Nói Sao Cho Trẻ Chịu Học Ở Nhà Và Ở Trường

Chương 8: Vật Bắt Giữ Giấc Mơ

Đó là ngày cuối cùng của năm học. Những chiếc xe buýt màu vàng của ngôi trường thuộc quận 71, chóa nắng cả hai bên thành xe, vừa đỗ lại bên lề đường. Khi giáo viên vừa cho lớp tan, học sinh túa ra khỏi cánh cổng trường mở toang và nháo nhào chạy đến những chiếc xe buýt đã đầy ắp bọn trẻ đang la hét ầm ĩ. Phụ huynh đỗ xe nối tiếp trên con đường dài, háo hức đón chờ bọn trẻ và reo lên khi nhìn thấy chúng.

Lớp tôi là lớp cuối cùng rời khỏi trường. Mặt trời vẫn rực rỡ trên cao, và vỉa hè đang nóng ran. Những đợt nóng tháng Sáu táp vào mặt tôi. Tôi ghét phải nói lời tạm biệt. Cái đám trẻ đã làm tôi phải nhọc xác suốt cả ngày, rồi đến đêm lại ám ảnh tâm trí tôi giờ đã trở nên quá đỗi thân thương. Mỗi cái ôm tạm biệt là một lần tôi cảm nhận rất rõ rằng mình sẽ không còn được dạy dỗ chúng nữa. Cô trò chúng tôi sẽ chẳng còn được gắn bó với nhau như thế nữa.

Tôi đứng vẫy tay cho tới khi em học sinh cuối cùng được cha mẹ đón về. Rồi tôi quay lại, bước vào ngôi trường vắng tanh. Tôi vào lớp mình, ngồi bên bàn của mình, lặng nhìn khắp căn phòng lặng ngắt, trống trải. Không còn em học sinh nào ngồi trước mặt, không có bảng thông báo, thậm chí cũng không có lấy một mẩu giấy nhỏ vương dưới sàn. Thế là nguyên một năm lên kế hoạch, suy nghĩ, lo lắng và dạy dỗ đã trôi qua. Giờ đây, tất cả đã kết thúc. Còn lại gì... ngoài những ký ức?

Có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa. Đó là Roy Schultz.

“Roy hả, em để quên gì à?”

Roy lắc đầu và đứng yên tại chỗ, nét mặt có vẻ là lạ. Thằng bé muốn gì nhỉ? Một lời tạm biệt riêng lần cuối à? Đầu tuần này, mẹ nó đã gọi cho tôi và thổ lộ hết những lo lắng của bà. Rằng bà vừa mất việc ở xưởng cưa; bà và Roy phải chuyển đến Chicago sống với một người chị; bà chẳng biết mình có tìm được việc ở đó hay không; chị của bà sống ở một vùng rất tồi tệ, đầy những băng nhóm đường phố; Roy khiến bà cứ lần lữa mãi, chưa quyết định được có nên đi hay không. Thằng bé không muốn phải làm lại từ đầu ở một ngôi trường mới.

“Vào đây, Roy.”

“Em lỡ xe buýt rồi cô ơi.”

“Ồ, vậy em có muốn quá giang xe cô không?”

“Dạ không... em đi bộ được. Em muốn nói chuyện với cô một chút ạ?”

“Ừ. Vào đây. Ngồi xuống đi em.”

Khi Roy rón rén ngồi vào chỗ trống trước mặt tôi, tôi chợt nín thở. Bên dưới lần áo sơmi, thằng bé đang đeo “vật bắt giữ giấc mơ”. Một cái vòng tròn bằng da có vẽ hình mạng nhện - món quà chia tay tôi đã tặng nó hôm trước. Tôi giải thích, theo truyền thuyết của người Mỹ bản địa, nếu treo vật này trên giường của người đang ngủ, thì nó sẽ bắt giữ hết những giấc mơ xấu và những linh hồn xấu, chỉ để cho những giấc mơ tốt lành đến được với người ấy thôi. Tôi bảo Roy, tôi muốn em đeo nó để biết rằng thầy cô luôn nghĩ về em, cho dù em ở đâu, và em đã nhận nó từ tay tôi với vẻ mặt hết sức trang nghiêm.

