Phụ Nữ Thông Minh Không Ở Góc Văn Phòng

Chương 1: Khởi Động

Chương 1 KHỞI ĐỘNG

Là một chuyên viên đào tạo cao cấp đối với cả nam giới và nữ giới trong nhiều công ty, các tập đoàn lớn nhỏ, tôi rất hiểu lí do khiến một số người có thể nhanh chóng thăng tiến trong khi một số người khác chững lại và không thể phát huy tối đa tiềm năng vốn có. Mặc dù cả nam và nữ giới đều có thể mắc nhiều sai lầm trong nghề nghiệp nhưng nữ giới thường có xu hướng mắc một loạt sai lầm tương tự. Dù làm việc với phụ nữ ở Jakarta, Oslo (Na-uy), Prague, Frankfurt (Đức), Wellington (New Zealand) hay Detroit (Mỹ), tôi vẫn cảm thấy rất bất ngờ bởi họ thường mắc phải sai lầm trong công việc giống hệt nhau mặc dù họ đến từ nhiều nền văn hoá.

Tại sao phụ nữ lại cư xử giống như một cô gái trẻ suốt bao nhiêu thời gian sau khi cách cư xử này không mang lại hiệu quả? Nguyên nhân thứ nhất là vì chúng ta đã được dạy phải cư xử giống như một cô gái trẻ - ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành - và đây không phải là một bài học tồi. Các cô gái và các chàng trai được quan tâm theo hai cách khác nhau. Người ta không kì vọng một cô gái tự biết cách lo liệu cho bản thân, sẽ có những người khác làm việc đó cho họ. Các cô gái trẻ được bao bọc bởi sự ngọt ngào, hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất. Liệu có ai không muốn có một cuộc sống dễ dàng và ngọt ngào như vậy?

Mong ước được làm một cô gái trẻ dễ thương liên tục được thể hiện trong nhiều bài hát. “I enjoy being a girl.” (Tôi thích được làm con gái). “Thank Heaven for Little girls.” (Cám ơn Chúa đã sinh ra những cô gái bé nhỏ.) “My Girl.” (Cô gái của tôi.) “The girl from Ipanema.” (Cô gái đến từ Ipanema.) Liệu có ai không muốn làm một cô gái trẻ hay không? Tất cả mọi người đều thích họ. Nam giới muốn bảo vệ họ. Họ không đòi hỏi quá nhiều, dù họ cao hay thấp, ngọt ngào hay dễ thương. Sẽ rất tuyệt vời khi ở bên cạnh họ, họ cũng giống như những vật nuôi đáng yêu vậy.

Rõ ràng là việc làm một cô gái trẻ dễ dàng hơn so với việc trở thành người phụ nữ trưởng thành. Các cô gái trẻ không phải tự chịu trách nhiệm về mình nhưng họ chỉ có một số lựa chọn nhất định bởi những lựa chọn này được gói gọn trong sự kì vọng có giới hạn của người khác. Một nguyên nhân khác giải thích cho việc chúng ta tiếp tục duy trì cách cư xử từ khi còn thơ ấu ngay cả khi chúng ta biết rõ cách ứng xử này không thể giúp chúng ta trưởng thành: Chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề bên ngoài giới hạn đã được quy định. Vượt quá giới hạn sẽ tạo cho người khác cái cớ buộc tội bạn cố tình hành động “nam tính” hoặc “không nữ tính”. Nói tóm lại, chúng ta có thể dễ dàng cư xử hơn nếu tuân theo đúng khuôn mẫu do xã hội đề ra.

Nhưng khi đó, chúng ta phải đối mặt với một rắc rối. Sống trong sự kì vọng của người khác là tự bó hẹp cuộc sống của mình. Cuộc sống có ý nghĩa gì khi chúng ta mãi là một cô gái nhỏ, luôn phụ thuộc và thụ động.

Tôi nhận thấy việc cư xử giống như một cô gái trẻ “góp phần” cản trở họ gặt hái thành công. Họ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển bản thân bởi họ lưỡng lự trong việc thể hiện khả năng, ngại ngùng không dám phát biểu trong các cuộc họp hay làm việc chăm chỉ đến mức quên mất việc xây dựng các mối quan hệ cần thiết cho sự thành công trong tương lai.

