Thành Cát Tư Hãn

Chương 3

Sau cái chết của Dã tốc Cai, các đoàn trại Mông Cổ liền rời bộ tộc Ki Dát đi tìm chủ khác.

Bà U Luân phi ngựa theo gọi họ lại. Nhưng họ đồng thanh đáp: "Vũng nước sâu cũng có ngày cạn. Hòn đá rắn mấy cũng phải có lúc nát thành cát bụi. Một người đàn bà với bầy con nhỏ dại như thế làm sao che chở được chúng tôi?"

Lời nói ấy đã lôi kéo luôn cả những đoàn trại còn phân vân "Một người đàn bà như thế không thể chỉ huy bao nhiêu đàn ông". Rồi lần lượt hết đoàn trại nầy đến đoàn trại khác kéo nhau đi, mỗi đoàn trại lùa thêm một mớ gia súc của Dã tốc Cai. Cho đến Muôn Lịch là người thân nhất, trước khi nhắm mắt Dã tốc cai đã gửi gắm vợ con lại cho hắn, mà hắn cũng bỏ ra đi không chút tình lưu luyến. Hơn bốn vạn lều, giờ đây chỉ còn lại trơ trọi có chiếc lều của gia đình Dã tốc Cai với lều của bà vợ nhỏ có hai đứa em trai khác mẹ của của Thiết mộc Chân là Bách cơ Ta và Biên gô Đài.

Từ đó Thiết mộc Chân cùng với Cát Xa - đứa em ruột - phải làm việc đêm ngày không nghỉ: nào chăn gia súc, nào bắt cá, hái trái, đào củ. Cảnh sống càng bi đát hơn nữa khi mùa đông tới; súc vật đều gầy mòn vì thiếu cỏ mà không dám ăn thịt sợ qua mùa ấm không đủ để gây giống ra. Cả gia đình cứ phải ăn củ rừng, rễ cây, vỏ cây đỗ tùng, hạt kê hoặc rắn nước, những thức ăn mà hạng quý tộc Mông Cổ không bao giờ nếm tới.

Trong tiết đông lạnh lẽo, những loài thú như chuột rừng, chồn cáo rất hiếm. Nhưng hai anh em Thiết mộc Chân đều là tay thiện xạ, mỗi lần buông mũi tên là hạ được một con thú. Tuy có công săn bắt mà không mấy khi đem được thịt về chỉ vì bọn anh em Bách cơ Ta cậy sức khoẻ hơn anh em Thiết mộc Chân, nên cứ chờ sẵn đâu đó, hễ thú vừa ngã xuống là bọn chúng ào đến lấy.

Thiết mộc Chân tức giận lắm nhưng không nói ra, chờ một hôm Biên gô Đài đi câu cá một mình, cậu liền bàn với Cát Xa tìm cách giết bớt một thằng em ngang ngược. Rồi cả hai đi tìm Bách cơ Ta tặng cho cậu này một lượt hai mũi tên chết không kịp la một tiếng.

Hôm ấy bà U Luân giận dữ, mắng Thiết mộc Chân một trận nên thân:

- Chúng bây như đồ chó dại cắn lẫn nhau. Bây có biết làm như thế là ngu xuẩn không? Tay chân ruột thịt còn ai đâu, sao lại tự chặt cánh tay của mình đi? Nếu chúng bây cứ cắn xé nhau như thế thì cái dòng Dã tốc Cai này sẽ ra sao? Cứ thế này thì ngày nào trả thù được bọn Diệt xích Ngột phản bội, bọn Thát Đát đã giết cha mầy?

Thiết mộc Chân nín thinh không trả lời gì cả. Từ đó cậu cố giữ hoà khí trong nhà, tận tình giúp đỡ Biên gô Đài, thường tặng quà cho cậu em và mỗi khi đi săn về đều dành một phần thịt cho nó. Biên gô Đài cảm phục anh, bỏ tánh ngang ngược và về sau trở thành một trong những viên cận tướng cùng vào sanh ra tử với Thiết mộc Chân.

