Thành Cát Tư Hãn

Chương 6

Từ lâu rồi bộ lạc nào cũng có Khả hãn, Tộc trưởng hay Thân vương lãnh đạo; nhưng uy quyền của những tay lãnh đạo nầy chẳng đáng kể. Các bộ lạc nay quy phục vị chúa nầy mai vị khác, hoặc đánh lẫn nhau, hoặc thừa cơ hội quyền chúa suy nhược họ lật đổ xuống.

Thừa hiểu tất cả những bất trắc thường xảy ra, cho nên nắm quyền Khả hãn rồi Thiết mộc Chân liền dốc tâm củng cố đoàn trại mình. Ông tuyển những người khoẻ, can đảm, bắt luyện tập ngày đêm, bắn cung, tác chiến… dưới sự lãnh đạo của bốn viên tướng trung kiên nhất: Bác nhĩ Truật, Gia luật Mễ, Mộc hoa Lê, Biên gô Đài. Sau một thời gian, những chiến binh này mới được sung vào hàng ngũ chánh qui. Chẳng bao lâu vị Khả hãn trẻ tuổi thành lập được một đạo quân thường trực tinh nhuệ sẵn sàng chiến đấu và trung thành tuyệt đối. Ngoài bộ lạc Mông cổ, ông bắt tay vào việc tổ chức các bộ lạc khác trong khắp lãnh thổ. Để bảo vệ các phiên thần trong lúc nguy biến, ông tổ chức một hệ thống liên lạc cho các bộ lạc ở xa có thể báo cáo mọi biến cố quan trọng; thành lập một đoàn mã khoái “nhanh như tên bay” gồm những kỵ sĩ cưỡi thiên lý mã chạy dựng tóc. Khi gần tới trạm thì thổi còi lên báo hiệu. Thừa trạm nghe lệnh liền cho một kỵ mã khác hờm sẵn chực người kia tới để nghe truyền mạng lịnh rồi cho ngựa phi tức khắc; cứ như thế từ trạm này sang trạm khác. Tin tức từ những vùng cách ba ngày đi ngựa có thể tới tai Khả hãn ngày hôm sau. Từ trước nay chưa có Khả hãn nào biết sớm và biết tất cả mọi việc xảy ra trong lãnh thổ như thế: một bộ lạc sắp di chuyển qua đồng cỏ mới, một bộ lạc thân hữu sắp đến viếng, hoặc những tin thông thường như một thương đoàn nào đó mới tới...

Nhờ hệ thống liên lạc này mà Thiết mộc Chân hay tin nước Kim bất ngờ gởi một sứ giả tới tiếp xúc với Tô ha Rin; tức thì ông phái một đoàn đại diện đi mời sứ giả nước Kim đến viếng đoàn trại mình. Sứ giả Kim ngoài nhiệm vụ chính còn có nhiệm vụ dò xét tình hình các bộ lạc ở miền Bắc, cho nên họ sẵn sàng tạt qua miền Onon tìm hiểu thử coi Khả hãn mới của Mông Cổ đang toan tính những gì.

Cuộc gặp gỡ đã tạo cho hai bên một mối thiện cảm. Thiết mộc Chân đón tiếp sứ giả Kim một cách chu đáo, đúng lễ nghi nhờ ý kiến và cách xếp đặt của Bật Tê, vốn là dân láng giềng của nước Kim. Sứ giả Kim rất hài lòng, tỏ ra tin tưởng ở Thiết mộc Chân. Họ cho biết một bộ tộc lớn của Thát Đát mới đây – thêm một lần nữa, xâm nhập vào biên cảnh nước Kim cướp phá. Cho nên hoàng đế nước Kim đã xuất quân đi chinh phạt. Nhưng dân Thát Đát cứ theo cái lối cũ, hễ đại quân Kim vừa kéo tới là họ rút đi xa, trốn trong những miền hoang vu không thể nào truy kích được. Mục đích chuyến đi này là kêu gọi Khả hãn Khắc Liệt liên kết với Kim chặn đường thối của bọn Thát Đát. Thiết mộc Chân liền chớp ngay cái cơ hội ngàn năm một thuở này, không những để báo thù cho cha bị người Thát Đát đầu độc mà còn để gây uy thế trong bộ lạc Mông Cổ cũng như trong toàn miền đồng cỏ. Liền sau đó, ông gởi một đội mã khoái “Tên bay” qua Khả hãn Tô ha Rin đề nghị phối hợp quân lực đi đánh Thát Đát. Đồng thời ra lịnh cho những đoàn trại Mông Cổ ở gần xứ Thát Đát phải tìm mọi cách xâm nhập vào xứ này dò xét lực lượng và vị trí đóng trại của họ.

