Sững Sờ Và Run Rẩy

Chương 4

- Tôi vẫn chẳng hiểu vì cớ gì mà cô cười.

- Đấy là tại bệnh tâm thần vận động của tôi.

- Cô tập trung vào công việc của mình thì hơn.

Ngày 28, tôi báo cho cô ta quyết định không về nhà buổi tối của mình nữa:

- Nếu cô cho phép, tôi sẽ qua đêm ở đây, ở chỗ làm việc của tôi.

- Bộ óc cô hiệu quả hơn trong bóng tối sao?

- Hy vọng thế. Có thể hoàn cảnh o ép này lại khiến nó hoạt động được.

Tôi nhận được sự đồng ý của cô ta mà chẳng khó khăn gì. Không hiếm việc các nhân viên ở lại văn phòng cả đêm khi có những việc gấp đến hạn phải hoàn thành.

- Cô nghĩ một đêm liệu có đủ không?

- Chắc chắn là không rồi. Tôi không định về nhà từ hôm nay đến 31.

Tôi chỉ cho cô ta một chiếc ba lô:

- Tôi đã mang theo những đồ cần thiết.

Tôi thấy mình ngây ngất khi còn lại một mình trong công ty Yumimoto. Song cảm giác này trôi đi rất nhanh khi tôi nhận ra về đêm đầu óc mình cũng chẳng hoạt động tốt hơn. Tôi làm việc không ngừng: sự hăng say này cũng chẳng mang lại kết quả gì.

Đến bốn giờ sáng, tôi đi đánh răng rửa mặt qua loa ở bồn rửa và thay quần áo. Tôi uống một tách trà rất đặc và quay về bàn của mình.

Những nhân viên đầu tiên đến vào lúc bảy giờ.

Fubuki đến một giờ sau đó. Cô ta liếc nhìn cái ngăn dành cho các chứng từ đã kiểm tra và nhận thấy nó vẫn trống trơn. Cô ta lắc đầu.

Lại thêm một đêm thức trắng nữa. Tình hình vẫn không có gì thay đổi. Trong cái đầu của tôi, mọi thứ vẫn lẫn lộn như vậy. Mặc dầu vậy, tôi lại không hề thất vọng. Tôi cảm thấy một sự lạc quan đến không hiểu nổi, nó khiến tôi rất bạo dạn. Chẳng thế mà vừa tiếp tục tính toán, tôi lại quay ra nói với sếp những việc chẳng ăn nhập gì vào lúc này:

- Trong tên của cô có tuyết. Còn tên của tôi trong tiếng Nhật lại có mưa. Tôi thấy điều này rất hợp lý. Cô và tôi khác nhau như tuyết với mưa. Song điều này không ngăn chúng ta lại được sinh ra bởi cùng một chất liệu.

- Cô thực sự thấy giữa cô và tôi có điểm chung sao?

Tôi cười. Thực ra tôi cười ngây ngô vì thiếu ngủ. Đôi lúc tôi cũng chợt cảm thấy mệt mỏi và chán nản, song tôi trở lại ngay với thói vui cười hớn hở của mình.

Cái bình đựng nỗi thống khổ của tôi ngày càng đầy lên với những con số chui ra từ bộ óc bị rò rỉ của tôi. Tôi như là Sisyphe(1) của ngành kế toán và, cũng như nhân vật huyền thoại nọ, tôi không bao giờ thất vọng, tôi làm lại những phép tính cay độc đến hàng trăm lần, hàng ngàn lần. Tôi phải ghi nhận một điều kỳ lạ: tôi đã tính nhầm tới hàng ngàn lần, nếu như những nhầm lẫn của tôi lần nào cũng giống nhau thì thật nhàm chán, như khúc nhạc lặp đi lặp lại vậy; đằng này, mỗi lần tính tôi lại cho ra hàng ngàn kết quả khác nhau. Tôi tài thật.

Thường giữa hai phép cộng, tôi lại ngẩng đầu lên để ngắm nhìn mái đầu của người đã đưa tôi vào cảnh khốn khổ này. vẻ đẹp của cô ta khiến tôi sững sờ. Tôi chỉ tiếc là cái kẹp tóc nhỏ xinh làm cho mái tóc dài lửng của cô thành một đường cong cứng ngắc ý như muốn nói: “Tôi là một người phụ nữ hành động.” Thế là, tôi lao vào một trò rất tuyệt: tôi tưởng tượng mình đang chải tóc cho cô ta. Tôi trả lại tự do cho mái tóc đen bóng đó. Những ngón tay vô hình của tôi mang lại cho nó sự lộn xộn quyến rũ. Thi thoảng, tôi nổi khùng và làm cho những sợi tóc của cô ta xù lên như vừa qua một đêm yêu đương cuồng nhiệt, vẻ hoang dại này khiến cô ta trông đẹp tuyệt vời.

