Thành Phố Trộm

Chương 1

Cháu chưa bao giờ chịu đói như thế cả, cháu cũng chưa bao giờ bị rét như thế. Khi bọn ta ngủ, nếu bọn ta có ngủ, bọn ta lại mơ về những bữa tiệc mà bọn ta đã chén vô tội vạ bảy tháng trước đó - cơ man nào là bánh mì phết bơ, khoai tây viên, xúc xích - chén không phải suy nghĩ, nuốt mà không hề thưởng thức, bỏ lại toàn những mẩu to đùng trên đĩa, những tảng mỡ. Tháng Sáu năm 1941, trước khi bọn Đức tới, bọn ta cứ nghĩ là mình nghèo. Nhưng đến mùa đông thì tháng Sáu dường như vẫn là cả một thiên đường.

Suốt đêm gió lùa dai dẳng và dữ dội đến nỗi ta giật cả mình mỗi khi nó ngừng lại, những tấm bản lề cửa chớp của quán cà phê hoang tàn nơi góc đường ngừng nghiến ken két trong vài giây đồng hồ đáng ngại, như thể một con thú dữ đang rình rập đã đến gần và lũ thú nhỏ im bặt đi vì khiếp đảm. Những cánh cửa chớp thì đã bị tháo xuống làm củi đốt từ tháng Mười một. Chẳng còn mẩu gỗ vụn nào ở Leningrad. Mọi tấm biển gỗ, những thanh gỗ của ghế băng trong công viên, gỗ lát sàn của những tòa nhà đổ nát - tất cả đều biến mất và cháy trong bếp lò của ai đó. Cả lũ chim bồ câu cũng biến mất, bị tóm và hầm trong băng đun chảy lấy từ sông Neva. Chẳng ai ngại xẻ thịt chim bồ câu cả. Chính lũ chó mèo mới đáng ngại. Hồi tháng Mười thì người ta nghe đồn là có người đã quay con chó nhà nuôi và xả nó thành bốn phần cho bữa tối; bọn ta cứ cười và lắc đầu, không tin chuyện đó, và cũng băn khoăn không hiểu thịt chó liệu có ngon không nếu cho đủ muối - vẫn còn rất nhiều muối, ngay cả khi tất cả mọi thứ khác đã hết sạch thì bọn ta vẫn còn muối. Đến tháng Một thì những lời đồn đại đó đã trở thành một sự thật hiển nhiên. Chỉ những nhà quyền thế nhất mới còn đủ sức nuôi ăn một con thú cưng, vậy là lũ thú cưng nuôi bọn ta.

Có hai thuyết về người béo với người gầy. Một số người nói rằng những ai béo trước chiến tranh có cơ sống sót nhiều hơn: một tuần không ăn cũng không thể biến một người phục phịch thành bộ xương. Những người khác thì bảo người gầy đã quen ăn ít hơn nên có thể xoay xở tốt hơn với cú sốc khi bị đói. Ta đứng về phía đội thứ hai, thuần túy vì lợi ích của bản thân. Từ khi sinh ra ta vốn đã là một đứa còi cọc. Mũi to, tóc đen, da sần sùi trứng cá - phải thừa nhận rằng ta không phải hình mẫu ý trung nhân của đám con gái. Nhưng chiến tranh đã làm ta trở nên hấp dẫn hơn. Những người khác teo tóp đi khi tem phiếu khẩu phần bị cắt rồi lại bị cắt, những người vốn trông như lực sĩ rạp xiếc lúc trước cuộc xâm lăng tọp đi một nửa. Ta chẳng có cơ bắp gì để mà mất. Giống như lũ chuột chù vẫn bươn bới trong khi bọn khủng long thì đổ rạp xung quanh, ta được cấu tạo để chịu sự thiếu thốn.

Đêm Giao thừa ta ngồi trên sân thượng ở Kirov, khu chung cư ta sống từ lúc lên năm (mặc dù nó không có tên mãi đến tận năm 1934 khi Kirov bị bắn và cả nửa thành phố được đặt theo tên ông), theo dõi những quả khí cầu phòng không màu xám béo tròn kéo từng bầy dưới mây, chờ đợi máy bay ném bom. Vào quãng thời gian đó trong năm mặt trời nấn ná trên trời chỉ có sáu tiếng đồng hồ, hớt hải chạy từ chân trời này sang chân trời kia như bị ma đuổi. Đêm nào bốn người bọn ta cũng ngồi trên sân thượng trực ba tiếng đồng hồ, trang bị những xô cát, kềm sắt rồi xẻng, quấn sùm sụp trong bao nhiêu áo sơmi rồi áo len áo khoác bọn ta tìm được, theo dõi bầu trời. Bọn ta là lực lượng cứu hỏa. Bọn Đức đã quyết định rằng đánh chiếm ào ạt thành phố thì quá tốn kém, nên thay vào đó chúng bao vây bọn ta, hòng dồn bọn ta chết đói, chết bom, chết cháy.

