Thành Cát Tư Hãn

Chương 12

Lãnh thổ Mông-cổ bây giờ tiếp giáp với ba nước lớn: phía Đông và Đông Nam, sau dãy Vạn lý trường thành là Đại-Kim đang thời kỳ cường thịnh; phía Nam là nước Tây-Hạ; phía Tây bên kia núi Pamir là đế quốc Tây-Liêu.

Để chuẩn bị cuộc xâm lăng, bộ Tổng tham mưu Mông-cổ thả rất nhiều điệp viên qua ba nước ấy dò la thực lực, quan sát binh tình.

Lúc ấy Tây-Liêu đang ở dưới quyền cai trị của một hoàng đế lão nhược không thích gây hấn với ai nữa. Nhưng bọn thái thú của ông ta rất hà khắc khiến cho dân các xứ phiên thuộc như Thổ-phồn hết sức ca thán. Trong thời kỳ này quân Mông-cổ đã tiến sâu vào vùng núi Altai, đánh đuổi khả hãn Bui-Rúc chấm dứt cuộc đô hộ Nãi-man, nước Thổ-phồn mới mở rộng ra từ biên giới Mông-cổ đến Tây-Liêu. Thành Cát Tư Hãn gởi một sứ bộ qua Thổ-phồn gọi vua I-Di-Cút hãy qui phục Mông-cổ. Nhà vua liền gởi đồ cống hiến đến trước rồi đích thân tới Mông –cổ xin làm phiên thần.

Dân Tây-Hạ thuộc giống Tây-tạng, xưa kia là bộ lạc Thát-bạt chiếm khu vực A-la-chan và Ordos, đời Đường qui phụ Trung-hoa nhưng người em chú bác lại hàng Liêu được phong Hạ-vương. Vua Tống cho Kế-Bổng dụ Kế-Thiên bỏ Liêu theo Tống, nhưng chẳng bao lâu hai anh em đều phản Tống. Kế-Bổng bị bắt, Kế-Thiên chiếm Linh-châu làm căn cứ. Truyền xuống đời cháu là Nguyên-Hạo một tay hùng kiệt nhiều mưu lược, thu dụng văn minh Trung-hoa, đánh chiếm 18 châu ở Hà-tây (thuộc các tỉnh Thiểm-tây, Cam-túc và một phần đất Tân-cương ngày nay) định đô ở Ninh-hạ, quốc hiệu Đại-Hạ. Vua Tống phong Tây-Hạ quốc vương.

Sau hồi chiến thắng Nãi-man, Thành-Cát Tư-Hãn mới biết rõ Tây-Hạ qua kinh nghiệm bản thân. Ông xua quân đột kích vào vùng biên cảnh xứ nầy đốt phá mấy làng, thấy dân tộc này là dân đô thị không quen chinh chiến. Kị binh Mông-cổ đã xéo tan đám bộ binh chuyên phóng lao của họ, nhưng không muốn vào sâu hơn nữa, Đại-Hãn cho rút quân về. Cho nên người Tây-Hạ không cho là quan trọng, họ quan niệm như một cuộc quấy nhiễu cướp bóc thông thường của dân du mục.

