Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe

Chương 2 - Khuyến Khích Sự Hợp Tác

PHẦN I

CHO ĐẾN LÚC NÀY con bạn đã cung cấp cho bạn hàng núi cơ hội để bạn áp dụng kỹ năng lắng nghe của mình. Trẻ em thường cho chúng ta biết – một cách rõ ràng và lớn tiếng – khi có gì đó làm nó bực bội. Tôi biết, ngay trong chính ngôi nhà của tôi, ngày nào với bọn trẻ cũng đều giống như một buổi trình diễn trong nhà hát. Nào là đồ chơi bị mất, nào là tóc cắt “quá ngắn”, nào là sổ liên lạc với nhà trường, rồi quần jeans mới không vừa cỡ, đánh nhau với anh với chị – bất cứ khủng hoảng nào đều có thể moi nước mắt và cảm xúc cho một vở kịch ba hồi. Chúng tôi không bao giờ thiếu tình tiết.

Chỉ có điều khác biệt duy nhất là ở trong nhà hát, khi tấm màn nhung hạ xuống thì khán giả về nhà, trong khi cha mẹ không có được thứ xa xỉ như thế. Chúng ta vẫn phải đối phó với những trận lôi đình, những cơn đau, những nỗi tuyệt vọng, và vẫn phải duy trì cơn điên của chúng ta.

Chúng ta biết những phương pháp cũ không còn tác dụng nữa. Tất cả những giải thích, những bảo đảm và hứa hẹn đều không làm dịu trẻ mà chỉ khiến chúng ta mệt phờ. Tuy nhiên, những phương pháp mới cũng gây nảy sinh những vấn đề. Mặc dù chúng ta nhận biết được kiểu phản hồi cảm thông với trẻ sẽ có công hiệu xoa dịu như thế nào, nhưng không dễ gì áp dụng. Đối với nhiều người trong chúng ta, ngôn ngữ đó thật mới mẻ và lạ lùng. Nhiều phụ huynh bảo tôi:

“Ban đầu tôi cảm thấy sượng trân – nó không giống như tôi đã quen – như thể tôi phải đóng kịch vậy.”

“Tôi cảm thấy như mình đang lừa dối, nhưng chắc hẳn tôi đã làm điều đúng đắn, bởi vì thằng con trai vốn chẳng bao giờ nói gì nhiều hơn “ừm”, “ờ không” và “Con phải làm à?” bỗng nhiên bắt đầu chịu nói chuyện với tôi.”

“Tôi thấy thoải mái, nhưng bọn trẻ dường như khó chịu. Chúng nhìn tôi với vẻ nghi ngờ.”

“Tôi khám phá ra rằng trước đây mình đã không bao giờ lắng nghe con cái cả. Tôi sẽ chờ cho chúng nói xong để xem mình cần phải làm gì. Lắng nghe thật sự là một việc rất khó. Bạn cần phải tập trung cao độ, nếu không thì bạn sẽ chỉ phát đi tín hiệu phản hồi cẩu thả.”

Một người cha kể lại, “Tôi đã cố thử phương pháp mới mà không tác dụng. Con gái tôi đi học ở trường Chủ Nhật về với vẻ mặt càu cạu. Thay vì hỏi ‘Có gì mà mặt con dài ra vậy’ như thường lệ, tôi lại bảo ‘Amy, coi bộ như con bực mình về chuyện gì đó’. Thế là con bé bật khóc òa lên, chạy vào phòng nó, đóng sầm cửa lại.

Tôi giải thích cho người cha ấy rằng thậm chí cả khi “không có tác dụng” thì nó vẫn “có tác dụng” đấy chứ. Hôm ấy Amy đã nghe được một giọng nói khác – giọng nói mách bảo cô bé rằng có người quan tâm đến cảm xúc của mình. Tôi khuyến khích ông không nên bỏ cuộc. Vào lúc nào đó, khi Amy biết mình có thể tin cậy vào phản hồi công nhận từ cha, cô bé sẽ cảm thấy an toàn nói ra những gì đã làm bé buồn rầu.

Có lẽ phản hồi đáng nhớ nhất mà tôi được nghe là từ một cậu bé tuổi vị thành niên – cậu bé này biết mẹ nó đang tham dự hội thảo của tôi. Cậu đi học về, lầm bầm giận dữ: “Hôm nay họ không có quyền gạt con ra khỏi đội bóng, chỉ vì con không mang đồ thể thao. Con phải ngồi chầu rìa suốt trận đấu. Bất công quá!”

“Việc đó chắc hẳn làm con bực lắm,” bà mẹ nói với cậu bằng vẻ quan tâm.

Cậu bé độp lại, “Còn mẹ, mẹ luôn luôn bênh vực họ!”

Bà ôm lấy vai cậu, “Jimmy, mẹ không nghĩ là con nghe mẹ nói. Mẹ nói rằng chắc là con bực mình lắm.”

Nó chớp mắt, nhìn sững vào mẹ. Rồi nó bảo, “ Ba cũng nên đi học cái khóa đó đi!”

Cho tới bây giờ chúng ta đã tập trung vào việc cha mẹ có thể giúp con cái xử lý những cảm xúc tiêu cực của nó như thế nào. Giờ chúng tôi muốn tập trung đề cập tới những phương pháp giúp cha mẹ xử lý những cảm xúc tiêu cực của chính cha mẹ.

Một trong những cơn giận gắn liền với vai trò làm cha mẹ là cuộc đấu tranh hàng ngày không ngơi nghỉ với lũ con, để chúng cư xử theo cách có thể chấp nhận được đối với chúng ta và đối với xã hội. Đây là một công việc cực nhọc, khổ sai, dễ khiến chúng ta phát điên. Một phần vấn đề nằm ở những xung đột về nhu cầu. Nhu cầu của người lớn là vẻ bề ngoài sạch sẽ, sự ngăn nắp, trật tự, sự nhã nhặn và nề nếp. Trẻ con lại không thể chểnh mảng hơn được nữa. Có bao nhiêu đứa trẻ tự giác mong muốn tắm rửa cho sạch sẽ, muốn nói “Vui lòng”, “Cảm ơn”, hay thậm chí là muốn thay đồ lót? Thậm chí có bao nhiêu đứa chịu mặc đồ lót? Phần lớn niềm say mê của cha mẹ đổ hết vào việc giúp con cái thích nghi với những tiêu chuẩn xã hội. Nhưng về mặt nào đó, chúng ta càng gay gắt chúng càng phản đối kịch liệt!

Tôi biết có nhiều khi lũ con tôi nghĩ về tôi như là “kẻ thù” – kẻ luôn luôn bắt ép chúng làm những điều chúng không muốn làm: “Rửa tay đi... Dùng khăn ăn đàng hoàng... Vặn bớt cái miệng lại... Treo áo khoác lên... Con có làm bài tập chưa?... Con có chắc là mình đánh răng rồi không đó?... Quay lại dội cầu ngay... Mặc đồ ngủ vào... Lên giường... Ngủ đi.”

Tôi cũng là người chuyên ngăn chặn con cái làm những việc chúng đang muốn làm: “Đừng có bốc tay mà ăn... Đừng có đá bàn... Đừng có vứt rác bừa bãi... Đừng có nhảy lên ghế sofa... Đừng có kéo đuôi mèo... Đừng có nhét hạt đậu vào lỗ mũi!”

Thái độ của trẻ trở nên “Con sẽ làm điều con muốn”, thì thái độ của tôi là “Con phải làm điều mẹ bảo”, và thế là trận chiến nổ ra. Rồi đến lúc trận chiến lên tới điểm mà mỗi lần bắt buộc đứa nào đó làm việc gì, dù đơn giản nhất, ruột gan tôi cũng phải lộn nhào lên.

Bây giờ, bạn hãy dành ra vài phút suy gẫm về những gì bạn cương quyết bắt con bạn làm, hoặc đừng làm, vào một ngày điển hình. Sau đó hãy lập thành danh sách những việc không làm và làm trong khoảng trống bên dưới.

