Thần Chết Trong Rừng

Chương 8

Lại thêm một đám ma nữa. Nhưng lần này, tôi có tham dự. Vì trời đẹp nên cô Yvette đã quyết định đi dạo một lúc và cô đưa tôi đi. Chúng tôi đi bộ, lặng lẽ. Paul và Hélène đã đến bằng ô tô và đề nghị chở chúng tôi đi nhưng cô Yvette muốn đi bộ hơn. Cô nói rằng sắp đến mùa đông và do vậy cần phải tận dụng thời tiết mùa thu. Và chúng tôi đang tận hưởng tiết trời mùa thu đây.

Khi chúng tôi đi vào con đường thẳng và không có người, cô Yvette để cho tôi tự ấn nút và chạy xe một mình. Vrừm, vrừm… Và điều tồi tệ nhất, đó là chiếc xe làm tôi như được sống lại. Những tiếng ríu rít của bánh xe, tiếng xào xạc của lá cây, sức nóng của ánh mặt trời đọng lại trên cánh tay tôi và tôi cứ tiến chầm chậm như thế này, thật là tuyệt vời. Tôi hầu như quên mất mục đích của cuộc dạo chơi.

Khi đến gần nghĩa trang, cô Yvette nắm lấy cái điều khiển xe và nói với tôi: “Chúng ta đến nơi rồi”. Thế là hết quãng thời gian thư thái của chốn điền viên.

-Trong nghĩa trang đông nghịt cả người. – cô Yvette rỉ tai tôi.

Tất cả thành phố đang có mặt ở đây, và những câu chuyện ngồi lê đôi mách của các bà cô lan đi rất nhanh. Vì Sophie không còn ai là thân thích nên tòa thị chính chịu mọi trách nhiệm lo việc tang ma. Ông Ferber tốt bụng – tôi đã không bỏ phiếu cho ông này – cứ chạy đi chạy lại, hết bắt tay người này người kia rồi lại đôn đáo chạy đi kiểm tra những bó hoa… Phải nói rằng nếu ông ấy còn muốn tô lại cái vẻ bề ngoài của địa phận mình quản lý thì ông ấy có việc để mà làm.

Hình như thanh tra Gassin cũng có mặt cùng với hai nhân viên nữa. Chắc chắn là họ mong anh chồng của người chết xuất hiện ở tang lễ. Paul đã cho chúng tôi biết là gia đình bố mẹ Stéphane, những người chủ trang trại già nua đang sống ở Eure đang tạm thời bị theo dõi.

-Xin chào, ổn chứ? – Hélène thầm thì với chúng tôi. – Paul đang ở đằng kia với ông Ferber. Bố mẹ của Michaël và cả của Mathieu nữa đều không đến. Họ đều biết rõ Sophie, nhưng với những gì mà họ đang nói về Stéphane thì…

Buổi lễ bắt đầu. Gió bốc lên cao, một cơn gió nhẹ của mùa thu. Tôi cảm nhận gió mơn man gáy vào má tôi. Lần đầu tiên tôi phải cảm ơn cô Yvette vì đã mặc nhiều quần áo cho tôi hệt như tôi là trẻ sơ sinh vậy. Rất khó để có thể nghe rõ tiếng của linh mục, người đang đọc thuộc lòng những lời nói khó xác định, không chắc chắn. May mà còn có gió làm cho mọi người cảm thấy tỉnh táo.

Tôi nghe thấy tiếng những hòn đất rơi lục cục xuống quan tài. Những tiếng lạo xạo của đế giày, tiếng mọi người dịch chuyển, có người ho húng hắng, rồi cuối cùng là đám rước bước đi trong im lặng, ai nấy đều như bị khuất động. Thế là xong, Sophie Migoin giờ đây đã hoàn toàn yên nghỉ trong lòng đất.

Có tiếng nói to vui vẻ của ông Ferber:

-A, Elise của chúng ta đây rồi! Cô ấy thế nào rồi? Có ổn không? Trông cô có vẻ rất khỏe đấy chứ!

Không, xin lỗi nhé, thậm chí là không hề ổn chút nào. Ông Ferber, nếu ông nghĩ rằng điều đó sẽ làm tôi bỏ phiếu cho ông thì…

-Cô Andrioll đã có rất nhiều tiến bộ.

Đấy, Raybaud! Tất cả đều tự hào về bệnh nhân của ông đấy!

