Nói Sao Cho Trẻ Nghe Lời

Chương 2: Để Trẻ Có Trách Nhiệm Hơn

Bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ là nhiệm vụ không thể chối từ của cha mẹ. Mọi người đều biết, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô tư, cha mẹ chấp nhận hết mọi khổ cực về mình để tạo ra môi trường, cuộc sống hoàn hảo nhất cho con cái. Nhưng bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần coi trọng nhiệm vụ bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ.
 
Đổi cách nói 6 Phải Chịu tráCh nhiệm với những gì mình đã nói, đã làm!
 
Cha mẹ thường nói: Thôi bỏ đi, mẹ biết con chỉ nói đùa thôi mà!
 
Một chuyên gia giáo dục từng nói: “Nên dạy cho trẻ biết, từng hành vi của chúng có thể dẫn đến những kết quả khác nhau. Cứ như vậy, dần dần trẻ sẽ học được thái độ có trách nhiệm với những gì mình đã nói, đã làm”.
 
Bên cạnh việc giáo dục trẻ, cha mẹ nhất định phải để trẻ hiểu rằng: Mỗi người đều phải có trách nhiệm với hành vi của mình, cho dù là tốt hay xấu đều phải gánh vác hậu quả của nó. Đây là một thói quen tốt mà cha mẹ cần đào tạo cho trẻ. Cho dù trẻ có lỗi lầm gì, chỉ cần trẻ có năng lực nhất định thì nên để chúng gánh vác trách nhiệm.
 
Ví dụ thực tế
 
Một bà mẹ người Pháp dẫn theo con trai đến nhà một người bạn Việt Nam chơi.
 
Nữ chủ nhân người Việt Nam rất coi trọng khách đến thăm nhà, còn học cách làm món Tây để mời khách. Bà nói với hai mẹ con người Pháp: “Hôm nay tôi làm món ăn Tây mời các bạn, các bạn thử nếm xem món Tây do người Việt Nam làm có ngon không nhé!”.
 
Cậu bé bảy tuổi nghĩ rằng: Người Việt Nam làm món Tây chắc chắn không ngon. Thế là khi nữ chủ nhân hỏi cậu có ăn không, nó kiên quyết đáp: “Cháu không ăn đâu!”.
 
Lúc nữ chủ nhân bê các món ăn đặt lên bàn, cậu bé bị món bánh Hamberger thu hút. Món bánh rất hấp dẫn, lại thơm phưng phức. Cậu bé nôn nóng nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn ăn hamberger!”.
 
Nữ chủ nhân vui lắm vì cậu bé thích món ăn của mình làm. Bà vui vẻ đẩy đĩa Hamberger đến trước mặt cậu bé và nói: “Ăn đi cháu!”.
 
Ai ngờ đúng lúc ấy, mẹ cậu bé nghiêm túc nói với chủ nhà: “Không được, con trai tôi đã nói sẽ không ăn, nó phải chịu trách nhiệm về những điều nó nói, hôm nay nó không được ăn Hamberger!”.
 
Cậu bé cuống đến phát khóc: “Mẹ ơi, con muốn ăn Hamberger!”, nhưng người mẹ hoàn toàn không có động tĩnh gì, chỉ lạnh lùng nói với con trai: “Con phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã nói!”.
 
Chủ nhà thấy vậy nghĩ rằng mẹ cậu bé quá nghiêm khắc, liền bảo: “Cho nó ăn đi, trẻ con đứa nào chẳng thế!”.
 
Bà mẹ người Pháp nghiêm nghị nhìn bạn, nói: “Bạn thân mến à, chúng ta cần bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ con!”.
 
Cuối cùng, mặc cho cậu bé khóc gào, người mẹ vẫn không đồng ý cho nó ăn Hamberger.
 
Sự thực là như vậy, chỉ cần trẻ con hiểu rằng nó phải gánh chịu hậu quả như thế nào trước hành vi của mình, thì mới học được tinh thần có trách nhiệm.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trong cuộc sống hiện tại, cha mẹ nên để trẻ thử gánh vác trách nhiệm của mình. Ví dụ, khi trẻ gặp phải phiền toái, bạn nên nói: “Đây là sự lựa chọn của con, con thử nghĩ xem tại sao lại như vậy?”, chứ không phải nói với trẻ rằng: “Con đã cố gắng rồi, là bởi vì cha mẹ không có khả năng giúp đỡ con!”, mặc dù chỉ là một câu nói nhưng lại phản ánh những quan niệm khác biệt. Nếu như bạn vô tình giúp con cái thoái thác trách nhiệm, trẻ sẽ tưởng rằng mình không cần thiết phải gánh vác nó, điều này rất không có lợi cho cuộc sống sau này của chúng.
 
Hiện nay, có rất nhiều cha mẹ không quan tâm đến việc bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho con cái. Khi trẻ gặp phải chuyện gì đó, cha mẹ thường thay trẻ gánh vác, hi vọng trẻ có thêm nhiều thời gian để học hành. Kì thực, tinh thần trách nhiệm là nền tảng để trẻ học làm người, để trưởng thành. Tinh thần trách nhiệm cũng là một trong những tiêu chuẩn làm việc, không có tinh thần trách nhiệm thì không thể làm việc nghiêm túc.
 
Muốn bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ, cha mẹ cần làm những việc sau:
 
Thứ nhất: nghe ý kiến của trẻ về cuộc sống gia đình
 
Cha mẹ có thể nói chuyện với con cái về một vài chuyện vặt trong nhà, đồng thời hỏi xem trẻ có suy nghĩ hay ý kiến gì, hoặc đề nghị trẻ đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Khi cha mẹ thường xuyên lắng nghe ý kiến của trẻ, áp dụng những ý kiến có giá trị của chúng, trẻ sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với gia đình.
 
Thứ hai: Không ủng hộ trẻ mách lẻo
 
Nếu trẻ thường xuyên nói người khác như thế này, thế kia trước mặt mình mà cha mẹ lại nghe lời của trẻ thì chẳng khác gì bạn đang nói với chúng rằng: “Mẹ sẽ giúp con xử lí chuyện này. Mẹ biết con còn quá nhỏ, không thể giải quyết được! Vì vậy chỉ cần có chuyện gì, cứ để mẹ biết là được rồi!”, thái độ này không hề có lợi cho sự trưởng thành của trẻ. Thông thường, khi trẻ mách lẻo, cha mẹ nên thể hiện thái độ của mình: “Mẹ không thích con mách lẻo tội của người khác!”, đương nhiên cha mẹ cũng cần phải cân nhắc đến vấn đề an toàn. Nếu trẻ nhìn thấy ai đó có hành vi nguy hiểm, chạy về nói với mình, thì cha mẹ cần chú ý.
 
Thứ ba: Dạy trẻ biết quan tâm, yêu thương người khác
 
Cha mẹ cần bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của trẻ với xã hội, phải yêu cầu trẻ chủ động quan tâm người già, người bệnh tật và những bạn nhỏ hơn mình. Lúc cha mẹ bị ốm, dạy trẻ học cách chăm sóc cha mẹ. Để trẻ biết ngày sinh nhật của cha mẹ và cổ vũ trẻ tặng quà.
 