Thế rồi Fubuki bắt gặp tôi đang làm tóc ảo:

- Có gì mà cô nhìn tôi ghê thế?

- Tôi đang nghĩ trong tiếng Nhật, hai từ “tóc” và “Chúa trời” nói giống nhau.

- Từ “giấy” cũng thế, cô đừng quên đấy. Quay lại đống giấy tờ của cô đi.

Đầu óc lơ mơ của tôi ngày càng thêm trầm trọng. Mỗi lúc tôi càng chẳng biết phải nói gì hay không nói gì. Đang tìm tỉ giá đồng Curon Thụy Điển ngày 20 tháng Hai năm 1990, thì miệng tôi tự dưng lại hỏi:

- Hồi còn nhỏ, cô ước mơ về sau làm gì?

- Vô địch bắn cung.

- Xem ra cũng hợp với cô đấy!

Vì thấy cô ta không hỏi gì mình, tôi tuôn ra một tràng:

- Còn tôi, hồi bé tôi mơ thành Thượng đế. Vị Thượng đế của những người Thiên Chúa giáo, với một chữ T viết hoa rất to. Khoảng năm tuổi, tôi hiểu ra là tham vọng của mình không thể thực hiện được. Cho nên tôi bớt mơ mộng đi một chút và quyết định trở thành Chúa Jesus. Tôi tưởng tượng ra mình được chết trên cây thánh giá trước toàn thể nhân loại. Lên bảy tuổi, tôi nhận thức được rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra với tôi. Khiêm tốn hơn, tôi quyết tâm trở thành kẻ tuẫn đạo. Tôi giữ nguyên sự lựa chọn này trong nhiều năm. Rồi nó cũng lại không được.

- Sau đó thế nào?

- Thì cô biết rồi đấy: tôi đã trở thành kế toán cho công ty Yumimoto. Và tôi nghĩ mình không thể xuống thấp hơn được nữa.

- Cô tin thế à? - cô ta hỏi với nụ cười kỳ quặc.

Đêm ngày 30, sắp sang ngày 31. Fubuki là người cuối cùng ra khỏi văn phòng. Tôi tự hỏi sao cô ta không thải hồi tôi nhỉ: chẳng lẽ cô ta không thấy tôi sẽ không bao giờ xử lý nổi dù chỉ một phần trăm công việc hay sao?

Tôi còn lại một mình. Đây là đêm thứ ba tôi thức trắng liên tiếp trong gian phòng làm việc rộng lớn. Tôi bấm máy tính và ghi lại những kết quả ngày càng tệ hại.

Chẳng thế mà một điều kỳ diệu đã xảy ra với tôi: tâm trí tôi rời bỏ thân xác.

Tôi bỗng như được buông thả. Tôi đứng lên. Tôi tự do. Chưa bao giờ tôi cảm thấy được tự do đến thế. Tôi bước ra tận cánh cửa kính khổng lồ. Thành phố lấp lánh ánh đèn ở rất xa phía dưới kia. Tôi đang ngự trị thế giới. Tôi là Thượng đế. Tôi ném thân mình qua cửa sổ để thoát ra.

Tôi tắt hết mấy bóng đèn neon. Ánh đèn thành phố xa xa đủ để chiếu sáng gian phòng. Tôi ra nhà bếp lấy lon Coca và uống một hơi. Lúc quay lại phòng kế toán, tôi cởi giày và quẳng phăng chúng đi. Tôi nhảy lên một chiếc bàn làm việc, rồi chuyển hết từ bàn này sang bàn khác, vừa nhảy vừa hét lên sung sướng.

Tôi cảm thấy người mình nhẹ tới mức quần áo cũng thành nặng nề. Tôi liền cởi từng thứ một và để chúng rải rác chung quanh. Khi không còn thứ gì trên người, tôi trồng cây chuối - điều mà tôi chưa bao giờ làm nổi trong đời. Tôi di chuyển qua những chiếc bàn liền kề nhau bằng hai tay. Sau đó, bằng một cú nhào lộn hoàn hảo, tôi bật người lên và rơi xuống ngồi vào chỗ của cấp trên của tôi.

