vài người, họ lấy làm tức giận về việc bị gọi tái ngũ nên đã viết thư nặc danh cho FBI tố chuyện đã chi tiền để đăng ký vào chương trình sáu tháng. Họ muốn đẩy Alcore vào chỗ rắc rối, họ thoá mạ ông ta, một số người tức giận vì ông ấy triệt họ khi họ cố né lệnh gọi tái ngũ và rồi khi nhập trại, ông ấy là một tay thượng sĩ rất hăng hái với nhiệm vụ thi hành quân lệnh răm rắp, binh sĩ dưới quyền, dĩ nhiên là không ưa kiểu đó, vậy là họ muốn đẩy ông ta vào rắc rối để trả đũa và họ đã làm như thế.

Trí óc tôi chạy đua với biến cố. Đã gần một năm từ khi tôi gặp Cully ở Vegas và giấu tiền, khi đó tôi đã tích luỹ được thêm mười lăm ngàn đô-la khác. Và chúng tôi còn phải dọn gấp rút về nhà mới ở Long Island. Mọi sự đang rạn nứt và có thể đổ vỡ vào thời điểm tệ hại nhất, và nếu như đám FBI thẩm tra mọi người đến pháo đài Lee, họ sẽ nói chuyện với hàng trăm anh chàng mà tôi đã từng nhận tiền, bao nhiêu người trong số đó sẽ khai là đã chi tiền cho tôi.

- Stove có chắc là sắp có một phiên khoáng đại hội thẩm để luận tội Frank hay không? - Tôi hỏi Nadelson.

- Hẳn là phải có! - Murray nói. - Trừ phi chính quyền muốn bưng bít toàn bộ sự việc và dấu nhẹm đi.

- Có cơ may nào cho việc đó không? - Tôi hỏi.

Murray Nadelson lắc đầu:

- Không, nhưng Buddy hình như nghĩ rằng ông có thể né tránh được, những anh chàng có liên hệ với ông đều nghĩ là ông tốt, không bao giờ thúc ép chuyện tiền nong như Alcore. Không ai muốn đẩy ông vào chỗ rắc rối và Buddy rỉ tai họ là đừng nên làm cho ông dính dáng vào.

- Hãy cám ơn anh ấy giùm tôi, - tôi nói.

Nadelson đứng lên và bắt tay tôi:

- Tôi muốn cám ơn ông lần nữa, cậu ta nói. - Nếu ông thấy cần một nhân chứng xác nhận cho ông hoặc ông muốn FBI hỏi tôi, tôi luôn chờ đợi để làm hết sức mình.

Tôi bắt tay cậu ta và thực lòng thấy biết ơn.

- Tôi có thể giúp cho bạn việc gì không? - Tôi nói. - Có thể nào bạn bị từ chối vào nhóm kiểm soát không?

- Không đâu! - Nadelson nói - Tôi có một đứa con nhỏ, chắc ông nhớ, và vợ tôi mới mất hai tháng trước đây Vì thế tôi an toàn.

Tôi sẽ không bao giờ quên được khuôn mặt chàng ta khi nói điều đó ngay cả giọng nói cũng đầy sự tự căm ghét cay đắng. Và khuôn mặt chàng ta có vẻ xấu hổ và thù ghét. Chàng ta tự phỉ báng mình vì còn sống. Thế mà chàng ta đâu có thể làm gì khác hơn là theo dòng đời đã diễn ra. Chăm sóc cho đứa con dại, sáng sáng đi làm, đáp ứng yêu cầu của một người bạn và đến đây để báo động cho tôi và nói lời cám ơn về chuyện tôi đã làm cho anh ta mà vào lúc đó, anh ta đã cảm thấy quan trọng với mình nhưng bây giờ thực sự chẳng còn có nghĩa gì với anh ta nữa. Tôi rất tiếc đã nghĩ sai về chuyện vợ anh ta, bây giờ tôi tin hoàn toàn rằng anh ta là người trung thực, tôi cảm thấy xốn xang đã nghĩ không hay về anh ta và có lẽ anh ta đã cứu vãn điều đó lần cuối. Vì mấy năm trước đây khi anh ta cúi đầu trong lúc Buddy Stove năn nỉ tôi giúp, hẳn là anh ta đã biết rằng tôi nghĩ cả hai đều đang nói dối. Đây là một cuộc phục thù nho nhỏ và anh ta đã hoàn tất rất nhẹ nhàng.