TRƯỜNG HỢP CỦA SUSAN

Tôi xin đưa ra một ví dụ điển hình về Susan - một khách hàng của tôi. Susan luôn tự hỏi tại sao chị không thể phát huy tối đa khả năng của mình. Là một chuyên viên quản lí đã gắn bó hơn 12 năm với một công ty dầu mỏ thuộc top 100 công ty hàng đầu do tạp chí Fortune bình chọn, chị tỏ ra rất thất vọng vì không được thăng tiến nhanh như nam đồng nghiệp cũng được nhận vào làm cùng thời điểm. Mặc dù nghĩ rằng công ty có sự thiên vị về giới nhưng Susan vẫn không hiểu rõ lí do khiến chị không thể tiến xa hơn nữa. Trước khi tôi và Susan có những buổi tư vấn riêng, tôi đã có cơ hội được quan sát Susan làm việc trong các buổi họp với ban lãnh đạo công ty.

Trong buổi họp đầu tiên, tôi có thể dễ dàng nhận ra Susan bởi chị có một ngoại hình ưa nhìn với mái tóc bạch kim, dáng dấp nhỏ nhắn và một đôi mắt xanh sâu thẳm. Xuất thân từ bang Texas, giọng nói của Susan mang đậm âm sắc của miền Nam với những cái gật đầu quyến rũ cùng một nụ cười mềm mại khi chị lắng nghe đồng nghiệp phát biểu. Sự có mặt của chị trong phòng họp mang lại một niềm vui nào đó và chị khiến tôi nhớ đến người chỉ đạo các hoạt náo viên - rất quyến rũ, sôi nổi,thân thiện và dễ chịu. Susan gật đầu và mỉm cười mỗi khi đồng nghiệp đứng lên phát biểu. Nhưng khi phát biểu, Susan chỉ nói những cụm từ mập mờ như “Có lẽ chúng ta nên cân nhắc về…”; “Có thể đó là vì…”; và “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta…” Với những hành vi này, đồng nghiệp không bao giờ buộc tội Susan là người chướng tai gai mắt nhưng cũng không bao giờ coi chị là một người có tố chất lãnh đạo.

Sau khi quan sát hành vi của Susan trước các đồng nghiệp trong một vài buổi họp tiếp theo, tôi và Susan đã có một buổi gặp riêng để giúp chị khám phá những khát vọng mới cho công việc hiện tại. Dựa trên ngoại hình, cách cư xử và những điều tôi nghe Susan nói trong các buổi họp, tôi đoán Susan khoảng 30 đến 35 tuổi. Tuy nhiên, tôi rất bất ngờ khi Susan nói chị đã 47 tuổi với gần 20 năm kinh nghiệm làm quản lí thu mua hàng hoá. Tôi không hề nhận thấy dấu hiệu cho thấy chị đã nhiều tuổi và có nhiều kinh nghiệm làm việc đến vậy – và tôi tin rằng nếu tôi không thể nhận ra những dấu hiệu về tuổi tác và kinh nghiệm nghề nghiệp của Susan, chắc chắn nhiều người khác cũng vậy. Susan đã hành động theo đúng sự kì vọng của mọi người trong xã hội mà không hề nhận ra điều đó. Chị nhận được rất nhiều ủng hộ tích cực cho những hành vi này và đây là nguyên nhân khiến chị tin rằng chị chỉ có thể ứng xử như vậy và chị vẫn sẽ thành công theo cách đó. Susan đã rơi vào khuôn mẫu của một cô gái trẻ trung và dễ thương mặc dù chị đã qua tuổi trưởng thành từ lâu.

Những hành động Susan thể hiện trong các cuộc họp từng giúp chị gặt hái được thành công ban đầu trong sự nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề là cách ứng xử này không thể giúp chị đạt được thành công lớn hơn trong tương lai và có thêm khát vọng để làm việc. Ban Giám đốc và đồng nghiệp rất vui lòng khi làm việc với Susan nhưng họ không bao giờ đề bạt chị vào vị trí cao hơn hay giao cho chị những dự án có tầm cỡ. Susan cư xử như một cô gái trẻ và chị cũng được đối xử lại như vậy. Mặc dù biết rõ mình phải làm một cái gì đó khác biệt nếu muốn có cơ hội để phát huy hết tiềm năng nhưng chị luôn gặp bế tắc vì chị không biết phải thay đổi như thế nào.