Bỗng có tin lan truyền khắp miền đồng cỏ: Tạc gô Đài, Tù trưởng bộ lạc Diệt xích Ngột tự xưng là Khả hãn của tất cả dân Bọt di Dinh, trong đó có tộc Ki Dát. Như thế tất cả những mục trường nhiều cỏ ở các thung lũng phì nhiêu giữa hai con sông Onon và Kéroulène đều thuộc quyền sở hữu của hắn. Mặc kệ, chàng trai Thiết mộc Chân cứ lùa bầy gia súc của mình vào các mục trường ấy cho ăn, y như vẫn còn thuộc quyền thừa kế của mình. Tạc gô Đài chẳng buồn huy động lực lượng của các đoàn trại khác, chỉ dẫn theo một số bộ hạ đi “trừng trị thằng con của Dã Tốc Cai”. Y quyết bắt cho kỳ được Thiết mộc Chân, lúc đó đã lánh vào rừng sâu.

Bọn Diệt xích Ngột càn vào rừng như một cuộc săn thú, nhưng đến chỗ rậm rạp quá chúng không tiến được nữa, liền dừng lại bủa vây chặt chẽ khu đó. Bọn họ cứ thung dung chờ đợi. Lương thực thì đã có sẵn bầy trừu của Thiết mộc Chân, họ bắt ăn dần. Rồi lần lượt dời lều trại, đem vợ con và súc vật qua mục trường của Thiết mộc Chân.

Qua bao nhiêu đêm ngày, Thiết mộc Chân đói lả người, muốn tìm đường thoát ra nhưng đâu đâu cũng gặp bọn Diệt xích Ngột. Cùng quá chàng toan thoát ra một ngõ thì bị quân thù quăng dây thòng lọng kéo lôi đi như một con bê, điệu đến trước Khả hãn của họ.

Tạc gô Đài nhìn tên tù nhân, gật gù khoái trá: “Quả là một thanh niên Ki Dát mắt xám, tóc nâu, có cái nhìn kiêu hãnh lẫn khôn quỉ, chắc chắn hắn sẽ là một chiến sĩ tài ba. Giết hắn làm gì? Hắn có thể là cánh tay đắc lực của ta đấy!...”

Nghĩ xong Tạc gô Đài ra lệnh đóng cái gông lên cổ Thiết mộc Chân, rồi cho dẫn chàng đi một vòng qua khắp các trại cho mọi người thấy rõ uy quyền của tộc Ki Dát chấm dứt từ đây. Cái gong hết sức nặng, hai tay Thiết mộc Chân lại bị cột giăng ra hai đầu. Và để bóp chết lòng kiêu hãnh của chàng thanh niên, thay vì giao cho một chiến sĩ canh gác, người ta giao cho một thằng bé đứng giữ. Xong rồi tất cả bọn chiến sĩ tụ họp trong lều của Tạc gô Đài chè chén say sưa mừng cuộc chiến thắng.

Màn đêm buông xuống, trăng lên từ từ. Thằng bé lơ đễnh nhìn về phía Viên môn của Khả hãn, có lẽ đang ao ước một miếng thịt trừu. Thiết mộc Chân rón bước lại sau lưng nó, vận dụng hết sức lực đập cây gông vào đầu nó. Thằng nhỏ lăn ra bất tỉnh. Chàng liền chạy nhanh ra khỏi trại.

Khi hay tin, Tạc gô Đài biết mình đã quá khinh địch mới ra nông nỗi, liền chấm dứt buổi tiệc, ra lịnh tức khắc đuổi theo Thiết mộc Chân. Trăng không sáng lắm nhưng cũng đủ để theo dấu tên tù, dấu chân dẫn lần xuống mé sông. Bọn chúng biết một người bị đóng gông không thể nào lội qua sông Onon được nên cứ cho ngựa chạy dọc theo bờ: một toán ngược lên thượng lưu, một toán xuống hạ lưu. Chỉ còn lại một tên kỵ binh cứ đứng mãi ở đó nhìn chăm chú xuống dòng nước. Một lát hắn nhận ra một vật gì tròn, hơi động đậy ở giữa đám sậy, vừa tầm một cây lao phóng xuống. Chờ bọn kia đi đã xa hắn mới nói vọng xuống: “Ha! Bản lĩnh của chú em cao cường quá nên tụi nó không ưa là phải!” Rồi hắn thả ngựa đi từ từ theo hướng bọn kia.