***

Tôi trải qua một tuần lễ bồn chồn lo sợ trước khi sự cố cuối cùng xảy đến, đó là một ngày thứ hai, và tôi ngạc nhiên khi viên thiếu tá bước vào văn phòng sớm hơn thường lệ. Lão ta ném cho tôi một tia nhìn giễu cợt trong lúc lão bước vào văn phòng riêng.

Đúng mười giờ có hai người đàn ông bước vào và yêu cầu gặp thiếu tá. Tôi biết ngay họ là ai họ hầu như đúng y những gì văn học và điện ảnh mô tả về họ. Trang phục kiểu bảo thủ với comple cà vạt trông rất chững chạc, anh chàng lớn hơn độ tuổi bốn mươi lăm với nét mặt sắc sảo anh chàng kia trẻ hơn với thân hình dong dỏng cao.

Tôi chỉ họ vào văn phòng của viên thiếu tá, họ nói chuyện với ông ta khoảng ba mươi phút, rồi họ đi ra và đứng trước bàn giấy của tôi, người lớn tuổi hơn hỏi, theo nghi thức:

- Anh có phải là John Merlyn?

- Vâng, tôi đây, - tôi đáp.

- Chúng tôi có thể nói chuyện với anh trong phòng riêng được không? Chúng tôi đã được phép thủ trưởng của anh.

Tôi đứng lên và dẫn họ vào một trong các phòng họp buổi tối của đơn vị, cả hai liền rút từ túi ra thẻ công vụ màu xanh cho tôi xem. Tay lớn tuổi hơn tự giới thiệu:

- Tôi là James Wallace của cục điều tra liên bang. Còn đây là Tom Hannon.

Anh chàng Hannon cười thân thiện với tôi:

- Chúng tôi muốn hỏi anh vài câu, anh không phải trả lời mà không hỏi ý kiến luật sư, nhưng nếu anh trả lời chúng tôi, thì bất kỳ điều gì anh nói cũng có thể được dùng để chống lại anh, rõ chứ?

- Rõ! - tôi nói.

Tôi ngồi xuống ở một đầu bàn và họ ngồi xuống mỗi người mỗi bên của cái bàn để tôi bị kẹp ở giữa.

Anh chàng lớn tuổi hơn Wallace hỏi:

- Anh có ý tường nào về việc tại sao chúng tôi đến đây không?

- Không! - tôi nói.

Tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không đưa ra một lời nào ngay cả một lời đùa dí dỏm, sẽ không để lộ một cử chỉ luống cuống nào gợi cho họ biết tôi có một ý tưởng nào đó về lý do tại sao đến đây, nhưng rồi sao nào?

Hannon nói:

- Với hiểu biết cá nhân, anh có thể cho biết tất cả những thông tin nào về việc Frank Alcore nhận hối lộ từ những quân dự bị, vì bất kỳ lý do nào đó?

- Không, - tôi nói.

Mặt tôi không biểu lộ điều gì tôi đã quyết định không làm diễn viên không biểu hiện ngạc nhiên, không cười không có gì kích động những câu hỏi thêm hay tấn công. Cứ để cho họ nghĩ tôi đang bao che cho bạn. Chuyện đó bình thường thôi ngay cả nếu tôi không có tội.

Hannon nói:

- Anh có bao giờ lấy tiền từ bất kỳ quân dự bị nào vì bất kỳ lý do nào không?

- Không! - tôi nói.

Wallace nói rất chậm rãi có cân nhắc kỹ:

- Anh biết tất cả về chuyện này, anh chỉ ghi danh những người trong hạn tuổi tòng quân khi nào họ chịu chi cho anh một số tiền để làm điều ấy, anh biết rằng anh và Frank Alcore có khả năng thao tác khéo léo để vận dụng những danh sách đó theo ý đồ của các anh. Nếu phủ nhận chuyện này, anh đang nói đối với một sĩ quan liên bang, đó là tội ác. Bây giờ tôi hỏi lại anh lần nữa, anh có bao giờ lấy tiền hoặc của đút lót nào khác để dành ưu tiên việc đăng ký đầu quân cho người này đối với người khác?

- Không! - tôi nói.