Mọi người bắt đầu nói chuyện với nhau và không để ý đến tôi nữa. Càng tốt. Tôi có thể lắng nghe những tiếng xì xào, rì rầm không ngừng ở xung quanh. Cái tên của Stéphane được nhắc đến liên tục, đi kèm theo nó là không biết bao nhiêu giả thuyết. Người ta vẽ ra một mớ lộn xộn, kiểu như là anh ta có tình nhân, rồi phá sản, sau đó là những vụ ám sát, rồi nghiện ma túy, vân vân… Với những nguyên nhân như vậy thì chắc chắn anh ta phải là thủ lĩnh của bọn mafia và những kẻ khủng bố. Có ai đó vỗ lên vai tôi.

-Cô Andrioll, tôi là Florent Gassin đây. Vẫn không có tin tức gì của bạn cô hả?

Tôi giơ ngón tay lên. Nhất định là cảnh sát lại quay về với giả thuyết của họ.

-Không sao, xin lỗi cô.

Mọi người bắt đầu tản đi. Gió lạnh và buốt làm cho những cuộc bàn tán không thể tiếp tục được. Cô Yvette nắm lấy chiếc xe đẩy.

-Thật tội nghiệp cho Sophie. Thứ hai vừa rồi, tôi còn gặp cô ấy ở quầy bán thịt trong chợ…, cô ấy đang mua mấy lát thịt bê... thế mà giờ đây… Ông thị trưởng đã mời Paul và Hélène đến ăn trưa, tôi nói với họ là chúng ta sẽ trở về nhà. Gió bắt đầu lạnh thật đấy. Nào, chúng ta lên đường thôi!

Chúng tôi trở về nhà. Stéphane đã không đến, anh ta không xuất hiện với đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch, người đẫm mồ hôi và kêu lên: “Sophie”. Anh ta đã bỏ mặc chúng tôi với bao nhiêu là nghi vấn.

Paul và Hélène đến ăn trưa chỗ ông Ferber, cuộc sống vẫn tiếp tục. Cuộc sống vẫn luôn tiếp tục. Tất nhiên, đó là cuộc sống của những người sống.

Cô Yvette vẫn im lặng suốt trên quãng đường về. Càng tốt, như vậy tôi càng có thể bình tĩnh suy nghĩ về những sự kiện mới xảy ra. Tôi có một bản tổng hợp thế này:

“Một tên giết người đã tấn công bọn rẻ. Người ta cho rằng hắn lái một chiếc break màu trắng. Người ta phát hiện trong căn lều một chiếc áo săngđay dính đầy máu của một trong số những nạn nhân nhỏ tuổi. Cổ chiếc áo đó có dính tóc của Stéphane Migoin. Stéphane Migoin đã bị trông thấy ngồi sau tay lái chiếc break màu trắng và đã biến mất vào đêm mà vợ anh ta tự tử, sau khi đã rút hết tiền trong tài khoản của mình ở ngân hàng và kết thúc các giao dịch hiện tại. Tôi yêu cầu xử tù chung thân”.

Đến lượt luật sư bào chữa:

“Thưa quý tòa, xin quý tòa suy xét kỹ những việc sau đây:

a.Cú điện thoại báo cho cảnh sát vị trí của căn lều trong rừng có bộ quần áo dính máu là cú điện thoại nặc danh. Nếu ai đó đã đặt bộ quần áo đó vào chỗ đó thì sao? Nếu có ai đó để những sợi tóc cùa Stéphane Migoin lên cổ áo săngđay thì sao?

b.Cô bé Virginie Fansten khẳng dịnh đã nhìn thấy một hoặc nhiều tên giết người. Vậy mà cô bé chưa bao giờ tố cáo Stéphane Migoin, người mà có vẻ cô bé không có một tình cảm nào đặc biệt.

c.Liệu Stéphane Migoin có thể ngu ngốc đến mức bỏ trốn và để mọi người kết tội anh ta không?

Tôi yêu cầu tòa xử tha bổng vì thiếu chứng cứ."

“Ý kiến của bồi thẩm đoàn? Có tội hay không có tội? Bản án sẽ được tuyên như thế nào?”

Chúng tôi đã về đến nhà mà tôi không nhận ra, vì tôi quá bận tâm vào phiên tòa tưởng tượng của mình. Tôi biết rằng cơ hội duy nhất để tự vệ là làm cho Virginie nói ra bí mật của mình. Không còn thời gian chần chừ nữa, tôi phải báo cho ông Yssart biết.

