Thành Cát Tư Hãn

Chương 22

Thành- Cát- Tư – Hãn bắt đầu thấy mệt mỏi vì những ám ảnh nặng nề của tuổi già. Ông thường hay nói: “Thần Chết đã chờ trước ngưỡng cửa để rước ta”. Một hôm ông cho gọi tất cả đám con cháu về và phán rằng: “Nhờ ơn Trời giúp sức, ta đã gây dựng cho chúng bây một đế quốc rộng lớn, từ trung tâm phi ngựa về phía đông hoặc phía tây suốt môt năm cũng chưa tới biên giới. Ta chỉ tiếc đời ta quá ngắn ngủi không kịp hoàn thành cuộc chinh phục thế giới. Nhiệm vụ của chúng bây là tiếp tục công cuộc ấy. Phải đồng tâm nhất trí để thắng kẻ thù và để có thể sống lâu dài, hạnh phúc”. Ông thuật một chuyện ngụ ngôn:

“Thuở xưa có hai con rắn: một con có nhiều đầu nhưng chỉ có một cái đuôi, và một con chỉ có một đầu nhưng có nhiều đuôi. Đến mùa đông giá lạnh, chúng nó tìm được một cái hang để trú ẩn. Cửa hang quá nhỏ hẹp, khiến con rắn nhiều đầu không thể chun xuống được. Mấy cái đầu của nó cứ tranh nhau, gây gổ với nhau, sau cùng nó tìm được nhiều cửa hang rồi mỗi đầu chun xuống một cửa, nhưng cái đuôi làm sao xuống được? Rắn đành chịu chết! Còn con rắn một đầu thì chui xuống hang dễ dàng với tất cả đuôi qua được mùa đông.

Rồi với giọng nghiêm khắc đại hãn kết luận: “Chỉ một đứa trong các con sẽ lên nối ngôi đại hãn của ta.”

Nhìn một lượt qua các vương tử ông nói tiếp: “Đứa nào trong chúng bây có thể cầm đầu đế quốc của ta?”

Các vương tử liền một loạt quì xuống xin phụ vương hãy quyết định, họ nguyện triệt để tuân theo. Thành – Cát – Tư – Hãn nhìn từng người một thật lâu rồi quyết định: “Oa – Khoát – Đài hãy nối ngôi ta.”

Các vương tử thật sự không có người nào có cái thiên tài và những đức tính như ông, tài dùng người, tài thao lược, với ý chí sắt đá và lòng kiên nhẫn vô biên... Chỉ còn cách là chọn người nào có được một vài đức tính thiết yếu mà thôi. Sát – Hợp – Đài thì tính khắc nghiệt, đa sát; Đà – Lôi có tài thao lược, giàu nghị lực nhưng thiếu nhiều đức tính lãnh đạo; Oa – Khoát – Đài được giao ngôi báu chỉ vì đệ tam vương tử “biết nghe lời khuyên của kẻ khác, biết dùng người theo khả năng, biết chinh phục lòng những kẻ dưới tay, biết dàn xếp nội bộ” mặc dù đệ tam vương tử hơi kém nghị lực, chỉ có cái tật hay say sưa mà vẫn không chừa được.

Thành Cát Tư Hãn nghĩ xa trong tương lai và nhằm một mục đích rõ rệt nên không cần ý chí sắt đá và tài thao lược. Ông đặt thuật dùng người và lòng khoan dung lên trên tất cả các đức tính khác của người lãnh đạo.

Sau khi quyết định, ông hỏi Oa – Khoát – Đài có điều gì muốn nói không. Vương tử tâu rằng:

- Thưa phụ vương, phụ vương đã cho phép con mới dám nói; con đâu dám từ chối ngôi báu của phụ vương đã giao, và nguyện sẽ cố gắng cai trị đế quốc một cách khôn khéo, tài ba. Nhưng chỉ sợ sau nầy đám con của con không đủ sức để gìn giữ ngôi báu nữa. Đó là điều con muốn nói.

- Nếu con hoặc cháu của mầy không đủ tài đức thì hãy chọn đứa nào xứng đáng trong hàng cháu của ta lên kế vị.

