Suối Nguồn

Chương XIV

Lucius N. Heyer bướng bỉnh không chịu chết. Ông đã hồi phục lại sau cơn đột quỵ và trở lại văn phòng, phớt lờ sự phản đối của bác sĩ cũng như sự lo lắng của Guy Francon. Francon đề nghị mua lại cổ phần của ông ở hãng. Heyer đã từ chối. Đôi mắt xanh xao đầy nước của ông nhìn chằm chằm vào khoảng không vô định. Cứ hai hay ba ngày ông lại đến văn phòng một lần. Ông đọc những thư từ để lại trong rổ thư của ông theo thói quen. Ông ngồi ở bàn làm việc và vẽ những bông hoa lên một một tập giấy trắng, sau đó ông trở về nhà. Ông đi, chậm chạp lê đôi bàn chân; ông giữ hai khuỷu tay ép chặt vào hai bên sườn và những cẳng tay vung về phía trước, những ngón tay quặp lại nửa chừng, giống như những móng vuốt; những ngón tay run run; ông không thể sử dụng bàn tay trái của mình nữa. Ông sẽ không nghỉ hưu. Ông thích được nhìn thấy tên mình trên những đồ văn phòng phẩm của hãng.

Ông lờ mờ tự hỏi tại sao ông không còn được giới thiệu cho những khách hàng lớn, tại sao ông không được thấy phác thảo những công trình mới, cho đến khi chúng đã được xây đến một nửa. Nếu như ông nói ra những điều này, Francon lại phản đối: “Nhưng mà Lucius, tôi không thể nghĩ đến việc làm phiền ông trong tình trạng như thế này. Nếu là người khác thì hẳn đã nghỉ hưu, nghỉ lâu rồi.”

Francon làm ông hơi hoang mang. Peter Keating thì đổi thái độ với ông. Keating hầu như không thèm chào ông khi họ gặp nhau, và rồi như là nghĩ lại, Keating lại bỏ đi giữa lúc đang nói dở câu chào. Khi Heyer đưa yêu cầu cho một trong những kiến trúc sư, nó không được tiến hành ngay và người kiến trúc thông báo với ông là lệnh đó đã bị Keating hủy bỏ. Heyer không thể hiểu điều đó; ông luôn nhớ Keating là một chàng trai rụt rè, người đã nói chuyện với ông thật vui vẻ về gốm cổ. Đầu tiên ông bỏ qua cho Keating; sau đó ông cố gắng xoa dịu anh, một cách khúm núm và vụng về; rồi ông bắt đầu hình thành một nỗi sợ vô cớ với Keating. Ông than phiền với Francon. Ông nói một cách nóng nảy, cố giữ một giọng uy quyền mà ông chưa bao giờ thực sự được thực hành: “Anh chàng đó của ông, Guy ạ, tay Keating ấy, anh ta đang trở nên quá đáng rồi đấy. Anh ta láo với tôi. Ông nên đuổi anh ta đi.”

“Giờ thì ông thấy đấy, Lucius,” Francon trả lời khô khan, “vì sao tôi nói là ông nên nghỉ hưu. Ông đang làm thần kinh mình căng thẳng quá mức và ông đang bắt đầu tưởng tượng ra mọi thứ rồi.”

Vào lúc đó, cuộc thi thầu cho tòa nhà Cosmo-Slotnick xảy ra.

Hãng phim Cosmo-Slotnick ở Hollywood, California, đã quyết định xây dựng một trụ sở tráng lệ ở New York, một tòa nhà trọc trời sẽ chứa một rạp chiếu phim và 40 tầng làm văn phòng. Một cuộc thi toàn thế giới để chọn ra kiến trúc sư cho tòa nhà đã được thông báo trước một năm. Người ta nói rằng Cosmo-Slotnick không chỉ là những người đi đầu trong nghệ thuật phim ảnh, mà còn ôm trọn tất cả các nghệ thuật khác, vì tất cả các nghệ thuật đều có mặt trong điện ảnh; và kiến trúc là nhánh thẩm mỹ đồ sộ, dù thường bị bỏ quên. Cosmo-Slotnick đã sẵn sàng đưa kiến trúc lên bản đồ.

Cùng với tin mới nhất về việc chọn diễn viên cho phim Tôi sẽ nhận một thủy thủ và việc khởi quay Những người vợ để bán là những câu chuyện về đền Parthenon và điện Pantheon[61]. Người ta chụp ảnh diễn viên Sally O’Dawn đứng trên những bậc thang của nhà thờ lớn Rheims – trong một bộ áo tắm, và tài tử Pratt Purcell đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng anh ra đã luôn mơ ước được là một nhà kiến trúc tài ba, nếu anh không phải là một ngôi sao điện ảnh. Trong một bài báo của mình, cô Dimples Williams đã trích lại lời của Ralston Holcombe, Guy Francon và Gordon L. Prescott về tương lai của kiến trúc Hoa Kỳ; còn ở một cuộc phỏng vấn giả tưởng khác, người ta đã dẫn trích ý kiến Ngài Christopher Wren về phim ảnh. Những tờ phụ trương Chủ nhật đăng những tấm ảnh các ngôi sao đang lên của Cosmo-Slotnick mặc quần soóc, áo len, tay cầm những cái êke và thước trượt, đứng trước những tấm bản vẽ có tiêu đề: Tòa nhà Cosmo-Slotnick phía bên trên một dấu chấm hỏi.