Vấn đề là nếu Stéphane là hung thủ giết người và Virginie phát hiện ra anh ta thì liệu anh ta có để cho con bé Virginie sống không? Một câu hỏi hay, thật đáng tự hào! Nhưng làm sao để giải thích tất cả những chuyện đó với cảnh sát chỉ bằng ngôn ngữ của loài ong và cái xe đẩy khốn kiếp này? Giá mà Benoît đang ở đây, giá mà… Một nỗi u buồn ập đến với tôi, tôi thấy nghẹn trong cổ họng, tôi thấy môi mình run rẩy. Tôi khóc. Tôi đã không khóc được nữa từ hồi bị tai nạn. Như thế đủ biết rằng tình trạng của tôi đang khá dần lên, những cơ bắp đang được giải tỏa. Tôi đang khóc. Chết tiệt, tôi thấy nước mắt chảy trên má và làm miệng tôi bị ướt. Tôi cảm thấy khó thở, cổ họng thít lại làm tôi nghẹn thở. Tôi khóc sướt mướt về tất cả những chuyện buồn này, và đồng thời cũng rất vui vì mình có thể khóc được. Vậy là cũng có lúc tôi vui vẻ hài lòng được một chút.

-Elise? Lạy Chúa tôi, có chuyện gì vậy?

Cô Yvette lau nước mắt cho tôi bằng một chiếc khăn mùi soa sạch.

-Vì những đám tang ấy mà cô khóc phải không? Cô hãy hít thở sâu vào, sẽ tốt hơn đấy. Cô thấy đấy, rồi cô sẽ thoát khỏi những chuyện này, tôi chắc chắn đấy, đừng khóc nữa…

Cô Yvette cứ hót líu lo vào tai tôi, nhưng tôi không muốn nghe cô ấy nói nữa, tôi đã rời xa, rất xa Benoît của tôi trong những năm tháng sẽ không còn quay trở lại nữa. Tôi cảm thấy nước mắt tôi tuôn chảy như sông suối đổ ra biển vậy, cả một biển đầy ắp những kỷ niệm.

Tôi chỉ có một mình. Tôi cứ tiến về đằng trước rồi lại lùi lại phía sau. Tôi cảm thấy thật yên tĩnh. Có bao nhiêu nước mắt tôi thì đã dốc hết cả ra rồi.

Thị trấn nhỏ của tôi đang lên cơn sôi động. Rất nhiều sự việc bi thảm xảy ra liên tiếp làm cho chúng tôi trở nên nổi tiếng. Khắp nơi người ta đều bàn tán về chúng tôi, trên tivi, trên báo đài ở những mục tin giật gân; những mục tội phạm, cứ thể như là công an cảnh sát khu này chẳng làm được việc gì cả ấy…

Một người luôn luôn tỏ vẻ bất bình là điều tra viên trẻ Gassin. Anh ta chưa bao giờ chịu đựng được ông Yssart. Anh ta đã nói với Hélène là anh ta chưa bao giờ thấy kiểu người bất ngờ được ngồi vào cái ghế cao ấy lại có thể hiểu được sự phức tạp trong toàn bộ vụ việc này. Còn về Yssart thì… miễn bình luận.

Còn tôi thì nghe những tin tức gần đây một cách dửng dưng.

Ảnh của Stéphane được phát đi trên các kênh truyền hình. Một lệnh truy nã cũng đã được phát đi. Nhưng cho đến lúc này thì Stéphane vẫn lọt qua các mắt lưới.

Việc khai quật tử thi các nạn nhân nhỏ tuổi đã cho thấy chúng thực sự bị giết bởi cùng một hung thủ. Cảnh sát chẳng thấy một chứng cứ nào để buộc tội Stéphane hay tuyên anh ta vô tội cả.

Bố của Mathieu Golbert đã dần cho một tay phóng viên một trận nên thân vì tay này muốn có một bài phỏng vấn bằng mọi giá. Thậm chí chiếc máy ảnh của tay phóng viên còn bị ông ta dậm chân lên nữa.

Nhưng đặc biệt nhất là việc khám nghiệm tử thi Sophie đã cho thấy cô ấy không phải tự nguyện uống thuốc ngủ. Chắc chắn là đã có người bóp miệng cô và bắt cô phải nuốt số thuốc đó. Điều đó thì tôi biết được thông qua Hélène, còn Hélène thì biết tin đó qua anh chàng điều tra viên quyến rũ Gassin.

Trời đang mưa và lạnh. Cô Yvette đã đi cùng ông Guillaume đến siêu thị bằng xe ô tô. Mưa bắn tung tóe khắp nơi, tiếng mưa kêu to như hàng trăm quả bóng tennis đập xuống đất vậy. Có tiếng chuông điện thoại. Những khi vắng mặt hay bận việc, cô Yvette thường bật hộp trả lời tự động. Tôi cố gắng không động đậy để nghe tiếng hộp thoại được rõ hơn.

-Xin chào, hiện giờ chúng tôi không thể trả lời được. Xin hãy để lại lời nhắn sau tiếng bíp.