Haunon bỗng bật cười:

- Chúng tôi đã điểm huyệt được người bạn chí cốt Frank Alcore của anh rồi. Chúng tôi có bằng chứng rằng hai người làm ăn trong vụ này, và rằng có thể anh còn liên kết với những viên chức hành chánh quân sự khác hoặc cả với những sĩ quan nơi dây để đòi hối lộ. Nếu anh thành thật khai báo với tất cả những gì anh biết, sẽ tốt cho anh nhiều hơn đấy.

Không có câu hỏi nào, vậy nên tôi chỉ nhìn anh ta mà không trả lời. Bỗng nhiên Wallace nói, bằng giọng đều đều, điềm đạm:

- Chúng tôi biết anh là đầu sỏ của tác vụ này.

Thế là lần đầu tiên tôi phá vỡ luật lệ của chính mình đặt ra. Tôi cười lớn. Một tiếng cười tự nhiên đến độ họ không thể công kích. Thực tế, tôi thấy Hamnon cũng mỉm cười. Lý do khiến tôi cười là cái từ "đầu sỏ". Lần đầu tiên toàn bộ vụ việc đập vào tôi giống như một cái gì vút ra từ một phim hạng B và tôi cười bởi vì tôi đã chờ dợi Hannon nói điều gì tương tự như thế, bởi trông hắn ta khá non nớt. Tôi đã nghĩ Wallace là người nguy hiểm, có lẽ vì rõ ràng anh ta là người chủ chốt.

Và tôi cười, vì biết rõ ràng họ đã lạc lối. Họ đang truy tìm một mưu đồ tinh vi, một đường dây có tổ chức với một "đầu não". Nếu không, có lẽ những nhân vật nặng ký của FBI sẽ không tốn thì giờ đến thế. Họ không biết rằng chỉ có dúm mấy anh cạo giấy xoay sở để kiếm thêm tí ngoại bổng. Họ đã quên và không hiểu rằng đây là New York, nơi mọi người hàng ngày vẫn phạm luật, trong tình huống này hay tình huống khác. Họ không thể quan niệm là mọi người đều có thể bị móc ngoặc. Nhưng tôi không muốn họ nổi giận về tiếng cười của mình vì thế tôi nhìn thẳng vào mắt Wallace và nói với vẻ hối:

- Tôi ước chi mình được làm đầu sỏ của cái gì đó, thay vì chỉ là một anh kí quèn.

Wallace nhìn tôi đầy chủ ý, rồi nói với Hannon:

- Cậu còn muốn hỏi gì nữa không? Hannon lắc đầu Wallace đứng lên.

- Cảm ơn đã trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Cùng lúc Hannon đứng lên, và tôi cũng thế. Trong cùng một lúc cả ba chúng tôi cùng đứng lên, sát nhau và gần như chẳng nghĩ gì, tôi đưa tay ra và Wallace bắt lấy.

Tôi cũng bắt tay Hannon và chúng tôi cùng ra khỏi phòng, xuống hành lang qua phòng của tôi. Họ gật đầu chào từ biệt, đến đầu cầu thang đưa xuống phòng dưới, còn tôi đi về phía văn phòng mình.

Tôi hoàn toàn lạnh nhưng không hoảng hốt. Không hề một tí. Tôi ngạc nhiên về chuyện mình đưa tay ra bắt. Chính động tác đó làm tan biến sự căng thẳng nơi tôi. Nhưng tại sao tôi làm như vậy? Tôi nghĩ động tác đó bắt nguồn từ sự biết ơn nào đấy. Rằng họ đã không cố để làm nhục hay hạ gục tôi. Rằng họ đã giữ cuộc phỏng vấn trong một giới hạn văn minh. Rằng họ có chút tội nghiệp cho tôi. Rõ là tôi có tội nhưng ở tầm cỡ bé xíu. Một anh kí quèn xoay sở kiếm thêm tí tiền còm để cà phê thuốc lá hay nhiều lắm là chút quà cho vợ con. Chẳng bõ bèn gì.

Dằn mặt tí thế là được rồi. Tất nhiên họ cũng có thể đưa tôi vào tù nhưng không cố tâm lắm. Hoặc có thể cũng thấy tức cười về những chàng trai chi tiền để được vào làm lính. Và rồi tôi phá ra cười.

Bốn mươi lăm ngàn đô-la đâu phải là tiền lẻ để tiêu vặt. Tậu ô tô, xây nhà lầu được đấy. Tôi đã để cho lòng tự thương hại dẫn đi quá xa.