Trước khi chiến tranh nổ ra có một nghìn một trăm người sống trong Kirov. Đến đêm Giao thừa con số này còn suýt soát bốn trăm. Hầu hết trẻ nhỏ được sơ tán từ trước khi quân Đức khép vòng vây vào tháng Chín. Mẹ và em gái ta, Taisya, đến Vyazma ở với cậu ta. Đêm trước khi họ lên đường ta cãi nhau với mẹ, lần duy nhất hai mẹ con cãi nhau - hay chính xác hơn, lần duy nhất ta cãi lại. Bà muốn ta đi cùng họ, tất nhiên, tránh xa khỏi lũ xâm lược, vào sâu tít giữa vùng trung tâm của đất nước nơi máy bay ném bom không thể tìm được. Nhưng ta sẽ không rời Piter. Ta là một người đàn ông, ta sẽ bảo vệ thành phố của mình, ta sẽ là một Nevsky của thế kỷ 20. Có lẽ ta cũng không hẳn đến mức lố bịch thế. Ta đã cãi ra trò: nếu kẻ nào còn lành lặn mà cũng bỏ trốn thì Leningrad sẽ rơi vào tay bọn phát xít. Và không còn Leningrad, không còn Thành phố Công nhân chế tạo xe tăng và súng trường cho Hồng quân, thì nước Nga làm gì còn cơ hội nào chứ?

Mẹ ta nghĩ rằng đó là một lý lẽ ngu ngốc. Ta còn chưa đủ mười bảy tuổi. Ta không hàn vỏ thép ở Tổ hợp[1] và chưa thể nhập ngũ trong vòng gần một năm nữa. Việc bảo vệ Leningrad chẳng liên quan gì đến ta cả; có ta chỉ tổ thêm một miệng ăn nữa. Ta phớt lờ những lời xúc phạm ấy.

“Con là lính cứu hỏa,” ta bảo bà, vì đúng là thế thật, hội đồng thành phố đã ra sắc lệnh thành lập mười nghìn đơn vị cứu hỏa, và ta là vị chỉ huy đầy kiêu hãnh của Đội Cứu hỏa Tầng Năm Kirov.

Mẹ ta chưa đến bốn mươi, nhưng tóc bà đã ngả bạc. Bà ngồi đối diện với ta bên bàn bếp, cả hai tay cầm lấy một bàn tay ta. Bà là một phụ nữ rất nhỏ nhắn, chỉ tầm 1m50, vậy mà từ lúc sinh ra ta vẫn sợ bà.

“Con ngốc quá,” bà bảo ta. Có thể câu này nghe thật xúc phạm, nhưng mẹ ta vẫn luôn gọi ta là “thằng ngốc của mẹ” và nhờ thế mà ta nghĩ đó là một biệt danh âu yếm. “Thành phố đã có ở đây từ trước con. Nó sẽ còn ở đây sau con. Taisya và mẹ cần con.”

Bà nói đúng. Một thằng con trai có hiếu hơn, một thằng anh trai tốt hơn thì hẳn đã đi cùng bà. Taisya tôn thờ ta, nhảy bổ vào ta mỗi khi ta đi học về, đọc cho ta nghe những bài thơ con cóc ngớ ngẩn mà nó viết làm bài tập để vinh danh những liệt sĩ cách mạng, vẽ hình biếm họa chân dung mũi to của ta trong sổ của nó. Nói chung ta chỉ muốn bóp cổ nó. Ta không hề thích thú gì chuyện lang thang khắp nước với mẹ và đứa em gái. Ta đã mười bảy tuổi, ngập tràn một niềm tin vào số phận anh hùng của mình. Lời hiệu triệu của Molotov trong bài phát biểu trên đài vào ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh (CHÍNH NGHĨA THUỘC VỀ CHÚNG TA! KẺ THÙ SẼ BỊ ĐÁNH BẠI! CHÚNG TA NHẤT ĐỊNH THẮNG!) đã được in trên hàng nghìn tấm áp phích và dán lên những bức tường thành phố. Ta tin tưởng vào sự nghiệp; ta sẽ không chạy trốn quân thù; ta sẽ không bỏ lỡ chiến thắng.

