Nói Sao Cho Trẻ Nghe Lời

Chương 4: Để Trẻ Yêu Học Tập

Mặc dù mọi môn học và thành tích đều có mối quan hệ nhất định với trí tuệ, nhưng trên thực tế, thành tích học tập tốt hay xấu đều có liên hệ mật thiết đến thói quen học tập. Thói quen học tập tốt tạo ra phẩm chất tốt, phẩm chất tốt sẽ có lợi cho chuyện tiến bộ trong học tập. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng thói quen học tập đúng đắn cho con cái.
 
Đổi cách nói 22 Con à, Con phải tin mình nhất định sẽ làm được!
 
Cha mẹ thường nói: Học tập là cho mình, sao con không chịu cố gắng nhỉ?
 
Nếu như con bạn thiếu thói quen chủ động trong học tập, bạn nên xem xét lại phương pháp giáo dục của mình. Thường ngày, có thể bạn không có thời gian dạy con học, hoặc không thể đọc sách cùng con, nhưng bạn không thể bỏ qua việc đào tạo khả năng chủ động học tập cho chúng.
 
Ví dụ thực tế
 
Mẹ Vĩ bị cô giáo chủ nhiệm mời đến trường, vẫn là vấn đề cũ: việc học tập của Vĩ. Kì thực, lúc mới lên tiểu học, thành tích học tập của Vĩ cũng không tồi, thường xuyên được mang giấy khen về nhà. Nhưng dần dần Vĩ đã thay đổi, làm bài tập lung tung cả, đặc biệt là năm lớp bốn, cậu còn thường xuyên bị cô giáo mời phụ huynh đến gặp. Ban đầu, mẹ còn kiên nhẫn giảng giải cho Vĩ, nhưng chỉ được vài ngày đầu, sau đâu lại vào đấy. Cuối cùng, mẹ đành dùng đến biện pháp này:
 
Mẹ đặt một cái bàn nhỏ bên cạnh giường của Vĩ, trên góc bàn bên trái có dán rất nhiều tờ giấy ghi: “Con à, con phải tin nhất định
 
mình sẽ làm được”, chỉ cần ngẩng đầu lên là Vĩ nhìn thấy. Thế là cứ mỗi lần Vĩ không muốn làm bài tập, ngẩng đầu lên nhìn thấy dòng chữ ấy là cậu lại cố gắng làm cho xong.
 
Thỉnh thoảng, mẹ lại đến trước mặt con trai nói: “Con à, mẹ tin chắc chắn con sẽ làm tốt bài tập. Con là một đứa trẻ ngoan, không cần mẹ phải lo lắng!”.
 
Dưới sự cổ vũ âm thầm của mẹ, Vĩ đã hình thành thói quen chủ động trong chuyện học hành.
 
Để bồi dưỡng khả năng học tập cho con, cha mẹ Vĩ thường xuyên cùng ngồi thảo luận bài khó với con trai, cùng chia sẻ những niềm vui trong học tập. Cứ như thế, trong gia đình, Vĩ trở thành nhân vật chính trong chuyện học tập, cha mẹ trở thành bạn học, bạn tri kỉ, trở thành cột trụ tinh thần vững chãi cho Vĩ.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Thói quen tự chủ trong học tập không chỉ có lợi cho trẻ mà còn có thể giảm nhẹ gánh nặng cho cha mẹ, do vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý bồi dưỡng thói quen tự chủ trong học tập cho con:
 
Thứ nhất: Khi trẻ làm bài tập, cha mẹ hạn chế tối đa làm phiền trẻ, càng không nên đứng bên cạnh nhìn, mắng mỏ trẻ làm chưa đúng
 
Nếu cha mẹ muốn biết trẻ làm bài tập như thế nào, có thể quan sát tinh thần và vở bài tập của trẻ. Nếu trẻ viết ngoáy, chứng tỏ trẻ không nghiêm túc làm bài, cha mẹ cần nhắc nhở. Ngoài ra, nếu trẻ không chuyên tâm làm bài tập, lúc làm cái này, một lúc lại chuyển sang làm cái kia, cha mẹ nhất định phải ngăn chặn, đồng thời nói với trẻ rằng: Khi làm bài tập phải chuyên tâm, những việc như gọt bút chì, bơm mực… phải hoàn thành trước khi làm bài tập.
 
Thứ hai: Tạo môi trường học tập, cùng học với trẻ
 
Ví dụ, cha mẹ yêu học tập, thường nói chuyện về tầm quan trọng của học tập, mua cho trẻ những cuốn sách có ích cho việc học… những việc này đều có ảnh hưởng đến nhiệt tình học tập của trẻ, từ đó hình thành thói quen tốt cho việc chủ động trong học tập.
 
Thứ ba: Trong quá trình bồi dưỡng thói quen chủ động học tập, cha mẹ còn nên dạy trẻ khi gặp vấn đề mình không biết thì phải hỏi ngay
 
Khi trẻ gặp phải vấn đề không hiểu, cha mẹ không nên trách mắng trẻ mà nên kiên nhẫn giảng giải, phân tích nguyên nhân, sau đó tích cực hướng dẫn, gợi ý, giúp trẻ suy nghĩ giải quyết vấn đề. Nghiêm cấm nôn nóng, bỏ mặc trẻ tự tìm hiểu. Đồng thời, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ hình thành thói quen: có vấn đề gì không biết là phải hỏi ngay, ghi chép lại những vấn đề còn thắc mắc lại để tiện hỏi giáo viên hoặc bạn học…
 
Đổi cách nói 23 Dạo này con viết nhanh thật đấy!
 
Cha mẹ thường nói: Viết có mấy chữ thôi mà chậm như rùa, thế này thì làm được cái gì!
 
Rất nhiều vấn đề của trẻ còn tồn tại là do cách nói của người lớn chưa đúng. Trẻ con viết chữ chậm tưởng là vấn đề nhỏ nhưng thực ra cha mẹ không nên coi thường. Tốc độ viết chậm, đáng lẽ làm bài tập chỉ mất nửa tiếng là xong, nhưng trẻ lại mất hai tiếng đồng hồ mới hoàn thành, từ sáng đến tối chỉ biết làm bài tập, đầu óc nặng nề, không có thời gian để nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lí của trẻ. Vì tốc độ viết chậm nên trẻ không có nhiều thời gian rảnh rỗi để vui chơi, kết bạn, cũng không có thời gian để học thêm ở ngoài, gặp phải sự hạn chế về mặt nhận thức và cá tính.
 
Ví dụ thực tế
 
Ngọc năm nay 8 tuổi, khả năng ghi nhớ và phản ứng của cô bé thường ngày không đến nỗi chậm, chỉ có tốc độ viết chữ là vô cùng chậm chạp. Các bạn khác chỉ mất nửa tiếng là làm xong bài tập, Ngọc lại mất hơn tiếng đồng hồ mới hoàn thành, nhiều lúc cuống Ngọc còn viết sai nữa. Mẹ nói không biết bao nhiêu lần nhưng cô bé vẫn không hề tiến bộ.
 
Một hôm, mẹ vô tình phát hiện ra rằng: Ngọc viết xong một từ lại phải xóa đi viết lại đến mấy lần. Thế là mẹ đến bên cạnh Ngọc, nói: “Tại sao con cứ xóa liên tục thế? Như thế chẳng phải viết càng chậm hơn sao?”. Ngọc bình tĩnh trả lời: “Cô giáo nói viết chữ phải rõ ràng, nét nào ra nét ấy. Nếu con viết không đẹp, ngày mai lên lớp cô giáo lại phê bình con làm bài không nghiêm túc. Con cũng biết mình viết rất chậm, mẹ có thể hướng dẫn con cách nào viết vừa nhanh vừa đẹp không?”. Nghe con nói vậy, mẹ liền khuyên: “Con à, con có thể viết tất cả ra vở, sau đó chữ nào xấu quá thì con tẩy đi viết lại là được mà? Nếu cứ tiếp tục thế này thì con viết một chữ bằng người ta viết ba chữ đấy, vì con xóa đi xóa lại đến ba lần mà. Người ta đều đi chơi cả rồi, con vẫn còn đang phải viết!”. “Dạ, con sẽ thử làm theo cách mẹ bảo ạ!”, Ngọc vui vẻ nói.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Nhiều trẻ viết chữ rất chậm, cho dù cha mẹ có giục thế nào cũng không nhanh hơn được. Nhiều cha mẹ thấy con mình chưa viết xong liền giục: “Sao con viết chậm thế, người ta viết xong cả rồi kìa! Con còn làm gì mà chưa xong thế hả?”, “Chẳng phải ở nhà mẹ đã bảo con phải viết nhanh lên rồi sao?”, “Ai bảo con vừa viết vừa chơi thế, mẹ đánh cho một trận bây giờ!”… nhiều bậc cha mẹ vì nóng tính còn giơ tay lên đánh con. Rõ ràng, đánh mắng không phải là phương pháp hiệu quả. Vậy, là cha mẹ, bạn nên làm gì đây?
 
