Phía Tây Không Có Gì Lạ

Chương 10

Chúng tôi vớ được món bở. Tám đứa chúng tôi nhận nhiệm vụ giữ một làng đã tản cư đi sạch, vì bị oanh tạc dữ quá.

Việc chính là phải trông coi kho quân lương chưa chuyển đi được hết. Cái ăn thì chúng tôi phải lấy ở chỗ lương thực hiện có. Cử bọn tôi làm việc này là đích đáng lắm: Cát, Anbe, Muynlơ, Jađơn. Lia, Đêtơrinh, cả tiểu đội ở đây. Sự thực, Hai đã chết. Nhưng dù sao, cũng vẫn may mắn ghê gớm, vì tất cả những tiểu đội khác đều bị thiệt hại nặng nề hơn nhiều.

Chúng tôi chọn một cái hầm bê tông làm nơi trú ẩn, đi xuống hầm bằng một cái thang phía ngoài. Lối vào lại có một bức tường riêng bằng bê tông che chở.

Bây giờ, chúng tôi tha hồ mà làm mưa làm gió.

Chúng tôi lại có dịp không những để cho cặp giò được thoải mái, mà cả trí óc nữa. Chúng tôi không bỏ lỡ những cơ hội tốt như thế này, vì chúng tôi ở vào một hoàn cảnh gay go quá đến nỗi không đủ thì giờ mà cảm xúc lâu nữa, việc chỉ có thể có khi tình hình không đến nỗi bi lắm. Chúng tôi chỉ còn cách sống rất thực tế, thực tế quá đến nỗi đôi lúc tôi rùng mình khi một ý nghĩ ngày xưa, của thời kỳ trước chiến tranh thoáng qua óc tôi. Cũng phải nói rằng ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua thôi.

Trong chừng mực có thể, chúng tôi cũng cần khai thác khía cạnh thuận lợi của hoàn cảnh. Vì thế chúng tôi lợi dụng bất kỳ cơ hội nào để chuyển từ nỗi âu lo khủng khiếp sang những trò quấy tếu vớ vẩn nhất, một cách thẳng thừng, thô bạo và không đòi hỏi gì cả. Chúng tôi không nhịn được, chúng tôi nhắm mắt lao bừa vào. Ngay lúc này, chúng tôi hăng hái bắt tay vào việc xây dựng một bản tình ca, dĩ nhiên là bản tình ca ăn ngon và ngủ kỹ.

Trước hết chúng tôi trang bị cho ngôi nhà của mình bằng những tấm đệm tìm được ở các nhà trong làng. Một cái đít lính chăng nữa cũng đôi lúc muốn đặt lên một cái gì êm ấm chứ. Chỉ có khoảng giữa gian hầm là để trống. Rồi chúng tôi lùng những chăn, những mền, những thứ êm ấm lạ lùng. Trong làng, có đủ mọi thứ. Anbe và tôi lại lùng được một cái giường bằng gỗ đào hoa tâm có thể tháo lắp được, đỉnh màn bằng lụa xanh và diềm bằng đăng ten hẳn hoi. Lúc khiêng giường về, chúng tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng tài nào mà bỏ qua một vật như thế được, nhất là nếu nghĩ rằng trong vài ngày nữa, đại bác nhất định sẽ phá hủy hết tất cả.

Cát và tôi tổ chức thi một cuộc tuần tra các nhà.

Một lúc sau chúng tôi moi được một tá trứng gà, và một cân bơ còn tươi. Trong một phòng khách, đột nhiên có tiếng rầm rầm: một mảnh đạn rít lên, xuyên qua bức tường ngay cạnh chúng tôi, và cách đấy một thước nữa, nó lại phá một lỗ hổng trên một bức tường khác. Thế là hai lỗ tất cả. Mảnh đạn bất ngờ này từ một quả đại bác dốc xuống ngôi nhà trước mặt. “Phúc bảy mươi đời!”, Cát cười khẩy, rồi chúng tôi lại tiếp tục cuộc lùng kiếm. Đột nhiên, chúng tôi vểnh tai lên và ba chân bốn cẳng chạy. Rồi chúng tôi lại đứng lại ngay như bị ma làm: hai chú lợn con đang lục sục trong một cái chuồng nhỏ. Chúng tôi dụi mắt và nhìn cẩn thận một lần nữa về phía ấy: rõ ràng chúng nó còn sờ sờ ra đấy. Chúng tôi tóm lấy chúng: không còn ngờ gì nữa, đúng là hai chú lợn sữa.

Một bữa chén ngon tuyệt trần đấy! Cách hầm chúng tôi độ năm chục bước có một ngôi nhà dùng làm chỗ ở cho sĩ quan. Trong bếp, có một cái lò thật vĩ đại với hai dàn quay, với những chảo rán, nồi niêu, nghĩa là có đủ mọi thứ cần thiết; dưới mái hiên lại có rất nhiều củi nhỏ chờ chúng tôi: thật là một chốn bồng lai tiên cảnh.

Từ sáng sớm, hai đứa trong bọn tôi đã ra ngoài đồng lùng khoai tây, cà rốt và đậu đầu mùa. Chúng tôi ra cái điều khảnh ăn, không thích những món đồ hộp trong kho quân lương; chúng tôi muốn chất tươi kia. Trong chạn, đã có hai cây xúp lơ rồi.

Chúng tôi thịt hai con lợn; Cát lãnh cái nhiệm vụ ấy. Chúng tôi muốn thêm vào thịt quay món bánh rán khoai nữa. Nhưng chúng tôi không xoay đâu được cái bàn để nạo khoai. Chúng tôi tìm được cách thay thế ngay. Chúng tôi lấy một cái nắp hộp sắt tây, rồi đóng đinh cho thủng lỗ chỗ khắp cả, thế là được cái bàn xát cần thiết rồi. Ba đứa đeo găng dày để tránh đau tay, cứ việc ngồi nạo khoai, còn hai đứa khác ngồi gọt vỏ, công việc chạy băng băng.

Cát nấu nướng với hai con lợn, cà rốt, đậu bột và súp lơ. Anh ta lại đánh một thứ xốt trắng rưới vào món xúp lơ nữa. Còn tôi thì làm món bánh rán, mỗi lần bốn chiếc. Cứ độ mươi phút tôi lại hất cái chảo lên một lần làm cho những chiếc bánh đã chín một mặt, nhảy lên, quay đi một vòng rồi rơi xuống rất đúng chỗ. Hai con lợn đã quay vàng. Mọi người quây lại như xúm quanh một cái bàn thờ.

Dịp này, chúng tôi lại có khách, hai chú lính vô tuyến điện thoại mà chúng tôi đã có nhã mời đến để đánh chén. Họ ngồi ở phòng khách, ở đấy có cái đàn dương cầm. Một cậu đánh đàn, một cậu hát bài “Trên bờ sông Vê Đơ”. Cậu ta hát đầy tình cảm nhưng pha giọng vùng Xắc Xơ. Tuy vậy bài hát vẫn làm cho chúng tôi xúc động trong khi chúng tôi xúm xít trước bếp lửa làm những món ngon lành này.

Dần dần, chúng tôi nhận thấy trái phá bắt đầu dội xuống như mưa quanh chỗ chúng tôi. Tụi khí cầu thám thính đã phát hiện ra khói bốc từ ống khói nhà chúng tôi lên, và thế là chúng oanh tạc. Những quả đại bác hạng nhẹ chết tiệt ấy khoét những chỗ không to lắm nhưng mảnh đạn đi rất xa và sát mặt đất.

Những tiếng rít mỗi lúc một nhiều, nhưng dù sao chúng tôi cũng không thể đình việc làm bếp lại được.

Cái bọn chó má ấy hướng dẫn đường đạn. Vài mảnh đạn xuyên qua cửa sổ. Món lợn quay chẳng mấy lúc đã xong. Nhưng rán bánh đâm ra khó. Những viên đạn rơi xuống gần đến nỗi mảnh đạn đập chan chát vào tường và xuyên qua cửa sổ mỗi lúc một nhiều.

Mỗi lần nghe thấy tiếng nào gần đấy, tôi lại bê chảo bánh quỳ xuống và nép sau bức tường có cửa sổ. Nhưng liền sau đó, tôi lại nhổm dậy và tiếp tục rán.

Hai anh chàng người Xắc Xơ ngừng đàn hát: một mảnh đạn đã bắn vào cái đàn dương cầm; chúng tôi cũng đã làm xong công việc bếp núc và tính nước chuồn. Khi một quả đại bác vừa nổ xong là hai người bê những chảo rau đậu, ù té chạy, vượt quãng đường năm chục thước từ nhà bếp đến hẩm trú ẩn của chúng tôi. Chúng tôi thấy họ lẩn mất hút.