Nước láng giềng thứ ba là đế quốc Kim sau dãy Trường-thành. Dân Kim thuộc giống người Nữ-chân (Djurtchat) xuất phát ở thượng lưu sông Amour, là một dân tộc mạnh mẽ, chất phát. Thời ấy nước Liêu cho Hoàng-Nhan Ô-Cốt-Nãi làm tiết độ sứ đất Nữ-chân. Ô-Cốt-Nãi truyền xuống 5 đời đến Ô-Cốt-Dã thì phản Liêu, chiếm miền Đông bắc tỉnh Cát-lâm ngày nay, xưng đế gọi là nước Kim. Ít lâu sau Kim lại xua quân đánh chiếm nước Liêu, hạ thành Yên-kinh (1125). Diệt Liêu rồi Kim lại xua quân đánh Tống, vây hãm kinh đô, vua Khâm-Tông phải nhường đất, nạp cống phải gọi vua Kim bằng bác, gởi thân vương, tể tướng làm con tin. Nhưng chưa đầy một năm quân Kim lại hãm kinh thành, lập Trương-Bang-Xương làm Sở đế rồi bắt vua Khâm-Tông cùng hoàng gia về Bắc, Trương-Bang-Xương lui về đóng đô ở Lâm-an (Chiết-giang) đó là vua Cao-Tông nhà Nam-Tống. Bây giờ nước Kim chiếm cả miền Bắc Trung-quốc gồm có Đông tam tỉnh, các tỉnh ở lưu vực Hoàng-Hà, tỉnh Giang-tô, tỉnh An-huy và dãy đất phía Bắc sông Hoài, đóng đô ở Yên-kinh (Bắc-kinh).

Ngoài những báo cáo tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết của bọn điệp viên, Thành-Cát Tư-Hãn còn đặc biệt chú trọng đến những lời tường thuật của bọn thương nhân. Trong Kim trướng đại hãn nhắp koumiss yên lặng, chăm chú nghe họ kể từ những kỳ lạ này đến kỳ lạ khác: những cái cầu đá bắc ngang sông; những chiếc thuyền cao rộng ngược xuôi trên dòng nước. Hạng giàu có không cỡi ngựa mà ngồi trên những chiếc xe chạm trỗ vàng son… Tất cả những gì bày ra ở nước Kim đều lộng lẫy, ngoạn mục không thể tưởng tượng được. Chẳng những giàu sang, hoa lệ nước Kim còn hùng mạnh nữa. Thành thị của họ rộng lớn vô cùng chứa không biết bao nhiêu dân chúng mà kể, có thể nói tất cả dân Mông-cổ tụ họp lại chỉ mới đủ cho một thành mà thôi. Những đô thị ấy đều bao bọc bằng một vòng tường thành vĩ đại, cao ngất, không có con ngựa nào trên thế gian này vượt qua được, cũng không có kẻ địch nào trèo qua nổi. Mỗi đô thị chỉ bắt một người dân đi lính thôi, hoàng đế nước ấy sẽ có một đạo quân đông gấp mấy lần quân đội Mông-cổ. Họ có những cây cung phải 20 người giương mới nổi, những chiến xa tới 20 con ngựa kéo. Lúc giao chiến họ phóng lửa vào quân địch, tiếng nổ như sấm sét, vật gì cũng bị phá tan thành mảnh vụn…

Càng nghe nhiều về câu chuyện của bọn thương nhân, Thành-Cát Tư-Hãn càng lo lắng nghĩ ngợi vì họ thuật đúng như báo cáo của điệp viên: những phương tiện chiến tranh của hoàng đế Kim thật không có cách gì phá được; quân đội nhiều vô tận, thành trì bất khả xâm, vũ khí muôn trùng không đếm xiết.

Mà chủ trương của ông thì phải đánh nước Kim, phải liều với họ một trận giặc vì lẽ sống còn. Có điều khó hiểu là tại sao lần này nước Kim để yên cho ông thống nhất lực lượng du mục vì từ mấy trăm năm qua đế quốc này luôn luôn phá hoại sự đoàn kết của dân tộc ở lều. Họ cứ liên kết bộ lạc này để tiêu diệt bộ lạc khác. Với chiến thuật ấy họ diệt ngay từ lúc nẩy mầm lực lượng nào có cơ phát triển. Họ đã đầu độc khả hãn Ka-Buôn, giết khả hãn Ka-Tuôn, xử cực hình hai khả hãn khác trong tộc Bọt-Di-Dinh chỉ vì những vị chúa nói trên đã qui tụ được một số bộ lạc đông đảo.

