Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Emmeline Pankhurst

Docsach24.com 

Emmeline Pankhurst không phải là người phụ nữ đầu tiên đấu tranh đòi quyền bầu cử cho giới mình, càng không phải là người một tay tạo lập sự công bằng trong chính sách bầu cử của một quốc gia, song có lẽ dành gần như trọn đời cho quyền bầu cử của phụ nữ thì chỉ có bà là duy nhất.

Emmeline Pankhurst tức Emily Dufton sinh ngày 14 tháng bảy năm 1858 tại Manchester. Mặc dầu tuổi thơ của bà được bao bọc trong một gia đình khá yên ấm và bà không phải chịu những áp bức, cay đắng và khổ đau khiến nhiều người của thời bấy giờ nhận thức được sâu sắc về sự bất công trong xã hội, song từ khi còn rất bé bà đã cảm thấy thiếu một cái gì đó ngay trong chính gia đình mình. Emily xác định được sự thiếu vắng đó vào một đêm khi cha bà đi kiểm tra phòng ngủ của các con mình theo thói quen, tưởng Emily đã ngủ ông buột miệng nói: “Giá náo là con trai thì tốt”. Emily muốn bật dậy ngay tức khắc và hét lên: “Con không muốn làm con trai, con muốn làm con gái”. Sự thiếu vắng đó càng trở nên rõ ràng hơn khi bà và các anh trai của bà được gửi đến trường. Bà nhận thấy việc học hành của con trai được xem trọng hơn việc học của con gái nhiều. Cha của Emily chỉ thường bàn về việc học của các anh trai bà còn việc học của bà và chị gái thì hiếm khi được đả động tới. Bà học ở trường dành cho nữ sinh nới tất cả mọi người từ hiệu trưởng, giáo viên cho tới học sinh đều thuộc một giới và chẳng ai quan tâm tới điều đó. Ở các trường dành cho con trai nhiều môn học được giảng dậy, nhưng ở trường dành cho con gái người ta chủ yếu chỉ dạy nghệ thuật làm cho gia đình trở thành một tổ ấm hấp dẫn. Emily không hiểu tại sao chỉ con gái mới có nghĩa vụ làm điều đó.

Năm 1866 quốc hội nước Anh thông qua một dự luật được gọi là dự luật Household Franchise. Dự luật này quy định những chủ hộ mỗi năm phải nộp tô từ 10 bảng trở lên mới được quyền bầu cử quốc hội. Trong khi dự luật được đem ra thảo luận tại Hạ viện, nghị sĩ John Stuart Mill đề nghị sửa đổi nó thành một dự luật cho phép bao gồm cả những chủ hộ là phụ nữ vào diện được bầu cử, nhưng đề nghị sửa đổi này bị bác bỏ. Tuy nhiên trong dự luật được thông qua từ “male person” (người đàn ông) đã được thay thế bằng từ “man” (người), vì thế phụ nữ tin rằng luật pháp trao quyền bầu cử cho họ. Trong tổng số 8924 phụ nữ trưởng thành ở Manchester có 4215 phụ nữ cho rằng mình nằm trong diện được đi bầu cử và thông qua những luật sư danh tiếng họ đã đưa ra yêu sách của mình lên các tòa án. Yêu sách của họ bị bác bỏ nhưng phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ đã dấy lên trên khắp nước Anh.

Năm lần bẩy lượt dự luật sửa đổi bổ sung công nhận quyền bầu cử của phụ nữ được đưa ra thảo luận nhưng lần nào cũng vấp phải những trở ngại. Năm 1908 và 1910 dự luật này được đa số đại biểu quốc hội ủng hộ nhưng thủ tướng lại cản đường nó bằng cách hứa rằng, nếu năm 1911 nó lại được trình dưới hình thức là một dự luật sửa đổi bổ sung và vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số thì sẽ được tạo mọi điều kiện để trở thành luật. Năm 1911 dự luật thỏa mãn điều kiện đó nhưng chính phủ lại giới thiệu một dự luật bầu cử chung và tuyên bố rằng quyền bầu cử của phụ nữ sẽ có thể được bổ sung vào khung của luật này. Dư luận cho rằng chính phủ cố tình trì hoãn việc thông qua dự luật thừa nhận quyền bầu cử của phụ nữ nên không cho nó cơ hội được đem ra xem xét ở Thượng Viện trong khi muốn trở thành luật mà không qua Thượng viện thì dự luật này phải trải qua ba lần thông qua ở Hạ Viện. Và như vậy tình hình cho thấy phụ nữ còn phải vượt qua những chặng đường đầy khó khăn để tới hòm phiếu.

Mười bốn tuổi Emily đã theo mẹ mình đến một cuộc họp của những phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử. Dù còn quá nhỏ để hiểu rõ bản chất của vấn đề, Emily vẫn cảm thấy bị cuốn hút bởi những bài diễn thuyết của Lydia Becker, thư ký của ủy ban Manchester và là chủ tờ báo Quyền bầu cử của phụ nữ. Emily cho rằng ngay từ ngày đó bà đã là người phụ nữ đấu tranh đòi quyền bầu cử một cách vô thức.