Cuộc thi được mở cho tất cả các kiến trúc sư của tất cả các nước; tòa nhà sẽ mọc lên trên đường Broadway và sẽ tốn mười triệu đô la; nó sẽ là biểu tượng cho sức mạnh của công nghệ hiện đại và tinh thần của người Mỹ; nó được tuyên bố trước rằng nó sẽ là “tòa nhà đẹp nhất thế giới.” Ban giám khảo của giải thưởng bao gồm ông Shupe, đại diện cho Cosmo; ông Slotnick, đại diện cho Slotnick; giáo sư Peterkin của Học viện công nghệ Santon; thị trưởng thành phố New York; ông Ralston Holcombe, chủ tịch Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ; và ông Ellsworth M. Toohey.

Francon hào hứng nói với Keating: “Làm đi, Peter. Hãy làm hết sức mình. Hãy cho tôi thấy tất cả khả năng của cậu. Đây là cơ hội lớn dành cho cậu đấy. Nếu thắng cuộc, cậu sẽ được cả thế giới này biết đến. Và chúng ta sẽ làm thế này: chúng ta sẽ đề tên cậu vào hồ sơ thi, cùng với tên công ty. Nếu chúng ta thắng, cậu sẽ nhận được một phần năm giá trị giải thưởng. Cậu biết rồi đấy, giải nhất là 60.000 đô la.”

Keating đáp, vẻ thận trọng: “Nhưng Heyer sẽ phản đối.”

“Mặc kệ cho ông ta phản đối. Đó là lý do tại sao tôi làm như vậy. Ông ta có thể sẽ nhận ra được điều thích hợp mà ông ta nên làm. Và tôi... cậu biết tôi cảm thấy thế nào rồi đấy Peter. Tôi đã coi cậu như đồng sự của tôi. Tôi nợ cậu cái đó. Cậu xứng đáng có nó. Đây có thể là chìa khóa giúp cậu có được nó.”

Keating vẽ đi vẽ lại lại đồ án của mình đến năm lần. Anh ghét nó. Anh ghét mọi thanh rầm của tòa nhà trước khi nó được sinh ra. Anh vẽ, hai bàn tay run lên. Anh không nghĩ đến bản vẽ dưới tay mình. Anh nghĩ về những đối thủ khác, về người sẽ chiến thắng và được tuyên bố trước công chúng là tài giỏi hơn anh. Anh thắc mắc không hiểu cái người đó đang làm gì, anh ta sẽ làm thế nào để giải quyết vấn đề và vượt được anh. Anh phải đánh bại hắn ta; chẳng có gì khác là có ý nghĩa nữa; chẳng có Peter Keating nào cả, chỉ có một cái phễu hút, giống như một loài cây nhiệt đới anh đã nghe kể, một thứ cây chuyên hút côn trùng vào trong cái phễu của nó, hút chúng đến khô kiệt và nhờ thế mà nuôi sống mình.

Anh chẳng cảm thấy gì ngoài sự bất ổn to lớn khi những bản vẽ của anh đã sẵn sàng; khi mà hình phối cảnh tinh tế của một dinh thự làm bằng cẩm thạch trắng đã được vẽ xong gọn ghẽ, nằm trước mặt anh. Nó trông như một cung điện Phục hưng làm bằng cao su và được kéo dài lên tới độ cao 40 tầng. Anh đã chọn phong cách Phục hưng vì anh biết một luật bất thành văn rằng tất cả các ban giám khảo kiến trúc đều thích các hàng cột, và vì anh nhớ Ralston Holcombe ở trong ban giám khảo. Anh đã vay mượn từ tất cả các cung điện kiểu Ý mà Holcombe yêu thích. Trông nó đẹp... có thể là nó đẹp... anh không chắc. Anh không có ai để hỏi.

Anh nghe thấy những lời đó trong óc mình và anh cảm thấy một cơn tức giận mù quáng. Anh cảm thấy cơn tức trước khi anh biết được lý do, nhưng anh cũng gần như lập tức biết cái lý do: có một người anh có thể hỏi được. Anh không muốn nghĩ đến cái tên đó; anh sẽ không đến chỗ anh ta; nỗi tức giận bốc lên trên mặt anh và anh cảm thấy những mảng thịt căng và nóng bừng dưới mắt mình. Anh biết là anh sẽ đến.

Anh gạt bỏ ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc. Anh không đi đâu hết cả. Rồi khi thời điểm đó đến, anh lại vội vã bỏ những bản vẽ vào một chiếc cặp tài liệu rồi đi tới văn phòng của Roark.

Anh thấy Roark đang ngồi một mình, bên chiếc bàn làm việc trong một căn phòng lớn không có dấu hiệu của sự hoạt động.

Anh cất tiếng vui vẻ: “Chào Howard. Cậu khỏe không? Tôi không làm gián đoạn việc gì đấy chứ?”

“Chào Peter,” – Roark đáp “anh không làm gián đoạn cái gì cả.”

“Cậu không quá bận, đúng không?”

“Không.”

“Không phiền nếu tôi ngồi xuống vài phút chứ?”

“Ngồi đi.”

“Chà, Howard, cậu đang làm việc rất tốt đấy. Tôi đã nhìn thấy cửa hàng Fargo. Rất tuyệt. Chúc mừng cậu.”

“Cảm ơn anh.”

“Cậu vẫn đang tiến lên đều, nhỉ? Ba công trình rồi phải không?”

“Bốn.”

“À phải, bốn, tất nhiên rồi, bốn. Khá đấy. Nghe nói cậu có gặp trục trặc với nhà Sanborn.”

