Phụ Nữ Thông Minh Không Ở Góc Văn Phòng

Chương 5: Cách Bạn Xây Dựng Và Quảng Bá Hình Ảnh Bản Thân

Chương 5 CÁCH BẠN XÂY DỰNG VÀ QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH BẢN THÂN

Nói đến các thương hiệu nổi tiếng, bạn sẽ nghĩ ngay đến thương hiệu nào? Giống như tất cả mọi người, có lẽ bạn đang nghĩ đến thương hiệu Kleenex, Coke1 hay Xerox. Đó không chỉ là những cái tên nổi tiếng mà sản phẩm của chúng cũng rất quen thuộc với công chúng. Khi chúng ta ăn tối ở một nhà hàng và gọi nước uống nhãn hiệu Coke, có thể chúng ta muốn hoặc không muốn được phục vụ đồ uống do hãng Coca - Cola sản xuất. Chúng ta làm ra nhiều bản sao của Xerox bất chấp sự khác biệt giữa bản sao và chiếc máy mang thương hiệu Xerox thật sự. “Đưa cho tôi Kleenex” không nhất thiết đồng nghĩa với thương hiệu Kleenex. Thương hiệu sản phẩm có được danh tiếng nhờ vào hai yếu tố: chất lượng và chiến lược tiếp thị. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên, sản phẩm khó có thể duy trì được tiếng tăm hay sự thành công trên thị trường.

Tiến sĩ Bruce Heller, Chủ tịch Strategic Leaderships Solutions (Giải pháp lãnh đạo chiến lược) tại Encino, bang California, có một buổi trò chuyện cùng các chuyên gia về tầm quan trọng của việc coi bản thân mình như các thương hiệu cần được quảng bá. Ông Heller nói: “Các bạn phải coi nơi làm việc là thị trường và bạn chính là sản phẩm được tiếp thị.” Bạn tạo thương hiệu bằng cách xác định rõ sự khác biệt giữa bạn và đồng nghiệp và tiếp thị sự khác biệt đó như một thương hiệu.

Phụ nữ cần ghi nhớ cụm từ nhấn mạnh của Tiến sĩ Heller - không có tầm nhìn, không có trí óc, không có kinh doanh thành công. Từ khi còn là những cô bé, chúng ta đã được dạy rằng, chúng ta chỉ được nhìn thay vì được lắng nghe. Với suy nghĩ này, khi trưởng thành, chúng ta chỉ biết lặng lẽ làm việc và không đòi hỏi. Tôi thường nghe nhiều phụ nữ cho rằng họ không quan tâm đến việc họ có được thưởng thêm hay không và họ hạnh phúc vì được cống hiến cho công ty. Hậu quả là cấp trên không tạo cho họ cơ hội thăng tiến và cố tình tảng lờ những dự án họ hoàn thành xuất sắc. Những gợi ý trong phần này sẽ giúp bạn xác định “thương hiệu” cá nhân, thừa nhận giá trị của thương hiệu và đề ra kế hoạch tiếp thị phù hợp.

Sai lầm thứ 45 Không xác định được thương hiệu cá nhân

Cách đây không lâu, tôi phỏng vấn một phụ nữ có bằng tiến sĩ về Phát triển Tổ chức và chị nộp đơn xin vào làm trong đội chuyên viên tư vấn của công ty tôi. Có vẻ như chị có đầy đủ kinh nghiệm và kiến thức mà chúng tôi tìm kiếm nhưng tôi không biết rõ chuyên ngành của chị. Là một công ty tư vấn hàng đầu với đội ngũ chuyên gia được phân chia theo từng lĩnh vực, chúng tôi lựa chọn ứng viên có kinh nghiệm dày dạn trong một lĩnh vực cụ thể, vì vậy câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho ứng viên này là: “Chị hãy cho tôi biết chị giỏi nhất trong lĩnh vực nào?” 35 phút tiếp theo đó, chị kể về rất nhiều những việc chị đã làm, niềm say mê nghề nghiệp và những việc chị sẽ làm để cống hiến cho công ty. Nhưng chị chưa trả lời đúng câu hỏi của tôi. Tôi dành thêm 45 phút nữa để thăm dò và hỏi lại câu hỏi ban đầu bằng nhiều cách nhưng chị vẫn không cho tôi biết cụ thể điều gì làm nên sự khác biệt giữa chị và các ứng viên sáng giá khác.