Thực ra trong thâm tâm Thành Cát Tư Hãn không muốn để cho Oa – Khoát – Đài lập một dòng đại hãn riêng nên đã qui định sẵn một thể thức ghi trong Yassa để hội đồng quí tộc chiếu theo đó mà thi hành. Ngoài ra lại giao cho Đà – Lôi quyền giám sát đế quốc…

Mọi sự sắp đặt đã chu đáo như vậy mà Thành Cát Tư Hãn vẫn chưa yên tâm, lòng vẫn canh cánh lo sợ mối chia rẽ xảy ra giữa đám con cháu. Trong cơn hấp hối, ông còn ráng giảng thêm một lần nữa bài học đoàn kết và tương trợ. Với lấy túi tên, ông rút ra đưa cho mấy người con cháu mỗi người một mũi, bảo họ thử bẻ gãy mũi tên trên tay …

- Chúng bây có thấy chưa, nếu hành động riêng lẻ, số phận của chúng bây sẽ như những mũi tên nầy! Chúng bây sẽ bị kẻ thù khinh rẻ, chà đạp và cướp đoạt!

Xong rồi ông đưa nguyên bó tên bảo họ lần lượt thử bẻ gãy như hồi nãy nhưng không một ai bẻ nổi. Bây giờ ông mới nghiêm giọng nói:

- Đó là hình ảnh của sự đoàn kết chặt chẽ giữa chúng bây; đừng trông cậy vào kẻ khác, nhất là đừng nghe kẻ thù, hãy giúp đỡ nhau, bao bọc nhau trong mỗi cảnh ngộ ở đời; phải triệt để tuân hành luật Yassa và bất cứ làm việc gì hãy làm cho tới cùng! Ta nhắc lại chỉ có đoàn kết và tương trợ lẫn nhau, chúng bây mới giữ nổi đế quốc của ta … Bây giờ chúng bây hãy trở về quân đội đi!

Đại hãn sai Oa – khoát – đài qua nước Kim, Sát – hợp – đài qua phương Tây, Bạt – Đô về Mông – Cổ …

Nhưng cho đến phút cuối cùng, Thành Cát Tư Hãn vẫn không trút được gánh lo âu về nước Kim. Trên chiếc giường chờ đợi Tử thần, ông thảo cho Đà – Lôi một kế hoạch đập tan lực lượng của nước Kim, kẻ thù muôn thưở của dân du mục:

Tinh binh của nước Kim đều đóng ở miến tây; trên bắc có sông Hoàng hà chắn ngang, dưới Nam có núi cao che chở, ta không thể nào thắng họ ở đó được. Nhưng nước Tống lúc nào cũng chực diệt Kim, sẽ cho quân ta mượn đường tiến đến vùng bình nguyên phía Đông. Từ đó quân ta tiến thẳng tới vây hãm Khai – phong. Tất nhiên hoàng Kim sẽ gửi tinh binh đóng ở miền Tây về tiếp ứng giữ kinh sư. Họ phải trẩy quân đi ngàn dặm mới tới Khai phong, người ngựa đều mệt, bấy giờ quân ta đổ ra đánh tất sẽ diệt được!

Trước giờ chết đại hãn còn ra một lịnh cuối cùng: phải giấu kín tin ta chết và khi thái tử Tây-hạ đến bái kiến, phải giết đi luôn cả bọn tùy tùng. Tất cả hàng quý tộc và cận tướng phải về Mông-cổ, bấy giờ mới được phát tang (I8 tháng 8 năm 1227).

Quân Mông-cổ triệt thoát ra khỏi Tây-hạ, lục tục kéo về nước. Trên đường hồi hương họ ca hát cười đùa như không có việc gì xảy ra, chỉ có khác là ngựa phi mau hơn lệ thường. Các binh đoàn ở xa như Khâm-sát, Nãi-man, Liêu-đông cũng kéo về, có vẻ gấp rút hơn, nhưng theo lịnh của bộ Tổng tham mưu phải trẩy đi như ra chiến trường.