TRONG MỘT NGÀY ĐIỂN HÌNH, TÔI CỐ XOAY XỞ ĐỂ BẮT BUỘC ĐÁM CON TÔI (HOẶC CON TÔI) PHẢI LÀM NHỮNG VIỆC SAU:

BUỔI SÁNG
------------------------------
BUỔI CHIỀU
------------------------------
BUỔI TỐI
------------------------------

TÔI CŨNG BẢO ĐẢM ĐÁM CON TÔI (HOẶC CON TÔI) KHÔNG ĐƯỢC LÀM NHỮNG VIỆC SAU:

BUỔI SÁNG
-----------------------------
BUỔI CHIỀU
------------------------------
BUỔI TỐI
------------------------------

Cho dù danh sách bạn lập ra đó dài hay ngắn, cho dù nỗi mong chờ của bạn là thực tế hay phi thực tế, mỗi việc trong danh sách đó đều đại diện cho thời gian, năng lượng mối quan tâm của bạn, cũng như bao hàm tất cả những thành tố cần thiết cho một trận chiến của ý chí.

Có giải pháp nào không?

Đầu tiên chúng ta hãy xem xét một số phương pháp phổ biến nhất, hay được người lớn chúng ta sử dụng nhất để bắt trẻ hợp tác. Trong khi bạn đọc những ví dụ mô tả mỗi phương pháp, hãy hồi tưởng lại thời gian bạn là đứa trẻ đang lắng nghe cha mẹ mình nói. Bạn không cần phải tập trung vào những lời cha mẹ bạn đang nói gì, mà hãy chú ý xem những lời nói đó khiến bạn cảm thấy gì? Khi bạn có câu trả lời rồi, hãy viết nó ra. (Một cách khác để làm bài tập này là rủ một người bạn đọc to mỗi ví dụ ra cho bạn, trong khi bạn nghe với đôi mắt nhắm lại).

I. Đổ lỗi và buộc tội

“Tay con dơ hầy rồi ịn dấu bẩn hết cả lên cánh cửa! Tại sao con luôn làm vậy?... Con có mắc chứng gì không vậy? Bộ con không bao giờ làm được cái gì đúng đắn hay sao?... Đã bao nhiêu lần mẹ nhắc con là phải dùng nắm đấm cửa rồi? Vấn đề của con là không bao giờ chịu lắng nghe cả.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

II. Mắng nhiếc, xỉ vả

“Bữa nay trời lạnh dưới 0 độ mà con mặc có mỗi cái áo jacket mỏng đó! Sao mà con ngu dại thế không biết? Trời ơi là trời, sao mà ngu hết chỗ nói.”

“Này, đưa đây bố sửa xe đạp cho. Mày thừa biết mày dốt về máy móc như thế nào.”

“Nhìn kiểu ăn uống của con kìa. Gớm quá!”

“Chỉ có kẻ cầu bơ cầu bất mới để phòng bẩn thỉu phát kinh thế này. Con sống như con vật vậy.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

III. Đe dọa

“Con mà đụng tay vào bóng đèn lần nữa là ăn đòn ngay.”

"Nếu mày không nhổ miếng chewing gum ra ngay lập tức, tao sẽ gang mồm mày mà móc nó ra.”

“Nếu con không mặc đồ nhanh nhanh lên cho tới khi mẹ đếm tới 3 thì mẹ sẽ đi và để con ở nhà!”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

IV.Ra lệnh

“Mẹ muốn con lau chùi phòng con ngay lập tức.”

“Giúp mẹ khiêng cái giỏ này coi. Nhanh lên!”

“Con vẫn chưa đổ rác à? Làm ngay đi!... Con còn đợi gì nữa? Đi ngay!”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

V. Thuyết giảng đạo đức

“Con có nghĩ giật sách mẹ đang đọc là điều tốt nên làm không? Mẹ thấy con không nhận ra việc cư xử tốt là quan trọng đến như thế nào. Điều con cần phải hiểu là, nếu con muốn người ta cư xử đàng hoàng với con thì con phải lịch sự với họ trước đã. Con không muốn ai giật sách con đang đọc chứ gì? Thế thì con không nên giật sách của ai hết. Chúng ta nhận lại những gì mình làm cho người khác.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

VI. Cảnh cáo

“Coi chừng! Bỏng bây giờ!”

“Cẩn thận, coi chừng xe đụng!”

“Đừng có leo lên đó! Con muốn té nhào à?”

“Mặc áo lạnh vào không thì cảm lạnh bây giờ.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

VII. Tuyên bố của kẻ tuẫn đạo

“Mày có thôi thét ầm lên không! Mày định làm gì tao đấy hả... muốn làm cho tao phát ốm lên à... hay là muốn tao lên cơn đau tim?”

“Cứ chờ đến khi mày có con cái của mày đi. Rồi mày sẽ nếm đau khổ là gì.”

“Mày có thấy những mảng tóc bạc này không? Đó là vì mày đấy. Mày đang đẩy tao xuống mồ cho mau.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

VIII. So sánh

“Tại sao con không thể giống được như anh của con? Anh con luôn luôn làm bài tập về nhà xong sớm.”

“Lisa ngồi ở bàn ăn cư xử rất ngoan. Có bao giờ con bắt gặp nó ăn bốc đâu.”

“Tại sao con không ăn mặc giống như Gary? Trông nó lúc nào cũng tóc tai gọn gàng, áo sơmi bỏ trong quần. Nhìn là mát con mắt.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

IX. Mỉa mai

“Con biết ngày mai con có bài kiểm tra, thế mà con lại bỏ quên sách ở trường? Ố, thông minh quá nhỉ! Thế mới là thiên tài chứ!”

“Trời ơi mặc quá choáng – chấm bi đi với sọc ca-rô? Chà chà, hôm nay bảo đảm con sẽ tha hồ nhận được lời tán dương cho coi.”

“Cái này mà là bài làm ngày mai con sẽ mang tới trường nộp à? Có lẽ cô giáo của con biết đọc tiếng Tàu. Chứ mẹ thì không thể.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

X. Tiên đoán

“Con đã nói dối với mẹ về sổ điểm của con à? Con có biết con sẽ trở thành loại người gì khi con lớn lên không? Con sẽ trở thành một kẻ mà không ai tin cậy hết.”

“Thôi đừng có ích kỷ như thế nữa. Con thấy đấy, không ai muốn chơi với con cả. Rồi đây con sẽ không có bạn bè gì hết.”

“Con chỉ biết có mỗi phàn nàn và phàn nàn thôi. Con không bao giờ cố thử một lần tự xử lý lấy hay sao. Rồi con coi, mười năm sau con vẫn sẽ sa lầy trong vấn đề này và vẫn than van kêu ca như vậy.”

Hồi còn là một đứa trẻ, tôi cảm thấy ………………………………………………..

Do bây giờ bạn đã biết “đứa trẻ” trong bạn có thể sẽ phản ứng với những cách nói của cha mẹ ở trên như thế nào, bạn có thể chú tâm để tìm hiểu xem những người khác, những người cũng thử làm bài tập này, sẽ phản ứng ra sao. Xem ra những đứa trẻ hoàn toàn khác nhau lại phản ứng giống nhau với những lời nói đó. Sau đây là những phản ứng mẫu từ một nhóm dự hội thảo đối với kiểu nói:

Đổ lỗi và buộc tội. “Cánh cửa quan trọng hơn con...” “Con sẽ nói dối và bảo với mẹ là không phải con làm”... “Mình là một đứa tệ hại”... “Mình đang rúm ró cả người lại đây.”... “Mình muốn cãi lại.”... “Mẹ bảo mình không bao giờ lắng nghe thì mình sẽ không lắng nghe nữa.”

Mắng nhiếc, xỉ vả. “Mẹ nói đúng. Mình là đứa ngu si và mù máy móc.”... “Tại sao không thử?”.... “Mình sẽ đúng như lời mẹ nói. Lần tới mình sẽ không mặc jacket luôn.”... “Mình ghét mẹ”... “Hừ, trời ơi, lại mẹ sắp xuất hiện nữa kìa!”