Peter Montoya là nhà xuất bản tạp chí Personal Branding (Thương hiệu cá nhân) và trong cuốn tạp chí đầu tiên chị có viết: “Thương hiệu cá nhân là một lời hứa chắc chắn về năng lực và tạo sự kì vọng cho mọi người. Nếu biết cách tạo thương hiệu, chắc chắn thương hiệu sẽ phản ánh rõ năng lực, cá tính và khả năng của cá nhân đó.” Ứng viên xin vào công ty tôi đã quên mất điều này. Chị không được tuyển dụng vì chị không thể xác định được thương hiệu cá nhân.

Gợi ý

  1. Liệt kê ba đến năm điều khiến bạn hài lòng nhất trong công việc. Chúng ta thường làm tốt công việc mình thích, vì vậy trước hết bạn hãy tập trung vào những việc mang đến cho bạn niềm say mê.

  2. Sau đó, biến những hành động trên thành ba ưu điểm và vận dụng tại công sở. Ví dụ như, “Khả năng biết lắng nghe người khác giúp tôi thu thập nhiều dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin. Tôi cũng thành thạo kĩ năng viết báo cáo và kĩ năng này giúp tôi báo cáo dữ liệu một cách chủ quan nhất. Sau khi thu thập và báo cáo dữ liệu, tôi vận dụng kĩ năng xác định rõ những khó khăn chúng ta phải đối mặt và vận dụng giải pháp tối ưu nhất cho từng vướng mắc.” Bạn nên tập nói tương tự như vậy cho đến khi bạn có thể tự trích dẫn một cách thành thạo và tự tin.

Sai lầm thứ 46 Đánh giá thấp công việc hoặc chức vụ của bạn

Đã rất nhiều lần tôi được nghe phụ nữ trả lời câu hỏi “Chị làm nghề gì?” bằng một câu trả lời mang tính tự phản đối. “À, tôi chỉ quản lí một văn phòng hoạt động hợp pháp thôi.” “Tôi chỉ là trợ lí hành chính.” “Công việc của tôi tương tự như là quản lí một công ty làm về công nghệ thông tin.” Những câu trả lời này không tạo ấn tượng đủ tốt về một thương hiệu giúp tôi có niềm hứng khởi để tìm hiểu sâu hơn nữa. Nó thể hiện sự bối rối hoặc sự không mấy tự hào về công việc của người được hỏi. Mỗi một công việc trong mỗi một cơ quan tổ chức đều rất quan trọng cho tổ chức đó. Có thể bạn không phải là chủ tịch tập đoàn IBM nhưng nếu công việc của bạn không quan trọng với công ty, chắc chắn họ sẽ không tuyển dụng bạn. Để thành công trong việc quảng bá thương hiệu bản thân, bạn cần phải xác định rõ tại sao công việc cần đến bạn.

Yếu tố quan trọng không kém là khả năng nói súc tích cho người khác biết công việc của bạn trong khi vẫn tỏ thái độ tích cực qua từng câu nói. Tôi không khuyến khích bạn nói dối nhưng bạn nên thể hiện niềm tự hào trong công việc thông qua sự đóng góp của bạn vào thành công của công ty. Nếu trên một chuyến thang máy (của một tòa nhà thấp) mà bạn không thể nói cho người khác hiểu rõ công việc của mình, chắc chắn bạn vẫn chưa xác định được thương hiệu cá nhân.

Gợi ý

1. Biết gọt giũa từng câu nói. Cố gắng nói ngắn gọn để thể hiện ưu điểm của bạn và tránh những từ ngữ tiêu cực. Ví dụ như:

“Tôi là điều phối viên cho một công ty kiến trúc. Công việc của tôi là đảm bảo sự thành công trong hoạt động kinh doanh của công ty thông qua việc nhanh chóng cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng.”

“Tôi làm việc cho một công ty vận tải và tôi chịu trách nhiệm giải mã các gói hàng thật chính xác sao cho các gói hàng phải được chuyển đến nơi nhận càng sớm càng tốt.”

“Là trưởng nhóm kinh doanh gồm năm người, tôi là người tạo động lực và hướng dẫn nhân viên đạt được doanh số vượt chỉ tiêu.”

“Hiện tại, tôi đang tìm vị trí thích hợp với gần 10 năm kinh nghiệm viết sách kĩ thuật về đảm bảo quá trình vận hành an toàn và hiệu quả cho các thiết bị trong phòng thí nghiệm.”

2. Có thể diễn đạt thành tích bạn đã đạt được theo phương pháp PAR2: (Vấn đề nảy sinh - Giải pháp - Kết quả.) Ví dụ, “Tôi xác định rõ rắc rối liên quan đến tính hiệu quả của hệ thống và đưa ra giải pháp thích hợp giúp tiết kiệm chi phí cho công ty.”