-Elise hả? Em nghe này, tôi không có nhiều thời gian.

Là Stéphane!

-Em đang gặp nguy hiểm, Elise ạ, rất nguy hiểm. Em cần phải rời thị trấn ngay. Tôi không có thời gian để giải thích cho em, nhưng em hãy tin tôi, đó là một âm mưu kinh khủng. Giá mà em biết được, tôi phải đi đây. Tôi dập máy đây, tôi yêu em. Vĩnh biệt… Tôi… Không, không, thả tôi ra, không!

Một cú đập rất mạnh, có cái gì đó như đập vào vách buồng điện thoại, sau đó không nghe thấy gì nữa. Một hơi thở hổn hển. Và những tiếng bíp bíp ám ảnh của cuộc hội thoại bị cắt đứt.

Lạy Chúa! Có phải tôi đang nằm mơ hay không? Tiếng kêu vì bị bóp cổ ấy, sự im lặng ấy… Có phải chúng muốn nói rằng Stéphane vừa bị… ở đó? Trong lúc anh ta đang nói chuyện với tôi? Có tiếng rắc ở bên ngoài làm tôi giật nảy mình, các dây thần kinh căng ra như dây đàn. “Đang gặp nguy hiểm… rời khỏi thị trấn…” Và cú điện thoại bị cắt đứt… Tôi cứ cho xe chạy đi chạy lại trong căn phòng đầy bồn chồn, lo lắng, vừa đi vừa lập lại những lời nói của Stéphane. Mưa như gõ trống trên mái nhà. Cú điện thoại ấy có nghĩa là gì? Thật bực mình khi không thể nói bất cứ điều gì với ai cả. Lạy Chúa! Thật may là hộp trả lời tự động đã ghi âm cú điện thoại, và đó chính là một bằng chứng. Đúng, một bằng chứng có lợi cho Stéphane… nếu đó không phải là một sự dàn cảnh khéo léo. Cô Yvette đang làm gì thế không biết? Cô ấy cần phải quay trở về nhà ngay, cần phải nghe cuốn băng quái quỷ ấy và phải gọi ngay cho cảnh sát! Tôi cứ chờ đợi, sốt ruột, nóng lòng, như thể tôi đang đi rình mò ai đó. Từng phút từng phút trôi qua như là những giọt nước nhỏ xuống từ một cái vòi nước, chậm chạp và đáng ghét.

A, có tiếng bước chân trên lớp sỏi! Tôi vội vàng cho xe chạy ra phía cửa ra vào, nhưng cánh cửa không chịu mở ra. Tôi nghe thấy rõ tiếng nắm đấm cửa bị vặn ra, nhưng chẳng thấy gì cả. Nếu cô Yvette quên chìa khóe thì đã có tôi đây rồi. Có tiếng chân người bước dọc theo tường phòng ăn. Những bước chân đó dừng lại. Tại sao cô ấy không gọi tôi? Cô ấy phải lên tiếng gọi tôi, phải nói gì với tôi chứ. Dù gì thì tôi vẫn còn đang sống mà! Trừ phi đó không phải là cô Yvette… Trừ phi đó là một ai đó biết chuyện Stéphane đã gọi điện cho tôi…

Người đó đi vòng quanh nhà. Ai đó có thể đang nhìn tôi qua kính cửa sổ. Đúng, chắc chắn là có ai đó đang dán mắt vào cửa sổ. Tôi có cảm giác như mình bị lột truồng, tôi lái xe một cách ngu ngốc đến tận cái tủ chè cứ như thể là tôi có thể thoát khỏi ánh mắt của ai đó đang gắn chặt lên người, thoát khỏi cái nhìn mà tôi hình dung là rất lạnh lùng và không thể có một lời giải thích nào khác ngoài việc con thú săn mồi đang nhìn thấy con mồi của mình.

Stéphane! Gọi lại đi! Hãy nói cho tôi biết đó không phải là một trò đùa ngu ngốc hay một cơn ác mộng. Hãy gọi lại đi.

Lại có những tiếng lạo xạo trên lớp sỏi. Tôi không thể chịu đựng nổi suy nghĩ của cặp mắt đang nhìn tôi mà tôi lại không trông thấy nó. Tôi lo sợ. Nỗi sợ hãi chạy dọc sống lưng tôi, len lõi vào trong tĩnh mạch, lạnh lùng và rét buốt.

Liệu cái cánh cửa ngu ngốc kia có được không khóa kỹ không?