Này Fubuki, ta là Thượng đế. Cho dù mi không tin ta, nhưng ta là Thượng đế. Mi ra lệnh ư, một điều chẳng có gì ghê gớm. Còn ta, ta trị vì. Quyền lực chẳng khiến ta bận tâm. Trị vì mới cao siêu hơn nhiều. Mi chẳng ý thức nổi tới vinh quang của ta đâu. Vinh quang tuyệt vời lắm. Có các thiên thần thổi kèn trompette để tôn vinh ta. Chưa bao giờ ta có vinh quang như đêm nay. Chính là nhờ có mi đấy. Giá như mi biết được rằng mi đang làm việc vì vinh quang của ta!

Ponce Pilate(2) cũng không hề biết ông ta hành động vì chiến thắng của Chúa. Đã có Chúa mang vòng ô liu thì ta là Chúa máy vi tính. Trong bóng tối bao bọc quanh ta mọc lên cánh rừng máy vi tính đại thụ.

Ta đang nhìn chiếc máy tính của mi đấy, Fubuki à. Nó to và thật tuyệt vời. Bóng tối làm cho nó trông như một bức tượng ở đảo Pâques. Đã quá nửa đêm: hôm nay là thứ Sáu, ngày thứ Sáu thánh của ta đây, ngày thần Vệ nữ trong tiếng Pháp, ngày vàng trong tiếng Nhật, mà ta thì thật khó tìm ra một sự gắn kết giữa nỗi đau Do Thái-Thiên Chúa, niềm vui La tinh và lòng tôn thờ Nhật Bản trong cái chất liệu bền vững này.

Từ lúc tôi rời bỏ cõi thế để bước vào cuộc đời tu sĩ, thời gian đã mất đi mọi hình hài của nó và lột xác thành một chiếc máy tính nhỏ mà tôi bấm lên nó những con số đầy sai sót. Tôi những tưởng đang là lễ Phục sinh. Từ trên ngọn tháp Babel, tôi nhìn ra phía công viên Ueno và thấy những hàng cây phủ đầy tuyết: những cây anh đào đang nở hoa - đúng rồi, đúng lễ Phục sinh rồi.

Lễ Noel làm tôi chán ngấy bao nhiêu thì tôi lại thích thú với lễ Phục sinh bấy nhiêu. Thật không tưởng tượng nổi Chúa trong hình hài em bé. Song một kẻ khốn khổ trở thành Thượng đế lại là một chuyện khác. Tôi ôm lấy chiếc máy vi tính của Fubuki và hôn lấy hôn để lên đó. Tôi cũng là một kẻ khốn khổ bị đóng đinh trên cây thánh giá. Điều tôi thích nhất trong việc đóng đinh chính là đoạn kết. Cuối cùng tôi không còn phải chịu đau đớn nữa. Họ đã đóng đinh cơ thể tôi bằng vô số những con số tới mức không còn một chỗ nào cho phần thập phân nhỏ nhất. Họ sẽ chém phăng đầu tôi bằng một nhát gươm và tôi không còn cảm thấy gì nữa.

Biết được khi nào mình sắp chết quả là một điều vĩ đại. Người ta có thể tự tổ chức và biến cái ngày cuối cùng của mình thành một tác phẩm nghệ thuật. Buổi sáng, đám đồ tể của tôi sẽ đến và tôi sẽ nói với bọn chúng rằng: “Ta đã lỡ hẹn! Hãy giết ta đi. Hãy thực hiện nguyện ước cuối cùng của ta: cầu cho Fubuki đem cái chết đến cho ta. cầu mong cho cô vặn cổ ta như vặt một cây hạt tiêu. Máu của ta sẽ chảy và sẽ thành tiêu đen. Hãy cầm lấy và ăn đi, bởi vì nó là hạt tiêu của ta được rót ra cho các người, cho vô số người, thứ hạt tiêu của sự liên minh vĩnh hằng mới.

Các ngươi sẽ hắt hơi để tưởng nhớ đến ta.”

Đột nhiên, tôi thấy lạnh. Tôi ôm ghì lấy chiếc máy vi tính song cũng không ấm hơn. Tôi mặc lại quần áo. Nhưng vì răng vẫn va lập cập, tôi nằm dài ra sàn và đổ cả sọt rác phủ lên người. Tôi ngất đi.

Người ta gào vào mặt tôi. Tôi mở mắt và thấy bao nhiêu rác. Tôi nhắm mắt lại.

Tôi rơi vào vực thẳm.