Sai lầm thứ 47 Dùng tên thân mật hoặc không nói đầy đủ họ và tên

Lần cuối cùng bạn nghe thấy ai đó gọi một trong các nhà lãnh đạo cấp cao như bằng tên gọi tắt của ông ta là khi nào? (Ví dụ như Billy Gates, Jackie Welch hay Sammy Walton.) Tôi không nghĩ là có ai lại gọi thế. Từ giảm nhẹ của tất cả mọi thứ đều làm giảm tầm quan trọng của nó. Tên thân mật giảm nhẹ chỉ được sử dụng để gọi trẻ nhỏ. Khi trưởng thành, việc sử dụng tên gọi thân mật cũng phục vụ mục đích tương tự nhưng nam giới thường từ bỏ chúng ngay khi họ bước vào tuổi mới lớn. Có thể Đệ nhất phu nhân Laura Bush gọi Tổng thống Bush bằng tên thân mật Georgie nhưng chắc chắn không phụ tá nào của ông gọi ông bằng cái tên đó.

Tôi rất bất ngờ khi chứng kiến nhiều phụ nữ giới thiệu bản thân bằng họ tên chính thức rồi lại để người ta rút ngắn cái tên đó đi. Mội khách hàng tên là Teresa đã kể rằng, ngay sau khi được giới thiệu, người ta đã gọi chị là Terri. Và chị nói: “Chị thấy đấy, có ai lại đổi tên Jim sang Jimmy đâu.”

Cũng tương tự như vậy, tôi tự hỏi tại sao nhiều người phụ nữ quên không nói đầy đủ họ tên mỗi khi trả lời điện thoại hoặc để lại lời nhắn trên hộp thư thoại, “Tôi là Sarah. Xin hãy để lại lời nhắn…” Cách nói này rất phổ biến đối với những phụ nữ làm hành chính và chỉ có vài người trong số họ thành công trong sự nghiệp. Có lẽ, rất hiếm khi bạn nghe thấy một người đàn ông trả lời điện thoại và nói mỗi tên của họ. Chỉ là một sự khác biệt nhỏ nhưng rất quan trọng. Việc sử dụng tên mà không nói họ sẽ khiến bạn giống như một đứa trẻ nhỏ. Hãy hỏi tên một đứa trẻ bất kì, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ nói tên mà không nói họ. Sự kết hợp của tên và họ sẽ giúp bạn bước sang giai đoạn trưởng thành.

Gợi ý

  1. Có thể từ trước đến nay người khác vẫn gọi bạn bằng những cái tên ngắn gọn như Kathy, Debbie, Maggie hay Sandy nhưng bạn hãy bắt đầu giới thiệu về bản thân bằng cách sử dụng họ tên đầy đủ. Dần dần người khác sẽ hiểu được mục đích của bạn. Bạn nên làm lại danh thiếp, biển đề tên hay phần in tên địa chỉ trên thư vốn vẫn được ghi ngắn gọn là Kathleen, Debra, Margaret hay Sandra. Người khác sẽ tôn trọng bạn hơn nếu bạn không dùng tên thân mật cho các mục tiêu nghề nghiệp.

  2. Luôn luôn sử dụng cả họ và tên trong hộp thư thoại, địa chỉ thư điện tử, khi giới thiệu về bản thân và khi trả lời điện thoại.

  3. Nếu người khác rút ngắn tên của bạn, bạn nên sửa lại bằng cách nhắc lại tên họ mà bạn muốn họ gọi bạn.

Sai lầm thứ 48 Chờ đợi để được chú ý

Trong đợt cắt giảm nhân viên mới đây trong công ty, Jacqueline rất mong muốn được ở lại vị trí hiện tại thay vì bất cứ vị trí nào khác. Chị biết cấp trên đã đưa ra quyết định về việc nhân viên nào sẽ ở lại và nhân viên nào sẽ phải nghỉ việc. Trong khi lo lắng chờ đợi được thông báo kết quả, tôi gợi ý chị sẽ chẳng mất gì nếu đến gặp Giám đốc và đại diện phòng nhân sự để xin ở lại. Dường như chị cho rằng gợi ý của tôi giống hệt việc xui chị cởi bỏ quần áo và đi diễu hành trong phòng Giám đốc để thể hiện mong muốn được giữ lại! Không những chị không dám gặp Giám đốc và nói lên điều gì đó có thể làm nổi bật thương hiệu cá nhân mà chị còn không hình dung ra nổi cảnh tượng đó!

Việc cắt giảm nhân viên và xu hướng trên trong các tổ chức ít cấp3 đã tạo ra nhu cầu được ban Giám đốc chú ý tới trước khi việc cắt giảm nhân viên diễn ra. Để giữ được vị trí của mình trong thời kì nhàn rỗi của công ty, bạn cần phải chứng minh giá trị của thương hiệu cá nhân trong việc tái cơ cấu tổ chức của công ty.