Có ai đó lắc lắc nấm đấm cửa. Tôi nhận ra âm thanh này. Tôi nuốt nước bọt một cách khó khăn. Ai đó đang cào vào cánh cửa sổ, tôi hình dung ra những ngón tay đó bị bẻ cong, nôn nóng cứ trượt dọc theo cửa sổ…

Không còn tiếng động nào nữa. Liệu có phải “hắn” đã bỏ đi?

A, tiếng động đó lại quay trở lại mà không để tôi phải chờ đợi. Có tiếng kinh bị vỡ ngay trước mặt tôi, trên sân nhà. “Hắn” đang luồn tay vào ổ và vặn then móc cửa sổ. Người tôi như bị hóa đá, cổ họng tôi làm cho tôi bị đau đến nỗi tôi muốn kêu to lên. Ai đã đập vỡ cửa sổ? Ai muốn vào trong nhà? Cút đi, cút ngay đi, cho dù ngươi là ai. Hãy để tôi yên! Hãy rủ lòng thương!

Có ai đó đang ở trong phòng khách. Những mảnh kính vỡ rung lên sào sạo dưới những bước chân lén lút. Tôi cho xe lùi lại và chợt nghe thấy một tiếng cười nhỏ. Virginie? Có ai đó tiến lại trước mặt tôi. Giá mà tôi có thể giương tay ra, giá mà tôi có thể nhìn thấy… Nhưng mà người tôi đang co rúm lại, tôi chờ đợi một cú đánh, một cú chăm của kim băng hay một cái gì đó còn tồi tệ hơn thế…

Có tiếng động của kim loại.

Một giọng nói đột ngột cất lên trong phòng và phải mất đến hai giây thì tôi mới hiểu ra đó là hộp trả lời tự động của điện thoại.

Lại có tiếng những bước chân tiến lại gần tôi, đến rất sát tôi. Không, tôi không muốn… Sự im lặng này thật không thể chịu đựng được… Nếu hắn ta ấn một con dao vào người tôi, vào mắt hay vào cổ họng tôi… thì hắn có thể làm được tất cả những điều hắn muốn, còn tôi thì…

Có tiếng còi xe. Rất gần. Ba tiếng còi quen thuộc. Ông Jean Guillaume! Có tiếng chạy vội vàng về phía cửa sổ, sau đó là trên lối đi rải sỏi. Một cánh cửa xe đóng sập lại phía sau nhà. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm hẳn đi, đến nỗi tôi thấy mình như sắp ngất đi.

-Có chuyện gì thế này? Ông có thấy không Jean? Cửa sổ phòng khách bị đập vỡ.

-Nào, khoan đã, hãy xem lại một chút đi. Nhìn này, không đáng ngạc nhiên lắm! Chỉ là do hòn đá này… thật may là Elise đáng thương không bị đá ném vào mặt!

-Lại là bọn lưu manh bẩn thỉu lang thang ở gần ga đây mà!

-Chiều nay tôi sẽ thay lại cánh cửa sổ, nếu không thì mưa sẽ làm sàn nhà ướt hết.

-Thế nào Elise, cô hẳn là phải rất sợ hãi…

Nếu nói về sợ hãi thì tôi đã sợ lắm rồi. Tôi thấy mình giống như là một miếng bánh phồng quắt queo vậy. Cô Yvette vừa dọn dẹp những thứ đổ vỡ vừa càu nhàu nguyền rủa bọn lưu manh. Còn tôi thì đang cố gắng hít thở một cách bình thường. Ông Guillaume đang lúi húi bên cánh cửa sổ. Đột nhiên tôi hiểu ra rằng “vị khách bí hiểm” của tôi đến đây là để… xóa tin nhắn của Stéphane. Nếu hắn ta có đủ thời gian để… để làm hại Stéphane và chạy đến đây thì điều đó chứng tỏ Stéphane đã gọi điện cho tôi ở rất gần đây. Hoặc là chúng có hai người. Stéphane đã nói gì nhỉ? Một “âm mưu”. Đối với tôi thì có vẻ đúng là như vậy. Nhưng tại sao tôi lại bị dính vào những chuyện này cơ chứ?

Dù sao đi chăng nữa thì một lần nữa, tôi lại là nhân chứng duy nhất.