Sáng hôm sau mẹ ta với Taisya lên đường. Họ đi xe buýt một chặng đường, vẫy đi nhờ xe nhà binh từng chặng, và đi bộ không biết bao nhiêu dặm đường nông thôn trong những đôi ủng đã bong đế. Họ mất ba tuần mới đến nơi, nhưng họ đã làm được, cuối cùng cũng an toàn. Bà gửi cho ta một bức thư kể lại hành trình, nỗi kinh hoàng và mệt mỏi. Có lẽ bà muốn ta thấy có lỗi vì đã bỏ rơi họ, và ta đã thấy thế thật, nhưng ta cũng biết họ đi khỏi thì tốt hơn. Trận chiến lớn sắp diễn ra và họ không thuộc về nơi mặt trận. Ngày 7 tháng Mười quân Đức chiếm Vyazma và những bức thư của bà không đến nữa.

Ta muốn nói là ta nhớ họ khi họ đi rồi, có nhiều đêm ta thấy cô đơn, và luôn nhớ các món ăn của mẹ, nhưng ngay từ khi còn bé ta đã luôn hình dung ra cảnh chỉ có một mình. Những truyện dân gian ta yêu thích kể về những đứa trẻ mồ côi tháo vát tự tìm được đường qua khu rừng tăm tối, sống sót qua mọi hiểm nguy bằng cách giải quyết vấn đề thông minh, mưu trí hơn kẻ thù, tìm thấy vận may ngay giữa hành trình lưu lạc. Ta không nói là ta hạnh phúc - tất cả bọn ta đều đói đến không còn biết hạnh phúc là gì - nhưng lúc đó ta tin rằng cuối cùng thì đây chính là Ý nghĩa. Nếu Leningrad thất thủ, nước Nga sẽ sụp đổ; nếu nước Nga sụp đổ, chủ nghĩa phát xít sẽ thống trị thế giới. Tất cả bọn ta đều tin như thế. Đến giờ ta vẫn tin.

Ta còn quá trẻ chưa thể nhập ngũ nhưng đã đủ lớn để đào hào chống tăng vào ban ngày và gác sân thượng vào ban đêm. Thành phần trong đội của ta là đám bạn cùng tầng năm - Vera Osipovna, một nghệ sĩ cello tài năng, và anh em sinh đôi tóc đỏ nhà Antokolsky, bọn chỉ có năng khiếu duy nhất thể hiện ra ngoài là khả năng đánh rắm rất đều. Trong những ngày đầu của cuộc chiến bọn ta hút thuốc lá trên sân thượng, làm dáng như người lính, can trường mạnh mẽ và cằm vuông vức, dõi mắt khắp bầu trời tìm quân thù. Nhưng đến cuối tháng Mười hai thì ở Leningrad chẳng còn điếu thuốc nào nữa, ít nhất cũng không có điếu nào quấn bằng thuốc lá sợi. Mấy mống vã quá bèn nghiền lá khô ra, vấn trong giấy, và gọi đó là Ánh sáng Mùa thu, cam đoan rằng nếu chọn đúng lá thì sẽ có một hơi ra trò, nhưng ở Kirov, nơi cách xa cái cây gần nhất hiện còn đứng vững, điều này chưa bao giờ là một lựa chọn. Bọn ta dành thời gian rảnh đi săn chuột, bọn này chắc hẳn tưởng rằng việc lũ mèo trong thành phố biến mất là sự đáp lại cho những lời cầu nguyện của chúng ngày xưa, cho đến khi chúng nhận ra rằng trong đống rác chẳng còn gì để ăn.