Đe dọa. “Mình sẽ sờ vào bóng đèn khi mẹ không trông thấy.”... “Mình muốn khóc thét lên.”... “Mình sợ”... “Để mặc cho con yên.”

Ra lệnh. “Ba luôn khống chế mình”... “Mình sợ hết hồn.”... “Mình không muốn động tay chân tí nào”... “Mình ghét ba, ghét cay ghét đắng”... “Bất kể làm cái gì mình cũng đều gặp rắc rối cả”... “Làm sao mình chuyển được ra khỏi cái nhà tồi tệ này đây?”

Thuyết giảng đạo đức. “Ái chà, chà, chà... ai mà lắng nghe hở trời?”... “Mình điếc đặc rồi.”... “Mình chẳng đáng giá gì sất.”... “Mình muốn đi lánh nạn.”... “Chán, chán, ôi chán quá.”

Cảnh cáo. “Thế giới này đáng sợ và nguy hiểm quá”... “Làm sao mình có thể tự xoay xở được đây? Bất kể làm cái gì mình cũng đều gặp rắc rối cả.”

Tuyên bố của kẻ tuẫn đạo. M ình thấy tội lỗi”... “Mình sợ quá. Đó là lỗi tại mình nên mẹ mới bị bịnh”... “Ai thèm quan tâm cơ chứ?”

So sánh. “Ai mẹ cũng yêu hơn mình”... “Tao ghét Lisa”... “Mình cảm thấy thất bại”... “Mình ghét luôn cả Gary”.

Mỉa mai. “Con không thích bị châm chích làm trò cười. Mẹ kỳ cục”... “Mình bị xỉ nhục. Mình quê độ quá chừng”... “Việc gì phải cố!”... “Mình cứ quay lưng lại là xong”... “Mình có làm gì cũng chẳng thắng được”... “Mình đang sôi máu vì tức giận đây”.

Tiên đoán. “Mẹ nói đúng. Mình đời nào mà đạt được điều gì”... “Mình quá tệ đến nỗi không đáng tin; để xem, mình sẽ chứng minh là ba sai rồi”... “Vô ích thôi”... “Mình bỏ cuộc”... “Mình tuyệt vọng”.

Nếu người lớn chúng ta trải qua những cảm xúc như tạm được liệt kê ở trên khi đọc những lời lẽ trong trang này, vậy thì đứa trẻ thật sự sẽ cảm thấy như thế nào?

Có giải pháp nào thay thế không? Có cách nào khuyến khích trẻ hợp tác mà không xâm phạm đến lòng tự trọng của chúng, hoặc không để chúng phải tự chịu khối cảm xúc tiêu cực?” Có những phương pháp nào dễ hơn cho phụ huynh, và ít gây thiệt hại hơn cho họ?

Chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn 5 kỹ năng khuyến khích tinh thần hợp tác của trẻ, những kỹ năng này đã hữu hiệu cho chúng tôi và cho những phụ huynh tham dự hội thảo của chúng tôi. Không phải phương pháp nào cũng đều công hiệu với mọi đứa trẻ. Không phải kỹ năng nào cũng đều thích hợp với cá tính của bạn. Và không phải tất cả đều hiệu quả trong mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên năm phương pháp này có thể tạo ra bầu không khí tôn trọng, tạo điều kiện cho tinh thần hợp tác bắt đầu nảy nở.

Để khuyến khích tinh thần hợp tác

1. Mô tả. Mô tả bạn thấy gì, hoặc mô tả vấn đề.

2. Cung cấp thông tin.

3. Nói câu ngắn gọn.

4. Nói về những cảm xúc của bạn.

5. Viết mẩu thư nhắn.

Vậy là bạn đã nắm được 5 kỹ năng khuyến khích trẻ hợp tác mà không để lại dư âm của những cảm xúc xấu.

Nếu lúc này con bạn đang ở trường hoặc đang ngủ, hoặc nhờ một phép màu nào đó, đang im lặng chơi, thì đây là thời cơ cho bạn luyện tập. Bạn có thể trau dồi những kỹ năng này với đứa trẻ tưởng tượng nào đó trước khi bạn áp dụng cho con bạn.

Bài tập I . Bạn bước vào phòng ngủ của bạn và thấy thằng con vừa tắm xong quẳng cái khăn tắm ướt rượt lên giường bạn.

A. Viết ra một câu nói điển hình mà có thể chẳng có ích lợi hay tác dụng gì đối với đứa trẻ đó.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

B. Trong cùng tình huống kể trên, hãy chứng tỏ từng kỹ năng được liệt kê dưới đây có thể được sử dụng để khuyến khích sự hợp tác của con bạn như thế nào.

1. Mô tả.

(mô tả bạn thấy gì, hoặc mô tả vấn đề).

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

2. Cung cấp thông tin.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

3. Nói câu ngắn gọn.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

4. Nói về những cảm xúc của bạn.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

5. Viết mẩu thư nhắn

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

“Vậy là bạn vừa ứng dụng năm kỹ năng khác nhau vào trong cùng một tình huống.

Ở những tình huống tiếp theo, hãy chọn một kỹ năng mà bạn nghĩ là hữu hiệu nhất, phù hợp nhất với con của bạn.

Bài tập II . Tình huống A: Bạn đang gói ghém hành lý và không làm sao tìm được cái kéo. Con của bạn tuy đã có kéo của riêng nó nhưng vẫn hay mượn kéo của bạn và không bao giờ trả lại.

Câu nói không có tác dụng đối với trẻ.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Phản hồi theo kỹ năng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Kỹ năng được sử dụng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Tình huống B: Con bạn có tật hay quẳng giày ở cửa nhà bếp.

Câu nói không có tác dụng đối với trẻ.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Phản hồi theo kỹ năng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Kỹ năng được sử dụng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Tình huống C: Con bạn hay treo áo mưa ướt trong tủ âm tường.

Câu nói không có tác dụng đối với trẻ.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Phản hồi theo kỹ năng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Kỹ năng được sử dụng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Tình huống D: Bạn nhận ra dạo này con bạn không đánh răng thường xuyên.

Câu nói không có tác dụng đối với trẻ.

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Phản hồi theo kỹ năng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Kỹ năng được sử dụng:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

Tôi nhớ kinh nghiệm của chính mình khi lần đầu tiên tôi áp dụng những kỹ năng này. Tôi hăng hái muốn đem phương pháp mới này vào áp dụng trong gia đình mình đến nỗi, vừa đi hội thảo về tôi bị vấp phải đôi giày trượt patin của con gái để ở hành lang té nhào, tôi đã ngọt ngào bảo cô bé: “Giày patin phải để trong tủ âm tường”. Tôi nghĩ mình thật tuyệt vời. Nhưng khi con bé ngước lên nhìn tôi ngơ ngáo rồi tiếp tục đọc quyển sách đang đọc dở, tôi liền nọc nó ra đánh cho một trận.

Kể từ đó tôi rút ra hai điều:

1 . Điều quan trọng là phải thành thực. Cố tỏ ra kiên nhẫn trong khi tôi đang nổi tam bành chỉ tổ có tác dụng chống lại tôi. Điều đó không chỉ vì tôi thất bại trong việc thông tin liên lạc một cách trung thực; mà còn bởi vì tôi đã “cố tỏ ra hiền từ”, để rồi sau đó tôi lại quay ra trút giận lên đầu con mình. Chắc hẳn sẽ hiệu nghiệm hơn nếu tôi quát rống lên “Giày patin phải để trong tủ âm tường!”. Như thế chắc hẳn con gái tôi đã nhúc nhích đứng lên và đem cất giày đi.

2. Tôi không thực hiện “hanh thông” được trong lần đầu tiên, không có nghĩa là tôi nên trở về cách cũ . Tôi có hơn một kỹ năng để tùy ý sử dụng. Tôi có thể dùng kết hợp chúng với nhau, và nếu cần thiết, tôi có thể sử dụng chúng với cường độ cao. Ví dụ, trong trường hợp cái khăn ướt. Ban đầu tôi có thể bình tĩnh chỉ ra cho con gái tôi biết “Cái khăn làm ga trải giường của mẹ ướt kìa.”