___ ___

Từ hai ngày này, tôi luôn chú ý nghe ngóng tin tức, lần nào cũng chờ xem người ta có thông báo về việc phát hiện ra xác của Stéphane hay không, nhưng chẳng có gì cả. Trời vẫn mưa không ngớt, ai nấy đều như bị giam hãm, căng thẳng, không yên. Có quá nhiều chuyện xảy ra trong khoảng thời gian quá ngắn và ai cũng lo âu, sốt ruột mong cho những chuyện này sớm kết thúc. Virginie thì hầu như không đến nhà tôi nữa. Bố mẹ con bé đã đăng ký cho nó theo học một lớp buổi tối để nó có thể đuổi kịp các bạn. Nhiều lúc khi nghe thấy Hélène nói chuyện với cô Yvette, tôi có cảm giác giọng cô ấy cứ lúng búng làm sao ấy. Tôi tự hỏi không biết có phải cô ấy uống rượu hay không. Có vẻ như Paul rất bận việc. Anh ta trở về nhà muộn và đi khỏi nhà từ rất sớm, và lúc nào cũng bực bội, cáu kỉnh. Ngay cả cô Yvette và ông Guillaume cũng có lúc tranh cãi với nhau về công thức nấu món gà om rượu vang, đến mức mà ông ấy không thèm dùng cà phê, phải bỏ về, vừa đi vừa lẩm bà lẩm bẩm gì đó ở trong mồm. Tất cả có vẻ như rất kỳ quặc, nhưng đều diễn ta một tình trạng chung: sự bực bội, bồn chồn, chờ đợi một điều gì đó mà không biết là cái gì. Tại sao cảnh sát vẫn chưa tìm ra Stéphane? Hay là anh ta muốn trêu đùa với tôi? Trò đùa cợt… đó chỉ là một cách nói. Những người thích đùa kiểu này đáng bị một cái áo trói vào người lắm.

Dù sao thì thời gian vẫn cứ trôi đi, nặng nề, khó khăn.

Cô Catherine nhận thấy sức khỏe của tôi tiến bộ rất nhiều. Cô thấy một vài cơ bắp của tôi căng lên, run rẩy. Nó buộc ông Raybaud phải áp dụng những bài tập mới.

Bệnh viện. Mùi phoóc môn, ê te, mùi thuốc. Người ta đẩy tôi dọc theo những hành lang lạnh lẽo có tiếng kim loại loảng xoảng. Người ta đặt tôi nằm lên bàn, đâm kim tiêm vào người tôi, rồi dán những dây dẫn điện vào ngực, vào thái dương tôi. Các bác sĩ khám cho tôi, rồi cho tôi ngồi, gõ gõ vào các khớp xương của tôi bằng một chiếc búa cao su, rồi kêu “hừm, hừm” với vẻ hoài nghi. Việc khám bệnh đó diễn ra suốt cả ngày, để rồi kết luận là phải cho đi scan. Thế đấy, tất cả lại đều “hạ cánh” xuống phòng khám của giáo sư Cambrè, mà lúc này thì ông ấy đang tham dự một cuộc hội thảo ở Mỹ. Thế là người ta mặc lại quần áo cho tôi, cho tôi ngồi lại vào chiếc xe đẩy quý giá và chúng tôi lại lên đường trở về nhà.

-Thế nào rồi? – ông Guillaume hỏi. Ông vừa đến để đón chúng tôi về.

-Theo như ông bác sĩ trưởng phòng khám thì cô ấy có tiến bộ nhiều, hiển nhiên là như vậy. Giờ thì phải chờ ý kiến của ông giáo sư để xem xem có phải phẫu thuật hay không.

Ông Guillaume cố ý nói nhỏ để tôi không nghe thấy, nhưng tôi vẫn nghe được ông nói:

-Thế nếu mà cuộc phẫu thuật thành công thì cô ấy sẽ ra sao?

Đến lượt cô Yvette thì thào:

-Họ cũng không biết. Các bác sĩ cho rằng cô ấy có thể nhìn lại được và có thể cả chức năng vận động nữa…

Tôi cảm thấy nỗi thất vọng ghê gớm xen lẫn một tia hy vọng dữ dội. Thất vọng vì tôi bị gắn chặt với chiếc xe đẩy này, còn hy vọng lại nhìn thấy được và chí ít là có thể cử động được một chút.

Tôi vẫn phải chờ đợi…

Chyơng 9

Một tai họa bất ngờ đã xảy ra! Cô Yvette trượt ngã trên vỉa hè ướt và bị bong gân ở mắt cá chân, chính là cái mắt cá chân mà cô đã bị trật trong màu hè này.

Thế là tôi được gửi đến một “vườn rau có khí hậu điều hòa” vì Paul và Hélène gợi ý cho tôi đến tạm trú ở nhà họ trong thời gian cô Yvette chữa bệnh. “Chỉ khoảng mười lăm ngày thôi”, ông bác sĩ nói vậy.

Cô Yvette đã về nhà cô em họ của mình. Còn tôi thì được đặt trong một căn phòng của nhà Fansten. Cô Yvette đã chỉ dẫn cách chăm sóc tôi cho Hélène. Dù sao thì tôi cũng phải sống!