Sau những tháng oanh tạc bọn ta đã biết cách phân biệt đủ loại máy bay khác nhau của quân Đức nhờ tiếng rú động cơ. Đêm đó là những chiếc Junkers 88, vốn dĩ như thế đã nhiều tuần rồi, thay thế cho bọn Heinkel và Dornier mà chiến sĩ quân ta đã bắn hạ thành thạo. Đã đành ban ngày thành phố điêu tàn là vậy, nhưng lúc đêm xuống thì lại có một vẻ đẹp lạ lùng trong cảnh bao vây. Từ sân thượng ở Kirov, nếu có trăng, bọn ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Leningrad: cái chóp nhọn của tháp Bộ Tư lệnh Hải quân (được vẩy sơn xám cho tối mờ đi trước máy bay ném bom); Pháo đài Thánh Peter và Paul (những đỉnh tháp được phủ lưới ngụy trang); những mái vòm của Nhà thờ Thánh Isaac và Nhà thờ Thượng Huyết. Bọn ta nhìn thấy cả những khẩu đội đang điều khiển ụ súng phòng không trên sân thượng các tòa nhà lân cận. Hạm đội Baltic đã thả neo trên sông Neva; họ lững lờ ở đó, những người lính gác khổng lồ màu xám, nã những khẩu pháo lớn vào trận địa pháo của bọn Quốc xã.

Đẹp nhất là những trận không chiến. Những chiếc Ju88 và Sukhoi lượn vòng trên thành phố, không nhìn thấy được từ phía dưới trừ phi chúng lọt vào tầm mắt của những chiếc đèn pha cực mạnh. Những chiếc Sukhoi có ngôi sao đỏ lớn sơn ở mặt dưới cánh để các khẩu đội phòng không của quân ta không bắn nhầm. Cứ vài đêm bọn ta lại được chứng kiến một trận đánh được rọi đến như trên sân khấu, những chiếc máy bay ném bom của quân Đức nặng nề và chậm chạp hơn nhọc nhằn quay sườn để xạ thủ của chúng có thể ngắm bắn những chiếc tiêm kích Nga nhanh thoăn thoắt. Khi một chiếc Junkers rơi xuống, phần khung cháy rừng rực của chiếc máy bay rơi rụng như một thiên thần bị đày khỏi thiên đường, tiếng hò reo thách thức vang dậy từ các sân thượng trên khắp thành phố, tất cả các xạ thủ và lính cứu hỏa khua nắm tay để hoan hô người phi công chiến thắng.

Bọn ta có mang theo một cái đài nhỏ trên sân thượng. Đêm Giao thừa bọn ta lắng nghe tiếng chuông đồng hồ Spassky ở Moscow chơi bản Quốc tế ca. Vera tìm được nửa củ hành ở đâu đó; cô ta cắt nó thành bốn miếng trên một cái đĩa rưới dầu hướng dương. Khi củ hành đã hết, bọn ta quệt sạch chỗ dầu còn lại bằng bánh mì chia theo khẩu phần. Bánh mì khẩu phần có vị không giống bánh mì. Nó không có vị đồ ăn. Sau khi quân Đức ném bom các kho thóc Badayev, các lò nướng bánh của thành phố trở nên sáng tạo. Tất cả những thứ có thể cho thêm vào công thức mà không khiến người ta ngộ độc đều đã được cho thêm vào công thức. Cả thành phố đang chết đói, không một ai có đủ mà ăn, ấy thế mà tất cả mọi người đều nguyền rủa thứ bánh mì ấy, cái vị mùn cưa, nó cứng như đá khi trời lạnh. Người ta gãy cả răng vì cố gặm nó. Thậm chí cả bây giờ, thậm chí cả khi ta đã quên khuôn mặt của những người mà ta yêu quý, ta vẫn còn nhớ vị của thứ bánh mì đó.

Nửa củ hành và một ổ bánh mì 125 gam chia làm bốn - đó là một bữa tươm tất. Bọn ta nằm ngửa ra, quấn mình trong chăn, vừa theo dõi những quả khí cầu phòng không cột dây dài lơ lửng trong gió, vừa nghe tiếng đánh nhịp trên đài. Lúc nào không phát nhạc hay tin tức gì, đài phát thanh lại truyền đi âm thanh của một cái máy đánh nhịp, cái tiếng tích tích tích tích bất tận ấy cho bọn ta biết là thành phố vẫn chưa khuất phục, quân phát xít vẫn còn bên ngoài cửa ngõ. Tiếng máy đánh nhịp được phát đi là nhịp tim đập của Piter và quân Đức chưa bao giờ làm nó lặng câm.

Chính Vera là người phát hiện ra người đàn ông đang từ trên trời rơi xuống. Cô ta hét lên và chỉ tay - thế là tất cả bọn ta đều đứng dậy để nhìn cho rõ. Một ánh đèn pha rọi thẳng vào người nhảy dù đang lao xuống thành phố, cái dù lụa của hắn như một bầu hoa tulip trắng phía trên đầu.