Lúc đó tôi biết Roy không hiểu tại sao tôi lại tặng vật ấy cho nó. Vật bắt giữ giấc mơ xấu chính là món quà mà tôi mong sẽ bảo vệ được Roy khi tiễn em lên đường. Roy đã lớn phổng lên nhiều sau một năm - không chỉ về chiều cao và cân nặng. Em đã thôi không chửi bậy nữa, cũng không còn phân biệt chủng tộc; em đã cố gắng bỏ tật nói khoác và thôi không bắt nạt bạn. Trông em chẳng còn gì giống với đứa trẻ ngông nghênh, hằn học bước vào lớp tôi hồi đầu năm, với áo jacket hình đầu lâu có hai khúc xương vắt chéo, trông cứ như sắp xông vào đánh ai đó đến nơi. Giờ Roy là một học sinh được hầu hết các giáo viên yêu quý, xem như một người giám hộ trông coi những đứa “đầu bò” đồng trang lứa, bởi vì Roy có thể khống chế bọn chúng.

Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với thằng bé này đây? Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với tất cả những tiến bộ mà phải khó nhọc lắm nó mới đạt được? Rồi đây nó sẽ cư xử thế nào trong môi trường mới? Liệu nó có ngựa quen đường cũ? Tại sao lại là nó, chứ không phải là bất kỳ đứa trẻ nào khác?

“Em có gì muốn nói với cô vậy, Roy?”

“Em họ của em, sống ở tòa nhà mà em sắp chuyển đến... Nó bảo nếu chuyển tới đó, thể nào em cũng sẽ gia nhập một băng nhóm.”

“Sẽ à?”

“Vâng, để chống lại...”

“Chống lại cái gì?”

“Chống lại những đứa muốn đánh mình.”

“Vậy là em bắt buộc phải gia nhập à?”

“Vâng, nhưng có lẽ em sẽ làm quen với nhiều bạn.”

“Em đã có nhiều bạn trong lớp này rồi.”

“Dạ, đúng ạ.”

“Cô đoán là em đang phải đối đầu với một quyết định khó khăn.”

“Em biết. Nhưng em sẽ không gia nhập băng nhóm nào đâu. Em không muốn giống như trước kia. Em chỉ muốn nói với cô thế thôi.” Rồi nó bắt tay tôi và đi ra.

Tôi sững sờ. Đây là một đứa trẻ mười một tuổi, vừa phải vật lộn với một quyết định, một quyết định có sức hạ gục cả một người đàn ông trưởng thành, và thằng bé đã lựa chọn con đường khó hơn, cao hơn. Ước gì tôi có thể làm nhiều hơn cho nó. Thoáng sau, khi đang thu dọn tất cả đồ đạc để ra về, tôi chợt nhận ra hình như mình đã làm được một điều gì đó cho Roy rồi.

Có lẽ những giá trị mà tôi đã cố khuyến khích trong lớp học này đã thấm vào Roy, và sẽ trở thành một phần trong con người thằng bé. Và có lẽ những giá trị đó sẽ giữ nó tránh xa con đường xấu, sẽ giúp nó tồn tại và biết đấu tranh với những cái xấu.

Có lẽ tinh thần mà tôi cố đưa vào lớp học là “vật bắt giữ giấc mơ” thật sự, và nó đã bảo vệ tất cả học sinh của tôi.

Có lẽ hàng trăm, hàng ngàn giờ học mà chúng tôi trao đổi với nhau đã làm nảy sinh một thứ gì đó để bảo vệ và đọng lại mãi trong lòng các em học sinh - một kinh nghiệm cốt lõi khiến chúng mạnh mẽ hơn, nồng nhiệt hơn, để chúng có thể suy nghĩ, học hỏi và biết yêu thương hơn nữa.

Dù thế nào đi nữa, tôi cũng chỉ muốn nghĩ như vậy.