Thứ tư: Để trẻ tập làm những việc lặt vặt trong gia đình, bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm với gia đình
 
Trước khi yêu cầu trẻ làm việc gì, cha mẹ cần nói rõ ràng để trẻ có thể hiểu được. Kiên nhẫn hướng dẫn bé làm việc nhà, cổ vũ, khen ngợi và khích lệ bé tích cực giúp đỡ cha mẹ.
 
Đổi cách nói 7 Hai mẹ con mình cùng thỏa thuận một chuyện nhé!
 
Cha mẹ thường nói: Chẳng lẽ con không có đầu óc à?
 
Đa phần trẻ con đều có một vài tật xấu. Nhiều lúc cha mẹ chỉ không để ý một chút là trẻ sẽ hình thành thói quen xấu. Vậy, phải làm sao để trẻ hình thành thói quen tốt đây? Qua ví dụ nhỏ dưới đây, bạn sẽ biết được phương pháp có hiệu quả nhất.
 
Ví dụ thực tế
 
Yến Nhi tính tình cẩu thả, bừa bãi, mẹ thường mắng cô là “đoảng”. Học kì mới sắp bắt đầu rồi, mẹ Yến Nhi đã đưa ra một quyết định để sửa tật xấu của con gái. Một hôm, mẹ gọi cô bé lại: “Mẹ và con cùng thỏa thuận một chuyện nhé!”, Yến Nhi nghe xong cảm thấy rất tò mò, vội nói: “Dạ được ạ, mẹ nói đi, chúng ta thỏa thuận gì ạ?”. Mẹ nói: “Kể từ ngày hôm nay trở đi, mỗi ngày mẹ sẽ cho con mười điểm. Con làm chuyện gì không đúng sẽ bị trừ một điểm, giúp mẹ một việc được cộng một điểm. Bị trừ quá năm điểm sẽ không được xem phim hoạt hình. Nếu được điểm tuyệt đối có thể xem hai bộ phim hoạt hình!”, Yến Nhi vội đáp: “Dạ được ạ! Chúng ta bắt đầu từ ngay mai, mẹ nhé!”.
 
Buối tối, mẹ chỉ ra mấy lỗi sai của Yến Nhi: 1. Đánh răng xong lại không đặt kem đánh răng và cốc về đúng chỗ cũ. 2. Uống nước xong không đậy nắp cốc lại. 3. Đi vệ sinh xong không xả nước. 4. Cởi quần áo ra không chịu treo lên mắc. 5. Bài tập… mẹ còn chưa nói xong, Yến Nhi đã kêu rầm rồi: “Ối, sao mà nhiều thế, cũng may là chưa bắt đầu, ngày mai con sẽ phải cẩn thận hơn!”.
 
Sáng ngày hôm sau, Yến Nhi cẩn thận làm từng việc, không để phạm lỗi như ngày hôm qua, lòng thầm nghĩ: thế này thì có gì khó đâu! Cô bé đang đắc chí thì mẹ nhắc: “Ngủ dậy mà không uống nước, rửa mặt xong mà không bôi kem dưỡng, bị trừ hai điểm. Nhưng con đã giúp mẹ gấp chăn màn, mẹ tặng cho con một điểm!”, trước khi ra khỏi nhà, Yến Nhi lại bị trừ thêm một điểm vì thay dép lê ra mà không cất vào giá để giày gọn gàng.
 
Cứ như vậy, Yến Nhi buồn bã suốt cả ngày vì cô không đạt điểm tuyệt đối. Vì vậy, chỉ được xem một bộ phim hoạt hình. Nhưng cô bé đã hạ quyết tâm, ngày mai nhất định phải giành điểm tuyệt đối.
 
Đọc xong ví dụ này, bạn có cảm nhận gì không? Phương pháp của mẹ Yến Nhi rõ ràng có hiệu quả hơn nhiều so với việc dùng gậy đánh, đe dọa, nhiếc móc hay chỉ trích.
 
Những người thông minh cần động não suy nghĩ phương pháp hiệu quả để thay đổi thói quen xấu của trẻ mà không khiến cho trẻ cảm thấy phản cảm hay muốn chống đối.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Không thể coi thường vai trò của sự tán thưởng và cổ vũ trong quá trình rèn luyện tính tự giác, kỉ luật của trẻ. Cha mẹ không nên ép trẻ phải làm thế này thế kia, vì dưới sự ép buộc, áp đặt của cha mẹ, trẻ không những không nhớ mà còn nảy sinh tâm lí chống đối. Cha mẹ nên thông qua việc cổ vũ để trẻ tự nguyện làm, nếu trẻ tự nguyện làm thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
 
Ví dụ, khi bạn muốn trẻ làm một chuyện gì đó, có thể bé sẽ nói: “Để lát nữa con làm!”, nhưng rất lâu sau, trẻ vẫn không có ý động tay vào. Lúc này cha mẹ thường vì thương con nên sẽ làm thay trẻ luôn. Sự dung túng này sẽ khiến trẻ hình thành thói quen lười biếng và không có khái niệm về thời gian. Cách chính xác là khi trẻ nói như vậy, hãy hỏi trẻ xem “một lát nữa” là bao nhiêu lâu, để trẻ nói chính xác thời gian, sau đó bảo với chúng: “Con nói được thì phải làm được đấy!”.
 
Một đứa trẻ hình thành được tính kỉ luật và tự giác từ nhỏ có thể khắc phục được rất nhiều thói quen xấu, ví dụ: xem ti vi hoặc chơi điện tử suốt ngày… Khi chúng học được cách kiểm soát bản thân, chúng sẽ biết chừng mực hơn. Do vậy, trong quá trình khen ngợi trẻ cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng khả năng tự kiềm chế của chúng. Để trẻ có thể quản lí công việc của mình tốt hơn, cha mẹ có thể dạy trẻ một vài phương pháp, tôn trọng ý kiến của trẻ, khen ngợi thành tích trẻ đạt được. Dần dần trẻ sẽ hiểu được phải có trách nhiệm thế nào với mọi chuyện của mình, tự nhiên chúng sẽ hình thành nên thói quen tốt.
 
Bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ không phải chuyện một sớm một chiều, vì vậy phải thực hiện từng chút một. Các phương pháp cụ thể được trình bày dưới đây:
 
Thứ nhất: nói về tác dụng của quy tắc
 
Nói cho trẻ hiểu nơi đâu cũng có quy tắc, những quy tắc có thể khiến cuộc sống tốt đẹp hơn. Ví dụ: con người phải tuân thủ luật lệ giao thông, quy tắc trò chơi, quy tắc thi đấu… cha mẹ có thể hỏi vặn lại trẻ, nếu không tuân thủ quy tắc thì sao, để trẻ biết được hậu quả của việc vi phạm quy tắc, từ đó sẽ có thái độ coi trọng quy tắc hơn.
 
Thứ hai: bồi dưỡng kĩ năng quy tắc
 
Một số trẻ có ý thức nhất định về quy tắc, nhưng vẫn thường xuyên vi phạm. Nhiều khi, rõ ràng là dậy sớm nhưng cuối cùng vẫn đến lớp muộn. Nguyên nhân của tình trạng này không phải là do trẻ cố ý mà có thể là vì trẻ chậm chạp trong chuyện đánh răng, rửa mặt hay mặc quần áo… Trong trường hợp này, cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự giải quyết vấn đề cá nhân, tìm ra quy tắc và cách làm tốt mà nhanh nhất, nâng cao kĩ năng sống cho trẻ.
 