Lúc sau nầy, trước viên môn của đại hãn bao giờ cũng có một cây giáo cắm mũi xuống đất báo hiệu vị Chúa tể đang lâm bịnh nặng. Không một ai được phép vào, trừ các vương tử, cận tướng và quân sư Chu-Thai. Quân túc vệ gác ngày đêm cực kỳ nghiêm ngặt, kín như một vòng tường sắt. Chỉ có một lần cửa hé ra cho bọn thái tử Tây-hạ vào, nhưng ít phút sau họ chỉ còn là những cái xác đậy kín khiêng trở ra hấp tấp. Lần lượt tất cả lều trại trong khu vực Đại bản doanh đều được hạ xuống xếp lại, sau rốt tới viên môn của đại hãn. Ở bốn phía, quân các trại cũng thu xếp lên đường, cuối cùng mới đến quân túc vệ. Họ án khắp bốn phía chiếc xe chở quan tài của đại hãn thành một vòng nhân tường dày đặc, khiến cho những cặp mắt tò mò đến đâu cũng không thấy được. Cỗ xe tang tiến đến đâu thì những kẻ lảng vảng ở trên đường hay ở trong những xóm nhà lân cận đều bị hạ sát không sót một người; trên suốt con đường, chiếc xe tang thầm lặng để lại phía sau toàn là thây người ngổn ngang. Tất cả các giống sinh vật từ người đến thú, chim, rắn...hễ vô phúc lọt vào tầm mắt của quân túc vệ là bị đuổi theo đến kỳ cùng. Cứ như thế cỗ xe tang vượt qua núi đồi, qua sông hồ, qua rừng rậm, qua sa mạc.

Chỉ một lần cái im lặng tang tóc bị cắt đứt lúc bốn bánh xe lún xuống đất sét xanh, ngựa khỏe nhất cũng không làm sao kéo lên được. Thân vương Gia-Ganh, viên tướng chỉ huy túc vệ phải cất cao giọng hát lên: ”Hỡi đại hãn, Chúa tể của dân Mông-cổ! Ngài nỡ nào để cho nhân dân xôn xao và đâu lẽ ngài lại muốn nằm giữa chốn hoang vu này! Thần dân của Ngài đang chờ đợi ngài ở quê nhà, nơi ngài đã chào đời. Bà Bật-tê, người vợ yêu quý của ngài, nàng Cúc-lan xinh đẹp, chiếc ngai vàng và viên môn kim tuyến đều ở quê nhà! Nơi này cát nóng như rang vùi dập quá nhiều xác quân thù, xin ngài hãy về nằm bên cạnh thần dân của ngài... Nếu chúng tôi không còn cái vinh dự làm tường đồng che chở cho ngài nữa, chúng tôi cũng nguyền đưa di thể tựa châu ngọc của ngài về quê hương mới mong thỏa mãn được nguyện vọng của toàn dân.”

Hình như lời khẩn cầu của thân vương được chấp thuận, bánh xe tang lăn qua khỏi vũng lầy tiếp tục con đường về.

Đến biên giới Mông-cổ đoàn hộ tang gặp một rừng người ra đón rước, họ khóc kể vang dậy đất trời; trong số ấy có 5 bà hậu với đám con, 500 vương phi và cung tần, những thượng tướng, những nhà quý tộc... Họ hát những khúc ai ca não nuột, giọng ngân dài trầm trầm trong lúc tiến về Délegune Boldok trên nguồn sông Onon. Đến đây linh cữu được dời qua một cỗ xe tang khác và chỉ một số người chọn lựa được tiễn đưa đoạn đường cuối cùng đến núi Bourkhane Kaldoun.

Trên đỉnh núi này xưa kia có một lần đi săn, đại hãn ngồi nghỉ dưới một gốc cây cổ thụ, trầm ngâm suốt cả ngày. Khi bọn tùy tùng đến đại hãn nói: ”Ta ưng chọn nơi này làm nơi yên nghỉ cuối cùng của ta, các ngươi hãy ghi nhớ”.

Cho nên họ mới chôn Thành Cát Tư Hãn ở bên gốc cổ thụ ấy.

Họ dựng chung quanh ngôi mộ 8 cái lều màu trắng để làm nơi thờ phụng và cắt 1000 quân túc vệ đóng trại ở chung quanh chân núi làm một hàng rào danh dự. Sau này trên đỉnh núi ấy còn thêm nhiều ngôi mộ nữa, đó là mộ của Đà-Lôi, Oa Khoát-Đài, Sát-Hợp-Đài, Mông-Kha và Hốt-Tất-Liệt. Mấy trăm năm sau một rừng cây mọc lên dày đặc trở thành một khu rừng thiêng, không ai dám bén mảng tới nữa khiến cho ngày nay không ai biết những ngôi mộ ấy ở nơi nào. Nhiều nhà khảo cổ đã phí công tìm tòi mà vẫn không gặp được mộ của Thành-Cát-Tư-Hãn. Họ biết rõ vùng núi Délegune Boldok, nhưng không biết đỉnh nào là đỉnh Bourkhane Kaldoun.

Di tích của nhà chinh phục vĩ đại nhất thế giới hiện chỉ còn một bộ đồ sô gai ở viện bảo tàng Bắc-kinh.

HẾT