“Tôi có.”

“Cậu biết đấy, không phải luôn thuận buồm xuôi gió, không phải luôn thế, cậu biết mà. Có công trình nào mới chưa? Không có gì sao?”

“Không. Không có gì.”

“Rồi sẽ có thôi. Tôi đã luôn nói là kiến trúc sư không cần phải đi cắt cổ nhau, có rất nhiều việc cho tất cả chúng ta. Chúng ta phải xây dựng một tinh thần đoàn kết và hợp tác trong công việc. Ví dụ như, tham dự vào cuộc thi đó, cậu đã gửi phiếu dự thi chưa?”

“Cuộc thi nào?”

“Trời, thì cuộc thi đó. Cuộc thi Cosmo-Slotnick ấy.”

“Tôi sẽ không gửi phiếu thi.”

“Cậu... không? Hoàn toàn không?”

“Không.”

“Tại sao?”

“Tôi không tham dự những cuộc thi.”

“Vì Chúa, tại sao chứ?”

“Thôi nào, Peter. Anh không đến đây để tranh luận với tôi về vấn đề này.”

“Thực ra, tôi nghĩ là tôi nên cho cậu xem hồ sơ dự thi của tôi, cậu biết là tôi không yêu cầu cậu giúp đỡ, tôi chỉ muốn biết ý kiến của cậu, chỉ là ý kiến chung chung thôi.”

Anh vội vã mở tập tài liệu.

Roark xem xét bản vẽ. Keating hỏi giật giọng: “Sao? Ổn chứ?”

“Không. Nó thật kinh tởm. Và anh cũng biết thế.”

Tiếp đó, suốt mấy tiếng đồng hồ, trong khi Keating ngồi xem, khi bầu trời tối dần và những ánh đèn sáng lên trong những cửa sổ của thành phố thì Roark nói, giải thích, vạch những đường nét qua khắp bản vẽ, tháo gỡ cái mê cung những lối ra của nhà hát, bóc tách những tiền sảnh, phá bỏ những mái vòm vô tác dụng, uốn thẳng lại những cầu thang. Một lần Keating lắp bắp: “Chúa ơi, Howard, tại sao cậu không tham gia cuộc thi, nếu cậu làm được thế này?” Roark trả lời: “Bởi vì tôi không thể. Tôi không thể, kể cả nếu tôi thử. Tôi sẽ cạn kiệt. Tôi sẽ trống rỗng. Tôi không thể cho họ cái mà họ muốn. Nhưng tôi có thể gỡ được mớ bòng bong chết tiệt của người khác khi tôi thấy nó.”

Khi Roark đặt bản vẽ sang một bên thì trời đã sáng. Keating thì thầm:

“Thế còn mặt đứng thì sao?”

“Ôi, mặc kệ cái mặt đứng của anh! Tôi không muốn nhìn vào những cái mặt đứng kiểu Phục hưng của anh nữa.” Nhưng anh vẫn nhìn. Anh không thể ngăn bàn tay mình vạch những đường nét ngang qua bản phối cảnh. “Được rồi, quỷ tha ma bắt anh, hãy cho họ kiểu Phục hưng đẹp nếu anh cứ buộc phải làm thế và nếu có một cái gọi là Phục hưng đẹp. Chỉ có điều tôi không thể làm nó cho anh. Hãy tự làm lấy. Một cái gì đó giống như thế này. Đơn giản hơn. Peter ạ, đơn giản hơn, trực tiếp hơn, cố mà làm ra cái trung thực nhất từ cái thứ giả dối ấy. Giờ thì về đi và cố gắng tìm ra cái gì đó dựa trên cái này.”

Keating trở về nhà. Anh ta sao chép các sơ đồ mặt bằng của Roark. Anh dựa vào bản vẽ qua loa của Roark về mặt đứng để tạo ra một phối cảnh hoàn chỉnh. Sau đó, bản thiết kế được gửi đi, trên phong bì trịnh trọng ghi địa chỉ:

“Cuộc thi Tòa nhà đẹp nhất thế giới

Hãng phim Cosmo-Slotnick

Thành phố New York.”

Trên phong bì, gửi kèm phiếu dự thi, đề tên: “Francon & Heyer – kiến trúc sư, Peter Keating – cộng tác thiết kế.”

*

* *

Suốt những tháng mùa đông năm đó, Roark không nhận được một cơ hội nào khác – không một lời đề nghị, không một triển vọng nhận công trình. Anh ngồi ở bàn làm việc và đôi lúc quên mất phải bật đèn lúc bắt đầu hoàng hôn. Như thể sự bất động nặng nề của những giờ đồng hồ đã trôi qua văn phòng, của những cánh cửa văn phòng, của không khí trong đó đang bắt đầu ngấm dần vào cơ thể anh. Anh thường phải đứng lên, ném một cuốn sách vào tường để có cảm giác cánh tay mình đang vận động, để nghe thấy tiếng đập. Anh mỉm cười, thấy buồn cười, nhặt cuốn sách lên rồi đặt ngay ngắn trên bàn làm việc. Anh bật chiếc đèn bàn. Rồi anh dừng lại trước khi rút tay mình khỏi quầng sáng dưới ngọn đèn bàn; anh nhìn vào hai bàn tay mình; anh chậm chạp duỗi từng ngón tay. Rồi anh nhớ ra điều Cameron nói với anh cách đây đã lâu. Anh giật hai bàn tay lại, anh với lấy áo khoác, tắt đèn, khóa cửa và trở về nhà.