Một lần nữa tôi lại ở trong căn nhà gợi nhớ đến cái đêm tiệc đứng mà tôi đã bị một người lạ mặt sờ soạng khắp mình. Hy vọng đó không phải là Paul, nếu không thì tôi thật sự rơi vào hang ở của loài sói.

Đang là ban đêm. Tôi đang ngủ. Chiếc giường hơi chật. Cái nệm lông đè nặng lên chân tôi. Tôi chắc chắn đây là phòng ngủ của Renaud. Nó có mùi bụi bặm và bóng tối. Tôi hình dung ra những món đồ chơi treo lủng lẳng trên giá sách đang làm tôi thức giấc bằng những con mắt trống rỗng, chằm chằm. Tôi cần phải ngủ. Đêm đầu tiên trong một căn nhà xa lạ bao giờ cũng rất khó khăn. Elise, hãy thư giãn đi! Mười lăm ngày thôi, sẽ trôi qua rất nhanh thôi. Chỉ bằng khoảng thời gian có một hai vụ giết trẻ con, vài vụ tự sát và một vụ hãm hiếp mà thôi, đúng không nào?

Hôm nay có phải là ngày trăng tròn không nhỉ? Có phải tôi đang nằm trên chiếc giường trẻ con có quầng sáng dìu dịu không? Có phải như trong phim kinh dị không?

Tôi cần phải thư giãn. Tôi phải nghĩ đến cuộc phẫu thuật. Tôi cần phải tập trung hết sức để thoát ra khỏi trạng thái hư vô này. Tập trung hết sức mình. Và ngủ được, như Perses vẫn nói “màn đêm đang thai nghén, ai mà biết được sớm mai màn đêm sẽ sinh ra cái gì?” Amen.

___ ___

Cuộc sống tự nó biết cách tổ chức. Thật là một nỗ lực rất lớn khi sống giữa gia đình này. Buổi sáng, Hélène dậy vào lúc 7 giờ 15, đánh thức Paul và chuẩn bị bữa sáng rồi mới đánh thức Virginie. Paul thì không ngừng than thở rằng anh ta sắp bị muộn và chạy hết chỗ này đến chỗ khác. Virginie thì cứ lẽo đẽo theo sau để rồi cuối cùng bị la mắng. 8 giờ 10, Paul và Virginie ra khỏi nhà. 8 giờ 15, Hélène đến chăm sóc cho tôi, cho tôi đi vệ sinh, tắm rửa và thay quần áo. Thường thì khi xong việc cho tôi, cô đẩy tôi vào phòng khách và bật tivi rồi làm những công việc nội trợ của mình. Tôi cứ mập mờ nghe các chương trình trên tivi vào buổi sáng. 11 giờ, nghỉ ngơi và làm một chút cà phê. Đấy, tuyệt vời thế đấy, tôi được uống cà phê! Cứ mỗi lần thấy lại được vị ngon của cà phê ở đầu lưỡi là tôi lại những muốn ôm chầm lấy Hélène tội nghiệp.

Hélène thường nói chuyện với tôi khi cả hai uống cà phê. Cô kể cho tôi biết những câu chuyện ngồi lê đôi mách trong thị trấn hay những bước tiến trong cuộc điều tra. Cô lo lắng cho Virginie và phàn nàn về Paul. Vì rằng tôi không thể nói được nên cô có vẻ rất tin tưởng tôi. Tôi đã biết được nhiều chuyện. Tôi có cảm giác như mình khám phá một thế giới khác thế giới mọi người đều nhìn thấy, được chìm đắm trong đầu óc của một bà nội trợ bình thường. Thật đúng là ngọn núi Vésuve[1] đích thực, những nỗi sợ hãi không dám thú nhận ấy, những sư oán hận tràn trề ấy? Tôi không còn nhớ nữa.

[1] Tên một ngọn núi lửa thuộc nước Ý, cao 1281m, chạy men theo vịnh Naples về phía đông của thành phố. Đây là ngọn núi lửa duy nhất của lục địa châu Âu vẫn còn đang hoạt động trong vòng 100 năm qua, mặc dù nó đang ngủ. Lần hoạt động cuối cùng của nó là vào năm 1944.

13 giờ 30, đến thư viện. Hélène đưa tôi đến đó và cho tôi ngồi vào một góc phòng. Tôi nghe thấy tiếng mọi người giở sách, tiếng giày dép đi lại trên sàn nhà, tiếng cười nói của bọn thanh niên. 17 giờ 45, trở về nhà, dừng một chút để đón Virginie đi học về. Cô Catherine đến làm việc massage, kéo dãn chân tay tôi, bôi dầu, đã đến lúc sử dụng các biện pháp phòng ngừa hoại tử. Paul trở về nhà tắm 19 giờ, 19 giờ 30. Ăn tối lúc 20 giờ. Virginie đi ngủ lúc 21 giờ. Tất cả đều được tổ chức rất tốt, chẳng có gì để nói cả.