Sau khi tìm hiểu về gia đình Susan, tôi được biết chị là con út trong gia đình có bốn anh em trai và chị là người con gái duy nhất trong nhà. Chị là vật báu trong mắt của bố, các anh trai luôn sẵn sàng bảo vệ chị. Ngay từ khi mới biết suy nghĩ, Susan đã học được rằng việc làm một cô gái dễ thương rất thú vị. Chị biết cách tận dụng ưu điểm của mình. Khi trưởng thành, Susan vẫn tiếp tục có những hành động nữ tính dập khuôn như vậy để nhu cầu của chị dễ dàng được đáp ứng. Các thầy cô giáo rất hài lòng trước sự có mặt của Susan trong lớp học, bạn bè cùng lớp rất muốn chơi với chị và chị là người đứng đầu đội hoạt náo viên mà ai cũng ngưỡng mộ.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ NHỮNG CÔ GÁI TRẺ

Mặc dù câu chuyện về Susan là ví dụ điển hình về ưu điểm và nhược điểm của cách ứng xử như một cô gái trẻ và tôi tin rằng trong mỗi chúng ta đều có “một chút Susan” trong mình. Khi cố gắng phá vỡ quy chuẩn giới hạn và cư xử trưởng thành hơn, chúng ta thường phải đối mặt với sự phản kháng - có thể rất tế nhị nhưng cũng có thể rất lộ liễu - buộc chúng ta phải thu mình trong vai trò nhỏ bé như đã được kì vọng. Những câu nhận xét như “Trông em rất dễ thương khi em nổi cáu đấy,” hay “Có chuyện gì vậy chị? Sao chị lại khó chịu thế?” hay “Tại sao chị lại không hài lòng với vị trí hiện tại của mình?” được đưa ra để giữ chúng ta mãi trong vai trò của một cô gái trẻ.

Chúng ta thường thu mình lại thay vì thẳng thắn nói ra suy nghĩ cá nhân mỗi khi được hỏi về nữ tính hay cảm nhận của bản thân. Chúng ta tự hoài nghi về tính trung thực trong những trải nghiệm của chính mình. Chúng ta thường có xu hướng chạy trốn mỗi khi phải đối mặt với mâu thuẫn và mỗi lần như vậy, chúng ta lại hồi tưởng đến quãng thời gian thơ ấu và tự băn khoăn về giá trị của bản thân. Như vậy, vô hình trung chúng ta đã “cấu kết” với rất nhiều người khác để buộc chúng ta phải giữ nguyên vai trò của một cô gái trẻ dễ thương thay vì trở thành người phụ nữ trưởng thành. Và đây chính là lúc chúng ta phải bắt đầu chịu trách nhiệm vì nhu cầu không được đáp ứng hoặc không bao giờ phát huy được tiềm năng tối đa. Bà Eleanor Rooservelt rất đúng khi nói, “Nếu không có sự chấp thuận của bạn, chắc chắn không ai dám nói rằng bạn là người kém cỏi.” Bạn không nên tiếp tục cho phép người khác nói như vậy về bạn nữa. Bạn không nên thỏa hiệp nữa. Đừng là một cô gái trẻ nữa!

TỰ ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

Đã đến lúc bạn tự đánh giá xem bạn cần phải nỗ lực hơn ở điểm nào. Những nhận định trong phần tiếp theo sẽ giúp bạn nhận biết những hành vi cụ thể nào đã cản trở sự thăng tiến của bạn. Bây giờ, bạn hãy dành thời gian hoàn thành bản tự đánh giá bản thân. Sau khi hoàn thành, bạn hãy đọc hướng dẫn để tự chấm điểm cho mình.

TỰ ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

Tự chấm điểm cho những nhận định dưới đây theo ba mức độ đã cho sẵn. Bạn hãy thật trung thực và cân nhắc kĩ lưỡng trong từng tình huống.

1 điểm = Hiếm khi đúng

2 điểm = Thỉnh thoảng đúng

3 điểm = Hầu như luôn luôn đúng

  1. Tôi không ngần ngại phá vỡ các quy tắc thông thường nếu việc này mang lại kết quả tốt đẹp.

  2. Tôi không phiền lòng nếu có người không ưa thích tôi mặc dù tôi đã cố gắng hết sức để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ.

  3. Tôi luôn đề ra mục tiêu hoàn thành công việc hàng ngày.

  4. Tôi có thể nói về đóng góp của mình cho công ty trong khoảng 30 giây hoặc ít hơn.

  5. Mỗi khi đưa ra một thông điệp nghiêm túc, tôi không bao giờ mỉm cười vì nụ cười có thể làm giảm tầm quan trọng của vấn đề.

  6. Mỗi khi có ý kiến, tôi luôn thẳng thắn nói ra thay vì thể hiện ý kiến đó dưới dạng một câu hỏi.

  7. Tôi nghe thấy nhiều lời nhận xét không hay về mình và tôi sẵn sàng để người khác biết rằng tôi không quan tâm đến nhận xét của họ.

