Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường

Chương 5: Khen Ngợi Mà Không Tâng Bốc, Phê Bình Nhưng Không Gây Tổn Thương

“Mời cô... ngồi. Chúng ta có rất nhiều điều phải bàn đấy.” Tôi hồi hộp, lo lắng không yên trên cái ghế bên bàn thầy hiệu trưởng.

“Cô Lander à, tôi tin chắc là cô biết rằng mình phải trải qua ba năm làm giáo viên tập sự. (Đầu óc tôi bắt đầu quay cuồng. “‘Tập sự’ không có nghĩa là tội phạm bị quản thúc đấy chứ Trời?”)

“Mỗi năm, ít nhất cô sẽ được đánh giá ba lần. Và đây là lần đánh giá đầu tiên. Tôi muốn cô biết rằng tôi tin cô có rất nhiều tiềm năng... nhưng cô cần phải cố gắng phấn đấu để được làm giáo viên chính thức. Đánh giá này cũng là giúp cho cô rút kinh nghiệm thôi. Chúng ta hãy xem xét tiết dạy hôm thứ Hai của cô có gì không ổn nhé.”

Lục trong tủ hồ sơ, thầy hiệu trưởng lôi ra một tập bìa, bên ngoài có ghi bằng chữ in mực đỏ: TẬP SỰ. Rồi khi ngồi trở vào chiếc ghế của mình, với cái kính xệ xuống sống mũi, ông lật những trang giấy ghi chú chi chít khi dự giờ tiết dạy của tôi. “Coi nào... Tôi nghĩ mục đích của bài học này là dạy cho học sinh cách viết thư. Đúng không cô?”

“Đúng, thưa thầy Steele.” (Ông ấy đang ám chỉ gì thế nhỉ?)

“Cô bảo với học sinh rằng cô có một quyển sách ghi đầy đủ tên và địa chỉ của những người nổi tiếng, và các em có thể viết thư cho những ‘ngôi sao’ mà chúng thích. Đó là lỗi đầu tiên của cô . Ngay khi cô vừa bảo học sinh có thể liên lạc với người nổi tiếng là chúng lập tức không nghe cô giảng nữa mà quay qua bàn tán với nhau. Cô không còn kiểm soát được lớp học. Thay vì tập trung vào phương pháp viết thư, học sinh lại nhốn nháo về những người nổi tiếng. Từ giờ trở đi, tôi đề nghị cô nên bám sát bản hướng dẫn chương trình của quận mà giảng dạy. Nếu cô làm đúng, học sinh sẽ được chuẩn bị đủ kỹ năng để dự cuộc kiểm tra viết văn của bang vào mùa xuân này. Chừng nào cô còn được thuê dạy ở trong quận này, cô cần phải dạy học sinh theo đúng những tiêu chuẩn đã in thành văn bản.”

Tôi cố bào chữa cho mình, “Tôi nghĩ, nếu tạo được chút ít nhiệt tình cho việc viết thư thì...”

“Điều cô vừa nói cũng chính là điều sẽ đưa tới điểm tiếp theo mà tôi muốn chỉ ra đây. Lòng nhiệt tình của học sinh lớp cô được bộc lộ dưới nhiều hình thức không chấp nhận được. Trong tiết học chỉ kéo dài có ba mươi phút mà có tới ba mẩu giấy được chuyền đi, nhiều tiếng nói chuyện ồn ào, một cái bàn bị xô lệch, một học sinh ra khỏi chỗ ngồi để đi bàn tán với bạn khác. Cô có thấy tất cả những chuyện đó đều xảy ra ở cuối lớp không?”

“Ồ, có chứ... nhưng các em chỉ hơi phấn khích một chút thôi, thưa thầy Steele.”

Ông hiệu trưởng nhoài người về phía tôi, “Cô Lander này, chúng ta đã có những chuẩn mực dẫn dắt lớp học rất cụ thể. Chẳng lẽ cô không nhận ra là một vấn đề có thể leo thang nhanh như thế nào sao? Học sinh ở tuổi này rất hiếu động. Nếu chúng không được khuôn vào nề nếp kỷ luật, tình hình sẽ rất dễ rơi khỏi vòng kiểm soát. Bởi vậy, nếu dạy học bằng cách giả định viết thư cho người nổi tiếng như thế thì nguy cơ giáo viên không ổn định được lớp càng tăng cao. Tôi đề nghị cô hãy tập trung bài giảng của mình trong công thức viết thư chuẩn, và hạn chế cho học sinh thảo luận lăng nhăng xem chúng hâm mộ nhân vật nổi tiếng nào đi.”

Bỗng giọng người thư ký vang lên trong máy bộ đàm, “Thưa thầy Steele, giám thị đang ở đầu dây số một. Thầy muốn nói trực tiếp hay để tôi nhận tin nhắn?”

Thầy Steele nhìn đồng hồ đeo tay. “Bảo giám thị chờ tôi một phút,” ông nói trong khi vẫn lật giở những trang nhận xét. “Hừm... tôi còn nhiều điểm nữa cần thảo luận với cô, nhưng bấy nhiêu đó có lẽ cũng đã đủ cho cô bận tâm rồi. Tôi đề nghị cô đến dự giờ lớp cô Harding. Cô ấy là một giáo viên giỏi. Lớp của cô Harding luôn yên lặng đến mức cô có thể nghe cả tiếng bấm giấy trong giờ học. Hẹn cô ngày mai đến gặp tôi để trao đổi nốt những điểm còn mắc mứu.”

Trở lại phòng học trống trơn của mình, tôi đóng cửa lại và thẫn thờ dọn đống sách vở trên bàn. Nước mắt chực tuôn rơi. Ông hiệu trưởng chả bằng lòng chút nào về bài giảng của tôi sao? Đành rằng bọn trẻ có ồn ào một chút, nhưng thấy chúng hứng thú với bài học chả tốt hơn là cứ ù lì một chỗ như người bị bệnh sao? Tôi muốn các em chú ý đến nội dung chúng viết, dù là viết cho người nổi tiếng, cho một người bạn, hay cho thành viên nào đấy của Nghị viện. Chả lẽ việc chúng viết gì không quan trọng bằng chúng viết như thế nào hay sao? Tôi nhìn đống thư chưa chấm trên bàn, cầm cây bút đỏ lên rồi lại đặt xuống. Tôi chẳng còn lòng dạ nào để chấm xấp bài ấy nữa. Ngay lúc này, tôi chả còn thiết tha gì với việc dạy dỗ nữa. Cũng chẳng còn muốn đặt chân vào một lớp nào nữa.

Có tiếng gõ cửa. Đó là Maria, tay cầm một tập tranh của học trò. “Xin lỗi làm phiền em,” chị vui vẻ, “nhưng cho chị mượn đồ bấm giấy của em chút nhé?”

“Vâng, chị lấy đi.”

“Em khỏe chứ?” Maria hỏi, nhìn xoáy vào tôi.

“Chiều nay em vừa gặp chút rắc rối. Em không biết... Em nghĩ lẽ ra mình nên đi làm công nhân thì tốt hơn là đi dạy học.”

“Sao em lại nói vậy? Em là một giáo viên rất tuyệt mà. Nếu không nói em là một trong những giáo viên giỏi nhất! Chị nghĩ em rất xuất sắc!”