Đối với những tổ chức ít cấp, cơ hội thăng tiến lại càng trở nên khan hiếm các dự án giúp bạn có được tầm nhìn và những kỹ năng chuyên môn cũng quý giá hơn. Người được giao thực hiện dự án là người biết tế nhị (nhưng đôi khi không cần tế nhị quá) thu hút sự chú ý của ban Giám đốc và biết thể hiện điểm mạnh phù hợp với công việc. Bạn sẽ không bao giờ đạt được thành công nếu chỉ biết ngồi chờ đợi ban Giám đốc chú ý đến mình. Bạn cần phải biết rõ thương hiệu của mình và phải “bán” thương hiệu ngay khi có cơ hội. Ban Giám đốc thường bỏ qua nữ giới, nhất là những người không giỏi “bán” thương hiệu, không phải vì họ không có khả năng mà bởi vì họ quá khiêm tốn hoặc họ tin rằng ban Giám đốc rốt cuộc sẽ nhận thấy thành tích mà họ đã đạt được!

Gợi ý

  1. Nếu bạn muốn nhận được một dự án hay được chuyển sang vị trí đang trống, hãy đề nghị ban Giám đốc xem xét nguyện vọng của bạn.

  2. Hãy trực tiếp thể hiện nguyện vọng một khi bạn đã sẵn sàng có một bước tiến mới trong sự nghiệp. Bạn nên để người khác biết bạn đã sẵn sàng cho thử thách mới. Bạn càng để cho nhiều đồng nghiệp biết mục tiêu này thì bạn càng có nhiều khả năng nắm bắt cơ hội.

  3. Khéo léo và liên tục thể hiện thành công bạn đã đạt được. Mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, bạn nên chuẩn bị một bản liệt kê những thành công bạn gặt hái được. Bạn cũng có thể chia sẻ thành tựu đó dựa trên hình thức “giải pháp thực tế tốt nhất”. Ví dụ như trong một cuộc họp nhân viên, bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách bạn đã giải quyết một vấn đề hoặc cách bạn vượt qua khó khăn - khó khăn này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thời hạn kết thúc dự án.

  4. Đề ra kế hoạch quảng bá thương hiệu. Thử hình dung ra tương lai và viết ra giấy từng bước đi cụ thể để đạt được mục tiêu.

  5. Dành thời gian học tập, thăm dò nhận xét của đồng nghiệp hoặc tìm gặp chuyên gia tư vấn và làm những việc khác với những việc bạn thường làm. Việc này sẽ giúp bạn chuẩn bị kĩ lưỡng cho những cơ hội và thách thức không lường trước.

Sai lầm thứ 49 Từ chối dự án quan trọng

Giám đốc điều hành chi nhánh sản xuất East Coast (Bờ biển Đông) có trụ sở đặt tại Los Angeles được đề bạt vào ban lãnh đạo cấp cao của công ty. Đã nhiều lần chị than phiền về việc ban Giám đốc không thừa nhận thành công chị đạt được khi giúp công ty vượt qua giai đoạn thua lỗ. Lời đề nghị chị tham gia ban lãnh đạo là lời khẳng định mạnh mẽ cho thấy chị không chỉ đóng góp to lớn cho bộ phận điều hành sản xuất mà còn cho toàn bộ công ty. Và chị đã làm gì? Chị bác bỏ lời đề nghị đó vì trước kia chị có tham dự một số buổi họp của ban lãnh đạo và chị coi đó là một hành động “lãng phí thời gian.” Những lời đầu tiên tôi có thể thốt ra khi nghe được câu chuyện này là “Đừng mãi là một cô bé nữa!” Tôi không thể không nói như vậy được. Chị không quan tâm đến tổng thể và hành động của chị giống hệt hành động của một cô gái trẻ chưa trưởng thành - làm việc chăm chỉ và không làm lãng phí tiền bạc hay thời gian của công ty.

Gợi ý

  1. Mỗi khi được đề nghị thực hiện một nhiệm vụ mới khó khăn hơn, hãy nhận lời mời đó. Hãy sắp xếp thời gian thực hiện nhiệm vụ này ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian. Đây là một sự đầu tư cho tương lai.

  2. Khi được đề bạt vào vị trí mới hoặc được giao một dự án mới, hãy vui mừng đón nhận. Nếu người khác tin bạn có thể làm việc đó, bạn cũng nên tin vào bản thân mình.

  3. Đề nghị được nhận những dự án có tính mạo hiểm cao nhưng quan trọng. Không mạo hiểm thì không có thành công.