  8. Tôi không chấp thuận bị khiển trách hay chịu trách nhiệm về lỗi lầm do người khác gây ra.

  9. Tôi không phải là người hay nói lời xin lỗi khi phạm phải lỗi lầm nhỏ.

  10. Tôi sẵn sàng thương thảo về một thời hạn chót thực tế hơn cho một dự án mỗi khi cấp trên giao cho tôi dự án có thời hạn chót không hợp lí.

  11. Nếu người khác không nhận ra việc làm thực sự xuất sắc của tôi, tôi sẽ giúp họ nhận ra điều đó.

  12. Mỗi khi ngồi ở bàn hội thảo, tôi thường đặt khuỷu tay lên bàn và chống cằm lên bàn tay.

  13. Tôi cảm thấy thoải mái hơn nếu im lặng.

  14. Tôi tin rằng tôi cũng thông minh như nhiều người khác.

  15. Tôi luôn kiên định bảo vệ những gì mình tin tưởng, ngay cả khi tôi biết rằng niềm tin đó khiến người khác khó chịu hoặc không vui.

  16. Tôi không thích chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân ở công sở.

  17. Trước khi bắt tay vào công việc, tôi luôn đề ra kế hoạch cụ thể để hoàn thành công việc được giao.

  18. Tôi luôn chủ động tìm kiếm dự án mới sẽ giúp tôi phát huy khả năng của mình.

  19. Tôi để kiểu tóc phù hợp với độ tuổi và chức vụ của mình.

  20. Tôi luôn nói rõ ràng và chính xác.

  21. Nếu cấp trên đề nghị tôi ghi chép lại thông tin trong nhiều hơn một buổi họp, tôi biết cách khéo léo từ chối lời đề nghị đó.

  22. Tôi không cảm thấy có lỗi nếu những ưu tiên hàng đầu của tôi khiến tôi không thể ủng hộ một người nào đó.

  23. Tôi không chú ý đến việc liệu lời nói của tôi có làm người khác khó chịu không.

  24. Tôi luôn tìm kiếm sự ủng hộ của những người tôi đặc biệt chú ý hoặc quan tâm đến.

  25. Tôi tự nguyện hoàn thành những công việc giúp tôi có cơ hội thể hiện khả năng với ban lãnh đạo.

  26. Tôi quan tâm đến việc đeo thêm phụ kiện sao cho phù hợp với quần áo.

  27. Giọng nói của tôi to và rõ ràng.

  28. Nếu ai đó cư xử chưa đúng mực với tôi, tôi sẵn sàng thể hiện thái độ và cảm nhận của tôi trước cách ứng xử của họ.

  29. Mỗi ngày tôi đều dành thời gian trò chuyện cởi mở với đồng nghiệp.

  30. Tôi không ngần ngại đề nghị được tăng lương nếu tôi nghĩ mình xứng đáng.

  31. Mặc dù có bận rộn, tôi vẫn cố gắng tham dự những buổi họp mà tôi có cơ hội thể hiện khả năng của mình.

  32. Ít nhất là mỗi tháng một lần, tôi đề nghị bạn bè, đồng nghiệp nhận xét về tôi.

  33. Tôi ăn mặc vì công việc tôi muốn có thay vì công việc tôi đang có.

  34. Tôi không sử dụng từ hạn định (như thể loại, dạng như… và những thứ tương tự như vậy)

  35. Tôi là một trong số những người đầu tiên phát biểu trong các buổi họp.

  36. Nếu tôi không thực sự tin tưởng lời nói của người nào đó, tôi sẵn sàng đặt thêm câu hỏi để đánh giá tính chính xác trong lời nói đó.

  37. Tôi luôn sẵn sàng bắt tay thật chặt để thể hiện tôi là một người rất nghiêm túc trong công việc.

  38. Tôi không bao giờ huỷ kế hoạch cá nhân vì công việc.

  39. Trong một cuộc họp, nếu người khác lặp lại ý tưởng tôi đã diễn đạt, tôi biết khéo léo nhắc nhở họ rằng tôi đã đề cập vấn đề đó.

  40. Tôi không tô son hoặc chải đầu ở nơi công cộng.

  41. Tôi nói năng từ tốn và tận dụng thời gian tối đa để thể hiện quan điểm riêng một cách rõ ràng.

  42. Tôi biết tự biện hộ cho mình.

  43. Tôi không phải xin ý kiến cấp trên mỗi khi chi tiền của công ty vào những việc tôi cho là thích đáng.

  44. Nơi làm việc của tôi rất gọn gàng và ngăn nắp.

  45. Tôi không cho phép người khác lãng phí thời gian của tôi tại công sở.

  46. Mỗi khi đồng nghiệp thừa nhận tôi đã xuất sắc hoàn thành công việc, tôi sẵn sàng để Giám đốc thấy được thành tích đó.