Thiết mộc Chân trầm xuống nước đến ngang mũi, nhận được mặt người kỵ binh: lão Si Ra, trước kia là dân trong đoàn trại của cha mình. Lão có mấy đứa con thường chơi với chàng. Đợi lúc thật vắng lặng, chàng mới lần mò chui ra khỏi đám sậy, tay chân đều lạnh cóng, vai nhức như dần vì cái gông nặng trĩu. Không thể nào chạy trốn đi đâu được nữa, chàng bình tĩnh lăn trên cỏ mấy vòng cho nước trong quần áo trút ra hết, âm thầm đi thẳng lên trại, lẻn vào lều của lão Si Ra, chui xuống ẩn dưới một đống len. Đến khuya, bọn kỵ binh lần lượt trở về lùng kiếm trong các lều. Chúng vào lều lão Si Ra; một tên trong bọn đâm một mũi lao vào đống len. Một tên khác lại nói: “Trời nóng như thế nầy nó chịu sao nổi ở dưới đống len?” Rồi chúng bàn để ngày mai soát lại trong trại một lần nữa, nếu không gặp Thiết mộc Chân thì phải đi lùng kiếm ở xa.

Giữa khuya, lúc mọi người đã ngủ im lìm, Thiết mộc Chân mới bò ra. Si Ra hết sức kinh hãi:

- Sao chú mầy lại vào đây? Mai nầy họ sẽ lục soát thật kỹ chú có biết không? Nếu họ gặp chú tại đây, gia đình ta sẽ không còn ai sống sót cả!

Thiết mộc Chân vẫn bình tĩnh:

- Ông tháo gông giùm tôi và cho tôi ăn cái đã.

Si Ra hơi ngần ngừ. Chàng nói tiếp:

- Nếu Tạc gô Đài biết ông đã gặp tôi ngoài đám sậy mà ông lờ đi cho kỵ binh mất công tìm tôi mãi liệu ông có khỏi rụng đầu không?

Si Ra mới nhận thấy rằng cần phải giúp cho Thiết mộc Chân trốn đi xa thì lão mới tránh khỏi tai hoạ. Lão liền tháo gông ra chẻ vụn bỏ vào lửa. Cho Thiết mộc Chân ăn uống no nê rồi, lão còn đưa tặng một cây cung cũ với một ống tên và mách cho chàng biết nơi nào có quân canh ở quanh trại. Trăng vừa khuất sau đỉnh núi, Thiết mộc Chân liền lẻn ra khỏi trại, trộm một con ngựa phi như bay trong bóng tối.

Chàng cứ cho ngựa phóng nước đại về miền rừng rậm, đến tận núi Bourkhane Kaldoun. Đây là đất phát xuất thi tộc Ki Dát, là chỗ nương tựa vững chắc mỗi khi gặp nguy biến. Cũng nơi đây, theo truyền thuyết, một ông tổ của tộc này đã trốn thoát khỏi cuộc truy nã của quân thù và Trời sai một con chim Ưng mang đồ ăn xuống cứu ông ấy. Chim Ưng là thần linh bảo vệ dòng Ki Dát, hình ảnh của nó được trưng trên biểu kỳ và từ đó trong vùng thâm sơn này bao giờ người dân Ki Dát cũng tìm được một chỗ ẩn thân khi bị kẻ thù đuổi bắt.

Thiết mộc Chân gặp lại mẹ, và các em, cả Biên gô Đài nữa. Của cải chỉ còn vỏn vẹn có chín con ngựa, một cặp trừu và một chiếc xe có căng lều.