Một quả đại bác nữa. Mọi người cúi xuống, rồi hai người bê hai bình cà phê chính cống hạng nhất, chạy lồng lên và đến được hầm trú ẩn trước khi một quả đại bác nữa rơi xuống.

Bây giờ đến lượt Cát và Cốp chuyển món chủ lực quân: cái chảo lớn với hai con lợn quay vàng. Một quả đại bác gầm lên, chúng nó quỳ xuống, rồi kia, chúng nó chạy như bay, vượt qua năm chục thước đường trống.

Tôi đã rán xong bốn cái bánh cuối cùng; tôi đã phải nằm bẹp xuống đất hai lần, nhưng tôi cũng được thêm bốn cái nữa, món tôi rất ưa thích.

Thế rồi tôi bê cái mâm với đống bánh rán lù lù ở trên và đứng nép vào cửa. Một tiếng rít, một tiếng nổ, và tôi chạy như bay, hai tay ghì cái mâm vào ngực. Gần đến nơi, lại nghe thấy một tiếng rít đinh tai mỗi lúc một to; tôi chồm lên như một con hươu rồi ngoắt nhanh như chớp vào trong bức tường bê tông; mảnh đạn quật chan chát vào bức tường; tôi chạy xuống thang ngầm. Hai khuỷu tay rách toạc cả, nhưng cái mâm không bị đổ và không mất qua một cái bánh nào.

Chúng tôi bắt đầu đánh chén vào lúc hai giờ. Kéo dài cho đến tận sáng. Từ sáu giờ đến sáu rưỡi, chúng tôi uống cà phê, thứ cà phê và thuốc xỉa của sĩ quan, cũng lấy ở kho. Đến đúng sáu giờ rưỡi, chúng tôi lại ăn bữa tối. Đến mười giờ đêm chúng tôi vất xương lợn ra ngoài cửa. Rồi sau đó, có rượu cô nhắc, rượu rum cũng lấy ở cái kho thực phẩm trời cho ấy, rồi lại đến lượt những điếu xì gà to, dài có quấn vòng. Jađơn quả quyết rằng chỉ còn thiếu một món: ấy là cái món gái nhà thổ của sĩ quan.

Đêm đã khuya, chúng tôi nghe thấy tiếng kêu meo meo. Một chú mèo nhỏ màu xám ngồi ở lối ra vào. Chúng tôi nhử nó vào và cho nó ăn. Thế là chúng tôi lại thấy buồn mồm. Chúng tôi đi ngủ mà mồm vẫn nhai.

Nhưng chúng tôi trải qua một đêm thật là khổ.

Chúng tôi ăn nhiều thức béo quá. Con lợn sữa đã làm cho cả lũ đau bụng. Trong gian hầm, cứ đi đi về về suốt đêm. Bên ngoài lúc nào cũng có hai hoặc ba đứa ngồi xổm quây thành vòng tròn, quần tụt hẳn xuống, mà miệng thì cứ chửi. Về phần tôi, tôi đi lại con đường chín lần. Đến bốn giờ sáng, thì cả bọn phá kỷ lục: cả người vừa tướng, vừa lính, vừa khách khứa đều họp mặt ở ngoài!

Những ngôi nhà cháy rừng rực, hiện lên trong đêm như những bó đuốc. Trái phá điên cuồng nổ cạnh chúng tôi. Những đoàn xe quân nhu ầm ầm qua phố.

Một góc của kho quân lương bị đạn phá tung ra. Mặc dầu bom đạn, tụi lái xe vẫn cứ chen chúc vào như một đàn ong và xoáy bánh mì ở đấy. Chúng tôi mặc cho họ lấy. Nếu nói gì, có thể họ nện cho nhừ tử. Vì vậy chúng tôi tính cách khác. Chúng tôi bảo họ rằng chúng tôi có nhiệm vụ trông kho và, vì chúng tôi cũng là những tay lắm mánh khóe, chúng tôi đổi đồ hộp cho họ để lấy những thứ chúng tôi thiếu. Cái đó có quan hệ gì? Chẳng bao lâu đại bác sẽ phá hủy hết. Chúng tôi moi sôcôla trong kho ra và ăn từng tảng một. Cát bảo yên bụng mà ăn cái này thì tốt lắm...

Suốt mười lăm ngày như thế, chúng tôi chỉ việc ăn: uống và rong chơi nhởn nhơ. Chẳng có ai quấy rầy gì cả. Đại bác dần dần phá hủy hết cả làng và chúng tôi sống thật là khoái. Khi nào trong kho quân lương còn cái chén được, là chúng tôi còn phớt đều và chúng tôi ước ao một cách đơn giản là giá chiến tranh chấm dứt ngay ở đây thì tuyệt quá.

Jađơn đâm ra chơi sang đến mức xì gà chỉ hút nửa điếu thôi. Nó tuyên bố một cách kênh kiệu rằng đó là thói quen của nó. Cát cũng thế, cũng ra vẻ lắm.

Buổi sáng, vừa mở mắt, câu đầu tiên của anh ta là: “Min, mang cà phê với trứng cá muối lại đây!”. Chúng tôi trở nên lịch sự một cách lạ lùng, đứa nào cũng coi bạn mình như là quân hầu, anh anh ta ta một cách trịnh trọng, và ra lệnh. “Cốp, chân ta ngứa đây, anh bắt cho ta con rận”. Vừa nói, Lia vừa giơ chân cho nó như một cô đào hát, còn Anbe thì lôi Lia ta lên đến tận đầu cầu thang. “Jađơn?”. “Gì?”. “Jađơn, anh cứ đứng tự nhiên, mấy lại người ta không nói “gì” mà phải nói là: xin nghe lệnh. Nào, Jadơn!”. Thế là, Jađơn ta, bằng cử chỉ và lời nói lại đóng vai Gợt Béclichingơn[15] một cách đặc sắc. Nó đóng cái vai này tuyệt lắm.

Tám ngày sau, chúng tôi nhận được lệnh rút. Thế là hết cả hào hoa phong nhã. Hai xe vận tải lớn đến đón chúng tôi. Hai chiếc xe chở đầy ăm ắp ván gỗ.

Nhưng Anbe và tôi cố xếp lên cái giường có đỉnh màn với diềm lụa xanh, với đệm và hai cái chăn con có đăng ten. Trong góc, mỗi đứa chúng tôi có một bị đầy những món ăn hảo hạng. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại sờ, nắn; những khúc dồi hun, chắc nịch, những hộp xúc xích gan, những hộp thức ăn, những hộp xì gà, làm cho lòng chúng tôi rạo rực. Mỗi đứa vác đầy một bị như thế.

Nhưng Cốp và tôi lại còn vớt vát thêm hai chiếc ghế bành bọc nhung đỏ. Chúng tôi xếp hai cái ghế lên trên giường rồi ngồi ưỡn ra như ngồi ghế lô trong nhà hát. Trên đầu chúng tôi, cái đỉnh màn lụa bay phồng lên, y như cái lọng. Mỗi đứa lại vắt vẻo ở mồm một điếu xì gà dài ngoằng. Ngồi như thế, từ trên cao, chúng tôi nhìn xuống khắp vùng. Giữa chúng tôi có một cái lồng vẹt, mà chúng tôi đã lùng được để nhất trí mang con mèo đi theo; chú mèo kêu khò khò trước bát thịt.

Xe chạy chậm chậm trên đường. Chúng tôi hát.

Phía sau chúng tôi, những quả đại bác dựng lên những cột khói từ cái làng lúc này đã hoàn toàn bỏ trống.

Vài ngày sau, chúng tôi nhận nhiệm vụ dồn dân ra khỏi một khu vực. Dọc đường, chúng tôi gặp những người chạy loạn bị đuổi ra khỏi nhà. Bao nhiêu của cải họ xếp lên xe bò, xe trẻ con và vác cả trên lưng nữa.

Thân hình họ còng xuống, nét mặt đầy vẻ buồn phiền, tuyệt vọng, vội vã và chịu đựng. Trẻ con đưa tay cho mẹ dắt, đôi lúc chị dắt một lũ em, chúng nó vừa đi vừa vấp ngã, và luôn luôn ngoái lại đằng sau. Vài đứa mang theo những con búp bê thảm hại. Tất cả bọn đều im lặng, khi đi gần chúng tôi.