“Một thằng Đức,” Oleg Antokolsky nói, và cậu ta nói đúng; bọn ta có thể nhìn thấy bộ quân phục không quân Đức Quốc xã màu xám. Hắn ở đâu ra nhỉ? Không ai trong bọn ta nghe thấy âm thanh nào của cuộc không chiến hoặc tiếng súng phòng không. Gần cả tiếng đồng hồ bọn ta còn không nghe thấy tiếng máy bay ném bom đi qua trên đầu.

“Có khi bắt đầu rồi,” Vera nói. Mấy tuần nay bọn ta đã nghe đồn là quân Đức đang chuẩn bị một đợt nhảy dù ồ ạt, một cuộc đột kích cuối cùng để ngắt cái gai Leningrad khốn khổ khốn nạn ra khỏi lưng đội quân tiến công của chúng. Bất kỳ phút nào bọn ta cũng tưởng chừng như ngẩng đầu lên là thấy hàng nghìn tên Quốc xã lơ lửng về phía thành phố, một cơn bão tuyết những chiếc dù trắng kín đặc cả bầu trời, nhưng hàng chục ánh đèn pha lia qua bóng tối và không thấy tên địch nào nữa. Chỉ có đúng một tên này, và căn cứ vào cái vẻ mềm oặt của cơ thể treo toòng teng dưới dây dù thì hắn đã chết rồi.

Bọn ta nhìn hắn lơ lửng trôi xuống, cứng đờ trong ánh đèn pha, thấp đến nỗi bọn ta nhìn thấy một chiếc ủng đen của hắn đã rơi đâu mất.

“Hắn đang rơi về phía bọn mình,” ta nói. Gió thổi hẳn về phía phố Voinova. Cặp sinh đôi nhìn nhau.

“Luger,” Oleg nói.

“Bọn không quân Đức không mang súng Luger,” Grisha nói. Cậu ta chỉ sinh sớm hơn năm phút và là chuyên gia về vũ khí của quân Quốc xã. “Walther PPK.”

Vera mỉm cười với ta. “Sô cô la Đức.”

Bọn ta lao về phía cửa cầu thang, bỏ mặc dụng cụ cứu hỏa của mình, lao ầm ầm xuống cầu thang tối om. Bọn ta là một lũ ngốc, tất nhiên rồi. Chỉ cần trượt chân một cái trên những bậc thang bê tông này, không còn mỡ hay cơ bắp gì để đệm cho cú ngã, sẽ có nghĩa là gãy xương, và gãy xương có nghĩa là chết. Nhưng không ai trong bọn ta bận tâm. Khi đó bọn ta đều rất trẻ và một tên Đức chết đang rơi xuống phố Voinova mang theo những món quà từ das Vaterland[2].

Bọn ta băng qua khoảnh sân chung rồi trèo qua cổng sân đang khóa. Tất cả đèn đường đều tắt tối om. Cả thành phố đều tối om - một phần để gây khó khăn cho máy bay địch ném bom và vì phần lớn điện được dành cho các nhà máy chế tạo vũ khí nhưng trăng đủ sáng để quan sát. Phố Voinova rộng thênh thang và vắng tanh, sáu tiếng đồng hồ sau lệnh giới nghiêm. Không thấy bóng dáng xe cộ. Chỉ quân đội và chính quyền mới tiếp cận được xăng dầu, và toàn bộ xe dân sự đã được trưng dụng trong những tháng đầu cuộc chiến. Những dải giấy giăng ngang cửa sổ hàng quán, mà theo như trên đài nói với bọn ta là để tăng khả năng chống vỡ cho chúng. Có thể điều đó là đúng, mặc dù ta đã bước qua rất nhiều mặt tiền quán ở Leningrad - nơi chẳng còn gì trong khung cửa sổ ngoài một dải giấy phất phơ.

Ra đến ngoài phố bọn ta nhìn lên trời nhưng không thấy hắn đâu nữa.

“Hắn đâu mất rồi?”

“Các cậu có nghĩ hắn đã đáp xuống mái nhà nào đó không?”

Những ánh đèn pha đang lia quét bầu trời, nhưng tất cả đều được đặt trên nóc những tòa nhà cao tầng và không chiếc nào có góc chiếu xuống được phố Voinova. Vera kéo giật cổ áo choàng của ta, một chiếc áo choàng hải quân cũ rộng thùng thình của cha ta mà đến lúc đó vẫn còn quá rộng đối với ta, nhưng ấm hơn bất kỳ thứ gì ta có.