  4. Luôn nhớ rằng tại nơi làm việc, ban lãnh đạo là khách hàng của bạn. Vì vậy, bạn cần biết được nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của họ.

Sai lầm thứ 50 Tỏ ra khiêm tốn

Thời thơ ấu, ai cũng được dạy phải khiêm tốn nhưng dường như phụ nữ vận dụng bài học này quá khắt khe. Có những lúc bạn cần phải khiêm tốn. Nhưng khi người khác không nhận ra thành công quan trọng của bạn, bạn phải có nhiệm vụ chỉ cho họ thấy.

Helena là ví dụ điển hình về một người phụ nữ quá khiêm tốn. Là Giám đốc phòng phát triển, chị và đội ngũ nhân viên có trách nhiệm đánh giá khả năng quản lí, đề ra chương trình phát triển cho từng thành viên trong ban Giám đốc và tư vấn cho lãnh đạo. Khi công ty chị sáp nhập với một công ty khác, áp lực công việc của chị tăng lên gấp đôi nhưng đội ngũ nhân viên vẫn được giữ nguyên. Vậy mà chị vẫn tìm ra phương pháp làm việc sáng tạo để xuất sắc hoàn thành công việc với chừng ấy nhân viên.

Trong buổi đánh giá thành tích hàng năm, Giám đốc biểu dương Helena vì chị đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và chị nhận được một phần thưởng rất lớn. Hài lòng vì Giám đốc ghi nhận sự đóng góp của mình, chị chỉ khiêm tốn trả lời: “Không có gì đáng kể đâu ạ”. Chị rất muốn đề nghị ban lãnh đạo tuyển thêm nhân lực cho phòng chị nhưng sau khi được Giám đốc khen ngợi và tặng thưởng, chị quên ngay mục đích ban đầu và bỏ lỡ cơ hội quảng bá thương hiệu cá nhân. Hậu quả của thái độ khiêm tốn không đúng lúc là Helena phải nghĩ ra một chiến lược mới để xin thêm nhân viên vì Giám đốc luôn nghĩ việc chị hoàn thành công việc là “không có gì đáng kể”.

Gợi ý

  1. Hoàn toàn bỏ cụm từ Ôi, không có gì đâu ra khỏi vốn từ vựng của bạn.

  2. Khi báo cáo thành tích, hãy sử dụng đúng từ ngữ xứng đáng với nỗ lực bạn bỏ ra. Đáng ra Helena nên nói với ban Giám đốc rằng: “Toàn bộ nhân viên trong phòng tôi phải làm việc vất vả kể cả các ngày cuối tuần nhưng tôi rất tự hào vì thành công chúng tôi đạt được và tôi rất vui vì ban Giám đốc đã ghi nhận nỗ lực của chúng tôi.”

  3. Mỗi khi được biểu dương, hãy nhìn thẳng vào mắt người nói và trả lời đơn giản: “Tôi xin cảm ơn”. Tránh trường hợp làm giảm giá trị nỗ lực mà bạn đã cố gắng.

  4. Gửi thư biểu dương hoặc thư đánh giá cao của người khác dành cho bạn đến người trực tiếp quản lí bạn.

  5. Trưng bày phần thưởng hoặc bằng khen ở nơi dễ nhìn thấy.

  6. Lưu giữ tất cả thư cảm ơn hoặc bảng đánh giá thành tích nổi bật và mở ra xem lại mỗi khi bạn hoài nghi về chính mình.

Sai lầm thứ 51 Luôn đứng trong khu vực an toàn

Có lần, tôi hỏi một người về lí do thôi thúc anh xin vào một vị trí mà anh biết rõ anh không đáp ứng đủ yêu cầu tuyển dụng. Anh ta trả lời rất đơn giản: “Tôi là một người thông minh. Tôi sẽ học hỏi thêm”. Trong khi đó, phụ nữ có xu hướng làm ở một vị trí quá lâu vì họ sợ không đáp ứng được yêu cầu của công việc mới. Nếu không chắc chắn đáp ứng được 100% yêu cầu tuyển dụng, phụ nữ thường không đủ tự tin để mạo hiểm nộp đơn. So với nữ giới, nam giới thích tìm kiếm công việc khó khăn hơn, nhất là những việc họ chưa bao giờ làm nhưng họ muốn chứng minh rằng họ có thể làm được.