Hoặc tôi có thể kết hợp thêm với câu “Khăn ướt phải để ở trong nhà tắm”.

Nếu con bé chưa ra khỏi giấc mơ mộng của nó, thì tôi thật sự muốn xuyên qua ý nghĩ của nó bằng cách nói tăng âm lượng lên: “Jill, cái khăn!”

Giả sử nó vẫn chưa nhúc nhích và cơn điên của tôi bắt đầu bùng lên. Tôi vẫn có thể hét to hơn: “JILL, MẸ KHÔNG MUỐN NGỦ TRÊN GIƯỜNG ƯỚT LẠNH SUỐT ĐÊM!”.

Có thể tôi muốn giữ giọng của mình. Cho nên tôi sẽ viết một mẩu thư nhắn trên quyển vở để sẵn của con bé: “Khăn ướt trên giường mẹ khiến mẹ bừng bừng nổi xung thiên!”

Tôi thậm chí còn có thể tưởng tượng mình nổi điên khùng đến mức bảo nó: “Mẹ không thích bị quăng cục lơ. Mẹ sẽ bỏ cái khăn ướt ra khỏi giường mẹ và rồi thì con sẽ có một bà mẹ điên tiết!”

Có nhiều cách để làm cho thông điệp khớp với tâm trạng của bạn.

Bạn cũng có thể áp dụng những kỹ năng này vào thực tế nhà bạn. Khi đó, hãy dành chút thời gian nhìn vào danh sách những việc hàng ngày bạn bắt con bạn “làm và đừng làm” ở trang trước. Có thể bạn và con bạn sẽ dễ thực hiện một số “Việc phải làm” trong danh sách đó hơn bằng cách dùng kỹ năng mà bạn áp dụng lúc này? Có lẽ những kỹ năng ở chương I, về làm như thế nào để công nhận những cảm xúc tiêu cực của trẻ, cũng có thể giúp bạn làm dịu tình hình.

Hãy suy nghĩ và viết ra những kỹ năng bạn nghĩ là tuần này bạn sẽ thử áp dụng.

VẤN ĐỀ KỸ NĂNG TÔI CÓ THỂ SẼ SỬ DỤNG

………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………….

Một số bạn có thể nghĩ “Nhưng giả sử con tôi vẫn không phản hồi, thì thế nào?” Trong chương tới chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những kỹ năng bậc cao hơn nhằm khuyến khích sự hợp tác ở trẻ. Chúng ta sẽ đề cập tới kỹ năng giải quyết vấn đề và những giải pháp thay thế cho trừng phạt. Bài tập tuần tới cho bạn sẽ giúp bạn củng cố những gì bạn tập luyện vào hôm nay. Đồng thời tôi hy vọng ý kiến trong chương này sẽ làm cho những ngày kế tiếp sẽ dễ thở hơn đối với bạn.

BÀI TẬP

I. Một câu nói vô bổ mà tôi đã không nói ra

trong tuần này:

(Đôi khi những gì chúng ta không nói sẽ có ích không kém những điều chúng ta đã nói).

Tình huống: ……………………………………………

Tôi đã không nói: ………………………………………

II. Hai kỷ năng mới tôi đã áp dụng trong tuần này:

Tình huống 1: …………………………………………

Kỹ năng đã sử dụng: …………………………………

Phản ứng của con tôi: Phản ứng của tôi:

Tình huống 2: ……………………………………

Kỹ năng đã sử dụng: ………………………………

Phản ứng của con tôi: ………………………………

Phản ứng của tôi: ……………………………………

III. Một mẩu thư nhắn tôi đã viết:……………………………

IV.Đọc phần II về khuyến khích trẻ hợp tác

Ghi nhớ

Khuyến khích trẻ hợp tác

1. MÔ TẢ. MÔ TẢ BẠN THẤY GÌ, HOẶC MÔ TẢ VẤN ĐỀ.

“Có một cái khăn ướt trên giường.”

2. CUNG CẤP THÔNG TIN.

“Cái khăn đó đang làm cho ga trải giường của mẹ bị ướt.”

3. NÓI CÂU NGẮN GỌN.

“Cái khăn!”

4. NÓI VỀ NHỮNG CẢM XÚC CỦA BẠN.

“Mẹ không thích ngủ giường ướt!”

5. VIẾT MẨU THƯ NHẮN.

(Máng trên giá treo khăn)

Làm ơn để tôi lại đây cho khô.

Xin cảm ơn!

Cái khăn của bạn

 

PHẦN II.

NHỮNG NHẬN XÉT, BĂN KHOĂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ CỦA PHỤ HUYNH

? Những băn khoăn của phụ huynh

1. Phải chăng đối với trẻ em thì “nói như thế nào” cũng quan trọng không kém “nói cái gì”?

Tất nhiên rồi. Thái độ nằm đằng sau lời nói của bạn cũng quan trọng không kém những lời bạn nói. Thái độ được trẻ tiếp nhận là thái độ chuyển tải thông điệp rằng “Con là người đáng yêu và có khả năng. Ngay lúc này đang có một vấn đề cần quan tâm. Một khi con nhận ra nó thì chắc chắn con sẽ phản hồi một cách có trách nhiệm”.

Thái độ đánh gục đứa trẻ là thái độ chuyển tải thông điệp rằng: “Con là đứa hay cáu gắt và vô lý. Con luôn làm điều sai trái, và sự việc gần đây nhất là một bằng chứng nữa chứng tỏ sự sai trái của con.”

2. Nếu thái độ quan trọng như vậy thì tại sao phải mất công để ý tới lời nói?

Cái nguýt lườm ghê tởm hoặc giọng nói tỏ vẻ miệt thị coi thường của cha mẹ có thể làm tổn thương trẻ sâu sắc. Nhưng thêm vào đó mà trẻ còn phải chịu những lời nói như “Ngu”... “Cẩu thả”... “Vô trách nhiệm”... “Con sẽ không bao giờ học được” có thể làm trẻ bị tổn thương gấp đôi. Về phương diện nào đó, lời nói có khả năng đọng lại dai dẳng và nhiễm độc ngấm ngầm. Tác hại nhất là về sau này có lúc trẻ đem những lời nói xấu tệ ra và sử dụng chúng như vũ khí chống lại chính nó.

3. Có gì sai trái khi ta nói “vui lòng” (hoặc “làm ơn") với trẻ nếu ta muốn trẻ làm cái gì đó?

Tất nhiên những lời thỉnh cầu nho nhỏ kiểu như “Vui lòng chuyền cho mẹ hũ muối” hoặc “Vui lòng giữ cửa giùm mẹ” thì từ “vui lòng” (please) là phép lịch sự thông thường, một lời nói nhã nhặn tương phản với kiểu thô lỗ “đưa hũ muối đây” hoặc “giữ cửa coi”.

Phụ huynh nói “vui lòng” với con cái nhằm để lập khuôn mẫu cho con về một nghi thức xã hội chuẩn mực, được dùng khi muốn đưa ra thỉnh cầu nho nhỏ.

Nhưng “vui lòng” thích hợp nhất với những khoảnh khắc thư giãn, vui vẻ của chúng ta.

Còn khi chúng ta đang bực mình, thì lời nói nhỏ nhẹ “vui lòng” có thể dẫn đến rắc rối. Hãy xem mẩu đối thoại sau đây:

MẸ: ( cố tỏ vẻ tử tế) Làm ơn đừng nhảy trên ghế sofa nữa.

CON: ( Vẫn nhảy tưng tưng )

MẸ: ( La lớn hơn ) Làm ơn đừng nhảy nữa!

CON: ( lại nhảy tiếp ).

MẸ: ( bất thần tát mạnh cho đứa trẻ một cái) Tao đã nói là “làm ơn” rồi mà.