Tôi nghe thấy giọng nói nhẹ nhàng của Fubuki:

- Tôi thừa hiểu cô ta mà. Cô ta lấy rác phủ lên để chúng ta không dám lay cô ta dậy đấy mà. Cô ta làm cho không ai đụng chạm được đến cô ta. Đấy là cách của cô ta mà. Cô ta chẳng có chút sĩ diện nào. Khi tôi bảo cô ta là ngốc thì cô ta trả lời là còn trầm trọng hơn thế, rằng cô ta là một kẻ bị bệnh tâm thần. Lúc nào cô ta cũng phải hạ mình. Cô ta tưởng rằng điều đó khiến cho cô ta được an toàn. Cô ta nhầm rồi.

Tôi muốn giải thích rằng tôi làm vậy để cho khỏi rét nhưng không còn sức để nói. Tôi được sưởi ấm dưới những thứ rác rưởi của Yumimoto. Tôi vẫn còn chưa tỉnh ngủ.

Tôi thò đầu ra khỏi đống rác. Qua lớp giấy lộn nhàu nát, vỏ hộp, tàn thuốc ẩm nước Coca, tôi thấy đồng hồ đã chỉ mười giờ sáng.

Tôi đứng lên. Không ai dám nhìn tôi, trừ mỗi Fubuki lạnh lùng nói:

- Lần sau, nếu cô định giả trang làm kẻ bụi đời thì đừng có làm thế ở công ty. Có nhiều bến tàu điện ngầm để làm việc đó.

Xấu hổ hết mức, tôi cầm lấy chiếc ba lô và chạy vù vào nhà vệ sinh thay quần áo và gội đầu dưới vòi nước. Khi tôi quay lại, một bà tạp vụ đã lau sạch những vết tích điên rồ của tôi.

- Tôi muốn được tự mình dọn dẹp, - tôi ngượng ngùng nói.

- Phải, - Fubuki nhận xét. - Ít ra thì đấy là việc có lẽ cô có khả năng làm.

- Tôi nghĩ cô đang nói tới việc kiểm tra chứng từ. Cô nói phải đấy: nó vượt quá khả năng của tôi. Tôi trịnh trọng báo cáo với cô: tôi xin thôi không làm việc này nữa.

- Cô đã mất bao thời gian với nó rồi cơ mà, - Cô ta ranh mãnh nhận xét.

“Vậy ra là thế, tôi nghĩ. Cô ta muốn phải tự tôi nói ra điều đó. Dĩ nhiên: như vậy sẽ nhục nhã hơn nhiều.”

- Tối nay là hết hạn, - tôi nói tiếp.

- Đưa cho tôi cặp chứng từ.

Trong vòng hai mươi phút, cô ta làm xong hết.

Suốt ngày tôi vật vờ như ma xó. Miệng tôi khô và lúng búng như người uống quá chén. Trên bàn của tôi chất đầy mớ giấy tờ tính toán sai. Tôi vứt bỏ từng xấp một.

Nhìn Fubuki làm việc bên máy vi tính của cô ta, tôi khó ngăn mình khỏi cười. Tôi như thấy lại cảnh mình đêm qua, trần truồng, ngồi trên bàn phím, tay chân quắp lấy chiếc máy. Còn lúc này, người phụ nữ trẻ lại đang đặt những ngón tay của mình lên những phím bấm. Đây là lần đầu tiên tôi để ý tới tin học.

Vài giờ đồng hồ ngủ lơ mơ dưới đống rác không đủ lôi tôi ra khỏi đám bột nhão mà những con số khủng khiếp đã tạo ra trong đầu tôi. Tôi lội bì bõm, tôi tìm kiếm dưới đống hỗn độn xác của những dấu mốc tinh thần. Mặc dầu vậy, tôi đã đang nhấm nháp giây phút nghỉ ngơi kỳ diệu: lần đầu tiên từ suốt bao tuần lễ liên tiếp, tôi không phải bấm lên chiếc máy tính.

Tôi trở về với thế giới không có những con số. Vì có nạn mù chữ, nên chắc chắn phải có nạn mù số thì mới có thể nói về bi kịch riêng của những người giống như tôi.

Tôi trở lại với cuộc sống thường ngày. Nghe có vẻ lạ kỳ nhưng sau cái đêm tôi có hành động điên rồ nọ, thì mọi thứ trở lại bình thường như chưa hề có gì nghiêm trọng xảy ra. Hẳn là không có ai trông thấy tôi trần truồng di chuyển trên hai tay qua các dãy bàn, hay ôm chặt một chiếc máy vi tính tội nghiệp. Nhưng rõ ràng người ta đã nhìn thấy tôi nằm ngủ dưới đống rác. ở các nước khác có thể người ta đã tống khứ tôi ra khỏi cửa vì có hành vi như vậy.

