Sáu Chiếc Mũ Tư Duy

6 Chiếc Mũ Tư Duy

“6 chiếc mũ tư duy” là một công cụ trợ giúp tư duy được Edward de Bono giới thiệu trong cuốn “6 Thinking Hats”. Đây là một phương pháp cực kỳ hiệu quả, giúp bạn đánh giá sự việc từ nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra quyết định tốt hơn. Nhờ vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn mọi ngóc ngách của sự việc, nhận diện được những nguy cơ và cơ hội mà bình thường bạn có thể không chú ý đến.

Những người thành đạt thường tư duy theo hướng tích cực, thiên về lý trí, và đó là một trong những lý do giúp họ thành công. Mặc dù vậy, thông thường, họ có thể không đánh giá vấn đề từ các góc nhìn khác như cảm xúc, trực giác, sáng tạo hoặc mang tính tiêu cực. Hệ quả là đôi lúc họ bỏ qua những yếu tố có thể đưa đến sự thay đổi, không thể tạo ra những đột phá thật sự và không chuẩn bị những kế hoạch dự phòng cần thiết cho những rủi ro có thể gặp. Ngoài ra, những người đã quen giải quyết vấn đề một cách khoa học có thể sẽ không phát huy được khả năng sáng tạo hoặc giải quyết vấn đề dựa trên trực giác của họ.

Nếu đánh giá một vấn đề bằng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy”, bạn có thể giải quyết nó dựa trên tất cả các góc nhìn đã đề cập. Bạn sẽ kết hợp được cả tham vọng, kỹ năng thực hành, sự nhạy cảm, sáng tạo và khả năng lập kế hoạch dự phòng tốt trong việc ra quyết định và hoạch định.

Kỹ thuật “6 chiếc mũ tư duy”

Hãy lần lượt “đội” 6 chiếc mũ để đánh giá vấn đề. Mỗi lần đội mũ tức là bạn lại chuyển sang một cách tư duy mới.

. Mũ trắng

Khi đội “Mũ trắng”, bạn sẽ đánh giá vấn đề một cách khách quan, dựa trên những dữ kiện có sẵn. Hãy nghiên cứu thông tin bạn có để tìm ra câu trả lời cho những điều bạn còn thắc mắc.

· Mũ đỏ

Khi đội “Mũ đỏ”, bạn sẽ đánh giá vấn đề dựa trên trực giác và cảm xúc. Hãy cố gắng đoán biết cảm xúc của người khác thông qua những phản ứng của họ và cố gắng hiểu được những phản ứng tự nhiên của những người không hiểu rõ lập luận của bạn.

· Mũ đen

Khi đội “Mũ đen”, bạn cần đánh giá vấn đề theo góc nhìn tiêu cực, cẩn trọng và e dè. Hãy cố gắng đoán trước những nguyên nhân có thể khiến ý tưởng và cách giải quyết vấn đề không đạt hiệu quả như mong đợi. Nhìn nhận sự việc theo cách này sẽ giúp bạn loại bỏ những điểm yếu trong một kế hoạch hoặc cách thức tiến hành công việc, điều chỉnh cách giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho những vấn đề có thể nảy sinh ngoài dự kiến.

Nhiều người thành đạt đã quen với việc suy nghĩ một cách lạc quan. Do vậy, họ có thể sẽ không dự kiến hết được những vấn đề có thể phát sinh nên không có sự chuẩn bị chu đáo. Cách tư duy “Mũ đen” sẽ giúp họ tránh được điều này.

· Mũ vàng

Khi đội “Mũ vàng”, bạn sẽ suy nghĩ một cách tích cực. Sự lạc quan sẽ giúp bạn thấy hết được những lợi ích và cơ hội mà quyết định của bạn mang lại. Cách tư duy “Mũ vàng” giúp bạn có thêm nghị lực để tiếp tục công việc khi bạn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

· Mũ xanh lá cây

Mũ xanh lá cây tượng trưng cho sự sáng tạo. Lối tư duy tự do và cởi mở khi đội “Mũ xanh” sẽ giúp bạn tìm ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề.

