Plato Và Con Thú Mỏ Vịt Bước Vào Quán Bar

Nghịch Lý Zeno

Nghịch lý là đoạn lập luận tưởng như hợp lý dựa trên những giả định có vẻ đúng nhưng dẫn đến một kết luận mâu thuẫn hoặc sai bét. Nói khác đi một chút thì ý trên có thể dùng để định nghĩa cho truyện cười - hoặc ít ra là cho hầu hết các truyện cười trong cuốn sách này. Có gì đó thật phi lý khi những lập luận đúng lại biến ra sai một cách có logic; và điều phi lý thì thường gây cười. Nếu cùng lúc giữ hai ý tưởng đối chọi nhau trong đầu, óc bạn sẽ choáng váng. Nhưng quan trọng nhất là, bạn có thể kể một nghịch lý lắt léo trong bữa tiệc và đem lại tiếng cười vui cho mọi người.

Về truyện cười liên quan đến hai ý tưởng mâu thuẫn, Zeno thành Elea là bậc thầy. Bạn hẳn đã nghe câu chuyện của ông về cuộc chạy đua giữa Achilles và con rùa? Achilles vốn chạy nhanh hơn con rùa, nên con rùa được chấp cho xuất phát sớm hơn nhiều. Khi nghe tiếng súng lệnh, hay như người ta nói vào thế kỷ năm trước Công nguyên, khi ngọn lao phóng ra, mục tiêu đầu tiên của Achilles là đến được điểm xuất phát của rùa. Tất nhiên, lúc đó thì con rùa đã đi được một đoạn đường ngắn rồi, cho nên bây giờ Achilles phải đến được điểm đó. Nhưng lúc chàng đến đó, con rùa đã lại rời đi rồi. Dù Achilles đến được điểm mà rùa đã tới trước đó bao nhiêu lần, thậm chí vô hạn lần, Achilles cũng không bao giờ bắt kịp được con rùa, mặc dù chàng đã đến cực gần. Tất cả những gì mà con rùa cần làm để thắng cuộc đua là không dừng lại.

Phải, Zeno không phải là Leno (James Douglas Muir “Jay” Leno, người dẫn chương trình và là diễn viên hài nổi tiếng người Mỹ), nhưng ở thế kỷ năm trước Công nguyên, ông là một triết gia không tồi. Và giống như một diễn viên tấu hài nổi tiếng của thời ấy, Zeno có thể nói, “Truyện thế này tôi có cả triệu.” Thực ra tất cả chỉ có bốn truyện. Một truyện khác là nghịch lý đường đua của ông. Để chạy đến cuối đường đua, người chạy trước hết phải hoàn thành vô số quãng đường. Anh ta phải chạy đến điểm giữa, rồi phải chạy đến điểm giữa của khoảng cách còn lại, rồi điểm giữa của khoảng cách vẫn còn lại, v.v. và v.v. Nói theo lý thuyết, vì anh ta phải chạy đến các điểm giữa vô hạn lần, anh ta sẽ không bao giờ đến được cuối đường. Nhưng tất nhiên [thực tế thì], anh ta đến được. Ngay cả Zeno cũng có thể thấy điều đó.

Còn đây là một truyện hài cũ như thể do chính Zeno nghĩ ra:

Người bán hàng: “Thưa bà, cái máy hút bụi này sẽ khiến công việc của bà vơi đi một nửa.”

Bà khách: “Hay quá! Lấy cho tôi hai cái.”

Trong câu chuyện này có một điều lạ lùng. Nghịch lý đường đua đi ngược với lẽ thường, ngay cả khi không thể chỉ ra nó sai ở đâu, chúng ta vẫn tin rằng có cái gì đó sai. Trong truyện cười về máy hút bụi, cách lập luận của Zeno lại không hề nghịch lý. Nếu mục đích của bà khách là hoàn thành công việc mà không hề tốn dù chỉ một chút thời gian, thì không có số lượng máy hút bụi tiết kiệm thời gian nào (và người sử dụng chúng đồng thời với bà) có thể đáp ứng. Bật hai máy hút bụi chỉ có thể giảm thời gian làm sạch thảm đi ba phần tư; chạy ba cái, giảm được năm phần sáu; và tiếp tục như thế, khi số lượng máy hút bụi tăng đến vô hạn.