Tôi ngước nhìn Maria. Chị mỉm cười với tôi, dò xét gương mặt tôi để tìm nụ cười đáp lại. Tôi cố lúng búng, “Cảm ơn chị, Maria,” và đưa cho chị đồ bấm giấy.

Maria vừa đi khỏi một lát thì Jane bước vào. “Trông em như thể vừa mới bị ai thụi cho một quả ấy,” Jane nhận xét.

Tôi cố tự nhủ mình phải mạnh mẽ lên, không được trút rắc rối của mình vào Jane. Nhưng vừa mới nhìn chị một cái là tôi đã kể tất tật ngay.

Jane lắng nghe và gật đầu thông cảm.

“Và để hoàn tất trận chê bai luôn thể,” tôi nói trong nước mắt, “thầy ấy bảo em dạy một cách tùy tiện, ngẫu hứng, rằng em không thể điều khiển nổi lớp, và em nên dự giờ lớp cô Harding để xem cô ấy dạy giỏi như thế nào.”

“Cô Harding á?” Jane cười.

“Thầy ấy bảo người ta có thể nghe cả tiếng bấm giấy trong lớp của cô ấy.”

“Chính vì vậy nên bọn trẻ mới ngủ gật.”

“Jane,” tôi kêu lên, “Đừng đùa nữa. Thầy ấy làm em buồn chết đi được đây này.”

“Chị biết... chị biết. Chị chỉ thấy bực vì em phải nghe những lời đánh giá theo kiểu ‘chỉ trích và suy diễn méo mó’ của thầy Steele thôi.”

“Maria vừa mới vào đây.” Tôi sụt sịt. “Chị ấy thật dễ mến. Chị ấy đã cố làm cho em vui lên. Bảo em là một giáo viên rất tuyệt.”

“Nhưng em không tin?”

“Em cũng muốn tin lắm chứ. Nhưng ngay khi chị ấy nói thế, em liền có ý nghĩ là mình chẳng giỏi giang gì hết.”

“Em nghĩ vậy là tất nhiên rồi,” Jane thở dài. “Những lời chỉ trích chẳng khác nào moi móc hết ruột gan ta ra. Còn khen ngợi kiểu như ‘Hay quá... giỏi quá... xuất sắc’ chỉ khiến ta muốn ngộp thở thôi!”

“Em biết. Em muốn nói với Maria là chị ấy nhận xét về em sai rồi.”

“Bởi vì rất khó chấp nhận những lời khen tâng bốc. Em có bao giờ để ý mình ngượng ngùng, bối rối thế nào khi người nào đó đánh giá em quá cao không? Chị biết. Ngay cái lúc mà ai đó bảo rằng em ‘giỏi’, hay ‘đẹp’, hay ‘thông minh’, thì em chỉ chăm chăm nghĩ đến những lần em tồi tệ, thấy mình xấu xí hoặc làm điều gì đó lãng xẹt.”

“Chị nói đúng. Khi Maria một mực bảo em là giáo viên giỏi nhất, em chỉ nghĩ đến ngày thứ Hai vừa rồi mình đã đến trường trong tình trạng mệt mỏi, không soạn bài kỹ, và tá hỏa vì thầy hiệu trưởng đột xuất vào lớp em dự giờ.”

Jane cười lớn, “Maria có ý tốt mà. Người ta đều có ý tốt khi khen ngợi ai đó. Chỉ có điều họ không biết cách thôi.”

“Vậy chứ biết cách khen là thế nào?”

“Thay vì đánh giá việc ai đó đã làm là hay quá, tuyệt quá, thì ta cần mô tả việc ấy ra.”

Mô tả ?”

“Đúng. Ta cần mô tả-chi tiết-chính xác những gì người đó đã làm.”

“Em không hiểu. Chị cho ví dụ đi.”

Jane nhìn tôi chăm chú, “Thế này nhé. Liz, nếu chương trình yêu cầu phải dạy học sinh biết cách viết thư trang trọng, và giảng công thức viết thư chuẩn mực thì đối với em quá dễ rồi. Nhưng em biết bọn trẻ thường không chú ý đến những tiêu đề, lời chào và địa chỉ trong thư. Vì vậy em đã suy ngẫm về đề tài này, và nghĩ ra một động cơ thúc đẩy, khơi gợi trí tưởng tượng của bọn trẻ, để chúng viết với sự háo hức, có mục đích theo đúng mẫu chuẩn.”

Tôi liền ngồi thẳng lên. “Đúng, em đã làm vậy đấy!” tôi nói. “Bài học rất dễ chán, nhưng em đã tìm ra cách khiến cho học sinh thích thú và hăng hái tham gia. Và chúng đã học được công thức viết thư trang trọng... Chị biết gì không? Em không quan tâm người khác nói gì, em chỉ biết tiết học đó mình đã dạy rất tốt.”

“Đó!” Jane đắc thắng. “Thấy chưa! Chị chỉ làm có mỗi một việc là mô tả những gì em đã làm và em nhận thấy sự thật trong lời nói của chị, nên em đã tin vào bản thân mình!”

Vừa lúc đó Maria quay lại trả đồ bấm giấy. Chị xin lỗi đã ngắt ngang câu chuyện của chúng tôi.

“Maria,” tôi nói, “chị khoan hẵng đi. Chị nên nghe Jane nói gì về chuyện khen ngợi này. Em muốn biết chị nghĩ thế nào về điều đó. Jane, chị làm ơn nói lại lần nữa đi.”

Jane bảo với Maria rằng bọn trẻ thường rất khó chấp nhận những lời khen chỉ có ý đánh giá chung chung. Jane nói, “Khen đứa trẻ rằng ‘Con chuẩn bị mọi thứ tốt đấy,” thì nó lại thường phản ứng là “Không hẳn đâu”. Còn cách khen ngợi mà trẻ có thể “tiếp nhận”, và thật sự vun đắp lòng tự trọng cho chúng, phải gồm có hai phần. Thứ nhất, người lớn phải mô tả đứa trẻ đã làm được gì . (“Mẹ thấy con đã sẵn sàng để mai đi học rồi đấy. Con đã làm xong làm bài tập về nhà này, chuốt bút chì rồi này, bao tập vở rồi này, và thậm chí còn chuẩn bị đồ ăn trưa rồi luôn.”) Thứ hai, đứa trẻ, sau khi đã nghe lời khen mô tả, nó sẽ tự khen mình . (“Mình biết cách sắp xếp và lên kế hoạch trước mà.”)

Trông Maria có vẻ khổ sở, “Tôi không hiểu. Tôi chỉ thấy là cái cách cha mẹ đã nuôi dạy tôi không được hay cho lắm. Cả hai người đều nghĩ họ không nên nói những lời hay ho về trẻ ngay trước mặt chúng, bởi vì chúng có thể trở nên cứng đầu, bướng bỉnh. Nhưng tôi lại nghĩ trẻ con nên được khen ngợi. Lời khen giúp chúng tự hào hơn về bản thân. Tôi vẫn thường khen Marco và Ana Ruth là giỏi và thông minh.”

Rất nhẹ nhàng, Jane nói, “Vậy là chị muốn các con sẽ làm cái điều mà chính chị không bao giờ làm được?”

Maria nhắm mắt lại và gật đầu, “Nhưng có lẽ tôi thường khen hơi quá thật. Khi tôi bảo Marco thông minh thì nó liền đáp, ‘Raphael thông minh hơn con.’ Khi tôi bảo Ana Ruth chơi đàn violin tuyệt lắm thì con bé liền gắt, ‘Thôi mà mẹ, đừng có cho con lên mây.’”