Thứ ba: bồi dưỡng tinh thần kỉ luật
 
Cha mẹ đừng ngại bàn bạc và đưa ra những quy tắc trong gia đình để cả gia đình cùng tuân thủ. Ví dụ: vào phòng người khác phải gõ cửa; chơi đồ chơi xong phải dọn dẹp gọn gàng, nói sai phải xin lỗi, lúc xem ti vi không được làm phiền người khác… Cho dù là cha mẹ, nếu vi phạm cũng phải chịu phạt, như vậy sẽ khiến trẻ nhận thức được tính nghiêm túc của quy tắc.
 
Thứ tư: bồi dưỡng thói quen tuân thủ quy tắc
 
“Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, đồ vật dùng xong phải đặt về đúng vị trí cũ, ra khỏi nhà phải chào hỏi người lớn, ăn ngủ phải theo đúng thời gian qui định…
 
Đổi cách nói 8 Con à, đừng dễ dàng nói từ bỏ!
 
Cha mẹ thường nói: con tôi số không may, toàn gặp phải những chuyện rắc rối như thế này!
 
Cuộc sống của mỗi người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Trẻ con trong quá trình trưởng thành thường gặp phải rất nhiều vấn đề khó khăn. Phần lớn những vấn đề đó là lần đầu tiên trẻ được trải nghiệm, vì vậy khó mà tránh khỏi thái độ chán nản và muốn thỏa hiệp. Lúc này trẻ rất cần có cha mẹ ở bên cổ vũ để lấy lại niềm tin và tiếp tục phấn đấu.
 
Ví dụ thực tế
 
Hai cha con cùng ra nông trường. Trong lúc chơi đùa, người con phát hiện trong đám cây sung có một cây đã chết, vỏ thân cây đã bong ra, cành cây đã không còn màu xanh tươi mà ngả sang màu vàng úa. Người con giơ tay ra chạm vào một cái, bỗng “rắc” một tiếng, một cành cây khô gãy xuống.
 
Người con nói với cha: “Cha ơi, cái cây này chết rồi, chặt nó đi thôi! Chúng ta sẽ trồng cây khác!”, nhưng người cha ngăn lại, nói: “Con à, có thể đúng là nó không ổn, nhưng mùa đông qua đi, có thể nó sẽ đâm chồi nảy lộc, giờ nó đang trong quá trình nghỉ ngơi đấy! Hãy nhớ, mùa đông không nên chặt cây!”.
 
Quả nhiên đúng như lời người cha nói, sang mùa xuân năm sau, cái cây ấy bỗng nảy ra những lộc non như những cây còn lại.
 
Bỗng nhiên, cậu bé bất hạnh mắc phải căn bệnh bại liệt ở trẻ nhỏ, gần như trở thành người tàn phế. Cậu bé càng ngày càng u uất, một hôm cậu bé nói với cha: “Cha ơi, dù sao thì con cũng sẽ chết, con không muốn nằm mãi trong bệnh viện, con muốn về nhà!”. Lúc đó, người cha liền xoa đầu con trai, nói: “Con à, đừng dễ dàng bỏ cuộc!”. Người cha nhìn con trai bằng ánh mắt kiên định: “Mùa đông, chẳng phải con bảo cái cây sung ở nông trường đã chết rồi hay sao, nhưng đấy chỉ là mấy cành cây già cỗi mà thôi. Đến mùa xuân, con có nhìn thấy những chồi non mơn mởn đâm ra từ thân cây không? Con có thấy cây sung ấy nảy đầy lá non, chẳng khác gì những cây khác không?”. Người con nghe cha nói vậy, bỗng thấy tràn đầy niềm tin. “Đừng dễ dàng bỏ cuộc”, chính câu nói này đã thúc đẩy cậu bé ngoan cường đấu tranh với bệnh tật. Sau khi phẫu thuật, cậu bé nhanh chóng hồi phục. Về sau, mỗi khi gặp phải chuyện gì khó khăn, cậu lại nghĩ đến câu nói này.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Cây cối khô cằn vào mùa đông nhưng đến mùa xuân lại đâm chồi nảy lộc, bùng lên sức sống. Cậu bé mắc bệnh bại liệt dưới sự dẫn dắt của người cha đã hiểu được rằng, không nên dễ dàng từ bỏ bất cứ điều gì, chuyện gì cũng có cơ hội thay đổi tình thế.
 
Cũng giống như vậy, trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người cha, người mẹ đều nên dạy trẻ không được dễ dàng bỏ cuộc. Nên căn cứ vào mỗi khó khăn của trẻ để có sự điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh việc dạy trẻ không nên dễ dàng bỏ cuộc, cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách tốt nhất để kiên trì bền bỉ, vẽ ra những khả năng có thể để trẻ có thêm niềm tin. Cha mẹ nên giúp trẻ biết được niềm vui thành công là thế nào sau khi đã phải “bỏ ra” rất nhiều nỗ lực, nó còn vui hơn nhiều so với việc được mặc quần áo mới, ăn đồ ăn ngon... bởi đó là niềm vui xuất phát từ sâu thẳm trái tim.
 
Trong bất cứ trường hợp nào, cha mẹ cũng nên hướng trẻ đến những suy nghĩ lạc quan, cổ vũ trẻ duy trì tâm lí lạc quan, không dễ dàng thỏa hiệp, từ bỏ. Bởi vì thái độ tích cực chính là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công.
 
Churchill đã nói với các học sinh một câu chuyện đạo lý như vậy.
 
Bài phát biểu tuyệt vời nhất trong suốt cuộc đời của Churchill, cũng là lần phát biểu cuối cùng của ông, là ở một buổi lễ tốt nghiệp tại trường Đại học Cambridge. Ngày hôm đó, hàng chục ngàn sinh viên đến chật cứng cả hội trường, họ đang chờ đợi sự xuất hiện của Churchill. Tuy nhiên, nhiều phút trôi qua, Churchill mãi không thấy đến, các sinh viên bắt đầu thì thầm. Rồi một nửa thời gian của buổi diễn thuyết trôi qua, mọi người đều nhốn nháo, một vài học sinh đã rời khỏi hội trường, đúng lúc đó Churchill cùng đoàn tùy tùng của ông bước vào, ông chầm chậm bước lên bục phát biểu. Ông cởi áo khoác đưa cho tùy tùng của mình, sau đó bỏ mũ, lặng lẽ quan sát tất cả các thính giả. Một phút sau, Churchill nói: “Đừng bao giờ từ bỏ!”. Nói xong, ông mặc áo khoác, đội mũ, rời khỏi hội trường. Lúc đó, cả hội trường im lặng, một phút sau, những tràng pháo tay giòn giã vang lên.
 
Điểm khác biệt duy nhất giữa kẻ thất bại và người chiến thắng thực chất chỉ là: kẻ thất bại đi chín mươi chín bước rồi nhưng dừng lại, còn người thành công thì đi trọn một trăm bước.
 
Người thành công đứng dậy nhiều hơn kẻ thất bại một lần. Khi bạn đi được một trăm bước, có thể bạn vẫn sẽ gặp phải thất bại, nhưng thành công luôn trốn ở đằng sau những “góc quẹo”, nếu “bẻ lái” thì bạn mãi mãi không thể thành công.
 
