Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Chủ Nghĩa Kinh Nghiệm

Theo triết gia kinh nghiệm chủ nghĩa người Ireland thế kỷ mười tám, giám mục George Berkeley, thì “Esse est percipi” (“Tồn tại là được tri giác”), hay nói cách khác thì cái gọi là thế giới khách quan chỉ ở trong trí óc của chúng ta. Berkeley lập luận rằng chúng ta chỉ nhận được tri thức về thế giới này thông qua các giác quan của mình. (Các nhà triết học gọi loại thông tin này là “dữ liệu giác quan.”) Vượt khỏi các dữ liệu giác quan này, Berkeley nói, ta không thể suy đoán được bất cứ điều gì khác, chẳng hạn như sự tồn tại của các vật chất ngoài kia đang phát ra những rung động kích thích các giác quan của chúng ta. Nhưng vị giám mục đáng kính này lại tiếp tục suy luận rằng những dữ liệu giác quan phải đến từ nơi nào đó, do đó nơi nào đó phải là Chúa. Về cơ bản, tư tưởng của Berkeley là Chúa ở trên kia đang gõ những dữ liệu giác quan lên một Website vũ trụ mà tất cả chúng ta đều cập nhật được 24/7. (Thế mà chúng ta cứ nghĩ Chúa chỉ làm việc 24/6!)

George Berkeley (1685-1753): giám mục Ireland, nhà thần học và triết gia đề xướng thuyết duy tâm chủ quan cực đoan với luận điểm nổi tiếng: “Esse est percipi aut percipere” (Sự tồn tại của các đối tượng là cái được tri giác, còn sự tồn tại của các chủ thể là sự tri giác.)

Có câu chuyện rằng người cùng thời với Berkeley là tiến sĩ Samuel Johnson, khi biết đến luận điểm “Esse est percipi”, đã đá vào một cái cột và la lên, “Tôi bác bỏ giám mục Berkeley như thế đấy!”

Đối với Berkeley, câu chuyện đó hẳn giống như một trò cười. Cú đá ấy và ngón chân bị đau sau cú đá chỉ chứng tỏ rằng Chúa vẫn đang bận rộn với nhiệm vụ của ngài là gửi các dữ liệu giác quan đã được định vị đến với tiến sĩ Johnson: đầu tiên là cảm giác cử động của chân bị chặn, và ngay sau đó là cảm giác đau.

Tình huống phức tạp hơn nhiều khi nguồn gốc dữ liệu giác quan của chúng ta là một người khác:

Một người đàn ông lo vợ mình nghễnh ngãng bèn tìm đến bác sĩ. Bác sĩ khuyên ông ta thực hiện một bài kiểm tra đơn giản ở nhà như sau: đứng phía sau vợ hỏi một câu gì đó, đầu tiên cách sáu mét, rồí ba mét, và cuối cùng đứng sát sau lưng.

Người đàn ông đi về nhà, thấy vợ đang đứng nấu nướng, quay mặt vào bếp lò.

“Tối nay nhà ta có món gì thế bà?” ông ta hỏi từ ngoài cửa.

Không có câu trả lời.

Tiến lên cách vợ ba mét, ông ta nhắc lại câu hỏi, “Tối nay nhà ta có món gì thế bà?”

Vẫn không có câu trả lời.

Cuối cùng, ông ta đứng sát sau lưng vợ và hỏi, “Tối nay nhà ta có món gì thế bà?”

Đến lúc này, bà vợ mới quay lại đáp, “Tôi bảo ông đến lần thứ ba rồi đấy nhé - gà!”

A, đôi vợ chồng này đúng là có rắc rối lớn với việc diễn giải dữ liệu giác quan.