Về văn phòng mình, viên thiếu tá xuất hiện ở cửa văn phòng và ra hiệu vào gặp ông ta. Tay thiếu tá mang đủ thứ huân huy chương trên đồng phục. Ông ta đã từng xông pha trên trận mạc trong thế chiến 2 và ở Triều Tiên. Trên ngực ông ta có ít nhất là hai mươi huân huy chương lấp lánh.

- Cậu ứng phó thế nào? - Ông hỏi, cười cười.

Tôi nhún vai:

- Cũng tạm được, tôi đoán vậy.

Viên thiếu tá lắc đầu, ngạc nhiên:

- Họ bảo tôi là chuyện này đã kéo dài nhiều năm nay rồi. Các cậu làm thế nào hay vậy? - ông ta lại lắc đầu tỏ ý thán phục.

- Tôi nghĩ đó là chuyện nhảm, - tôi nói. - Tôi chẳng bao giờ thấy Frank lấy của ai một xu. Chỉ là do một số người nổi giận vì bị gọi tái ngũ để thi hành nghĩa vụ tích cực.

- Ờ, - thiếu tá nói. - Nhưng ở pháo đài Lee họ đang có lệnh đưa lên máy bay khoảng một trăm anh chàng đó đến New York để xác chứng trước một khoáng đại hội thẩm. Chuyện đó thì không thể coi thường được đâu.

Ông ta ngắm nghía tôi có vẻ tươi cười, trong một lúc:

- Cậu ở trong binh chủng nào khi đánh nhau với Đức quốc xã?

- Đệ tứ sư đoàn thiết giáp. - tôi nói.

- Cậu được một ngôi sao đồng trong quân bạ, - thiếu tá nói - Không ghê gớm lắm nhưng cũng là một cái gì.

Trong số các huân huy chương trên ngực ông ta có huy chương Sao bạc và Hùng tâm bội tinh (purple heart).

- Chẳng đáng gì đâu, tôi nói - Tôi chỉ di tản được một số viên chức dân sự Pháp dưới làn đạn. Tôi không nghĩ là mình từng giết được tên lính Đức nào.

Viên thiếu tá gật đầu:

- Không đáng kể lắm, ông đồng ý. Nhưng cũng hơn là những tên kia chưa từng làm được gì. Vậy thì, nếu tôi có thể giúp được gì cho cậu, cứ cho tôi biết nhé!

- Cám ơn thiếu tá, - tôi đáp.

Và khi tôi đứng lên để ra đi, viên thiếu tá nói một cách giận dữ, gần như với chính mình:

- Hai cái thằng con hoang đó bắt đầu đặt những câu hỏi với tôi và tôi bảo chúng cút xéo chỗ khác. Chúng nghĩ có thể tôi cũng dính vào đây.

Ông ta lắc đầu:

- Thôi được, cậu ráng mà chùi mép cho sạch. Làm một tên tội phạm không chuyên quả thật là hoài công.

Tôi bắt đầu phản ứng lại mọi chuyện giống như một kẻ sát nhân trong phim biểu lộ cực hình của tội lỗi tâm lí.

Mỗi khi chuông nơi căn hộ tôi ở reo lên vào thời gian bất thường, tôi cứ giật lên thon thót. Nghĩ đó là những tay cớm của FBI. Trong khi thật ra chỉ là một trong những người láng giềng hay một trong những người bạn Vallie ghé qua để tán gẫu hay mượn cái gì đó. Tại văn phòng tôi, nhân viên FBI mỗi tuần ghé vài lần, thường là với vài chàng trẻ nào đó, rõ ràng là để nhận dạng tôi. Tôi đoán là những quân dự bị đã từng chi tiền để được vào chương trình sáu tháng. Một lần Hannon đến để chuyện gẫu rồi xuống căn tin lấy cà phê và sandwiches lên cho chúng tôi và viên thiếu tá. Trong lúc trò chuyện, Hannon nói với tôi, bằng cái giọng dễ thương nhất có thể tưởng tượng được:

- Merlyn này, bạn là một người tốt. Mình thật sự ghét ý tưởng đưa bạn vào tù. Như bạn biết mình đã từng bắt buộc phải đưa nhiều người rất dễ thương đi tù. Mình luôn luôn nghĩ điều đó thật xấu hổ, phải chi họ biết tự cứu mình hơn một chút.