Một hôm, Biên gô Đài cỡi ngựa đi săn chuột rừng, còn Thiết mộc Chân và Cát Xa thì đi thăm bẫy thú. Bỗng một bọn cướp Diệt xích Ngột ào tới lùa hết tám con ngựa đang ăn cỏ ngoài đồng. Không thể chạy bộ đuổi theo được, đành phải chờ chiều tối Biên gô Đài trở về mới có ngựa, vậy mà Thiết mộc Chân không chịu bỏ qua, có ngựa rồi bèn phóng đi tìm.

Luôn ba ngày đêm chàng phi nước đại theo dấu bọn cướp. Mớ thịt khô nhét dưới yên ngựa đã hết sạch, ngựa đuối sức lại què chân. Đến ngày thứ tư, Thiết mộc Chân gặp một chàng thanh niên trạc tuổi mình bèn dừng chân lại hỏi thăm tung tích bọn cướp. Chàng tự giới thiệu: “Thiết mộc Chân con của Dũng sĩ Dã tốc Cai”. Chàng thanh niên hết sức kinh ngạc, liền đem thức ăn ra mời, đồng thời cho con ngựa què nhập vào bầy ngựa của mình, rồi chàng dẫn ra hai con ngựa khác thật khoẻ, nói với Thiết mộc Chân:

- Tôi tên là Bác nhĩ Truật. Tôi cùng đi với anh, chắc sẽ giúp đỡ anh được.

Họ phi ngựa luôn ba ngày nữa và trở thành đôi bạn thân. Thiết mộc Chân được bạn cho biết khắp miền đồng cỏ người ta đang kể chuyện chàng trốn khỏi trại của Tạc gô Đài và họ không biết làm sao chàng trốn thoát được. Họ rất phục lòng can đảm và trí khôn ngoan của chàng; tất cả thanh niên đều coi chàng như một thần tượng.

Bỗng hai người thấy bọn Diệt xích Ngột ở phía xa với cả tám con ngựa. Đợi đêm tối họ mới bò tới tháo dây dắt ngựa trở về. Sáng ngày, bọn Diệt xích Ngột liền đuổi theo, Bác nhĩ Truật muốn dừng lại chặn quân cướp để một mình bạn thoát về, nhưng Thiết mộc Chân không chịu. Thỉnh thoảng chàng ngoái nhìn ra sau thấy bọn cướp chạy giăng hàng khá đông. Mặt chàng vẫn giữ vẻ điềm tĩnh và lạc quan nữa. Chàng nói:

- Ngựa của chúng ta còn khoẻ lắm. Cứ cho phi nước đại, khi nào nó mệt thì mình nhảy qua lưng con sau.

Bác nhĩ Truật cũng ngoái lại nhìn, nhưng mặt chàng càng lúc càng tái mét. Bọn cướp đã đuổi gần kịp, tên dẫn đầu cỡi một con bạch mã, tay đã cầm sẵn một sợi giây thòng lọng.

- Để tôi ở lại sau đương đầu với chúng, - Bác nhĩ Truật nói. - Tôi sẽ tặng cho thằng này một mũi tên.

- Chưa được. - Thiết mộc Chân đáp – hãy chờ nó tiến sát bọn mình và cách xa bọn kia.

Khi tên cướp tới gần quá rồi và vừa cất giây thòng lọng lên quay mấy vòng. Thiết mộc Chân mới dừng lại thét lên:

- Bắn nó đi!

Bác nhĩ Truật buông phát tên trúng ngay tướng cướp ngã lăn quay xuống ngựa. Tức thì Thiết mộc Chân ra roi cho ngựa sảy theo bạn. Một lát sau, hai người ngoái lại nhìn thấy tốp đầu đang vây quanh tên bị thương. Một lát nữa, toàn thể bọn cướp đều dừng lại ở đó, không thấy một tên nào đuổi theo cả.

Bác nhĩ Truật cười vang lên:

- Một thành tích của anh nữa! Thiên hạ lại được dịp nhắc đến tên anh, phen này tha hồ cho bọn trẻ hăng máu lên!

