Phục Hồi các Mối Quan Hệ

Phục Hồi Quan Hệ: Một Gánh Nặng Chúng Ta Sẵn Sàng Gánh Vác

"Hỡi anh chị em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh chị em là người có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh chị em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng" (câu 1).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô bảo chúng ta phải làm gì đối với anh chị em phạm lỗi trong Hội Thánh? Bạn đã làm việc này như thế nào?

Ai cũng có những gánh nặng phải mang trong đời sống, nhưng tạ ơn Chúa, chúng ta không phải mang những gánh nặng đó một mình. Phần Kinh Thánh này Sứ đồ Phao-lô đề cập đến ba thứ gánh nặng.

Trong câu 1 ông nói về gánh nặng của những anh chị em phạm lỗi, chúng ta không tránh né nhưng phải sẵn sàng gánh vác. Họ vốn là những người đã ở trong sự thông công với Hội Thánh, nhưng giờ đây họ không còn giữ liên lạc với Hội Thánh nữa. Là người có Chúa, chúng ta cần phục hồi mối liên hệ với những anh chị em phạm lỗi và vấp ngã trong đời sống của họ. Họ là anh chị em của chúng ta. Họ mất sự thông công với Chúa và với anh chị em trong Hội Thánh, và Chúa kêu gọi chúng ta phục hồi quan hệ với họ.

Chữ "sửa lại" trong Kinh Thánh theo nguyên nghĩa Hy văn có nghĩa là sắp xếp lại những miếng xương bị gãy cho ngay ngắn, hay vá lại cái lưới bị rách. Nó có nghĩa là phục hồi lại tình trạng lành lặn ban đầu. Một đứa bé leo lên cây hái trộm ổi bị té gãy chân. Đây là lúc nó cần được chăm sóc, cứu chữa. Lúc này nó chưa cần nghe giảng dạy, rầy la nhưng cần được giúp đỡ để không trở thành một đứa bé tàn tật. Đây là điều Sứ đồ Phao-lô nói chúng ta phải làm đối với những anh chị em có lỗi đã bỏ Hội Thánh. Kinh Thánh nói: Khi một chi thể bị đau thì cả thân thể đều đau. Hội Thánh là Thân của Chúa. Cũng vậy, một anh chị em của chúng ta phạm tội, vấp ngã, là người có Chúa chúng ta phải đau lòng vì sự đau đớn của họ.

Nếu bạn cảm thấy nặng lòng về một người nào đó trong Hội Thánh, nên hiểu Chúa đã đặt gánh nặng này trên bạn. Tại sao Chúa đặt người đó trong lòng bạn? Vì bạn là người có quan hệ với họ. Bạn là người Chúa muốn dùng đem sự hòa giải.

Công việc của mục sư là trang bị cho bạn Lời Chúa để bạn trở nên người phục vụ Chúa. Sứ đồ Phi-e-rơ viết cho các Hội Thánh, "hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải bởi ép tình, bèn là bởi vui lòng." Mỗi chúng ta đều có những bầy nhỏ Chúa giao cho chăm sóc, đều có những người chúng ta có thể ảnh hưởng về Chúa trên đời sống của họ. Khi Chúa đặt gánh nặng về một người nào đó trong gia đình bạn, hay một người nào đó trong Hội Thánh, Ngài muốn bạn là người trực tiếp nâng đỡ người đó.

Đức Chúa Trời là Đấng cho chúng ta cơ hội thứ hai. Kinh Thánh đầy những câu chuyện về những người bỏ Chúa rồi trở lại với Ngài; và những người bỏ anh chị em mình đã quay về với Hội Thánh. Giô-na chạy trốn Đức Chúa Trời nhưng Ngài ban cho ông cơ hội thứ hai để phục hồi ông. Phi-e-rơ là môn đệ có mối liên hệ gần gũi với Chúa từng tuyên bố sống chết với Ngài nhưng sau đó ông đã chối không hề biết Chúa. Chúa biết sự nặng nề trong đời sống của ông, nên ngay sau khi sống lại Ngài đã đến để phục hồi ông, dùng ông để xây dựng Hội Thánh của Ngài. Giăng Mác là một thanh niên sốt sắng tham gia công cuộc truyền giáo với Phao-lô và Si-la, nhưng sau đó đã bỏ cuộc giữa chừng khiến Phao-lô không còn tin tưởng nữa, nhưng Ba-na-ba đã cho Giăng Mác một cơ hội thứ hai để phục vụ Chúa. Ông trở thành tác giả sách Phúc Âm Mác, là người sau này Phao-lô nói rất hữu ích cho ông trong sự phục vụ (II Ti-mô-thê 4:11).

Bạn có biết ai từng đi nhà thờ, học Trường Chúa Nhật, sinh hoạt trong các ban ngành cuœa Hội Thánh, nhưng giờ đây họ không còn đến nhà thờ nữa không? Chúa muốn bạn nghĩ đến họ và tìm cách phục hồi quan hệ của họ với Hội Thánh. Bạn sẵn sàng làm người đó không?

Xin Chúa khiến con quan tâm đến những người cần được phục hồi quan hệ với Chúa và với Hội Thánh, giúp đưa họ đến với Chúa và trở lại Hội Thánh.