Trên thị trường việc làm hiện nay, chúng ta nhìn nhận người làm ở một vị trí quá lâu là người luôn hi vọng vào công việc hiện tại - dường như có điều gì đó bất ổn với họ. Làm việc quá lâu ở một vị trí nào đó khiến người khác nghĩ bạn tự mãn với hiện tại và có thể họ còn cho rằng bạn không theo kịp sự phát triển ngày càng hiện đại trong ngành của bạn. Ngay cả khi đã lựa chọn kĩ càng được một công việc, phụ nữ vẫn có thể từ bỏ công việc này nếu họ cảm thấy họ không đủ tiêu chuẩn. Đó là một sai lầm lớn. Từ chối lời đề nghị là cách nhanh nhất giúp bạn bỏ qua cơ hội cho tương lai và không có một thử thách nào lại tuyệt vời hơn một cơ hội tốt.

Gợi ý

  1. Ba năm hoặc tối đa năm năm một lần, hãy tìm kiếm một nhiệm vụ mới trừ khi trách nhiệm của bạn trong công việc có thay đổi lớn.

  2. Không nên để cảm giác sợ thất bại khiến bạn bỏ lỡ những công việc bạn có thể hoàn thành xuất sắc sau khi được đào tạo cơ bản.

  3. Tham gia học thêm hoặc đọc sách để theo kịp sự phát triển trong lĩnh vực của bạn. Bạn sẽ không thể “lớn lên” được nếu không học hỏi được nhiều điều mới mẻ.

  4. Tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ mới có thể giúp bạn mở rộng kĩ năng hoặc giúp bạn học hỏi kinh nghiệm mới. Nếu bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro hay thất bại, điều đó không có nghĩa là bạn ích kỉ khi học hỏi kinh nghiệm từ chính công việc của mình.

  5. Bắt đầu tìm kiếm công việc kế tiếp vào ngày bạn bắt đầu công việc mới. Có thể một vài năm sau, bạn vẫn chưa chuyển công ty nhưng tư thế sẵn sàng sẽ giúp bạn có sự quan tâm tiên phong đến thị trường việc làm.

Sai lầm thứ 52 Nhường ý tưởng cho người khác

Một người phụ nữ có một ý tưởng. Chị thể hiện ý tưởng và không ai quan tâm đến ý tưởng đó. Một người đàn ông cũng trình bày ý tưởng tương tự. Và anh ta được thăng chức. Vậy đó là lỗi của ai? Tất nhiên đó là lỗi của người phụ nữ. Chị cho phép người khác đánh cắp ý tưởng của mình thay vì kêu gọi sự quan tâm của mọi người đến nó. Tại sao? Bởi vì chị không biết cách trình bày ý tưởng và chị không muốn người khác coi mình là người ích kỉ, theo chủ nghĩa cá nhân, thích đối đầu hay không có tinh thần đồng đội. Cho đi một ý tưởng là bạn tự vứt bỏ một chút lòng tự trọng của bản thân. Sau nhiều lần như vậy, sự tự tin của bạn sẽ bị hao mòn đáng kể.

Bạn không nên mắc sai lầm khi cho rằng, người khác không quan tâm đến ý tưởng của bạn đơn giản vì bạn là phụ nữ. Tôi đã quan sát rất nhiều buổi họp và ở đó, quan điểm, ý tưởng của phụ nữ thường bị lờ đi vì những lí do đơn giản nhất: giọng nói của họ không đủ lớn để người khác có thể nghe thấy; hoặc họ thì thầm ý tưởng với nam đồng nghiệp ngồi bên cạnh và anh ta trình bày ý tưởng đó như thể đó là ý tưởng của chính anh ta vậy; hoặc họ trình bày ý tưởng không đúng lúc. Bạn có thể dễ dàng giải quyết những khuyết điểm này nếu bạn khéo léo hơn.

Gợi ý

  1. Tạo thói quen đặt câu hỏi sau khi trình bày quan điểm, ví dụ như: “Quan điểm của tôi là chúng ta nên ưu tiên tập trung vào một số giải pháp nhất định và chọn hai giải pháp tốt nhất để áp dụng. Liệu chúng ta có gặp phải bất kì khó khăn nào không nếu vận dụng hai giải pháp đó ngay lập tức?” Câu hỏi này sẽ khiến người khác thừa nhận quan điểm của bạn và cùng bạn thảo luận sâu hơn về vấn đề được nêu ra.

  2. Nếu đồng nghiệp trình bày quan điểm giống với quan điểm bạn đã nêu (mặc dù cũng có một chút khác biệt nào đó trong cách nói), bạn nên kéo sự chú ý của mọi người bằng cách nói: “Có vẻ như quan điểm của anh được xây dựng dựa trên gợi ý ban đầu của tôi và chắc chắn là tôi rất ủng hộ việc này.”