Trước tiên, tìm ra nguyên nhân khiến trẻ viết chậm. Có ba nguyên nhân khiến trẻ viết chậm:
 
Thứ nhất: Trẻ sợ viết xấu sẽ bị cô giáo phê bình, vì vậy không dám viết nhanh
 
Với những trẻ như thế này, cha mẹ không nên dùng bạo lực để trừng phạt trẻ, tốt nhất là dùng phương pháp như mẹ Ngọc đã sử dụng.
 
Thứ hai: Có một số trẻ dùng lực cầm bút quá mạnh, đến mức nét chữ hằn lên vở rất sâu, vì vậy viết rất chậm
 
Cha mẹ cần nói với trẻ thế này: “Ai mà cầm bút nhẹ nhàng lại viết đẹp chính là người giỏi nhất!”.
 
Thứ ba: nguyên nhân phổ biến khiến trẻ viết chậm đó là phân tán tư tưởng
 
Một số trẻ cứ viết được vài từ là lại làm việc khác, cha mẹ quát thì mới viết tiếp. Đối với những trẻ như vậy, cha mẹ cần dặn trẻ: “Viết xong rồi mới được chơi!”. Nhiều khi trẻ nghĩ rằng làm xong bài tập cha mẹ sẽ lại bắt tập đàn hay làm bài tập thêm, vì vậy chúng cứ cố tình kéo dài thời gian. Nếu cha mẹ nói cho trẻ biết, chúng được làm việc tùy thích khi làm xong bài tập, trẻ sẽ tăng tốc độ.
 
Nếu là hai nguyên nhân đầu, thì cha mẹ không cần phải lo lắng. Trẻ lớn dần đồng nghĩa với vấn đề này sẽ được giải quyết. Nếu có thời gian rảnh, cha mẹ có thể dạy trẻ làm vài món đồ thủ công để rèn luyện tay. Còn với nguyên nhân thứ ba, có thể thay đổi môi trường học tập của trẻ, đặc biệt là khi trẻ viết chữ, không để những thứ thu hút sự chú ý trước mặt trẻ, không nên giục giã (đây cũng là một hình thức làm phiền) nhưng nên hạn chế thời gian cho trẻ. Thông qua phương pháp này, tốc độ viết chữ của trẻ sẽ tăng lên thấy rõ.
 
Thực ra để đối phó với vấn đề này, cha mẹ cần chú ý những điều sau:
 
Thứ nhất: Bồi dưỡng thói quen tập viết
 
Đối với học sinh lớp một, việc đào tạo thói quen tập viết vô cùng quan trọng. Cha mẹ nên có ý thức rèn luyện cho trẻ, ví dụ: tập trung chú ý khi viết, nhìn rõ rồi mới viết, vừa nghĩ vừa viết, lúc viết không được nhìn ngang nhìn dọc, không làm những việc không liên quan khi đang viết…
 
Thứ hai: Tập cho bé thói quen viết đúng đắn
 
Cha mẹ có thể dạy cho bé cách viết chữ đúng đắn, cần chú ý ba điều sau:
 
(1) Cầm bút đúng cách: Cầm bút đúng hoặc sai cách cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tốc độ viết.
 
(2) Nghĩ xong rồi mới viết: Rất nhiều học sinh tiểu học có thói quen vừa nhìn vừa viết, nhìn được chữ nào viết chữ đó hoặc nhìn được đoạn nào thì viết đoạn đó, làm như vậy thì chữ sẽ xấu mà tốc độ viết lại chậm. Khi trẻ mới đi học có thể để bé vừa nhìn vừa viết, nhưng khi đã biết viết được một thời gian rồi thì nên rèn luyện cho bé thói quen "nghĩ xong rồi mới viết".
 
(3) Giữ tâm lý ổn định: Duy trì trạng thái tâm lý tốt khi viết có thể cải thiện được tốc độ viết.
 
Đổi cách nói 24 Kể cho mẹ nghe câu chuyện trong sách đi, mẹ rất muốn nghe đấy!
 
Cha mẹ thường nói: Đừng làm phiền mẹ, ra kể cho cha nghe đi!
 
Thế giới rất rộng lớn, còn trường học thì rất nhỏ, thế giới trong sách vở lại càng nhỏ hơn, mà các em học sinh sau này sẽ phải đối mặt với một thế giới rộng lớn. Trong giai đoạn là học sinh, trẻ sẽ bắt đầu độc lập tư duy, mở rộng tầm mắt, hình thành nên thói quen đọc sách... những điều này có ảnh hưởng tích cực đến công việc trong tương lai của trẻ. Đọc sách tham khảo là một con đường quan trọng để trẻ bồi dưỡng khả năng đọc sách của mình.
 
Ví dụ thực tế
 
Vũ là một cậu bé thông minh, từ nhỏ đã biết ngâm thơ, kể chuyện, lúc học lớp năm còn viết được rất nhiều tác phẩm văn học, cuối cùng, cậu thi đỗ vào khoa Văn của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
 
Thành tích đáng tự hào mà Vũ có được là nhờ công lao rất lớn từ sự giáo dục của mẹ.
 
Nghe mẹ kể, lúc nhỏ Vũ là một đứa trẻ rất hiếu kì, ngày nào cũng quấn lấy mẹ hỏi hết cái này đến cái kia, nhiều lúc hỏi những câu khiến mẹ cũng không trả lời được. Về sau, mẹ mua cho Vũ cuốn sách “Bách khoa toàn thư cho trẻ”, cuốn sách này đã giúp Vũ giải đáp rất nhiều câu hỏi khó. Dần dần, các thắc mắc của Vũ bắt đầu ít đi, chỉ cần có gì không hiểu là cậu lại chủ động tìm kiếm trong sách. Mẹ vui mừng lắm. Về sau, mẹ còn lên kế hoạch bồi dưỡng khả năng quan sát, miêu tả, biểu đạt bằng miệng cho con trai. Mẹ Vũ đã mua rất nhiều sách tham khảo cho trẻ em, trong đó đa phần là những cuốn truyện có kèm theo tranh vẽ. Sách để ở nhà, cứ có thời gian là Vũ lại giở ra đọc. Vì muốn tăng cường khả năng ghi nhớ cho con nên cứ cách một thời gian mẹ lại nói với Vũ: “Kể cho mẹ nghe những câu chuyện trong sách đi, mẹ thích nghe lắm!”. Vũ nghe thấy mẹ nói vậy, lần nào cũng vui vẻ kể cho mẹ nghe những câu chuyện mà mình đã đọc được trong sách. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, Vũ dần dần trưởng thành, cậu không chỉ học kiến thức trong ngoài sách vở mà còn tận dụng thời gian để đọc rất nhiều sách tham khảo, làm giàu thêm vốn kiến thức và mở rộng tầm mắt cho bản thân.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh chỉ cho con đọc sách trong chương trình học mà không cho đọc thêm các loại sách bên ngoài chương trình, nhiều bậc phụ huynh còn đánh mắng con cái vì dám đọc những loại sách này. Các bậc phụ huynh đều nghĩ rằng, con cái dành quá nhiều thời gian cho việc đọc những loại sách tham khảo sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, kết quả học tập sẽ giảm sút.
 