Tuy nhiên, có cách giải thích logic cho sự việc này: những chế độ độc tài lại làm nảy sinh, ở những quốc gia áp dụng chế độ này, những trường hợp xử sự quái đản nhất - Và, cũng chính vì thế mà có một sự rộng lượng tương đối với những trò kỳ quặc đáng kinh ngạc nhất của con người. Người ta không thể biết thế nào là một trò kỳ quặc nếu chưa gặp phải một trò kỳ quặc kiểu Nhật. Tôi đã ngủ dưới đống rác chứ gì? Còn nhiều trò kỳ quái khác. Nhật Bản là một nước hiểu rõ “suy sụp” nghĩa là gì.

Tôi lại bắt đầu tỏ ra mình cũng được việc. Khó có thể diễn tả nổi nỗi thích thú khi pha trà và cà phê: những động tác dễ dàng này không gây khó khăn nào cho bộ não đáng thương của tôi và giúp tôi lấy lại tinh thần.

Tôi lại bắt tay đi chỉnh các tờ lịch một cách hết sức kín đáo. Tôi gắng sức làm ra vẻ bận rộn, bởi tôi quá sợ lại bị người ta bắt dán mắt vào những con số.

Rồi một sự kiện đã xảy ra thật tình cờ: tôi đã gặp Thượng đế. Lão phó chủ tịch đáng ghét, chắc thấy mình chưa đủ phì nên mới gọi tôi mang tới cho lão một cốc bia. Tôi đem cốc bia tới cho lão với vẻ lịch sự chán ngắt. Lúc tôi rời hang ổ của lão béo đi ra thì cánh cửa văn phòng bên cạnh mở ra: tôi chạm trán với ông chủ tịch.

Chúng tôi sửng sốt nhìn nhau, về phía tôi thì dễ hiểu thôi: vì cuối cùng tôi đã có cơ hội được gặp Thượng đế của Yumimoto. Còn về phía ngài chủ tịch thì khó giải thích hơn: chẳng lẽ ông ấy biết tôi tồn tại? Hình như đúng là như vậy vì ông ta thốt lên với một chất giọng vô cùng đẹp và thanh lịch:

- Hẳn cô là Amélie?

Ông cười và chìa tay ra cho tôi. Tôi ngơ ngác đến nỗi không thốt nên lời. ông Haneda khoảng chừng năm mươi tuổi, người cao dong dỏng và khuôn mặt lộ vẻ thanh lịch đặc biệt. Từ ông toát ra một vẻ tạo cho người ta cảm giác ông là một người rất tốt bụng và hài hòa. Ánh mắt ông nhìn tôi tử tế tới mức tôi mất nốt chút bối rối còn lại.

Ông quay đi. Tôi còn lại một mình trong hành lang, không thể nhúc nhích. Vậy ra, ông là chủ tịch của cái nơi tra tấn này, nơi mà mỗi ngày tôi phải chịu đựng những nỗi nhục nhã phi lý, nơi mà ai cũng coi thường tôi. Chẳng nhẽ ông chủ của cái địa ngục trần gian này lại là một con người tuyệt vời, một tâm hồn cao thượng đến vậy sao!

Thật chẳng hiểu nổi. Một công ty nằm dưới sự điều hành của một con người lịch lãm nhường vậy lẽ ra phải là một thiên đường trong trẻo, một không gian tươi vui và dịu dàng. Vậy điều bí ẩn này là gì? Lẽ nào Thượng đế có thể ngự trị cả dưới các tầng Địa ngục?

Tôi vẫn im sững vì sửng sốt khi câu trả lời xuất hiện. Cánh cửa văn phòng của ông Omochi đồ sộ mở ra và tôi nghe thấy giọng của kẻ đáng ghét hét toáng lên với tôi:

- Cô còn đừng ỳ ra đấy làm gì thế hả? Không phải cô ăn lương để đi lang thang trong hành lang đâu nhé!

Mọi sự đã rõ: ở công ty Yumimoto, Thượng đế là ngài chủ tịch, còn lão phó chủ tịch là Quỷ dữ.

Còn Fubuki thì chẳng phải Quỷ dữ cũng chẳng phải Thượng đế: đó là một người phụ nữ Nhật.

Không phải tất cả phụ nữ Nhật đều đẹp. Song khi có ai trong số họ đã đẹp thì những người khác chỉ còn biết phải giữ mình cho tốt.

