Thế giới như tôi thấy

Sản xuất và lao động

Trả lời một bức thư gửi đến

Tôi nhìn thấy sự bất cập chủ yếu ở trong tự do gần như vô hạn của thị trường lao động gắn liền với những tiến bộ phi thường của các phương pháp sản xuất. Để sản xuất những gì cần thiết cho các nhu cầu hiện nay, người ta không cần đến tất cả lực lượng lao động hiện có. Từ đây xuất hiện nạn thất nghiệp và cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa những người lao động. Ngoài ra, từ cả hai nguyên nhân trên, xuất hiện sự suy giảm sức mua và đồng thời là sự bóp nghẹt quá mức của toàn bộ chu trình kinh tế.

Tôi cũng được biết rằng, theo các nhà kinh tế tự do, việc gia tăng các nhu cầu sẽ cân đối lại mọi sự tiết kiệm về sức lao động. Tuy nhiên, tôi không tin điều này, và kể cả khi nó là có thật, thì các yếu tố kể trên luôn dẫn tới kết quả là mức sống của phần lớn dân chúng bị giảm sút một cách hoàn toàn giả tạo.

Cùng với quý vị, tôi cũng tin rằng, nhất thiết phải quan tâm để làm sao cho những người trẻ hơn có thể và cần phải tham gia vào quá trình sản xuất. Tôi cũng cho rằng, người ta nên đưa những người nhiều tuổi hơn khỏi những công việc nhất định mà tôi coi là không đòi hỏi trình độ. Bù lại, họ sẽ nhận được một khoản lương hưu, vì trước đây, trong một thời gian dài, họ đã thực hiện công việc một cách có hiệu quả, được xã hội thừa nhận.

Tôi cũng ủng hộ chủ trương dẹp bỏ các thành phố lớn. Tôi không ủng hộ việc định cư những người thuộc nhóm đặc biệt, chẳng hạn những người già vào trong các thành phố đặc biệt. Tôi phải nói rằng, đối với tôi, tư tưởng này là đáng ghê tởm.

Tôi cũng cho rằng, cần phải tránh sự chao đảo về giá trị đồng tiền, cụ thể bằng cách thay thế tiền vàng bằng đơn vị tiền tệ tương ứng với một lượng hàng hóa đa dạng, được ấn định theo tương quan sử dụng. Đó là một lượng hàng hóa như đã được Keynes đề nghị từ lâu, nếu tôi không nhầm. Khi vận dụng biện pháp này, người ta có thể chấp nhận một sự “lạm phát” nào đó đối với giá trị đồng tiền hiện nay, một khi người ta tin rằng, nhà nước thực sự sẽ biết sử dụng hợp lý món quà tặng được dành cho mình.

Theo quan niệm của tôi, các điểm yếu trong bản kế hoạch của ông chính là ở yếu tố tâm lý hoặc ở sự coi thường yếu tố này. Chủ nghĩa tư bản mang đến những tiến bộ không chỉ cho sản xuất, mà còn cho nhận thức. Đó không phải ngẫu nhiên. Thói ích kỷ và ganh đua (thật đáng tiếc) là những thế lực mạnh mẽ hơn là tinh thần cộng đồng hay ý thức trách nhiệm. Ở nước Nga, người ta thậm chí không có được một chiếc bánh mỳ đàng hoàng… Có lẽ tôi quá bi quan về những gì liên quan đến các doanh nghiệp của nhà nước và của các “tập thể” khác, nhưng tôi vẫn không trông đợi một cái gì tốt đẹp từ đó cả. Nạn quan liêu là Tử thần của mọi năng suất. Bản thân tôi đã nhìn thấy và nếm trải quá nhiều điều khủng khiếp, kể cả ở nước tương đối mẫu mực như là Thụy Sĩ.

Tôi có xu hướng cho rằng, nhà nước có thể thực sự có vai trò đối với quá trình sản xuất chỉ với tư cách là nhân tố hạn chế và điều tiết. Nhà nước phải quan tâm sao cho sự cạnh tranh của các lực lượng lao động được vận động trong các giới hạn lành mạnh, sao cho một sự phát triển bền vững được đảm bảo cho tất cả trẻ em và sao cho đồng lương lao động có đủ, để các hàng hóa được sản xuất ra cũng được sử dụng. Qua chức năng điều tiết của mình, nhà nước có thể có ảnh hưởng quyết định, nếu các biện pháp của nó được các chuyên gia độc lập chuẩn bị tốt về mặt chuyên môn nghiệp vụ.