Chúng tôi vẫn hành quân. Quân Pháp chắc hẳn không bắn vào những làng có đồng bào của họ. Mấy phút sau, không khí rú lên, đất chuyển mình, những tiếng kêu thét nổi dậy: một quả đại bác vừa nghiến cả trung đội đi sau cùng. Chúng tôi tản ra và nằm bẹp xuống đất; nhưng lúc này, tôi không còn can đảm như mọi lần, dưới lửa đạn, vẫn làm được một cách vô ý thức những động tác thích hợp. Một ý nghĩ bật lên trong đầu tôi “mình đi đứt mất”. Một sự lo lắng ghê gớm chẹn lấy họng tôi. Đồng thời một cái gì giống như một ngọn roi quất vào chân trái tôi. Tôi nghe thấy Anbe kêu lên, nó nằm sát cạnh tôi.

- Đứng dậy, Anbe! - Tôi hét lên. - Chúng mình nằm trơ ra thế này à, chẳng có gì che cả!

Nó loạng choạng đứng dậy và bắt đầu chạy. Tôi chạy sát bên nó. Chúng tôi phải vượt qua một bờ dậu cao hơn đầu người. Cốp víu lấy một cành cây; tôi nắm chân nó; nó kêu lên, tôi đẩy nó một cái cho có đà, nó nhảy sang bên kia dậu. Tôi nhảy xuống ngay đằng sau nó, và ngã lộn xuống một cái ao phía sau.

Mặt hai đứa đầy những bèo và bùn, nhưng chỗ trú ẩn này khá đấy. Cho nên chúng tôi ngâm nước đến tận cổ. Khi nghe thấy một viên đạn réo lên, chúng tôi hụp ngay đầu xuống nước.

Nhô lên hụp xuống độ mười hai lần, tôi mệt lử cả người, Anbe cũng thế, thở hổn hển.

- Đi đi, nếu không tớ ngã gục xuống và chết đuối mất!

- Cậu bị vào đâu?

- Có lẽ đầu gối.

- Cậu chạy được không?

- May ra...

- Vậy chạy nhé!

Chúng tôi chạy đến cái rãnh nước bên đường.

Chúng tôi lom khom chạy theo đường rãnh, hỏa lực vẫn đuổi theo chúng tôi. Con đường này dẫn đến kho đạn. Nếu kho đạn nổ thì chúng tôi tan xác không còn một mảnh. Vì vậy, chúng tôi đổi chiều và chạy tạt chéo qua cánh đồng.

Anbe đi chậm lại.

- Cậu cứ chạy đi, tôi theo sau, - nó vừa nói vừa ngồi phệt xuống.

Tôi cầm tay nó, lắc lắc:

- Đứng dậy, Anbe, cậu mà nằm xuống, là đừng hòng đi được nữa. Nào, vịn vào mình!

Cuối cùng, chúng tôi đến một hầm trú ẩn nhỏ.

Cốp nằm dài ra trên mặt đất. Tôi băng bó cho nó. Nó bị thương trên đầu gối một tí. Sau đó tôi nhìn lại tôi.

Quần đẫm máu, cả tay áo cũng thế. Anbe quấn băng vào những chỗ bị thương cho tôi. Lúc này, nó không nhấc được chân lên nữa rồi. Cả hai đứa đều ngạc nhiên sao lại lê được đến tận chỗ này thì lạ thật.

Chính cái sợ đã giúp sức chúng tôi, giá bị cụt hai bàn chân, có lẽ chúng tôi vẫn còn tiếp tục đi được bằng những khúc chân cụt ấy.

Tôi còn có thể bò được một ít, tôi gọi một cái xe có thành đi qua đấy; nó chở chúng tôi đi. Trên xe đã đầy những người bị thương. Một y tá trưởng tiêm vào bụng mỗi đứa một phát để phòng bệnh uốn ván.

Đến trạm quân y, chúng tôi thu xếp hai đứa nằm bên nhau. Người ta cho chúng tôi ăn cháo loãng, hai đứa vừa húp sùm sụp, vừa tỏ vẻ khinh bỉ; vì đã quen một dạo với toàn cao lương mỹ vị, nhưng chúng tôi vẫn thấy đói.

- Anbe, bây giờ, là chúng mình về nhà, - tôi nói.

- Cũng mong thế, - nó trả lời. - Không biết tớ bị ra làm sao?

Các chỗ đau mỗi lúc một nhức nhối. Những chỗ băng bó nóng bỏng lên như lửa đốt. Chúng tôi uống, uống liên tục, hết cốc nước này đến cốc nước khác.

- Vết thương của mình cách đầu gối bao nhiêu nhỉ? - Cốp hỏi.

- Ít ra là mười phân, Anbe ạ, - tôi trả lời. Sự thực, có lẽ chỉ cách ba phân thôi.

Một lúc sau nó nói:

- Tớ thề là nếu họ cưa của tớ một chân là tớ tự tử ngay. Tớ không thể nào sống làm thằng què ở trên đời này được.

Thế là, chúng tôi nằm đất nghĩ vơ nghĩ vẩn và chờ đợi.

Buổi chiều, người ta đem chúng tôi lên bàn mổ.

Tôi phát hoảng và vội vàng tự hỏi phải làm gì đây, vì ai chả biết là trong những trạm quân y dã chiến, tụi bác sĩ chỉ cưa là nhanh thôi. Trong lúc vội, cưa bao giờ chả đơn giản hơn những việc chắp nối phiền phức. Tôi nhớ đến Kemơrich. Dù thế nào tôi cũng nhất định không để cho chúng đánh thuốc mê, dù phải đập vỡ mặt vài thằng ra cũng đành.

Nhưng không đến nỗi thế. Viên thầy thuốc cắt rạch khắp cả vết thương của tôi, tôi đau quá, nẩy đom đóm mắt ra.

- Làm gì mà nhặng lên thế? - Ông ta vừa càu nhàu vừa tiếp tục cắt xé. Những dụng cụ lóe lên dưới ánh sáng gay gắt như những con thú dữ. Đau không chịu được. Hai gã y tá giữ chặt lấy cánh tay tôi, nhưng tôi giằng ra được một gã và sắp sửa đánh hắn ngã dúi vào cặp kính của viên thầy thuốc, thì ông này nhận thấy nên vội nhảy bổ về đằng sau.

- Đánh thuốc mê cho nó đi! - ông ta giận dữ hét lên.

Thế là tôi dịu lại.

- Thưa bác sĩ, tôi xin lỗi. Tôi sẽ nằm im, nhưng đừng đánh thuốc mê tôi.

- Được, - ông ta vừa nói bằng một giọng gay gắt vừa cầm lại dụng cụ.

Ông ta tóc vàng, nhiều nhất là ba mươi tuổi, mặt có những cái sẹo thời sinh viên và đôi kính gọng vàng trông không mê được. Tôi nhận thấy lúc này, ông ta đang tìm mảnh đạn, ông ta mò ngoáy trong vết thương của tôi, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên trên cặp kính nhìn về phía tôi một cái. Hai bàn tay tôi nắm chặt cái thành bàn mổ, đến tê dại đi; tôi thà chết chứ không chịu rên lên một tiếng.

Ông ta đã mò được mảnh đạn trái phá trong vết thương, rồi ông ta ném nó cho tôi. Ông ta có vẻ hài lòng về thái độ của tôi, vì bây giờ ông ta đặt những thanh gỗ buộc xương cho tôi một cách cẩn thận và nói: “ngày mai, về nhà nhé!”. Rồi người ta bó bột cho tôi. Khi về cạnh chỗ Cốp, tôi nói cho nó biết có lẽ ngày mai, một chuyến tàu quân y sẽ tới.

- Anbe này, chúng mình phải tán với tay đội nhất y tá để hai đứa ở gần nhau mới được.

Tôi đã tìm cách luồn cho viên đội nhất y tá hai điếu xì gà loại có vòng, kèm theo mấy lời thích đáng.

Anh ta hít hít và nói:

- Cậu còn nữa không?

- Còn kha khá, cả thằng bạn tôi cũng thế (vừa nói tôi vừa chỉ Cốp), cả hai đứa chúng tôi chỉ muốn sáng mai cùng đưa cho anh qua cửa sổ chuyến tàu quân y.

Dĩ nhiên, anh ta hiểu ý, lại hít hít và nói:

- Được thôi.

Ban đêm, chúng tôi không chợp mắt được nổi một phút. Trong phòng chúng tôi, có bảy người chết. Một người trong số ấy hát thánh ca suốt một giờ, bằng cái giọng nam cao nghẹn ngào, rồi sau đó bắt đầu thở nấc lên. Một người khác tụt xuống khỏi giường, lê ra tận cửa sổ, rồi nằm ở đấy như để nhìn ra bên ngoài một lần cuối cùng. Những cái cáng của chúng tôi đã ra đến ga.