“Đó chính là điểm tôi đang muốn nói đấy,” Jane nói. “Trẻ thường không thoải mái với những lời khen mang nghĩa nhận xét hay đánh giá. Chúng sẽ khước từ lời khen đó ngay lập tức. Đôi khi chúng còn cố ý cư xử sai lệch đi để chứng minh là người lớn đã sai.”

Maria sững sờ nhìn Jane. “Ối trời đất ơi! Giờ thì tôi hiểu điều gì đã xảy ra trong lớp thầy Peterson hôm qua, khi tôi phụ giảng với thầy ấy rồi.”

“Ý chị là sao?” tôi hỏi.

“Brian, cái đứa vẫn hay quậy cho mọi người phát khùng lên ấy, cuối cùng cũng chịu ngồi im tại chỗ và làm cho xong bài tập. Cho nên, tôi mới vỗ lưng nó và khen rằng nó là cậu bé ngoan. Cứ tưởng lời khen đó sẽ khích lệ nó tiếp tục cư xử đúng mực, ai ngờ đâu nó trợn tròn mắt, thè lưỡi, và giả bộ té xỉu khỏi ghế. Lúc ấy tôi chả hiểu tại sao nó lại làm như vậy nữa.”

Tôi lúng túng hỏi, “Thế giờ chị hiểu rồi à?”

“Ừ, theo như lời Jane nói, thằng bé đã không coi lời khen của tôi ra gì. Lời khen đó chỉ khiến nó lo lắng hơn thôi. Nó không thể theo kịp lời khen như thế. Nó phải cho tôi thấy là nó không thật sự ngoan đâu.”

“Nhưng thực ra có những lúc nó ngoan thật mà,” tôi phản đối.

“Thế thì Maria nên mô tả đúng nó đã có lúc ngoan như thế nào,” Jane bảo.

“Phải rồi,” Maria tán thành. “Đáng ra tôi nên bảo nó...”

Thế là lại bắt đầu một cuộc thảo luận rất lâu và sôi nổi giữa ba chúng tôi. Mô tả thành tích đạt được của đứa trẻ, hơn là đánh giá, hoặc nhận xét chúng bằng những từ dễ lọt tai như “giỏi”, “hay”, “ngoan”, “tuyệt” thực ra khó thực hiện hơn ta tưởng - không phải vì khó mô tả, mà bởi vì ta không quen làm điều đó. Tuy nhiên, một khi đã thích nghi với việc nhìn kỹ vào những gì trẻ đã làm được, diễn tả bằng lời những gì ta thấy và cảm nhận, ắt hẳn ta sẽ làm điều đó dễ dàng hơn, với một sự hài lòng, vui vẻ thoải mái hơn. Trong hai trang tiếp theo đây, chúng tôi sẽ đưa ra vài ví dụ bằng hình minh họa, về việc cha mẹ và giáo viên đã dùng lời khen kiểu mô tả như thế nào.

 

Khi nghiên cứu những ví dụ vừa nghĩ ra, chúng tôi lại nảy tiếp nhiều ý kiến nữa, và chia sẻ với nhau:

Tôi : Như vậy là lời khen mô tả rất hiệu quả, đúng không chị? Nếu muốn nói với trẻ mình thấy gì hoặc cảm thấy thế nào, cũng có nghĩa mình phải thật sự chú ý quan sát. Rất dễ dàng buông lời khen “Tuyệt vời,” “Hay quá,” hoặc “Tốt lắm”. Khen kiểu đó chả cần phải suy nghĩ gì.

Jane : Đúng. Lời khen mô tả khó hơn và phải mất nhiều thì giờ hơn, nhưng hãy xét tới tác động của nó đối với đứa trẻ.

Maria : Tôi hiểu điều các chị nói, nhưng đối với những đứa trẻ luôn bị chỉ trích, châm chọc, chẳng bao giờ được khen thì nghe câu “Em là cậu bé ngoan” vẫn hay hơn là không nhận được gì hết chứ?

Jane : Khi đứa trẻ đói ngấu thì một cái kẹo bông vẫn tốt hơn là không có gì. Nhưng tại sao chúng ta lại chỉ hướng tới điều ấy? Chúng ta muốn tạo điều kiện cho con cái mình nuôi dưỡng những cảm xúc sẽ giúp chúng trở thành những người biết suy nghĩ và làm việc độc lập, sáng tạo. Nếu ta huấn luyện để chúng chỉ biết liên tục ngóng chờ sự ủng hộ của người khác, thì thông điệp ta muốn truyền cho chúng là gì?

Tôi : Con không tin vào chính mình. Con cần có người khen ngợi việc làm của con.

Maria : Chẳng lẽ đó không phải là thông điệp tốt đẹp sao?

Jane : Đúng vậy. Bởi vì ta chỉ muốn bọn trẻ tin vào sự phán đoán, nhận định của chính chúng; muốn cho chúng có đủ tự tin để khẳng định rằng, “Tôi hài lòng,” hoặc “Tôi không hài lòng với những gì mình làm.” Và để sửa chữa hay điều chỉnh, chúng sẽ dựa vào sự nhận xét, đánh giá của chính bản thân mình.

Tối hôm đó tôi bỗng thấy hăng hái và nôn nóng muốn chấm, muốn sửa ngay xấp thư mà học các em mình đã viết. Lá thứ nhất thật ngạc nhiên, thú vị. Thay vì phê “ Rất tốt! ”; tôi ghi, “ Đọc thư em thấy rất vui. Những câu đề tài rõ ràng, có ví dụ sinh động cho thấy Michael Jordan đã ảnh hưởng sâu sắc đến em như thế nào .” Lá thư thứ hai cũng không làm tôi thất vọng. Tôi phê, “ Một sự tìm tòi đáng suy ngẫm về những khó khăn của người vô gia cư. Cô nghĩ tổng thống có thể sẽ quan tâm đến những đề nghị độc đáo của em.”

Trong tôi dấy lên niềm tự hào về khả năng viết thư ở trình độ cao của học trò mình, và tôi không ngượng khi tự khen mình đã nghĩ ra cách dạy này (Thầy sẽ không thể chê vào đâu được, thưa thầy Steele). Lá thư tiếp theo cứ như do một học sinh lớp hai viết. Đó là thư của Melissa viết cho cô đào Barbra Streisand, và lá thư chỉ dài có nửa trang giấy. Tôi cầm cây bút chì đỏ lên phê liền, “ Kém quá. Không có địa chỉ trong thư. Ngày tháng năm đâu? Sai chính tả. Nội dung sơ sài, nghèo nàn .”

Tôi nhìn lại những lời phê màu đỏ, nổi bật, chất chứa sự bực bội đó và nghĩ, “Sao mình lại có thể làm vậy với Melissa?” Đó chính là kiểu chỉ trích, phê bình mà thầy Steele đã ném vào tôi hồi chiều... Tôi khựng lại giữa chừng. Khen những gì mình thích không khó, nhưng làm thế nào để phê bình những điều mình không thích? Làm sao chỉ ra những cái sai mà không làm mất tinh thần, hay làm nản lòng người mà ta đang phê bình? Có cách nào để thầy Steele bày tỏ sự thất vọng của thầy với tôi, mà không làm tôi tuyệt vọng?