Chuyện gì xảy ra ở đây? Tại sao người mẹ chuyển từ chỗ lịch sự sang bạo lực trong vòng vài giây? Vấn đề cốt lõi đó là: một khi ta mở lòng rộng lượng nhưng lại bị phớt lờ thì ta rất dễ nổi nóng ngay tức thì sau đó. Bạn có khuynh hướng nghĩ: “Sao mày lại dám coi thường tao sau khi tao đã tử tế ngọt ngào với mày như vậy? Để tao cho mày biết tay! Bốp!”

Khi bạn muốn cái gì đó phải được làm ngay lập tức, thì sẽ hiệu quả khi bạn nói điều đó một cách mạnh mẽ, dứt khoát hơn là nài nỉ. Giọng nói đanh thép “Ghế sofa không phải để nhảy trên đó!” chắc hẳn không sớm thì muộn sẽ chấm dứt hành vi nhảy nhót kia. (Nếu đứa trẻ còn ngoan cố, nó cũng luôn bị bứng đi nhanh chóng bằng lời lặp lại “Ghế sofa không phải để nhảy trên đó!”

4. Có cách nào để giải thích cho việc đôi khi đám con tôi chịu nghe lời khi tôi yêu cầu chúng làm gì, nhưng đôi khi tôi không làm sao bắt chúng nghe lời cho được?

Có lần chúng tôi hỏi một nhóm trẻ học phổ thông tại sao chúng không lắng nghe lời cha mẹ chúng. Thì đây là những gì chúng trả lời:

“Khi đi học về cháu mệt bã cả người, khi đó nếu mà mẹ cháu bảo cháu làm gì đó thì cháu giả bộ như không nghe thấy.”

“Đôi khi cháu đang mải chơi hoặc đang mải xem tivi nên cháu thật sự không nghe thấy.”

“Có lúc cháu đang phát khùng vì những việc xảy ra ở trường cho nên cháu không thiết làm những gì mẹ sai bảo.”

Ngoài những suy nghĩ trên của trẻ, có một số câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình khi bạn cảm thấy “không thể chịu đựng nổi đứa con lì lợm” như sau:

Liệu yêu cầu của mình có hợp với lứa tuổi và khả năng của con không? (Tôi có nên trông chờ một đứa trẻ 8 tuổi phải có tác phong đúng đắn nơi bàn ăn?)

Con nó có cảm thấy yêu cầu của mình là vô lý? (“Tại sao mẹ cháu bắt cháu phải rửa đằng sau vành tai? Có ai nhìn vào đó đâu.”)

Mình có thể cho con một sự lựa chọn về thời gian khi nào làm , hơn là nhất quyết bắt nó phải làm “ngay lập tức”. (“Con muốn đi tắm trước hay là sau khi xem tivi xong?”)

Mình có thể đề xuất một sự lựa chọn về việc làm gì đó theo cách nào? (“Con muốn đi tắm với búp bê hay là với cái thuyền của con?”)

Có cần phải thay đổi vật chất gì đó trong nhà để mời gọi sự hợp tác của con cái? (Đóng thêm vài cái móc nữa bên dưới tủ âm tường để chúng khỏi phải tranh giành nhau chỗ treo đồ? Có cần làm thêm mấy cái kệ trong phòng trẻ để đỡ đần việc lau dọn?)

Cuối cùng, có nên lúc nào ở bên con là đều yêu cầu con “phải làm gì đó?” Hay là mình nên dành chút thời gian ở bên con chỉ để “mẹ con bên nhau vui vẻ?”

5. Tôi phải thú nhận là trong quá khứ tôi đã nói với con gái tôi tất cả mọi điều mà tiến sĩ khuyên là không nên nói. Bây giờ tôi đang cố thay đổi và con bé khiến tôi phải lâm vào cảnh vất vả. Tôi có thể làm gì bây giờ?

Trẻ em đã từng hay bị chỉ trích nặng nề thường rất nhạy cảm. Dù chỉ một lời nhẹ nhàng “Bữa trưa của con” dường như cũng khiến nó coi như bản cáo trạng về “tính hay quên” của nó. Đứa trẻ như thế có nhu cầu cần được lờ đi, không bị quan tâm nhiều quá, nó cũng cần được ủng hộ nhiều trước khi nó bắt đầu có thể lắng nghe những lời bóng gió nhẹ nhất về sự bất đồng. Trong những chương sau của quyển sách này bạn sẽ tìm thấy những phương pháp giúp con bạn tự nhìn nhận nó một cách tích cực hơn. Đồng thời sẽ có giai đoạn chuyển tiếp mà đứa trẻ này có thể phản ứng một cách hoài nghi và thậm chí thù địch với phương pháp mới của cha mẹ nó.

Nhưng đừng để thái độ tiêu cực của con gái bạn làm bạn nản lòng. Tất cả những kỹ năng bạn đọc thấy trong quyển sách này đều là những cách thức bày tỏ sự tôn trọng người khác. Rốt cuộc thì hầu hết mọi người đều phản hồi theo cách đó.

6. Óc khôi hài có tác dụng nhất với con trai tôi. Nó rất khoái chí mỗi khi tôi bảo nó làm gì bằng kiểu tức cười, cường điệu. Như vậy có đúng không?

Nếu bạn chạm được tới cái đầu con bạn thông qua óc khôi hài của nó thì bạn càng có thêm uy lực! Không gì bằng một chút tiếu lâm để kích thích trẻ phấn khởi hành động, và để nâng cao bầu không khí tươi vui trong gia đình. Vấn đề đối với nhiều phụ huynh là bản tính hài hước của họ đã bị xì hơi do những bực bội hàng ngày khi sống với con trẻ.

Một người cha kể rằng ông có một cách bất di bất dịch để đưa tinh thần kịch tính vào nhiệm vụ phía trước là sử dụng giọng nói khác hoặc phương ngữ khác. Các con của ông thích nhất khi ông giả giọng làm rô-bốt: “Đây-là-RC3C. Người-kế-tiếp-lấy-nước-đá-ra-thì-phải-đổ-đầy-lại-kẻo-không-thì-ta-sẽ-ngoạm-kẻ-ấy-đem-đi-ra-ngoài-vũ-trụ. Vui-lòng-hành-xử-đúng-đắn.”

7. Thỉnh thoảng tôi thấy mình cứ lặp đi lặp lại những thói tật của mình. Mặc dù có áp dụng những kỹ năng mới nhưng tôi vẫn cảm thấy như mình đang đay nghiến, chì chiết con. Có cách gì để tránh điều này?

Thường thì những khi con cái hành xử theo kiểu như thể nó không thèm nghe lời chúng ta thì hay khiến chúng ta lặp lại thói tật của mình. Khi bạn bắt buộc trẻ làm gì đó đến lần thứ hai hoặc lần thứ ba, hãy tự mình dừng lại, thay vào đó hãy tìm hiểu xem con bạn có đang lắng nghe bạn hay không . Ví dụ:

MẸ: Billy, 5 phút nữa mẹ đi làm đó.

BILLY: ( Không trả lời và vẫn tiếp tục đọc truyện tranh ).

MẸ: Con có nhắc lại được mẹ vừa nói

gì không?

BILLY: Mẹ bảo 5 phút nữa mẹ đi làm.

MẸ: Được rồi, vậy là giờ mẹ thấy là con đã nghe rõ, mẹ sẽ không nhắc lại nữa.

8. Vấn đề của tôi là khi tôi yêu cầu giúp đỡ, con trai tôi thường nói “Được rồi ba, để lát đi” và rồi nó không bao giờ nhớ mà làm. Tôi phải làm gì đây?

Đây là một số ví dụ cho thấy một ông bố đã giải quyết vấn đề này như thế nào:

CHA: Steven, đã hai tuần rồi kể từ khi bãi cỏ được xén. Ba muốn nó được xén trong hôm nay.

CON: Được rồi ba, để lát đi.

CHA: Ba sẽ an tâm hơn nếu ba biết khi nào con lập kế hoạch xén cỏ?

CON: Ngay sau khi chương trình này xong.