Thật ra lần này cuộc diện ở mạn Bắc thay đổi quá nhanh chóng khiến nước Kim không dở trò gì được. Thành-Cát Tư-Hãn lần lượt chiến thắng những kẻ địch mà bọn tướng lãnh Kim ngỡ rằng bọn ấy mạnh hơn và nguy hiểm hơn ông, như Tô-Ha-Rin, Tút-Sa-Bét, Bai-Bu-Ka. Họ đã đánh giá ông sai lầm, nên sau bức Trường thành họ chểnh mảng trong việc tung ra những âm mưu có thể đưa ông đến chỗ thất bại. Đến lúc ông tiêu diệt hết kẻ địch, sự thống nhất Mông-cổ đến tai họ một cách bất ngờ như một tiếng sét. Mãi đến sau cùng hoàng thân Vĩnh-Tế mới làm cuộc hành trình gần hai ngàn dặm qua sa mạc để xem sự gì đã xảy ra thì đã quá muộn. Không còn một bộ lạc nào mà nước Kim có thể kéo bè về với mình được. Bây giờ muốn dẹp ông, nước Kim phải xua quân qua sa mạc mới được. Nhưng ông đã biết rõ thứ quân đội này hồi 10 năm về trước lúc đánh quân Thát-đát. Họ muốn tới thì cứ tới…

Thật ra chính cái quỉ quyệt của bọn cầm quyền nước Kim đã làm cho Thành-Cát Tư-Hãn lo ngại. Không những họ che chở ủng hộ bọn bất mãn, mà còn gieo sự bất mãn xúi giục, thúc đẩy bọn này nổi loạn. Đáng lo nhất là mấy vương tử chẳng biết có duy trì nổi kỷ luật sắt đối với đám thân vương hay không vì đám này dễ bị cám dỗ, thiếu kiên nhẫn trước những áp lực? Bọn Kim nếu mưu chia rẽ mấy người con của ông ra bằng cách phong chức tước, hứa hẹn lạc quan, chẳng biết chúng nó có đủ trí khôn ngoan để đương đầu lại không? Tây-liêu và Tây-hạ không phải là thứ láng giềng nguy hiểm. Chỉ có đế quốc Kim hễ ngày nào còn bênh cạnh là Mông-cổ còn bị mối đe dọa nặng nề.

Vì những lẽ trên mà Thành-Cát Tư-Hãn cương quyết phát động một cuộc chiến tranh qui mô, một cuộc chiến tranh để giải quyết dứt khoát vấn đề với nước Kim. Nhưng qua những tin tức ông thấy rõ quân đội Mông-cổ chưa đủ tiềm lực, chưa sẵn sàng để tiến tới một trận chiến định đoạt. Cho nên với tất cả sự lo xa và dè dặt, Thành-Cát Tư-Hãn bắt đầu một cuộc chuẩn bị chu đáo cho chiến cuộc khốc liệt sau này.

Tây-hạ là một nước có thành trì, có quân đội vũ trang và được huấn luyện theo Trung-quốc. Đại hãn nhận thấy thượng sách là đem quân lực của mình thử sức trước ở tại nước này đồng thời để rèn luyện binh sĩ quen với chiến thuật công thành.

Ông liền xua đoàn kị binh tiến vào Tây-hạ, đánh tan đạo quân ra nghinh chiến, tràn vào một ít làng nhỏ và tiến tới trước thành Wolohai, một cái thành kiên cố. Khi thế đang hăng, quân Mông-cổ liền ào tới hãm thành. Họ tấn công nhiều đợt liên tiếp nhưng đều thất bại nặng. Sau cùng Thành-Cát Tư-Hãn đích thân chỉ huy tung ra một đợt tấn công nữa nhưng cũng vô hiệu quả. Bấy giờ mới thấy rõ kị binh Mông-cổ không thể thành công trong lối đánh giặc này. Họ không thể kiên nhẫn chờ đợi, không biết tiến tới mục tiêu từng bước một…