Viên thiếu tá dựa người ra sau ghế, quan sát phản ứng của tôi. Tôi chỉ nhún vai và ăn sandwiches. Lập trường của tôi là chẳng việc gì phải trả lời những nhận xét kiểu đó và chỉ trả lời khi nào, chiếu theo luật tôi phải trả lời. Còn không thì cứ lờ, coi như không có gì. Tội vạ gì lại muốn tỏ ra thông minh, giỏi lí luận ở những khoản đó, cho bị va vào những tảng đá ngầm! Tớ đây đếch chơi dại? Đừng có ngứa cổ ở những chỗ không đúng lúc, đúng nơi, đúng người, đúng việc! Nên minh triết bảo thân là thế đấy? Cho nên tôi bèn đánh trống lảng. Tôi hỏi viên thiếu tá xin có thể được nghỉ phép vài ngày để giúp vợ tôi trong việc mua sắm mừng Giáng Sinh hay không. Thật ra trong lúc này cũng chẳng có việc gì nhiều và chúng tôi có một nhân viên dân sự trong văn phòng thay thế cho Frank Alcore, đủ khả năng trông coi cửa hàng trong khi tôi nghỉ phép. Thiếu tá nói được thôi. Vả chăng, cái anh chàng Hannon này ngớ ngẩn lắm. Câu nói của anh ta về việc gửi hàng lố người đi tù là một câu ba hoa ngạo sự! Anh chàng còn quá trẻ để có thể gửi hàng lố những người dễ thương hay khó thương vào tù. Tôi coi anh ta chỉ là một chàng tập sự, một chàng tập sự dễ thương, nhưng không phải là kẻ sắp gửi tôi đi tù. Và nếu anh ta làm được, thì có lẽ tôi là người thứ nhất.

Chúng tôi tán gẫu một lúc và Hannon ra đi. Viên thiếu tá nhìn tôi với lòng kính trọng mới. Và rồi ông ta nói:

- Ngay cả nếu bọn họ chẳng ngắt véo được gì nơi anh, tôi cũng gợi ý anh nên tìm một việc làm khác.

***

Lễ Giáng Sinh vẫn luôn là ngày hội trọng đại đối với Vallie. Nàng thích đi mua quà cho bố mẹ, con cái, cho tôi và các anh chị em của nàng. Và lễ Giáng Sinh năm đó nàng có nhiều tiền để tiêu pha mua sắm hơn là bất kỳ năm nào trước. Hai cậu con trai có hai chiếc xe đạp còn cất trong tủ. Một áo ấm bằng len Ireland nhập khẩu cho bố nàng một khăn choàng đắt tiền, sang trọng cho mẹ nàng. Tôi không biết nàng mua gì cho tôi.

Nàng luôn giữ bí mật chuyện đó. Còn quà của tôi cho nàng là một chiếc nhẫn kim cương nhỏ, món nữ trang thật sự mà tôi mua cho nàng từ khi quen biết nhau cho tới giờ. Tôi chưa bao giờ mua cho nàng nhẫn đính hôn. Trong bao nhiêu năm trời trước đó không ai trong chúng tôi tin vào chuyện vô nghĩa mang tính tư sản kiểu đó. Sau mười năm, nàng đã thay đổi nhưng tôi chẳng bận tâm mấy. Tôi biết là món quà sẽ làm nàng vui lòng.

Thế là vào đêm Noel, bọn trẻ giúp nàng trang hoàng cây thông trong khi tôi làm việc trong phòng. Valie vẫn chưa có ý tưởng nào về chuyện rắc rối mà tôi gặp phải trong công việc. Tôi viết mấy trang cho cuốn tiểu thuyết của mình rồi ra nhìn để trầm trồ tán thưởng cây Noel. Nó được trang hoàng với các quả chuông xanh đỏ vàng với những dải viền bằng giấy bạc lóng lánh. Trên đỉnh là một ngôi sao rực rỡ. Vallie không thích dùng đèn điện nhấp nháy trên cây Noel. Bọn trẻ rất háo hức, và phải mất một thời gian lâu mới dỗ được chúng chịu lên giường và nằm yên. Nhưng chúng vẫn thậm thò thậm thụt ra vào và chúng tôi không dám gắt gỏng với chúng nhất là vào đêm Giáng Sinh. Cuối cùng chúng mệt mỏi quá mới chịu đi ngủ. Tôi kiểm tra chúng lần cuối. Chúng mặc những bộ đồ pyjama mới và trước đó đều đã đánh răng súc miệng, tắm rửa sạch sẽ thơm tho, trông chúng xinh đẹp như những thiên thần nhỏ đến nỗi tôi không dám tin chúng là con mình, thuộc về mình. Vào lúc ấy, tôi thật sự thấy lòng mình tràn ngập niềm yêu thương vô bờ đối với Vallie.