Chúng tôi đợi tàu. Trời mưa. Nhà ga không có mái.

Chăn thì mỏng. Chúng tôi đợi đã hai giờ rồi. Viên đội nhất y tá săn sóc chúng tôi như một người mẹ. Dù mệt bã người, nhưng tôi vẫn chuẩn bị kế hoạch. Vì vậy cứ làm ra vẻ như thường, tôi chỉ vào những cái gói và đưa cho anh ta một điếu để cược trước. Đáp lại, viên đội nhất đắp cho chúng tôi một tấm vải bạt.

- Anbe này, - tôi nói, - tôi vừa nhớ lại, còn cái giường có đỉnh màn của chúng mình, còn con mèo...

- Còn những cái ghế bành nữa chứ, - nó thêm...

Phải, những cái ghế bành bọc nhung đỏ. Trước, tối tối hai đứa tôi ngồi như ông hoàng, và chúng tôi tính sau này sẽ đem ra cho thuê giờ. Mỗi giờ, một điếu thuốc lá. Một cuộc sống không phải lo lắng, mà lại là một việc có lợi nữa chứ.

- Anbe này, - bất chợt tôi nói, - còn những cái bị đựng thức ăn của chúng mình...

Chúng tôi buồn quá. Còn những thứ ấy mà dùng thì tuyệt biết bao nhiêu. Nếu tàu khởi hành chậm độ một ngày, nhất định Cát sẽ tìm được chúng tôi và mang đến cái món quý hóa ấy.

Số kiếp ăn mày! Trong ruột chỉ có tí cháo bột, thức ăn đạm bạc của nhà thương, mà trong bị thì có thịt lợn quay. Nhưng chúng tôi mệt quá nên cũng chẳng còn sức đâu mà háo hức cái món ấy nữa.

Mãi sáng, tàu mới đến, cáng đã ướt hết cả. Viên đội nhất y tá để hai đứa chúng tôi vào cùng một toa.

Trong ấy có bao nhiêu là các bà, các cô Hồng thập tự.

Cốp nằm bên dưới. Người ta nhấc tôi lên, đặt lên giường phía trên nó.

- Trời! - Tôi bất giác kêu lên.

- Làm sao thế? - Cô y tá hỏi.

Tôi nhìn cái giường. Khăn trải giường trắng như tuyết, những cái khăn sạch không thể tưởng tượng được, còn nguyên cả nếp là. Ngược lại, cái áo sơ mi của tôi sáu tuần lễ chưa giặt, nó bẩn một cách quái gở.

- Anh có lên giường một mình được không? - Cô y tá hỏi tôi, có vẻ lo lắng.

- Được - tôi vừa nói vừa thở, - nhưng hãy lột cái khăn này đi đã.

- Sao thế?

- Tôi thấy mình chẳng khác gì con lợn và không thể nào nằm lên cái khăn trải giường như thế này được. Nhưng, - tôi ngập ngừng, - nó sẽ...

-... bẩn đi một tí chứ gì? - Cô y tá hỏi bằng một giọng vỗ về - Không sao đâu, chúng tôi lại giặt đi thôi.

- Không, không phải thế đâu... - tôi nói một cách cáu kỉnh, - tôi không quen cái kiểu sống văn minh lịch sự thế này.

- Các anh là những người đã ở chiến hào, chúng tôi có thể giặt khăn trải giường cho các anh mà, - cô ta nói tiếp.

Tôi nhìn cô ta. Cô ta trẻ và nom thích mắt quá, quần áo tươm tất, sạch sẽ một cách lạ lùng, cũng như tất cả những cái ở đây. Tôi cứ tưởng những cái này chỉ dành riêng cho sĩ quan, thành thử tôi đâm ra lúng túng và cảm thấy lo ngại là khác nữa.

Thế mà cô ta ác quá, cứ bắt tôi phải nói hết.

- Chẳng qua là...

Tôi ngừng lại; chắc cô ấy phải hiểu chứ.

- Còn sao nữa?

- Vì những con rận. - Cuối cùng tôi rống lên.

Cô ta cười.

- Thì cũng phải để cho chúng nó có lúc sướng chứ.

Bây giờ tôi không còn nói vào đâu được nữa. Tôi leo lên giường và kéo chăn đắp.

Một bàn tay lướt trên chăn của tôi. Viên đội nhất y tá. Anh ta đi khỏi với những điếu xì gà.

Một giờ sau, tôi thấy tàu đang chạy.

Ban đêm, tôi thức giấc. Cốp cũng cựa mình. Con tàu chạy êm êm trên đường sắt. Chúng tôi chưa hiểu nổi những chuyện đã xảy ra: một cái giường, một chuyến tàu, trở về nhà. Tôi khe khẽ:

- Anbe! Cậu có biết nhà xí ở đâu không?

- Có lẽ ở phía bên kia, bên phải cửa ra vào ấy.

- Tớ đi xem thế nào.

Tối quá. Tôi sờ soạng mép giường và lần xuống một cách thận trọng. Nhưng chân tôi không có chỗ tựa, tôi cảm thấy bị lôi tuột xuống, còn cái chân bó bột thì chả giúp gì được, thế là tôi ngã lăn ra sàn, đánh ầm một tiếng.

- Tổ mẹ nó! - Tôi kêu lên.

- Có đau không? - Cốp hỏi.

- Cậu cũng nghe thấy rồi, cái đầu tớ...

Phía cuối toa, cửa mở ra, cô y tá xách đèn chạy lại và trông thấy tôi:

- Anh ấy ngã trên giường xuống...

Cô ta bắt mạch và sờ trán tôi.

- Anh có sốt đâu.

- Không...

- Hay là anh nằm mê? - Cô ta hỏi.

- Có lẽ, - tôi trả lời qua loa cho xong chuyện.

Bây giờ lại bắt đầu cuộc tra khảo. Cô ta nhìn tôi bằng đôi mắt long lanh. Cô ta sạch sẽ và xinh đẹp quá; tôi lại càng không thể thổ lộ với cô ta cái nguyện vọng của tôi được.

Tôi lại được đặt lên giường. Sắp nguy to đến nơi rồi đây! Khi nào cô ta đi khỏi tôi lại phải tụt ngay xuống mới được. Nếu là một bà già thì nói chuyện ấy cũng dễ, nhưng đằng này cô ta lại trẻ măng, nhiều nhất là hai mươi lăm tuổi; không thể được, tôi chả nói đâu...

Anbe liền giúp tôi. Nó không ngượng, vì dẫu sao cũng không phải việc của bản thân nó. Nó gọi cô y tá đến. Cô ta quay lại.

- Cô ơi nó muốn...

Nhưng cả Anbe cũng không biết nói thế nào cho lịch sự và không chê trách được. Nếu giữa chúng tôi với nhau ở mặt trận, chỉ một tiếng là đủ hiểu, nhưng ở đây, trước một tiểu thư như thế này... Nhưng, bất thình lình, nhớ lại hồi đi học, nó liền nói được một cách trơn tru:

- Cô ơi nó muốn... ra ngoài.

- À được, - cô y tá nói. - Chân bó bột như thế thì việc gì mà phải xuống giường! Anh muốn dùng thứ nào? - Cô ta hỏi tôi.

Cái câu hỏi mới mẻ này làm cho tôi sợ chết đi được vì tôi không hiểu một tí gì về cách diễn tả những cái ấy bằng chuyên môn.

Cô y tá liền đỡ lời tôi:

- Cái bé hay cái to?

Chao ôi, buồn cười làm sao! Tôi thở rống lên như bò và nói bằng một giọng lúng túng:

- Cái bé thôi vậy... - ít ra, tôi cũng còn may mắn đôi chút.

Người ta mang lại cho tôi một thứ chai. Vài giờ sau, không phải chỉ có mình tôi như thế, và đến sáng, thì chúng tôi quen đi và đòi hỏi cái món cần thiết mà không ngượng ngập tí gì nữa.

Con tàu chạy chậm chậm. Thỉnh thoảng nó dừng lại và người ta khiêng những người chết xuống. Nó dừng như thế luôn.

Anbe lên cơn sốt, còn tôi tuy có nhức nhối nhưng không đến nỗi mệt quá; tệ nhất có lẽ vẫn còn những con rận ở dưới lớp thạch cao bọc vết thương. Nó làm tôi ngứa ghê gớm mà không tài nào gãi được.

Suốt dọc đường lúc nào chúng tôi cũng ngủ chập chờn. Phong cảnh chạy qua cửa sổ một cách bình thản. Đêm thứ ba, chúng tôi đến Hécbextan. Tôi thấy người ta nói với cô y tá là Anbe vì bị sốt nên sẽ phải xuống ga sắp tới.

