Thế giới của Sophie

Chương 23: Berkeley

… như một hành tinh loạng quạng quay cuồng quanh một mặt trời rực cháy…

Alberto đi về phía cửa sổ ngắm nhìn xuống phố. Sophie theo sau. Khi họ đang đứng ngắm những ngôi nhà cổ, một chiếc máy bay nhỏ bay phía trên những ngôi nhà cao nhất. Gắn vào đuôi máy bay là một băng vải dài mà Sophie đoán là quảng cáo của một sản phẩm hay sự kiện nào đó của thành phố, một buổi trình diễn nhạc rock chẳng hạn. Nhưng khi chiếc máy bay đến gần và rẽ ngang, cô đọc thấy một thông điệp hoàn toàn khác: CHÚC MỪNG SINH NHẬT HILDE!

“Không mời mà đến.” là bình luận duy nhất của Alberto.

Mây đen nặng nề từ những ngọn đồi phía nam đã bắt đầu che phủ thành phố. Chiếc máy bay nhỏ biến mất vào trong bầu trời màu xám.

“Tôi e là sắp có bão.” Alberto nói.

“Thế thì em sẽ về bằng xe buýt.”

“Tôi chỉ hy vọng là ông Thiếu tá không đứng sau cả chuyện này nữa.”

“Ông ta không phải là Chúa Trời toàn năng đấy chứ ạ?”

Alberto không trả lời. Ông quay trở lại ngồi bên bàn nước.

“Chúng ta phải nói về Berkeley.” Lát sau ông lên tiếng.

Sophie đã về chỗ cũ. Cô thấy mình đang cắn móng tay.

“George Berkeley là một giám mục người Ireland, ông sinh năm 1685 và qua đời năm 1753,” Alberto bắt đầu, rồi ngừng một lúc lâu.

“Berkeley là một giám mục người Ireland…” Sophie nhắc.

“Nhưng ông ta còn là một nhà triết học…”

“Vâng?”

“Ông cảm thấy triết học và khoa học hiện thời đang là mối đe dọa đối với lối sống Ki-tô giáo, nhất là sự lan tràn khắp nơi của chủ nghĩa duy vật đã đại diện cho mối đe dọa ngày càng cao đối với đức tin rằng Chúa Trời là đấng sáng tạo và bảo vệ cả thiên nhiên.”

“Thế ạ?”

“Tuy vậy, Berkeley vẫn là một trong những nhà kinh nghiệm chủ nghĩa kiên định nhất.”

“Ông ấy tin rằng ta không thể biết về thế giới nhiều hơn những gì ta thấy được qua các cảm giác?”

“Hơn thế nữa, Berkeley khẳng định rằng những sự vật thường ngày thật sự giống như ta tri giác về chúng, chỉ có điều chúng không phải là các sự vật.”

“Thầy sẽ phải giải thích ý đó.”

“Em còn nhớ Locke đã chỉ ra rằng ta không thể khẳng định gì về “tính chất thứ cấp” của sự vật. Ta không thể khẳng định rằng một quả táo là xanh và chua. Ta chỉ có thể nói rằng ta thấy nó như thế. Locke còn nói rằng các “tính chất sơ cấp” như tỷ trọng, trọng lượng và khối lượng thật sự thuộc về thực tại bên ngoài ở quanh ta. Thực tế, thực tại bên ngoài là vật chất.”

“Em nhớ điều đó và em nghĩ là sự phân chia sự vật của Locke là rất quan trọng.”

“Đúng vậy, Sophie. Giá mà tất cả chỉ có thế.”

“Thầy nói tiếp đi.”

“Cũng như Descartes và Spinoza, Locke tin rằng thế giới vật chất là thực tại.”

“Vâng?”

“Đó chính là cái mà Berkeley đặt câu hỏi và ông đã thực hiện việc đó bằng logic của chủ nghĩa kinh nghiệm. Ông nói rằng những thứ duy nhất tồn tại là những thứ mà ta tri giác được. Nhưng chúng ta không tri giác “vật chất”. Ta không tri giác sự vật như là các đối tượng xác thực. Cho rằng bên trong những gì ta tri giác được thực sự có “chất” của chính nó là nhảy đến kết luận. Ta hoàn toàn không có kinh nghiệm gì để có thể làm nền móng cho tuyên bố đó.”