· Mũ xanh dương

Đây là chiếc mũ người chủ tọa đội để kiểm soát tiến trình cuộc họp. Khi gặp khó khăn do bế tắc về ý tưởng, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh cách tư duy của mọi người dự họp sang hướng “Mũ xanh lá cây”. Còn khi cần lập kế hoạch dự phòng, chủ tọa sẽ yêu cầu mọi người tư duy theo cách “Mũ đen”.

Bạn có thể sử dụng phương pháp “6 chiếc mũ tư duy” trong các cuộc họp hoặc khi giải quyết vấn đề của mình. Nếu dùng trong các cuộc họp, kỹ thuật này sẽ giúp chủ tọa tháo “ngòi nổ” xung đột có thể xảy ra khi nhiều người có lối tư duy khác nhau cùng thảo luận về một vấn đề. Bạn cũng có thể sử dụng một phương pháp khác tương tự với “6 chiếc mũ tư duy” là đánh giá vấn đề từ quan điểm của nhiều chuyên gia (bác sĩ, kiến trúc sư, giám đốc kinh doanh …) hoặc khách hàng.

“6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp lý tưởng để đánh giá tác động của một quyết định từ nhiều quan điểm khác nhau. Nó giúp bạn kết hợp những yếu tố thuộc về cảm tính với những quyết định lý tính và khuyến khích sự sáng tạo khi ra quyết định. Nhờ vậy, kế hoạch của bạn sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nó còn có thể giúp bạn tránh được những sai lầm về giao tế nhân sự và thấy trước những nhược điểm của một kế hoạch hành động.

--------------------------

Một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới hướng dẫn cách thức tư duy hiệu quả hơn. Không có gì đáng chán và lãng phí hơn là một căn phòng đày những người thông minh đang chờ đợi cơ hội để phản bác lại những gì một diễn giả đang nói. Tranh luận sẽ không đem lại hiệu quả, vô ích và phải rất lâu mới giải quyết được vấn đề. Tranh luận sẽ không bao giờ mang tính xây dựng.

Với phương pháp 6 chiếc mũ tư duy, vấn đề sẽ được giải quyết nhanh chóng nhờ tập trung được sự thông minh, kinh nghiệm và thông tin của tất cả mọi người.

Tư duy song song trong phương pháp tư duy 6 chiếc mũ đã nhanh chóng thay thế cho cách thức tư duy tranh luận trên toàn thế giới - Từ những quản trị viên cao cấp của các tập đoàn hàng đầu thế giới như Siemens, NTT, Prudential (US) cho đến những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trương; Từ những ngôi làng tại Campuchia cho đến những quan chức chính phủ cao cấp.
Hãy khám phá một phương pháp tư duy mới - hiệu quả hơn, thiết thực hơn, sáng tạo hơn.

Kỹ thuật “6 chiếc nón tư duy” (6 Thinking Hats) là một kỹ thuật mạnh mẽ và độc đáo được Edward de Bono phát triển vào năm 1985. Kỹ thuật này nhằm hướng mọi người cùng tập trung vào vấn đề từ cùng một góc nhìn, do đó sẽ triệt tiêu hoàn toàn các tranh cãi xuất phát từ các góc nhìn khác nhau.

Để có thể tập trung mọi suy nghĩ của mọi người vào cùng một khía cạnh của vấn đề, Edward de Bono đã đưa ra một phương pháp ẩn dụ thông qua 6 chiếc nón với 6 màu khác nhau: trắng, đỏ, vàng, đen, xanh lá cây và xanh da trời. Lưu ý rằng, 6 chiếc nón này chỉ là một cách thức tượng trưng, không cần phải có 6 cái nón thật khi tiến hành kỹ thuật này.