Tôi hỏi tàu chạy đến đâu.

- Đến Côlônhơ.

- Anbe này, chúng mình sẽ ở bên nhau, - tôi nói, - rồi cậu xem.

Đến lần sau, cô y tá quay lại, tôi nhịn thở và dồn cả hơi lên mặt. Mặt phình ra và đỏ nhừ lên. Cô y tá dừng lại:

- Anh đau à?

Tôi rên lên:

- Phải, bất thình lình đau đấy.

Cô ta đưa cho tôi cái nhiệt kế rồi đi ra chỗ khác.

Nếu tôi không biết xoay sở ra sao thì quả không xứng là học trò của Cát. Loại nhiệt kế này cũng đến chào thua những gã lính có kinh nghiệm. Chỉ đơn thuần có việc làm thế nào cho thủy ngân lên thôi; rồi thủy ngân dừng yên trong cái ống nhỏ, không xuống nữa.

Tôi đặt nhiệt kế vào nách nhưng để lộn ngược và nghiêng về một phía, rồi tôi lấy ngón tay chà xát mãi vào nó. Sau đó tôi lắc lắc phía trên. Thế là được 37,9.

Nhưng cũng vẫn chưa đủ. Một que diêm để gần một cách khéo léo là có ngay 38,7.

Khi cô y tá trở lại, tôi thở mạnh, tôi nấc lên từng hồi, tôi nhìn cô ta trừng trừng, tôi trằn trọc dữ dội và nói thều thào: “Không chịu được nữa rồi”... Cô ta ghi tên tôi vào một tờ giấy. Tôi biết chắc chắn nếu không cần thiết, không khi nào người ta tháo chỗ băng bó của tôi ra đâu.

Thế là Anbe và tôi, cả hai đứa cùng được khiêng xuống.

Chúng tôi nằm trong một nhà thương đạo, cùng phòng với nhau. Thật là tốt số, vì các nhà thương đạo nổi tiếng về thuốc men cẩn thận và ăn uống tử tế.

Chuyến tàu của chúng tôi xếp người vào đầy các phòng; trong bọn chúng tôi, có nhiều người bị nặng.

Người ta không thăm bệnh chúng tôi ngay hôm ấy, vì số thầy thuốc quá ít. Trong hành lang, những chiếc xe mặt phẳng bánh cao su đi đi lại lại không ngừng, bao giờ cũng có người ở trong. Nằm dài ra như vậy thật là khó chịu, chỉ trừ khi người ta ngủ thiếp đi thì không kể.

Ban đêm rất huyên náo. Chẳng ai ngủ được. Gần sáng, chúng tôi mới chợp mắt nổi một lúc. Tôi thức dậy lúc trời sáng. Cửa để ngỏ và tôi nghe thấy những tiếng người từ hành lang đưa vào. Mọi người cũng dậy cả. Một người trong bọn đã đến đây được mấy ngày giảng cho chúng tôi nghe: “Ở trên gác này, sáng sáng, các bà xơ cầu kinh. Các bà ấy gọi là buổi cầu kinh sáng. Các bà ấy để cửa mở như vậy là cốt cho các cậu cũng được hưởng phần đấy”.

Tất nhiên ý định ấy tốt, nhưng xương cốt và đầu óc chúng tôi đang nhức nhối khó chịu.

- Sao mà ngu ngốc thế? - Tôi nói. - Người ta vừa mới chợp mắt được một tí.

- Ở đây là những bệnh nhân không nặng mấy, nên các bà ấy mới làm thế, - anh ta trả lời.

Anbe rên rỉ. Tôi phát khùng lên và hét tướng:

- Ngoài kia, im đi nhá!

Một phút sau, một bà xơ vào. Trong bộ quần áo đen trắng, bà ta giống như những cái chụp xinh xinh mà người ta thường chụp bình cà phê để giữ cho nó nóng.

- Xơ đóng giúp cho cái cửa, xơ ạ! - Một người nói.

- Chúng tôi đang cầu kinh, nên mới để cửa mở chứ, - bà ta cãi lại.

- Nhưng chúng tôi còn muốn ngủ nữa...

- Cầu nguyện tốt hơn ngủ (Bà ta đứng đó và mỉm cười hiền lành). Hơn nữa đã bảy giờ rồi.

Anbe lại rên rỉ.

- Đóng cửa lại! - Tôi quát lên.

Bà ta sững sờ cả người; rõ ràng là bà ta không thể ngờ đến một thái độ như thế.

- Nhưng chúng tôi cầu nguyện cho cả các anh đấy chứ.

- Không cần, cứ đóng cửa lại đi!

Bà ta đi khỏi và cứ để cái của mở như cũ. Tiếng cầu kinh lại vang lên. Tôi phát điên lên và nói:

- Tôi đếm đến ba, nếu không im đi là tôi ném đấy!

- Cả tớ cũng thế, - một cậu khác tuyên bố.

Tôi đếm đến năm. Rồi tôi với một cái chai, nhắm và ném qua cửa ra hành lang. Cái chai vỡ tan tành.

Tiếng cầu kinh ngừng lại. Các bà xơ rầm rầm chạy vào, có vẻ bực mình thực sự.

- Đóng cửa vào! - Chúng tôi hét lên.

Các bà ấy rút lui. Cái bà nhỏ nhắn lúc nãy đi ra sau cùng.

- Quân vô đạo! - Bà ta càu nhàu; nhưng dẫu sao bà ấy cũng khép cửa lại.

Thế là chúng tôi thắng.

Buổi trưa, viên giám đốc nhà thương đến, ông ta mắng chúng tôi như tát nước. Ông ta dọa sẽ tống chúng tôi đi pháo đài và còn hơn thế nữa. Nhưng một viên giám đốc nhà thương cũng như một viên giám đốc sở binh lương, dù có đeo một thanh kiếm dài và đôi ngũ vai chăng nữa, rút cục cũng chỉ là một công chức, và vì thế, chẳng ai sợ ông ta cả, ngay một chú lính mới cũng vậy. Cho nên, chúng tôi cứ mặc ông ta nói. Chẳng đi đến đâu mà lo.

- Ai ném cái chai? - Ông ta hỏi.

Trước khi tôi nghĩ xem có nên nhận hay không, thì có một người lên tiếng:

- Chính tôi.

Một người có bộ râu rậm rì nhổm dậy.

Chúng tôi lấy làm lạ, tự hỏi sao cái anh này lại nhận như thế.

- Anh hả?

- Phải, tôi bực mình vì người ta phá giấc ngủ của chúng tôi một cách vô ích, tôi mất bình tĩnh đến nỗi không biết là mình làm cái gì nữa.

Anh ta nói như trong sách.

- Tên anh là gì?

- Giô dép Hamasơ, dân vệ.

Viên giảm đốc đi khỏi.

Ai cũng tò mò muốn hiểu.

- Tại sao cậu nhận, sự thực cậu có ném đâu?

Anh ta cười khẩy.

- Không hề gì cả. Mình có cái “giấy phép đi săn”.

Thế là ai cũng hiểu ngay. Nếu anh ta có giấy phép đi săn, anh ta có thể muốn làm gì thì làm.

- Phải, - anh ta kể, - mình bị một phát vào đầu, họ đã cấp cho mình một cái giấy chứng nhận là có những lúc mình không bị trách nhiệm. Từ đó, mình cứ việc thả cửa. Không ai được phép trêu tức mình cả. Vì vậy chẳng ai làm quái gì được mình. Thằng khỉ ấy thế nào rồi cũng bị một vố. Mình nhận là chính mình đấy, vì mình rất thú cái chuyện om sòm ấy. Nếu sáng mai, các bà ấy còn mở cửa, chúng mình lại tái diễn.

Chúng tôi khoái quá. Có Giô dép Hamasơ ở đây, chúng tôi tha hồ làm mưa làm gió.

Rồi những chiếc xe mặt phẳng lặng lẽ đến chở chúng tôi đi.

Băng quấn vết thương của chúng tôi dính chặt.

Chúng tôi rống lên như bò mộng.

Phòng chúng tôi có tám người. Bị thương nặng nhất là Petơ, tóc xoăn và đen nhánh: nó bị một viên đạn vào phổi thật là rầy rà.

Phăng Va tơ nằm cạnh Petơ, gầy tay, lúc đầu không đến nỗi gay lắm. Nhưng sang đến ngày thứ ba, nó gọi chúng tôi, nhờ bấm chuông hộ vì nó tưởng mất hết máu đến nơi.