Ta quay lại thì nhìn thấy hắn đang liệng xuống phố, thằng Đức của bọn ta, chiếc ủng đen duy nhất của hắn miết trên vỉa hè đóng băng, cái chóp nấm to đùng từ chiếc dù trắng của hắn vẫn căng phồng trong gió, thổi hắn về phía cổng khu Kirov, cằm hắn gục xuống ngực, mái tóc đen lấm tấm những mẩu băng, mặt hắn không còn một chút máu dưới ánh trăng. Bọn ta đứng im phắc nhìn hắn lướt lại gần hơn. Mùa đông năm đó bọn ta đã nhìn thấy những thứ mà không đôi mắt nào nên nhìn thấy, bọn ta cứ tưởng là mình không còn ngạc nhiên được nữa, nhưng bọn ta đã nhầm, và nếu lúc đó tên Đức có móc khẩu Walther ra mà bắn thì chẳng ai trong bọn ta kịp nhấc chân mà chạy. Nhưng người chết vẫn cứ chết và cuối cùng gió cũng dịu đi, chiếc dù xẹp xuống, và hắn rơi phịch xuống hè, bị kéo lê thêm vài mét, mặt cày xuống trong nỗi nhục nhã sau cùng.

Bọn ta bu lại quanh tên phi công. Hắn là một kẻ cao lớn, vạm vỡ, và giả sử lúc trước mà nhìn thấy hắn mặc thường phục đi bộ quanh Piter, kiểu gì bọn ta cũng biết hắn là kẻ trà trộn ngay lập tức - hắn có cơ thể của một kẻ được ăn thịt hằng ngày.

Grisha quỳ xuống và lấy khẩu súng ngắn của tên Đức ra khỏi bao. “Walther PPK. Bảo rồi mà.”

Bọn ta lật ngửa tên Đức ra. Bộ mặt tái nhợt của hắn trầy xước, da mặt bị mài trên nhựa đường, những chỗ xước cũng nhợt nhạt như chỗ da còn lành lặn. Người chết rồi không bị bầm tím nữa. Ta không thể biết được là hắn đã chết trong trạng thái hoảng sợ hay bất chấp hay yên bình. Chẳng có vết tích nào của sự sống hoặc tính cách trên mặt hắn, trông hắn như một xác chết - đẻ ra đã là xác chết rồi.

Oleg lột lấy đôi găng tay da màu đen trong khi Vera nhắm vào cái khăn và cặp kính. Ta tìm thấy một cái bao đeo vào mắt cá của tên phi công và rút ra một con dao cầm vừa tay có cái chắn ngón tay bằng bạc và phần lưỡi đơn dài mười lăm xentimét khắc những chữ mà ta không đọc được dưới ánh trăng. Ta đút lưỡi dao trở vào bao rồi đeo vào mắt cá chân mình, cảm thấy lần đầu tiên trong nhiều tháng rằng cuối cùng thì số phận chiến binh của mình cũng đang trở thành sự thật.

Oleg tìm thấy cái ví của người chết và vừa nhăn nhở cười vừa đếm những đồng mark Đức. Vera bỏ túi một chiếc đồng hồ bấm giờ, to gấp đôi một chiếc đồng hồ đeo tay thông thường, mà tên Đức đã đeo vòng quanh cổ tay chiếc áo khoác phi công. Grisha tìm thấy một cặp ống nhòm gấp lại trong bao da, hai băng đạn dự phòng cho khẩu Walther, và một cái chai dẹt. Cậu ta mở nắp, hít hít, và chuyển cho ta cái chai.

“Cognac?”

Ta nhấp một ngụm và gật đầu. “Cognac.”

“Cậu từng uống cognac bao giờ chưa?” Vera hỏi.

“Tớ uống rồi mà.”

“Bao giờ?”

“Tớ xem nào,” Oleg nói, và cái chai được xoay vòng, bốn đứa bọn ta ngồi xổm quanh tên phi công xấu số, nhấm nháp thứ rượu có thể là cognac hay brandy hoặc Armagnac. Chẳng ai trong bọn ta phân biệt được. Có là gì đi nữa thì cái của đó ấm sực khi vào trong bụng.