Nỗi bất mãn và hoang mang lan tràn khắp các trại, nhưng đại hãn không nói tới chuyện rút quân. Sau mấy ngày tính toán ông đem áp dụng một quỉ kế: đề nghị với bọn chỉ huy trong thành nếu đem nạp gấp 1.000 con mèo và 10.000 chim én, ông sẽ hạ lịnh rút quân. Viên tướng thủ thành hết sức ngạc nhiên, không hiểu bọn rợ đòi như thế để làm gì, nhưng cũng tổ chức một cuộc lùng bắt tất cả mèo và chim én đem nạp, tuy nhiên họ rất dè dặt không dám mở cửa thành. Đại hãn đâu cần mở cửa thành làm gì nữa. Ông cho binh sĩ cột vào đuôi mỗi con vật nói trên một chùm bổi, châm lửa đốt rồi thả ra tất cả. Bị lửa đốt nóng, chim én kinh hoàng bay về chui vào các mái tranh, mèo thì chạy cuồng loạn rút vào các xó nhà. Dân chúng trong thành nhốn nháo cả lên rùng rùng đi đuổi bắt, nhưng bắt sao cho hết được. Chẳng bao lâu lửa dấy lên cháy lan tràn khắp bốn phía thì ngay lúc ấy quân Mông-cổ ồ ạt trèo vào thành.

Binh Mông-cổ reo hò vang dậy: họ đã chiếm được thành. Không có sức nào kháng cự nổi với đại hãn của họ! Họ sẽ kéo đi chiếm trọn lãnh thổ Tây-hạ!

Nhưng Thành-Cát Tư-Hãn không lạc quan như thế, vì quỉ kế này chỉ đem lại một lần thắng lợi mà thôi. Lần sau thì làm thế nào? Ông thấy rõ mình bất lực trước những bức tường thành. Cho nên quân sĩ đều ngạc nhiên không hiểu sao đại hãn không tiến binh nữa.

Trong lúc ấy vua Tây-hạ ráo riết tổ chức một đạo quân mạnh và tăng cường sự phòng thủ ở các nơi khác. Nhưng bách quan kéo tới vương cung ở Ninh-hạ đồng tâu rằng: “Chúa Mông-cổ đòi phải nạp tuế cống, ông ta mới chịu nghị hòa và rút quân ra khỏi đất nước”.

Nghe qua chúa Tây-hạ bừng bừng nổi giận, muốn bác bỏ đề nghị hỗn của dân du mục vì có bao giờ chúa tể một đế quốc rộng lớn lại chịu làm phiên thần của một tù trưởng man rợ? Bọn tướng lãnh phải nhắc cho nhà vua nhớ là chính hoàng đế Trung-quốc đã có lần phải tạm thời cống hiến bảo vật cho một vương tử Mông-cổ để họ lui quân rồi sau đó chỉnh tu binh mã đánh quật trở lại.

Thế là Tây-hạ đành chịu nghị hòa đem nạp cống phẩm, Đại hãn liền rút quân về đoàn trại. Quân sĩ Mông-cổ từ đó càng nôn nao khao khát những cuộc viễn chinh mới. Riêng Thành-Cát Tư-Hãn, ông đã thấy rõ sức mạnh của dân đô thị và nhược điểm của quân lực mình. Chỉ còn cách là phải khai thác những kinh nghiệm vừa qua.

Sau trận này Thành-Cát Tư-Hãn nhận thấy cần phải rèn luyện lại cấp lãnh đạo quân sự, tạo một tập đoàn tướng lãnh tinh thông binh pháp có đầy đủ khả năng đối phó với mọi tình thế khó khăn. Do đó tất cả tướng lãnh và tù trưởng ở các nơi đều được gọi về trung ương dự những lớp giảng về binh pháp của ông… Để ngăn ngừa sự trốn lánh, ông ra một điều luật mới ghi trong Yassa: “Ai có ý trốn tránh không tới họp mặt để nghe huấn dụ của ta, người đó sẽ lâm vào số phận của một hòn đá rơi xuống nước không ai còn thấy bóng nữa”.