“Thật ngớ ngẩn! Thầy xem này.” Sophie nện nắm đấm xuống bàn. “Au!” cô kêu lên. “Như thế không chứng minh được là đây là một cái bàn thật bằng vật chất ư?”

“Em cảm thấy nó thế nào?”

“Em thấy nó cứng.”

“Em đã có cảm giác về một vật cứng, nhưng em đã không thực sự sờ thấy vật chất bên trong cái bàn. Cũng giống như em có thể nằm mơ là em đấm phải một vật cứng, nhưng làm gì có cái cứng trong mơ, đúng không nào?”

“Vâng, không có trong mơ.”

“Một người cũng có thể bị thôi miên rằng mình đang “cảm thấy” cái gì đó ấm hay lạnh, sự vuốt ve hay một cú đấm.”

“Nhưng nếu cái bàn không thực sự cứng thì tại sao em lại cảm thấy như thế?”

“Berkeley tin vào một “tinh thần”. Ông nghĩ mọi ý niệm của ta đều có một nguyên nhân nằm ngoài ý thức của ta, và rằng nguyên nhân này không có bản chất vật chất. Nó thuộc về tinh thần.”

Sophie lại bắt đầu cắn móng tay.

Alberto tiếp tục: “Theo Berkeley, linh hồn của chính tôi có thể là nguyên nhân của các ý niệm của riêng tôi - như khi tôi mơ - nhưng chỉ có một ý chí hay một tinh thần khác mới có thể là nguyên nhân của các ý niệm tạo nên thế giới “hữu hình”. Ông nói rằng mọi thứ đều là do tinh thần đó, và tinh thần đó là nguyên nhân của “mọi thứ trong mỗi thứ” và là các mà “mọi thứ đều chứa bên trong”.”

“Ông ta đang nói về cái “tinh thần” nào vậy ạ?”

“Tất nhiên là Berkeley đang nghĩ về Chúa Trời. Ông nói rằng “ta còn có thể khẳng định rằng sự tồn tại của Chúa Trời còn được tri giác rõ ràng hơn nhiều so với sự tồn tại của con người.”

“Thậm chí không chắc là chúng ta đang tồn tại?”

“Đúng và không đúng. Tất cả những gì ta nhìn thấy và cảm thấy đều là “kết quả của quyền năng của Chúa”, Berkeley đã nói như vậy. Vì Chúa “hiện hữu một cách sâu sắc trong ý thức của ta, tạo ra vô số các ý niệm, tri giác mà chúng ta liên tục phải trải nghiệm”. Cả thế giới quanh ta và cả cuộc đời của ta tồn tại bên trong Chúa. Chúng ta chỉ tồn tại trong tâm thức của Chúa.”

“Thật đáng kinh ngạc! Nói thế là còn nhẹ.”

“Vậy, “tồn tại hay không tồn tại” không phải là toàn bộ câu hỏi. Câu hỏi còn là ta là ai. Có thật ta là con người bằng xương bằng thịt hay không? Thế giới của ta có bao gồm những vật có thật hay không? - hay bao quanh ta là tâm thức?”

Sophie tiếp tục cắn móng tay.

Alberto tiếp tục: “Thực tại vật chất không phải là cái duy nhất mà Berkeley nghi ngờ. Ông ta còn đặt câu hỏi “thời gian” và “không gian” có sự tồn tại tuyệt đối hay độc lập nào không. Cũng có thể tri giác của ta về thời gian và không gian chẳng qua chỉ là những chuyện tưởng tượng của thâm thức. Một hay hai tuần đối với chúng ta không nhất thiết là một hay hai tuần đối với Chúa…”

“Thầy đã nói rằng đối với Berkeley cái tinh thần mà mọi thứ tồn tại trong nó chính là Chúa Trời cả Ki-tô giáo, đúng không ạ?”

“Đúng vậy, chắc là tôi đã nói như vậy. Nhưng đối với chúng ta…”

“Chúng ta?”

