Quân Vương - Thuật trị nước

Chương 21: Cách Cai Trị Được Lòng Dân

Không có gì làm thiên hạ khâm phục một Vương hầu hơn khi Ngài hoàn tất được những công nghiệp vĩ đại, cao quý và có những cử chỉ gương mẫu cho người ta nhớ mãi. Hiện nay có Ferdinand d’Aragon, đương kim Hoàng đế nước Y Pha Nho. Ta có thể gọi là một Tân hoàng, vì ban đầu Ngài chỉ là một Tiểu vương, sau nhờ công danh lừng lẫy Ngài trở thành một vị Hoàng đế đệ nhất của Gia Tô giáo. Xét kỹ, ta thấy tất cả hành động của Ngài vĩ đại có khi còn phi thường. Ngay thời gian khởi đầu triều đại, Ngài đã tấn công xứ Grenade. Chiến thắng này trở thành nền tảng cho công trình sáng lập chính quyền trên các lãnh thổ khác của Ngài. Trước hết Ngài xây dựng sự nghiệp một cách thảnh thơi không sợ ai ngăn cản. Các Tiểu vương xứ Castille để hết tâm trí theo dõi cuộc chiến này, không còn ai nghĩ tới một hành động nào khác. Trong khi ấy, tất cả các Tiểu vương không ngờ rằng, uy tín và mãnh lực của Ngài đã ngự trị trong tâm trí họ. Ngài đã dung dưỡng được một đoàn binh sĩ do công của Giáo hội và nhân dân. Nhờ cuộc chiến tranh lâu dài, Ngài đã xây nền tảng cho môt đạo quân riêng; chính đạo quân này đã mang lại cho Ngài biết bao danh vọng. Thêm nữa, trong khi dự tính thực hiện những công tác lớn lao hơn, để có thể tiếp tục xử dụng tôn giáo, Ngài áp dụng ngay một chính sách vô cùng nghiêm khắc dựa vào Giáo luật: trục xuất cho kỳ hết giống dân Marranes khỏi xứ. Ta không thể tìm được một tỷ dụ nào thương tâm và kỳ quặc như vậy. Cũng với “bộ áo choàng” ấy, và cũng dựa vào lý lẽ ấy, Ngài chiếm cứ toàn cõi Phi Châu, tấn công vào Ý, gây chiến với Pháp. Ngài luôn luôn âm mưu gây những chuyện lớn, khiến trí não của thần dân lúc nào cũng ở tình trạng căng thẳng, chờ đợi, vừa kính phục, vừa khiếp sợ những thắng lợi mà Ngài thâu lượm được. Ngài có biệt tài kéo dài liên tiếp từ cuộc chiến này sang cuộc chiến khác, đến nỗi thần dân không còn chút thời giờ nhàn rỗi giữa hai cuộc chiến để nghĩ tới oán giận Ngài.

Trong việc trị Quốc nếu Vương hầu có những hành động đáng lưu truyền trong ký ức dân chúng thì thật hữu ích. Tỷ dụ Vương tước Bernabé Visconti đã làm như sau: Khi một người làm một việc đặc biệt tốt hay đặc biệt xấu trong công vụ thường xuyên, Ngài tìm ngay một cách rất tân kỳ để thưởng hay trừng phạt kẻ ấy. Nhờ vậy người ta sẽ nhắc nhở tới Ngài luôn. Trong mọi công việc, Vương hầu phải lưu tâm tuyên truyền cho những hành động của mình để gây tiếng tăm là một nhân vật vĩ đại và toàn hảo.

Vương hầu còn được quý trọng hơn, nếu ở trường hợp nào cũng tỏ ra là bạn hoặc thù nghĩa là không bao giờ có thái độ ba phải. Ngài phải tỏ ra minh bạch, bao dung kẻ này chống lại kẻ kia.

Thái độ rõ rệt như vậy có lợi hơn là đứng vào thế trung lập. Nếu có hai nước cùng là lân bang, có sức mạnh; khai chiến với nhau, Vương hầu phải suy nghĩ trước xem đến khi chiến tranh kết liễu, Ngài có phải sợ nước thắng trận hay không? Trong trường hợp nào, Ngài cũng nên xuất đầu lộ diện và tham chiến hẳn hòi thì mới có lợi. Nếu có ở nguyên vị bất động, sau này nước thắng trận cũng sẽ vồ Ngài, rồi nước thất trận thấy thế cũng khoái trá hả hê. Đến lúc đó, chẳng có quyền lực nào che chở cho Ngài và cũng không còn lân bang nào cứu Ngài nữa. Tất nhiên, kẻ chiến thắng không chấp nhận những bạn hữu có thái độ khả nghi, vì khi hữu sự không tới giúp họ. Kẻ chiến bại cũng không muốn giúp, vì ta đã không mang quân tới chia xẻ số mệnh rủi ro với họ.