Khi mùa xuân đến, anh biết rằng số tiền của mình chẳng bao lâu nữa sẽ hết. Anh trả tiền thuê văn phòng ngay ngày đầu mỗi tháng. Anh muốn có cái cảm giác trong 30 ngày tới, anh sẽ vẫn làm chủ văn phòng. Anh đến văn phòng một cách bình tĩnh vào mỗi buổi sáng. Anh chỉ nhận thấy là mình không muốn nhìn vào tờ lịch mỗi khi trời tối. Anh biết lại thêm một ngày nữa trong chuỗi thời gian 30 ngày đã trôi qua. Khi nhận ra điều này, anh bắt mình phải nhìn vào tờ lịch. Đây là một cuộc đua anh đang trải qua, cuộc đua giữa một bên là tiền thuê văn phòng và một bên là... anh cũng không biết đối thủ còn lại là gì nữa. Đó có thể là bất cứ người nào anh đi ngang qua trên đường.

Mỗi khi anh đi lên văn phòng, những người điều khiển thang máy đều nhìn anh với một vẻ kỳ quặc, biếng nhác, tò mò; khi anh nói, họ trả lời, không xấc xược nhưng lè nhè – cái giọng nói như muốn bảo rằng nó sắp trở nên xấc xược. Họ không biết anh đang làm gì và tại sao; họ chỉ biết anh là người mà chẳng có bất cứ một khách hàng nào lui tới. Anh tham dự một vài buổi tiệc tùng do Heller thỉnh thoảng lại tổ chức – chỉ vì Austen Heller mời anh đến. Khách khứa hỏi anh: “Ồ, anh là một kiến trúc sư à? Thứ lỗi cho tôi, tôi không bắt kịp những tin tức về kiến trúc, thế anh đã xây dựng được những công trình nào?” Khi anh trả lời, họ nói: “À, vâng, thế đấy”; và anh nhận thấy bộ dạng lịch sự cố ý của họ nói với anh rằng anh chỉ là một kiến trúc sư giả định. Họ chưa bao giờ trông thấy những công trình của anh, họ cũng không biết được những công trình ấy đẹp hay chỉ là những thứ vô giá trị. Họ chỉ biết là họ chưa từng nghe nói đến chúng.

Đó là một cuộc chiến mà anh được mời đến để chẳng chiến đấu với cái gì; tuy thế, anh cứ bị đẩy lên phía trước để chiến đấu, anh phải chiến đấu, anh không có lựa chọn nào khác, và cũng không có đối thủ.

Anh đi ngang qua những công trình đang thi công. Anh dừng lại để quan sát những bộ khung thép. Đôi khi anh tưởng như những thanh rầm và xà đang tự xếp lại, không phải để thành một tòa nhà mà thành một chiến lũy để cản đường anh; và cái khoảng cách mấy bước chân ngăn giữa anh với hàng rào bằng gỗ bao quanh công trình là những bước anh không bao giờ có thể cất lên được. Đó là nỗi đau, nhưng là một nỗi đau không có tính xuyên thấu, không ngấm vào người. Nó có thật – anh tự nói với mình; và rồi cơ thể anh trả lời “nó không có thật” – sự khỏe mạnh hiển nhiên và bất khả xâm phạm của cơ thể anh trả lời.

Cửa hàng Fargo đã mở cửa. Nhưng chỉ một công trình thì không thể cứu được cả một khu phố; những đối thủ cạnh tranh của Fargo đã đúng; sóng đã đổi chiều, chúng đang tiến về phía bắc thành phố, những khách hàng của ông đang rời bỏ ông. Người ta bình phẩm công khai về sự xuống dốc của John Fargo, người đã đạt đến đỉnh cao về khả năng suy xét kinh doanh kém cỏi khi đầu tư vào một kiểu nhà vô lý; người ta nói đây là một minh chứng, rằng công chúng sẽ không chấp nhận những đổi mới về mặt kiến trúc như vậy. Người ta không đả động đến việc đây là cửa hàng sạch sẽ và sáng sủa nhất trong thành phố; rằng thiết kế mặt bằng của nó khiến cho hoạt động của nó được dễ dàng hơn bao giờ hết; rằng khu xung quanh vốn đã xuống dốc trước khi nó được xây dựng. Người ta chỉ biết mang nó ra mà đổ lỗi.

Athelstan Beasely, một người hài hước trong ngành kiến trúc, một anh hề của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ, người dường như chưa hề xây dựng bất cứ công trình nào nhưng lại tổ chức tất cả những buổi khiêu vũ từ thiện, đã viết trong cột báo có tên Những lời soi và những đường xoi[62] đăng trên bản tin của Hiệp hội Kiến trúc sư Hoa Kỳ: “Hỡi những cô bé cậu bé, đây là một câu chuyện cổ tích với một bài học răn đe: dường như ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé với mái tóc màu bí ngô Halloween; cậu ta luôn cho rằng cậu ta xuất sắc hơn tất cả các cô cậu, những cô bé, cậu bé bình thường. Vì vậy để chứng minh điều này, cậu ấy đã xây nên một ngôi nhà, một ngôi nhà rất đẹp, ngoại trừ một điều là chẳng ai sống được trong đó, và một cửa hàng, một cửa hàng rất đáng yêu, ngoại trừ một điều là nó bị phá sản. Cậu cũng đã xây dựng một công trình nổi bật: một chiếc xe ngựa hai bánh đi được trên một con đường ngập bùn. Người ta kể lại là công trình cuối cùng này đang được tiến hành rất thuận lợi và có lẽ đây là lĩnh vực phù hợp với cậu bé này.”