Mọi sắc đẹp đều có sức mạnh, song vẻ đẹp Nhật còn mạnh hơn nhiều. Trước nhất là bởi làn da trắng như hoa huệ, đôi mắt êm ái, cánh mũi đặc trưng, viền môi như vẽ, nét mềm mại chứa đựng những đường nét phức tạp này đủ sức làm lu mờ những khuôn mặt xinh đẹp nhất.

Tiếp đến là bởi những cách thức biểu lộ của khuôn mặt cách điệu hóa nó và biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật thật khó cảm nhận.

Sau cùng và đặc biệt là bởi đó là một vẻ đẹp đã chống cự được với biết bao những ràng buộc về tâm thể, với biết bao những gò ép, đè nén, cấm đoán phi lý, giáo lý, ép buộc, hủy hoại, tàn ác, câm nín và nhục nhã - cho nên, một sắc đẹp nhường vậy hẳn phải là một điều kỳ diệu của chủ nghĩa anh hùng.

Không phải phụ nữ Nhật là nạn nhân, còn lâu mới có thể nói tới chuyện đó. Trong số phụ nữ trên hành tinh, thì phụ nữ Nhật thực sự không phải là người kém may mắn nhất. Quyền lực của họ cũng đáng kể đấy: tôi đã ở đúng chỗ để biết được điều đó.

Không: nếu phải hâm mộ phụ nữ Nhật - Và cần phải như thế thì đó là bởi vì họ không tự vẫn. Người ta đã ngấm ngầm chống lại ý định ấy của họ ngay từ thời thơ ấu non nớt nhất. Người ta đã nhồi nhét vào đầu họ biết bao khuôn phép: “Nếu hai mươi lăm tuổi mà con không lấy chồng thì thật đáng xấu hổ”, “Nếu con cười thì người ta không tôn trọng con đâu”, “Nếu con biểu lộ tình cảm qua nét mặt thì thật tầm thường”, “Nếu con để lộ dù chỉ một cái lông trên cơ thể thì con là kẻ bẩn thỉu”, “Nếu một đứa con trai thơm lên má con trước mặt mọi người thì con là một con đĩ”, “Nếu con ăn uống với vẻ thích thú thì con chẳng khác gì con lợn nái”, “Nếu con thích ngủ thì con chẳng khác gì con bò cái”, v.v. Những lời răn dạy này sẽ chỉ mang tính giai thoại nếu như chúng không bị ăn sâu vào đầu óc.

Bởi vì, cuối cùng, hậu quả của những thứ giáo điều thô thiển này là người phụ nữ Nhật không dám hy vọng vào bất cứ điều gì tốt đẹp. Đừng có mong vui thú, vì niềm thích thú của bạn sẽ hủy diệt bạn. Đừng có mong yêu đương, vì điều đó không đáng đâu: những người yêu bạn sẽ yêu bạn bởi mộng ảo tưởng về bạn, chứ không đời nào yêu bạn vì những điều bạn thực có. Đừng hy vọng rằng cuộc đời mang lại cho bạn dù bất kể điều gì, bởi vì mỗi năm trôi qua sẽ tước đi của bạn một điều gì đó. Đừng hy vọng ngay cả tới một điều đơn giản như sự yên tĩnh, bởi vì bạn chẳng có lý do gì để mà yên tĩnh.

Hãy mong ước được làm việc. Vì bạn là nữ, nên sẽ có ít cơ may bạn được học hành nhiều, nhưng hãy hy vọng được phục vụ công ty của bạn. Làm việc sẽ giúp bạn kiếm được tiền, dù chẳng vui vẻ gì, nhưng ít ra nó giúp bạn có giá khi đi lấy chồng chẳng hạn - bởi vì bạn cũng không ngốc tới mức đòi hỏi việc người ta muốn có bạn vì giá trị thực chất của bạn.

Ngoài ra, bạn có thể hy vọng sống thọ, tuy rằng điều này chẳng đem lại lợi lộc gì, và đừng có làm điều gì đáng xấu hổ, vì đó mới là điều quan trọng nhất. Đến đây là kết thúc danh sách những mong ước chính đáng của bạn.

thích thú khi bạn đi trong phố mọi người ngoảnh lại nhìn dáng người của bạn - họ sẽ chẳng làm vậy đâu - mà bởi vì tròn trịa là điều đáng xấu hổ.