Ba mươi năm sau thời kỳ mở những lớp giảng huấn nói trên, Bạt-Đô – cháu nội của Thành-Cát Tư-Hãn – tổ chức một lực lượng 600.000 người mà trong đó chỉ có một phần tư người Mông-cổ. Tất cả số người này đều giữ chức vụ chỉ huy từ hàng thập phu trưởng đến hàng cao cấp nhất. Đám thượng tướng của Bạt-Đô có thể điều khiển dễ dàng cùng một lúc nhiều chiến dịch hành quân trên một dải đất bao la từ Ba-lan đến Ba-nhĩ-cán, từ sông Dnieper đến biển Adriatique, và sau kết thúc những trận đánh rồi, các quân đoàn đều tập họp trở về đông đủ cả. Không một nhà chỉ huy quân sự nào của Âu-châu thời bấy giờ có thể làm tròn được một nhiệm vụ nặng nề phức tạp như thế.

Khóa học đầu tiên của trường quân sự Mông-cổ là khóa học về chiến thuật công thành: cách sử dụng thang dây, bao cát, cách chế tạo và sử dụng những cái mộc vĩ đại dùng để đỡ tên, cho các đội xung kích. Mỗi bộ lạc phải chế tạo một số dụng cụ cần thiết để công thành, nạp vào kho quân cụ do những sĩ quan phụ trách việc giữ gìn và phân phát lúc xuất chinh.

Trong lúc ấy đại hãn lại phong Truật-Xích làm chủ tướng cùng với Tốc-Bất-Đài và Triết-Biệt điều động một quân đoàn lên mạn Tây Bắc quét cho sạch những đám loạn quân lẻ tẻ còn sót lại ở biên cảnh Mông-cổ. Bây giờ ông khỏi cần phải thân chinh đối với những đám giặc chòm như thế; một thế hệ mới đã trưởng thành và cần học tập chiến đấu dưới sự điều khiển của các thượng tướng lão luyện. Ở ngôi đại hãn ông chỉ cần ban bố những lời khích lệ tinh thần:

- Hỡi các tướng trung thành của ta! Các ngươi là hạng sáng sủa như vầng minh nguyệt thật xứng đáng là cấp chỉ huy các binh đoàn. Các ngươi là những hột trân châu trang điểm trên mũ miện của ta! Các ngươi phải là trung tâm điểm của vũ trụ, phải là núi đá đứng sừng sững giữa trời. Hỡi ba quân đang đứng quanh ta như bức tường thành kiên cố, đội ngũ chỉnh tề như cánh rừng sậy hãy lắng nghe lời nói của ta:

Các ngươi hãy đoàn kết chặt chẽ như năm ngón tay; lúc tấn công hãy như chim ưng đáp xuống con mồi; lúc tiêu khiển hãy vũ múa như con công; lúc giao chiến hãy lao vào kẻ địch như con ó lao xuống đàn gà…

Truật-Xích thống lĩnh quân đoàn qua Nãi-man bắt tất cả những bộ lạc bất tuân phải qui phụ rồi vượt qua rặng núi Saïan đổ xuống đồng cỏ Khirghises đặt bộ lạc nầy vào vòng thống trị. Bấy giờ bộ lạc Oi-Rat đang bị quân Miệt-nhi tàn hại, liền tình nguyện dẫn đạo đi lùng kẻ thù. Chúa Miệt-nhi là Tút-Sa-Bét không còn đường né tránh nữa đành phải giao chiến, rốt cuộc bị bắt giết.

Chót hết là Gút-Sơ-Lút một kẻ thù cũ còn sống sót, chạy thoát được qua hàng Tây-liêu.

Thành-Cát Tư-Hãn rất hài lòng về chiến công của thái tử. Khi đoàn quân chiến thắng trở về ông cho tổ chức một cuộc đón rước cực kỳ long trọng, rồi ban thưởng cho Truật-Xích một hãn địa riêng. “Lần đầu tiên xuất chinh không có ta bên cạnh mà con khuất phục được các bộ lạc ở rừng không hao quân, thật đáng khen. Ta ban thưởng cho con tất cả những miền vừa mới bình định ấy.”