Cuối tháng ba, Roark đọc được trên các báo về Roger Enright. Roger Enright sở hữu hàng triệu đô la, một hãng dầu mỏ và không hề biết thế nào là giới hạn. Điều này khiến tên ông thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Ông tạo nên một sự kính sợ nửa ngưỡng mộ, nửa giễu cợt bởi vì ông thực hiện những phi vụ bất ngờ và hoàn toàn khác xa nhau về tính chất. Vụ mới nhất là một dự án phát triển dân cư mới – một tòa nhà chung cư, với mỗi căn hộ hoàn chỉnh và được tách ra như một nhà riêng, đắt tiền. Nó được biết với cái tên tòa nhà Enright. Enright đã tuyên bố rằng ông không muốn nó trông giống bất kỳ thứ gì ở bất kỳ nơi nào khác. Ông đã tiếp cận và từ chối một vài trong số những kiến trúc sư tài giỏi nhất thành phố.

Roark có cảm giác bài báo giống như một lời mời cá nhân; một cơ hội được tạo ra cho riêng anh. Lần đầu tiên, anh nỗ lực theo đuổi một công trình. Anh đề nghị một cuộc phỏng vấn với Roger Enright. Anh được một cuộc phỏng vấn với một thư ký. Người thư ký, một người đàn ông trẻ tuổi, trông buồn chán, hỏi anh vài câu hỏi về kinh nghiệm của anh; anh ta hỏi chúng rất chậm chạp, như thể những câu trả lời dù gì đi nữa sẽ không có gì khác biệt; anh ta liếc nhìn vài tấm ảnh về những tòa nhà mà Roark thiết kế, và tuyên bố là ông Enright sẽ không quan tâm.

Trong tuần đầu tiên của tháng Tư, khi Roark trả khoản tiền thuê văn phòng cuối cùng cho thêm một tháng nữa thì anh nhận được yêu cầu nộp bản vẽ thiết kế cho tòa nhà mới của Ngân hàng Manhattan. Người yêu cầu anh là ngài Weidler, thành viên ban giám đốc và là một người bạn của chàng trai trẻ Richard Sanborn. Weidler nói với anh: “Anh Roark, tôi phải tranh đấu quyết liệt, nhưng tôi tin là mình đã thắng. Tôi đã đích thân đưa họ đi thăm ngôi nhà Sanborn, tôi và Dick đã giải thích một số thứ. Tuy nhiên, ban giám đốc cần xem thiết kế trước khi đưa ra quyết định. Vì vậy, việc này chưa chắc chắn lắm, tôi phải nói thẳng với anh như vậy, nhưng cũng hầu như là chắc chắn. Họ đã từ chối hai kiến trúc sư khác. Họ rất quan tâm đến anh. Anh làm đi. Chúc anh may mắn.”

Bệnh của Henry Cameron tái phát và bác sĩ cảnh báo với em gái ông rằng ông không có hy vọng hồi phục. Bà không tin điều đó. Bà cảm thấy có chút hy vọng, bởi bà nhìn thấy rằng Cameron, đang nằm bất động trên giường, nhưng trông thật thanh thản và – gần như là hạnh phúc, một từ mà bà chưa bao giờ thấy có thể dùng cho anh trai bà.

Nhưng một buổi tối, bà sợ hãi khi Cameron đột nhiên nói: “Hãy gọi Howard. Bảo cậu ta đến đây.” Trong ba năm kể từ khi nghỉ hưu, ông chưa lần nào gọi cho Howard, ông chỉ chờ Roark đến thăm mình.

Roark đến chỗ Cameron một giờ sau đó. Anh ngồi bên giường Cameron, và Cameron lại nói chuyện với anh như thường lệ. Ông không đả động gì đến lời mời đặc biệt này và cũng không giải thích. Trời đêm ấm áp, cửa sổ phòng ngủ của Cameron vẫn mở ra khu vườn tối. Khi ông nhận thấy, trong khoảng dừng giữa những câu nói, sự tĩnh lặng của cây cối bên ngoài, sự tĩnh lặng bất động của đêm khuya, ông gọi em gái vào nói: “Dọn đi văng trong phòng khách cho Howard. Cậu ấy sẽ ở lại đây.” Roark nhìn ông và hiểu. Roark nghiêng đầu tỏ vẻ đồng ý; anh có thể chấp nhận điều Cameron vừa tuyên bố với anh chỉ bằng một cái liếc nhìn lặng lẽ, cũng trang trọng như cái nhìn của Cameron vậy.

Roark ở lại ngôi nhà đó ba ngày. Chẳng ai đề cập đến việc anh ở lại đây – hay về việc anh sẽ ở lại bao lâu. Sự có mặt của anh được chấp nhận như một điều hiển nhiên, không phải bàn cãi. Bà Cameron hiểu điều này và cũng biết rằng bà không nên nói bất kỳ điều gì. Bà chỉ im lặng đi đi lại lại, với một sự dũng cảm của sự cam chịu.

Cameron không muốn Roark lúc nào cũng có mặt trong căn phòng của ông. Ông sẽ bảo: “Howard, ra ngoài, đi dạo trong vườn đi. Cỏ đang mọc đấy, đẹp lắm.” Ông sẽ nằm trên giường và quan sát, với vẻ mãn nguyện, qua ô cửa sổ mở, hình dáng Roark đang đi giữa những tán cây trơ trụi, nổi bật trên nền trời xanh xám.