CHA: Đó là khi nào?

CON: Chừng một giờ nữa?

CHA: Tốt. Giờ ba biết ba có thể tin cậy vào bãi cỏ sẽ được xén kể từ bây giờ. Cảm ơn con, Steve.

Những nhận xét, lưu ý, giai thoại về mỗi kỹ năng

I. Mô tả. Mô tả bạn thấy gì, hoặc mô tả vấn đề.

Điểm tốt nhất của việc dùng ngôn ngữ mô tả là nó gạt bỏ đi khía cạnh chỉ tay ra lệnh hay buộc tội, và giúp tất cả mọi người tập trung vào những gì cần được làm.

“Sữa đổ. Chúng ta cần miếng bọt biển để thấm.”

“Cái hũ bể. Chúng ta cần một cây chổi.”

“Áo ngủ này rách rồi. Chúng ta cần kim và chỉ.”

Bạn có thể muốn thử dùng những câu khẳng định ở trên, chỉ có điều lần này hãy bắt đầu mỗi câu bằng “con”. Ví dụ, “Con làm đổ sữa... Con làm bể hũ... Con làm rách áo ngủ...” Hãy chú ý sự khác biệt? Nhiều người cho rằng từ “con” khiến trẻ cảm thấy bị buộc tội và rồi đâm ra co vòi tự vệ. Khi chúng ta mô tả sự việc (Thay vì nói về việc “con đã làm cái gì”), dường như chúng ta làm cho trẻ dễ lắng nghe vấn đề và tìm cách giải quyết vấn đề hơn.

* * *

Tôi điên tiết khi hai thằng con tôi ngồi vào bàn ăn mà người ngợm đầy nước màu xanh lá cây, nhưng tôi quyết định không nổi nóng, la thét chúng. Tôi nhẩm những kỹ năng mà tôi đã dán trên cửa phòng chứa thực phẩm và dùng kỹ năng đầu tiên – mô tả những gì bạn thấy. Sau đây là những gì xảy ra sau đó:

TÔI: Mẹ thấy cánh tay và mặt mũi của hai tụi con đầy màu xanh lá cây!

Chúng nó nhìn nhau, và chạy vào phòng tắm để rửa tay.

Vài phút sau tôi bước vào nhà tắm và suýt nữa thì la toáng lên lần nữa. Mấy viên gạch men dính màu xanh lè xanh lét! Nhưng tôi vẫn bám vào kỹ năng thứ nhất.

TÔI: Mẹ thấy đầy màu xanh lá cây trên tường nhà tắm!

Thằng lớn bèn chạy đi lấy giẻ và nói “Để con giải cứu cho!” 5 phút sau nó gọi tôi vào để xem lại.

TÔI: (Vẫn bám vào mô tả) Mẹ thấy ai giỏi quá đã lau sạch màu xanh lá cây khỏi tường rồi.

Thằng lớn cười toe toét. Rồi thằng nhỏ xen vào “Còn bây giờ thì để con lau bồn rửa cho!”

Nếu tôi mà không tận mắt chứng kiến chắc chắn tôi không thể nào tin nổi.

Lưu ý : Việc sử dụng kỹ năng này có thể khiến chúng ta bực dọc. Ví dụ, một ông bố kể cho chúng tôi nghe chuyện: Vào một ngày trời lạnh ông đang đứng ở gần cửa trước và bảo với thằng con vừa đi vào nhà “Cửa mở kìa”, nhưng thằng bé liền đốp luôn “Thế sao ba không đóng nó lại?”

Cả nhóm hội thảo nhất trí giải thích rằng thằng bé đã cảm nhận câu nói mô tả của bố theo nghĩa “Ba cố ngụ ý muốn dạy con cư xử đúng đắn”. Rồi cả nhóm cũng quyết định kỹ năng mô tả chỉ có tác dụng nhất khi trẻ cảm thấy sự giúp đỡ của chúng là thật sự cần thiết.

II. Cung cấp thông tin.

Điều chúng tôi muốn nói về kỹ năng cung cấp thông tin là, về mặt nào đó bạn đang trao cho con cái một món quà mà nó có thể sử dụng được mãi mãi về sau. Trong suốt cuộc đời của con bạn, nó sẽ cần biết rằng “Sữa sẽ bị chua khi để ngoài tủ lạnh”, rằng “Cần phải làm cho sạch vết thương hở”, rằng “Cần phải rửa sạch trái cây trước khi ăn”, rằng “Bánh quy nhân sẽ bị thiu khi để hộp mở” và v.v... Nhiều phụ huynh đã chia sẻ với chúng tôi rằng kỹ năng cung cấp thông tin này không khó. Cái khó là, họ nói, làm sao bỏ đi được cái đuôi lăng mạ kiểu như: “Đồ dơ phải để vào rổ chuẩn bị giặt. Con không bao giờ học được điều đó sao?”

Chúng ta cũng thích cung cấp thông tin cho con cái bởi vì xem ra đứa trẻ đón nhận thông tin đó giống như một động thái tự tin vào bản thân nó. Có thể trẻ sẽ tự nhủ “Người lớn tin tưởng mình biết hành xử có trách nhiệm một khi mình nắm được những sự kiện.”

* * *

Monique về nhà sau khi tham dự buổi tiệc làm bánh hạnh nhân. Nó vẫn còn mặc nguyên đồng phục và bắt đầu chơi trong vườn. Ba bốn bận tôi phải la thét con bé hãy thay đồ bộ đi, nhưng nó đều đáp lại “Tại sao?”

Tôi liên tục nhắc nhở: “Con sẽ làm rách bộ đồng phục bây giờ.”

Cuối cùng tôi mới nói: “Đồ bộ để chơi trong vườn; đồng phục là để đi dự tiệc.”

Thật kinh ngạc, con bé ngừng chơi và ngay lập tức đi vào nhà thay đồ.

* * *

Một người cha chia sẻ kinh nghiệm của ông và thằng con trai nuôi, 5 tuổi, người Hàn Quốc của mình:

Kim và tôi cùng nhau đi trên đường tới nhà một người láng giềng để trả lại cái thang xếp cho ông ấy. Khi chúng tôi định rung chuông nhà hàng xóm thì một nhóm con nít đang chơi trên đường chỉ trỏ vào Kim và la í ới: “Ê, thằng Ba Tàu kìa! Cái thằng Ba Tàu!” Trông Kim lúng túng và tức giận cho dù nó không biết những từ đó có nghĩa là gì.

Những ý nghĩ chạy nhanh như ngựa trong đầu tôi: “Cái lũ này không biết chúng đang ở đất nước nào hả, bọn ranh con... tao sẽ cho tụi bay biết tay, để xem, tao sẽ gọi điện cho cha mẹ chúng mày, nhưng như thế thì sau đó chúng sẽ trút giận lên đầu Kim. Dù xấu dù tốt thì tụi nhóc này cũng là hàng xóm của thằng bé, và kiểu gì nó cũng phải tìm cách sống ở đây.”

Tôi bước tới chỗ bọn nhỏ và nói rành rọt, “Chửi rủa gây tổn thương cảm xúc của người khác”.

Dường như chúng sững sờ trước những lời tôi nói (có lẽ chúng trông chờ tôi la thét). Sau đó tôi vào nhà hàng xóm trả thang nhưng vẫn để cửa mở, tôi không định đem Kim vào theo. Năm phút sau tôi nhìn ra cửa sổ và thấy Kim đang chơi đùa với lũ trẻ kia.

* * *

Tôi ngước mắt lên thì thấy bé Jessica, 3 tuổi, đang đạp xe ba bánh theo sau anh trai 8 tuổi của bé – hai anh em nó đang đạp xe dưới lòng đường. May là không có xe hơi trong tầm nhìn. Tôi vội gọi to, “Jessica, xe hai bánh mới chạy dưới đường. Xe ba bánh chạy trên vỉa hè.”

Jessica liền nhảy xuống khỏi xe, nghiêm nghị đếm bánh xe rồi dắt xe lên vỉa hè và leo lên xe chạy tiếp.