Thiết mộc Chân chia cho bạn phân nửa bầy ngựa, nhưng Bác nhĩ Truật nhất quyết từ chối:

- Mới giúp anh một việc nhỏ mọn mà đã lấy công thì làm sao xứng đáng là bạn của anh được?

Rồi cả hai cùng trở về lều của thân phụ Bác nhĩ Truật. Ông lão lấy làm hãnh diện về hành động của con mình và Thiết mộc Chân. Ông tặng cho chàng một cái lều, một con ngựa và một ít quần áo để thay đổi rồi cho Bác nhĩ Truật theo Thiết mộc Chân, khuyên đôi bạn hãy kết chặt tình bằng hữu mãi mãi. Trên đường về trại nhà, Thiết mộc Chân không còn cô độc nữa. Chàng đã có Bác nhĩ Truật, người bạn thứ nhất trong đời chàng.

Ít lâu sau, một chiến sĩ của Dã tốc Cai đến trại có dẫn theo người con trai tên Gia luật Mễ, yêu cầu Thiết mộc Chân hãy nhận con mình làm bạn.

Rồi tiếng đồn khắp miền đồng cỏ, nhiều chiến sĩ lỗi lạc đến xin liên kết với Thiết mộc Chân, đồng thời vô số thanh niên Mông Cổ từ bốn phương kéo về qui tụ trong đoàn trại của chàng. Bây giờ chàng đã được mười bảy tuổi, không còn nghèo khổ, bị săn đuổi như con thú rừng nữa, mà đã nghiễm nhiên thành một chủ tướng. Đoàn trại của chàng bây giờ gồm có 8 bộ lạc với 1.300 lều và hàng ngàn gia súc.

Và đêm đêm ở khắp đất Mông Cổ, người ta ngồi quanh ngọn lửa hồng nhắc đến tên chàng với một vẻ đầy cảm phục, kể cho nhau nghe những hành động mã thượng của chàng như những giai thoại kỳ thú.

Bốn năm qua! Đã đến lúc Thiết mộc Chân có điều kiện hỏi cưới nàng Bật Tê. Chàng cùng với Biên gô Đài dẫn 100 kỵ binh giáp mũ rực rỡ gươm giáo sáng loà lên đường đến bộ lạc của Đài xếch Sên. Chàng tin tưởng chắc chắn rằng nàng vẫn đợi mình và nhạc phụ vẫn không quên lời hứa, Thiết mộc Chân cảm thấy kiêu hãnh thực hiện được lời cam kết với cái địa vị của chàng hiện nay. Chàng thường nói: “Người ta sẽ khinh tôi nếu tôi đến với nàng như một thằng khố rách.”

Đến nơi chàng được tiếp rước niềm nở, Đài xếch Sên reo lên:

- A! Cậu hãy còn sống đây! Lại khoẻ đẹp khác thường, thật ta không tưởng tượng được! Sao mà lắm kẻ thù đến thế?

Thiết mộc Chân không ngờ tất cả tin tức về hoạt động của chàng ở đây đều rõ cả. Đài xếch Sên nhận ra qua bốn năm gian khổ, Thiết mộc Chân đã trở thành một người lớn, lực lưỡng vai rộng; da thẫm như gạch nung, đôi mắt sáng ngời như mắt dã thú, vẫn còn cái lối nhìn soi mói sắc bén nhưng rất cương nghị. Chàng ít nói hơn, nhưng mỗi điều chàng nói đều là đã suy nghĩ chín chắn.

Hôn lễ cử hành luôn mấy ngày. Món quà cưới quí nhất là cái áo choàng bằng lông điêu thử, mắc hơn tất cả của cải của chàng góp lại. Và bận trở về không phải thêm nàng Bật Tê mà thôi, còn cả một đoàn tuỳ tùng gồm thanh niên thiếu nữ sẽ ở luôn bên đoàn trại của chàng gần bờ sông Onon. Vì theo tục lệ, vợ của một chủ tướng phải ở lều riêng. Trại của Thiết mộc Chân bỗng chốc trở nên giàu có, đông đảo và hầu hết chiến sĩ đều là hạng trẻ như chàng.