Trận này, mặt trước phải đối địch với quân Kim, mặt sau bị liên quân Mông Cổ đánh bất ngờ, quân Thát Đát thảm bại. Tất cả những chiến lợi phẩm mà quân Thát Đát đoạt được ở nước Kim đều sang qua tay liên quân Mông cổ - Khắc liệt. Trong số đó có một món Thiết mộc Chân thích nhất là cái nôi bằng bạc với cái mền viền kim tuyến mà dân du mục chưa hề thấy bao giờ. Ông liền gởi về cho Bật Tê; nhưng đối với Thiết mộc Chân điều quan hệ hơn cả là lần thứ nhất ông đã tập hợp được tất cả các bộ lạc trên đất Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của mình, xua họ ra mặt trận và chiến thắng vẻ vang.

Sau trận này tướng Kim gửi báo tiệp tin về triều có kể rõ công lao của hai Chúa Khắc liệt và Mông Cổ. Tô Ha Rin được Hoàng đế Kim phong Quốc vương xứ Khắc Liệt (nên về sau gọi là Vương Hãn) còn Thiết Mộc Chân được phong Đại Kim Quốc Bắc Cường Chiêu Thảo Sứ. Với chức tướng này, Thiết Mộc Chân có thể liên lạc trực tiếp với nước Kim gây một ưu thế riêng trong miền đồng cỏ và cũng là lần thứ nhất Thiết Mộc Chân xuất hiện trong lịch sử nước Kim (1194).

Được sắc phong vương tước, Tô Ha Rin hết sức thoả mãn càng quý mến nghĩa tử của mình. Thiết Mộc Chân cũng không bỏ lỡ dịp nào để tỏ lòng trung tín đối với vị chúa Khắc Liệt. Họ tổ chức chung một buổi lễ mừng chiến thắng và mừng tước phong rồi cùng đi săn trên lãnh thổ của Mông Cổ. Mông Cổ tặng cho Khắc Liệt nhiều tấm da quý với tất cả thịt săn được. Hai bên cam kết giữ bền chặt mối thân thiện và nếu chẳng may có việc gì lủng củng xảy ra giữa hai xứ, hai vị chúa sẽ đích thân giải quyết theo tình hữu nghị.

Lúc chuẩn bị đánh quân Thát Đát, Thiết Mộc Chân có kêu gọi bộ lạc của Xát Sa và bộ lạc của Đài Su nhưng họ không tuân lịnh. Ông nói với các tướng: “Chúng nó đánh Biên Gô Đài, ngay trong lều của tôi, giờ lại không tuân lịnh đi đánh giặc. Ta không xứng đáng là Khả hãn của chúng nó sao?”

Ông liền thông báo cho Tô Ha Rin hay, rồi hai vị chúa liền mở cuộc hành quân trừng phạt hai tên tù trưởng bất tuân thượng lịnh. Xát Sa và Đài Su đều bị giết, hai bộ lạc bị tàn sát gần hết.

Lúc Tô Ha Rin bận đi đánh quân Thát đát, nhiều bộ lạc Nãi man tràn qua đất Khắc liệt cướp phá, Thiết Mộc Chân liền đem quân tới giúp nghĩa phụ quét sạch mấy bộ lạc đó.

Sau mấy vụ này tất cả những bộ lạc ở phía Bắc, phía Tây, phía Đông và Đông Bắc đều cảm thấy cuộc liên minh này là một hiểm họa đối với họ. Từ đó, hết năm này đến năm khác, hoặc quân của Tô Ha Rin hiệp với quân của Thiết Mộc Chân, hoặc quân thiện chiến của Thiết Mộc Chân trợ lực quân Tô Ha Rin, lần lượt chinh phục những bộ lạc ương ngạnh: kẻ nào không đầu hàng vô điều kiện sẽ bị đánh bại chớp nhoáng, bị cướp sạch hoặc bị quét ra sa mạc hay vô rừng sâu. Tất cả của cải, súc vật đoạt được hai vị chúa đều chia đều nhau. Nhưng việc đối xử với tù binh hai người chủ trương khác nhau: tù binh trong tay người Khắc liệt đều bị bắt làm nô lệ. Thiết mộc Chân thì trái lại, ông chọn những tay thiện chiến cho gia nhập vào quân đội, cho họ cưới con gái Mông cổ và ngay sau lần xuất trận thứ nhất họ vẫn được chia phần chiến lợi phẩm. Nhờ vậy mà sau mỗi cuộc hành binh, quân đội Mông cổ càng đông càng mạnh hơn.

Sáu năm qua; đến năm thứ bảy (1201 sau T.C) Khả hãn những bộ tộc lớn bắt đầu thấy rõ trước sau gì họ cũng sẽ bị tấn công và đặt dưới quyền thống trị của Mông cổ.

Trác Mộc Hợp từ khi ly khai với Thiết Mộc Chân vẫn luôn luôn theo dõi hoạt động của người bạn quí tộc và tìm đủ mọi cách liên minh với các bộ lạc khác. Bọn Tút Sa tù trưởng Miệt Nhi, bọn Bạc Gút, Sen Dút, Ha Ta Kít, cùng với những bộ lạc Thát đát chưa thuần phục và bọn Sung Di Rát xưa nay coi dân Mông cổ như thứ dã man… đều qui tụ sau lưng Trác Mộc Hợp chống lại Thiết Mộc Chân. Họ cho Thiết Mộc Chân là một Khả hãn nguy hiểm, nhiều tham vọng, là người chủ trương xâm lăng và gây ra tất cả tai họa; vì từ mấy chục năm nay có bao giờ Tô Ha Rin nghĩ đến việc bành trướng thế lực của mình ra đâu.