Cảm thấy thực sự may mắn. Tôi quay lại phòng khách.

Vallie đang vui vẻ sắp những gói quà Noel sáng lên với các dấu hiệu Giáng Sinh dưới cây thông. Không biết bao nhiêu là quà. Tôi vào lấy gói quà tôi mua cho nàng và đặt dưới cây:

- Anh chẳng mua sắm được gì nhiều cho em, - tôi nói có vẻ e thẹn, - Chỉ một món quà nhỏ thôi.

Tôi biết nàng sẽ không bao giờ ngờ rằng nàng đang được nhận được một chiếc nhẫn kim cương thật. Nàng cười và cho tôi một nụ hôn, nàng chưa hề thật sự quan tâm đến cái gì nàng nhận được vào dịp Giáng Sinh, nàng thích mua quà cho người khác đặc biệt là cho lũ con, rồi tôi và cho gia đình nàng.

Bọn nhỏ có bốn hay năm món quà trong đó có cả một chiếc xe đạp mà chúng tôi hì hục lắp ráp đến gần ba giờ sáng mới xong. Và chúng tôi biết bọn trẻ sẽ bật ra khỏi giường ngay lúc chúng thức giấc. Chúng tôi chỉ còn bốn giờ để nghỉ. Rồi sau đó sẽ ra xe về nhà bố mẹ Vallie cho một ngày lễ hội tưng bừng.

- Chúng ta nên đi ngủ để giữ sức cho ngày mai, - tôi nói.

Vallie nằm dài ra trên sàn nhà.

- Em nghĩ mình sẽ nghỉ ngay tại đây, - nàng nói.

Tôi nằm xuống bên cạnh nàng, và rồi cả hai chúng tôi quay người nằm nghiêng để có thể ôm nhau thật chặt.

Chúng tôi nằm đó, mệt nhọc nhưng hài lòng với hạnh phúc tràn ngập. Vào lúc đó có một tiếng gõ mạnh vào cửa. Vallie nhanh chóng đứng lên, với tia nhìn ngạc nhiên trên khuôn mặt nàng và nàng liếc tôi có ý dò hỏi. Chớp nhoáng chỉ trong vòng một phần tư giây, tâm hồn nặng trĩu mặc cảm tội lỗi của tôi đã dàn dựng nên một kịch cảnh với toàn bộ lớp lang. Hẳn nhiên đó là những nhân viên FBI. Họ đã cố ý chờ đến đêm Noel, đến lúc tâm lý tôi lơ lỏng cảnh giác nhất. Họ đến đây với một lệnh truy nã trên tay họ, sẽ tìm thấy mười lăm ngàn đô-la tôi đang giấu trong nhà và sẽ mang tôi đi tù. Họ sẽ đề nghị để cho tôi được hưởng trọn đêm lễ Giáng Sinh với vợ con nếu như tôi thành thật khai báo. Nếu không, tôi sẽ bị hạ nhục: Vallie sẽ ghét tôi vì để bị bắt ngay vào ngày lễ Giáng Sinh. Bọn trẻ sẽ khóc lóc, và sẽ bị tổn thương tâm lí suốt đời. Chắc hẳn trông tôi có vẻ ốm bất ngờ hay sao ấy và Vallie hỏi tôi:

- Anh có sao không vậy?

Lại một tiếng gõ lớn vào cửa vang lên. Vallie bước ra khỏi phòng khách và đi xuống hành lang để trả lời. Tôi có thể nghe nàng nói với ai đó, và tôi đi ra ngoài lấy thuốc uống. Nàng đang quay lại từ hành lang và quẹo vào bếp. Trong đôi tay nàng là bốn bình sữa.