Lưu ý: Chú ý đừng cung cấp thông tin mà trẻ đã biết rồi. Ví dụ, nếu bạn bảo cô bé 10 tuổi “Sữa bị chua khi để ngoài tủ lạnh” cô bé sẽ diễn giải là bạn nghĩ nó ngu ngốc hoặc bạn đang mỉa mai nó.

III. Nói câu ngắn gọn.

Nhiều phụ huynh kể cho chúng tôi nghe về kỹ năng thích hợp này. Họ cho rằng nó tiết kiệm thời gian, tiết kiệm hơi thở và những lời diễn giải chán phèo.

Những đứa trẻ tuổi teen mà chúng tôi cùng làm việc cho chúng tôi biết chúng thích từ đơn kiểu như “Cửa”... “Con chó”... hay “Cái đĩa” hơn, và chúng thấy những từ đó dễ tiếp nhận hơn là những bài rao giảng thông thường.

Như chúng ta thấy, giá trị của câu-nói-gồm-một-từ nằm ở chỗ thay vì đưa ra lời cằn nhằn léo nhéo, chúng ta cho trẻ cơ hội tập luyện trí sáng tạo và trí thông minh của chúng. Khi chúng ta nói “Con chó,” trẻ buộc phải nghĩ “Con chó làm sao?... Ối quên, chiều nay mình phải đưa nó đi dạo... À, hay là mình đưa nó đi ngay bây giờ.”

Lưu ý: Đừng dùng tên của trẻ như là câu-nói-gồm-một-từ của bạn. Khi trẻ nghe thấy tên nó bị xướng lên với vẻ bất đồng nhiều lần trong ngày – “Susie” – trẻ bắt đầu liên tưởng tên nó với sự bất mãn, bài bác.

IV.Nói về những cảm xúc của bạn.

Hầu hết phụ huynh đều nhẹ cả người khi khám phá ra rằng chia sẻ cảm xúc thật của họ với con cái cũng có nhiều lợi ích, rằng họ không cần thiết lúc nào cũng luôn phải tỏ ra kiên nhẫn. Trẻ không phải là vô tâm. Chúng có khả năng xử lý những câu nói kiểu như:

“Đây không phải là lúc thuận tiện cho mẹ xem bài tiểu luận của con. Mẹ đang căng thẳng và đang bận. Để sau bữa tối mẹ sẽ chú ý thật kỹ đến nó.”

“Tốt hơn hãy tránh xa mẹ một lát đi. Bây giờ mẹ đang cảm thấy bực bội và không có tâm trí để lo cho việc của con.”

Một bà mẹ đơn thân đang nuôi dạy hai cậu con trai kể rằng, bà đã từng hay phát cáu với chính mình vì không kiên nhẫn được với các con. Cuối cùng bà quyết định sẽ cố thừa nhận cảm xúc của mình hơn nữa, và sẽ để cho các con biết về tâm trạng của mình... ở mức chúng có thể hiểu được.

Bà bắt đầu nói đại loại như “Bây giờ mẹ kiên nhẫn to bằng quả dưa hấu”. Sau nữa bà bảo “Ừm, giờ thì lòng kiên nhẫn của mẹ chỉ còn bằng trái nho thôi”. Và một hồi sau bà tuyên bố “giờ thì nó có kích thước chỉ bằng hạt đậu. Mẹ nghĩ chúng ta phải bỏ cuộc thôi không thì nó teo rút mất tiêu luôn.”

Bà biết lũ trẻ xem điều đó rất nghiêm túc, bởi vì một tối nọ, con trai của bà bảo: “Mẹ, giờ thì lòng kiên nhẫn của mẹ to bằng cái gì? Mẹ đọc truyện cho tụi con nghe được không?”

Vẫn có những người khác tỏ ra băn khoăn về kỹ năng mô tả cảm xúc của họ. Nếu họ chia sẻ cảm xúc thật của mình, thì có khiến họ trở nên dễ bị tổn thương? Giả sử họ nói với lũ con của mình “Điều đó làm mẹ bực mình” và lũ trẻ đáp lại “Ai thèm quan tâm” thì sao?

Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy những trẻ mà cảm xúc của chúng được tôn trọng thường cũng sẽ tôn trọng những cảm xúc của người lớn. Tuy nhiên, cũng có giai đoạn chuyển tiếp mà trong đó bạn bị dội một gáo nước lạnh “Ai thèm quan tâm?”. Nếu việc đó xảy ra thì bạn hãy cho trẻ biết: “Mẹ quan tâm. Mẹ quan tâm về việc mẹ cảm thấy gì . Và mẹ khuyến khích các con cũng nên quan tâm đến cảm xúc của mẹ. Mẹ mong rằng trong gia đình mình tất cả chúng ta đều quan tâm đến cảm xúc của nhau!”.

Lưu ý: Một số trẻ rất nhạy cảm với sự không ủng hộ của bố mẹ. Với chúng, những câu nói mạnh bạo kiểu như “Mẹ tức giận” hoặc “Việc đó làm ba điên tiết” là vượt quá sức chịu đựng của chúng. Và để trả miếng, chúng có thể đáp lại một cách dằn dỗi kiểu như “Hừ, thế thì con cũng bực mình ba!”. Với những trẻ như thế này, cách tốt nhất là nêu rõ niềm mong chờ của bạn. Ví dụ, thay vì nói “Ba tức giận vì con kéo đuôi con mèo” thì sẽ hữu ích hơn khi nói “Ba mong là con tử tế với động vật.”

V. Viết mẩu thư nhắn.

Hầu hết trẻ đều rất thích nhận được mẩu thư nhắn – kể cả trẻ biết đọc lẫn trẻ không biết đọc. Trẻ nhỏ thường rất sung sướng khi nhận được thông điệp viết trên giấy từ ba mẹ chúng. Điều đó khích lệ chúng viết hay vẽ thông điệp gửi lại cho cha mẹ.

Những trẻ lớn hơn cũng thích nhận được mẩu thư nhắn. Một nhóm trẻ tuổi vị thành niên mà chúng tôi làm việc chung bày tỏ với chúng tôi rằng nhận được mẩu thư nhắn khiến chúng cảm thấy “như nhận được thư của bạn bè vậy”. Mẩu thư nhắn chứng tỏ rằng cha mẹ chúng quan tâm đến chúng đến mức có thể dành thời gian và công sức khó nhọc để viết ra gửi chúng. Một cậu bé thổ lộ, điều khiến nó cảm kích khi nhận được mẩu thư nhắn là nó “không phải nghe thêm tiếng la mắng hay kêu rêu gì nữa”.

Những phụ huynh cũng ghi nhận tương tự về việc sử dụng mẩu thư nhắn. Họ nói đó là một cách nhanh chóng và dễ dàng để chịu đựng bọn trẻ, và thường lưu lại dư vị dễ chịu sau đó.

Một bà mẹ kể cho chúng tôi nghe bà luôn để sẵn trên kệ bếp một tập giấy và hàng chục cây viết chì bỏ vào một cái ca uống cà phê cũ. Rất nhiều lần trong tuần bà thấy mình rơi vào tình huống phải rát cổ họng yêu cầu đám con làm một điều gì đó lặp đi lặp lại mãi đến nỗi chúng không thèm để ý tới bà luôn; hoặc là bà sẽ chịu thua chúng và phải tự mình đi làm những việc vặt.

Vào những lúc đó, bà nói, rút bút chì ra đỡ mệt hơn là mở miệng.

Sau đây là những ví dụ về thư nhắn của bà:

BILLY THÂN MẾN,

TỚ CHƯA RA NGOÀI KỂ TỪ SÁNG TỚI GIỜ.

CHO TỚ RA NGOÀI MỘT CHẦU ĐI,

CHÚ CHÓ CỦA CẬU,

HARRY

SUSAN À,

NHÀ BẾP CẦN ĐƯỢC SẮP XẾP LẠI CHO NGĂN NẮP.