  3. Nói to, rõ ràng.

  4. Thay vì thì thầm quan điểm với người bên cạnh để tìm kiếm sự ủng hộ, bạn nên tự tin và trực tiếp trình bày quan điểm.

  5. Nếu có thể bạn nên viết quan điểm ra giấy. Trình bày ý tưởng trên giấy sẽ tạo sự tin tưởng mà việc nói bằng lời không thể mang lại và giúp người khác biết nguồn gốc của ý tưởng. Từ ngữ được viết ra vẫn là một trong những phương thức liên lạc mạnh mẽ nhất và một số người sẽ phản ứng tích cực hơn khi họ có thể “nhìn thấy” những gì bạn đang nói.

Sai lầm thứ 53 Đảm trách vị trí quen thuộc

Sau hơn 20 năm làm việc, tôi chứng kiến nhiều phụ nữ làm việc ở những vị trí quen thuộc như trợ lí hành chính, nhân viên nhân sự, thư kí và họ phải đi học thêm buổi tối để lấy thêm tấm bằng đại học với hi vọng sẽ có cơ hội thăng tiến. Tôi cũng thấy nhiều phụ nữ có bằng cấp phải gia nhập đội ngũ lao động với những vị trí rất quen thuộc, như thể đó là chiến lược của họ để được cấp trên chú ý và đề bạt thăng chức. Thật không may mắn, trong cả hai viễn cảnh trên, tôi không thấy nhiều phụ nữ đạt được thành công. Lãng phí thời gian trong “chiến lược của nữ giới” chỉ khiến bạn tạo cho mình thương hiệu “không xứng đáng với dự án quan trọng”. Liệu điều tôi nghĩ có đúng không nhỉ? Tất nhiên là không rồi.

Bạn hãy quan sát toàn bộ công ty. Có phòng ban nào trong công ty bạn giống như tôi miêu tả không? Chắc hẳn phòng nhân sự thường bị liệt vào danh sách này. Thực tế là so với nam giới, số lượng nữ giới làm y tá và giáo viên nhiều hơn và đây là nguyên nhân khiến tiền lương họ được trả thấp hơn công sức họ đã bỏ ra.

Gợi ý

  1. Tìm kiếm công việc ở lĩnh vực hoặc phòng ban có số lượng nam nữ cân bằng.

  2. Khi được đề nghị làm ở một vị trí quen thuộc, bạn nên cân nhắc xem liệu lợi ích lâu dài có lớn hơn lợi ích trước mắt không.

  3. Trong một buổi họp, đừng bao giờ tình nguyện pha cà phê hoặc phôtô. Nếu được đề nghị làm vậy, bạn nên gợi ý yêu cầu tất cả nhân viên cùng lần lượt làm hoặc chia lượt dựa trên thâm niên nghề nghiệp. (Tham khảo thêm Sai lầm thứ 89.)

  4. Nếu việc rời bỏ vị trí quen thuộc đòi hỏi bạn phải học hỏi thêm, bạn nên đồng ý. Đó là sự đầu tư đáng giá cho tương lai.

Sai lầm thứ 54 Không quan tâm đến nhận xét của người khác

Đồng nghiệp rất hay nhận xét về chúng ta. Họ thường nhận xét sau lưng hoặc khi chúng ta đã rời khỏi phòng. Nếu không, biết họ nói gì về mình, bạn đã không quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả. Trước nhận xét của đồng nghiệp, thường thì chúng ta lờ đi (và hi vọng họ sẽ không tiếp tục nhận xét như vậy nữa) hoặc lên tiếng phủ nhận: “Đó chỉ là quan điểm của một người thôi.” Những gì người khác nghĩ chính là thực tế. Họ không hiểu bạn theo cách bạn nghĩ mà họ hiểu bạn thông qua hành vi bạn thể hiện mỗi ngày. Bạn có thể giải thích hoặc thay đổi hành vi nhưng đó không phải là giải pháp cho thấy thương hiệu của bạn có thể làm hài lòng tất cả khách hàng. Sớm hay muộn thì khách hàng cũng sẽ không mua sản phẩm của bạn nữa. Chúng tôi thường nói với khách hàng: “Nếu có ba người nói chị bị say rượu, tốt nhất là chị nên nằm xuống.”

Gợi ý

  1. Đề nghị phòng nhân sự tiến hành một buổi đánh giá nhân viên. Đây là cơ hội bạn nhìn nhận mình theo cách người khác nhìn nhận về bạn và tìm cách khắc phục sai sót để tiến bộ hơn.

  2. Thường xuyên thăm dò nhận xét của Giám đốc để Giám đốc thoải mái chia sẻ nhận xét về bạn.

  3. Mỗi khi được nhận xét, nên biết cách hỏi thêm câu hỏi không mang tính tự biện minh: “Anh có thể nói rõ về việc tôi đã làm việc đó vào khi nào và như thế nào không?” Không nên giải thích nguyên nhân khiến bạn hành động như vậy.