Bạn có bổn phận phải xinh đẹp. Nếu bạn đạt được điều này thì vẻ đẹp của bạn cũng chẳng đáng đề bạn thích thú. Những lời khen duy nhất mà bạn sẽ nhận được là lời khen của người phương Tây, mà chúng ta đều biết những lời khen này chẳng đúng gu chút nào. Nếu bạn nhìn ngắm vẻ duyên dáng riêng của mình trong gương thì hãy sợ hãi chứ đừng thích thú, bởi vì vẻ đẹp của bạn sẽ chẳng mang lại cho bạn điều gì ngoài nỗi sợ bạn sẽ mất nó. Nếu bạn là một cô gái đẹp, bạn không có gì ghê gớm; nếu bạn không phải là cô gái đẹp, bạn sẽ chẳng là gì hết.

Bạn có bổn phận phải lấy chồng, tốt nhất là trước hai mươi lăm tuổi, đó là hạn sử dụng của bạn. Chồng bạn sẽ không mang lại cho bạn tình yêu đâu, trừ phi đó là một kẻ ngốc, và hẳn là chẳng sung sướng gì khi được một kẻ ngốc yêu mình. Dù sao chăng nữa, cho dù bạn yêu anh ta hay không thì bạn cũng chẳng mấy khi gặp được anh ta. Vào hai giờ sáng, một người đàn ông mệt lử và thường là say khướt sẽ về với bạn rồi đổ sập lên chiếc giường vợ chồng, và đến sáu giờ sáng anh ta sẽ rời chiếc giường mà chẳng nói với bạn lấy một lời.

Bạn có bổn phận phải sinh con, và bạn phải đối xử với chúng như với ông hoàng bà chúa cho tới khi chúng được ba tuổi. Đến lúc đó, bạn sẽ lôi bật chúng ra khỏi thiên đường, để đăng ký cho chúng vào quân ngũ. Việc này sẽ kéo dài từ ba tuổi tới mười tám tuổi rồi từ hai mươi lăm tuổi cho đến chết. Bạn bắt buộc phải cho ra đời những đứa con, và chúng sẽ ngày càng thấy bất hạnh, bởi ba năm đầu đời đã quá sung sướng.

Bạn có thấy điều đó là khủng khiếp không? Bạn không phải là người đầu tiên nghĩ thế. Những người đồng cảnh với bạn đã nghĩ tới điều này từ năm 1960 cơ. Bạn thấy rõ là việc đó cũng chẳng để làm gì. Nhiều người trong số họ đã nổi loạn và có thể bạn cũng sẽ nổi loạn trong giai đoạn tự do duy nhất của cuộc đời bạn, tức là giữa năm mười tám và hai lăm tuổi. Song, vào tuổi hai lăm, bạn sẽ chợt nhận ra rằng bạn chưa có chồng và bạn sẽ xấu hổ. Bạn sẽ bỏ cách ăn mặc kỳ quặc để chọn những bộ đồ đoan trang, xỏ đôi tất trắng và đi những đôi guốc lố bịch. Bạn sẽ từ bỏ mái tóc thẳng mượt mà để thay vào đó là kiểu tóc uốn khó nhìn và bạn sẽ thở phào nếu có ai đó - ông chồng hay ông chủ - muốn bạn.

Trong trường hợp khó xảy ra là bạn sẽ có một cuộc hôn nhân vì tình yêu, thì bạn còn bất hạnh hơn nữa, bởi vì bạn sẽ thấy chồng bạn phải chịu đau khổ. Tốt hơn hết là bạn đừng yêu anh ta: điều đó sẽ cho phép bạn dửng dưng với việc anh ta thấy tuyệt vọng, bởi anh ta vẫn còn có hy vọng. Ví dụ như người ta để cho anh ta nuôi hy vọng là được một người phụ nữ yêu. Song anh ta sẽ nhanh chóng nhận ra là bạn không yêu anh ta. Làm sao bạn có thể yêu một người khi tim mình khô cứng? Người ta đã áp đặt cho bạn quá nhiều tính toán nên bạn không thể yêu. Nếu bạn yêu ai đó, thì đó là bởi tại người ta đã giáo dục bạn không tốt. Những ngày trăng mật đầu tiên, bạn sẽ vờ vĩnh đủ mọi thứ. Phải thừa nhận rằng không có một người phụ nữ nào giả vờ giỏi hơn bạn.

Nghĩa vụ của bạn là phải hy sinh vì người khác. Tuy nhiên, đừng tưởng rằng hy sinh của bạn sẽ khiến những người được hưởng sự hy sinh ấy sung sướng. Điều đó sẽ chỉ làm cho họ không xấu hổ vì bạn thôi. Bạn chẳng có một cơ may nào được sung sướng hay làm cho người khác sung sướng.