Chỉ những người có ý chí kiên cường mới không bao giờ từ bỏ mục tiêu, mới có thể trở thành kẻ thắng lợi cuối cùng. Do vậy, cha mẹ nên bồi dưỡng nghị lực kiên cường cho trẻ.
 
Thứ nhất: Cha mẹ nên khơi gợi động lực nội tại của trẻ, để chúng hiếu học và vui vẻ học tập
 
Nhà giáo dục vĩ đại Khổng Tử từng nói: “Kẻ biết nó không bằng kẻ thích nó”, cho dù là học cái gì, cha mẹ cũng cần khơi gợi hứng thú cho trẻ, chỉ như vậy trẻ mới có thể kiên trì đến cùng. Trong thực tế, có rất nhiều cha mẹ coi nhẹ nhu cầu của trẻ, áp đặt nguyện vọng của mình cho trẻ, mà không biết rằng, nếu không thể tìm thấy hứng thú trong chuyện học tập thì trẻ không thể kiên trì.
 
Thứ hai: Cha mẹ nên hiểu rằng “thói quen sẽ trở thành chuyện đương nhiên”
 
Khi trẻ đọc một bộ truyện tranh, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ đọc hết từ đầu đến cuối rồi mới được chuyển sang bộ khác; khi trẻ vẽ một bức tranh, yêu cầu trẻ phải hoàn thiện bức tranh đó rồi mới vẽ bức tranh khác; khi trẻ học cách giặt quần áo, tuyệt đối không để trẻ lấy lí do là mệt hay đau tay mà bỏ cuộc giữa chừng… Dần dần trẻ sẽ hình thành thói quen kiên trì.
 
Thứ ba: Cha mẹ nên nhanh nhạy tận dụng mọi cơ hội để dạy trẻ
 
Trong cuộc sống có không ít cơ hội để cha mẹ dạy trẻ rèn luyện nghị lực kiên cường, ví dụ: nhìn thấy biển lớn, có thể nói cho trẻ hiểu rằng “nhiều dòng sông cùng đổ dồn về mới tạo ra biển cả bao la”… bất cứ thành công nào cũng cần có sự phấn đấu bền bỉ, lâu dài.
 
Thứ tư: Cho trẻ nếm trải vất vả
 
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường đầy đủ, sung túc thường thiếu nghị lực. Do vậy, cha mẹ nên cố ý để trẻ nếm thử vất vả, ví dụ như: chen chúc trên xe buýt, đi bộ dưới trời nắng nóng…
 
Thứ năm: Dạy trẻ trì hoãn sự thỏa mãn, tăng cường sức kiểm soát bản thân
 
Nhiều cha mẹ cũng biết cần phải rèn luyện nghị lực cho con cái nhưng lại không nỡ để trẻ tự gánh vác khó khăn một mình, kết quả là cha mẹ lại gánh vác thay con. Cha mẹ làm như vậy sẽ rất khó rèn luyện được nghị lực kiên cường cho trẻ. Do vậy, cha mẹ không nên chỉ nói miệng mà cần nỗ lực thực hiện.
 
Đổi cách nói 9 Con có cho người khác, người khác mới cho lại con!
 
Cha mẹ thường nói: Đồ ki bo, sau này sẽ chẳng ai thích con đâu!
 
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể thấy một số đứa trẻ thường chỉ biết đến bản thân mình, rất keo kiệt, không muốn chia sẻ bất cứ thứ gì với người khác. Ví dụ, khi thấy một đứa trẻ ba tuổi cầm một quả chuối trong tay, bạn liền nói: “Cho dì một miếng nào!”, nó sẽ từ chối thẳng thừng: “Không, đây là của cháu!”; nếu bạn cướp, nhất định nó sẽ gào khóc ầm ĩ. Trong tình cảnh này, cha mẹ thường thở dài: “Haizz, con bé này keo kiệt bẩm sinh!”.
 
Trẻ con từ nhỏ đã không chịu chia sẻ đồ của mình với bất kì ai, thậm chí ngay cả với cha mẹ, đây là một biểu hiện của sự ích kỉ. Tuy nhiên, những tật xấu này đều là do trẻ tích lũy từ cuộc sống hàng ngày. Cho nên, một khi trẻ có tâm lí như vậy, cha mẹ cần kiên nhẫn, dùng phương pháp hiệu quả để giúp trẻ sửa chữa khuyết điểm.
 
Ví dụ thực tế
 
Minh có một tật xấu là không muốn cho bất cứ bạn học nào động vào đồ đạc của mình, nếu không sẽ mách với cô giáo hoặc cãi nhau với bạn. Để Minh đoàn kết với bạn bè hơn, cha mẹ luôn nghĩ cách giúp Minh sửa tật ích kỉ, nhỏ mọn này.
 
Một lần, Minh về nhà trong bộ dạng ủ rũ. Mẹ ngạc nhiên hỏi: “Minh, sao hôm nay có vẻ không vui thế con?”. Minh liền kể rõ chuyện xảy ra ở trường cho mẹ nghe: “Hôm nay thi trắc nghiệm, bút chì của con đột nhiên bị gãy, nhưng con lại không mang gọt bút chì, đành phải mượn bạn Văn, nhưng Văn nói là bạn ấy không đem theo. Trước khi vào lớp, con rõ ràng nhìn thấy bạn ấy có dùng nó mà…”.
 
Mẹ liền hỏi: “Bạn Văn có bao giờ mượn đồ của con không?”.
 
“Đương nhiên là có ạ. Lần trước bạn ấy mượn con cục tẩy, nhưng con không cho!”, Minh nói.
 
“À, thế thì phải rồi! Lúc Văn mượn đồ, con không cho bạn ấy mượn. Khi con cần mượn đồ, sao bạn ấy có thể giúp con được? Con có cho người ta, người ta mới cho lại con! Con à, bạn bè với nhau phải quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, không được quá ích kỉ!”, mẹ giảng giải.
 
Nghe lời mẹ nói, Minh cúi đầu xấu hổ. Kể từ đó về sau, Minh thường tích cực giúp đỡ các bạn xung quanh, không còn là cậu bé ích kỉ như trước nữa.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Hiện nay, cha mẹ thường dành quá nhiều tình cảm cho con cái, có gì ngon cũng nhường, có gì tốt cũng để cho con dùng. Dần dần trẻ sẽ nghĩ rằng, tất cả mọi thứ đều là của mình, không có ý thức phải chia sẻ với mọi người.
 
Trẻ con là một phần của xã hội, không thể sống cách li với cộng đồng. Những đứa trẻ ích kỉ khi trưởng thành thường gây tổn hại đến lợi ích của xã hội và những người khác, ích kỉ thậm chí còn không có lợi ích cho sự phát tiển và tương lai của trẻ.
 
Vậy, cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ sửa chữa thói quen ích kỉ?
 
Thứ nhất: Không nuông chiều con cái
 
Trẻ con ham ăn, không chịu chia sẻ với người khác là do cha mẹ quá nuông chiều. Có nhiều bậc cha mẹ xuất phát từ tình yêu thương con cái mà nhường tất cả món ngon, đồ tốt cho con; nếu trẻ có muốn chia sẻ với cha mẹ, thì cha mẹ lại thường nói: “Cha mẹ không ăn, con ăn đi!”, lâu dần trẻ sẽ hình thành ý thức hưởng thụ một mình, độc chiếm cho riêng mình.
 