Tôi bấm chuông ầm lên. Bà xơ thường trực không đến. Đêm qua chúng tôi đã hành hạ bà ấy dữ quá, vì chúng tôi đều thay băng nên đau tợn. Anh này muốn đặt chân như thế này, anh kia như thế khác, anh thứ ba đòi nước, anh thứ tư bắt kê cao cái gối; bà cụ to béo cuối cùng phải phát cáu lên và đóng sập cửa lại.

Có lẽ bây giờ bà ta cho rằng lại cũng thế thôi, nên bà ta không đến.

Chúng tôi đợi. Rồi Phăng nói:

- Cứ bấm chuông nữa đi.

Tôi bấm chuông. Bà xơ vẫn không đến. Ở gian đầu trong căn nhà của chúng tôi, ban đêm chỉ có một bà xơ thường trực, có lẽ bà ta đang bận trong những phòng khác chăng? Tôi hỏi:

- Phăng, cậu có chắc là cậu đang chảy máu không? Nếu không, chúng mình xin một ít thuốc cảm cũng được.

- Mình ướt đẫm cả. Có ai bật hộ cái đèn lên không?

Chịu. Cái bật đèn ở gần cửa, không ai đứng dậy được. Tôi ấn ngón tay lên cái núm chuông đến nỗi tê cả tay đi. Có lẽ bà xơ ngủ chăng? Thực vậy, các bà ấy phải làm việc nhiều quá, các bà ấy đều bị mệt quá sức, ngay cả ban ngày cũng vậy. Chưa kể đến cầu nguyện liên miên.

- Có nên ném chai không? - Giô dép Hamasơ, con người có giấy phép săn lên tiếng.

- Đến chuông còn chả nghe thấy, huống chi là chai.

Cuối cùng, cửa mở. Bà cụ vào với một vẻ cáu kỉnh. Nhưng khi bà ta thấy tình trạng của Phăng, bà ta sốt sắng ngay và hỏi:

- Tại sao không báo cho tôi biết ngay?

- Chúng tôi bấm chuông rồi đấy chứ. Ở đây chả ai đi được.

Phăng bị mất nhiều máu, người ta quấn băng ngay cho nó. Vừa mới đêm trước nó còn có vẻ khỏe khoắn, thế mà sáng hôm sau, chúng tôi thấy mặt nó vàng vọt hốc hác hẳn đi. Từ lúc ấy, các bà xơ đi lại thăm nom nhiều hơn trước.

Nhiều khi cũng có các bà phụ tá Hồng thập tự.

Các bà ấy tốt lắm, nhưng đôi khi hơi vụng về. Có lúc chuyển giường cho ai, các bà ấy làm người ta đau, thấy vậy các bà ấy hoảng lên, lại càng làm cho người ta đau hơn nữa.

Các bà xơ có kinh nghiệm hơn, biết cách thức làm ăn hơn, nhưng giá các bà ấy vui tính hơn một chút thì hay quá. Nói của đáng tội, một vài bà cũng dí dỏm đáo để, có khi làm đến tức cười lên kia. Ai mà chẳng cố sức làm vừa lòng bà xơ Libéctin, người đàn bà đáng mến phục ấy; từ xa, người ta đã trông thấy bà tỏa nguồn vui ra khắp cả căn gác. Cũng có nhiều người được như bà. Thấy chúng tôi có thể nhảy vào chỗ nước sôi lửa bỏng vì các bà ấy. Quả là không còn kêu ca vào đâu được, vì chúng tôi được các bà xơ đối đãi hệt như đối với dân thường. Nếu đem nhà thương trong trại lính so sánh với nhà thương này, người ta phải phát khiếp.

Phăng Va tơ không đỡ mấy. Một hôm người ta đến mang nó đi và không thấy nó trở lại nữa. Giô dép Hamasơ hiểu ngay.

Chúng mình chẳng bao giờ trông thấy nó nữa đâu. Họ đã chuyển nó đến phòng chết.

- Phòng chết nào? - Cốp hỏi.

- Ấy, cái phòng cho người ta chết ấy mà...

- Nó ở đâu?

- Cái phòng bé tí ở một xó trên gác ấy mà. Người nào sắp tử là họ mang vào đấy. Có hai cái giường. Ai mà chả biết nó là cái phòng chết.

- Nhưng tại sao họ làm thế?

- Vì sau đó, bớt được việc đi. Hơn nữa, lại thuận tiện vì nó ở sát ngay thang máy đưa xuống nhà xác; họ làm thế có lẽ để cho bệnh binh trong các phòng khỏi chết khiếp vì trông thấy cảnh hấp hối của người khác. Cuối cùng là người ta có thể trông nom cẩn thận hơn khi chỉ có một người.

- Nhưng còn chính cái thằng sắp chết thì sao?

Giô dép nhún vai.

- Thường thì lúc ấy nó cũng chẳng còn biết quái gì nữa.

- Ai cũng biết cái phòng chết chứ?

- Tất nhiên, bất cứ ai ở đây ít lâu mà chả biết.

Buổi chiều, giường của Phăng Va tơ lại có người nằm. Được vài ngày, người ta lại mang gã mới đến này đi. Giô dép phẩy tay một cái đầy ý nghĩa. Chúng tôi còn thấy nhiều người đến rồi lại đi như thế.

Thỉnh thoảng, cha mẹ bệnh nhân đến ngồi cạnh giường khóc lóc, nói khe khẽ có vẻ lo lắng lắm. Một bà cụ không muốn đứng dậy nữa, nhưng bà có được ngồi suốt đêm ở đây đâu. Sáng hôm sau, bà lại đến thật sớm, nhưng cũng vẫn chậm quá rồi, vì khi bà cụ đến bên giường, thì đã có người khác nằm rồi. Bà cụ phải xuống nhà xác. Bà cụ cho chúng tôi những quả táo mà cụ đã đem đến.

Cả cái anh chàng Petơ cũng mệt nặng hơn. Biểu đồ nhiệt độ của nó cứ lên mãi, và một hôm, chiếc xe mặt phẳng nhẹ nhàng kia đã đến bên giường nó.

- Đưa tôi đi đâu thế này? - Nó hỏi.

- Đến phòng băng.

Người ta đặt nó lên xe. Nhưng bà xơ đã phạm sai lầm khi đặt bộ quân phục của nó bỏ lên xe, như thế có nghĩa là bà ta không phải quay lại nữa. Petơ hiểu ngay, nó nhất định trườn ra khỏi xe.

- Tôi ở lại đây cơ!

Người ta giữ chặt nó lại. Nó kêu lên, giọng phều phào qua lá phổi bị thương:

- Tôi không đến phòng chết đâu?

- Nhưng chúng ta đến phòng băng cơ mà?

- Thế tại sao các người động đến bộ quân phục của tôi?

Nó không nói được nữa. Nó thì thầm bằng cái giọng khàn khàn và bực bội.

- Tôi ở lại đây cơ!

Người ta không trả lời nó nữa và cứ mang đi.

Ra đến ngoài cửa, nó toan vùng dậy. Cái đầu xoăn tít và đen nhánh run lên bần bật, mắt nó đẫm lệ.

- Tôi sẽ trở lại, tôi sẽ trở lại, - nó thét lên.

Cửa khép lại. Tất cả chúng tôi hết sức xúc động nhưng mọi người đều im lặng.

Cuối cùng Giô dép nói:

- Nhiều người đã nói thế. Nhưng đã đến đấy thì đừng hòng thoát.

Tôi đã bị mổ và nôn mửa mất hai ngày ròng rã.

Mấy cái xương của tôi không chịu liền lại, gã thư ký của bác sĩ bảo thế. Có một anh khác xương đã liền rồi nhưng lại không đúng chỗ, đành phải đập xương ra bó lại. Thật là tội.

Trong số những người mới đến, có hai cậu lính trẻ, chân thuỗn[16]. Trong lúc khám, lão bác sĩ quân y nhận thấy và lão ta dừng ngay lại, có vẻ mừng rỡ lắm.

- Chúng tôi sẽ nắn lại cho, - lão ta nói. - Chỉ một phẫu thuật nhỏ là các cậu đi lại như thường thôi. Nào xơ, viết đi!

Khi lão ta đi khỏi, Giô dép vốn là thổ công ở cái bệnh viện này, nhắc hai cậu kia phải coi chừng:

- Các cậu chớ để mổ đấy nhé. Lão già ấy có cái máu nghiện làm thí nghiệm đấy. Khi lão ta tóm được ai như thế là lão không buông tha đâu. Lão ta mổ chân thuỗn cho các cậu, và dĩ nhiên là chân các cậu không thuỗn nữa, nhưng trái lại, chân các cậu sẽ què và suốt đời các cậu phải chống gậy đấy.

- Vậy làm thế nào bây giờ? - Một cậu hỏi.