CON VUI LÒNG LO LIỆU NHỮNG THỨ SAU ĐÂY NHÉ:

1. SÁCH TRÊN BẾP LÒ

2. SÁCH Ở CỬA.

3. ÁO KHOÁC DƯỚI SÀN

4. VỤN BÁNH QUY TRÊN BÀN

CẢM ƠN CON TRƯỚC,

MẸ

CHÚ Ý:

GIỜ ĐỌC TRUYỆN TỐI NAY LÀ 7:30. TẤT CẢ TRẺ EM MẶC ÁO NGỦ SẴN SÀNG, ĐÁNH RĂNG XONG ĐỀU ĐƯỢC ĐÓN MỜI.

THƯƠNG YÊU,

BA VÀ MẸ

Dùng mẩu thư nhắn để liên lạc nhẹ nhàng là không cần thiết, nhưng chắc chắn nó cũng có tác dụng nhất định. Tuy nhiên, có đôi khi tình huống không hề buồn cười tí nào, cho nên sự tiếu lâm, khôi hài trong mẩu thư nhắn là không thích hợp. Chúng tôi nghĩ tới một người cha kể cho chúng tôi nghe chuyện con gái ông đã đánh rơi chiếc đĩa CD mới toanh của ông xuống đất rồi dẫm lên, khiến nó bị hỏng. Ông bảo nếu ông mà không viết ra giấy cho hết cơn tức giận, thì chắc ông đã nọc con bé ra đánh cho nó một trận rồi. Thay vì thế, ông viết:

Alison,

BỐ ĐANG GIẬN SÔI GAN!

Cái đĩa CD mới toanh của bố bị lấy đi mà không xin phép, đã thế bây giờ nó đầy những vết xước không còn chạy được nữa.

ÔNG BỐ ĐIÊN

Một lát sau ông bố nhận được mẩu thư hồi đáp từ con gái như thế này:

Bố thương yêu,

Con xin lỗi bố. Thứ Bảy này con sẽ mua cho bố một cái đĩa CD khác bằng tiền tiêu vặt của con, cho dù nó mắc tới giá nào chăng nữa.

Alison

Chúng tôi không bao giờ thôi kinh ngạc về cái cách trẻ không biết đọc xoay xở để “đọc” những mẩu thư nhắn mà cha mẹ viết cho chúng. Sau đây là lời minh chứng của một bà mẹ trẻ đi làm:

Thời điểm khủng hoảng nhất của tôi khi đi làm về là 20 phút tôi quýnh quáng làm bữa tối còn bọn trẻ thì cứ chạy ra chạy vào chỗ tủ lạnh và hộp đựng bánh mì. Đến khi đồ ăn nóng sốt dọn lên bàn là chúng không còn muốn ăn nữa.

Tối thứ hai vừa rồi tôi đã lấy bút sáp ghi một thông báo như thế này và gắn lên cửa:

NHÀ BẾP ĐÓNG CỬA ĐẾN BỮA TỐI

Thằng con 4 tuổi của tôi ngay lập tức muốn biết trên đó ghi cái gì. Tôi giải thích từng chữ cho nó hiểu. Và nó làm theo mẩu thư nhắn đó đến nỗi không hề đặt chân vào nhà bếp. Nó chơi với em gái ngoài cửa cho tới khi tôi gỡ mẩu thư nhắn ra và gọi chúng vào.

Tối hôm sau tôi lại treo tấm bảng đó lên lần nữa. Trong khi đang làm bánh hamburger, tôi nghe thằng con trai đang dạy đứa em 2 tuổi của nó từng chữ một có nghĩa là gì. Tôi còn thấy nó chỉ vào từng chữ và đọc to lên: NHÀ... BẾP... ĐÓNG... CỬA... ĐẾN... BỮA... TỐI.

Cách thức sử dụng mẩu thư nhắn một cách khác thường nhất là do một bà mẹ trẻ, vốn là một sinh viên bán thời gian kể cho chúng tôi nghe. Sau đây là câu chuyện của cô ấy:

Trong một phút cả nể tôi đã tự nguyện tổ chức cuộc họp mặt cho 20 người tại nhà mình. Tôi lo lắng sắp xếp mọi thứ cho đúng giờ nên tôi đi học về sớm.

Khi vừa về đến nhà, nhìn quanh, cảnh tượng bừa bộn khiến tim tôi rơi thụp xuống. Căn nhà giống như một bãi hoang – báo, thư từ, sách, tạp chí chất đống, nhà tắm dơ hầy, ga trải giường chưa xếp. Tôi chỉ còn hai tiếng đồng hồ để dọn dẹp các thứ đâu vào đó, trong khi tôi đã bắt đầu nổi xung thiên lên rồi.

Bọn trẻ đi học về bất kỳ phút nào và tôi biết mình sẽ không có tâm trạng để phân xử bất cứ đòi hỏi nào hay bất kỳ xung đột nào giữa chúng với nhau.

Nhưng tôi không muốn giải thích dài dòng. Tôi quyết định viết một mẩu thư nhắn, nhưng kiếm khắp cả nhà mà không thấy có cái gì để viết lên đó. Vì vậy tôi xé một tấm bìa các-tông, khoét hai cái lỗ, xâu sợi dây vào và đeo lên cổ mình. Trên đó ghi:

BOM NGƯỜI ĐẶT GIỜ

NẾU QUẤY RẦY HAY BỊ QUẤY RẦY

SẼ NỔ!!!

SẮP CÓ KHÁCH

CẦN GIÚP ĐỠ KHẨN CẤP!

Sau đó tôi lao vào việc chuẩn bị. Khi bọn trẻ đi học về, đọc thấy tấm biển trên cổ tôi, chúng liền xung phong dọn dẹp sách vở, đồ chơi của chúng. Và không cần một lời của tôi, chúng dọn giường chúng – và cả giường của tôi luôn! Thật không thể tin được.

Tôi đang chuẩn bị đi tắm thì chuông cửa reng. Tôi hơi hoảng một thoáng, nhưng đó chỉ là người mang thêm ghế tới. Tôi ra hiệu cho ông ta mang ghế vào nhà, và tự hỏi sao ông ấy không nhúc nhích, mà cứ nhìn chằm chặp vào ngực tôi.

Tôi nhìn xuống và tấm biển vẫn còn ở đó. Khi tôi vừa định giải thích thì ông ấy bảo “Khỏi lo, cô à. Cứ từ từ. Chỉ cần bảo tôi phải để ghế ở đâu, tôi sẽ sắp xếp cho cô.”

* * *

Nhiều người hỏi chúng tôi, “Nếu tôi sử dụng những kỹ năng này một cách hợp lý, thì đám con chúng tôi sẽ luôn phản hồi tốt chứ?” Câu trả lời của chúng tôi là: Chúng tôi không hy vọng thế. Trẻ em không phải là rô-bốt. Ngoài ra, mục đích của chúng tôi không phải là đặt ra hàng loạt những kỹ thuật nhằm khống chế hành vi của trẻ, bắt trẻ luôn luôn phải có phản hồi.

Mục đích của chúng tôi là nói với những gì tốt đẹp nhất trong con cái của chúng ta – trí thông minh, óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, óc khôi hài, khả năng nhạy cảm với nhu cầu của người khác của chúng.

Chúng tôi muốn chấm dứt những kiểu nói gây tổn thương tinh thần con trẻ, và chúng tôi muốn tìm ra ngôn ngữ nuôi dưỡng lòng tự trọng cho chúng.

Chúng tôi muốn sáng tạo ra bầu không khí đồng cảm, khuyến khích trẻ hợp tác bởi vì chúng tự quan tâm đến bản thân chúng và bởi vì chúng quan tâm đến những bậc phụ huynh chúng ta.

Chúng tôi muốn tuyên truyền phương thức thông tin liên lạc tôn trọng lẫn nhau mà chúng tôi hy vọng con cái chúng tôi sẽ áp dụng cùng với chúng tôi ngay bây giờ, trong suốt những năm tuổi niên thiếu của chúng, và cả sau này khi chúng trở thành những người bạn người lớn của chúng ta.