Thứ hai: Không dành sự “đặc biệt” cho trẻ
 
Nên tạo một môi trường “công bằng” trong gia đình, đây chính là cách ngăn ngừa trẻ hình thành thói quen ích kỉ, độc chiếm. Cha mẹ nên dạy trẻ khi nghĩ đến bản thân thì cũng phải nghĩ đến người khác, biết được bản thân mình cũng bình đẳng với mọi người, mình có ước muốn và người khác cũng thế, đồ tốt phải biết chia sẻ với mọi người, không thể một mình độc chiếm.
 
Thứ ba: Giúp trẻ hiểu rằng: chia sẻ không phải là mất đi mà là cùng có lợi
 
Sở dĩ trẻ không chịu chia sẻ là bởi vì chúng nghĩ rằng chia sẻ là mất đi. Cha mẹ nên hiểu tâm trạng này và để trẻ hiểu rằng, chia sẻ là thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ của mình với người khác, mình chịu chia sẻ với người khác thì người khác mới quan tâm và chia sẻ lại với mình. Có như vậy đôi bên mới có thể yêu quý và quan tâm lẫn nhau, mọi người mới cùng vui vẻ được.
 
Thứ tư: Rèn luyện thói quen biết chia sẻ cho trẻ có thể tiến hành ngay từ lúc còn nhỏ
 
Nếu trẻ đang cầm một cái gương còn cha mẹ cầm đồ chơi trong tay, thì cha mẹ có thể lấy cái gương trên tay bé và đổi cho bé món đồ chơi. Thông qua nhiều lần lặp lại hành động như thế, trẻ sẽ học được cách chia sẻ và tin tưởng.
 
Thứ năm: Cho trẻ có cơ hội thực tiễn
 
Thường xuyên triển khai những hoạt động thú vị, để trẻ cảm nhận được niềm vui của việc chia sẻ. Ngoài ra, nên thường xuyên tạo cơ hội để trẻ giúp đỡ cha mẹ, ví dụ như khi mua hoa quả, để bé chia đều cho mọi người. Nếu trẻ chia hợp lí, cha mẹ có thể khen ngợi trẻ.
 
Thứ sáu: Lấy mình làm gương cho trẻ
 
Cha mẹ cần phải làm mẫu cho trẻ, thường xuyên chủ động quan tâm chia sẻ với người khác, ví dụ: giúp đỡ người già, trẻ nhỏ, tặng quà, quyên góp cho quỹ từ thiện…
 
Đổi cách nói 10 Về chuyện này, con cần có suy nghĩ của riêng mình!
 
Cha mẹ thường nói: Con yêu, con nói sai rồi, thực ra là thế này…
 
Hiện nay, cha mẹ thường coi con cái là “báu vật”, sợ trẻ rời khỏi mình là không thể tự đi được. Thực ra, cha mẹ lo lắng như vậy là không cần thiết. Trẻ sớm muộn gì cũng phải rời khỏi vòng tay của cha mẹ, vậy tại sao bạn không sớm buông tay, để trẻ có thể làm theo ý của mình?
 
Ví dụ thực tế
 
Ăn tối xong, Bảo mang bài tập Ngữ văn ra làm, cậu nhờ cha giúp đỡ. Cha xem đề bài, là một bài tập nhìn tranh trả lời. Bức tranh thứ nhất vẽ một cậu bé đang tưới nước cho một cái chồi cây non. Bức tranh thứ hai là một cánh đồng lúa và hai cô bé đang bắt bướm. Nguyên nhân con trai nhờ cha giúp đỡ là vì cô giáo yêu cầu bọn trẻ tiến hành thảo luận, bạn cùng bàn của Bảo cho rằng, bức tranh đầu tiên là “Anh ấy đang trồng cây”, bức thứ hai là “Thu hoạch vụ mùa”.
 
Nhưng trên đường về nhà, lớp phó học tập nói cho Bảo biết đáp án chính xác. Bức đầu tiên là “Anh ấy đang tưới nước”, bức thứ hai là “Các bạn nhỏ đang bắt bướm”. Rõ ràng Bảo đều tán đồng đáp án của cả hai bạn. Cha đặt cuốn sách xuống, kéo con trai lại gần rồi bảo: “Những đáp án mà con vừa nói là đáp án của bạn cùng bàn và lớp phó học tập của con, vậy đáp án của con là gì? Con có thể đưa ra đáp án theo suy nghĩ của mình mà!”. Cha không giúp Bảo đưa ra đáp án, điều này khiến cậu rất khó hiểu. Cha tiếp tục nói: “Con trai, nghĩ ra rồi thì cứ làm theo ý của mình nhé, đừng do dự!”. Nhận được ánh mắt cổ vũ của cha, Bảo liền viết vào bức tranh thứ nhất: “Cây non đang lớn lên”, bức thứ hai là: “Mùa thu đến rồi”.
 
Ngày hôm sau, Bảo về nhà và vui vẻ nói với cha, cô giáo muốn các em học sinh nhìn nhận bức tranh từ nhiều góc độ, vì vậy đáp án nào cũng là chính xác, cô giáo còn đặc biệt khen ngợi Bảo vì câu trả lời giàu trí tưởng tượng.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trong các cuộc thảo luận, trẻ thường a dua theo số đông mà quên đi suy nghĩ của riêng mình. Cha của Bảo đã kịp thời dẫn dắt để con trai hiểu rằng, không nên từ bỏ suy nghĩ của mình. Tuy nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ thường cho rằng suy nghĩ của con là ấu trĩ, buồn cười. Họ thường cho rằng con vẫn còn nhỏ, nên hay có thái độ hoài nghi khi để trẻ làm những việc này. Thực ra, muốn trẻ phát triển tài năng, cha mẹ nên tích cực cổ vũ trẻ làm việc. Nếu có thể, cố gắng để trẻ tự làm, đừng sợ trẻ thất bại, hãy khuyến khích trẻ đưa ra suy nghĩ của mình.
 
Cha mẹ không thể bao bọc con cái cả đời, chỉ có cổ vũ trẻ tự làm việc mới có thể bồi dưỡng khả năng cho trẻ. Nếu cha mẹ cười nhạo hoặc ngăn cản trẻ, vô tình đã khiến sức tưởng tượng của trẻ bị hạn chế, không có lợi cho sự phát triển cá tính, cuối cùng sẽ biến con mình thành những đứa trẻ chỉ biết nghe theo lời cha mẹ, không có tinh thần sáng tạo hay phấn đấu.
 
Cha mẹ cần phải tin tưởng rằng, khi trẻ thực hiện một việc gì đó theo ý tưởng của mình, cho dù có thất bại, trẻ cũng rút ra được những bài học và kinh nghiệm quý báu. Khi trẻ tự làm một việc gì đó, chúng sẽ phải tự nghĩ cách làm, cố gắng để làm cho thành công, điều này có lợi cho sự tìm tòi và sức kiên trì của trẻ.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ muốn bồi dưỡng lập trường cho trẻ cần phải chú ý các điểm sau:
 
Thứ nhất: Cho trẻ có cơ hội phát biểu ý kiến
 
Một số cha mẹ thường có thói quen quyết định thay trẻ, rất ít khi hỏi ý kiến của chúng. Khi con không nghe lời là lớn tiếng trách mắng. Trẻ con cũng có suy nghĩ của riêng mình, cho dù là lúc nào, cha mẹ cũng cần tạo cơ hội cho trẻ biểu đạt ý kiến của mình, cho trẻ có suy nghĩ riêng. Ví dụ, cha mẹ dẫn trẻ đi siêu thị mua đồ, có thể hỏi xem trẻ muốn mua gì; trước khi tắm cho bé, có thể hỏi chúng xem nên chuẩn bị những thứ gì; trước khi dẫn trẻ ra ngoài, có thể hỏi xem bé thích đi bằng phương tiện nào; khi cho trẻ đi du lịch, có thể hỏi xem bé cần chuẩn bị những thứ gì.
 