  47. Tôi luôn nhìn thẳng vào mắt người khác trong lần gặp đầu tiên.

  48. Tôi biết nghĩa của từ ROI1

  49. Tôi biết tôi có thể làm tốt công việc mình đang làm.

BẢNG CHẤM ĐIỂM KẾT QUẢ TỰ ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

Bước 1: Ghi lại câu trả lời của bạn vào các ô bên dưới.

Bước 2: Ghi số điểm vào cột ghi điểm

Bước 3: Ghi điểm vào dòng cuối cùng để tính tổng điểm

1. Cách làm 2. Cách hành động 3. Cách suy nghĩ 4. Quảng bá hình ảnh bản thân 5. Diện mạo 6. Cách nói năng 7. Cách ứng xử
1. 2. 3. 4. 5. 6. 7.
8. 9. 10. 11. 12. 13. 14.
15. 16. 17. 18. 19. 20. 21.
22. 23. 24. 25. 26. 27. 28.
29. 30. 31. 32. 33. 34. 35.
36. 37. 38. 39. 40. 41. 42.
43. 44. 45. 46. 47. 48. 49.
1. Cách làm 2. Cách hành động 3. Cách suy nghĩ 4. Quảng bá hình ảnh bản thân 5. Diện mạo 6. Cách nói năng 7. Cách ứng xử Tổng điểm

KẾT QUẢ

Nếu tổng số điểm bạn đạt được là:

49 - 87: Bạn là người dễ hòa nhập nhưng chính khả năng dễ dàng thích nghi này khiến bạn khó đạt được mục tiêu sự nghiệp. Bạn cần quan tâm hơn nữa đến những nhận định mà bạn chỉ cho điểm 1 bởi đó là những hành vi ngầm huỷ hoại sự nghiệp của bạn.

88 - 127: Bạn có thể tự tạo ra một sự thay đổi nho nhỏ. Bạn nên tập trung hơn vào những lĩnh vực mà bạn vẫn gặp phải khó khăn khi muốn thay đổi. Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy một sự thay đổi nho nhỏ cũng có thể tạo nên thành công lớn.

128 - 149: Bạn rất xuất sắc khi có cách ứng xử đối lập với cách ứng xử khuôn mẫu bạn học được từ khi còn là một cô gái trẻ. Bạn nên tiếp tục duy trì khả năng này bởi chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn nhiều thành công vang dội.

KHẢ NĂNG VÔ THỨC

Như tôi đã nói, cách cư xử hiện tại của bạn không tồi tệ như bạn nghĩ. Có một phương thức được áp dụng trong việc huấn luyện và giúp mọi người phát triển những hành vi mới. Phương thức này được gọi là Khả năng vô thức. Hình vẽ dưới đây miêu tả cơ chế hoạt động của phương thức này.

KHẢ NĂNG VÔ THỨC

Nhiệm vụ của bạn là di chuyển từ ô số 1 đến ô số 4 trong một khoảng thời gian nhất định. Bạn sẽ bắt đầu từ ô số 1 - khi đó, bạn không ý thức được việc làm chưa đúng của mình, vì vậy rất có thể bạn không có năng lực trong lĩnh vực này (Khả năng thấp và ý thức thấp).

Sau khi tự đánh giá và tìm hiểu những sai lầm được liệt kê trong cuốn sách, bạn sẽ ý thức rõ hơn về những hành vi ngầm huỷ hoại sự nghiệp nhưng có thể bạn vẫn chưa biết cách thay đổi những hành vi đó. Lúc này, bạn sẽ chuyển sang ô số 2 - khả năng vẫn thấp nhưng ý thức đã được nâng lên.

Chỉ cần nghiêm túc áp dụng những gợi ý được liệt kê dưới mỗi sai lầm trong cuốn sách, bạn sẽ từ từ chuyển sang ô số 3 - lúc đó, khả năng nhận thức và năng lực của bạn đều ở mức độ cao hơn. Nếu đã từng học cách chơi một môn thể thao hoặc một dụng cụ âm nhạc, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng tiếp thu cái mới. Khi đó, bạn sẽ dần dần hợp nhất kiến thức mới vào kĩ năng hàng ngày mà không cần phải nghĩ đến những hành động đó trong khi vận dụng. (Ô số 4 - khả năng cao và ý thức thấp). Dù đây là mục tiêu bạn hướng tới, bạn không nên nản lòng nếu trong trường hợp nào đó, khả năng này không xảy đến một cách tự nhiên. Ngay cả khi tập đánh bóng chày hay khi chơi một bản nhạc trên đàn piano, mặc dù biết rõ mình có thể làm tốt nhưng bạn vẫn phải tập trung hết sức để đạt kết quả tốt nhất. Đó là những hoạt động trong ô số 3.