  4. Nếu bạn tức giận vì nhận xét của đồng nghiệp hoặc bạn bè, bạn nên đề nghị có thêm thời gian để suy nghĩ. Nếu bạn muốn được làm rõ hơn, nên tìm đến người đã đưa ra nhận xét để hỏi thêm và không nên cư xử theo cảm tính.

  5. Mọi người thường lưỡng lự khi đưa ra lời nhận xét chân thật, vì vậy mỗi khi được nhận xét, hãy coi đó là một món quà.

  6. Nếu bạn muốn nhận được lời nhận xét, việc đó ngụ ý bạn chuẩn bị làm một việc gì đó có liên quan đến những lời nhận xét này. Hãy để người khác biết bạn sẽ làm gì để tiến bộ hơn. Việc này sẽ khiến họ chú ý đến thay đổi bạn sẽ tạo ra.

Sai lầm thứ 55 Biến thành người vô hình

Một nữ sinh viên được một người bạn học đại học gọi điện thông báo chị có thể sẽ được chọn làm đại diện cho toàn thể sinh viên đọc diễn văn tạm biệt trong lễ tốt nghiệp. Và chị đã trả lời: “Ôi, hi vọng là không phải mình.” Mặc dù rất vinh dự nhưng chị cũng muốn mình “vô hình” như rất nhiều sinh viên khác khác. Tôi quan sát thấy rất nhiều phụ nữ đã đi làm cũng có thái độ tương tự. Khi công ty tìm người thuyết trình trước ban Giám đốc, phụ nữ thường lưỡng lự không muốn còn nam giới thì xung phong đảm nhận nhiệm vụ này và nếu công ty tự quyết định chọn người thuyết trình, họ thường chọn nhân viên nam.

Tôi có tổ chức một chương trình “học làm lãnh đạo” (dành cho cả nam giới và nữ giới) và trong chương trình này, nam nữ nhân viên trong một công ty được chia thành nhiều nhóm nhỏ để cùng giải quyết một vấn đề thực tế mà công ty phải đối mặt. Với cùng một phương pháp giải quyết vấn đề, tôi yêu cầu họ nghĩ ra một giải pháp bao gồm việc xác định rõ sai lầm, nguyên nhân, cách vượt qua khó khăn đó và chuẩn bị thuyết trình trước ban lãnh đạo. Vào buổi cuối cùng của khóa học, ban Giám đốc được mời đến lắng nghe nhân viên thuyết trình và nhận xét về tính thực tiễn trong giải pháp của từng nhóm. Rất nhiều giải pháp rất hữu ích được đưa ra và được vận dụng vào kế hoạch kinh doanh của công ty.

Khi thực hiện nhiệm vụ, nhân viên nữ thực sự là những con ong chăm chỉ. Họ khiến các nam đồng nghiệp tập trung vào công việc; họ chuẩn bị máy chiếu, trình duyệt Power Point, nội dung được thuyết trình; họ đảm bảo ban lãnh đạo sẽ nghe và chú ý đến quan điểm của tất cả nhân viên trong nhóm. Tuy nhiên, khi bàn đến vấn đề ai sẽ đứng lên thuyết trình, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sau gần 20 năm tổ chức nhiều chương trình tập huấn như vậy, tôi chưa lần nào thấy nữ giới đứng lên thuyết trình. Thay vì đề cử mình thuyết trình, họ đề cử một nam nhân viên có khả năng ăn nói trở thành trưởng nhóm trong buổi thuyết trình.

Hành động của họ đủ “vô hình” để chắc chắn ban Giám đốc sẽ không nhìn thấy và không nhận thấy khả năng của họ! Đáng ra đây là cơ hội vàng để họ quảng bá thương hiệu! Vì vậy, bạn không nên trao cơ hội đó cho đối thủ - cho dù đó chỉ là một cuộc cạnh tranh rất thân thiện.

Gợi ý

  1. Tình nguyện xin đứng ra chỉ đạo cuộc họp thường kì của phòng.

  2. Đề nghị được thuyết trình liên quan đến chuyên môn của bạn trong một buổi họp các chuyên gia cùng lĩnh vực.

  3. Viết bài cho báo địa phương, tạp chí nghề nghiệp hoặc bản tin của công ty.

  4. Mỗi khi công ty tìm kiếm ứng viên thuyết trình trước ban lãnh đạo, hãy nắm lấy cơ hội đó.

  5. Đảm bảo bạn không vô hình trong các buổi họp. Hãy tự tin trình bày ý kiến bởi đây là cách quảng bá thương hiệu bản thân rất hiệu quả.