Thế giới như tôi thấy

Quốc tế khoa học

Trong chiến tranh, khi sự mù quáng về mặt dân tộc và về mặt chính trị đã đạt đến đỉnh cao của nó, trong một phiên họp của Viện Hàn lâm, Emil Fischer đã nhấn mạnh: “Thưa các ngài! Các ngài chẳng thể làm gì được cả. Khoa học có và sẽ còn có tính quốc tế.”

Những người vĩ đại trong số các nhà nghiên cứu đã luôn biết rõ và cảm nhận được điều này một cách nhiệt thành, cho dù trong những thời kỳ có những rắc rối chính trị, họ bị cô lập trước các đồng nghiệp có tầm cỡ nhỏ hơn của mình.

Trong cuộc chiến tranh vừa qua, phần lớn những người có quyền bỏ phiếu trong tất cả các phe phái đã phản bội giá trị thiêng liêng đã được giao phó cho họ. Liên đoàn Quốc tế của các viện hàn lâm đã bị giải tán. Các đại hội đã và vẫn đang được tổ chức nhưng lại loại trừ các chuyên gia từ các nước thù địch trước kia. Những tính toán chính trị được đưa ra với vẻ quan trọng đang ngăn cản sự thống trị độc tôn của những khía cạnh thuần túy chuyên môn vì sự phát triển thịnh vượng cho những mục tiêu lớn.

Những người có thiện chí, những kẻ không chịu khuất phục trước những tranh cãi đầy cảm tính, nhất thời, phải làm gì để giành lại những gì đã mất? Người ta vẫn chưa thể tổ chức được những hội nghị có quy mô lớn, thực sự có tính quốc tế, khi phần lớn những người lao động trí óc vẫn đang còn ở tình trạng đầy kích động như thế. Sự phản kháng về mặt tâm lý chống lại sự phục hồi những nhóm làm việc chung về khoa học có tính quốc tế vẫn còn quá mạnh khiến một thiểu số những người có những quan điểm và tình cảm rộng lớn hơn khó có thể vượt qua được. Những người này có thể đóng góp vào những mục tiêu lớn là làm lành mạnh các hiệp hội quốc tế, bằng cách duy trì các mối quan hệ chặt chẽ với những người cùng chí hướng và trong phạm vi ảnh hưởng của mình kiên trì bảo vệ những lợi ích quốc tế chung. Thành công một cách tổng thể thì còn phải chờ, nhưng chắc chắn nó sẽ đến. Tôi không muốn bỏ qua cơ hội này, mà không muốn nhấn mạnh một cách tự hào rằng, trong suốt những năm gian khổ này, mong muốn duy trì cộng đồng lao động trí óc vẫn còn sống động, đặc biệt trong một số lượng lớn các đồng nghiệp chuyên môn người Anh. Ở đâu cũng vậy, những phát biểu chính thức bao giờ cũng tệ hơn là tình cảm trong nội tâm của mỗi con người. Những người có thiện ý nên ghi nhớ đều này và đừng nên tức giận hay để mình bị nhầm lẫn: “senatores boni viri, senatus autem bestia” .

Nếu tôi hoàn toàn lạc quan về tiến bộ của tổ chức quốc tế nói chung, thì điều này phụ thuộc nhiều vào vào sức ép gay gắt của sự phát triển kinh tế, hơn là vào lòng tin ở sự sáng suốt và cao thượng của chính kiến. Bởi vì sự phát triển kinh tế phụ thuộc rất lớn vào lao động trí óc của các nhà khoa học có tư tưởng khá chậm tiến, nên chính những người này dù miễn cưỡng, cũng góp sức vào việc tạo dựng tổ chức quốc tế.