“Với chúng ta - với tôi và em - cái “ý chí hay tinh thần” mà nó là nguyên nhân của “mọi thứ trong mỗi thứ” có thể là cha của Hilde.”

Sophie tròn xoe mắt ngờ vực. Nhưng cũng lúc đó, sự tỉnh thức bắt đầu lóe lên trong cô.

“Có thật là thầy nghĩ như thế không?”

“Tôi không thấy khả năng nào khác. Có lẽ đó là lời giải thích khả thi nhất cho mọi chuyện đã xảy ra với chúng ta. Tất cả những tấm thiệp và dấu hiệu đã xuất hiện chỗ này chỗ khác… Hermes bắt đầu nói… chuyện vô tình buột miệng của chính tôi.”

“Em…”

“Thử hình dung tôi gọi em là Sophie, Hilde à. Tôi luôn biết tên em không phải là Sophie.”

“Thầy đang nói gì vậy? Bây giờ thầy lẫn lộn hết cả rồi.”

“Đúng vậy, tâm thức của tôi đang chạy vòng quanh, bé ạ. Như một hành tinh loạng quạng quay cuồng quanh một mặt trời rực cháy.”

“Và mặt trời đó là bố của Hilde?”

“Em có thể nói như vậy.”

“Có phải thầy đang nói rằng ông ta là một kiểu Chúa Trời đối với chúng ta?”

“Nói một cách hoàn toàn thẳng thắn, đúng vậy. Ông ta nên lấy làm hổ thẹn mới phải!”

“Thế còn Hilde?”

“Cô ấy là một thiên thần, Sophie ạ.”

“Hilde là người mà cái “tinh thần” này đang hướng tới.”

“Có phải thầy đang nói rằng Albert Knag kể cho Hilde về chúng ta?”

“Hoặc là viết về chúng ta. Vì chúng ta không thể tri giác được chính cái vật chất mà thực tại của ta được tạo nên từ đó, chúng ta mới tìm hiểu đến được chừng đó. Ta không thể biết thực tại bên ngoài của chúng ta cấu tạo từ sóng âm thanh hay giấy và chữ viết. Theo Berkeley, tất cả những gi chúng ta có thể biết đó là chúng ta là tinh thần.”

“Còn Hilde là một thiên thần…”

“Đúng vậy, Hilde là một thiên thần. Ta hãy kết thúc ở đây. Chúc mừng sinh nhật Hilde!”

“Bất chợt căn phòng tràn ngập bởi một ánh sáng trắng xanh. Một vài giây sau, họ nghe thấy một tiếng sấm nổ rung chuyển cả ngôi nhà.

“Em phải về đây,” Sophie nói. Cô đứng dậy và chạy ra cửa. Khi Sophie trên đường ra, Hermes tỉnh dậy sau giấc ngủ trong hành lang. Sophie cho rằng cô đã nghe nó nói, “Hẹn gặp lại, Hilde.”

Sophie lao xuống cầu thang và chạy ra phố. Phố vắng tanh. Mưa như trút nước.

Một hai chiếc xe con đang rẽ mưa mà đi, không thấy bóng dáng một chiếc xe buýt nào. Sophie chạy qua Quảng trường Chính và tiếp tục chạy xuyên thành phố. Vừa chạy, tâm trí của cô vừa quanh quẩn mãi một ý nghĩ: “Mai là sinh nhật của mình! Thấy rằng cuộc đời chỉ là giấc mơ đã là một điều cay đắng. Nhận ra điều đó đúng vào hôm trước sinh nhật lần thứ 15 thì còn cay đắng hơn nữa. Giống như nằm mơ thấy mình trúng xổ số được một triệu và ngay khi sắp nhận được tiền thì tỉnh dậy.”

Sophie chạy qua sân vận động lép nhép nước là nước. Vài phút sau, cô nhìn thấy ai đó đang chạy về phía mình. Đó là mẹ cô. Những rạch chớp giận dữ nối tiếp nhau chọc thủng bầu trời.

Chạy tới nơi, mẹ cô choàng tay ôm Sophie.

“Chuyện gì đang xảy ra vậy, con gái bé bỏng?”

“Con không biết,” Sophie nức nở. “Như một cơn ác mộng.”