Ông chỉ yêu cầu Roark dùng bữa cùng ông. Bà Cameron thường đặt một khay thức ăn trên đầu gối ông, và dọn bữa ăn cho Roark trên một cái bàn nhỏ đặt cạnh giường. Cameron có vẻ như đang hưởng thụ cái điều mà ông chưa từng có và cũng chưa từng tìm kiếm: đó là cảm giác ấm cúng trong những sinh hoạt thường ngày, cái cảm giác gia đình.

Vào tối ngày thứ Ba, Cameron tựa vào gối, vẫn nói chuyện như mọi khi, nhưng những lời của ông phát ra chậm chạp và ông không hề quay đầu. Roark lắng nghe và cố gắng không thể hiện anh biết điều gì diễn ra giữa những quãng dừng trong lời nói của Cameron. Những lời nói có vẻ tự nhiên, và những nỗ lực để có sự tự nhiên ấy là bí mật cuối cùng của Cameron, như ông muốn.

Cameron nói về tương lai của ngành vật liệu xây dựng. “Hãy nhìn ngành công nghiệp kim loại nhẹ mà xem, Howard... Trong vài... năm tới... cậu sẽ thấy họ tạo ra những điều đáng kinh ngạc... Hãy nhìn vật liệu bằng nhựa mà xem, có cả một kỷ nguyên mới... Cậu sẽ thấy những công cụ mới, những phương tiện mới, những hình dạng mới... Cậu sẽ phải cho... cái lũ ngốc chết tiệt thấy... trí óc con người đã tạo ra cho chúng bao nhiêu của cải... những khả năng gì... Tuần trước tôi có đọc về một loại ngói mới bằng chất tổng hợp... và tôi đã nghĩ đến một cách dùng nó tại nơi mà không gì... khác có thể làm được... hãy lấy ví dụ, một ngôi nhà nhỏ... khoảng 5.000 đô la...” Sau một hồi dừng lại và vẫn im lặng, ông nhắm nghiền mắt lại. Rồi Roark chợt nghe tiếng ông thì thầm:

“Gail Wynand...”

Roark dựa gần hơn vào ông, hoang mang.

“Tôi không... còn căm ghét bất kỳ ai nữa... trừ Gail Wynand... Không, tôi chưa bao giờ để mắt đến hắn ta... Nhưng hắn ta đại diện... cho tất cả những gì hỏng hóc trong thế giới này... chiến thắng... của sự thô bỉ không thể chịu được... Howard, chính Wynand là kẻ cậu phải chống lại...”

Ông im lặng một lúc lâu. Khi mở mắt ra, ông mỉm cười. Ông nói:

“Tôi biết... cái cậu đang trải qua ở văn phòng vào lúc này...” Roark chưa bao giờ nói với ông về điều này. “Không... đừng chối và... đừng nói gì cả... Tôi biết... Nhưng... không sao đâu... Đừng sợ gì cả... Cậu có nhớ cái ngày tôi cố sa thải cậu không?... Quên những gì tôi nói với cậu lúc đó đi... Đó không phải là toàn bộ câu chuyện... Đây là... Đừng sợ... Nó hoàn toàn xứng đáng...”

Giọng nói của ông yếu dần và ông không còn nói được nữa. Nhưng thị lực của ông vẫn không hề suy chuyển và ông có thể nằm yên lặng và nhìn Roark mà không cần phải gắng gượng.

Ông qua đời nửa giờ sau đó.

*

* *

Keating thường xuyên gặp Catherine. Anh chưa tuyên bố việc đính hôn của họ, nhưng mẹ anh biết, và điều này cũng không còn là bí mật quý giá của riêng anh nữa. Đôi lúc Catherine nghĩ rằng Keating đã đánh mất ý nghĩa của những buổi hẹn hò của họ. Cô không phải chịu đựng sự cô đơn của việc chờ đợi anh; nhưng cô đã mất đi sự chắc chắn rằng anh sẽ trở lại.

Keating đã bảo cô: “Katie à, hãy chờ kết quả của cuộc thi đó xem. Sẽ không lâu đâu, họ sẽ thông báo quyết định vào tháng Năm này. Nếu anh thắng, cuộc đời anh sẽ được sắp đặt ổn thỏa. Sau đó, chúng ta sẽ làm đám cưới. Và khi đó anh sẽ gặp chú em, và ông sẽ muốn gặp anh. Và anh phải thắng.”

“Em biết là anh sẽ thắng.”

“Hơn nữa, ông già Heyer sẽ không sống thêm được một tháng nữa đâu. Bác sĩ đã nói với bọn anh là một cú đột quỵ thứ hai có thể xảy đến bất cứ lúc nào và thế là hết. Nếu nó không đưa ông ta ra nghĩa địa thì chắc chắn cũng sẽ khiến ông ta phải rời khỏi văn phòng.”

“Ôi Peter, em không muốn nghe anh nói như vậy. Anh không được... quá ích kỷ như vậy.”

“Anh xin lỗi, em yêu. À... ừ, anh đoán là anh ích kỷ. Ai cũng ích kỷ.”