- Cứ nói thẳng là không mổ; các cậu đến đây để chữa các vết thương chứ có phải để chữa chân thuỗn đâu. Ở mặt trận, dễ chân các cậu không thuỗn đấy? Các cậu thấy đấy, bây giờ các cậu còn chạy được, nhưng hễ vào tay lão ta thì chỉ có què thôi. Lão ta cần những đề tài thí nghiệm; với lão ta cũng như với bọn thầy thuốc, chiến tranh là một thời kỳ tuyệt diệu. Các cậu nhìn dưới kia thì biết, ở phòng thuốc, hơn chục cậu bị lão ta mổ còn lê lết ra đấy. Có nhiều cậu ở đấy hàng năm rồi. Chẳng một ai đi đứng khá hơn trước; đa số chân phải bó bột. Thật là lợn lành chữa thành lợn toi! Cứ sáu tháng lão ta lại tóm lấy con nhà người ta để đập xương ra một lần nữa, mồm cứ xoen xoét lần này thì khỏi hẳn đây. Các cậu phải coi chừng đấy; nếu các cậu không đồng ý, là lão ta không có quyền làm đâu.

- Nhưng, anh bạn ơi, - một trong hai cậu lính nói bằng một giọng chán chường, - thà cái chân còn hơn cái đầu. Cậu có biết nếu lại ra ngoài ấy thì thế nào không? Kệ cho họ muốn làm gì tớ thì làm, miễn là tớ được về nhà. Què còn hơn chết.

Còn cậu kia, một gã trẻ tuổi như chúng tôi, không muốn mổ. Sáng hôm sau, lão già gọi cả hai cậu xuống, lão dọa già dọa non kỳ cho cả hai phải thuận mới thôi. Họ biết làm thế nào được? Họ chẳng qua là những anh lính quèn khốn khổ, còn lão ta lại là một người có quyền thế. Người ta khiêng hai cậu lính về, chân bó bột và bị đánh thuốc mê.

Bệnh tình Anbe trầm trọng. Người ta đến mang nó đi để cưa chân.

Nó bị cưa cả cái chân. Bây giờ, nó hầu như không nói không rằng gì nữa, nhưng nó đã bảo lúc nào nó vớ được khẩu súng lục là nó tự tử ngay.

Lại một chuyến nữa đến. Phòng chúng tôi nhận thêm hai người mù. Một trong hai người là một nhạc sĩ rất trẻ. Khi các bà xơ cho nó ăn, không bao giờ các bà ấy đem dao đến vì có lần nó đã giằng được một con dao của một bà. Mặc dầu đã đề phòng như vậy mà vẫn có chuyện xảy ra. Buổi tối, trong bữa ăn, bà xơ đang cho nó ăn có việc phải chạy đi chỗ khác; bà ta để cái ớ a và cái nĩa trên bàn ăn. Thế là gã mù sờ soạng tìm được cái nĩa, dùng hết sức đâm thẳng vào ngực; rồi nó vớ lấy một chiếc giày, đập lia lịa vào chuôi nĩa. Chúng tôi kêu cứu, phải ba người mới nhổ được cái nĩa ra. Những răng nĩa cùn cắm sâu vào ngực. Suốt đêm nó chửi bới chúng tôi, làm chúng tôi không ngủ được. Sáng hôm sau, nó lên một cơn khóc dữ dội.

Những cái giường lại vắng đi. Ngày lại ngày trôi qua giữa bao nhiêu đau đớn và lo âu, giữa những tiếng rên rỉ và những cơn thở dốc. Những phòng chết chẳng còn được việc lắm nữa. Chúng có quá ít, ban đêm bệnh nhân chết ngay trong phòng chúng tôi. Nhanh hơn cả sự tính toán của các bà xơ.

Nhưng một hôm, cánh cửa mở ra đột ngột, chiếc xe mặt phẳng tiến vào và chúng tôi thấy trên cáng, anh chàng Petơ xanh rớt, gầy guộc, cái đầu đen xì, xoăn tít, lởm chởm; nó ngồi nhổm dậy với một vẻ đắc thắng. Bà xơ Libéctin, nét mặt hân hoan rạng rỡ, đưa nó đến giường cũ. Nó từ phòng chết trở lại. Chúng tôi tưởng nó đi đứt từ lâu rồi.

Nó nhìn xung quanh rồi hét lên:

- Thế các cậu bảo sao nào?

Chinh Giô dép cũng phải thú nhận rằng đó là lần đầu tiên anh ta thấy như vậy.

Dần dần, vài ba người trong bọn chúng tôi được phép đứng dậy. Người ta phát cho tôi một đôi nạng để đi lại loanh quanh dăm ba bước. Nhưng tôi không dùng nhiều. Tôi không chịu được cái nhìn của Anbe, khi nó thấy tôi đi lại trong phòng. Lúc nào nó cũng nhìn tôi bằng con mắt lạ lùng làm sao. Vì thế đôi lúc tôi lẻn ra hành lang. Ở đấy, tôi có thể cử động được tự do hơn.

Tầng dưới là những người bị thương vào bụng, vào xương, bị đạn vào đầu, và những người cưa cả hai chân. Dãy nhà bên phải là những người bị thương ở hàm, những người bị hơi ngạt, những người bị thương ở mũi, ở tai, ở cổ. Dãy nhà bên trái là những người mù, những người bị thương vào phổi, vào háng, vào khớp xương, vào thận, dạ dày và các bộ phận khác. Chính ở đây, người ta mới thấy rõ ràng một con người có thể bị thương vào những chỗ nào.

Hai bệnh nhân chết vì bệnh uốn ván. Màu da xỉn lại, tứ chi cứng đờ, chỉ đôi mắt là còn sinh khí; sự sống bám lấy đôi mắt lâu hơn cả. Nhiều người bị thương phải treo cái chân đau lên không trung bằng một thứ thòng lọng. Dưới vết thương để một cái chậu, mủ nhỏ giọt vào đấy. Cứ vài ba giờ, người ta lại đổ chậu đi. Có người lại nằm với một dụng cụ kéo căng người ra, và những quả tạ nặng trĩu từ trên giường thả xuống. Tôi thấy những vết thương ở ruột lúc nào cũng đầy phân. Gã thư ký của bác sĩ cho tôi xem những phim chụp xương háng, xương đầu gối, xương vai bị dập gãy vụn cả ra.

Người ta không thể hiểu nổi sao ở những thân hình tàn phế đến thế mà vẫn còn những bộ mặt con người, và cuộc sống vẫn trôi bình thường trên những khuôn mặt ấy. Vậy mà đây mới chỉ là một trung tâm y tế mà thôi. Có hàng chục vạn trung tâm như thế ở nước Đức, hàng chục vạn trung tâm như thế ở nước Pháp, ở nước Nga. Có những cảnh như thế này thì tất cả những điều bấy lâu nay người ta viết ra, làm ra, hoặc suy nghĩ, thật là vô ích biết bao. Nếu nền văn hóa hàng ngàn năm không thể ngăn ngừa những suối máu như thế đổ ra và lại có hàng chục vạn cảnh tù ngục thống khổ như thế này thì tất cả những cái viết ra, làm ra, nghĩ ra ấy nhất định chỉ là bịp bợm và vô nghĩa. Chỉ có bệnh viện mới chỉ rõ được hết chiến tranh là gì.

Tôi còn trẻ lắm, mới hai mươi tuổi đầu, thế mà chỉ thấy trên đời toàn những cảnh tuyệt vọng, buồn phiền, chết chóc, xô đẩy những cuộc sống hời hợt nhất và vô tư nhất xuống vực thẳm của đau thương.

Tôi thấy các dân tộc bị xô đẩy vào cảnh chống đối nhau, chém giết nhau mà chẳng nói gì, chẳng hiểu gì. Hành động một cách điên cuồng, ngoan ngoãn, ngây thơ. Tôi thấy những bộ óc thông minh nhất của nhân loại đã phát minh ra những lý lẽ, những vũ khí để cho cái trò này diễn ra tinh vi hơn nữa, dai dẳng hơn nữa.

Và tất cả những người vào lứa tuổi tôi, ở đây và ở phía bên kia, trên khắp thế giới, đều nhận thấy như tôi; đó là cuộc sống của thế hệ tôi, cũng như cuộc sống của chính tôi. Các bậc cha anh của chúng tôi sẽ làm gì nếu một ngày kia chúng tôi đứng dậy, đến trước mặt các người và đòi tính sổ? Các người mong đợi gì ở chúng tôi khi chiến tranh kết liễu. Hàng mấy năm trời chúng tôi chỉ có việc giết người, đấy là cái nghề nghiệp đầu tiên của chúng tôi khi bước vào đời sự hiểu biết về cuộc sống của chúng tôi rút lại chỉ còn là cái chết. Rồi sau sẽ thế nào? Và chúng tôi sẽ ra sao?