Món quà nầy sau trở thành một đế quốc riêng tức đế quốc Khâm sát mà các sử gia thường gọi là Kim-hãn-địa (Horde d’or) bao gồm những thái ấp của các vương tử Nga. Suốt nhiều thế kỷ đám vương tử Nga phải đến tuyên thệ trung thành trước khả hãn Mông-cổ để được sắc phong vương tước.

Hai năm sau chiến cuộc Tây-hạ bỗng có tin cấp báo về Onon: hoàng đế Kim đã băng hà, thái tử Vĩnh-Tế lên nối ngôi.

Năm đầu Tây-hạ có đem nạp cống đầy đủ nhưng qua năm sau không thấy họ tới nữa. Như thế có nghĩa là tự cho mình có đủ lực lượng đối phó rồi, nếu không vị tân vương không dám nạp cống trễ chớ đừng nói đến việc lờ đi như thế.

Thành-Cát Tư-Hãn liền vin cớ đó khởi binh tái chiến với Tây-hạ. Ngay trận đầu quân Tây-hạ bị đánh tan rã; binh Mông-cổ liền tiến chiếm thành Wolohai, đoạt thêm một thành nữa rồi vượt qua Trường thành. Tại đây binh Mông-cổ lại giao chiến với một đạo binh do một vương tử Tây-hạ chỉ huy. Quân địch bị tổn thất nặng phải rút về thành Ninh-hạ là đế đô nằm trên thượng lưu sông Hoàng-hà. Quân Mông-cổ đuổi theo và bao vây kinh thành.

Một lần nữa quân Mông-cổ đành chịu bất lực trước những vách thành kiên cố. Thật ra lúc bấy giờ họ đã tiến tới trình độ có thể chiếm những thành nhỏ, nhưng Ninh-hạ là một đô thị lớn đông dân, phòng thủ thật vững chắc không dễ gì hạ nổi. Mà thì giờ thì cấp bách, không thể chần chờ ở xứ nầy được vì Thành-Cát Tư-Hãn chỉ nghĩ tới nước Kim, muốn diệt đế quốc ấy càng sớm càng tốt. Đại hãn nghe nói người Trung quốc có chiến thuật tháo nước cho ngập thành, liền sai đi bắt một số dân Trung-quốc về bảo xây một cái đập lớn, lùa nước sông Hoàng-hà vào thành Ninh-hạ. Nhưng mới xây lên được phân nửa thì đập vỡ, nước tràn ra lụt hết cánh đồng mà quân Mông-cổ đang đóng trại. Họ phải cấp tốc cuốn lều chạy lên các đồi cao.

Tuy vậy tình thế của quân Tây-hạ cũng không có gì lạc quan hơn. Chiếm thành không được, quân Mông-cổ liền tràn ra khắp các làng mạc cướp phá tan tành; quân Tây-hạ cứ bế môn ở mãi trong thành chẳng làm gì khác hơn được. Cho nên khi quân Mông-cổ gởi sứ giả tới nghị hòa, chúa Tây-hạ mới thở ra nhẹ nhõm chấp nhận tất cả các điều kiện hết sức khắt khe: nộp tuế cống thật nặng; phải trợ lực Mông-cổ trong những cuộc chinh phạt ở các nước khác và để tỏ thiện ý, phải gả công chúa cho đại hãn (1209). Thế rồi yến tiệc mở ra linh đình mừng tình hữu nghị giữa hai nước. Xong đâu đó, Thành-Cát Tư-Hãn vội vã rút quân về.