- Đó là người bán sữa, anh ta giao sữa sớm để có thể quay về với gia đình trước khi lũ nhóc của anh ta thức giấc. Anh ấy thấy ánh đèn qua cửa nhà chúng ta, nên anh ta gõ cửa và chúc mừng gia đình mình mùa Giáng Sinh vui vẻ.Thật là một người dễ thương.

Nàng đi vào bếp. Tôi đi theo nàng và ngồi yếu ớt trên một chiếc ghế. Vallie ngồi kế bên tôi:

- Em cá thế nào anh cũng nghĩ đó là một tay láng giềng khùng điên hay một tên tội phạm nào đó. Lúc nào anh cũng nghĩ là chuyện xấu nhất sẽ xảy ra.

Nàng hôn tôi say đắm.

- Chúng mình đi ngủ nhe anh.

Nàng còn tiếp tục hôn tôi dính chặt và chúng tôi lên giường, nàng thì thầm:

- Em yêu mình.

- Anh yêu em, - tôi đáp.

Và tôi cười trong bóng tối. Mình đúng là tên trộm vặt nhát gan nhất ở phương Tây, tôi tự nghĩ thầm.

***

Nhưng rồi ba ngày sau lễ GiángSinh, một người lạ bước vào văn phòng tôi và hỏi tôi có phải là tên John Merlyn không? Khi tôi nói đúng thế anh ta trao cho tôi một bức thư được gấp lại. Trong lúc tôi mở thư thì anh ta đi ra ngoài. Bức thư được in bằng những chữ cái lớn của thứ tiếng Anh cổ:

TOÀ ÁN QUẬN CỦA HIỆP CHỦNG QUỐC

Rồi bằng chữ in lớn, bình thường QUẬN NAM CỦA THÀNH PHỐ NEW YORK

Rồi tên và địa chỉ của tôi và ở cuối bằng chữ lớn, nội dung như sau:

"Xin chào

Bản toà lệnh cho đương sự, rằng mọi việc riêng cũng như mọi lý do khoan miễn phải để qua một bên, đương sự phải đích thân ra hầu toà trước khoáng đại hội thẩm nhân dân của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ".

Tiếp theo là thời gian và địa điểm được quy định rồi kết thúc:

"Đương sự đã vi phạm điều 18 trong Luật hình sự Mỹ".

Tiếp theo, toà bảo rằng nếu tôi không ra trình diện toà, tôi sẽ bị coi là khinh thường và bất tuân lệnh toà và sẽ chịu hình phạt của pháp luật.

À ít ra thì bây giờ tôi cũng đã biết tôi đã phạm vào luật nào. Điều 18 Luật Hình sự Mỹ. Tôi chưa từng nghe về nó. Tôi đọc lại trát toà lần nữa. Tôi bị mê hoặc bởi câu thứ nhất. Trong tư cách nhà văn, tôi thích viết cách đó. Chắc là họ đã lấy câu đó từ luật lệ cổ của Anh. Và cũng ngộ là một khi các luật gia muốn rõ ràng và giản ước thì họ có thể rõ ràng và giãn ước đến như thế nào, không còn chỗ nào để ngộ nhận. Tôi đọc lại câu ấy lần nữa: "Bản toà lệnh cho đương sự, rằng mọi việc riêng cũng như mọi lý do khoan miễn phải để qua một bên, đương sự phải đích thân ra hầu toà trước khoáng đại hội thẩm nhân dân của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ".

Hay thiệt! Có thể chính Shakespeare đã viết ra câu này cũng nên! Và giờ đây, khi cuối cùng chuyện phải đến đã đến, tôi ngạc nhiên thấy mình phấn chấn hẳn lên, muốn mau mau xông vào đấu trường thư hùng một trận, dù thắng hay bại cũng phải ra ngô ra khoai cho rồi. Cứ để mập mờ, lửng lơ mãi nó căng thẳng thần kinh lắm. Vào cuối ngày làm việc, tôi gọi điện thoại đến Las Vegas và gặp Cully nơi văn phòng của anh. Tôi kể lại cho anh những gì đã xảy ra và cho anh biết trong một tuần nữa tôi phải sẽ ra trình diện trước Khoáng đại hội thẩm. Anh bảo tôi cứ giữ vững tinh thần, đừng lo sợ gì cả. Anh sẽ bay đến New York vào ngày hôm sau và sẽ gọi về nhà tôi từ khách sạn anh ở tại New York.