Tôi nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ. Nếu thầy Steele bắt đầu bằng cách thừa nhận những gì tôi đã làm được - dù rất nhỏ - thì hẳn là tôi có thể nghe những điều khiến thầy bực dọc, mà không cảm thấy mình tan nát cõi lòng. Có lẽ, nếu thầy nói đại loại thế này, “Liz, cô đã hoàn thành mục tiêu của mình. Cô đã tạo động cơ cho học sinh học cách viết thư. Nhưng tôi nghĩ cô nên tìm cách khơi gợi niềm hứng thú thế nào đó để vẫn giữ được trật tự trong lớp.” Nếu thầy hiệu trưởng nói kiểu ấy thì chắc hẳn tôi đã bình tĩnh nghe lời phê bình của thầy rồi. Hơn thế nữa, tôi sẽ nghiêm túc suy ngẫm những biện pháp để ngăn chặn sự hưng phấn quá độ của học sinh trong những buổi học tới.

Có lẽ đó chính là chìa khóa để giúp học sinh tiến bộ hơn. Thay vì tập trung vào những điều sai trái, hãy bắt đầu bằng cách thừa nhận những gì trẻ đã làm được. Sau đó, bạn hãy chỉ ra những gì cần phải làm tiếp theo để sự việc được hoàn thiện hơn.

Thế thì, bây giờ tôi có thể viết gì vào lá thư của Melissa? Tôi cẩn thận ghi lại lời phê mới, “ Cô thích câu ‘Cô là người cháu yêu thích nhất trong số những người cháu yêu thích!’ Cô nghĩ Streisand cũng sẽ thích câu này. Cô cũng nghĩ cô ấy sẽ nóng lòng muốn nghe một ví dụ cụ thể về điều gì khiến em ngưỡng mộ cô ấy. Em hãy kiểm tra kỹ để bảo đảm những từ cô gạch chân được viết đúng chính tả, và nhớ ghi ngày tháng, địa chỉ vào thư nữa. Cô sẽ chờ đọc lá thư đã chỉnh sửa lại của em .”

Dường như tôi đã khám phá ra được một nguyên tắc quan trọng. Đúng vậy, tất cả chúng ta - từ giáo viên cho đến phụ huynh, và học sinh - đều có lợi nếu có một người nào đó chịu quan sát mình. Bằng cái nhìn khách quan, họ sẽ giúp chúng ta biết cách làm tốt hơn. Nhưng trước khi có thể nghĩ đến chuyện thay đổi, chúng ta cần tin rằng trong chính bản thân mình có nhiều cái đúng hơn cái sai, và chúng ta có khả năng sửa chữa bất kỳ cái sai nào. Để hình dung lý thuyết này hữu hiệu trong những tình huống khác như thế nào, tôi nghĩ đến hai ví dụ có thể xảy ra - một ở nhà và một ở trường - như sau:

Trong những tuần tiếp theo, tôi suy nghĩ rất nhiều về lời khen và lời phê bình. “Những lời phê bình mang tính suy diễn” của thầy Steele đã làm tôi cảm thấy bị tổn thương và nản lòng ghê gớm. Còn lời khen cường điệu của Maria lại khiến tôi đâm nghi ngờ, e ngại và cảm thấy mình không xứng đáng. Nhưng lời mô tả thẳng thắn của Jane về những gì tôi đã làm được giúp tôi lấy lại cân bằng, lấy lại niềm tin vào chính mình, và cảm thấy mình được động viên để lần sau làm tốt hơn.

Thật là một quy trình đơn giản biết bao! Tôi nghĩ, những gì Jane đã làm với tôi chính là những gì chúng ta phải làm cho nhau khi cùng làm việc, để vượt qua những thử thách trong cuộc đời mình:

 Giáo viên cần kiên định khi cố gắng đáp ứng tất cả những nhu cầu của học sinh.

 Cha mẹ cần quyết đoán khi đấu tranh với những khó khăn hàng ngày trong việc đề cao con cái.

 Học sinh cần kiên quyết khi tìm hiểu thế giới của mình và tìm ra chỗ đứng cho riêng mình.

Trong cái thế giới mà tôi mơ tưởng, tất cả chúng ta đều có mặt ở đó vì nhau, cùng đưa lên tấm gương soi rọi những cố gắng và những thành tựu của nhau, để cho tất cả đều cảm thấy rằng mình đang hiện hữu và có giá trị.

GHI NHỚ

LỜI KHEN HỮU ÍCH VÀ LỜI PHÊ BÌNH MANG TÍNH XÂY DỰNG

ở nhà và ở trường

Trẻ: Mẹ, nghe con đọc bài thơ về xe lửa này coi có hay không nhé?

Người lớn: Hay quá! Con của mẹ là một nhà thơ tuyệt vời mà!

Thay vì nhận xét hay đánh giá, bạn có thể:

1. Mô tả những gì mình trông thấy hoặc nghe thấy.

“Mẹ không ngờ con lại đổi được ‘tiếng xình xịch’ của xe lửa thành nhịp tàu va lách cách, lách cách vào đường ray.”

2. Mô tả cho trẻ biết bạn cảm thấy gì.

“Nó làm mẹ có cảm tưởng như mình đang ngồi trong toa xe lửa và lao vụt qua các vùng đất vậy đó.”

✳ ✳ ✳

Người lớn: Xem những từ con viết sai nè! Con có thể làm tốt hơn mà.

Thay vì phê bình, bạn có thể:

3. Chỉ ra những gì cần làm:

“Bài thơ này chỉ cần chỉnh lại lỗi chính tả, ‘toa hàng’ sửa thành ‘chở hàng’ là dán lên báo tường của lớp được rồi.”

NHỮNG THẮC MẮC, CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH VÀ GIÁO VIÊN

? Những thắc mắc của phụ huynh

1. Con trai tôi là một thằng bé rất ngoan và tôi thường khen ngợi nó. Nhưng hôm qua nó bảo tôi, “Mẹ, mẹ để ý con nhiều quá đấy.” Có phải khen nhiều quá sẽ có hại không?

Phản ứng của con trai bạn chẳng có gì là bất thường cả. Hầu hết bọn trẻ đều ngại ngùng khi nghe lời khen trơn tru về những gì chúng làm - cho dù là lời khen tích cực. Bọn trẻ cảm thấy như chúng phải chịu một sự giám sát liên tục. Mỗi đứa trẻ có một cách phản ứng khác nhau về tình trạng “luôn luôn bị theo dõi”. Chúng thấy nhàm chán với việc nghe mãi cùng một lời tán tụng, tâng bốc về mọi thứ chúng làm, nhưng đến lúc không được nghe khen nữa thì chúng lại cảm thấy chới với và trở nên kém tự tin.

Cũng có những đứa trẻ cảm nhận sự khen ngợi liên tục như là những lời chỉ dẫn bóng gió nhằm bắt chúng phải thực hiện và tuân thủ đúng những mong ước, những tiêu chuẩn do cha mẹ đặt ra. Thường thì những đứa trẻ này kết luận rằng, “Đừng có nghĩ đến việc mình muốn làm gì và mình muốn làm thế nào, dành thời gian đó mà nghĩ về những gì cha mẹ muốn mình làm thì hơn. Mình không dám tin vào bản thân nữa. Tốt nhất là cứ tin cha mẹ thôi.”