Thứ hai: Dùng ngôn ngữ gợi ý thay vì ra lệnh
 
Có nhiều cha mẹ khi yêu cầu con làm một việc gì thường sử dụng câu mệnh lệnh, ví dụ: “Cứ làm như thế nhé!”, “Con phải làm ngay đi!”, giọng điệu này khiến trẻ cảm thấy cha mẹ nói một là một, hai là hai, bản thân mình bắt buộc phải làm, cho dù trẻ có làm thì trong lòng cũng không vui.
 
Cha mẹ nên chuyển câu mệnh lệnh thành dạng gợi ý, ví dụ: “Chuyện này làm như thế thì tốt hơn con ạ!”, “Có lẽ con nên đi làm rồi đấy!”… những cách biểu đạt này khiến trẻ cảm thấy rằng cha mẹ tôn trọng mình, từ đó khơi gợi tính độc lập suy nghĩ, chủ động làm việc theo ý nghĩ của bản thân.
 
Thứ ba: Cha mẹ nên giao lưu bình đẳng với con cái
 
Bình thường, cho dù cha mẹ có bận rộn đến đâu, mỗi ngày vẫn nên bớt chút thời gian nói chuyện với con cái. Nên cổ vũ trẻ có chủ kiến, nói ra tại sao mình lại làm như vậy… Mỗi nụ cười, mỗi sự vuốt ve tràn đầy tình yêu thương của cha mẹ đều đem lại niềm vui và niềm tin cho trẻ. Cha mẹ không nên vì bận rộn mà xao nhãng con, càng không nên lấy vai trò là người lớn để ép buộc chúng. Khi cha mẹ phạm sai lầm cũng nên bị phạt như trẻ, đừng vì thể diện, cảm thấy không thể xuống nước mà nổi đóa, làm như vậy sẽ khiến trẻ nảy sinh tâm lí bất bình, ảnh hưởng đến tình cảm của đôi bên. Cha mẹ nên chủ động, kịp thời nhận lỗi trước trẻ. Con sẽ không vì vậy mà khinh thường bạn; ngược lại, chúng sẽ chấp nhận bạn, chủ động giao lưu và nói ra suy nghĩ với bạn, trở thành bạn bè với cha mẹ, thậm chí còn tự hào về bạn nữa.
 
Đổi cách nói 11 Việc Của mình nên tự mình hoàn thành!
 
Cha mẹ thường nói: Nào, để mẹ giúp cho!
 
Nếu như gà con mãi núp dưới đôi cánh của gà mẹ, thì sau này nó không thể tự kiếm thức ăn. Nếu như chim ưng non mãi mãi núp dưới cái bóng to lớn của chim mẹ, thì chắc chắn cũng không thể sải cánh bay trên bầu trời cao. Cũng giống như vậy, trẻ con sống mãi trong vòng tay bao bọc của cha mẹ, sẽ không có khả năng tự lập, khó mà thích nghi với xã hội. Do vậy, cha mẹ không nên ôm đồm, lo lắng thái quá cho trẻ, phải mạnh dạn để trẻ tự lập, để chúng hình thành thói quen tự hoàn thành công việc của mình.
 
Ví dụ thực tế
 
Minh Anh năm nay mười lăm tuổi. Một hôm, cô bé đi vườn thú cùng các bạn. Buổi chiều, Minh Anh về nhà nói với mẹ: “Con làm rách áo bà nội mua cho rồi, làm sao bây giờ hả mẹ?”.
 
Mẹ đang chuẩn bị cơm tối, nghe thấy vậy liền nói với con gái đang lo lắng: “Cứ để tạm đấy đã, đợi lúc nào có thời gian mẹ sẽ khâu lại cho con, chỉ có điều hôm nay bà sẽ đến đấy”.
 
“Thế lát nữa bà đến, nhìn thấy con làm rách áo chắc chắn bà sẽ nổi giận, phải không ạ?”, Minh Anh lo lắng.
 
Mẹ nói: “Đúng thế, bà thường khen con là một đứa trẻ hiểu chuyện, có chuyện gì cũng chẳng để cha mẹ phải lo lắng, nếu phát hiện con làm rách áo, lại còn để ở đấy, không biết bà sẽ nghĩ thế nào?”. Nghe mẹ nói như vậy, Minh Anh bỗng đỏ bừng mặt. Cô bé ngại ngùng nói với mẹ: “Mẹ ơi, chuyện của mình phải tự làm lấy, thôi để con làm thử vậy!”. Mẹ nghe vậy liền gật đầu.
 
Minh Anh tìm kim chỉ, quyết định tự khâu lại áo giống như trước đây mẹ từng làm. Minh Anh thấy vui lắm, dù gì đây cũng là lần đầu tiên cô bé cầm kim chỉ, vẫn còn thấy gượng gạo chân tay. Bởi vì đầu chỉ bị tòe ra nên phải mất năm phút cô bé mới luồn được chỉ vào kim, sau đó mới bắt đầu khâu. Vừa bất cẩn một chút, Minh Anh đã bị kim đâm vào tay. Cô bé tức tối kêu lên.
 
Mẹ nghe thấy tiếng liền chạy vào, nhìn thấy Minh Anh ném cả áo, cả kim chỉ sang một góc. Mẹ liền buộc tay cho Minh Anh rồi nói: “Con ngoan, con xem đi, ngón tay không sao nữa rồi. Con khâu cũng đẹp đấy, nhưng vẫn còn chưa xong này”. Nghe mẹ nói vậy, Minh Anh lại thấy xấu hổ. Một lúc sau, Minh Anh cũng làm xong, cầm trên tay chiếc áo do chính mình khâu lại, cô bé cảm thấy rất vui!
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Từ câu chuyện trên có thể thấy, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ làm những việc lặt vặt trong cuộc sống. Điều này sẽ có lợi cho việc bồi dưỡng khả năng tự xử lí những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Khi trẻ đã hình thành thói quen yêu lao động và tự hoàn thành việc của mình, thì trên đường đời sau này nếu có gặp phải khó khăn, trẻ sẽ không chờ đợi hay dựa dẫm vào sự giúp đỡ của người khác mà chủ động giải quyết.
 
Kì thực, cha mẹ làm thay trẻ những chuyện trẻ nên làm không chỉ không mang lại niềm vui cho con, mà còn khiến chúng mất đi cơ hội để tự rèn luyện bản thân.
 
Để trẻ hình thành thói quen tốt ngay từ nhỏ, chúng tôi có vài lời khuyên cho cha mẹ như sau:
 
Thứ nhất: những việc trong phận sự của trẻ, cha mẹ không nên làm thay
 
Những việc như chỉnh lại ga trải giường, giặt tất, soạn sách vở… nhất định phải để trẻ tự làm. Những đứa trẻ còn ít tuổi có thể làm chưa tốt, nhưng không sao, đây là quá trình để trẻ trải nghiệm và rèn luyện.
 