Được nửa đường bỗng có mã khoái “Tên bay” từ miền đồng tới báo tin một đoàn sứ giả nước Kim đã tới cõi ngoài Trường thành. Đại hãn liền dừng binh đón chờ. Ông ra đứng trước lều tiếp sứ giả của vua Kim. Viên chánh sứ bảo người thông ngôn nói lại rằng “có chiếu chỉ của hoàng đế Đại kim, Đại hãn phải làm lễ bái lĩnh”.

Thành-Cát Tư-Hãn hỏi:

- Hiện giờ ai là hoàng đế nước Kim? - Làm như ông không hay biết về việc đổi ngôi.

Sứ giả trả lời:

- Hoàng đế Vĩnh-Tế.

Thành-Cát Tư-Hãn liền quay về hướng Nam, thay vì quì lạy kính cẩn, lại khạc xuống đất với vẻ vô cùng khinh bỉ.

- Ta tưởng rằng kẻ nào tự xưng là thiên tử phải là hạng khác thường; còn hèn nhát như thằng Vĩnh-Tế thì ra cái thá gì mà bắt kẻ khác phải quì lạy!

Nói xong đại hãn sai đem ngựa lại tiếp tục cuộc hành trình.

Phần viên chánh sứ, hắn quay trở về với cả một nỗi khổ tâm mong cho đường càng xa càng tốt. Hắn vò đầu bứt tóc không biết phải tâu trình như thế nào với hoàng đế về lời lẽ khinh miệt của chúa du mục. Và mặc dù đã dùng lời lẽ hết sức khéo léo che giấu bớt sự thật, hoàng đế cũng nổi cơn lôi đình lên quát vệ sĩ tống hắn vào ngục.

Rồi nhà vua hội tất cả bá quan văn võ ở Yên-kinh lại hỏi ý kiến từng người. Ý kiến rất phức tạp và trái ngược nhau. Sau cùng nhà vua mới quyết định, hạ lịnh cho các tướng:

Viên tướng chủ trương đánh phải dẫn quân đến tận sào huyệt bọn Rợ trừng phạt thẳng tay tên tù trưởng.

Viên tướng chủ trương dò xét hành động bọn Rợ phải gấp rút đào hào đắp lũy án ngữ ngoài Trường thành, tăng cường quân trú phòng ở các nơi để phòng địch đánh bất ngờ.

Mới tới sa mạc Gobi, viên tướng viễn chinh đã ngao ngán án binh tại đó rồi thả lính đi cướp lương thảo của dân Ong-Gút là dân phiên thuộc của Kim. Ngay lúc đó, thân vương Triết-Biệt được lịnh Thành-Cát Tư-Hãn dẫn 2 vạn phu xuống mạn Đông tìm họ. Quân Mông-cổ ồ ạt tấn công, đại thắng quân Kim, san bằng cái lũy vừa mới đắp lên rồi kéo dân Ong-Gút về thần phục Mông-cổ.

Sau trận nầy quân Kim mất hết nhuệ khí, tinh thần chiến đấu rã rời. Nguy hơn nữa là trận đầu của triều đại mới mà thảm bại như thế làm sụp đổ luôn lòng tin tưởng của dân chúng, cho nên hoàng đế Kim phải cho yết thị khắp nơi cấm nhặt không cho loan tin “Có quân Rợ kéo tới ngoài Trường thành”, ai vi lịnh sẽ bị cực hình.

Ít ngày sau quan trấn thủ Trường thành lại gấp rút về triều cấp báo: quân Mông-cổ đang chuẩn bị đánh lớn. Nhưng ông ta bị hoàng đế khiển trách nặng nề; ngài cho rằng ông tâu láo khoét, đế quốc Kim với Mông-cổ vẫn đang giao hảo tốt đẹp. Quan trấn thủ lại cứ quả quyết rằng quân Mông-cổ đang mài tên giũa giáo, chắc chắn sẽ có trận xâm lăng… Kết quả ông ta bị tống vào ngục.

Nhờ thế mà Thành-Cát Tư-Hãn được trọn một năm hoàn yên ổn để chuẩn bị trận đánh lớn nhất của đời ông.