Thực ra, sách tham khảo cũng cần thiết chẳng kém gì sách giáo khoa. Đương nhiên, sách giáo khoa là con đường chủ yếu để trẻ thu nhận kiến thức, nhưng con đường chủ yếu không phải là con đường duy nhất, sách giáo khoa không thể toàn diện, không thể đề cập đến hết mọi mặt kiến thức được. Vì vậy, trẻ cần phải được bổ sung những kiến thức bên ngoài bằng các con đường khác, mà sách tham khảo chính là trợ thủ đắc lực nhất. Một đứa trẻ chỉ đọc sách giáo khoa mà không đọc sách tham khảo chắc chắn kiến thức sẽ rất hạn hẹp, giống như việc chỉ ăn cơm mà không ăn các loại thức ăn khác, dinh dưỡng không được đầy đủ, đương nhiên gây ra suy dinh dưỡng.
 
Không thể phủ nhận việc các bậc phụ huynh không cho con đọc sách tham khảo là vì muốn tốt cho con, họ lo lắng đọc những sách đó có thể gây ảnh hưởng đến việc học hành của con. Nhưng một đứa trẻ mười hai, mười ba tuổi đang ở trong giai đoạn đột phá phát triển trí tuệ, chúng rất tò mò và có nhu cầu tìm hiểu kiến thức rất mãnh liệt. Nếu như cha mẹ ngăn cản, kìm kẹp, không những không nâng cao được ý thức học tập mà trái lại, còn làm mất đi cơ hội học tập của chúng. Sách tham khảo là một thế giới phong phú, bồi dưỡng nên hứng thú học tập của trẻ. Tuy nhiên, đối với các em học sinh cấp một, cấp hai, do chưa trưởng thành nên khả năng phân biệt còn hạn chế, chưa hình thành nên thói quen đọc sách đúng đắn. Điều này cần phải có cha mẹ hướng dẫn, tạo nền tảng để trẻ hình thành thói quen đọc sách đúng đắn. Cha mẹ có thể tham khảo một vài cách sau:
 
Thứ nhất: Lựa chọn sách đọc thêm dựa trên đặc điểm của trẻ
 
Cách tốt nhất là cha mẹ và con cái cùng bàn bạc, lựa chọn sách vở, lựa chọn những loại phù hợp để kích thích hứng thú học tập của trẻ. Ví dụ: có thể chọn các cuốn sách kể chuyện về các danh nhân để trẻ noi theo….
 
Thứ hai: Tôn trọng hứng thú đọc sách của trẻ
 
Mặc dù cha mẹ cần tôn trọng hứng thú đọc sách của trẻ, nhưng không nên hoàn toàn nghe theo ý thích của chúng, bởi vì khả năng phán đoán và kiểm soát bản thân của trẻ còn hạn chế. Thông thường, trẻ sẽ lựa chọn những cuốn sách mà mình thích đọc, cha mẹ có thể tôn trọng lựa chọn đó, miễn là không phải những loại sách bạo lực, đồi trụy, kinh dị….
 
Thứ ba: quy định thời gian đọc sách tham khảo của trẻ
 
Cha mẹ có thể đưa ra kế hoạch hoặc thời gian cụ thể để trẻ đọc sách bên ngoài. Sau khi trẻ hoàn thành bài tập, cho phép và cổ vũ trẻ đọc sách tham khảo. Ví dụ, quy định với trẻ rằng sau khi tan học, trong thời gian nghỉ ngơi có thể đọc thêm sách tham khảo, nhưng đến giờ học bài nhất định không được đọc sách đó nữa; cũng có thể cân nhắc xem lượng bài tập mà trẻ phải hoàn thành trong ngày hôm ấy nhiều hay ít để tăng hoặc giảm thời gian đọc sách tham khảo. Chỉ cần trẻ phân chia thời gian hợp lí, việc đọc sách tham khảo sẽ không ảnh hưởng đến chuyện bài vở, ngược lại còn có thể mở mang thêm tầm hiểu biết cho trẻ.
 
Đổi cách nói 25 Sau này, mỗi ngày con nhớ dạy mẹ một từ mới tiếng anh nhé!
 
Cha mẹ thường nói: Mỗi ngày con phải học thuộc 15 từ mới, nếu không thì đừng có ăn cơm!
 
Trẻ học tiếng Anh chủ yếu là học từ mới và một vài câu đơn giản, nên bồi dưỡng hứng thú học tiếng Anh cho trẻ ngay từ lúc chúng mới bắt đầu. Điều này rất có lợi cho việc học tiếng Anh sau này của trẻ. Cha mẹ có thể tiến hành từ nhiều phương diện để bồi dưỡng hứng thú cho trẻ.
 
Ví dụ thực tế
 
Bé Long học bị lệch, thích học toán, thích xem sách Tiếng Việt, thích làm bài tập Tiếng Việt nhưng lại cực kì ghét môn tiếng Anh. Bởi thế, kết quả học tiếng Anh của Long vô cùng thảm hại. Mẹ Long lúc đầu còn tưởng là muốn nâng cao khả năng học tiếng Anh cần làm nhiều bài tập, nhưng về sau mới phát hiện, muốn con học tốt tiếng Anh thì nhất định phải khiến con có hứng thú với môn học này trước đã.
 
Muốn con hứng thú học tiếng Anh, trước tiên, mẹ cũng phải có hứng thú với tiếng Anh. Thế là vì con trai, mẹ đã giở lại sách tiếng Anh. Đi làm về, cứ rảnh rỗi là mẹ Long lại học ít từ mới, có lúc còn rủ chồng xem những bộ phim phụ đề tiếng Anh. Điều này khiến Long rất ngạc nhiên. Một hôm, Long hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao dạo này mẹ đột nhiên thích tiếng Anh thế?”.
 
Mẹ Long nói: “Con trai à, công việc của mẹ đòi hỏi phải có tiếng Anh, bây giờ tuần nào cũng phải làm bài kiểm tra tiếng Anh nữa đấy! Sau này mỗi ngày con dạy mẹ một từ mới tiếng Anh nhé!”.
 
“Từ mới tiếng Anh quan trọng đến thế sao?”.
 
“Đương nhiên rồi, hiện giờ rất nhiều người đều học tiếng Anh, trước đây cha mẹ không có điều kiện học như con, nếu không mẹ đã thành chuyên gia tiếng Anh từ lâu rồi. Vì vậy, con nhất định phải biết trân trọng cơ hội, học tập thật tốt, chứ đợi đến lúc cần đến mới học thì sẽ muộn mất!”.
 
Long nghe mẹ nói mà mặt ngây ra.
 
Một hôm, Long nghe thấy mẹ gọi: “Con trai ơi, mau qua đây!”. “Sao thế mẹ?”.
 
“Con mau nói cho mẹ biết từ này đọc thế nào?”, Long đỏ mặt: “Con xin lỗi mẹ, từ này con cũng không biết, để con tra giúp mẹ nhé!”.
 
Về sau, Long giúp mẹ tra được từ mới đó, còn cùng với mẹ học thuộc rất nhiều từ mới nữa.
 
Mấy ngày sau đó, Long rất chăm chỉ hoc tiếng Anh với mẹ, dần dần, cậu cũng có hứng thú với tiếng Anh. Hai mẹ con thỉnh thoảng còn đối thoại với nhau bằng tiếng Anh.
 
Trong lần kiểm tra gần đây nhất, kết quả kiểm tra của Long tiến bộ vượt bậc. Điều quan trọng nhất là hiện giờ, Long đã biết chủ động học tiếng Anh.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Một số trẻ khi mới bắt đầu học tiếng Anh thường có tâm lí bài xích môn học này. Cha mẹ cần nắm bắt được trạng thái tâm lí của trẻ để khơi gợi tính tích cực cho trẻ, dẫn dắt đúng hướng, tạo ra môi trường học tập nhẹ nhàng, khiến trẻ cảm thấy yêu thích môn tiếng Anh. Tuyệt đối không nên sử dụng phương pháp ép buộc. Khi một đứa trẻ không thích, thậm chí là cực ghét môn học đó mà cha mẹ cứ một mực ép trẻ học thì chúng không những không học được mà còn nảy sinh tâm lí chống đối.
 
Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể tham khảo:
 
Thứ nhất: Cha mẹ cùng học với con
 
Muốn bồi dưỡng hứng thú học tiếng Anh cho trẻ, cha mẹ có thể học cùng con. Ví dụ: Cha mẹ có thể cùng trẻ nghe một vài bài hát hoặc xem một vài bộ phim hoạt hình bằng tiếng Anh.
 
Thứ hai: Thả lỏng tâm lí, thường xuyên khen ngợi con cái
 
Cha mẹ đừng coi chuyện học tiếng Anh của con là một việc to tát, đừng tạo quá nhiều áp lực cho trẻ. Cha mẹ cũng đừng tiết kiệm lời khen ngợi cho con, ví dụ có thể nói những câu khen ngợi kiểu như: “Wonderful!”, “Very good!”… Khi trẻ phát âm chưa chuẩn, tuyệt đối không đánh mắng, càng không được cười nhạo, đừng để lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Là cha mẹ, bạn cần cổ vũ trẻ, sau đó dần dần uốn nắn.
 
Thứ ba: Chú ý việc ôn lại và xem trước bài mới
 
Cha mẹ cần thường xuyên bớt chút thời gian tìm hiểu tiến trình học tập của con, yêu cầu trẻ đọc lại bài cũ một lần. Nếu trẻ quên từ mới, cha mẹ cần nhắc lại hoặc cho trẻ nghe băng, như vậy có thể đạt được mục đích củng cố bài cũ. Bên cạnh đó, cha mẹ nên yêu cầu trẻ chuẩn bị bài mới, tự tìm ra vấn đề nghe cho kĩ lúc cô giáo giảng trên lớp.
 
Thứ tư: Tăng cường làm bài tập
 
Khi cha mẹ biết con mình có thể đọc từ mới và câu hoàn chỉnh rồi nhưng lại không biết viết, cha mẹ có thể nhắc trẻ tập viết từ mới và làm thêm bài tập để nhớ từ.
 
Thứ năm: Tạo ra không khí học tập tiếng anh
 
Thường ngày, cha mẹ nên bảo con dùng tiếng Anh để nói chuyện với thầy cô, bạn bè, cố gắng tạo ra môi trường thực hành. Làm vậy vừa khắc phục được sự e sợ của trẻ với môn học, lại khiến chúng dám nói và chăm chỉ tập luyện.
 
Đổi cách nói 26 Chỉ cần con cố gắng là sẽ thi tốt!
 
Cha mẹ thường nói: “Đồ vô dụng, con không thể nào học tốt được đâu!”.
 
Có nhiều cha mẹ rất quan tâm đến thành tích học tập của con, mỗi lần con thi xong là nôn nóng hỏi: “Con thi thế nào? Được bao nhiêu điểm? Đứng thứ mấy trong lớp?”. Nếu trẻ nói rằng: “Con làm bài thi tốt, Ngữ văn và Toán đều được mười!”, chắc chắn cha mẹ sẽ vui mừng lắm, lập tức cho đi ăn, còn mua quà này nọ để thưởng cho trẻ. Nhưng khi con cúi đầu ủ rũ nói: “Con làm bài không tốt, điểm không cao, đứng thứ hai mấy trong lớp” là cha mẹ lại sầm mặt, lạnh lùng nói: “Đồ vô dụng, đáng đời! Ai bảo con không chịu cỗ gắng!”, đương nhiên cũng sẽ chẳng có chuyện khao hay thưởng gì.
 
Ví dụ thực tế
 
Năm nay, Đô lên lớp năm, cậu rất hiếu thắng trong chuyện học tập, chưa bao giờ chịu thua kém ai trong lớp. Lần kiểm tra này, Đô đứng thứ mười. Hôm biết kết quả, Đô thở dài, ủ rũ nói với mẹ: “Có lẽ con chỉ được đến thế mà thôi”.
 
“Không sao đâu, với khả năng của con thì chỉ cần nỗ lực, lần sau nhất định sẽ được đứng đầu lớp!”, mẹ quả quyết.
 
Tối hôm đó, Đô đi ngủ sớm hơn mọi ngày một tiếng, mẹ lo lắng nên lấy cớ vào đốt hương muỗi để xem con thế nào. Mẹ thấy Đô ngủ rồi, nên chỉ đốt hương muỗi xong rồi đi ra. Nhưng Đô trằn trọc mãi không ngủ được. Khi thấy mẹ vào phòng lần nữa, cậu liền mở mắt hỏi mẹ: “Mẹ ơi, nếu lần này con thi không tốt thì làm thế nào?”, giọng Đô có vẻ rất hoang mang.
 
“Con à, đúng là mẹ hi vọng con có thể làm bài tốt hơn, nhưng con nên bỏ gánh nặng tâm lí sang một bên, chúng ta học không phải vì điểm số! Con xem, bây giờ chẳng phải là con đang học rất tốt hay sao? Mẹ tin lần này con nhất định sẽ thi tốt!”.
 
Mẹ lại gần Đô, mỉm cười ôm con trai vào lòng. Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau, mắt Đô ngân ngấn lệ: “Dạ, thế con ngủ đây…”.
 
Cuối cùng, dưới sự cổ vũ của mẹ, Đô đã tiến bộ vượt bậc trong đợt thi cuối kì.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng, điểm số là quan trọng, vì vậy, kiểm tra đạt thành tích cao là nhiệm vụ cơ bản của trẻ. Thực ra, đối với học sinh, có một thứ còn quan trọng hơn cả điểm số, đó là việc bồi dưỡng phẩm chất. Nếu một đứa trẻ để có được thành tích tốt mà trở nên lệch lạc về tâm lí, điều này đáng phải xem xét lại. Khi đứa trẻ đặc biệt ý thức về điểm số, mẹ nên nói chuyện nghiêm túc với con rằng: “Cho dù kiểm tra không được điểm cao, nhưng cũng không thể chứng minh hoàn toàn khả năng của con, chỉ cần con nỗ lực là đủ rồi!”. Điều quan trọng nhất cha mẹ cần làm là giúp trẻ hiểu được rằng: “Điểm số không quyết định tất cả cuộc đời một con người, thất bại cũng là một bài học đáng quý trong cuộc đời, từ thất bại người ta có thể rút ra được nhiều bài học để tiến tới thành công, nên dũng cảm đối mặt với thất bại”.
 
Điểm số cũng quan trọng nhưng không phải là tiêu chí đánh giá duy nhất. Khi tình hình học tập của con phản ánh tốt qua điểm số, cha mẹ nên khen ngợi, cổ vũ trẻ. Bên cạnh đó, cũng nên quan tâm đến trạng thái tâm lí, thói quen học tập của trẻ. Đặc biệt, khi thành tích học tâp của trẻ không được tốt, cha mẹ nên cổ vũ và ủng hộ trẻ nhiều hơn.
 
Khi trẻ thi không tốt, thành tích không lí tưởng, cha mẹ nên làm thế nào? Dưới đây là một số gợi ý:
 
Thứ nhất: Tán thưởng
 
Cho dù con bạn có vài môn thi không đạt, bạn cũng không được tức giận, nên kịp thời phát hiện ra một vài kết quả đáng được tán thưởng của con, cổ vũ và động viên trẻ. Bên cạnh đó, cũng nên chỉ ra những điểm chưa được của trẻ. Làm như vậy có thể tránh được việc làm trẻ mất tự tin, đồng thời cổ vũ sự nhiệt tình của trẻ trong học tập.
 
Thứ hai: Tìm hiểu nguyên nhân
 
Cha mẹ nên cùng con tìm hiểu nguyên nhân khiến cho thành tích không được cao. Cha mẹ có thể đưa ra một vài câu hỏi với trẻ. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ nên dùng thái độ hòa nhã để trẻ dám nói ra sự thật. Bên cạnh đó, cha mẹ tuyệt đối không nổi giận, không la mắng trẻ.
 
Thứ ba: Giải thích hợp lí
 
Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân, cha mẹ không nên chấp nhận câu trả lời “Con không biết” của trẻ, mà nên yêu cầu trẻ đưa ra câu trả lời hợp lí. Từ lời giải thích hợp lý sẽ chỉ ra được nguyên nhân khiến trẻ bị thành tích kém. Đương nhiên, trong đó sẽ có mặt tiêu cực và tích cực. Chẳng hạn, bài tập quá khó, vượt ngoài khả năng là tích cực; còn lười biếng hoặc không tập trung nghe giảng.... là tiêu cực. Sau khi trẻ đưa ra lời giải thích hợp lí, cha mẹ nên căn cứ vào nguyên nhân này để tìm ra phương pháp cải thiện tình hình học tập của trẻ cho đúng đắn.
 