Trong quá trình học hỏi nắm bắt kĩ năng mới, sẽ có lúc bạn tự nhận thức được hành vi của mình. Cuối cùng, sau một thời gian thực hành và gặt hái được thành công, bạn sẽ hợp nhất những hành vi này với nhau mà không cần phải suy nghĩ trước khi hành động. Bạn sẽ đạt được mục tiêu nếu biết hành động có ý thức và mục đích.

KIỂM SOÁT CẢM GIÁC LO LẮNG

Từ vẻ mặt và phản ứng của chị em phụ nữ, tôi nhận thấy cảm giác lo lắng và bối rối luôn xuất hiện trong quá trình học hỏi của họ. Cuốn băng Women and Power: Understand your fear/ Releasing your potential (Phụ nữ và Quyền lực: Thấu hiểu nỗi sợ hãi/Phát huy tối đa tiềm năng) được ghi âm năm 1989 và cuốn sách Women, Anger & Depression: Strategies for Self - Empowerment (Phụ nữ, sự tức giận & Nỗi buồn phiền: Chiến lược tiến tới tự trao quyền) do tôi viết (được xuất bản năm 1991, Health Communications) gồm nhiều ví dụ tuy đã cũ nhưng nội dung của cuốn băng và cuốn sách vẫn liên quan trực tiếp đến mục đích của cuốn sách này. Hơn một thập kỉ sau đó, khi nhiều gợi ý được đưa ra nhằm ca ngợi quyền lực của phụ nữ, giới nữ lại phủ nhận quan điểm này vì họ lo sợ bị coi là người nam tính, quá hiếu chiến hoặc có thái độ bất hợp tác. Việc từ bỏ quan điểm này đối lập với sự hòa nhập xã hội. Quan điểm cho rằng phụ nữ cần phải quan tâm đến người khác hơn chính bản thân mình đã ăn sâu vào tâm trí khiến chúng ta lưỡng lự trong việc khám phá sự thay đổi mới tích cực hơn cho mình.

Nữ giới luôn ứng xử trong khuôn mẫu “dịu dàng nữ tính” và thiếu đi sự thẳng thắn và trực diện cần thiết. Khác với nam giới, nữ giới không trực tiếp vận dụng quyền lực của mình. Chúng ta được học phải ứng xử gián tiếp, có như vậy, người khác mới không cho rằng chúng ta tước đi quá nhiều quyền lực của nam giới. Đây là cốt lõi trong những khó khăn lớn nhất của phụ nữ khi họ muốn học hỏi kĩ năng mới có ảnh hưởng lớn hơn và có tầm nhìn rộng hơn.

Khi một người phụ nữ trực tiếp khẳng định bản thân, người phụ nữ thường nói với những người đàn ông (có thể là chồng, con trai, ông chủ hay những người đàn ông có quyền thế) rằng, “Tôi muốn có được một điều gì đó từ anh. Tôi muốn điều đó chỉ là của tôi mà thôi. Tôi hi vọng anh sẽ đáp ứng yêu cầu của tôi.” Với mỗi một câu nói quyết đoán, chúng ta lại cảm thấy có lỗi một chút. Chúng ta đánh đồng việc lấy lại kiểm soát với việc lấy đi cái gì đó của người khác. Vì vậy mà, thay vì lấy lại những gì chúng ta muốn, cần và xứng đáng được hưởng, chúng ta lại buộc người khác phải trả lại chúng ta những thứ chúng ta đã cho đi từ lâu. Chính vì vậy chúng ta khó có thể đối mặt với phản ứng của đối phương. Trong khi đó, rất nhiều phụ nữ không thực sự muốn thay đổi tình thế hiện tại bởi họ đã có tất cả những gì họ cần, vậy thì tại sao họ phải thay đổi?

Sự cố chấp không muốn thay đổi là hành vi thông thường của phụ nữ. Người ta trông đợi sự cố chấp này. Giống như một người nghiện rượu dần thoát khỏi cơn say bỗng nhận thấy mọi người xung quanh đang khuyến khích mình quay trở lại trạng thái say xỉn, một cô gái trẻ đang hướng tới sự trưởng thành sẽ nhận thấy mình phải đối mặt với sự phản kháng của những người vẫn luôn muốn đưa cô quay trở về những năm tháng thơ ấu dễ thương. Hãy luôn ghi nhớ điều này nếu bạn muốn đạt được mục tiêu trong sự nghiệp.