Tôi đang nằm trong chiếc giường nhỏ của mình, trong căn phòng của người chết. Virginie đã có lòng tốt nói cho tôi biết đó chính là phòng của anh trai con bé. Con bé lại còn miêu tả căn phòng cho tôi nghe nữa. Trên bức tường ở cạnh giường có một tấm poster hình Ninja Rùa, còn trên bức tường phía trước, phía trên cái bàn nhỏ là tấm poster của Magic Johnson. Trên bàn học là những quyển sách của Tủ sách Hồng[2], những quyển vở, một túi đựng bi và những cái hộp đựng nhiều hình mẫu chưa hoàn thành.

[2] Tủ sách dành cho thiếu nhi.

Dưới gầm giường là một ngăn kéo đựng đầy đồ chơi. Virginie không bao giờ đụng vào những thứ đó. “Toàn đó chơi của bọn con trai”, con bé nói như thế với cái thái độ khinh miệt. Thứ duy nhất mà con bé đã lấy lại bộ điều khiển Nintendo. Con bé có thể ở lì hàng giờ liền trong phòng để đương đầu với những chiến binh ảo mà nó quật ngã hết người này đến người kia.

Virginie cũng nói với tôi là trên tường có những vết kẻ vạch đánh dấu chiều cao của anh con bé. Những vết bút chì đã gạch mứt 1 mét 30 và sẽ không bao giờ cao thêm nữa.

Tôi thật sự không muốn ngủ trong căn phòng này. Không phải là tôi sợ ma, nhưng việc ngủ ở đây, trong căn phòng của một đứa trẻ đã chết với những đồ dùng thân thuộc của người chết ở xung quanh có một ấn tượng rất kỳ lạ. May mắn là lúc này, tôi rất buồn ngủ và tôi không muốn bị tỉnh giấc trong đêm ở đây.

Thật không thể tin nổi được là mọi người trong gia đình này có thể quên ngay sự có mặt của tôi ở đây. Họ nói chuyện với nhau trước mặt tôi cứ như thể là tôi không tồn tại vậy. Cứ như là người ta không biết là trong nhà họ đang có một cái camera theo dõi mọi cử động của họ để hoàn thành phóng sự vậy. Còn tôi thì không phải là camera, mà là một cái máy thu âm. Tôi lắng nghe và im lặng. Còn chuyện sáng nay thì đúng là một “cơn bão” được thu âm bằng âm thanh dolby stéréo[3].

[3] Tên một chuẩn âm thanh. Phòng thí nghiệm Dolby đặt tên cho công nghệ thu âm thanh bằng một công nghệ quang học thay vì thu bằng đầu đĩa như trước, cải thiện chất lượng âm thanh rất nhiều vì nó hạn chế việc mất hay nhiễu tín hiệu khi thu.

Hélène:

-Em chán ngấy rồi, anh có nghe thấy không? Em chán ngấy lời trách móc của anh rồi.

Paul:

-Còn anh, em nghĩ là anh không chán hay sao? Hay em nghĩ là anh đang vui vẻ? Đó là con trai anh, em có biết không?

-Thế còn Virginie, nó đang ở đây, anh không thèm quan tâm đến nó. Nó vẫn còn sống, nó cần anh.

-Đó không phải là vấn đề, vấn đề là ở chỗ em đang buông xuôi mọi chuyện. Em hãy tỉnh lại đi. Mẹ kiếp! – Paul kêu lên.

-Với anh thì dễ, vì anh không bao giờ ở đây, anh chẳng quan tâm đến chuyện gì cả. Nếu bọn em có biến mất thì anh cũng chẳng cần biết.

Sau đó có tiếng bát đĩa đổ vỡ.

-Mẹ kiếp! Đưa cho tôi cái chổi.

-Anh đi mà lấy nó.

-Bố ơi, chúng ta bị muộn mất.

-Virginie, vào phòng khách lấy cặp đi.

-Nhưng con xong rồi, bố ơi…

-Được, chúng ta đi.

-Paul, chúng ta cần phải nói chuyện!

-Không phải lúc này.

-Vậy thì khi nào? Cho em biết khi nào?

-Anh muộn rồi, Hélène, tha lỗi cho anh. Virginie! Áo khoác của con đâu?

-Anh có hiểu được là em mệt mỏi lắm rồi không? Paul! Paul!