Anh dành nhiều thời gian hơn cho Dominique. Dominique quan sát anh với vẻ mãn nguyện, như thể anh chẳng còn là phiền toái với cô nữa. Cô dường như thấy anh thích hợp trong vai trò một người đồng hành tầm thường trong những buổi tối bình thường, thỉnh thoảng. Anh nghĩ rằng cô thích anh. Và anh biết đấy không phải là một dấu hiệu đáng mừng.

Đôi lúc anh quên mất cô là con gái của Francon; anh quên hết những lý do thúc đẩy anh muốn có cô. Anh cảm thấy không cần phải được thúc đẩy. Anh muốn cô. Giờ đây anh không cần có lý do nào khác ngoài sự kích thích trước sự hiện diện của cô.

Tuy thế, anh cảm thấy bất lực trước cô. Anh không muốn chấp nhận cái ý nghĩ là một người phụ nữ có thể dửng dưng trước anh. Nhưng anh thậm chí còn không biết chắc Dominique có dửng dưng với anh hay không. Anh chờ đợi và cố gắng phán đoán tâm trạng của cô, cố phản ứng lại theo cách mà anh nghĩ cô muốn anh phản ứng. Anh chẳng nhận được câu trả lời nào.

Một buổi tối mùa xuân, họ cùng tham dự một buổi khiêu vũ. Họ khiêu vũ với nhau, và anh kéo cô lại gần, chạm những ngón tay vào cơ thể cô. Anh biết cô nhận ra và hiểu. Cô không rút ra, cô nhìn anh với một cái liếc nhìn gần như là trông đợi. Khi họ ra về, anh giữ tấm áo choàng trên người cô, những ngón tay anh đặt trên vai cô. Cô không cử động cũng không kéo sát tấm áo lại. Cô chờ đợi, cô để cho anh nhấc những bàn tay ra. Rồi họ cùng bước tới một chiếc tắc-xi.

Cô ngồi lặng im trong góc xe; trước đây cô chưa bao giờ xem sự có mặt của Keating là quan trọng đến mức khiến cô phải im lặng. Cô ngồi đó, bắt chéo chân, tấm áo choàng được kéo sát người, những đầu ngón tay chậm rãi lần lượt gõ lên đầu gối.

Bàn tay anh khẽ nắm lấy cánh tay cô. Cô không cưỡng lại, cô không trả lời, chỉ có những ngón tay là ngừng gõ lên đầu gối. Môi anh chạm vào mái tóc cô; đó không phải là một nụ hôn. Anh chỉ đặt môi mình lên tóc cô một lúc lâu.

Khi xe dừng, anh thì thầm: “Dominique... hãy cho anh lên nhà... chỉ một lát thôi...” Cô đáp: “Vâng.” Từ đó bằng phẳng, lạnh lùng, chẳng có vẻ gì là một lời mời. Nhưng trước đây cô chưa từng cho phép việc này. Anh theo sau cô, tim anh đập thình thịch.

Có một khoảnh khắc ngắn, khi cô bước vào căn hộ, cô đã dừng lại, chờ đợi. Anh nhìn cô chăm chăm một cách bất lực, hoang mang, ngây ngất. Anh chỉ nhận thấy sự gián đoạn khi cô lại chuyển động, bước đi khỏi anh, vào phòng khách. Cô ngồi xuống, hai cánh tay buông xuống yếu ớt hai bên, hai cánh tay cách xa cơ thể, khiến cô không được bảo vệ. Mắt cô nhắm hờ, chữ nhật, trống rỗng.

Anh thì thầm: “Dominique... Dominique... em đáng yêu quá!...”

Rồi anh ở bên cô, thì thầm, đứt quãng:

“Dominique... Dominique, anh yêu em... Đừng cười anh, xin em đừng cười anh!... Cả cuộc đời anh... bất cứ điều gì em muốn... Em không biết là em đẹp đến mức nào sao?... Dominique... Anh yêu em...”

Anh dừng lại; hai tay anh đang ôm vòng qua người cô, mặt đối mặt với cô. Anh mong thấy được dấu hiệu gì đó của sự đáp lại hay phản đối. Anh không thấy gì cả. Anh ép mạnh người cô vào người anh và hôn lên môi cô.

Anh buông tay ra. Anh để cơ thể cô rơi trở lại chỗ ngồi, và anh nhìn chằm chằm vào cô, kinh hoàng. Đó không phải là một nụ hôn; anh đã không ôm một người đàn bà trong đôi cánh tay mình; thứ mà anh đã ôm và hôn không hề sống. Môi cô không hề chuyển động đáp lại môi anh; cánh tay cô cũng không hề nhúc nhích để ôm anh. Đó không phải là sự khiếp sợ – anh hẳn đã có thể hiểu được sự khiếp sợ. Cứ như thể anh có thể ôm cô mãi hay buông cô ra, hôn cô lần nữa hoặc tiến xa hơn để thỏa mãn khao khát của anh – và cơ thể cô sẽ không biết điều đó, sẽ không nhận biết nó. Cô đang nhìn anh, lướt qua anh. Cô nhìn thấy một mẩu thuốc lá đã rơi ra khỏi cái gạt tàn nằm trên bàn cạnh cô, cô nhấc tay lên và bỏ mẩu thuốc trở lại vào gạt tàn.

“Dominique”, anh thì thầm một cách mụ mẫm, “em không muốn anh hôn em sao?”

“Có chứ.” Cô không cười anh; cô trả lời giản dị và bất lực.

“Trước đây em chưa từng được hôn phải không?”

“Có chứ. Nhiều lần rồi.”

“Em luôn như thế này sao?”

“Luôn luôn. Y như thế.”