MỘT CÔ GÁI CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Dưới đây là một số gợi ý đầu tiên trước khi bạn nghiêm túc tạo ra sự thay đổi. Mỗi lần bạn chỉ nên vận dụng một gợi ý và để tránh cảm giác thất vọng, bạn không nên cùng lúc vận dụng tất cả những gợi ý này. Bạn hãy chọn một hoặc hai gợi ý thích hợp để vận dụng và sau đó hãy tiếp tục quan tâm đến các gợi ý còn lại.

  • Hãy cho phép mình trở thành người phụ nữ chín chắn. Có vẻ như đây là một ý tưởng rất đơn giản nhưng ý tưởng này khiến nhiều chị em không muốn vận dụng vì những lí do tôi đã nêu ra trong phần trước. Bạn nên có một cuộc trò chuyện nghiêm túc và tích cực với chính bản thân mình. Hãy nói với bản thân rằng bạn có quyền hành động để giúp mình đạt được mục tiêu. Bạn hãy luôn ghi nhớ câu nói Tôi cũng có quyền đáp ứng đầy đủ nhu cầu cần thiết của mình.

  • Hãy hình dung hình ảnh người phụ nữ mà bạn muốn trở thành. Nếu có thể nhìn thấy hình ảnh người phụ nữ bạn mong muốn trở thành, chắc chắn bạn có thể có được hình ảnh đó. Bạn hãy tưởng tượng mình trong vai trò bạn mong muốn. Nếu bạn hình dung bạn đang ngồi trong văn phòng làm việc, bạn hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trên một chiếc ghế với một bộ đồng phục phù hợp với chiếc ghế đó. Sau đó, bạn hãy cân nhắc hành động và cách ứng xử sao cho tương xứng. Rồi bạn hãy áp dụng hình ảnh đó vào hiện thực.

  • Hãy phản kháng trước giọng nói sợ hãi bên trong tâm trí bạn. Ban đầu có vẻ như việc này hơi điên rồ nhưng bạn cần phải phản kháng trước những thông điệp cũ kĩ và thay thế chúng bằng nhiều thông điệp mới mẻ. Nếu bạn nghe thấy giọng nói của một cô gái luôn sợ hãi bên trong bạn, “Nhưng mọi người sẽ không còn quý mến tôi nữa nếu tôi thay đổi”, bạn hãy để giọng nói của người phụ nữ trưởng thành trong bạn lên tiếng, “Đó chỉ là một thông điệp lạc hậu. Mình phải tự tạo một thông điệp mới hiện đại hơn và quyền lực hơn.”

  • Hãy dùng một tấm chắn bằng thủy tinh bao bọc quanh bạn. Một tấm chắn làm bằng thủy tinh sẽ giúp bạn nhìn thấy sự việc đang xảy ra trong khi hành vi hay lời nói tiêu cực của người khác không thể xuyên thủng được tấm chắn này. Tôi đã khuyên một khách hàng áp dụng gợi ý này và mặc dù cho rằng gợi ý này rất điên rồ nhưng chị vẫn quyết định vận dụng vào thực tế. Chị sớm nhận thấy hiệu quả tích cực của gợi ý đó. Khi rơi vào tình huống khó khăn, chị thường hình dung chị đang được bao bọc trong một quả bóng làm bằng thủy tinh và quả bóng này bảo vệ chị trước những lời gièm pha, chỉ trích của người khác và giúp chị giữ nguyên lập trường vững chắc của mình.

  • Tự nhận xét về bản thân. Trong các khóa học thực hành dành cho các học viên theo học khóa lãnh đạo, chúng tôi thường yêu cầu các học viên viết ra giấy 25 nhận định mà họ muốn người khác nghĩ và nhận xét về mình, sau đó, các học viên phải liệt kê tất cả những việc họ cần làm để xứng đáng với những nhận định đó. Bạn cũng có thể làm như vậy. Bạn hãy viết ra giấy 25 nhận định bạn muốn người khác nói về mình và có hành động cụ thể để trở thành một người giống như những nhận định đó. Nói một cách ngắn gọn, bạn phải biết nhận lấy trách nhiệm của một người đã trưởng thành.