2. Con gái tôi đang làm một bức tranh cắt dán với chủ đề nhà bếp Mỹ thời xưa, và hỏi xem tôi nghĩ “công trình” của cháu thế nào. Tôi bảo chắc chắn cô giáo sẽ cho bức tranh của cháu điểm A. Nói như vậy có được không?

Bất cứ khi nào có một sự lựa chọn giữa việc “hướng sự chú ý của con bạn tới sự ủng hộ, chấp thuận của người khác, hoặc hướng trẻ trở lại công việc mà nó đang làm”, thì hãy chọn công việc con bạn đang làm. Bạn có thể bảo với con gái, “Con đã lấy một cái hộp cạc-tông cũ và đang dần biến nó thành nhà bếp thời thực dân Anh. Mẹ thấy một bánh xe đang quay, lò sưởi và... Con đã làm thế nào mà chiếc nôi nhỏ trông y như thật vậy?” Việc học sẽ đạt hiệu quả nhất khi bọn trẻ toàn tâm, toàn ý vào việc chúng đang làm, chứ không phải khi chúng cứ mải lo lắng đoán xem người khác sẽ phán xét như thế nào.

3. Con trai tôi mang về nhà bảng điểm toàn là A thẳng từ trên xuống dưới. Tôi bảo tôi rất tự hào về cháu. Vậy có đúng không?

Bất cứ khi nào không chắc chắn lời khen của mình có hữu ích hay không, bạn có thể tự hỏi mình một câu bí quyết như sau, “Những lời khen của mình khiến con phụ thuộc vào mình, lệ thuộc vào sự ủng hộ của mình, hay là giúp nó nhìn thấy sức mạnh của nó, cho nó thấy bức tranh rõ rệt về khả năng và thành tích của nó?” Hãy tham khảo những câu sau đây:

Lời khen khiến trẻ phụ thuộc vào sự ủng hộ của người khác Lời khen cho trẻ cảm nhận về khả năng và thành tích của nó
• “Bảng điểm quá tuyệt! Mẹ rất tự hào về con.”
• “Con đang làm bài tập về nhà à? Ngoan lắm!”
• “Con hào phóng quá!”
• “Những điểm A này chứng tỏ con đã học hành rất chăm chỉ. Chắc con cảm thấy tự hào lắm nhỉ!”
• “Phải có tinh thần tự giác cao lắm mới làm được bài tập về nhà khi con cảm thấy mệt mỏi nhỉ?”
• “Thấy Elliot quên mang bánh mì, con đã biết chia cho bạn phần bánh của mình.”

Hãy chú ý, những lời khen ở cột thứ nhất đặt cha mẹ vào vai trò người kiểm soát. Họ là những người có quyền ban bố hoặc giữ lại lời khen. Những câu tường thuật ở cột thứ hai đặt đứa trẻ vào mối liên hệ với khả năng của nó, và có thể khiến nó biết tự khen mình.

4. Chẳng lẽ ta không bao giờ có thể nói thẳng với một đứa trẻ rằng con “chu đáo”, “trung thực,” hay “sáng tạo” sao?

Bất kỳ sự tán thành, ủng hộ nào cũng có thể khiến người ta cảm thấy sung sướng, dễ chịu trong khoảnh khắc. Nhưng nếu muốn những lời đó thấm sâu và đọng lại trong tâm trí trẻ, bạn cần mô tả trước hoặc sau khi buông lời khen. Chẳng hạn:

• Biết mẹ sẽ lo lắng nếu không thấy con ở nhà khi mẹ đi làm về, cho nên con đã để lại mẩu giấy ghi số điện thoại nhà bạn để mẹ có thể liên lạc với con. Mẹ nghĩ, con làm như vậy rất chu đáo .

• Con đã kể hết cho mẹ nghe sự việc xảy ra ở trường hôm nay, dù vẫn biết có thể mẹ sẽ nổi giận. Mẹ thấy hài lòng vì con có lòng trung thực như thế.

• Bức ảnh cắt dán sáng tạo lắm! Có dây buộc, bánh ngọt, nút áo, và cả bản lề làm bằng giấy toa-lét nữa à.

Trong từng trường hợp như trên, bạn đang chỉ ra từng ví dụ cụ thể, chứng minh cho trẻ thấy rằng chúng đã chu đáo, trung thực hay sáng tạo thế nào. Không hề có áp lực buộc chúng phải luôn luôn như thế.

5. Tôi có hai cô con gái. Đứa nhỏ là học sinh chăm ngoan, nhưng đứa lớn phải cố gắng lắm mới được điểm B, C. Khi cả hai mang bảng điểm về cho tôi xem cùng một lúc, tôi cố tránh khen đứa nhỏ để đứa lớn không thấy tủi thân. Tôi làm như vậy có đúng không?

Nên có cách giải quyết để phản ứng của bạn trước sự giỏi giang của cô em không ảnh hưởng đến việc cô chị đã đạt được, hoặc chưa đạt được điều gì. Mỗi đứa cần được bạn xác nhận thành tích cá nhân của riêng nó, một cách độc lập. Cô em cần có dịp ở riêng bên bạn, để chia sẻ niềm tự hào về điểm số học tập của cháu, để được mẹ thừa nhận thành tích đó. Cô chị cũng có quyền có “thời khắc riêng tư” để nộp sổ điểm, để cháu có thể bộc lộ thái độ hài lòng hay không hài lòng về việc học ở trường, sau đó sẽ nhận được sự ủng hộ cho những cố gắng của mình. Như vậy, cả hai cô con gái của bạn, không cháu nào phải chịu thiệt thòi, tuy rằng có một đứa giỏi hơn.

Chuyện kể của phụ huynh

Chuyện đầu tiên do một bà mẹ kể lại. Bà đã tự khám phá ra rằng lời khen mang tính đánh giá sẽ ngăn cản quá trình sáng tạo, còn lời khen mô tả sẽ giải phóng sự sáng tạo của con mình.

Khi còn học mẫu giáo, con gái tôi, Jami, có tham dự một cuộc thi vẽ. Dường như con bé không thích lắm, nhưng tôi cứ thúc ép cháu mãi. Chẳng gì tôi cũng là họa sĩ mà. Trong khi cháu vẽ, tôi ngồi ngay bên cạnh và trầm trồ xuýt xoa, “Hay quá!... Đẹp quá!... Chao ôi, mẹ thích màu sắc... Còn bàn chân thì sao?... Cho chúng to hơn một chút được không con?... Được rồi! Thôi! Hoàn hảo quá!”

Vừa nghe tôi nói “hoàn hảo” một cái, Jami liền hỏi ngay, “Mẹ, tại sao nó lại phải hoàn hảo?” Rồi con bé bỏ mẩu sáp màu xuống, nhất định không chịu vẽ tiếp nữa. Mới đầu tôi bực lắm. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra, chắc tại mình cứ lải nhải bên tai nó mãi. Vì thế, lần sau, khi Jami mang một bức tranh từ trường về nhà khoe, tôi quyết định không bình luận gì hết. Nhưng tôi lại nghĩ, hẳn Jami muốn tôi nói gì đó, vì nó cứ chìa bức tranh ra trước mặt tôi, trong khi tôi lúi húi gấp mớ quần áo mới giặt xong. Đó là bức tranh vẽ một con cọp, và quả thực nó rất đẹp. Chỉ cần sửa một chút nữa thì sẽ tuyệt không chê vào đâu được. Nhưng tôi cố kiểm soát mình. Tôi cầm bức tranh lên và mô tả, “Mẹ thấy con vẽ một con cọp đang cười. Nó có những vệt lông sọc màu cam và đen, rồi cái đuôi dài nữa...” Tôi chưa kịp nói thêm gì, Jami đã giật bức tranh lại và nói, “Đây là con cọp mẹ. Bây giờ con sẽ vẽ thêm con cọp con nữa.”