Sau khi Tướng Antiochus kéo quân sang Hy Lạp, do người Floliens đưa vào, để đánh đuổi quân La Mã, ông sai sứ giả đi thuyết phục dân Achéens (vốn là bạn thân tình với người La Mã) để bọn này đứng trung lập. Ngược lại, dân La Mã tuyên truyền dân Achéens cầm khí giới để tham chiến với họ. Việc này được đưa ra thảo luận trước Đại hội Nhân Dân Achéens. Trước hội nghị Sứ thần, Tướng Antiochus vẫn cố nài nỉ để dân Achéens đứng trung lập. Sứ thần La Mã liền phản đối bằng luận điệu sau “Trong khi xúi các ông đứng trung lập, người ta bảo do là kế hoạch tốt để bảo toàn lãnh thổ và nền an ninh riêng của các ông. Xét ra lý luận ấy thật trái ngược với lương tri con người. Vả chăng trong lúc này, nếu các ông tham gia cuộc chiến để làm một hành động đẹp đẽ, mang lại uy danh cho mình, sau này các ông sẽ trở thành miếng mồi ngon cho kẻ nào thắng trong cuộc chiến tranh này”.

Luôn luôn ta thấy chỉ kẻ nào không phải thật là bạn của ta mới xui ta đứng trung lập. Những người bạn thật tâm, khi hữu sự bao giờ cũng khẩn nài ta cầm khí giới. Những Vương hầu có bản tính do dự, muốn tránh những mối nguy trước mắt thường theo đường trung lập và cũng vì thế thường bị bại vong. Trái lại, khi một Vương hầu ngang nhiên bênh vực cho một phe nào nếu phe ấy sau chiến thắng trở nên hùng cường và coi thường vị Vương hầu đi nữa, vị ấy cũng có chút ân huệ với họ, vì đã cùng nặng lời hứa liên minh. Loài người không vô ơn bạc nghĩa đến nỗi khi xong việc lại quên ơn, có thể hủy diệt nhau. Vả chăng, chưa có chiến thắng nào đem đến hậu quả sáng sủa rõ rệt ngay, nếu kẻ chiến thắng còn lưu tâm đến nhiều vấn đề chung quanh nhất là việc xử sự công bằng với những kẻ liên quan đến mình. Nếu chẳng may người bạn đồng minh của ta cũng bại trận, họ vẫn bảo bọc, nâng đỡ ta, tha thiết xem ta như người bạn cùng chung số mệnh để ngày kia cùng sát cánh quật cường. Trong trường hợp hai lân bang gần ta khai chiến với nhau, nếu thấy lực lượng của hai nước ở mức dù nước nào thắng ta cũng chẳng sợ, khôn hơn hết ta liên kết giúp một nước đánh bại nước kia. Sau cuộc thắng trận chung này, nước bạn đồng minh sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào ta, vì hiển nhiên nhờ ta giúp họ mới thắng được kẻ thù.

Với những câu chuyện kể trên, xin nhắc để các Vương hầu nhớ nên hết sức tránh việc liên minh với một nước mạnh hơn mình để đánh một nước khác (trừ trường hợp khẩn thiết và bắt buộc phải làm). Ví dụ có thắng trận, ta cũng trở thành tù nhân của họ. Các Vương hầu nên cố gắng tránh đến mức tối đa những trường hợp bị lệ thuộc vào kẻ khác. Dân Vénitiens liên kết với người Pháp để tác chiến với Vương tước Milan (tuy sự liên minh đó không cần thiết) nên sau khi chiến thắng chính cuộc liên kết ấy đã đưa họ đến bước diệt vong. Nhưng có những trường hợp bắt buộc, như khi Giáo hoàng và dân Y Pha Nho mang quân tấn công xứ Lombardie, dân Florentine phải tìm bạn đồng minh mới chống nổi. Không Vương hầu nào dám tự tin đã chọn đúng một lực lượng chắc chắn để liên kết, nên ta hãy coi tất cả các lực lượng đều không chắc chắn. Bởi sự việc ở đời cho ta thấy không thể tìm cách tránh được trở ngại này mà không vấp trở ngại khác. Vì vậy cần thận trọng xác định tầm mức quan trọng của các trở ngại trước mắt, để chọn cái nào nhẹ hơn hết.

Ngoài sự việc kể trên, Vương hầu phải tỏ ra biết trọng tài đức, biết ban vinh dự cho những kẻ có biệt tài trong mỗi ngành. Sau nữa phải khuyến khích toàn thể nhân dân nên sinh sống yên ổn để phát triển nghề nghiệp của họ trong địa hạt thương mại, canh tác ruộng đất, cùng trong tất cả các sinh hoạt khác.

Làm sao cho nông dân không bỏ đất hoang vì lo sợ bị người khác lại chiếm đoạt mất, giới thương gia khỏi bỏ nghề theo nghề khác vì sợ thuế khóa. Vậy Vương hầu phải tưởng thưởng những ai muốn hành những nghề nghiệp trên đây, và hoạt động bằng cách này hay cách khác để làm giàu cho xứ sở đất nước. Thêm nữa, hàng năm, một vài khi Vương hầu cũng phải tổ chức những hội hè, những cuộc du hí để nhân dân có dịp hả hê vui đùa giải trí. Địa phương nào cũng chia ra từng tập đoàn nghề nghiệp, đoàn thể chủng tộc; Vương hầu phải đặc biệt lưu tâm đến những đoàn thể ấy. Một vài khi phải xuất hiện trong những cuộc hội họp của họ để nêu gương tình bác ái, nhưng phải luôn luôn giữ gìn tính cách nghiêm trang, không bao giờ để kém phần oai phong của địa vị Vương giả.