  • Nhận thấy thái độ phản kháng của người khác và nguyên nhân dẫn đến thái độ đó. Nếu người khác có thái độ phản đối vì những nỗ lực của bạn để tỏ ra thẳng thắn hơn và có uy quyền hơn, phản ứng này được thể hiện với mục đích kìm hãm bạn ở vị thế ít mạnh mẽ hơn. Bạn hãy tỏ thái độ hoài nghi thay vì bằng lòng với phản ứng của họ. Bạn có thể nói, “Có vẻ như anh không đồng tình với những gì tôi nói. Tôi sẽ phân tích vấn đề chi tiết hơn và anh có thể cho tôi biết quan điểm riêng của anh.”

  • Hãy đề nghị người khác nhận xét về bạn. Nếu bạn lo lắng cách ứng xử của bạn chưa phù hợp, bạn nên đề nghị một người bạn tin cậy hay đồng nghiệp thân thiết nhận xét về cách cư xử của bạn. Khi hỏi, bạn nên tránh dạng câu hỏi đúng - sai (ví dụ, “Anh có nghĩ là tôi đã hành động quá giới hạn không?”) Bạn nên đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở để có cơ hội biết được suy nghĩ của người khác về hành vi của bạn (ví dụ, “Anh có thể nói cho tôi biết liệu trong cuộc họp đó hành động nào của tôi mang đến cho tôi cơ hội thăng tiến hoặc cản trở cơ hội phát triển không?”

  • Không nên chờ đợi sự hoàn hảo. Bản thân tôi không áp dụng tất cả gợi ý trong cuốn sách này. Tôi không ép mình phải áp dụng cả lời khuyên không phù hợp với cá tính của riêng tôi. Với lời khuyên không phù hợp, dù rất cố gắng vận dụng nhưng tôi vẫn không thu được kết quả như mong đợi. Quan trọng là phải áp dụng lời khuyên sao cho hiệu quả và sau đó tiếp tục cân nhắc đến những lời khuyên còn lại.

NHỮNG BƯỚC TIẾP THEO

Bạn nên đọc hai chương liên quan đến mục có điểm số thấp nhất trong bảng tự đánh giá bởi đây là hai mục cần thiết nhất. Có thể bạn không mắc phải tất cả các sai lầm được liệt kê trong cuốn sách, vì vậy bạn không nên vội vã đọc toàn bộ cuốn sách và vận dụng tất cả gợi ý được đưa ra. Thay vào đó, bạn nên đánh dấu những gợi ý có thể giúp bạn tạo ra sự khác biệt rõ rệt và nghiêm túc vận dụng vào thực tế. Bạn cũng nên tránh việc bỏ qua lời khuyên khó bởi rất có thể lời khuyên khó lại là lời khuyên hữu ích và giúp bạn có được động lực lớn nhất để tạo sự thay đổi trong hành vi ứng xử.

Sau khi đã đọc xong hai chương tương ứng với hai mục có số điểm thấp nhất trong bảng đánh giá, bạn hãy đọc tiếp những chương còn lại và điểm qua các sai lầm trong mỗi chương. 101 sai lầm được liệt kê trong cuốn sách là những sai lầm thực tế mà chị em phụ nữ mắc phải. Những sai lầm này được tích luỹ sau hơn 20 năm tôi làm một chuyên viên đào tạo, chuyên viên tư vấn cho nam giới và nữ giới cho nhiều công ty trên toàn thế giới và nhờ vào đóng góp của chị em phụ nữ tham gia hội thảo có chủ đề Đừng là một cô gái trẻ nữa! Khi biết tôi đang viết cuốn sách này, nhiều phụ nữ đã gửi thư điện tử cho tôi và họ rất sẵn sàng chia sẻ với độc giả kinh nghiệm về sai lầm họ đã mắc phải.

Hầu hết tất cả gợi ý được liệt kê trong cuốn sách này đều là các gợi ý tôi đã chia sẻ với chị em phụ nữ suốt nhiều năm qua và nhận được những phản hồi tích cực bởi một thay đổi nho nhỏ cũng có thể tạo ra tác động to lớn trong sự nghiệp và nhận thức của họ. Một số gợi ý khác do đồng nghiệp trong đội tư vấn viên của tập đoàn Corporate Coaching International (Tập đoàn tư vấn đào tạo Quốc tế) cung cấp. Họ là chuyên viên tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực giao tiếp, phát triển kế hoạch chiến lược trong sự nghiệp và tạo sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Nếu bạn thực sự quan tâm đến việc gặt hái thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, tốt nhất là bạn nên hoàn thành bản kế hoạch ngay sau khi đọc xong cuốn sách bởi bản kế hoạch sẽ giúp bạn đi đúng hướng và tự đánh giá tiến bộ của bản thân. Bây giờ, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào chính bạn thôi đấy! Bạn còn chần chừ gì nữa? Hãy đến với những thành công đó!