Ngẫm nghĩ về việc vừa xảy ra, tôi nhận thấy tất cả những lời nhận xét “hữu ích” của tôi lần trước chẳng qua chỉ là một cách để bắt ép Jami làm hài lòng tôi mà thôi. Trong khi người mà con bé cần làm hài lòng là chính bản thân nó. Từ đó trở đi, tôi luôn cố gắng không tới gần Jami mỗi khi con bé đang vẽ. Tôi nghĩ, chỉ khi nào con bé yêu cầu thì tôi mới nên nhận xét về những bức tranh nó vẽ.

✳ ✳ ✳

Chuyện thứ hai kể về một bà mẹ đã khám phá ra tác dụng của việc chống lại sức cám dỗ của ham muốn đánh giá, nhận xét.

Vừa mới tham dự một hội thảo về lời khen mô tả trở về, tôi liền trông thấy trên kệ bếp có bức tranh của John, con trai mười hai tuổi của tôi. Rõ ràng là nó cố ý để đó cho tôi xem. Y như rằng, khi tôi đi ngang qua phòng nó, nó nhảy ra khỏi giường và hỏi, “Mẹ có xem tranh con vẽ chưa?”

Thường thì tôi sẽ đáp ngay là, “Rồi, đẹp lắm. Con đúng là họa sĩ đại tài!” Nhưng vừa mới từ hội thảo về nên tôi thầm nghĩ, “Này, mình phải mô tả chứ”, và thế là tôi liền bảo cháu, “ Mẹ xem rồi. Mẹ thấy một chiếc thuyền trôi trên hồ, cả những cái cây to thật to, với những tảng đá bên bờ hồ nữa, rồi một đường cao tốc uốn lượn chạy qua.”

John cười ngoác đến tận mang tai và bắt đầu kể cho tôi nghe cháu đã biết gì về “Champ”, con quái vật biển được tìm thấy ở hồ Champlain. Nhìn cháu hồ hởi, say sưa kể, tôi cảm thấy hai mẹ con thật gần gũi nhau. Đó là khoảnh khắc rất đáng quý. Thế là hai mẹ con tôi đã hiểu nhau - điều đó khiến tôi cảm thấy sung sướng vô cùng.

✳ ✳ ✳

Câu chuyện tiếp theo do một người mẹ kể về tình huống làm cho bà rất dễ nổi cáu với các con, nhưng bà đã chuyển tình huống thành cơ hội để khen ngợi chúng.

Kể từ lúc tìm được công việc bán thời gian, tôi đã nhiều phen phát khóc khi tan ca trễ mà thấy ba đứa con đi học về lại bị nhốt ngoài cửa. Cuối cùng, tôi nghĩ cách giấu chìa khóa vào một chỗ bên ngoài nhà, dặn các con chỉ được dùng trong trường hợp khẩn cấp thôi, và phải nhớ để lại chỗ cũ ngay khi mở cửa xong.

Sáng kiến đó là một giải pháp tuyệt vời, bởi vì mỗi tuần tôi phải làm việc thêm giờ ít nhất một lần. Thế rồi, một buổi chiều nọ, tôi về nhà trễ và thấy bọn trẻ đang ngồi túm tụm bên bàn với món ăn nhẹ sau giờ học, và kìa, dưới sàn bếp là chiếc chìa khóa cửa.

Tôi la lên, “Trời ơi, sao chìa khóa nhà mình lại ở dưới đất thế kia?”

Thằng con tôi, Nick vội nói, “Ối, con quên cất nó vào chỗ cũ rồi.” Thấy rõ là Nick không vui về chuyện này nên tôi bảo với thằng bé rằng việc đó hóa ra lại hay.

Bọn trẻ nhìn tôi, vô cùng ngạc nhiên. Tôi bảo, “Con có nhận ra là cả ba chị em con đều đã tỏ ra có trách nhiệm với chiếc chìa khóa này không? Các con đã dùng nó suốt cả năm, mà đây mới chỉ là lần đầu tiên và duy nhất có người quên cất nó vào chỗ cũ. Mẹ nghĩ đó là một kỷ lục đáng tự hào đấy.”

Thế là cả ba đứa đều cười tít mắt. Nick nhảy ra khỏi bàn, nói, “Con cất nó ngay đây.”

Từ đó, tôi không bao giờ phải nhắc nhở chúng về chuyện cất chìa khóa thêm một lần nào nữa.

✳ ✳ ✳

MỘT CẬU CON TRAI bộc lộ “tật xấu nhất” của nó với mẹ, và người mẹ đã giúp cậu con ấy thấy được điều tốt nhất của nó.

Paul không phải là học sinh giỏi. Nó “chủ trương” bỏ ít công sức nhất, và với thời gian ngắn nhất, để học hành sao cho đạt mức “qua được”. Một chiều đi học về, Paul bước vào nhà rồi cứ đứng ì ra đó. Tôi nhìn mặt con và cảnh giác hỏi, “Có chuyện gì vậy, Paul?”

“Con vừa đá cho cánh cửa gara một phát.”

Tôi giật mình, “Con cố ý làm vậy hả?”

“Con rớt môn số học rồi!” Paul kêu lên. “Con đã cố gắng! Lần này con đã cố thật mà. Con đã học bài nhưng chả hiểu sao lại rớt.”

Rõ ràng Paul đang rất buồn đến nỗi tôi tự nhủ, rằng đây không phải là lúc để la rầy chuyện nó đá vào cánh cửa. Tôi thấy tội nghiệp nó. Suốt mấy năm nay, vợ chồng tôi lúc nào cũng phải lẽo đẽo theo nhắc nhở con phải sửa tính sửa nết - làm gì cũng phải chú ý là cố gắng hơn nữa - và cuối cùng Paul đã làm theo. Thế nhưng, khi nó thật sự cố gắng hết sức thì kết quả đạt được lại là... thi rớt.

“Mẹ sẽ không cấm con đi chơi chứ, mẹ?” Paul gặng hỏi.

Tôi không biết phải phản ứng làm sao. Chỉ biết rằng, tốt hơn hết, hãy bám vào bất cứ kỹ năng nào để giữ cho hai mẹ con không mất bình tĩnh. Tôi thận trọng hỏi, “Con có mang bài kiểm tra đó về không?”

Paul lục ba lô và thảy tờ giấy lên giường tôi. Ở đầu tờ giấy ghi số 60 thật to. Tôi xem kỹ bài kiểm tra, cố tìm xem có gì sai không. Tôi bảo con, “Paul à, mẹ biết con đang buồn bực lắm, nhưng con giải thích cho mẹ coi. Câu này con làm đúng, nhưng con làm thế nào để ra được đáp số?”