Thứ hai: Để trẻ tự tay làm, tự thỏa mãn nhu cầu cá nhân
 
Bất cứ đứa trẻ nào cũng đều muốn tự thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Trước tiên, cha mẹ cần phân chia rõ ràng nhu cầu tích cực và tiêu cực của trẻ. Từ đó, cha mẹ có thể chấp nhận những nhu cầu tích cực, kiềm chế những nhu cầu tiêu cực. Tiếp theo, khi trẻ xác định muốn làm, cha mẹ nên cổ vũ, tán thưởng, tạo điều kiện cho trẻ tự tay làm.
 
Thứ ba: Để lao động khơi gợi trí tuệ của trẻ
 
Trong quá trình trẻ làm việc, đôi bàn tay sẽ được chi phối bởi khối óc, đây là quá trình trẻ vận dụng các khả năng: quan sát, chú ý, ghi nhớ, tưởng tượng, tư duy, ngôn ngữ... Đồng thời, động tác của tay lại có thể kích thích não hoạt động.
 
Thứ tư: Đưa ra yêu cầu có kế hoạch làm việc cho trẻ
 
Cha mẹ khi yêu cầu trẻ lao động nên nhắc nhở trẻ phải suy nghĩ kĩ xem bản thân muốn làm gì, làm như thế nào là tốt nhất. Nếu như lần đầu trẻ giặt khăn tay, cha mẹ có thể bảo trẻ làm theo trình tự của mình: chuẩn bị nước, xà phòng, xắn tay áo lên, nhúng ướt khăn tay, xát xà phòng, vò khăn tay, dùng nước sạch xả lại, phơi ra ngoài… Cha mẹ thường xuyên chỉ bảo cho trẻ cách làm có trình tự như vậy, có thể hình thành thói quen làm việc có kế hoạch cho trẻ.
 
Đổi cách nói 12 Những đứa trẻ thông minh không bao giờ viện cớ cho những sai lầm của mình!
 
Cha mẹ thường nói: Chuyện này không thể trách con được, là lỗi của xxxxxxx
 
Trẻ con hiện nay chẳng khác gì “chuyên gia” trong chuyện viện cớ, làm chuyện gì mà phạm sai lầm là viện đủ lí do. Trong cuộc sống, nhiều lúc trẻ thường làm những việc không như ý của cha mẹ, để tránh bị trách mắng, chúng thường tìm ra một cái cớ nào đó.
 
Ví dụ thực tế
 
Cương năm nay 13 tuổi, học lớp tám, rất thông minh, cũng rất chăm chỉ, chịu khó phấn đấu, thành tích học tập luôn nằm trong top ba của lớp. Nhưng Cương khá bướng bỉnh, nghịch ngợm, lại còn thường xuyên viện cớ cho những sai phạm của mình. Một lần, cậu đi học muộn, cô giáo hỏi tại sao đi muộn, Cương lấy bừa lí do: “Mẹ em chuẩn bị bữa sáng muộn quá, nên em mới đi muộn!”. Có lần, sau khi tan học, Cương mải mê đá bóng với bạn mà quên mất làm bài tập về nhà, sáng hôm sau lúc nộp bài, cậu liền nói với cô giáo: “Em làm rồi, nhưng em để quên ở nhà ạ!”. Những chuyện tương tự như vậy rất nhiều. Lần này thi giữa kì, kết quả môn Tiếng
 
Việt của Cương không được tốt lắm (Cương được 8 điểm, mà quá nửa lớp đều được 9 điểm, còn năm người được điểm tuyệt đối). Mẹ hỏi Cương: “Tiếng Việt chẳng phải là môn sở trường của con sao, sao kết quả lại thế này?”. Cương lại bịa đại một lí do: “Cô giáo đọc không rõ lắm, con nghe mà chẳng hiểu gì cả!”. Mẹ nói: “Những đứa trẻ thông minh không bao giờ viện cớ cho những sai lầm của mình, họ thường khiêm tốn tiếp nhận lời phê bình của người khác rồi lặng lẽ sửa đổi. Thực ra, kiểm tra không tốt cũng không sao, tích cực tổng kết kinh nghiệm, cố gắng lần sau thi tốt hơn là được rồi!”. Cương ngẫm nghĩ cũng phải, cô giáo cũng từng nhắc nhở cậu về cái tật này. Thế là Cương không cãi lại mẹ như thường ngày nữa, mà quyết tâm sẽ sửa chữa thói xấu này.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu trẻ có thói quen viện cớ cho những sai phạm của mình, thì cha mẹ nên xem xét lại bản thân: có phải mình cũng thường xuyên nói những lời thoái thác trách nhiệm như vậy không; có phải mỗi khi trẻ làm sai chuyện gì, cha mẹ thường nghiêm khắc mắng mỏ và chỉ trích trẻ không. Nếu đúng là như vậy, cha mẹ cần thay đổi cách làm và thái độ của mình.
 
Nếu trẻ phạm sai lầm, cha mẹ cần phải có thái độ hiền hòa, giảng giải cho trẻ hiểu, chia sẻ suy nghĩ và cảm nhận của đôi bên; đồng thời thảo luận và cho trẻ biết rằng, mỗi cách ứng phó với tình huống khác nhau có thể dẫn đến những kết quả khác nhau.
 
Khi trẻ bất cẩn phạm phải sai lầm, để tránh bị phạt và mắng mỏ, chúng thường thoái thác trách nhiệm. Trong con mắt người lớn, thái độ đó giống như là một lời nói dối, thực ra không phải vậy. Cha mẹ nên hiểu tâm lí của trẻ, nên để trẻ biết làm như vậy sẽ gây ra tổn hại cho người khác và sau này phải chú ý hơn, không nên chỉ trích hay trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc.
 
Nhiều lúc, trẻ hay viện cớ là do phương pháp giáo dục của gia đình và nhà trường chưa đúng. Để trẻ có thể phát triển lành mạnh, nhất định không được để trẻ viện cớ cho sai lầm của mình, hay nói cách khác, cần bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho trẻ.
 
Thứ nhất: bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho trẻ, khi xảy ra chuyện, để trẻ học cách tự chịu trách nhiệm
 
Phải để trẻ hiểu vấn đề này không phải của thầy cô, cha mẹ mà là ở chính bản thân trẻ.
 
Ví dụ, nếu trẻ nói rằng, bài kiểm tra Tiếng Việt làm không tốt là do cô giáo nói không chuẩn nên nghe không hiểu, thì hãy hỏi trẻ: “Thế tại sao các bạn khác lại hiểu?”. Nói chung, cha mẹ cần dạy trẻ không nên viện lí do cho thất bại hoặc sai lầm của mình thông qua những tình huống trong đời sống hàng ngày. Dần dần, trẻ sẽ học được thói quen tự chịu trách nhiệm về bản thân. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là, bạn phải cho phép trẻ phạm sai lầm để trẻ có cơ hội sửa sai.
 
Thứ hai: nói với trẻ “không nên viện cớ cho thất bại của mình, phải nghĩ cách để thành công!”
 