Vera chằm chằm nhìn mặt tên Đức. Vẻ mặt cô ta chẳng có gì là thương xót, sợ hãi, chỉ tò mò và khinh bỉ tên xâm lược này đã đến thả bom xuống thành phố của bọn ta nhưng thay vào đó lại thả chính mình. Bọn ta không bắn rơi hắn, nhưng dù sao bọn ta vẫn cảm thấy hân hoan chiến thắng. Không có ai ở Kirov từng bắt gặp xác quân thù. Sáng ra bọn ta sẽ là chủ đề bàn tán của khu chung cư.

“Các cậu nghĩ làm sao mà hắn chết nhỉ?” Vera hỏi. Không có vết đạn bắn nào làm nham nhở cái xác, không một sợi tóc hay vết da cháy nào, hoàn toàn chẳng có dấu vết bạo lực. Da của hắn trắng quá đỗi so với người sống, nhưng chẳng có gì xuyên qua nó.

“Hắn bị chết cóng,” ta bảo bọn họ. Ta nói chắc nịch vì ta biết đúng là như thế và ta không có cách nào để chứng minh cả. Tên phi công đã bung dù ra ngoài ở độ cao hàng ngàn mét trên bầu trời đêm Leningrad. Không khí ở tầng đất cũng đã là quá rét đối với quần áo mà hắn mặc - huống hồ giữa tầng mây, bên ngoài buồng lái ấm áp của mình, hắn càng không bao giờ có cơ hội nào.

Grisha nâng cái chai lên chúc. “Uống vì cái rét nào.”

Cái chai lại đi vòng lần nữa. Nó đã chẳng đến lượt ta. Lẽ ra bọn ta phải nghe thấy tiếng động cơ xe cách đó hai khối nhà, thành phố sau giờ giới nghiêm yên tĩnh chẳng khác gì cung trăng, nhưng bọn ta còn đang bận uống thứ rượu Đức của mình, chúc tụng này nọ. Chỉ khi chiếc GAZ ngoặt vào phố Voinova, những lốp bánh xe nặng nề miết rầm rầm trên mặt đường, đèn pha rọi thẳng về phía mình, bọn ta mới nhận ra mối nguy hiểm. Hình phạt cho tội vi phạm lệnh giới nghiêm mà không có giấy phép là hành quyết không cần xét xử. Hình phạt cho tội bỏ chi đội cứu hỏa là hành quyết không cần xét xử. Hình phạt cho tội hôi của là hành quyết không cần xét xử. Tòa án đâu còn hoạt động nữa; sĩ quan cảnh sát thì đang ở tiền tuyến, nhà tù còn một nửa và sụt giảm nhanh chóng lắm. Ai mà có thức ăn cho kẻ thù của nhà nước chứ? Anh phạm pháp mà bị bắt, anh chết chắc. Không có thời gian đâu cho bất kỳ thủ tục pháp lý nào.

Vậy là bọn ta bỏ chạy. Bọn ta biết rõ Kirov hơn ai khác. Một khi bọn ta đã chui được vào bên trong cổng sân và lọt vào bóng tối buốt giá của những tòa nhà ngổn ngang, không ai có thể tìm được bọn ta cho dù họ có lùng sục cả ba tháng. Bọn ta nghe được tiếng mấy người lính quát bọn ta đứng lại, nhưng quan trọng gì; tiếng nói thôi không làm bọn ta sợ, chỉ có đạn mới tạo ra sự khác biệt mà lại chưa có ai bóp cò gì cả. Grisha lao được tới cổng đầu tiên - cậu ta phần nào có tố chất vận động viên nhất trong đám bọn ta - cậu ta nhảy vọt lên những thanh sắt và đu người lên trên. Oleg ở ngay sau cậu ta còn ta thì ở ngay sau Oleg. Cơ thể bọn ta yếu ớt, cơ bắp teo tóp vì thiếu protein, nhưng nỗi sợ hãi giúp bọn ta leo lên cổng nhanh chưa từng thấy.

Leo gần đến đầu cánh cổng ta ngoái lại nhìn thì thấy Vera đã bị trượt chân trên một mảng băng. Cô ta ngước lên nhìn ta, mắt cô ta tròn xoe khiếp đảm, bò lồm cồm trong khi chiếc GAZ phanh xịch lại bên cạnh xác tên phi công Đức và bốn người lính nhảy ra. Họ còn cách chục mét, súng trường lăm lăm trên tay, nhưng ta vẫn còn đủ thời gian để đu người qua cổng và biến mất dạng vào trong Kirov.