Paul giải thích các bước làm bài toán vừa dài vừa phức tạp cho tôi nghe - đâu như là lấy đa thức chia nhị thức gì đó. Tôi đã cố nhưng chẳng tài nào theo dõi kịp được. Khi nó giảng xong, tôi nói, “Vậy là con hiểu lý thuyết, tuy mẹ chẳng hiểu gì cả, nhưng mẹ chắc chắn con cũng hiểu lý thuyết của năm câu kia, bởi vì con đã làm đúng. Nhưng với bốn câu còn lại thì tại sao con làm sai?”

Paul cúi sát xuống tờ giấy và nói, “Trong hai câu này con đã nhân ở chỗ đáng ra phải chia, còn hai câu này tại con mắc lỗi vớ vẩn là cộng nhầm.”

“Ra là vậy,” tôi từ tốn nói, “con hiểu hết tất cả những cách thức giải toán phức tạp này, nhưng vì phạm bốn lỗi cẩu thả nên con bị mất bốn mươi điểm. Vậy mẹ có thể kết luận rằng con nắm vững những khái niệm toán học cao cấp, nhưng con cần kiểm tra lại quá trình tính toán trước khi nộp bài.”

Lập tức, mắt tôi thấy rõ nét căng thẳng đã biến mất trên gương mặt Paul. Khi nó rời khỏi phòng, tôi thở một hơi thật sâu và cảm thấy như thể chính mình cũng vừa trải qua một bài kiểm tra.

Mười phút sau Paul trở lại. Nó nói, “Đừng lo về cánh cửa gara, mẹ ạ. Con đã lấy búa đóng nhẹ một cái và nó lại đâu vào đấy rồi.” “Cảm ơn con,” tôi bảo.

? Những băn khoăn của giáo viên

1. Lớp tôi có một em nữ rất nổi bật tên là Jessica. Tôi luôn luôn bị giằng xé giữa nỗi thôi thúc phải khen ngợi Jessica với mối lo những học sinh khác sẽ sinh lòng ghen tức và cho rằng cô bé là trò cưng của tôi. Tiến sĩ có ý kiến gì về việc này không?

Bạn hãy tin vào mối lo lắng của mình. Bạn đừng tỏ ra ưu ái Jessica bằng cách liên tục công khai khen ngợi sự nổi bật của em ấy. Sẽ tốt hơn cho Jessica và cho mọi học sinh khác, nếu bạn tìm dịp bày tỏ sự thừa nhận của mình với cả lớp, “Các em làm việc theo nhóm rất tốt! Xem các em hăng hái quét dọn sạch bong kìa, đến nỗi bác bảo vệ trường cứ tưởng là hôm nay chúng ta thực hiện một dự án khoa học nào đấy.”

Khi đặc biệt hài lòng về một việc mà Jessica đã làm, bạn hãy mô tả thật cụ thể, “Cô thấy em đã cộng cả một dãy số dài và tìm ra đáp số đúng. Đó là vì em biết cẩn thận viết các con số thành hàng dọc ngay ngắn.” Đó là lời khen khách quan, những học sinh khác có thể nghe mà chẳng nghĩ ngợi gì và chắc chắn cũng học được cách làm bài từ đó. Tốt nhất, bạn nên bày tỏ cảm xúc của mình đối với Jessica vào lúc riêng tư. Lúc đó, bạn có thể cho Jessica biết bạn tự hào thế nào khi có được một học sinh như cô bé.

2. Có cách nào giúp tôi khen ngợi một cách khách quan một em học sinh giỏi văn nhất lớp, hoặc một em khác đạt điểm cao nhất môn toán trong kỳ thi cuối học kỳ?

Có hai vấn đề nảy sinh khi tập trung khen ngợi một em học sinh nào đó là “nhanh nhất”, “giỏi nhất” hay “thông minh nhất”: Một là, những học sinh còn lại trong lớp có thể nảy sinh tâm trạng chán nản, thậm chí có em còn chẳng thèm cố gắng nữa. Thứ hai, khi đã được khen ngợi như thế, “ngôi sao” buộc phải tung hết năng lượng và sức lực ra, nhưng không phải để đạt tới những mục tiêu của mình, mà để giữ vững vị trí ngôi sao ấy. Giờ đây, thành công nối tiếp của em dựa trên sự thất bại liên tiếp của các bạn còn lại trong lớp. Nếu bạn mô tả thành tích của em học sinh này mà không hề có ý ám chỉ chút nào đến các bạn cùng lớp thì sẽ có ích cho em ấy hơn. Ví dụ bạn nói, “Em miêu tả nông trại của bà nội em sinh động đến nỗi cô tưởng như mình đang được tận mắt ngắm nó vậy,” hoặc “Mọi đáp số trong bài kiểm tra của em đều đúng. Em thật sự hiểu dấu thập phân rồi đó.” Câu tường thuật như thế sẽ giúp học sinh tự đánh giá bằng tiêu chuẩn của chính mình, hơn là nêu nhận xét về nó so với các bạn cùng lớp.

3. Trường tôi vừa rồi có nhấn mạnh đến việc kêu gọi học sinh tự mô tả bản thân là “Em đặc biệt”... “Em đáng mến”... “Em có khả năng”... Giáo viên cũng được khuyến khích trao cho học sinh nhiều ngôi sao vàng và những miếng dán hình mặt cười tươi rói. Tiến sĩ có nghĩ những phương pháp ấy thực sự hữu hiệu để xây dựng lòng tự trọng cho học sinh không?

Lòng tự trọng không phải là thứ mà bạn có thể dán lên người. Những khẩu hiệu và những miếng dán mà bạn nói có lẽ chỉ là sự bám dính nhất thời (trong những khoảnh khắc nhất định), những thứ đó sẽ dễ dàng bong ra khi có bằng chứng là đứa trẻ không thực sự đáng yêu, không tài giỏi hoặc không nổi bật. Trong khi đó, lời mô tả đứa trẻ đang làm gì, hoặc đã làm gì sẽ tồn tại mãi mãi, và chúng có thể nhớ lại vào đúng dịp cần thiết. Chẳng hạn, một học sinh đang lo lắng làm bài thu hoạch về loài cá voi, nếu nó tự nhủ rằng, “Mình đặc biệt,” hoặc ngắm nhìn bộ sưu tập những ngôi sao vàng thì cũng chỉ giúp nó tự tin hơn chút thôi. Nhưng nếu trước đó, trong bài thu hoạch về những loại cây gỗ đỏ của em có lời phê của giáo viên, “Nhiều thông tin thú vị. Qua bài của em, cô biết thêm được rất nhiều loài cây khổng lồ mà trước nay cô chưa hề biết”, thì em học sinh đó sẽ tự nhủ, “Lần đó mình đã làm tốt rồi. Lần này mình cũng sẽ làm tốt như thế cho mà xem.”

4. Tiến sĩ cho rằng giáo viên nên nhanh chóng thừa nhận bất kỳ nỗ lực nào của học sinh nhưng giả sử, có một em hỏi một câu rất ngô nghê thì có ta nên nói ngay rằng em ấy sai rồi và đưa ra câu trả lời đúng không?

Vai trò của những người làm công tác giáo dục chúng ta không phải là cung cấp câu trả lời “đúng”, mà là giúp học sinh tự tìm ra câu trả lời thông qua quá trình chúng tự suy nghĩ . Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi em ấy xem ý nghĩ nào khiến em ấy hỏi câu đó, rồi đặt thêm những câu hỏi khác để dẫn dắt em tới mức độ hiểu biết cao hơn.

