Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Khả Năng Phản Nghiệm

Bệnh nhân: Đêm qua tôi mơ thấy tôi lên giường với Jennifer Lopez và Angelina Jolie, và ba chúng tôi đã làm tình suốt đêm.

Bác sĩ tâm thần: Không còn nghi ngờ gì nữa, ông có mong muốn thầm kín ngủ với mẹ ông.

Bệnh nhân: Cái gì?! Không ai trong hai người đó giống mẹ tôi chút xíu nào.

Bác sĩ tâm thần: A ha! Một phản ứng ngược! Ông nhất định đang kim nén những dục vọng thật của ông.

Trên đây không phải là một truyện cười, thực ra đó là cách mà một số tín đồ của Freud lập luận. Và cách lập luận này phức tạp ở chỗ: không lấy đâu ra những tình huống thực tế mà ta có thể nhận biết để bác bỏ lý thuyết về phức cảm Oedipe kia. Trong bài phê phán logic quy nạp, triết gia thế kỷ hai mươi Karl Popper lập luận rằng để một lý thuyết đứng vững được, nhất định phải có một số tình huống khả dĩ có thể chứng minh rằng nó là sai. Trong câu chuyện núp bóng tiếu lâm ở trên, không có tình huống nào như thế để ông bác sĩ tâm thần tín đồ của Freud có thể thừa nhận là chứng cứ.

Còn đây là một truyện cười thực thụ, mô tả quan điểm của Popper rõ ràng hơn:

Hai gã đang ăn sáng. Một gã phết bơ vào miếng bánh mì nướng và nói, “Cậu có bao giờ để ý thấy, nếu cậu đánh rơi một lát bánh mì, mặt phết bơ luôn úp xuống dưới không?”

Gã thứ hai nói, “Không, tớ dám cá là chỉ có vẻ thế thôi, vì nếu mặt phết bơ úp xuống thì phải lau dọn sàn nhà rất khó chịu. Tớ cược là khi nó rơi mặt có bơ thường quay lên trên.”

Gã thứ nhất nói, “Thế hả? Nhìn đây này.” Anh ta thả lát bánh xuống sàn nhà, mặt phết bơ quay lên trên.

Gã thứ hai nói, “Thấy chưa, tớ đã bảo mà”.

Gã thứ nhất nói, “Ồ, tớ biết tại sao rồi. Tại tớ phết bơ sai mặt!”

Đối với anh chàng này, không có bất kỳ chứng cứ nào có thể chứng minh lý thuyết của gã là sai.