Người nhiều tuổi nhất phòng chúng tôi là Lêvanđôpxki. Anh ta bốn mươi tuổi, nằm nhà thương đã mười tháng nay vì một vết thương nặng ở bụng.

Chỉ có vài tuần nay anh ta mới đi lại được mấy bước, chân khập khiễng, người cúi gập xuống. Mấy ngày gần đây anh ta rất bồn chồn. Từ cái nơi hang cùng ngõ hẻm ở bên Ba Lan, vợ anh mới viết thư cho anh là chị ta đã có đủ tiền tàu để tới thăm anh. Chị đang trên đường đi và ngày một ngày hai sẽ đến. Lêvanđôpxki ăn chẳng biết ngon nữa. Anh ta chỉ nhấm nháp qua loa vài miếng rồi cho người khác cả khẩu phần dồi lợn nấu bắp cải đỏ của anh. Tay cầm lá thư, anh ta đi đi lại lại không ngừng ở trong phòng; chúng tôi đứa nào cũng đọc cái thư ấy đến chục lần; những cái tem đã bị ngắm nghía không biết bao nhiêu lần mà kể nữa, chữ viết chỉ còn lờ mờ vì những vết mỡ và những vết ngón tay; thật là tai hại, Lêvanđôpxki lên cơn sốt, lại phải đi nằm. Hai năm rồi, anh ta chưa gặp vợ. Trong thời gian ấy, chị ta đẻ một đứa con và sẽ mang nó đến đây. Nhưng Lêvanđôpxki đang bận tâm vì một cái khác. Anh ta tính xin phép ra ở bên ngoài trong thời gian vợ đến thăm; vì rõ ràng là gặp nhau thì rất tốt, nhưng sau một thời gian dài như thế, khi gặp lại vợ, nếu có thể, người ta còn muốn cái khác nữa chứ.

Lêvanđôpxki đã bàn bạc với chúng tôi hàng giờ về chuyện này, vì trong đời con nhà lính chẳng có cái gì phải giấu diếm cả. Vả lại, chẳng ai nói gì cái đó cả.

Những người trong bọn tôi đã đi ra ngoài được đều mách cho anh ta những chỗ thuận tiện trong thành phố, những bãi cỏ, những vườn hoa mà anh ta sẽ không bị quấy rầy, có người lại mách cho cả một căn phòng nhỏ nữa.

Nhưng tất cả có ích gì? Lêvanđôpxki nằm đây với biết bao là thắc mắc. Nếu anh ta phải nhịn cái khoản ấy thì trên đời còn có cái gì làm cho anh thích thú nữa. Chúng tôi an ủi anh ta và hứa hẹn là sẽ tìm được cách để thu xếp công việc.

Chiều hôm sau, chị vợ đến, một người đàn bà loắt choắt, đôi mắt vừa long lanh, vừa sợ sệt như mắt chim sẻ; chị ta đội cái khăn đen có dải buộc, vừa trùm đầu, vừa quấn cổ. Có trời biết chị ta tìm ở đâu ra được cái thứ khăn cổ lỗ sĩ ấy.

Chị ta lắp bắp khe khẽ câu gì đó và đứng thập thò ngoài cửa. Thấy những sáu người, chị ta phát hoảng.

- Này! em Ma ria, - Lêvanđôpxki nói, tưởng chừng cổ họng anh ta bị tắc lại, - em cứ vào, có ai làm gì đâu mà sợ.

Chị ta vào bắt tay chúng tôi từng người một. Rồi chị chìa đứa bé ra, lúc ấy nó vừa bậy ra tã. Chị ta mang theo một cái bị to, thêu hạt cườm, chị ta lấy ra một cái tã sạch, nhanh nhẹn quấn lại cho đứa bé.

Bây giờ đã hết cái phút lúng túng ban đầu, và hai vợ chồng bắt đầu nói chuyện.

Lêvanđôpxki rất bứt rứt; anh ta luôn nhìn về phía chúng tôi, đôi mắt trố ra có vẻ rất là đau khổ.

Thời cơ lúc ấy thuận lợi; bác sĩ vừa đến thăm xong; nhiều lắm là chỉ có một bà xơ tạt qua phòng nữa thôi. Vì vậy một đứa trong bọn tôi ra ngó bên ngoài tí xem sao. Nó quay vào và gật đầu nói: “Chẳng có đứa chết bầm nào cả. Này Giôhan, bảo chị ấy đi, và làm luôn đi!”. Hai vợ chồng trao đổi với nhau bằng cái kiểu riêng của họ. Chị vợ nhìn chúng tôi, hơi đỏ mặt và ngượng nghịu, chúng tôi mỉm cười, có vẻ hiền lành chất phác, và gạt tay ra hiệu là cái chuyện ấy chẳng chết ai cả. Vất mẹ nó tất cả thành kiến đi! Thành kiến chỉ dùng cho lúc khác thôi. Đây là anh thợ mộc Giôhan Lêvanđôpxki đang nằm, một người lính bị một phát đạn làm cho tàn phế, và đây là vợ anh ta; ai biết bao giờ anh ta được gặp lại vợ? Anh ta muốn chị ta, vậy thì phải để anh được, chuyện thật là đơn giản.

Hai đứa đứng ngoài cửa để ngăn các bà xơ lại và bám lấy các bà ấy nếu bất chợt các bà ấy đến. Chúng nó đứng gác vào khoảng mười lăm phút.

Lêvanđôpxki chỉ nằm nghiêng được thôi; vì vậy chúng tôi kê thêm cho anh ta vài cái gối phía dưới lưng. Anbe ẵm đứa bé, rồi chúng tôi quay đi một phút; cái khăn đen thụt vào trong chăn, chúng tôi vừa đánh bài Soát vừa nói rõ to đủ mọi thứ chuyện. Thế là ổn cả. Tôi phải một ván bài xấu quá. Cho nên chúng tôi gần như quên khuấy Lêvanđôpxki.

Một lúc sau, đứa bé khóc inh lên, mặc dầu Anbe vẫn đu đưa nó một cách nhịp nhàng với vẻ mặt thất vọng. Sau đó, chúng tôi nghe thấy những tiếng sột soạt, những tiếng động khe khẽ, rồi bất chợt chúng tôi nhìn lại thì đã thấy đứa bé lại nằm trong tay mẹ nó, mồm ngậm vú cao su rồi. Thế là vui vẻ cả.

Lúc này, chúng tôi cảm thấy như một đại gia đình; chị vợ trông tươi như hoa, còn Lêvanđôpxki nằm trên giường, toát cả mồ hôi và rất là hớn hở.

Anh ta cởi cái bị thêu ra; những khúc dồi lợn xinh xinh xuất hiện. Lêvanđôpxki cầm con dao như cầm bó hoa, cắt thịt thành từng miếng. Anh ta giang rộng tay chỉ chúng tôi và chị vợ loắt choắt đi từ người này đến người kia, vừa mỉm cười vừa phân phát cho mỗi người một phần; lúc này trông chị ta sao mà đẹp thế.

Chúng tôi gọi chị ta là “mẹ”; chị ta sung sướng và kê lại gối cho chúng tôi.

Vài tuần sau đó, sáng nào tôi cũng đến viện Danđơ. Ở đây, người ta cột chân tôi thật chặt lại rồi người ta bắt nó làm những động tác thích hợp. Tay tôi đã khỏi từ lâu. Lại có nhiều chuyến từ mặt trận về. Không có băng quấn bằng vải nữa, mà toàn bằng giấy nhiễu trắng. Ở ngoài ấy dạo này rất thiếu bông băng.

Cái chân cụt của Anbe đã khá nhiều. Vết thương ngậm miệng gần hết. Vài tuần nữa, nó sẽ đến một trung tâm lắp chân gỗ. Nó vẫn ít nói, có vẻ trầm lặng hơn trước rất nhiều. Nhiều khi đang nói chuyện, nó bỗng im bặt và nhìn trừng trừng trước mặt. Nếu không ở với bọn tôi, có lẽ nó đã kết liễu đời nó từ lâu rồi. Nhưng bây giờ nó đã qua được giai đoạn gay go nhất rồi. Đôi lúc nó cũng xem chúng tôi đánh bài Soát. Tôi được một kỳ nghỉ phép dưỡng bệnh.

Mẹ tôi không muốn để tôi đi nữa. Mẹ tôi yếu quá rồi.

Tình hình gay go hơn chuyến trước nhiều.