Họ mở đại hội bên bờ sông Argoun, tổ chức một cuộc tế lễ vĩ đại chưa bao giờ có trong xứ du mục. Đồ tế gồm có bạch mã, bò rừng, chiên, chó. Trác Mộc Hợp hô to lên trước rồi mọi người nghiêm chỉnh xướng theo: “Hỡi Trời Xanh! Hỡi Thổ Thần! Các Ngài đã tạo ra những con vật nầy, hãy chứng giám lời thề của chúng tôi: nếu chúng tôi bội ước, làm tan vỡ cuộc liên minh như đã quyết định, chúng tôi sẽ chết thê thảm như những con vật nầy!” Xong rồi họ kéo lên triền đồi hạ một số cây to lăn xuống dòng sông và hét lớn lên: “Kẻ nào trong bọn ta phản bội lời thề, số phận sẽ như những cây nầy!” Rồi nhứt loạt bầu Trác Mộc Hợp lên làm Đại hãn (Hoàng đế) hội binh mưu diệt kẻ thù chung.

Trác Mộc Hợp lưỡng lự giữa hai kế hoạch: hoặc tức khắc xuất quân đi đánh Thiết Mộc Chân, hoặc chờ một số bộ lạc ở xa tới cho thêm hùng hậu. Nhưng chờ lâu thật bất lợi. Kẻ thù sẽ có đủ thời giờ phân phối lực lượng. Ngay bây giờ thì Tô Ha Rin đang đóng bên bờ sông Toula, Thiết Mộc Chân bên bờ Onon, họ ở xa nhau hàng trăm dặm và chưa biết gì. Sau cùng Trác Mộc Hợp quyết định: tấn công ngay lúc địch chưa phòng bị. Nhưng ông ta quên rằng Đài Xếch Sên có được mời mà không đến tham dự buổi lễ tuyên thệ.

Thấy triệu chứng không lành Đài Xếch Sên liền hoả tốc báo cho chàng rể hay tin. Chỉ trong vài hôm quân thám mã của Thiết Mộc Chân đã biết mọi mưu toan và nơi tập trung của bọn Trác Mộc Hợp.

Liên quân Trác Mộc Hợp trực chỉ kéo về phía sông Onon. Mới đươc nửa đường đã lọt ngay vào thế trận của Thiết Mộc Chân dàn sẵn ở một địa điểm trăm phần thuận lợi. Trong chớp nhoáng quân Trác Mộc Hợp bị đánh tan tành, Đại hãn chạy trối chết mới được toàn mạng.

Thế là tất cả những lãnh thổ tiếp cận Mông cổ đều bị bỏ ngỏ. Nhưng trước khi xua quân đi chinh phạt để đặt vĩnh viễn những phần đất này dưới sự thống trị của mình, Thiết Mộc Chân cho truyền một mệnh lệnh như sau: “Phải đuổi giặc đến kỳ cùng không được dừng lại cướp chiến lợi phẩm. Khi nào toàn thắng, chiến lợi phẩm sẽ được phân chia theo công trạng của mỗi người.”

Nhưng đám quý tộc trong hàng thân thích như An Tăng, Cút Sa, Đa Di Đà đều có vẻ bất mãn trước “luật mới” ấy, cho như thế là trái với cổ lệ: ai đoạt được chiến lợi phẩm thì có quyền giữ lấy, đó là định luật thiêng liêng trong thế giới du mục. Họ thì thầm với nhau: “Có thể nào để cho Thiết Mộc Chân quyền phân phối chiến lợi phẩm như vậy? Chúng ta đều thuộc hàng quý tộc và bầu Thiết Mộc Chân lên làm khả hãn để ra một thứ luật như thế sao?”

Cho nên vừa dứt trận đánh, đám tướng lĩnh này ào tới xe tải đồ của Trác Mộc Hợp bất cần việc truy nã địch. Thiết Mộc Chân nhìn thấy họ xông xáo cướp đoạt, thấy rõ vẻ mặt khinh thường mạng lịnh của họ, nhưng không buồn nói một tiếng. Đợi đến lúc thu quân về ông liền cho chiến sĩ bao vây đám quý tộc và bọn thuộc hạ của họ, lấy lại tất cả chiến lợi phẩm đem chia cho ba quân. Ba người đó không được một phần nào mà còn bị đuổi về trại “dưỡng già”. Họ cảm thấy nhục nhã ê chề, ít lâu sau âm thầm bỏ ra đi. Họ không ngờ đã bầu lên một khả hãn nghiêm khắc như vậy.