Thất bại và thành công là hai mặt đối lập, nhưng lại luôn song hàng cùng nhau. Chẳng có ai dám đảm bảo cả đời này mình
 
luôn là “kẻ chiến thắng”. Cũng chẳng có ai chưa từng nếm trải mùi vị của sự thất bại. Khi thất bại, ai cũng buồn rầu, phiền não, thậm chí là suy sụp. Trong những lúc khó khăn như thế, có thể tìm một vài cái cớ hợp lí để bản thân cảm thấy dễ chịu một chút. Nhưng những cái cớ tưởng như hợp lí này thực ra là để che đậy cho sai lầm và sự hèn nhát không dám nhìn thẳng vào thất bại. Cha mẹ cần phải truyền đạt đạo lí này cho con cái. Khi thất bại, cần tích cực, dũng cảm phân tích nguyên nhân, tìm kiếm phương pháp, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, để cuối cùng có thể giành được thành công.
 
Thứ ba: Ủng hộ và cổ vũ
 
Khi trẻ có biểu hiện tốt, cha mẹ nên kịp thời khen ngợi và cổ vũ; Khi trẻ phạm sai lầm, nên cho trẻ có cơ hội gánh vác trách nhiệm, đồng thời ủng hộ và cỗ vũ trẻ nhiều hơn. Ví dụ: trẻ làm vỡ kính nhà hàng xóm, hãy để trẻ tự gánh vác trách nhiệm, đồng thời cổ vũ trẻ dũng cảm đối mặt với hậu quả mà mình gây ra, cha mẹ có thể giúp đỡ trẻ một phần.
 
Thứ tư: Tránh trừng phạt hay mắng mỏ trẻ quá nghiêm khắc
 
Xử phạt khiến trẻ dễ thu mình, sợ hãi, không dám đối mặt với trách nhiệm. Cha mẹ nên tránh trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc.
 
Đổi cách nói 13 Chuyện mẹ đã hứa với con, nhất định mẹ sẽ làm được!
 
Cha mẹ thường nói: “Mẹ quên rồi, để lần sau nhé!”.
 
Người không giữ lời hứa thường không có tiếng nói trong đám đông. Do vậy, làm người đừng nên tùy tiện hứa hẹn. Đã nói là phải làm, đã làm là phải có kết quả, đó không chỉ là sự tôn trọng đối với người khác mà còn là sự tôn trọng bản thân.
 
Cha mẹ muốn con mình giữ chữ tín thì bản thân mình cũng phải làm gương cho trẻ. Đã hứa với con thì nhất định phải thực hiện. Nếu cho rằng trẻ còn ít tuổi nên có thể ỡm ờ cho qua chuyện thì bạn sai rồi! Từng lời nói, hành động của cha mẹ đều được trẻ ghi nhớ và có thể làm theo bất cứ lúc nào.
 
Ví dụ thực tế
 
Hôm nay là sinh nhật mười tuổi của bé Trà. Vừa tan học là cô bé vui vẻ chạy ngay về nhà, bởi vì mẹ đã hứa sẽ mua quà sinh nhật cho em. Trên đường về, Trà cứ nghĩ mãi: không biết mẹ mua gì cho mình nhỉ?
 
Về đến nhà, vì không giấu nổi sự tò mò, nên Trà đi tìm khắp nhà, lộn tung mọi thứ lên nhưng không thấy thứ gì đặc biệt cả. Cuối cùng, cô bé đành đi đến trước mặt mẹ, nói: “Mẹ ơi, quà mẹ định tặng con đâu?”. Mẹ Trà nhìn cô bé rồi nói: “Hả? Mẹ…”, Trà nhìn thấy mẹ ấp úng liền tỏ vẻ không vui. Mẹ Trà vội nói: “Mẹ đã chuẩn bị cho con từ lâu rồi, mẹ đã hứa thì nhất định mẹ sẽ làm mà!”. Nghe mẹ nói vậy, Trà liền nhoẻn miệng cười. Mẹ bảo Trà nhắm mắt lại, chìa hai tay ra. Mẹ đặt món quà vào tay Trà. Trà mở mắt ra, món quà được bọc rất cẩn thận, trên đó còn có một bông hoa. Cô bé dùng kéo cắt giấy bọc ra, bên trong là hai cuốn sách, đều là sách mà Trà thích. Trà cầm lấy món quà, vui vẻ cảm ơn mẹ. Nhìn con gái vui vẻ, mẹ nói: “Con à, nếu hôm nay mẹ quên lời hứa với con, chắc chắn con sẽ rất buồn đúng không?”.
 
“Đúng ạ! Nếu thế thì mẹ sẽ là người không giữ lời hứa!”.
 
“Thế thì sau này con phải nhớ, đã hứa với người khác thì nhất định phải làm được nhé! Nếu không người khác sẽ buồn lắm đấy!”.
 
“Mẹ yên tâm, con nhất định sẽ giữ lời hứa!”, bé Trà vui vẻ trả lời.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Những chuyện cha mẹ đã hứa với trẻ thì nhất định phải làm bằng được. Có thể nhiều người nghĩ rằng, không cần quan trọng quá lời hứa với trẻ. Nhưng bạn không biết rằng, trẻ luôn coi lời hứa của người lớn là thật và sẽ rất trông mong. Nếu lời hứa không được thực hiện, trẻ sẽ thay đổi thái độ với cha mẹ, chúng sẽ nghĩ rằng cha mẹ là người không giữ lời. Nếu cha mẹ thực hiện đúng lời hứa, trẻ sẽ hiểu rằng mỗi người đều phải có trách nhiệm với lời hứa của mình. Từ đó, trẻ sẽ chú ý tăng cường tinh thần trách nhiệm trong lời nói và hành vi của bản thân.
 
Cha mẹ có vai trò không nhỏ trong việc dạy trẻ biết giữ chữ tín. Cha mẹ có thể bắt đầu từ những phương diện sau đây:
 
Thứ nhất: nói được phải làm được
 
Dạy trẻ phải biết giữ chữ tín và có trách nhiệm, khi đã hứa với ai đó chuyện gì thì cần làm bằng được. Nếu như cố gắng rất nhiều mà vẫn không làm được, thì nên thành khẩn nói rõ nguyên nhân, thể hiện thành ý xin lỗi. Cần dạy trẻ trước khi hứa với ai đó việc gì cần phải nghĩ kĩ xem khả năng của mình có thể làm được hay không, không được hứa bừa bãi những việc mình không thể làm được.
 
Thứ hai: Kịp thời cổ vũ
 
Khi trẻ giữ chữ tín, cha mẹ cần khen ngợi và biểu dương trẻ.
 
Thứ ba: Đúng giờ và chữ chữ tín
 
Đúng giờ và giữ chữ tín nhiều khi lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cha mẹ cần quán triệt hai vấn đề này làm một để tiến hành huấn luyện, bồi dưỡng, khiến trẻ hình thành thói quen đúng giờ và giữ chữ tín.
 
Thứ tư: Để trẻ biết chân lí của việc giữ chữ tín
 
Trẻ vẫn còn ít tuổi, thường không ý thức được hậu quả của việc không giữ lời hứa, mãi đến khi bị bạn bè cô lập mới ý thức được phần nào. Cha mẹ có thể thông qua hình thức kể chuyện để giúp trẻ hiểu được rằng, khi hứa mà không thực hiện sẽ khiến người khác rất tức giận. Những người không giữ chữ tín thường không được lòng mọi người. Hơn nữa, nếu trẻ đã hứa với ai đó chuyện gì, thì cha mẹ nên đốc thúc trẻ thực hiện.