Và nếu nhờ điều kỳ diệu, số phận bạn thoát được một trong những điều quy định này, thì đặc biệt chớ có suy ra là bạn đã chiến thắng: hãy nghĩ rằng bạn đã lầm. Vả lại, bạn cũng sẽ nhanh chóng nhận ra điều đó thôi, bởi ảo tưởng về chiến thắng của bạn chỉ là tạm thời. Và đừng có tỏ ra thích thú với khoảnh khắc đó: hãy để lỗi tính nhầm này cho người phương Tây. Khoảnh khắc chẳng có ý nghĩa gì, và cuộc đời bạn chẳng đáng là gì. Dưới mười nghìn năm thì chẳng có khoảng thời gian nào đáng kể.

Nếu điều đó có thể an ủi bạn, thì chẳng có ai coi bạn là kém thông minh hơn đàn ông. Bạn tỏa sáng, điều này đập vào mắt tất cả mọi người, kể cả những người coi thường bạn nhất. Tuy nhiên, phải suy ngẫm kỹ về chuyện này, bạn có thấy điều đó là niềm an ủi lớn không? Chí ít, nếu người ta nghĩ bạn thấp kém, thì địa ngục của bạn là điều giải thích được và bạn có thể ra khỏi đó bằng cách chỉ ra điều tuyệt vời trong trí não của bạn, hợp với những định kiến logic. Nhưng nếu người ta biết trình độ của bạn ngang bằng, thậm chí cao hơn, thì sự đau khổ của bạn là phi lý, điều này có nghĩa là không còn đường nào để chối bỏ nó.

Có đấy, có một con đường. Một con đường duy nhất nhưng bạn có toàn quyền lựa chọn, trừ phi bạn ngu ngốc quy theo đạo Thiên Chúa: bạn có quyền tự vẫn. ở Nhật Bản, chúng ta biết rằng tự vẫn là một hành động danh dự lớn lao. Nhưng chớ tưởng rằng thế giới bên kia là một trong những thiên đường vui sướng theo mô tả của những người phương Tây dễ tính. Bên kia cũng chẳng có gì hay ho hơn. Để bù lại, hãy nghĩ tới điều đáng nghĩ: thanh danh của bạn sau khi chết. Nếu bạn tự vẫn thì bạn sẽ rất nổi danh và người thân của bạn sẽ tự hào. Bạn sẽ có một chỗ hảo hạng trong hầm mộ gia đình: đó là ước vọng lớn nhất mà một con người có thể nuôi dưỡng.

Chắc chắn, bạn có thể không tự vẫn. Nhưng như vậy thì dù sớm hay muộn, bạn cũng sẽ không chịu đựng nổi và bạn sẽ sa vào một thứ ô danh nào đó: bạn sẽ có tình nhân, hoặc sẽ ăn uống vô độ, hoặc sẽ trở nên lười nhác - hãy đi tìm hiểu xem. Ta đã quan sát và thấy rằng con người nói chung, và phụ nữ nói riêng, khó sống lâu mà không sa ngã vào một trong những tật liên quan đến thú vui xác thịt. Nếu ta dè chừng với thú vui này, thì không phải bởi chủ nghĩa Thanh giáo: ta đâu có bị ảnh hưởng bởi nỗi ám ảnh kiểu Mỹ ấy.

Thực tế, tốt hơn hết là nên tránh mọi trạng thái gây thích thú, vì nó sẽ làm đổ mồ hôi. Mà không có gì xấu hổ hơn là việc ra mồ hôi. Nếu bạn nhồm nhoàm ăn bát mì nóng hổi, nếu bạn phó mặc cho cơn dục tình, nếu mùa đông mà bạn gà gật bên lò sưởi, bạn sẽ ra mồ hôi. Và tất thảy mọi người sẽ cho rằng bạn là kẻ dung tục.

Bạn chớ do dự giữa hành động tự vẫn và việc ra mồ hôi. Đổ máu đáng ngưỡng mộ bao nhiêu thì đổ mồ hôi lại hổ danh bấy nhiêu. Nếu bạn tự tìm đến cái chết, thì bạn sẽ chẳng bao giờ bị ra mồ hôi nữa và nỗi sợ hãi của bạn sẽ mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng.

Chú thích:

(1) Một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, bị các thần phạt phải vần một tảng đá lên đỉnh đồi, nhưng mỗi lần gần đến đích, tảng đá lại lăn xuống. Đây là một hình phạt khủng khiếp vì nó vô ích và vô vọng.

(2) Tổng trấn xứ Judée của La Mã, người đã giao Chúa Jesus cho các thẩm phán tôn giáo xét xử.