Đổi cách nói 27 Phát hiện của con hay lắm!
 
Cha mẹ thường nói: Sau này, những chuyện vụn vặt ấy đừng mang về nhà nói, bực mình lắm!
 
Khi trẻ có một phát hiện mới mẻ, chúng thường muốn kể cho cha mẹ nghe để được khen ngợi và chia sẻ niềm vui về hứng thú mới. Sự cổ vũ và khen ngợi của cha mẹ sẽ giúp trẻ có thêm động lực để quan sát và tìm hiểu.
 
Ví dụ thực tế
 
Bảo năm nay học lớp một. Ngày nào tan học về, chuyện đầu tiên Bảo làm cũng là kể cho mẹ nghe những gì cậu bé nhìn thấy, nghe thấy ở trong trường. Thói quen này bắt nguồn từ hồi cậu còn học mẫu giáo. Lúc ấy, ngày nào mẹ đón Bảo đi học về, trên đường về nhà, mẹ thường hỏi Bảo một vài câu hỏi, ví dụ như: “Con à, hôm nay ở trường có gì vui không?”, “Con có phát hiện gì mới không?”... Thế là bé Bảo đi học về, có chuyện gì mới mẻ cũng kể cho mẹ nghe, thỉnh thoảng còn nói cả suy nghĩ của mình. Cứ như thế suốt một thời gian dài, Bảo đã hình thành thói quen, cứ đi học về là đem chuyện ở trường và ý kiến cá nhân của mình nói cho mẹ nghe. Đồng thời, thông qua những việc này, Bảo còn có những phát hiện và gợi ý mới mẻ.
 
Sau khi nghe những phát hiện mới của Bảo, mẹ thường khen ngợi cậu: “Phát hiện của con tuyệt lắm!”. Cứ như vậy, dưới sự dẫn dắt và khen ngợi của mẹ, Bảo dần dần trở thành một cậu bé giỏi quan sát, biết tư duy.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trong cuộc sống, trẻ thường hào hứng nói cho cha mẹ biết những phát hiện mới mẻ của mình. Những phát hiện này rất đáng quý bởi chúng cho thấy sự hiếu kì của trẻ với thế giới xung quanh, hơn nữa còn cho thấy trẻ có sự quan sát và tư duy. Nhưng những “phát hiện” của trẻ đối với người lớn lại không phải là điều mới mẻ. Do vậy, chúng ta thường dùng con mắt của mình để đánh giá những tìm tòi của trẻ, cho rằng chúng đúng là trẻ con. Điều đáng nói hơn là nhiều bậc cha mẹ còn coi thường hoặc cười nhạo những “phát hiện” của trẻ. Thực ra, những “phát hiện” của trẻ chính là một hình thức để trẻ nhận thức thế giới, mà trong đó có không ít những phát hiện rất có giá trị. Cha mẹ ngoài việc ủng hộ còn phải cỗ vũ trẻ quan sát để có những “phát hiện” như vậy, có thể nói những câu như: “Con tỉ mỉ thật!”, “Ôi, thế à?”, “Ôi, con mẹ giỏi quá!”…
 
Trong nhiều tình huống, cha mẹ nên đặt ra câu hỏi cho trẻ, sau đó thông qua câu hỏi để chỉ dẫn, cổ vũ bé đi đến kết luận cuối cùng. Như vậy không chỉ khiến trẻ học được nhiều kiến thức mới mẻ mà còn là một cách tốt để khơi gợi và bồi dưỡng năng lực tư duy cho trẻ. Mỗi đứa trẻ đều có đôi mắt trí tuệ, chỉ cần cha mẹ biết cách tán thưởng, dẫn dắt, cỗ vũ, chắc chắn trẻ sẽ có những phát hiện đáng kinh ngạc!
 
Để bồi dưỡng khả năng quan sát của trẻ, cha mẹ cần làm được những điểm sau:
 
Thứ nhất: hướng dẫn trẻ quan sát, dạy trẻ cách quan sát
 
1. Trước khi quan sát, hãy yêu cầu trẻ xác định mục đích quan sát. Trong quá trình quan sát, có hoặc không có mục đích quan sát, kết quả thu được sẽ có sự khác biệt. Ví dụ, cha mẹ dẫn trẻ đi công viên, nhìn ngó linh tinh, đi suốt cả ngày mà về nhà cũng không nói rõ được là nhìn thấy được những gì. Nếu như yêu cầu trẻ đến công viên để quan sát các loài chim, thì trẻ nhất định sẽ quan sát kĩ hình dáng, bộ lông và màu sắc, đôi mắt to nhỏ cùng giọng hót của các loài chim. Làm như vậy, việc quan sát của trẻ sẽ có mục đích, từ đó thu được kết quả nhất định.
 
2. Trong quá trình quan sát, bồi dưỡng cho trẻ khả năng quan sát có trình tự. Nói với trẻ phải quan sát như thế nào, nhìn cái gì trước, nhìn cái gì sau, dẫn dắt trẻ nắm bắt các đặc điểm, đặc trưng chủ yếu của sự vật quan sát. Ví dụ, khi cha mẹ dẫn trẻ đến vườn thú xem voi, vừa xem vừa đặt ra một loạt câu hỏi để trẻ trả lời như: voi có to không, cái ngà của nó ở đâu, vòi voi có đặc điểm gì, dùng để làm gì… Chỉ cần cha mẹ gợi ý, trẻ sẽ biết cách quan sát đúng đắn.
 
3. Dạy trẻ quan sát bằng tất cả các giác quan. Ví dụ: màu sắc, hình dáng, âm thanh, mùi vị… những thứ này cần trẻ phải nhìn, sờ, ngửi, nghe… đôi khi còn phải nếm thử. Chỉ có cách này mới có thể giúp cho trẻ tự trải nghiệm cảm giác, mới thu được hiệu quả tốt, để lại ấn tượng sâu sắc cho trẻ.
 
4. Sau khi quan sát, yêu cầu trẻ nói lại kết quả. Yêu cầu này có thể thúc đẩy tính tích cực quan sát và khiến trẻ quan sát tỉ mỉ, tường tận hơn!
 
Thứ hai: Tạo điều kiện cho trẻ quan sát, để khơi gợi tính chủ động quan sát và bồi dưỡng hứng thú quan sát cho trẻ
 
Trẻ con vốn rất hiếu kì, ham học hỏi, thích tìm hiểu. Cha mẹ nên tận dụng đặc điểm này, thường xuyên dẫn trẻ đi tham quan thiên nhiên, để trong lúc vui chơi, trẻ vẫn có thể quan sát sự biến đổi của vạn vật: đi xem cây cối đâm chồi vào mùa xuân, tươi tốt vào mùa hạ, ra quả vào mùa thu, rụng lá vào mùa đông, nghe tiếng ve râm ran… tất cả những thứ này đều có thể kích thích hứng thú và sự tư duy của trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể chỉ dẫn để trẻ quan sát, mở rộng tầm mắt và kinh nghiệm sống. Ví dụ: bảo trẻ quan sát chậu hoa hay bể cá của nhà; tối đến dẫn trẻ đi ngắm sao, nói cho trẻ một vài kiến thức đơn giản về thiên văn… Như vậy, trẻ không những học thêm được nhiều kiến thức bổ ích, tìm được niềm vui trong quá trình quan sát mà còn thúc đẩy sự tích cực trong tư duy, phát triển thói quen tìm tòi...
 
Đổi cách nói 28 Con tự sắp xếp thời gian học cho mình nhé!
 
Cha mẹ thường nói: Sao chưa làm bài tập đã xem ti vi thế? mau làm bài tập đi!
 