Năm 1889 Emily thành lập một hội liên hiệp phụ nữ đấu tranh vì quyền bầu cử mang tên Women’s Franchise League. Năm 1903 bà thành lập tổ chức đoàn kết phụ nữ mang tên Women’s Social and Political Union, một tổ chức được biết đến rộng rãi vì các hoạt động có tính chất quân sự của nó. Hiểu rằng không thể dành quyền bầu cử bằng cách kêu suông, Emily và những phụ nữ có cùng chí hướng đã nghĩ ra những hình thức đấu tranh mới. Bà vận động phụ nữ trên khắp nước Anh tham gia chiến dịch đốt thư nhằm gây sự chú ý của chính phủ. Chỉ trong vài ngày đã có 5000 bức thư trong các hòm thư bị đốt và hàng nghìn bức thư bị làm mờ địa chỉ người nhận. Các tờ báo ở các thành phố như London, Liverpool, Bristol liên tục đưa tin về hiện tượng này. Một số phụ nữ bị bắt giam vì hành động đốt thư nhưng nhà tù chỉ là nơi họ thực hiện một hình thức đấu tranh mới: Tuyệt thực. Họ tuyệt thực cho tới khi nhà chức trách buộc phải thả họ ra. Năm 1913 cuộc đấu tranh du kích của những người phụ nữ đòi quyền bầu cử trở nên mạnh mẽ và kiên quyết hơn bao giờ hết. Kinh nghiệm đấu tranh dạy họ rằng chính phủ sẽ không chịu khuất phục trước lẽ phải và sự công bằng nhưng sẽ chịu nhân nhượng vì lợi ích sát sườn. Những người phụ nữ trong tổ chức của Emily đã thực hiện đốt cỏ các sân gôn, cắt dây điện thoại khiến liên lạc giữa các thành phố bị gián đoạn nhiều giờ… nhằm chỉ cho chính phủ thấy lợi ích thực tế giờ đây chính là đáp ứng những yêu sách của phụ nữ.

Cuộc đấu tranh của những người phụ nữ đòi quyền bầu cử đang lên đến cao trào thì cuộc chiến tranh thế giới lần nhất nổ ra. Emily tạm gác chương trình đấu tranh vì quyền bầu cử để dành tâm sức cho những hoạt động ái quốc. Bà vận động chi em trong tổ chức đảm nhận công việc của đàn ông tại các xí nghiệp. Bà tổ chức một cuộc tuần hành với sự tham gia của 30 nghìn phụ nữ nhằm khuyến khích các nhà công nghiệp cho phép phụ nữ thay thế công việc của đàn ông trong các công xưởng. Chính vì hoạt động này mà nước Anh đã huy động được tối đa lực lượng nam giới lên đường chiến đấu.

Năm 1918 đánh dấu sự thay đổi lớn trong luật bầu cử nước Anh. Vào ngày 24 tháng Một các dự luật sửa đổi bổ sung về bầu cử bắt đầu được đưa ra tranh luận tại quốc hội. Các phiên tranh luận diễn ra vô cùng căng thẳng và quyết liệt. Trong khi các đại biểu tranh luận trong hội trường thì hàng nghìn phụ nữ đứng ngoài đường phố căng thẳng chờ đợi kết quả. Cuối cùng với nỗ lực của những đại biểu bênh vực công bằng và lẽ phải, vào tháng Ba luật pháp nước Anh đã chính thức thừa nhận quyền bầu cử của phụ nữ. Dù luật ban hành quy định chỉ phụ nữ trên 30 tuổi mới có quyền tham gia bầu cử thì phụ nữ Anh vẫn coi đó là một thắng lợi lớn. Bảy tháng sau nước Anh ban hành điều luật cho phép phụ nữ trên 21 tuổi được quyền ứng cử đại biểu quốc hội, nghĩa là phụ nữ chưa đủ tuổi bầu cử vẫn có thể ứng cử vào quốc hội.

Vào thời kỳ đó đối với mỗi phụ nữ Anh việc cần lá phiếu trong tay đi bầu cử là một điều hết sức thiêng liêng. Có nhiều phụ nữ đã khóc khi lần đầu tiên được bước gần tới hòm phiếu. Và có lẽ Emily là người vui sướng nhất trong số những phụ nữ ấy. Cùng với biết bao người phụ nữ trên khắp đất nước, bà đã đấu tranh quên mình để đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chắc hẳn bà không có gì phải hối tiếc khi nghĩ lại những lần bà bị bắt giam, những lần bà tuyệt thực trong tù được thả ra chỉ để hồi phục sức khỏe rồi lại vào tù, tiếp tục đấu tranh. Chắc hẳn bà cũng không có gì phải hối tiếc về cuộc đời bởi bà đã sống đủ lâu để được thấy cuộc đấu tranh của phụ nữ Anh đi đến kết quả trọn vẹn. Vào năm 1926, vài tuần trước khi Emily qua đời ở tuổi 69, nước Anh thông qua một đạo luật mới quy định nam giới và phụ nữ đều được hưởng những quyền lợi như nhau trong bầu cử.