Một giáo viên giáo dục trẻ đặc biệt đã kể rằng, có lần khi cô ấy đang đọc cho cả lớp nghe một câu chuyện về người nuôi ong thì Charlene giơ tay lên hỏi, “Ong có phải là chim không ạ?” Cả lớp ngớ người vì câu hỏi đó. Nhiều đứa giơ cả hai tay lên và vẫy vẫy đầy nôn nóng.

Giáo viên bảo, “Chờ cô một chút nhé Charlene, đó là một câu hỏi rất thú vị! Thế cái gì khiến em nghĩ ong là chim nào?”

Rất nghiêm trang, Charlene đáp lời, “Chúng đều có cánh ạ.”

“Còn có gì chung nữa không?”

“Chúng đều bay được.”

“Vậy là em nhận thấy có hai điểm giống nhau. Còn cả lớp, có điểm gì làm cho chim khác ong nào?”

“Chim có lông vũ.”

“Chim lớn hơn.”

“Chim không đốt chúng ta.”

Bỗng mặt Charlene sáng rỡ lên. “Em biết, em biết rồi,” cô bé nói to. “Ong là côn chùng !”

Tất cả những cái đầu đều gật gật!

Trên bảng, giáo viên viết ra kết luận của các em, “Ong là CÔN TRÙNG.”

Chuyện kể của giáo viên

Một giáo viên tiểu học kể rằng học sinh của cô thường có sự phản hồi tốt nhất khi cô diễn đạt những lời khen hay phê bình của mình một cách lạ đời. Đây là trích đoạn lá thư kể về phương pháp dạy học rất sinh động của cô.

Với những em nữ làm xong bài kiểm tra toán chỉ trong chớp nhoáng, tôi nói, “Em lướt qua các bài toán hệt như lũ chuột gặm phô mai vậy.”

Với những học sinh nam viết văn chữ khó đọc, bởi vì các con chữ cứ như dính liền với nhau, tôi nói, “Ôi chao, những con chữ tội nghiệp đang bị dính chặt vào nhau này. Trông chúng thảm thương quá. Nhưng mà, á à, nhìn hai từ này này! Coi bộ chúng hạnh phúc quá ha, có nhiều khoảng trống giữa chúng mà.”

Với đứa trẻ viết thư không ngay hàng thẳng lối, tôi bảo, “Chữ c này trôi bồng bềnh trên không, nhưng chữ c kia ngồi đúng hàng rồi... Ố, còn chữ n lại thọc hết cả chân xuống đất, làm vôi vữa rớt lộp độp xuống nhà hàng xóm.”

Để động viên tất cả học sinh trong giờ tập viết, tôi bảo rằng chúng đang làm giám khảo cho “Cuộc thi vở sạch chữ đẹp”, và nhiệm vụ của chúng là khoanh tròn những chữ viết đẹp nhất trong tập của mình để những chữ đó gánh được chiến thắng. Em nào cảm thấy mình có những hai từ đẹp bằng nhau, thì trường hợp đó hãy tuyên bố cả hai từ “đồng thắng giải”.

✳ ✳ ✳

Một giáo viên lớp năm kể lại việc cô đã dùng lời khen mô tả khi học sinh có hành vi chưa tốt như thế nào.

Cả lớp đang rơi vào tình trạng “Em không muốn, em sẽ không làm đâu.” Bởi lẽ, cả tuần nay bọn trẻ vẫn phải đến trường trong khi thời tiết rất xấu. Khi thầy trò chúng tôi cùng trở về lớp sau giờ ra chơi ở một phòng khác, bọn trẻ vẫn tiếp tục chơi đùa và chạy nhốn nháo cả lên. Bình thường, đây không phải lúc lời khen xuất hiện trong óc tôi, nhưng tôi nhìn khắp lớp và thấy hai chú bé đã ngồi xuống, chờ đợi trong im lặng.

Tôi quay lại và viết tên hai em đó lên bảng, ngay bên dưới đề mục “Giờ tập vẽ”. Xong xuôi, tôi nói với hai học sinh “gương mẫu” ấy, “Hai em ngừng chơi ngay lập tức khi chuông reng giờ đã ngồi tại chỗ để chuẩn bị vào học. Cô cảm thấy rất vui.” Những đứa trẻ khác nhìn tôi, rồi nhìn hai cái tên trên bảng. Thêm vài đứa nhanh chóng bỏ giở trò chơi và hối hả trở về chỗ ngồi. Tôi vừa ghi thêm những cái tên lên bảng, vừa nói “Cảm ơn!” Lại thêm ba em nữa ngồi xuống.

Thật tuyệt vời. Tôi không cần phải lớn tiếng quát tháo hay ra “tối hậu thư”. Bọn trẻ tự thấy chúng cần phải làm gì và đã làm ngay. Đứa nào chậm chân thì bị những đứa khác thì thào nhắc. Và cuối cùng, cả lớp đều yên vị đâu vào đấy.

✳ ✳ ✳

Chuyện kể cuối cùng là của một giáo viên thể dục tại một trường trung học ở thành phố. Thầy đã tìm cách phản hồi tích cực với một học sinh ngổ ngáo mà không hạ thấp danh dự em ấy trước đám bạn cùng trang lứa.

Carlos Hernandez không thích được khen trước đám đông. Nó tự cho mình là đứa ngang tàng, chẳng màng đến chuyện trường học hay giáo viên nghĩ gì. Nó được bọn khác ngưỡng mộ vì thái độ thách thức, bất cần đó. Lần duy nhất Carlos mỉm cười là khi nó bị khiển trách vì hành vi cư xử không hay. Nụ cười lúc đó của nó hàm ý với bọn bạn rằng, “Đã bảo tao sẽ cho bọn họ thấy mà lị.”

Một lần trong giờ thể dục, Albert, một học sinh vốn rất trầm tính đang chật vật thực hành môn bóng rổ. Tụi con trai đứa thì chế nhạo Albert “thảy bóng như con gái”, mấy đứa khác lại ồ lên cười. Carlos nhìn cả bọn và lắc đầu.

Greg, đứa cầm đầu bọn nghịch phá, hỏi Carlos, “Sao? Mày thích nó hả?”

Carlos nheo mắt và chỉ buông mỗi một từ, “Im.”

Cả đám liền im bặt. Không đứa nào dám hó hé thêm lời nào nữa. Từ lúc đó trở đi, chúng chỉ chăm chăm thảy bóng vào rổ.

Đến lúc cả lớp vào phòng thay đồ, tôi gằn giọng gọi với qua sân: “Hernandez, thầy muốn gặp em.” Vài đứa con trai dừng lại ngay cửa phòng thay đồ, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi quay lưng về phía chúng và nhìn Carlos qua tấm bìa hồ sơ của mình. Với vẻ nghiêm nghị và hạ thấp giọng, tôi nói với Carlos, “Hernandez, khi nãy thầy đã thấy em bênh vực cho bạn Albert. Đó là cách cư xử của người mạnh bênh vực bất cứ ai đang bị những kẻ khác giễu cợt. Em làm rất đúng.”

Carlos quay đi, thong thả bước về phía phòng thay đồ. Những đứa đang chờ ở đó nhìn vào mắt Carlos và đoán được điều gì đã xảy ra. Carlos đang mỉm cười.