Cha mẹ tuyệt đối không nên quản lí con cái quá nghiêm khắc, nên để chúng có không gian riêng. Đồng thời, ngay từ khi trẻ còn ít tuổi, cha mẹ cần bồi dưỡng ý thức về thời gian, phải biết tận dụng thời gian. Tận dụng thời gian một cách hợp lí chính là chiến thắng được thời gian, giành lấy cho mình sự chủ động trong học tập và cuộc sống. Có phương pháp giáo dục đúng đắn mới có được kết quả học tập tốt, bởi vậy, để trẻ nhận thức được tầm quan trọng của thời gian và tận dụng thời gian hợp lí là một việc hết sức quan trọng trong cuộc sống.
 
Ví dụ thực tế
 
Hân năm nay học lớp ba nhưng không biết phân chia thời gian hợp lí. Bình thường, cứ chơi mệt rồi, cô bé mới nhớ ra bài tập còn chưa làm xong. Bố thường xuyên đốc thúc con gái nhưng không có kết quả nên đành phải thay Hân sắp xếp thời gian biểu.
 
Về sau, bố phát hiện, có một cậu bé hàng xóm nhỏ hơn Hân một tuổi, mỗi lần Hân rủ cậu bé ra ngoài chơi mà cậu bé chưa hoàn thành bài tập là liền từ chối Hân. Thế là bố liền hết lời khen ngợi trước mặt Hân rằng, cậu bé đó thật thông minh, biết quan niệm về thời gian.
 
“Bố ơi, thời gian biểu của con chẳng phải đều là do bố sắp xếp hay sao?”, Hân hiểu ý của bô, bực dọc nói.
 
“Con có thể tự sắp xếp thời gian của mình không?”. “Thật không ạ?”.
 
“Đương nhiên là thật rồi, nhưng mà thời gian là thứ dễ mất đi nhất, khi có thời gian, tốt nhất nên học được cách sắp xếp và tận dụng hợp lí, con thử xem!”.
 
Ngày hôm sau, bố tặng cho Hân một cái đài nhỏ, đồng thời nói với con gái, sau khi làm bài tập và đọc sách xong, có thể tranh thủ nghe đài, còn cho phép Hân xem ti vi. Ngoài ra, bố còn chú ý đốc thúc con gái chấp hành thời gian biểu của mình, tránh để cô bé xem phim và nghe đài vô độ.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Tính cách trẻ con thường rất tùy tiện, khả năng tự kiềm chế kém, có khi vừa ăn cơm vừa chơi đùa, chưa làm xong chuyện này đã chuyển sang làm chuyện khác, làm việc rối tung rối mù, thiếu trình tự. Lúc này, nếu cha mẹ không chú ý, trẻ sẽ quen thói lề mề, lâu dần, thói quen này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của trẻ. Nếu như có thói quen học tập tốt, trẻ sẽ có biểu hiện tích cực đáng kinh ngạc. Nói cách khác, nếu có thói quen học tập tốt, thì cho dù trẻ không thông minh cũng vẫn có thể đạt được thành tích tốt.
 
Học cách sắp xếp thời gian và biến nó trở thành thói quen của mình là bạn đã có thêm một hi vọng để đi đến thành công. Một số cha mẹ kì vọng rất nhiều ở con cái, thường ép con phải trở thành người thế này thế kia, thực sự, đây là một thực tế đáng buồn. Thực ra, cha mẹ hãy để cho trẻ tự lựa chọn. Học tập là việc cả đời, trẻ phải trải qua một quá trình để rút ra kinh nghiệm. Khi trẻ không thể tự sắp xếp thời gian của mình hoặc kế hoạch mà trẻ đặt ra không thực hiện được, cha mẹ không nên ra lệnh, ép buộc, mà chỉ nên nhắc nhở trẻ, hàng ngày để trẻ sắp xếp thời gian vui chơi cho bản thân hoặc làm những việc mà chúng rất muốn làm. Có người cho rằng, chuyện chơi bời có thể ảnh hưởng đến việc học của trẻ. Nhưng chơi là bản năng của trẻ, nếu không cho trẻ thời gian chơi đùa, thì kết quả rất khó được như ý muốn của cha mẹ. Người ta thường nói “học mà chơi, chơi mà học”, trẻ cần học cách tự sắp xếp thời gian của mình để nâng cao hiệu quả học tập.
 
Nói chung, cha mẹ cần bồi dưỡng thói quen tự sắp xếp thời gian cho trẻ. Những đứa trẻ có thể tự sắp xếp thời gian của mình sẽ sớm tự lập, không lệ thuộc vào cha mẹ hoặc các tiêu chuẩn, quy định của người khác.
 
Đổi cách nói 29 Những đứa trẻ dám hỏi mới là thông minh!
 
Cha mẹ thường nói: Sao con hỏi lắm thế? tự đi mà nghĩ!
 
Trong giờ học, đặt câu hỏi là biểu hiện của việc tích cực suy nghĩ. Trẻ đặt càng nhiều câu hỏi thì kiến thức càng toàn diện, hiểu biết vấn đề càng sâu sắc. Còn những trẻ ít đặt câu hỏi hoặc không bao giờ đặt câu hỏi, mặc dù cũng nghe giáo viên giảng bài, cũng nghe người khác đặt câu hỏi với giáo viên nhưng bản thân chúng lại không dám giơ tay nên suy nghĩ không thể theo kịp người khác, cho dù cùng nghe được một nội dung nhưng ấn tượng không sâu sắc như những đứa trẻ tích cực hỏi. Những đứa trẻ này thường nắm bắt kiến thức kém hơn, mà lại nhanh quên.
 
Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, có một số trẻ mặc dù có rất nhiều thắc mắc nhưng không dám hỏi. Nguyên nhân là vì sợ, có thể chúng sợ bị cha mẹ mắng mỏ, hoặc sợ bị giáo viên chỉ trích… Với những trẻ như vậy, cha mẹ nên làm thế nào?
 
Ví dụ thực tế
 
Tân rất chăm chỉ học hành, cũng rất hiểu biết, nhưng cậu có một tật là không hay hỏi. Có những vấn đề bản thân không hiểu, cho dù là rất quan trọng, cậu cũng không bao giờ hỏi người khác, thậm chí cả người thân.
 
Buổi tối, Tân đang làm bài tập Toán tham khảo, nhưng vì còn một vấn đề chưa hiểu nên cậu không thể nào giải được bài tập ứng dụng. Mẹ ngồi bên cạnh thấy thế liền hỏi con trai: “Chẳng phải tối qua chúng ta đã nói sẽ để hôm nay hỏi cô giáo rồi sao? Sao con không hỏi cô giáo, hay là hỏi rồi mà vẫn không hiểu?”.
 
Tân cúi gằm mặt, nói: “Con không hỏi ạ!”, hồi lâu, không thấy mẹ nói gì, Tân mới rụt rè nói tiếp: “Mẹ à, mẹ giảng cho con đi!”. Nhìn thấy con trai đã hai ngày mà vẫn chưa hoàn thành bài tập, mẹ lắc đầu, sau đó mỉm cười xoa đầu con trai: “Con trai à, như thế này đi, chúng ta gọi điện cho cô giáo, nhờ cô giáo giảng cho con qua điện thoại nhé. Nhưng con nhất định phải đặt ra câu hỏi của mình, như vậy cô giáo mới giúp con được!”.
 
Tân ngẩng đầu nhìn mẹ, chu môi phụng phịu. Mẹ tiếp tục cổ vũ: “Con đừng sợ, cô giáo sẽ rất vui vẻ giải thích cho con hiểu mà. Con biết không, những đứa trẻ dám hỏi là những đứa trẻ thông minh, sau khi con dũng cảm đưa ra câu hỏi, con sẽ học được rất nhiều kiến thức. Chúng ta thử xem nhé!”. Dưới sự cổ vũ của mẹ, Tân đã đưa ra câu hỏi cho cô giáo và nắm được vấn đề mấu chốt của bài toán. Chẳng mấy chốc cậu bé đã làm xong.
 