“Tại sao em lại muốn anh hôn em?”

“Em muốn thử.”

“Dominique, em không phải là người.”

Cô ngẩng đầu lên, đứng dậy, và vẻ chính xác sắc nét trong cử động lại là của cô. Anh biết anh sẽ không nghe thấy sự bất lực thú nhận đơn giản trong giọng nói của cô; anh biết sự thân mật đã kết thúc, mặc dù những lời nói của cô, khi cô nói, thân mật và cởi mở hơn bất kỳ điều gì cô đã từng nói. Nhưng cô nói như thể cô không quan tâm đến điều cô nói ra hay với người cô đang nói:

“Em đoán em là một kẻ lập dị mà anh từng nghe kể, một người đàn bà hoàn toàn lãnh cảm. Peter, em xin lỗi. Anh thấy không? Anh không có đối thủ nào cả, nhưng cái đó bao gồm cả chính anh. Thất vọng, đúng không anh yêu?”

“Em... em sẽ thoát khỏi nó... một ngày nào đó...”

“Peter, em thực sự không còn quá trẻ. Hai mươi lăm tuổi rồi. Ngủ với một người đàn ông hẳn phải là một sự thử nghiệm thú vị. Em đã muốn mình có thể muốn điều ấy. Em nên nghĩ rằng trở thành một người đàn bà phóng đãng là thú vị. Em phóng đãng, anh biết đấy, trong mọi thứ, nhưng thực ra... Peter, anh trông như thể anh đang sắp đỏ mặt; chà, thật là thú vị!”

“Dominique! Em chưa từng yêu bao giờ phải không? Một chút cũng chưa?”

“Chưa bao giờ. Em thật sự muốn phải lòng anh. Em nghĩ điều đó sẽ tiện lợi. Em sẽ chẳng có vấn đề gì với anh cả. Nhưng anh thấy không? Em chẳng thể cảm thấy gì hết. Em không cảm thấy có gì khác biệt, dù đó là anh hay Alvah Scarret hay Lucius Heyer.”

Anh đứng dậy. Anh không muốn nhìn cô. Anh đi tới cửa sổ và đứng đó, chằm chằm nhìn ra ngoài, hai bàn tay nắm chặt sau lưng. Anh đã quên mất ham muốn của mình cũng như vẻ đẹp của Dominique, nhưng bây giờ anh nhớ ra cô là con gái của Francon.

“Dominique, hãy lấy anh nhé?”

Anh biết anh phải nói điều đó ngay lúc này. Nếu như anh để bản thân nghĩ về cô, anh sẽ không bao giờ nói ra được. Cảm giác của anh đối với cô lúc này không còn quan trọng nữa. Anh không thể để nó chen vào giữa anh và tương lai của anh; và tình cảm của anh dành cho cô đang trở thành sự căm ghét.

Cô hỏi:

“Anh không nghiêm túc đấy chứ?”

Anh quay lại phía cô. Anh nói nhanh và dễ dàng; anh đang nói dối, cho nên anh thấy chắc chắn và dễ dàng:

“Anh yêu em, Dominique. Anh phát điên lên vì em. Hãy cho anh một cơ hội. Nếu em không có ai khác, tại sao lại không thể? Em sẽ học được cách yêu anh, bởi vì anh hiểu em. Anh sẽ kiên nhẫn. Anh sẽ khiến em được hạnh phúc.”

Đột nhiên Dominique rùng mình, rồi cô cười. Cô cười đơn giản, trọn vẹn; anh nhìn thấy bóng váy màu nhạt của cô run lên; cô đứng thẳng, đầu cô ngả ra sau, giống như một sợi dây rung lên với những rung động của một sự xúc phạm thản nhiên với anh – xúc phạm, bởi tiếng cười của cô không có vẻ cay đắng hay nhạo báng mà đơn thuần là sự vui vẻ.

Cô thôi cười và đứng nhìn thẳng vào mặt anh. Cô nói một cách nghiêm túc:

“Peter, nếu lúc nào đó em muốn trừng phạt mình vì một điều gì đó khủng khiếp, nếu em muốn trừng phạt mình một cách ghê tởm nhất – thì em sẽ lấy anh.” Cô nói thêm: “Hãy coi đó là một lời hứa.”

“Anh sẽ đợi – dù cho em lấy anh vì lý do gì đi chăng nữa.”

Cô mỉm cười vui vẻ – nụ cười lạnh lùng vui vẻ mà anh vẫn ghê sợ.

“Thật ra, Peter à, anh không cần phải làm như vậy, anh biết mà. Đằng nào anh cũng sẽ trở thành đồng sự. Và chúng ta sẽ mãi là bạn tốt. Giờ thì anh về đi. Đừng quên, anh sẽ đưa em đi xem đua ngựa vào thứ Tư đấy. Phải rồi, chúng ta sẽ đi xem đua ngựa vào thứ Tư này. Em thích mê những cuộc đua ngựa. Chúc anh ngủ ngon, Peter.”

Anh trở ra và đi bộ về nhà trong một đêm mùa xuân ấm áp. Anh bước đi một cách giận dữ. Nếu như lúc đó có ai đó đề nghị trao cho anh quyền sở hữu độc nhất với công ty Francon & Heyer với cái giá là anh phải lấy Dominique thì anh hẳn đã từ chối. Anh cũng biết – và căm ghét bản thân mình – rằng anh sẽ chẳng chối từ, nếu như họ đưa ra điều kiện này với anh vào sáng hôm sau.