Ta ước gì ta có thể nói với cháu rằng ý nghĩ bỏ mặc Vera chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí ta, rằng bạn ta đang gặp nguy hiểm và ta đã đến cứu cô ta không một chút do dự. Tuy nhiên sự thật là đúng khoảnh khắc ấy ta căm ghét cô ta. Ta căm ghét cô ta vì đã vụng về đúng thời điểm tồi tệ nhất, vì đã ngước lên nhìn ta với đôi mắt màu nâu đầy khiếp sợ ấy, lựa chọn ta làm người cứu vớt cho dù Grisha mới là người duy nhất cô ta từng hôn. Ta biết mình không thể nào sống nổi với ký ức về đôi mắt ấy nài xin ta, và cả cô ta cũng biết điều đó nữa, và ta vẫn căm ghét cô ta ngay cả khi ta nhảy xuống khỏi cánh cổng, xốc cô ta đứng dậy, và đẩy cô ta lên những thanh sắt. Ta thì yếu, nhưng khi ấy Vera cũng chẳng thể nào nặng đến bốn mươi cân. Ta đẩy cô ta lên cánh cổng trong khi đám lính quát tháo và gót ủng nện rầm rập trên vỉa hè và khóa nòng súng trường roành roạch lên đạn.

Vera lao qua cánh cổng và ta cuống cuồng trèo sau cô ta, không đếm xỉa gì đám lính. Nếu ta dừng lại, họ sẽ vây lại quanh ta, bảo với ta rằng ta là một kẻ thù của nhà nước, bắt ta quỳ xuống, và bắn vào sau đầu ta. Lúc này ta là một mục tiêu ngon ăn, nhưng có thể họ đang say, có thể họ cũng là giai thành phố như ta mà cả đời chưa từng nổ phát súng nào; có thể họ sẽ cố tình bắn trượt vì họ biết ta là một người yêu nước và là chiến sĩ bảo vệ thành phố và ta lẻn ra khỏi Kirov chỉ vì một tên Đức đã rơi cả năm ngàn mét xuống con phố của ta và có thằng nhóc Nga mười bảy tuổi nào mà lại không lẻn ra nhòm tận mắt một thằng phát xít đã ngủm?

Cằm ta đã lên ngang đầu cổng thì ta cảm thấy mấy bàn tay đeo găng chộp quanh mắt cá chân mình. Những bàn tay cứng cáp, những bàn tay của cánh quân đội được chén hai bữa mỗi ngày. Ta nhìn thấy Vera chạy bên trong Kirov, không hề ngoảnh đầu nhìn lại. Ta cố ghì chặt lấy những song sắt, nhưng đám lính lôi tuột ta xuống, lẳng ta vào vỉa hè, và đứng trước mặt ta, những mũi súng Tokarev chọc thẳng vào má ta. Không ai trong đám lính trông quá mười chín tuổi và không ai có vẻ gì là ngần ngại vãi tung tóe những mảng óc của ta trên khắp đường phố.

“Trông cái thằng này như sắp vãi cứt ra quần đến nơi.”

“Mày tiệc tùng ở đây đấy à, con trai? Tìm được ít rượu schnapps phỏng?”

“Nó là thằng phù hợp cho đại tá đấy. Nó đi với thằng Đức được.”

Hai người bọn họ cúi xuống, xốc nách ta, dựng ta đứng dậy, giải ta tới chiếc GAZ vẫn đang nổ máy, và tống ta vào ghế sau. Hai người lính còn lại nắm hai tay hai chân xách tên Đức lên và lẳng hắn vào thùng xe bên cạnh ta.

“Giữ ấm cho nó,” một người nói, và tất cả đều cười phá lên như thể đó là câu tiếu lâm buồn cười nhất từng được nói. Họ chui vào trong xe và đóng sầm cửa lại.

Ta tự nhủ rằng mình còn sống vì họ muốn hành quyết ta giữa công chúng, như một lời cảnh báo những kẻ hôi của khác. Một vài phút trước ta đã cảm thấy mình oai hùng hơn tên phi công chết bao nhiêu. Còn giờ thì, khi bọn ta lao vun vút trên đường phố tối om, lượn vòng tránh những hố bom và gạch đá rào rào đổ xuống, hình như hắn đang nhìn ta cười khẩy, cặp môi trắng bệch của hắn như một vết sẹo rạch ngang bộ mặt đông cứng. Chung số phận thôi con.