Ngày hôm sau, Tân cảm thấy cô giáo dạy Toán không hề đáng sợ như mình thường nghĩ, ngược lại còn rất hiền hòa, thân thiện. Thế là sau nhiều lần thử, Tân đã loại bỏ được mặc cảm trong mình. Thành tích học tập của cậu ngày càng tiến bộ, tính cách cũng trở nên cởi mở hơn nhiều.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Bé Tân không dám hỏi nguyên nhân bắt nguồn từ tính cách của cậu bé. Mẹ Tân đã cổ vũ con trai gọi điện hỏi cô giáo, khôi phục lại tính cách hay hỏi của trẻ. Trong đầu mỗi đứa trẻ luôn có hàng ngàn câu hỏi, chúng luôn ở trong trạng thái tìm hiểu những câu hỏi đó, để hiểu thêm về thế giới xung quanh và trưởng thành dần. Nói cách khác, tri thức càng nhiều, thì câu hỏi càng nhiều và khả năng đặt câu hỏi cũng càng cao. Nhưng càng lớn, nhiều đứa trẻ càng ít đặt ra câu hỏi. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do trẻ bị cha mẹ hoặc thầy cô mắng mỏ, cười nhạo khi hỏi. Một số trẻ cảm thấy khó xử khi có câu hỏi, thành ra không dám hỏi, cuối cùng không thể giải đáp được băn khoăn của bản thân.
 
Giáo dục trẻ phải có phương pháp đúng đắn, phải cổ vũ trẻ dám hỏi, dám phát biểu những ý kiến khác so với các bạn. Chỉ khi có được sự tự tin và dũng cảm này, trẻ mới có thể xây dựng được ý thức sáng tạo của bản thân, năng lực sáng tạo cũng từ đó được nâng cao.
 
Đương nhiên, cha mẹ cần tạo không khí gia đình hiền hòa, nghĩ cách rèn luyện lòng dũng cảm của con cái, dạy trẻ kĩ năng đặt ra câu hỏi, giúp trẻ biết cách hỏi và dám hỏi. Như vậy, trong quá trình tìm hiểu, trẻ có thể học hỏi được rất nhiều kiến thức, bên cạnh đó, còn bồi dưỡng được sự tự tin và hiếu kì với thế giới xung quanh.
 
Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein cho rằng, so với việc giải quyết vấn đề thì việc tìm ra vấn đề thường quan trọng hơn. Bởi vì cách giải quyết chỉ là vấn đề thuộc về kĩ năng học hỏi hoặc thực nghiệm. Trong khi đó, chỉ ra được vấn đề mới, khả năng mới, nhìn vấn đề cũ từ góc độ mới đòi hỏi phải có trí tưởng tượng sáng tạo, đánh dấu sự tiến bộ đúng đắn của khoa học. Ông còn nói: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức, bởi vì kiến thức là có hạn; còn trí tưởng tượng khái quát tất cả mọi thứ, thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển của các nguồn tri thức".
 
Khi còn niên thiếu, Viên Long Bình (Trung Quốc) thường thích tư duy, chịu khó suy nghĩ, luôn đặt câu hỏi. Năm mười hai tuổi, cậu bé Long Bình bắt đầu vào cấp hai. Ở cấp học này, các môn học mới như đại số, vật lí đòi hỏi phải tư duy trừu tượng khá nhiều. Có rất nhiều công thức cần phải nắm vững, đây quả là việc chẳng dễ dàng gì. Rất nhiều bạn trong lớp áp dụng phương pháp học thuộc lòng một cách máy móc đối với những công thức toán học này. Thế nhưng Viên Long Bình thì không làm như vậy. Cậu thích đào sâu suy nghĩ, và thông qua quá trình suy nghĩ này mà cậu hiểu một cách sâu sắc hơn những nguyên lí ấy. Do đó, cậu không học thuộc lòng sách vở mà luôn tìm cách để hiểu đến căn nguyên của vấn đề.
 
Một lần, trong giờ đại số, thầy giáo vừa giảng một quy tắc phép nhân quan trọng: Hai số cùng dấu khi nhân với nhau thì kết quả sẽ mang dấu dương (+).
 
“Điều này cũng có nghĩa là, số dương nhân với số dương sẽ ra số dương, số âm nhân với số âm cũng cho kết quả dương”, thầy giáo toán giải thích thêm một cách cụ thể hơn. Thế nhưng, trước việc “số âm nhân với số âm cũng cho kết quả dương”, Viên Long Bình cảm thấy khó có thể lí giải được, bèn hỏi: “Thưa thầy, tại sao số âm nhân với số âm lại phải cho ra kết quả dương ạ?”.
 
Trước câu hỏi này của Viên Long Bình, thầy giáo nhất thời không biết phải trả lời thế nào.
 
“Các em chỉ cần ghi nhớ quy tắc này rồi theo đó mà làm các phép tính là được rồi”. Thầy giáo sau khi nghĩ một lát bèn trả lời học trò như vậy. Rõ ràng câu trả lời này của thầy không hề khiến Viên Long Bình thấy thỏa mãn, những khái niệm hóc búa, trừu tượng này chỉ càng khơi gợi thêm niềm hứng thú trong cậu. Thói quen luôn suy nghĩ, chịu khó tư duy đã khiến cho niềm đam mê học tập của cậu ngày càng mạnh mẽ hơn.
 
Trong một lần được đi tham quan vườn cây, Viên Long Bình cậu bắt đầu có hứng thú tìm hiểu về những quy luật của tự nhiên. Mùa hạ năm 1949, khi được cha hỏi về chí hướng của mình, cậu đã trả lời cha một cách rất dứt khoát: “Con quyết định trở thành một nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp (nhà Nông học)”.
 
Vì thế cậu đã thi vào khoa Nông nghiệp của Học viện Tương Huy – Trùng Khánh, bắt đầu bước chân vào con đường nghiên cứu lai tạo các giống lúa, và luôn giữ một thái độ làm việc kiên trì không mệt mỏi. Ông đã cho ra đời giống lúa Tạp Giao có năng suất và chất lượng cao, làm nên một câu chuyện cổ tích mới cho Trung Quốc, được quốc tế công nhận là “Cha đẻ của giống lúa Tạp Giao”.
 
Tục ngữ nói rất đúng: “Hỏi là thầy của Học, là Mẹ của Tri thức”. Trong cuộc sống thực tế, mỗi người chúng ta không thể tường tận mọi thứ, có rất nhiều vấn đề chúng ta không biết. Dù là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc đến đâu đi nữa thì cũng chưa chắc đã chuyện gì cũng hiểu biết nhiều hơn người khác. Có câu hỏi không phải là điều đáng sợ, đáng sợ chính là ở chỗ không dám hỏi.
 
Nhìn lại chặng đường đi đến thành công của những danh nhân trên thế giới, sẽ thấy họ luôn coi việc đặt ra câu hỏi là một kĩ năng học tập. Quá trình học tập của trẻ là hành trình đi tìm kiếm lời giải cho những câu hỏi kiến thức. Chính vì vậy, cha mẹ cần cổ vũ con cái tích cực đặt câu hỏi để thu được thêm nhiều tri thức, rèn luyện sự tự tin và tinh thần ham học hỏi.
 
Đổi cách nói 30 Con đúng là thiên tài!
 
Cha mẹ thường nói: Chỉ nghĩ vớ nghĩ vẩn, nhìn kết quả học tập của con đi, còn không tập trung học hành đi à?
 
Sức tưởng tượng là khả năng nhận thức có tính sáng tạo, là một sức mạnh cực kì to lớn. Nếu như không có sức tưởng tượng, cuộc sống của chúng ta chẳng có gì thú vị cả. Nếu như sức tưởng tượng cá nhân không được phát huy thì trên đời sẽ không có nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà phát minh…. cũng chẳng có nhà khoa học, kiến trúc sư… bởi vì sức tưởng tượng là nguồn gốc của sự sáng tạo.
 
Ví dụ thực tế
 
Một hôm, mẹ phát hiện trong vở bài tập của Đô có một câu hỏi là: “Tuyết tan ra sẽ thành cái gì?”. Mẹ cho rằng câu trả lời rất đơn giản, theo như tư duy thông thường của chúng ta, tuyết tan ra sẽ thành nước. Nhưng đáp án của Đô lại là “mùa xuân”.
 
Mẹ nhìn thấy đáp án ấy thì ngạc nhiên lắm, liền hỏi con: “Con nói xem tại sao lại là mùa xuân?”.
 
