Thế giới như tôi thấy

Thư gửi Sigmund Freud

Ngài Freud kính mến! Thật thán phục được thấy khát vọng tiếp cận đến chân lý ở Ngài đã vượt hẳn bất cứ một khát vọng nào khác. Với sự sáng sủa vô song, Ngài đã cho thấy, những bản năng tranh đấu và hủy diệt là không thể tách rời khỏi bản năng của tình yêu và hiếu sinh trong tâm lý con người như thế nào. Nhưng đồng thời, từ những diễn giải chặt chẽ của Ngài toát lên một khát vọng sâu thẳm về một mục tiêu vĩ đại cho việc giải phóng con người khỏi chiến tranh, trong tâm hồn cũng như trên thực tế.

Tất cả những ai đã được tôn vinh là những lãnh tụ trong lĩnh vực tinh thần và đạo đức vượt lên trên thời đại và dân tộc của mình, đều tán thành khát vọng vĩ đại này. Ở đây, nổi lên một sự thống nhất từ Jesus đến Goethe và Kant. Có một thực tế là những nhân vật này đã được mọi người công nhận là lãnh tụ, mặc dù ý chí của họ hướng đến việc tạo ra các mối quan hệ con người chỉ có khả năng thực hiện ở mức độ rất thấp. Thực tế này không có ý nghĩa gì sao?

Tôi tin chắc rằng, tuyệt đại đa số những cá nhân lỗi lạc, những người có vị trí hàng đầu nhờ các công trình của mình – dù chỉ là một nhóm nhỏ – đều cùng chia sẻ lý tưởng này. Họ có rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển về mặt chính trị. Thật tệ hại, khi lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến số phận của các quốc gia lại bị giao phó một cách không thể tránh khỏi cho sự trơ trẽn và vô trách nhiệm của những kẻ cầm quyền chính trị.

Các lãnh tụ chính trị hoặc các chính phủ có được cương vị của mình một phần nhờ bạo lực, một phần do sự lựa chọn của quần chúng. Họ không thể được xem như là đại diện cho bộ phận ưu tú về mặt tinh thần và đạo đức của các quốc gia. Tuy vậy, hiện nay, bộ phận tinh túy về trí tuệ lại không có ảnh hưởng trực tiếp nào đến lịch sử các dân tộc: Tình trạng phân tán của họ đã ngăn cản sự tham gia trực tiếp của họ vào việc giải quyết các vấn đề bức xúc. Do đó, nếu một số ít người, mà thành quả và ảnh hưởng của họ bảo đảm cho năng lực và sự trong sáng trong ý đồ tập hợp nhau lại, thì Ngài có tin rằng, một sự tập hợp như thế có thể tạo ra được sự biến chuyển ở đây hay không? Cộng đồng có đặc điểm quốc tế này, cộng đồng mà các thành viên của nó duy trì quan hệ thông qua việc trao đổi ý kiến thường xuyên, nhờ việc bày tỏ thái độ trên báo chí – luôn với trách nhiệm của mỗi thành viên ký kết – sẽ có thể tạo được ảnh hưởng quan trọng và bổ ích đối với giải pháp cho các vấn đề chính trị. Tất nhiên, một cộng đồng như vậy ắt không tránh khỏi bị tổn thương bởi mọi thứ tiêu cực vốn thường dẫn dắt giới trí thức hàn lâm vào sự thoái hóa; tức những mối nguy hiểm gắn liền chặt chẽ với những khiếm khuyết của bản tính con người. Dù vậy, tại sao ta lại không có dũng khí để thử tiến hành một nỗ lực như thế? Tôi coi một thử nghiệm như vậy hầu như là một bổn phận không thể từ khước được.

Nếu một tập thể trí tuệ có tiếng tăm như vậy có thể được thành lập, thì nó cũng phải có những nỗ lực có hệ thống để động viên các tổ chức tôn giáo tham gia vào cuộc vận động chống chiến tranh. Tập thể ấy nhất định sẽ mang lại một chỗ dựa tinh thần cho nhiều nhân vật, mà ý chí của họ hiện nay bị tê liệt vì nỗi chán chường đau đớn. Cuối cùng tôi tin rằng, một cộng đồng bao gồm những cá nhân có uy tín lớn do thành quả của họ cũng xứng đáng trở thành chỗ dựa tinh thần đáng quý cho các lực lượng trong Hội Quốc Liên, những lực lượng thực sự cống hiến năng lực của mình cho mục tiêu cao cả của tổ chức này.

Sở dĩ tôi thích trình bày những việc này cho Ngài hơn là cho bất kỳ ai khác, là vì khác với mọi người, Ngài không cảm thấy bị làm phiền khi lắng nghe về những ước vọng và bởi vì nhận định có tính phê phán của Ngài thể hiện ý thức trách nhiệm nghiêm chỉnh nhất.