Đô nói: “Rõ ràng là thế mà mẹ, mỗi năm khi tuyết tan ra, mùa xuân sẽ đến mà”.
 
Mẹ nghe xong liền tán thưởng: “Con đúng là một thiên tài!”.
 
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
 
Trẻ bẩm sinh đã là một “nhà sáng tạo”, bởi vì bản năng của chúng là rất hiếu động, hoạt bát. Chúng dám phá vỡ các quy tắc thông thường, không tư duy vấn đề theo cách của người lớn, vì vậy chúng thường “sáng tạo” ra những sự vật khác thường. Nhưng cùng với sự lớn lên của trẻ, khả năng “sáng tạo” cũng bị mai một dần, nguyên nhân chủ yếu là do sức sáng tạo của trẻ bị các quy tắc của cha mẹ giết chết trong vô thức. Như trong ví dụ trên, suy nghĩ “tuyết tan ra thành mùa xuân” thật tuyệt diệu biết bao, đây đúng là biểu hiện của sức tưởng tượng phong phú!
 
Do đó, để bồi dưỡng khả năng tưởng tượng cho trẻ, cha mẹ cần xây dựng cho chúng một không gian hoạt động “tự do và an toàn”. Khi trẻ thực hiện những “tưởng tượng” của mình, cha mẹ tuyệt đối không được cười nhạo, ngăn cản; nếu không, sẽ gây ra cú sốc tinh thần, ảnh hưởng đến tính tích cực, hứng thú và sở thích của trẻ. Khi trẻ cần sự giúp đỡ, cha mẹ phải kịp thời cổ vũ và chỉ dẫn, để trẻ phát huy tối đa sức tưởng tượng của mình.
 
Ngay từ nhỏ, Darwin đã thích tưởng tượng, cậu say mê thế giới tự nhiên, đặc biệt thích đi săn, sưu tập các mẫu khoáng vật và tiêu bản động thực vật. Cha mẹ rất tôn trọng và giữ gìn tính hiếu kì cũng như trí tưởng tượng của Darwin, vì thế họ luôn tìm cách để khích lệ niềm hứng thú và đam mê trong con, cổ vũ con cố gắng nghiên cứu tìm hiểu. Đây chính là cơ sở vững chắc để sau này Darwin có thể viết nên kiệt tác “Nguồn gốc của loài”.
 
Khi Darwin bảy, tám tuổi, có lần cậu nhặt được một đồng tiền xu lẫn trong đất bùn. Cậu rất tò mò, cầm đồng xu ấy đem đến cho chị gái xem rồi nói một cách chắc nịch: “Đây là một đồng tiền cổ La Mã đấy!”. Cô chị đón lấy đồng tiền xem xét, phát hiện ra đó chỉ là một đồng tiền cũ cực kì phổ biến ở thế kỉ XVIII, chỉ có điều do ngấm nước nên đã bị gỉ, vì thế trông nó có vẻ cũ kĩ mà thôi. Cô chị tỏ ra rất tức giận trước hành vi “nói dối” của Darwin, bèn đem chuyện này mách với bố, hi vọng bố sẽ cho cậu em một trận để chừa thói “nói dối” đó đi. Thế nhưng, sau khi nghe xong câu chuyện, ông bố lại chẳng mấy bận tâm, chỉ gọi con gái đến và nói: “Thế sao gọi là nói dối được? Điều này chỉ chứng minh Darwin có trí tưởng tượng rất phong phú mà thôi. Chưa biết chừng sau này nó lại đem trí tưởng tượng phục vụ cho sự nghiệp ấy chứ!”
 
Nếu như Darwin không có tính hiếu kì, không có trí tưởng tượng thì chúng ta cũng sẽ chẳng có được “Thuyết tiến hóa” ngày nay. Điểm thành công nhất của cha mẹ Darwin chính là ông bà đã đặc biệt quan tâm, gìn giữ trí tưởng tượng và tính hiếu kì của con.
 
Vậy, cha mẹ cần phải làm gì để bồi dưỡng khả năng tưởng tượng cho trẻ?
 
Thứ nhất: Cổ vũ tính hiếu kì của trẻ
 
Những phát minh thường xuất phát từ sự hiếu kì đối với một sự việc hoặc sự vật nào đó. Mà hiếu kì là bản năng của mọi đứa trẻ, cũng là một yếu tố tâm lí cực kì đáng quý. Bởi vì hiếu kì, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú với những sự vật xung quanh, đồng thời thu được kiến thức và kinh nghiệm phong phú trong quá trình tìm hiểu chúng. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được cổ vũ để hiếu kì thường có động lực tìm hiểu, thường tò mò tìm hiểu đến cùng. Vì vậy, bảo vệ sự hiếu kì vừa có lợi cho khả năng tư duy sáng tạo của trẻ lại vừa khiến chúng có hứng thú với thế giới xung quanh, trở nên ham học hỏi.
 
Thứ hai: Cổ vũ trẻ tự thêu dệt câu chuyện, tự kể chuyện
 
Lúc còn nhỏ, trẻ thường thích tự bịa chuyện, kể chuyện, thỉnh thoảng còn kể cho bạn bè nghe, có khi kể cho cha mẹ nghe, có khi chỉ lẩm bẩm tự kể. Cha mẹ nên nắm bắt cơ hội để rèn luyện khả năng biểu đạt và phát huy sức tưởng tượng cho trẻ. Lúc này, cha mẹ cần tích cực cổ vũ trẻ, đừng lạnh nhạt, mắng mỏ, càng không được ngăn cấm. Có thể dẫn dắt trẻ kể theo một chủ đề nào đó, sau đó khen ngợi trẻ, chỉ ra những điểm còn thiếu sót. Nếu trẻ nghĩ ra được một câu chuyện hay, kể được một cách trôi chảy, cha mẹ có thể bảo trẻ ghi chép lại, sau đó sửa chữa. Lâu dần, sức tưởng tượng của trẻ sẽ ngày càng phong phú.
 
Thứ ba: Chú ý tích lũy
 
Tư duy sáng tạo không phải tự nhiên mà có, điều này đòi hỏi trẻ phải liên tục tìm hiểu các kiến thức hàng ngày. Hãy để trẻ học cách quan sát những hiện tượng thú vị xung quanh, ví dụ: kiến tìm kiếm thức ăn như thế nào, lá cây đâm chồi vào mùa xuân ra sao, mùa thu cây rụng lá như thế nào… Hãy để trẻ cảm nhận những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống, ví dụ: cảm nhận sức nổi trong nước khi tắm, cảm nhận luồng không khí chuyển động rất mạnh qua cơn gió… Để trẻ vận dụng những kiến thức nắm được giải thích các hiện tượng xung quanh, áp dụng vào thực tiễn, như vậy trẻ mới dễ dàng nảy sinh những tư duy mới, phát huy sức tưởng tượng của mình.
 
Thứ tư: Ủng hộ trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa
 
Các hoạt động ngoại khóa đúng là một không gian tuyệt vời để trẻ tưởng tượng. Không chỉ có âm nhạc, nhảy múa, mỹ thuật, thể dục, thư pháp, còn có cả thiên văn, sinh vật, địa lí, hóa học… mỗi môn học đều giúp trẻ tích lũy được một lượng lớn kiến thức, hơn nữa trẻ buộc lòng phải tưởng tượng sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ. Khi trẻ hứng thú với hoạt động gì đó, cha mẹ cần ủng hộ, cổ vũ kịp thời.
 
Thứ năm: Cho phép trẻ phạm sai lầm
 
Sai lầm nhiều khi khó mà tránh khỏi, cho phép trẻ được phạm sai lầm. Trong quá trình tham gia hoạt động, có nhiều trẻ vì hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm mà làm sai, cha mẹ không được ngăn cản hoặc hạn chế, tước bỏ quyền lợi tham gia của trẻ. Trẻ làm hỏng đồ điện trong nhà, làm rối tung mọi thứ lên nhiều lúc không phải là do trẻ cố tình nghịch ngợm mà là vì tò mò muốn khám phá. Cha mẹ đổ lỗi cho hành vi của trẻ sẽ chỉ làm cản trở sự phát triển tính sáng tạo của chúng, tinh thần khám phá của trẻ cần được khẳng định và khuyến khích.